GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 8/6/2006 TUẦN HIỆN XUỐNG |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Thánh Lễ Thánh Thần Hiện Xuống ở Quảng Trường Thánh Phêrô Chúa Nhật 4/6/2006
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật Hiện Xuống 4/6/2006 về Thánh Linh: “Cả Giáo Hội chỉ là một Đại Phong Trào duy nhất”
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Các Hội Đoàn Tông Đồ Giáo Dân Thứ Bảy 3/6/2006
? Tuyên Cáo Tòa Thánh về Vấn Đề Hành Sử trước Tình Hình Iran
? Đức Gioan Phaolô II đã để lại cả chồng văn bản riêng tư
? “Ở tại Auschwitz-Birkenau, nhân loại đã bước đi qua ‘thung lũng tối’… ‘Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây roi và cái trượng của Ngài, đó là điều an ủi lòng tôi’” (tiếp)
? “Anh chị em cần phải mạnh mẽ bằng mãnh lực xuất phát từ đức tin. Anh chị em cần phải mãnh liệt bằng sức mạnh của đức tin” (tiếp)
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Thánh Lễ Thánh Thần Hiện Xuống ở Quảng Trường Thánh Phêrô Chúa Nhật 4/6/2006
Anh Chị Em thân mến!
Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đầy quyền năng đã xuống trên các vị tông đồ; nhờ đó mở màn cho sứ vụ của Giáo Hội trên thế giới. Chính Chúa Giêsu đã sửa soạn cho 11 Vị thực hiện sứ vụ này bằng việc hiện ra với các vị một số lần sau cuộc phục sinh của Người (x Acts 1:3).
Trước khi thăng thiên về trời, ‘Người đã bảo các vị đừng rời khỏi Giêrusalem, song hãy chờ đợi lời hứa của Cha’ (x Acts 1:4-5); tức là, Người đã xin các vị hãy qui tụ lại với nhau để dọn mình lãnh nhận tặng ân Thánh Linh. Và các vị đã tụ họp lại với Mẹ Maria để cầu nguyện ở Nhà Tiệc Ly, trong khi chờ đợi biến cố hứa hẹn ấy (x Acts 1:14).
Việc qui tụ lại với nhau là điều kiện được Chúa Giêsu đặt ra để lãnh nhận tặng ân Thánh Linh; bản tóm lược của việc họ sống hòa hợp với nhau đó là việc các vị cầu nguyện lâu dài. Như thế chúng ta được cống hiến cho thấy một bài học sâu xa mãnh liệt cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu.
Có những lúc người ta nghĩ rằng việc hiệu nghiệm về vấn đề truyền giáo chính yếu lệ thuộc vào vấn đề can thận hoạch định cùng việc khôn lanh áp dụng sau đó qua việc cụ thể dấn thân. Chúa Kitô chắc chắn không muốn chúng ta hợp tác, nhưng trước bất cứ một đáp ứng nào thì việc Người tác động là những gì cần thiết: Thánh Thần thực sự đóng vai chủ yếu của Giáo Hội. Những căn gốc của việc chúng ta hiện hữu cũng như của hành động chúng ta đều ở nơi việc thinh lặng khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa.
Những hình ảnh được Thánh Luca sử dụng để nói lên việc Thánh Linh xâm nhập – gió và lửa – đã nhắc lại núi Sinai, nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Yến Duyên và lập giao ước của Ngài (x Ex 19:3ff). Cuộc lễ ở Sinai được dân Yến Duyên cử hành 50 ngày sau Lễ Vượt Qua là ngày lễ Giao Ước.
Khi nói về những ngọn lưỡi lửa (x Acts 3), Thánh Luca muốn cho thấy Lễ Ngũ Tuần như một Sinai mới, như một lễ Giao Ước mới, trong giao ước mới này Giao Ước với dân Yến Duyên được bao gồm tất cả mọi dân tộc trên trái đất này. Giáo Hội là công giáo và truyền giáo tự bẩm sinh. Tính cách phổ quát của ơn cứu độ được thể hiện với một bản liệt kê nhiều nhóm thiểu số có những kẻ nghe bài giảng tiên khởi của các vị tông đồ (x Acts 2:9-11).
Dân Chúa, một dân có được một hình dạng trên Núi Sinai, ngày nay vươn dài lớn rộng tới độ bao trùm mọi chướng ngại về chủng tộc, văn hóa, không gian và thời gian. Như những gì ngược lại với sự kiện xẩy ra ở tháp Babel, lúc dân chúng muốn xây dựng một con đường cao lên tới trời bằng bàn tay của họ, thì họ lại đi tới chỗ hủy hoại đi khả năng hiểu biết lẫn nhau. Cuộc Hiện Xuống của Thần Linh, với tặng ân ngôn ngữ, cho thấy rằng việc hiện diện của Ngài là những gì nối kết và biến đổi tình trạng hỗn độn thành mối hiệp thông. Cái cao ngạo và thần tôi của con người là những gì luôn tạo nên những thứ chia rẽ, dựng nên những bức tường dửng dưng lạnh lùng, hận thù và bạo lực.
Trái lại, Thánh Thần là Đấng làm cho tâm can có thể hiểu được các ngôn ngữ của mọi người, vì nó tái thiết lập nhịp cầu hiệp thông chân chính giữa đất và trời. Thánh Linh là tình yêu.
Thế nhưng, làm thế nào để có thể đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Linh? Làm sao để có thể hiểu được bí mật của tình yêu? Đoạn Phúc Âm này hôm nay đưa chúng ta về Nhà Tiệc Ly là nơi Bữa Tiệc Ly đã kết thúc, một cảm nghiệm về những gì chưng hửng khiến các vị tông đồ buồn đau. Lý do đó là những lời lẽ của Chúa Giêsu đã khơi động những vấn đề nhức nhối: Người đã nói về việc thế giới thù ghét Người cũng như những ai thuộc về Người, Người đã nói về việc ra đi bí nhiệm của Người; về nhiều điều cần phải nói nhưng bấy giờ các tông đồ chưa thể nào thấu hiểu nổi (x Jn 16:12).
Để an ủi các vị, Người đã giải thích ý nghĩa về việc ra đi của Người: Người sẽ ra đi, song Người sẽ trở lại; trong khi đó Người không bỏ rơi các vị, không để họ mồ côi. Người sẽ sai Đấng An Ủi, Thần Linh của Cha, và là vị Thần Linh có thể làm cho các vị biết rằng công việc của Chúa Kitô là một công việc của yêu thương: một tình yêu thương của Đấng đã hiến mạng sống mình, một tình yêu thương của Cha là Đấng đã trao ban Người.
Đó là mầu nhiệm của Lễ Hiện Xuống: Thánh Thần soi sáng tâm linh con người, và trong việc tỏ Chúa Kitô tử giá và phục sinh ra, Ngài cho thấy đường lối trở nên giống Người hơn, tức là trở thành ‘biểu hiện và dụng cụ của tình yêu xuất phát từ Ngài’ (Deus Caritas Est, 33). Cùng với Mẹ Maria, Giáo Hội, như khi mới được hạ sinh, ngày nay vẫn kêu cầu: ‘Veni Sancte Spiritus! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến để làm tràn đầy tâm can thành phần tín hữu của Ngài và đốt lên ngọn lửa tình yêu của Ngài trong họ!’ Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/6/2006
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật Hiện Xuống 4/6/2006 về Thánh Linh: “Cả Giáo Hội chỉ là một Đại Phong Trào duy nhất”
Anh Chị Em thân mến!
Lễ trọng Thánh Thần Hiện Xuống kêu gọi chúng ta trở lại với nguồn gốc của Giáo Hội, một nguồn gốc, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã khẳng định, ‘được tỏ hiện bằng việc tuôn đổ Thần Linh’ (Lumen Gentium, 2). Vào Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội cho thấy tính cách duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; Giáo Hội cho thấy mình là truyền giáo, với tặng ân nói được tất cả mọi ngôn từ trên thế giới, vì tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa là để loan truyền cho tất cả mọi dân nước.
‘Giáo Hội, một Giáo Hội được Thần Linh hướng dẫn theo con đường toàn chân và được Ngài hiệp nhất trong mối hiệp thông cũng như trong các công cuộc tác vụ, được Người vừa trang bị vừa hướng dẫn bằng các tặng ân giáo phẩm và đặc sủng cùng tô điểm cho bằng các hoa trái của Người’ (ibid. 4).
Trong số các thực tại được Thần Linh khởi động trong Giáo Hội là các phong trào và cộng đồng trong giáo hội, những tổ chức tôi đã hân hoan gặp gỡ ở Quảng Trường này hôm qua. Toàn thể Giáo Hội, như Đức Gioan Phaolô thích nói, chỉ là một đại phong trào duy nhất được Thánh Linh tác động, một giòng sông chảy qua lịch sử để tưới gội lịch sử bằng ân sủng của Thiên Chúa cũng như để làm cho đời sống của Giáo Hội trổ sinh hoa trái trong thiện hảo, kiều diễm, công lý và bình an.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/6/2006
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Các Hội Đoàn Tông Đồ Giáo Dân Thứ Bảy 3/6/2006
Tối Thứ Bảy 3/6/2006, áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha đã gặp trên 400 ngàn đại diện các phong trào thuộc giáo hội và các đoàn thể mới. Trước cuộc họp, ngài đã đứng trên chiếc giáo hoàng xa mui trần chạy trên con đường Via della Conciliazione và vòng Quảng Trường Thánh Phêrô để chào và ban phép lành cho đoàn người hành hương.
Trước khi cử hành Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Tối áp Lễ Hiện Xuống, ĐTGM Stanislaw Rylko, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân đọc lời chào mừng ngắn, sau đó mấy lời của Chiara Lubich, sáng lập viên Phong Trào Focolari.
Các bài Thánh Vịnh được đọc xen kẽ với những suy niệm của Andrea Riccardi, sáng lập viên Cộng Đồng Sant’Egidio, của Kiko, sáng lập viên tổ chức Neocatechemenal Way, và của Đức Ông Julian Carron, chủ tịch hiệp hội Hiệp Thông Và Giải Phóng.
Sau đó ĐTC bắt đầu bài giảng của ngài, bằng việc nhắc lại việc Đức Gioan Phaolô II đã khởi xướng lên một cuộc họp mặt như thế này vào năm 1998, Năm Giáo Hội Kính Chúa Thánh Thần trong giai đoạn gần sửa soạn đón mừng Đại Năm Thánh 2000: “Vị đại truyền bá phúc âm hóa ấy của thời đại chúng ta đã cho rằng các hội đoàn và cộng đồng của anh chị em là những gì ‘được quan phòng’”.
“Lễ Hiện Xuống chẳng những là nguồn gốc của Giáo Hội, và bởi thế còn đặc biệt là ngày lễ hội của Giáo Hội nữa; Lễ Hiện Xuống cũng là lễ của việc tạo dựng. Thế giới này không tự mình mà có, nó xuất hiện từ Thần Linh sáng tạo của Thiên Chúa. ... Là Kitô hữu, thành phần tin vào Thần Linh Sáng Tạo đều nhận thấy sự kiện là chúng ta không thể nào sử dụng và làm dụng thế giới vật chất này như một thứ khí cụ thuần túy theo ước muốn của chúng ta.
“Thiên Chúa tiến đến với chúng ta qua việc tạo thành. Tuy nhiên, việc tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa ấy, qua giòng lịch sử của nhân loại, đã bị bao phủ bởi một lớp bụi dầy đặc đến nỗi làm cho nó không thể nào có thể, ít là khó có thể, nhận ra nơi nó cái phản ảnh của Đấng Hóa Công”.
“Sự sống và tự do là những gì tất cả chúng ta đều mong ước. Sự sống chỉ được tìm thấy nơi việc trao ban chứ không phải nơi việc chiếm hữu nó. Đó là những gì chúng ta cần phải học nơi Chúa Kitô, và đó là những gì chúng ta học được từ Thánh Linh, Đấng là một tặng ân tinh tuyền, Đấng là việc Thiên Chúa ban Chính Mình Ngài.
“Các phong trào thuộc giáo hội cần là và phải là những học đường về tự do, về thứ tự do đích thực ấy….. Trong thế giới này, một thế giới đầy những thứ tự do sai lầm làm hủy hoại môi sinh và loài người, chúng ta, nhờ sức mạnh của Thánh Linh, muốn cùng nhau học biết cái tự do chân thực ấy… Tuyệt vời biết bao khi được thanh thoát hoàn toàn tự do trong việc làm con cái Thiên Chúa.
“Thánh Thần, khi ban sự sống và tự do cũng ban hiệp nhất nữa. Ba tặng ân này là những gì bất khả phân ly. … Nhìn thấy cuộc qui tụ này ở Quảng Trường Thánh Phêrô đây, chúng ta nhận thấy rằng Ngài luôn luôn làm phát sinh ra những tặng ân mới ra sao; chúng ta thấy Ngài đang tạo nên các nhóm khác nhau biết mấy, và cách thức Ngài hoạt động một cách hòa hợp mới mẻ hơn bao giờ hết.
“Tính cách đa phương và hiệp nhất đi đôi với nhau. Ngài thổi đâu tùy Ngài. Ngài làm thế một cách đột xuất, ở những nơi không thể ngờ được và bằng những hình thức không thể nào nghĩ tới trước đó….. Tính cách đa dạng và hiệp nhất là những gì bất khả phân ly. Ngài muốn tính cách đa dạng của anh chị em, và Ngài anh chị em làm thành một thân thể duy nhất, hiệp nhất với những cấp trật bền vững – những kết nối (nơi thân thể) – của Giáo Hội, với các vị thừa kế chư Tông Đồ và vị thừa kế Thánh Phêrô…
“Các bạn thân mến, tôi xin các bạn hãy hợp tác hơn nữa, nhiều hơn nữa vào thừa tác tông vụ hoàn vũ của Giáo Hoàng, bằng việc mở cửa cho Chúa Kitô. Đó là việc Giáo Hội phục vụ tốt đẹp nhất đối với nhân loại, và nhất là đối với người nghèo, nhờ đó đời sống của cá nhân con người, một trật tự chân chính hơn nơi xã hội và việc đồng chung sống an bình giữa các dân nước được thể hiện trong Chúa Kitô là ‘viên đá gốc’ xây dựng một thứ văn minh thực sự, một thứ văn minh yêu thương”.
Sau bài giảng của Đức Thánh Cha là việc tưởng niệm Bí Tích Thêm Sức với việc kêu cầu Thánh Linh và việc tuyên xưng đức tin.
Sau khi hát ca vịnh Ngợi Khen, hai vị đại diện hai phong trào thuộc giáo hội là Luis Fernando Figari từ Phong Trào Sống Đời Kitô Hữu, và Patti Gallagher Mansfield từ Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Kitô Giáo, đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh Cha.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 3/6/2006
? Tuyên Cáo Tòa Thánh về Vấn Đề Hành Sử trước Tình Hình Iran
Trưa hôm Thứ Bảy 3/6/2006, vị Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh là Joaquin Navarro Valls đã phổ biến bản tuyên cáo sau đây:
“Có một số phóng viên báo chí đã bày tỏ ý muốn biết xem quan điểm của Tòa Thánh ra sao về những diễn tiến mới đây trong các cuộc thương thuyết quốc tế liên quan tới vấn đề chương trình nguyên tử của Iran.
“Nếu được thông tin xác đáng thì Văn Phòng Báo Chí này chủ trương bày tỏ là Tòa Thánh ủng hộ, như vẫn xẩy ra từ trước đến nay, bất cứ khởi động nào nhắm đến việc đối thoại cởi mở và xây dựng. Tòa Thánh mạnh mẽ tin tưởng rằng những khó khăn hiện tại cũng có thể và cần phải được thắng vượt bằng những đường lối ngoại giao, sử dụng tất cả mọi phương tiện ngoại giao có được trong tầm tay.
“Cho dù có thực hiện những việc giao tiếp tư riêng đi chăng nữa, dường như đặc biệt là cần phải loại trừ đi những yếu tố khách quan làm ngăn trở việc tin tưởng lẫn nhau, trong khi đó đừng bao giờ loại bỏ bất cứ dấu hiệu thiện chí nào từ bên này hay bên kia, và lưu ý đến danh giá cùng cảm quan của mỗi quốc gia. Nhờ đó mới có thể thực hiện được những bước tiến trong việc tái lập tình hữu nghị với nhau”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 3/6/2006
? Đức Gioan Phaolô II đã để lại cả chồng văn bản riêng tư
Người thư ký lâu đời của Đức Gioan Phaolô II là tân hồng y Stanislaw Dziwisz cho biết rằng Đức Gioan Phaolô II là “một con người hoạt động đồng thời cũng là một con người viết lách nữa. Ngài viết nhiều”.
Người thư ký này, sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, Vị đã viết trong di chúc rằng tất cả những gì ngài viết cần phải được đốt đi, đã mang theo mình rất nhiều những văn bản tư của Đức Gioan Phaolô II, khi được Đức Tân Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục ở Krakow Balan.
Hôm 30/5/2006, mạng điện toán toàn cầu www.korazym.org cho biết vị hồng y 67 tuổi này đã bày tỏ trong một cuộc họp ở tư dinh tổng giám mục ngay sau cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ở Balan chấm dứt, như thế này: “Không có gì cần phải đốt đi hết”, cũng là lời ngài đã nói sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời được mấy hôm.
Bởi vì, theo vị thư ký của đức cố giáo hoàng này thì Đức Gioan Phaolô II “là một con người vui vẻ, luôn tỏ ra thân tình, nhưng cũng nghiêm chỉnh. Ngài không viết những gì có ý định để đốt đi cả: làm như thế thì thật sự là không thể nào hiểu nổi”.
Có những tập văn kiện đã được xem xét liên quan tới án phong chân phước của Đức Gioan Phaolô II. Trong tương lai chúng sẽ được trao cho một nhóm chuyên viên, và được thu thập vào một Trung Tâm Gioan Phaolô II mới ở Krakow.
Theo vị hồng y này thì trung tâm ấy “sẽ không phải chỉ là một bảo tàng viện. Dĩ nhiên là nó có cả những sự việc đáng nhớ của Vị Giáo Hoàng này nữa, thế nhưng trên hết chúng ta muốn phổ biến những gì ngài đã làm, từ việc bênh vực các quyền lợi của con người đến việc bảo vệ sự sống, từ việc dấn thân cho hòa bình đến việc đối thoại liên tôn. Vấn đề quan trọng ở đây là đừng quên di sản của ngài và tránh đừng gò bó nó vào những bảo tàng viện và các thư viện”.
Có một số văn kiện tư riêng của ngài quả là đáng chú ý, chẳng hạn như bức thư ngài viết cho Mehmet Ali Agca sau khi ngài bị anh ta ám sát chết hụt. Vị hồng y nói rằng bức thư ấy chưa được gửi đi. Nó là “một bản văn tuyệt vời, và trong tương lai nó có thể giúp vào hiểu hiểu hơn về cách thức vị Giáo Hoàng này nhận định về những gì đã xẩy ra. Có một câu đặc biệt làm tôi nhớ mãi đó là câu Đức Gioan Phaolô viết: ‘Người an hem của tôi ơi, làm sao chúng ta có thể ra trước tòa Chúa nếu chúng ta không thứ tha lỗi lầm cho nhau chứ?’”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/5/2006
“Ở tại Auschwitz-Birkenau, nhân loại đã bước đi qua ‘thung lũng tối’… ‘Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây roi và cái trượng của Ngài, đó là điều an ủi lòng tôi’”
GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Diễn Từ ở Trại Tử Thần Auschwitz, Auschwitz-Birkenau, Chúa Nhật 28
(tiếp 3 Thứ Bảy)
Biết bao nhiêu là vấn đề được xuất phát ở nơi chốn này! Vấn đề liên lỉ hiện lên đó là Thiên Chúa ở đâu trong những ngày ấy? Tại sao Ngài lại thinh lặng chứ? Làm sao Ngài lại có thể để xẩy ra cuộc tàn sát khôn cùng này chứ, cuộc chiến thắng của sự dữ ấy chứ? Những lời của bài Thánh Vịnh 44 đã hiện lên trong tâm trí, đó là lời than vãn của dân Yến Duyên về các kẻ thù địch của họ: ‘Ngài đã vùi dập chúng tôi trong hang động chó rừng, và phủ chụp tăm tối kín mít lên chúng tôi… vì Ngài chúng tôi đá bị sát hại suốt ngày, và đã bị coi như con chiên mang đi làm thịt. Xin Ngài hãy ra tay! Ôi Chúa, tại sao Ngài lại ngủ chứ? Xin hãy tỉnh giấc, đừng mãi mãi bỏ mặc chúng tôi! Tại sao Ngài lại cứ ẩn mặt đi? Tại sao Ngài lại chẳng lưu ý gì tới nỗi đau thương và tình trạng bị đàn áp của chúng tôi chứ? Vì chúng tôi bị dìm xuống cát bụi; thân thể chúng tôi dính liền với mắt đất. Xin hãy vùng lên và ra tay cứu giúp chúng tôi! Xin hãy cứu chúng tôi vì tình yêu trung kiên của Ngài!’ (19,22-26). Tiếng kêu thống khổ này, tiếng kêu được dân Yến Duyên dâng lên Thiên Chúa trong cảnh khổ đau của họ, trong giây phút hết sức sầu thương của họ, cũng là tiếng kêu cứu giúp của tất cả những ai thuộc mọi thời đại – hôm qua, hôm nay và ngày mai – chịu khổ vì tình yêu Thiên Chúa, vì lòng yêu chuộng chân lý và sự thiện hảo. Họ nhiều biết bao, thậm chí ở cả thời đại của chúng ta đây!
Chúng ta không thể nào nhìn thấu được dự án huyền nhiệm của Thiên Chúa – chúng ta chỉ thấy được một phần nào, và chúng ta có thể sai lầm một khi cho mình là những kẻ thẩm phán của Thiên Chúa và lịch sử. Bấy giờ chúng ta không phải là kẻ đang bênh vực con người mà chỉ góp phần vào việc sụp đổ của con người mà thôi. Không – một khi tất cả những gì đã nói và đã làm, chúng ta cần phải tiếp tục khiêm nhượng song cương quyết kêu lên cùng Thiên Chúa rằng: Xin hãy đứng lên! Đừng quên nhân loại là tạo vật của Ngài! Và lời chúng ta kêu lên Thiên Chúa cũng phải là một tiếng kêu xuyên thấu chính tâm can của chúng ta, một tiếng kêu đánh động trong chúng ta sự hiện diện âm thầm của Thiên Chúa – nhờ đó, quyền năng của Ngài, một quyền năng Ngài đã cấy trồng nơi tâm can của chúng ta, sẽ không bị chôn vùi hay chết nghẹt trong chúng ta bởi bùn lầy của lòng vị kỷ, của tính nhu nhược, của thái độ lạnh lùng hay của chủ trương thời cơ. Chúng ta hãy kêu lên Thiên Chúa bằng tất cả tâm can của mình, vào giờ khác hiện tại này đây, khi đang đổ xuống trên chúng ta những bất hạnh mới, khi tất cả mọi mãnh lực của tối tăm dường như đang xuất phát một cách mới mẻ từ tâm can nhân loại của chúng ta: một là việc lạm dụng danh Thiên Chúa như phương tiện để biện minh cho việc bạo động vô nghĩa phạm tới những con người vô tội, hai là tỏ ra chủ trương yếm thế chối bỏ việc nhận biết Thiên Chúa và nhạo cười niềm tin tưởng vào Ngài. Chúng ta hãy kêu lên Thiên Chúa, để Ngài làm cho con người nam nữ biết hoán cải và giúp họ thấy được rằng bạo động không phải là những gì mang lại hòa bình song chỉ gây thêm bạo loạn mà thôi – gây ra một cuộc sa lầy tàn hại mà cuối cùng tất cả moị người đều là những kẻ thua cuộc. Vị Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng là một Thiên Chúa của lý trí – một lý trí chắc chắn không phải là một thứ toán học lạnh lùng về vũ trụ này mà là một lý trí biết yêu thương và thiện hảo. Chúng ta hãy dâng lời nguyện cầu lên Thiên Chúa và chúng ta kêu gọi nhân loại, để lý trí này, tức lý lẽ của yêu thương và việc nhìn nhận quyền lực hòa giải và bình an, được thắng vượt những thứ đe dọa xuất phát từ khuynh hướng vô tri hay từ một thứ lý trí sai lạc và phi thần linh.
(còn tiếp 2 kỳ)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
“Anh chị em cần phải mạnh mẽ bằng mãnh lực xuất phát từ đức tin. Anh chị em cần phải mãnh liệt bằng sức mạnh của đức tin”
GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Bài Giảng ở Krakow cho Thánh Lễ Chúa Nhật 28
(tiếp 3 Thứ Bảy)
Anh Chị Em thân mến, tôi rất cảm động khi có thể cử hành Thánh Thể hôm nay tại Công Viên Blonie ở Krakow, nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường cử hành Thánh Lễ trong những chuyến Tông Du Mục Vụ của ngài nơi quê hương đất nước của mình. Qua những cuộc cử hành phụng vụ của mình, ngài đã gặp Dân Chúa ở hầu hết các nơi trên thế giới, song việc ngài cử hành Thánh Lễ tại Công Viên Blonie ở Krokow chắc chắn bao giờ cũng là một cái gì đặc biệt. Ở nơi đây tâm trí ngài trở về với cội gốc của mình, với nguồn mạch đức tin của ngài cùng việc phục vụ Giáo Hội của ngài. Từ nơi đây, ngài có thể thấy được Krwkow và toàn quốc Balan. Trong cuộc tông dù đầu tiên về Balan ngày 19/6/1979, ở cuối bài giảng của mình nơi công viên đây, ngài đã nói một cách nhung nhớ như sau: ‘Xin cho tôi, trước khi lìa xa anh chị em, một lần nữa nhìn lại Krakow, một Krakow rất thân thương với tôi từng hòn đá cục gạch. Và từ đây nhìn lại Balan một lần nữa’. Trong Thánh Lễ cuối cùng ngài cử hành ở nơi đây, ngày 18/8/2002, ngài đã nói trong bài giảng của mình rằng: ‘Tôi cám ơn về việc mời tôi tới thăm Krakow của tôi và về lòng hiếu khách anh chị em đã giành cho tôi’ (đoạn 2). Kraków, thành phố của Karol Wojtyla và của Gioan Phaolô II, cũng là Krakow của tôi nữa, chiếm được một chỗ đứng đặc biệt nơi tâm can của vô vàn Kitô hữu khắp thế giới, thành phần biết rằng Gioan Phaolô II xuất hiện ở Đồi Vatican từ thành phố này, từ Đồi Wawel, ‘từ một xứ sở xa xôi’, một xứ sở nhờ đó đã trở thành thân thương với tất cả mọi người.
Mở màn năm thứ hai cho Giáo Triều của mình, tôi đã cảm thấy rất cần phải đếnviếng thăm Balan và Krakow như là một con người hành hương theo bước chân của vị tiền nhiệm tôi. Tôi muốn hít thở không khí của quê hương đây. Tôi muốn thấy mảnh đất ngài đã được sinh ra, nơi ngài đã lớn lên và đã nhiệt tình dấn thân phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội hoàn vũ. Tôi đặc biệt muốn gặp gỡ những con người nam nữ sống động của đất nước ngài, muốn cảm nghiệm thấy đức tin của anh chị em, một đức tin đã cống hiến cho ngài sự sống và sinh lực, và muốn biết rằng anh chị em tiếp tục vững mạnh trong niềm tin ấy. Ở nơi đây, tôi muốn xin Thiên Chúa hãy bảo trì cái di sản đức tin, đức cậy và đức mến được Đức Gioan Phaolô II cống hiến cho thế giới, đặc biệt là cho anh chị em.
Tôi thân ái chào tất cả những ai qui tụ lại Công Viên Blonie, vì mắt tôi có thể nhìn thấy những người đứng xa thật xa, cho dù xa hơn thế nữa. Tôi ước gì có thể gặp được từng người trong anh chị em một cách riêng tư. Tôi ôm ấp tất cả những ai đang tham dự Thánh Lễ của chúng ta đây qua truyền thanh và truyền hình. Tôi chào toàn thể Balan! Tôi chào trẻ em và giới trẻ, cá nhân và gia đình, thành phần bệnh nhân và những ai khổ đau nơi thân xác hoặc tinh thần, những ai bị hụt hang niềm vui của cuộc sống. Tôi chào tất cả những ai ngày ngày cực nhọc giúp cho xứ sở này được phát triển thịnh vượng. Tôi chào nhân dân Balan hải ngoại, ở khắp nơi trên thế giới. Tôi cám ơn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Krakow, về những lời lẽ đón mừng nồng hậu của ngài. Tôi chào Đức Hồng Y Franciszek Macharski cùng toàn thể các vị Hồng Y, Giám Mục, linh mục và tu sĩ nam nữ, cũng như những vị khách đến từ các nơi, nhất là từ các nước láng giềng. Tôi chào Tổng Thống Cộng Hòa và Thủ Tướng cùng các vị đại diện Thẩm Quyền quốc gia, khu vực và địa phương.
Anh chị em thân mến, tôi đã chọn làm câu châm ngôn cho chuyến hành hương Balan của tôi theo bước chân Đức Gioan Phaolô II những lời là: ‘Anh chị em hãy đứng vững trong đức tin của mình!’ Lời kêu gọi này được trực tiếp ngỏ cùng tất cả chúng ta là phần tử thuộc cộng đồng môn đệ Chúa Kitô, cùng mỗi người và mọi người trong chúng ta. Đức tin là một tác động nhân loại riêng tư sâu xa, một tác động có hai khía cạnh. Tin tưởng nghĩa là trước hết chấp nhận như thật những gì trí khôn chúng ta không thể thấu triệt. Chúng ta phải chấp nhận những gì Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta về chính mình Ngài, về chúng ta, về mọi sự chung quanh chúng ta, bao gồm cả những gì vô hình, khôn tả và ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tác động chấp nhận sự thật được mạc khải là những gì nới rộng chân trời kiến thức của chúng ta và kéo chúng ta tới mầu nhiệm bao trùm chúng ta. Để trí khôn của chúng ta bị giới hạn như thế không phải là một chuyện dễ làm. Đến đây chúng ta thấy khía cạnh thứ hai của đức tin, đó là khía cạnh niềm tin tưởng nơi một con người, không phải là một con người bình thường, mà là chính Chúa Giêsu Kitô. Những gì chúng ta tin tưởng đều quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn thế nữa đó là Đấng chúng ta tin tưởng.
(còn tiếp 1 kỳ)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh