GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 1/6/2006

 TUẦN VII PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI chia sẻ trong Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 31/5/2006 về Cảm Nghiệm Tông Du Mục Vụ Balan 25-28/5/2006

?  Theo bước chân của Đức Gioan Phaolô II, một nhân chứng đức tin” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Dụ Thành Phần Dân Chúng, ở Wadowice, Rynek Square  Thứ Năm 27

?  Chúng ta cần phải hết sức chú trọng tới việc phát triển đức tin của chúng ta, để đức tin được thực sự thấm đậm tất cả mọi thái độ, tâm tưởng, hành động và ý hướng của chúng ta - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Dụ Thành Phần Tu Sĩ, Chủng Sinh và Đại Diện Các Phong Trào, ở Czestochowa Thứ Sáu 26

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI chia sẻ trong Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 31/5/2006 về Cảm Nghiệm Tông Du Mục Vụ Balan 25-28/5/2006

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay, tôi muốn ôn lại với anh chị em những đoạn đường của chuyến tông du tôi mới thực hiện ở Balan trong mấy ngày gần đây. Tôi xin cám ơn hội đồng giám mục Balan, cách riêng các vị tổng giám mục các tổng giáo phận Warsaw và Krakow, về nhiệt tình và lo lắng để sửa soạn cho chuyến viếng thăm này. Một lần nữa tôi xin cảm tạ vị tổng thống của nước cộng hòa này cũng như các vị thẩm quyền khác nhau của đất nước ấy, cùng tất cả những ai giúp vào việc thành đạt của chuyến viếng thăm này.

 

Trên hết, thâm tâm tôi muốn cám ơn những người Công Giáo cùng toàn thể nhân dân Balan, vì tôi đã cảm thấy được việc thiết tha gắn bó đầy nồng nàn về nhân bản cũng như về thiêng liêng của họ. Nhiều người trong anh chị em đã nhìn thấy điều ấy qua truyền hình. Nó thực sự là một biểu hiện của công giáo tính, của lòng mến yêu Giáo Hội, một lòng mến yêu được bày tỏ nơi lòng yêu mến Vị Thừa Kế Thánh Phêrô.

 

Sauk hi đến phi trường Warsaw, nơi hẹn hò đầu tiên của tôi được giành cho các vị linh mục đó là vương cung thánh đường của thành phố quan trọng ấy vào ngày đang mừng kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục của Đức Hồng Y Jozef Glemp, vị mục tử của Tổng Giáo Phận này. Bởi thế, cuộc hành trình của tôi đã mở màn bằng dấu hiệu của thiên chức linh mục và sau đó cuộc hành trình đã được tiếp tục với mối quan tâm về đại kết tại Nhà Thờ Luthêrô Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

 

Trong dịp này, cùng với thành phần đại diện các giáo hội khác nhau và các cộng đồng giáo hội ở Balan, tôi đã khẳng định quyết định mạnh mẽ trong việc coi vấn đề dấn thân để tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình nơi thành phần Kitô hữu như là một ưu tiên thực sự nơi thừa tác vụ của tôi.

 

Sau đó là cuộc long trọng cử hành Thánh Thể ở Quảng Trường Pilsudski, đông đảo dân chúng, tại trung tâm Warsaw. Nơi này, nơi chúng tôi long trọng cử hành Thánh Thể một cách hân hoan, đã có một giá trị tiêu biểu, như nó đã đóng vai trò chủ yếu trong các biến cố lịch sử như các Thánh Lễ được Đức Gioan Phaolô II cử hành và lễ an táng của Đức Hồng Y Giáo Chủ Stefan Wyszynski, cùng một số các cử hành lớn để cầu hồn cho vị tiền nhiệm đáng kính của tôi vào những ngày sau khi ngài băng hà.

 

Chương trình của chuyến tông du này cũng không thể nào không bao gồm cả việc viếng thăm các đền thờ ghi dấu vết đời sống của Đức Karol Wojtyla khi còn là linh mục và giám mục, nhất là 3 đền thờ, đền thờ Czestochowa, đền thờ Kalwaria Zebrzidowska và đền thờ Lòng Thương Xót Chúa. Tôi không thể quên được cuộc viếng thăm đền Thánh Mẫu Jasna Gora nổi tiếng. Trên Ngọn Núi Sáng Tỏ đó, tâm điểm của nước Balan, nó giống như một căn nhà tiệc ly, rất nhiều tín hữu, nhất là thành phần tu sĩ nam nữ, chủng sinh và đại diện các phong trào trong giáo hội, qui tụ lại quanh Vị Thừa Kế Thánh Phêrô để cùng với tôi lắng nghe Mẹ Maria.

 

Được tác động bởi những suy niệm tuyệt vời về Thánh Mẫu, những suy niệm Đức Gioan Phaolô II đã cống hiến cho Giáo Hội trong bức thông điệp ‘Mẹ Đấng Cứu Chuộc’, tôi muốn phác họa một lần nữa đức tin là một thái độ nồng cốt của tinh thần, một tinh thần không phải chỉ là những gì thuần túy về tri thức hay tình cảm. Đức tin chân chính là những gì bao gồm toàn thể con người: các tư tưởng, cảm tình, ý hướng, liên hệ, bản tính thể lý, hoạt động và việc làm hằng ngày của họ.

 

Sau đó, đến thăm đền thờ tuyệt vời Kalwaria Zebrzydowska, gần Krakow, tôi đã cầu xin Đức Mẹ Sầu Bi hãy nâng dỡ đức tin của cộng đồng giáo hội vào những lúc khó khăn và thử thách; chặng viếng thăm tiếp theo đó là ở Đền Thờ Lòng Thương Xót Chúa ở Lagiewniki, là nơi cho tôi được dịp nhấn mạnh rằng chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới làm sáng tỏ mầu nhiệm con người. Ở một nữ tu viện gần đền thờ này, khi chiêm ngắm những thương tích rạng ngời của Chúa Kitô phục sinh, Nữ Tu Faustina Kowalska đã lãnh nhận một sứ điệp về niềm tin tưởng gửi cho nhân loại, sứ điệp của Lòng Thương Xót Chúa, một sứ điệp đã được vang vọng bởi Đức Gioan Phaolô II, vị đã trở thành dẫn giải viên cho sứ điệp ấy. Nó thực sự là sứ điệp chính yếu cho thời đại của chúng ta: Tình Thương là mãnh lực của Thiên Chúa, là giới hạn thần linh đối với sự dữ trên thế giới này.

 

(còn 1 kỳ)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 31/5/2006

 

TOP

 

 

 ?  Theo bước chân của Đức Gioan Phaolô II, một nhân chứng đức tin

 

GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Dụ Thành Phần Dân Chúng, ở Wadowice, Rynek Square  Thứ Năm 27

 

Anh Chị Em thân ái,

 

Tôi cảm thấy đầy xúc động ở nơi sinh trưởng này của Vị Đại Tiền Nhiệm tôi là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, nơi tỉnh mà ngài đã trải qua thời thơ ấu và thanh niên. Thật vậy, tôi không thể nào không tới Wadowice khi tôi hành hương đến Balan theo bước chân của ngài. Tôi muốn dừng lại chính địa điểm này, nơi ngài đã bắt đầu sống đức tin và trưởng thành đức tin, để cùng với tất cả anh chị em nguyện cầu cho ngài sớm được tôn vinh trên bàn thờ. Johann Wolfgang von Goethe, một đại thi hào người Đức, đã nói: ‘Ai muốn hiểu được một nhà thơ thì cần phải đến viếng thăm quê hương của nhà thơ ấy. Điều này cũng đúng với những ai muốn hiểu được đời sống và thừa tác vụ của Đức Gioan Phaolô II; cần phải đến thành phố sinh trưởng của ngài đây. Chính ngài đã thú nhận rằng, ở nơi đây, ở Wadowice này, ‘mọi sự đã được bắt đầu: đời sống, học hành, khấu trường và linh mục’ (Wadowice, 16/6/1999).

 

Đức Gioan Phaolô II, khi quay về với những thuở ban đầu của mình, thường đề cập tới một dấu hiệu, đó là dấu hiệu bể rửa tội, là dấu hiệu được chính ngài đặc biệt tôn kính nơi Giáo Hội ở Wadowice. Vào năm 1979, trong chuyến hành hương đầu tiên của ngài về Balan, ngài đã nói rằng: ‘Nơi bể rửa tội này đây, vào ngày 20/6/1920, tôi đã lãnh nhận ơn được làm con Thiên Chúa, cùng với đức tin vào Đấng Cứu Chuộc của tôi, và tôi đã được đón nhận vào cộng đồng Giáo Hội. Tôi đã trịnh trọng hôn bể rửa tội này vào năm mừng kỷ niệm đệ nhất thiên niên Balan được lãnh nhận Phép Rửa, vào lúc tôi làm Tổng Giám Mục Kraków hồi ấy. Tôi đã hôn bể rửa tội này một lần nữa vào dịp kỷ niệm 50 năm tôi được lãnh nhận bí tích thanh tẩy, lúc tôi làm Hồng Y, và hôm nay đây tôi hôn bể rửa tội này lần thứ ba, khi tôi từ Rôma trở về như Vị Thừa kế Thánh Phêrô’ (Wadowice, 7/6/1979). Dường như nơi những lời này của Đức Gioan Phaolô II có chất chứa cái then chốt để hiểu được tính cách nhất trí nơi đức tin của ngài, tính cách sâu xa nơi đời sống Kitô hữu của ngài, và ước vọng nên thánh được ngài liên tục bộc lộ. Ở đây, với ý thức sâu xa về ân sủng thần linh, về tình yêu vô tư của Thiên Chúa đối với loài người, mà thành phần Dự Tòng, nhờ nước và Thánh Linh được thuộc vào số muôn vàn con cái của Ngài, thành phần được Máu Chúa Kitô cứu chuộc. Đường lối của đời sống Kitô hữu chân chính là những gì tương đương với lòng trung thành thực hiện các lời hứa quyết của Phép Rửa thánh. Câu khẩu hiệu cho chuyến hành hương này là ‘Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em’ ở nơi đây có một chiều kích cụ thể có thể được diễn đạt bằng lời huấn dụ như thế này: ‘Hãy cương quyết tuân giữ các lời hứa quyết của phép rửa’. Một chứng nhân của chính  đức tin này là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, vị được nơi chốn này nói tới một cách rất đặc biệt.

 

(còn 1 kỳ)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060527_wadowice_en.html

 

 

TOP

 

 

?   Chúng ta cần phải hết sức chú trọng tới việc phát triển đức tin của chúng ta, để đức tin được thực sự thấm đậm tất cả mọi thái độ, tâm tưởng, hành động và ý hướng của chúng ta

 

GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Dụ Thành Phần Tu Sĩ, Chủng Sinh và Đại Diện Các Phong Trào, ở Czestochowa Thứ Sáu 26

 

Quí Tu Sĩ Nam Nữ, thành phần sống đời tận hiến, những người đã được lời Chúa Giêsu tác động vì mến yêu mà theo Người!

 

Quí Chủng Sinh, những người đang dọn mình làm linh mục thừa tác!

 

Quí đại diện các phong trào công giáo tiến hành, thành phần mang quyền năng của Phúc Âm đến cho các gia đình, đến hãng xưởng, đến đại học đường, đến thế giới truyền thông và văn hóa, đến giáo xứ họ đạo của mình!

 

Như các Vị Tồng Đồ đã cùng với Mẹ Maria ‘lên căn thượng lầu’ và ở đó ‘đồng tâm nhất trí nguyện cầu’ (Acts 1:12,14), cả chúng ta nữa, cũng qui tụ lại hôm nay đây ở Jasna Góra, một nơi, đối với chúng ta trong giây phút này đây, là ‘căn thượng lầu’, nơi Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, hiện diện giữa chúng ta. Hôm nay đây, chính Mẹ là vị hướng dẫn việc suy niệm của chúng ta; Mẹ dạy chúng ta cách thức nguyện cầu. Mẹ Maria tỏ cho chúng ta thấy làm thế nào để chúng ta có thể mở lòng trì mình ra trước quyền năng của Thánh Linh, Đấng đến với chúng ta để được mang đến cho toàn thế giới. Chúng ta cần một giây phút thinh lặng và suy tưởng trong việc ngồi vào học đường của Mẹ, nhờ đó Mẹ mới dạy cho chúng ta làm thế nào để sống bởi đức tin, làm thế nào để có thể lớn lên trong đức tin, làm thế nào để giữ được mối giao tiếp với mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi các biến cố tự nhiên thường nhật trong cuộc sống của chúng ta. Với tính chất tế nhị của nữ giới và bằng ‘khả năng hòa hợp cái trực giác sâu xa với ngôn từ lời lẽ đỡ nâng và phấn khích’ (Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc, đoạn 46), Mẹ Maria đã bảo trì đức tin của Thánh Phêrô và của các Vị Tông Đồ ở Căn Thượng Lầu, và hôm nay đây Mẹ bảo trì đức tin của tôi cũng như của anh chị em.

 

‘Đức tin là mối giao hệ với mầu nhiệm của Thiên Chúa’ (cùng nguồn vừa dẫn, đoạn 17), vì ‘tin tưởng tức là phó mình cho sự thật nơi lời của Thiên Chúa hằng sống, nhận biết và khiêm tốn nhìn nhận phán quyết của Ngài là những gì khôn dò và đường lối của Ngài thì khôn thấu’ (cùng nguồn, 14). Đức tin là một tặng ân, được ban cho chúng ta nơi Phép Rửa, một Phép Rửa làm hiện thực việc chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ẩn thân trong mầu nhiệm; nghĩ rằng hiểu được Ngài có nghĩa là muốn giam nhốt Ngài vào ý nghĩ và kiến thức của chúng ta, bởi thế sẽ mất Ngài ngay tức khắc. Tuy nhiên, với đức tin, chúng ta có thể thấy được trước mặt một con đường xuyên qua các quan niệm, thậm chí là những quan niệm về thần học, và có thể ‘đụng chạm’ tới Vị Thiên Chúa hằng sống. Và Thiên Chúa, một khi được chạm tới, liền ban cho chúng ta quyền lực của Ngài. Khi chúng ta phó mình cho Vị Thiên Chúa hằng sống này, khi chúng ta chạy đến với Ngài bằng tấm lòng khiêm tốn, thì một thứ suối nguồn của sự sống thần linh thầm kín tuôn tràn ra trong chúng ta. Quan trọng biết bao việc tin tưởng vào quyền năng của đức tin, vào khả năng của đức tin trong việc tạo nên một mối liên hệ chặt chẽ với Vị Thiên Chúa hằng sống! Chúng ta cần phải hết sức chú trọng tới việc phát triển đức tin của chúng ta, để đức tin được thực sự thấm đậm tất cả mọi thái độ, tâm tưởng, hành động và ý hướng của chúng ta. Đức tin có một chỗ đứng, chẳng những trong tình trạng của linh hồn và nơi các cảm nghiệm về đạo nghĩa, nhất là trong tâm tưởng và hành động, trong công việc làm hằng ngày, trong cuộc chiến đấu với bản thân mình, trong đời sống cộng đồng cũng như trong việc tông đồ, vì đức tin là những gì bảo đảm cho việc đời sống của chúng ta được thấm đẫm quyền năng của chính Thiên Chúa. Đức tin bao giờ cũng có thể mang chúng ta về với Thiên Chúa thậm chí cả những lúc tội lỗi dẫn chúng ta đi vào con đường sai trật lệch lạc chăng nữa.

 

Ở Căn Thượng Lầu ấy, các Vị Tông Đồ không biết được những gì đang đợi chờ các vị. Các vị bấy giờ đang sợ hãi và lo âu về tương lai của các vị. Các vị tiếp tục ngẫm nghĩ về cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu và đang đau buồn cảm thấy bị bỏ mặc sau khi Người thăng thiên về Trời. Mẹ Maria, ‘Vị đã tin rằng lời Chúa phán sẽ được thực hiện’ (x Lk 1:45), thiết tha nguyện cầu cùng với các Vị Tông Đồ, đã dạy sống kiên trì trong đức tin. Qua thái độ của mình, Mẹ đã chinh phục được các vị là Thánh Thần, theo đức khôn ngoan của Ngài, biết rõ đường lối Ngài dẫn dắt họ bước đi, do đó, các vị có thể tin tưởng nơi Thiên Chúa, dứt khoát hiến mình cho Ngài, cùng với tài năng của các vị, những hạn hữu của các vị và tương lai của các vị.

 

Nhiều người trong anh chị em hiện diện nơi đây đã cảm nghiệm thấy tiếng gọi thầm kín này của Thánh Thần và đã đáp lại bằng một tấm lòng hoàn toàn quảng đại. Tình yêu của Chúa Giêsu ‘được tuôn đổ vào lòng anh chị em nhờ Thánh Thần là Đấng được ban cho anh chị em’ (x Rm 5:5) là những gì cho anh chị em thấy con đường sống đời tận hiến. Không phải là anh chị em tìm kiếm tình yêu này. Chính Chúa Giêsu là Đấng đã kêu gọi anh chị em, mời gọi anh chị em đến với cuộc hiệp nhất sâu xa với Người. Nơi bí tích Thánh Tẩy, anh chị em đã từ bỏ Satan cùng với những việc làm của hắn, và đã lãnh nhận những ơn cần thiết cho đời sống Kitô hữu và cho việc nên thánh. Từ lúc ấy, ơn đức tin đã nở ra trong anh chị em, và giúp cho anh chị em có thể hiệp nhất với Thiên Chúa. Ở vào giây phút anh chị em tuyên lời khấn dòng, đức tin đã dẫn anh chị em tới chỗ hoàn toàn gắn bó với mầu nhiệm của Trái Tim Chúa Giêsu là kho tàng anh chị em đã khám phá thấy. Nên anh chị em đã từ bỏ những thứ tốt lành như việc tự do định đoạt cuộc đời mình, việc có được một gia đình, việc sở hữu sản vật, để anh chị em được tự do thanh thoát hiến mình cho Chúa Kitô và cho Vương Quốc của Người. Anh chị em chẳng lẽ không nhớ đến lòng nhiệt tình của mình khi anh chị em bắt đầu cuộc hành trình sống đời tận hiến, tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa hay sao? Anh chị em đừng để mất đi cái nhiệt tình ban đầu ấy, và hãy để cho Mẹ Maria dẫn anh chị em tới chỗ gắn bó trọn vẹn hơn. Quí tu sĩ nam nữ thân mến, quí tâm hồn sống đời tận hiến thân mến! Bất cứ những gì cho anh chị em được sứ vụ này ủy thác cho, bất cứ những gì anh chị em đang tham phần vào công cuộc đan tu hay tông đồ, xin anh chị em hãy bảo tồn trong lòng mình cái ưu tiên của cuộc đời tận hiến. Chớ gì cuộc đời tận hiến canh tân đức tin của anh chị em. Đời sống tận hiến, một cuộc sống theo đức tin, là cuộc sống liên kết anh chị em chặt chẽ với Thiên Chúa, là cuộc sống có sức thu hút và làm cho việc phục vụ của anh chị em trổ sinh hoa trái một cách đặc biệt. 

 

(còn 1 kỳ)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060526_jasna-gora_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ