GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 19/6/2006

 TUẦN MÌNH MÁU CHÚA

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa Giêsu 18/6/2006 về Thánh Thể

?  “Đức Ái là Hồn Sống của Truyền Giáo” - Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo năm thứ 80, 22/10/2006

?  Tòa Thánh Công Giáo Rôma với Giáo Hội Hiệp Thông Anh Giáo Về Vấn Đề Tấn Phong Giám Mục Cho Nữ Giới

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa Giêsu 18/6/2006 về Thánh Thể

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm nay Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành ở Ý cũng như ở các quốc gia khác, một lễ đã trải qua những giây phút sôi động ở Rôma qua cuộc kiệu rước của thành phố này vào Hôm Thứ Năm.

 

Đây là một lễ trọng chung về Thánh Thể, bí tích mình máu Chúa Kitô: Vào ngày này, mầu nhiệm được thiết lập ở Nhà Tiệc Ly và được tưởng niệm hằng năm vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, là mầu nhiệm được bày tỏ cho tất cả mọi người sống đức tin và lòng sùng mộ của cộng đồng giáo hội.

 

Thật vậy, Thánh Thể là ‘kho tàng’ của Giáo Hội, gia sản quí báu Chúa Kitô đã để lại cho Giáo Hội. Và Giáo Hội gìn giữ kho tàng này hết sức can thận, cử hành hằng ngày nơi Thánh Lễ, tôn thờ trong các nhà thờ và nguyện đường, phân phát cho bệnh nhân, và như của ăn đàng cho những ai đi đến giai đoạn cuối cuộc hành trình của họ.

 

Tuy nhiên, kho tàng này, một kho tàng giành riêng cho những ai lãnh nhận phép rửa, không thu hẹp phạm vi hoạt động trong giới hạn của Giáo Hội: Thánh Thể là Chúa Giêsu ban mình ‘cho thế gian được sự sống’ (Jn 6:51). Ở mọi lúc và mọi nơi, Người muốn gặp gỡ con người và ban cho họ sự sống của Thiên Chúa.  

 

Chẳng những thế, Thánh Thể cũng có giá trị về vũ trụ nữa: Việc biến đổi bánh và rượu thành mình và máu Chúa Kitô thực sự làm nên nguyên tắc cho việc thần linh hóa chính thiên nhiên tạo vật. Đó là lý do tại sao lễ Mình Máu Chúa Kitô đặc biệt nổi bật với truyền thống rước kiệu Bí Tích Thánh, một cử chỉ mang đầy ý nghĩa.  

 

Bằng việc rước kiệu Thánh Thể qua các đường phố, chúng ta muốn làm tràn ngập thứ bánh từ trời vào mọi ngày trong cuộc đời của chúng ta; chúng ta muốn Chúa Giêsu đi nơi chúng ta đi; sống nơi chúng ta sống. Thế giới của chúng ta, cuộc sống của chúng ta, cần phải trở nên đền thờ của Người.

 

Vào ngày lễ này, cộng đồng Kitô hữu công bố rằng Thánh Thể là tất cả mọi sự cho họ, Thánh Thể là chính sự sống của họ, là nguồn mạch yêu thương chiến thắng sự chết. Từ mối hiệp thông với Chúa Kitô xuất phát một thứ đức ái biến đổi đời sống của chúng ta và hỗ trợ suốt cuộc hành trình về quê hương thiên quốc. Đó là lý do phụng vụ mời gọi chúng ta xướng lên rằng: ‘Hỡi vị mục tử nhân lành, hỡi bánh sự sống chân thực… Người là Đấng biết tất cả mọi sự và có thể làm hết mọi sự, Đấng dưỡng nuôi chúng con trên trái đất này, dẫn các người anh em của Người đến bàn tiệc nước trời, trong vinh quang của các vị thánh nhân Người’.

 

Mẹ Maria là ‘người nữ Thánh Thể’, như Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xưng tụng trong thông điệp ‘Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể’ của ngài. Chúng ta hãy cầu xin Vị Trinh Nữ này để tất cả mọi Kitô hữu được đi sâu vào niềm tin tưởng của họ nơi mầu nhiệm Thánh Thể, để họ sống liên lỉ hiệp thông với Chúa Giêsu và là những chứng nhân hiệu năng của Người.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/6/2006

 

 

 

TOP

 

 

 ? “Đức Ái là Hồn Sống của Truyền Giáo” - Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo năm thứ 80, 22/10/2006

 

Anh Chị Em thân mến,

 

1.         Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giới chúng ta sẽ cử hành vào Chúa Nhật 22/10 là cơ hội để chia sẻ trong năm nay về đề tài: ‘Đức Ái là hồn sống của truyền giáo’.

 

Trừ phi việc truyền giáo được đức ái hướng động, tức là trừ phi nó xuất phát từ tác động mãnh mẽ của tình yêu thần linh, bằng không nó sẽ có cơ nguy bị biến thành một thứ hoạt động thuần túy nhân đạo và xã hội. Thật vậy, tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người làm nên cốt lõi của cảm nghiệm và việc loan truyền Phúc Âm, và những ai đón nhận tình yêu này thì cũng trở thành chứng nhân của nó. Tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu ban sự sống cho thế gian, là tình yêu đã được cống hiến cho chúng ta nơi Chúa Giêsu, Lời cứu độ, hình ảnh tuyệt hảo của tình Cha Trên Trời xót thương.

 

Sứ điệp cứu độ bởi thế có thể được tóm gọn rõ ràng nơi những lời của Thánh Ký Gioan: ‘Tình yêu của Thiên Chúa bày tỏ nơi chúng ta là thế này, đó là Ngài đã sai Người Con duy nhất của mình đến thế gian để chúng ta nhờ Người mà được sống’ (1Jn 4:9).

 

Chính sau cuộc Phục Sinh mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Đồ lệnh truyền loan báo tin mừng yêu thương này, và các Vị Tông Đồ, bề trong được quyền năng của Thánh Linh biến đổi vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, bắt đầu làm chứng cho Chúa Kitô là Đấng đã chết đi và sống lại. Từ đó, Giáo Hội đã tiếp tục sứ vụ này, một sứ vụ là một cuộc dấn thân bất khả châm chước và liên tục đối với tất cả mọi tín hữu.

 

2.         Vì vậy, hết mọi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi để làm cho Thiên Chúa là Tình Yêu được nhận biết. Trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu của mình, tôi đã muốn dừng lại suy niệm về mầu nhiệm nền tảng đức tin của chúng ta đây. Thiên Chúa làm cho tất cả tạo vật cùng lịch sử loài người thấm đậm tình yêu thương của Ngài.

 

Từ ban đầu con người xuất phát từ bàn tay của Đấng Hóa Công như hoa trái của sáng kiến yêu thương. Sau đó, tội lỗi đã làm lu mờ đi hình ảnh của thần linh nơi họ.

 

Bị đánh lừa bởi Tên Gian Ác, Adong và Evà, những vị cha mẹ tiên khởi của chúng ta, đã không sống trọn mối liên hệ của lòng tin tưởng giành cho Chúa của các vị, bằng việc chiều theo chước cám dỗ của Tên Gian Ác là kẻ gieo vào lòng họ sự ngờ vực cho rằng Chúa là một đối thủ và muốn giới hạn tự do của họ.

 

Bởi thế họ đã coi mình hơn tình yêu thần linh đã được giành cho họ, vì họ tin rằng nhờ đó họ quyết định theo ý riêng của mình. Hậu quả là họ đã đi đến chỗ mất đi hạnh phúc nguyên thủy của mình và nếm mùi đau thương của tôị lỗi và sự chết.

 

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Ngài đã hứa ban ơn cứu độ cho họ cũng như cho miêu duệ của họ, loan báo trước cho họ biết rằng Ngài sẽ sai Người Con Duy Nhất của mình là Đức Giêsu, Đấng vào thời gian viên trọn đã mạc khải tình yêu của Ngài là Cha, một tình yêu có khả năng cứu chuộc hết mọi con người tạo vật khỏi cảnh nô lệ sự dữ và sự chết.

 

Thế nên, nơi Chúa Kitô, sự sống bất tử đã được truyền đạt cho chúng ta, truyền đạt chính sự sống của Chúa Ba Ngôi. Nhờ Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành không bỏ rơi con chiên lạc của mình, con người thuộc mọi thời đại được ban cho cơ hội để được hiệp thông với Thiên Chúa, Người Cha Xót Thương sẵn sàng đón nhận về nhà Người Con Hoang Đàng.

 

Một dấu hiệu bàng hoàng kinh ngạc của tình yêu này đó là Thập Giá. Tôi đã viết trong bức Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu rằng cuộc tử giá của Chúa Kitô trên Thập Giá là ‘tột đỉnh của việc Thiên Chúa quay ra chống lại chính mình, nhờ đó chính Ngài nâng con người lên và cứu độ họ… Đây là một hình thức cực đoan nhất của tình yêu … Chính ở nơi đây mới có thể chiêm ngắm được sự thật này. Chính từ đó chúng ta mới hiểu được tình yêu này. Trong việc chiêm ngắm này Kitô hữu khám phá ra con đường mà họ phải sống và theo’ (đoạn 12).

 

3.         Vào ngày áp Cuộc Khổ Giá của mình, Chúa Giêsu để lại như một chúc thư cho các môn đệ của mình, thành phần đã qui tụ lại ở Căn Thượng Lầu để cử hành Lễ Vượt Qua, ‘giới luật mới – mandatum novum’: ‘Thày truyền cho các con điều này là các con hãy yêu thương nhau’ (Jn 15:17). Tình yêu huynh đệ Chúa Kitô xin thành phần ‘bạn hữu’ của Người là tình yêu xuất phát từ tình yêu thương thân phụ của Thiên Chúa.

 

Tông Đồ Gioan ghi nhận rằng: ‘Ai yêu mến là người được hạ sinh bởi Thiên Chúa và mến yêu Thiên Chúa’ (1Jn 4:7). Bởi thế, theo ý muốn của Thiên Chúa thì để yêu thương cần phải sống trong Ngài và bởi Ngài: Thiên Chúa là ‘ngôi nhà’ đầu tiên của con người, và chỉ khi nào ở trong Thiên Chúa con người nam nữ mới bừng lên ngọn lửa yêu thương thần linh là ngọn lửa ‘nung nấu’ thế gian. 

 

Bởi vậy, không có gì là khó hiểu là mối quan tâm đích thực truyền giáo, việc dấn thân ưu tiên của Cộng Đồng Giáo Hội, được gắn liền với lòng trung thành với tình yêu thần linh, và điều này là những gì chân thực đối với mọi cá nhân kitô hữu, với mọi cộng đồng địa phương, với các Giáo Hội riêng cũng như với toàn thể Dân Chúa.

 

Việc quảng đại sẵn sàng của thành phần môn đệ Chúa Kitô trong việc đảm trách các công cuộc tiến bộ về nhân bản và tâm linh lấy được nghị lực thực sự từ ý thức của việc truyền giáo chung này. Những công cuộc ấy, như Đức Gioan Phaolô II yêu dấu viết trong Thông Điệp Redemptoris Missio, cho thấy ‘hồn sống của tất cả mọi hoạt động truyền giáo là tình yêu, một tình yêu vẫn là và vẫn là mãnh lực lôi kéo của việc truyền giáo, và còn là ‘tiêu chuẩn duy nhất để phân định những gì được thực hiện hay chưa được thực hiện, những gì cần được thay đổi hay không được đổi thay. Nó là nguyên tắc cần phải hướng dẫn mọi hành động, và mọi đích điểm chi phối hành động. Khi chúng ta tác hành theo chiều hướng đức ái, hay được tác động bởi đức ái, thì không gì lại không thể và mọi sự đều tốt đẹp’ (đoạn 60).

 

Tóm lại, là thành phần thừa sai nghĩa là mến yêu Thiên Chúa với tất cả tâm hồn của mình, cho đến độ, nếu cần, chết vì Ngài. Biết bao nhiêu là các vị linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã cống hiến chứng từ cao cả yêu thương này bằng việc tử đạo ngay trong thời điểm của chúng ta đây!

 

Là thành phần thừ sai nghĩa là cúi mình xuống với những nhu cầu của tất cả mọi người, như Người Samaritanô Nhân Lành, nhất là những ai bần cùng nhất và thành phần cơ cực nhất, vì những ai yêu mến bằng Trái Tim Chúa Kitô thì không tìm kiếm tư lợi của mình mà là vinh quang của của Chúa Cha và thiện ích của tha nhân mình mà thôi.

Đó là cái bí mật của việc sinh hoa trái tông đồ nơi hoạt động truyền giáo vượt biên cương bờ cõi và các nền văn hóa, vươn tới các dân tộc và lam tới tận cùng thế giới.

 

4.         Anh chị em thân mến, chớ gì Ngày Thế Giới Truyền Giáo trở thành một cơ hội hữu ích để hiểu hơn nữa là chứng từ yêu thương, hồn sống của việc truyền giáo, là những gì liên quan tới mọi người. Thật vậy, việc phục vụ Phúc Âm không được coi là một cuộc mạo hiểm đơn độc mà là một cuộc dấn thân cần phải được mọi cộng đồng góp phần.  

 

Cũng như những ai đang ở tiền tuyến truyền bá phúc âm hóa – và ở đây tôi đang tri ân nghĩ đến những vị thừa sai nam nữ – nhiều người khác, trẻ em, giới trẻ và người lớn, qua những lời nguyện cầu và hợp tác của mình, góp phần bằng những đường lối khác nhau trong việc làn truyền Vương Quốc của Thiên Chúa trên thế gian. Hy vọng rằng việc tham dự này sẽ tiếp tục gia tăng, nhờ việc góp phần của mỗi người và mọi người.

 

Tôi muốn lợi dụng cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc cũng như với Chư Hội Truyền Giáo Của Tòa Thánh, những cơ cấu dấn thân điều hợp các nỗ lực được thực hiện khắp nơi trên thế giới để hỗ trợ hoạt động của những ai ở tiền tuyến truyền giáo.

 

Xin Trinh Nữ Maria, Vị đã chủ động hợp tác ngay từ ban đầu nơi việc truyền giáo của Giáo Hội bằng sự hiện diện của Mẹ dưới chân cây Thập Giá và bằng lời nguyện cầu của mình ở Căn Thượng Lầu, bảo trì hoạt động của họ và giúp cho các tín hữu trong Chúa Kitô càng biết yêu thương chân thực hơn, nhờ đó họ trở thành nguồn mạch nước sự sống trong một thế giới khát khao linh thiêng. Tôi hết sức mong muốn điều này, nên tôi ban Phép Lành của tôi cho tất cả anh chị em.

 

Tại Vatican ngày 29/4/2006

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/missions/documents/hf_ben-xvi_mes_20060429_world-mission-day-2006_en.html  

 

TOP

 

 

?   Tòa Thánh Công Giáo Rôma với Giáo Hội Hiệp Thông Anh Giáo Về Vấn Đề Tấn Phong Giám Mục Cho Nữ Giới

 

(Tiếp 18 Chúa Nhật)

 

Trong cuộc họp của các vị giám mục Anh Quốc ngày 5/6/2006 về vấn đề tấn phong cho nữ giới làm giám mục, Đức Hồng Y William Kasper, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo đã ngỏ lời rất dài, gồm có 6 đoạn, kể cả đoạn nhập đề (liên quan đến lý do tại sao ngài viết lá thư này, đó là để đáp lời mời của Đức Tổng Giám Mục Canterbury) và đoạn phụ đề (liên quan tới những lời của ĐTC Biển Đức XVI nói với hàng giáo sĩ Rôma ngày 2/3/2006 về vấn đề nữ giới trong Giáo Hội), riêng đoạn thứ nhất là đoạn nói tới tiến trình huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo trước vấn đề này của Giáo Hội Hiệp Thông Anh Giáo. Sau đây chỉ xin chuyển dịch phần thứ nhất này mà thôi.

 

Giáo Hội Công Giáo phân biệt một đàng giữa giá trị bình đẳng với phẩm giá bình đẳng giữa con người nam nữ, đàng khác là vấn đề khác biệt giữa hai phái tính là những khác biệt liên hệ bổ túc cho nhau.

 

Những phát biểu tương tự như thế cũng được bày tỏ trong văn kiện của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin ‘Về mối hợp tác giữa con người nam nữ trong Giáo Hội và trên thế giới’ (2004). Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã lập lại và cụ thể hóa quan điểm này trong bài nói với hàng giáo sĩ Rôma ngày 2/3/2006 (Address of Benedict XVI to the clergy of Rome on March 2, 2006).

 

Tôi biết rằng vấn đề này bao gồm nhiều rắc rối phức tạp liên quan tới dẫn giải học, nhân loại học và thần học là những gì tôi không thể đi sâu vào bối cảnh ấy ở đây. Chủ trương của Giáo Hội Công Giáo chỉ có thể được hiểu và thẩm định nếu người ta nhìn nhận rằng luận chứng ấy có nền tảng trong Thánh Kinh và Giáo Hội không đọc Thánh Kinh như là một bản văn kiện về lịch sử có tính cách biệt lập.

 

Trái lại Giáo Hội hiểu Thánh Kinh theo chiều hướng tất cả truyền thống 2000 năm của tất cả mọi giáo hội xưa, Giáo Hội Công Giáo cũng như các Giáo Hội Đông Phương cổ và Giáo Hội Chính Thống.

 

Chắc chắn những quan điểm lệ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử có những lúc không thể tránh được đã chi phối truyền thống này. Có một số lập luận thuộc về quá khứ chúng ta không thể lập lại ngày nay. Dĩ nhiên chúng ta cần phải ý thức rằng các quan điểm hiện đại của chúng ta cũng tùy thuộc vào nhiều vấn đề được thừa nhận theo lịch sử, và có lẽ chỉ có các thế kỷ mai hậu mới có thể đo lường được việc thời đại của chúng ta chúng ta đã bị chi phối biết là chừng nào; họ có lẽ sẽ khúc khích cười về nhiều điều chúng ta công nhận ngày nay, như chúng ta đã lật ngược nhiều tư tưởng của thế giới cổ thời và trung cổ vậy.

 

Ngoài ra, về phương diện hàn lâm, có thể chứng tỏ rằng việc bác bỏ vấn đề truyền chức cho nữ giới trong khuôn khổ truyền thống không phải là những gì được khẳng định chỉ nguyên theo những quan niệm hiện đại mà thôi, nhưng tự bản chất được khẳng định theo những lập luận về thần học. Bởi thế, không được cho rằng Giáo Hội Công Giáo một ngày kia sẽ thay đổi chủ trương hiện nay của mình. Giáo Hội Công Giáo tin tưởng rằng mình không có quyền làm như thế. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/6/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ