GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 9/6/2006 TUẦN HIỆN XUỐNG |
? “Một đức tin không sợ những nghịch thường vì nó được cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô làm kiên vững”
? “Ở tại Auschwitz-Birkenau, nhân loại đã bước đi qua ‘thung lũng tối’… ‘Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây roi và cái trượng của Ngài, đó là điều an ủi lòng tôi’” (tiếp)
? “Anh chị em cần phải mạnh mẽ bằng mãnh lực xuất phát từ đức tin. Anh chị em cần phải mãnh liệt bằng sức mạnh của đức tin” (tiếp)
“Một đức tin không sợ những nghịch thường vì nó được cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô làm kiên vững”
GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Dụ Thành Phần Giới Trẻ, ở Krakow-Błonie, Thứ Bảy 27
Các Bạn Trẻ thân mến,
Tôi xin gửi đến các bạn lời chào mừng nồng hậu nhất của tôi! Việc hiện diện của các bạn làm cho tôi cảm thấy sung sướng. Tôi cám ơn Chúa về cuộc gặp gỡ thân tình này. Chúng ta biết rằng ‘ở đâu cho hai hay ba người qui tụ lại vì danh Chúa Giêsu thì Người ở giữa họ’ (x Mt 18:20). Hôm nay đây, các bạn còn thật là nhiều hơn như thế nữa! Bởi thế, Chúa Giêsu đang ở với chúng ta nơi đây. Người đang ở giữa giới trẻ Balan, đang nói với họ về một ngôi nhà sẽ không bao giờ bị sụp đổ vì nó được xây trên đá. Đó là bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe (x Mt 7:24-27).
Hỡi các bạn, ở trong lòng hết mọi người đều có một ước vọng về một ngôi nhà. Thậm chí còn hơn thế nữa nơi tâm hồn của con người trẻ có một khát vọng cả thể về một ngôi nhà thích đáng, một ngôi nhà vững chắc, một ngôi nhà họ chẳng nhưng không thể nào không hân hoan vui sướng trở về mà còn là nơi khách khứa có tới cũng được hân hoan đón tiếp nữa. Đó là một khát vọng về một ngôi nhà có lương thực hằng ngày là yêu thương, thứ tha và thông cảm. Nó là một nơi chân lý là nguồn mạch làm phát sinh niềm bình an nội tâm. Đó là một khát vọng về một ngôi nhà các bạn có thể lấy làm hãnh diện, nơi các bạn không bị thẹn thuồng và là nơi các bạn không hề lo sợ nó bị mất đi. Những niềm khát mong này chỉ là ước vọng về một đời sống trọn vẹn, hạnh phúc và thành đạt. Đừng sợ có nỗi ước mong ấy! Đừng xa lánh niềm mong ước này. Đừng tỏ ra thất đảm khi thấy những căn nhà bị đổ nát, những ước vọng bị bất thành và những ngóng trông bị tàn phai. Thiên Chúa Hóa Công, Đấng tác động nơi tâm hồn giới trẻ một khát vọng mãnh liệt muốn được hoan hưởng hạnh phúc, sẽ không bỏ rơi các bạn trong việc khó khăn để xây dựng ngôi nhà được gọi là đời sống ấy.
Hỡi các bạn, điều ấy đưa đến vấn đề là: ‘Làm thế nào để xây dựng ngôi nhà này đây?’ Chắc chắn đây là vấn đề các bạn đã từng đối diện nhiều lần và các bạn sẽ phải trực diện nhiều lần hơn nữa. Hằng ngày các bạn cần phải nhìn vào nội tâm của mình mà tự vấn: ‘Tôi làm sao để có thể xây dựng ngôi nhà được gọi là đời sống ấy đây?’ Chúa Giêsu, Đấng các bạn vừa nghe những lời của Người trong đoạn Phúc Âm của Thánh Mathêu, đã khuyến khích chúng ta hãy xây nhà trên đá. Thật thế, chỉ có cách đó ngôi nhà mới không bị tàn rụi mà thôi. Thế nhưng, xây nhà trên đá nghĩa là gì? Trước hết, xây nhà trên đá tức là xây nhà trên Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Chúa Giêsu nói: ‘Vậy ai nghe những lời này của Thày mà làm theo sẽ giống như một người khôn ngoan xây nhà mình trên đá’ (7:24). Đó không phải là những lời nói chơi chơi của một con người nào đó, mà là những lời của Chúa Giêsu. Chúng ta không lắng nghe bất cứ một con người nào mà là Chúa Giêsu. Chúng ta không được kêu gọi để chỉ làm một điều gì đó mà là dấn thân thực hiện những lời của Chúa Giêsu.
Việc dựng nhà trên Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu đây nghĩa là dựng nhà trên một nền tảng được gọi là ‘tình yêu tử giá’. Nghĩa là dựng nhà với Một Vị, biết chúng ta hơn cả chính chúng ta biết mình, nói với chúng ta rằng: ‘Các con là những gì quí hóa trước nhan Ta và là những gì được trân trọng, Ta yêu thương các con’ (Is 43:4). Nghĩa là dựng nhà với Một Vị luôn trung tín, cho dù chúng ta có thiếu niềm tin tưởng, bởi ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài (x 2Tim 2:13). Nghĩa là dựng nhà với Một Vị luôn nhìn tới tấm lòng thương tích của con người mà nói: ‘Ta không kết tội con đâu, hãy đi và đừng phạm tội nữa’ (x Jn 8:11). Nghĩa là dựng nhà với Một Vị, từ Cây Thập Tự Giá, vươn cánh tay của mình ra để muôn đời lập lại rằng: ‘Ôi con người, Ta hiến sự sống của Ta cho các con vì Ta yêu thương các con’. Tóm lại, dựng nhà trên Chúa Kitô tức là hướng tất cả mọi ước muốn của các bạn, khát vọng của các bạn, mơ ước của các bạn, tham vọng của các bạn và dự án của các bạn theo ý muốn của Ngài. Nghĩa là nói với chính bản thân mình, với gia đình mình, với bạn hữu mình, với toàn thế giới, và nhất là với Chúa Kitô rằng: ‘Lạy Chúa, trong cuộc sống con không muốn làm bất cứ một điều gì phạm đến Chúa, vì Chúa biết những gì tốt nhất cho con. Chỉ duy có một mình Chúa có những lời ban sự sống đời đời’ (x Jn 6:68). Hỡi các bạn, đừng sợ việc nương dựa vào Chúa Kitô! Hãy mong mỏi Người, như nền tảng cho đời sống của các bạn! Hãy khơi động lên trong các bạn ước muốn xây dựng cuộc sống của mình trên Người và cho Người! Vì không ai lệ thuộc vào tình yêu tử giá của Lời Nhập Thể lại có thể bị lạc mất cả.
Việc xây nhà trên đá nghĩa là việc dựng nhà trên Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô, khi nói về cuộc hành trình của thành phần dân tuyển chọn băng qua sa mạc, Thánh Phaolô đã giải thích rằng tất cả ‘đã được uống tử tảng đá siêu nhiên đã theo đuổi họ và tảng đá đó là Chúa Kitô’ (1Cor 10:4). Các vị cha ông của thành phần Dân Tuyển Chọn này chắc chắn là không hề biết gì tới chuyện tảng đá thiêng liêng ấy là Chúa Kitô. Họ không ý thức được việc họ được đồng hành bởi Người là Đấng vào lúc thời gian viên trọn đã nhập thể và mặc lấy một thân thể loài người. Họ không cần hiểu rằng cơn khát của họ được thỏa mãn bởi chính Nguồn Mạch sự sống, là một mạch nguồn có thể ban nước sự sống làm giãn cơn khát của mọi tâm can. Tuy nhiên, họ đã uống từ tảng đá thiêng liêng là Chúa Kitô này, vì họ khát vọng thứ nước hằng sống ấy và cần đến thứ nước hằng sống này. Trên con đường cuộc đời đôi khi chúng ta không ý thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chính sự hiện diện này, sự hiện diện sống động và chân thực, đã xẩy ra nơi công cuộc tạo dựng, nơi Lời Chúa và nơi Thánh Thể, nơi cộng đồng các tín hữu và nơi mọi con người được Máu châu báu Chúa Kitô cứu chuộc, một mạch nguồn khôn tận cho sức mạnh của con người. Chúa Giêsu Nazarét, Vị Thiên Chúa làm Người, ở bên chúng ta trong những lúc may lành cũng như trong những lúc chẳng may, và Người khao khát mối liên hệ ấy, một mối liên hệ thực sự là nền tảng của một nhân loại chân thực. Chúng ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền những lời quan trọng này: ‘Này, Ta đứng trước cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng của Ta mà mở cửa thì Ta sẽ đến với họ và ăn uống với họ để họ được ở với Ta’ (3:20).
Hỡi các bạn, việc xây nhà trên đá nghĩa là gì? Xây nhà trên đá cvũng có nghĩa là dựn g nhà trên Một Vị đã bị loại trừ. Thánh Phêrô nói với thành phần tín hữu của Chúa Kitô như là ‘một viên đá bị con người loại bỏ song trước nhan Thiên Chúa lại là viên đá được chọn lọc và quí giá’ (1Pet 2:4). Một sự kiện không thể chối cãi về việc Thiên Chúa tuyển chọn Chúa Giêsu không che dấu mầu nhiệm sự dữ, bởi thế con người có thể loại trừ Người là Đấng đã yêu thương cho tới cùng. Việc Chúa Giêsu bị con người loại trừ như Thánh Phêrô đề cập tới trải dài suốt lịch sử nhân loại, thậm chí cho tới cả thời của chúng ta đây. Người ta không cần phải có một trí khôn sắc xảo đặc biệt để thấy được nhiều đường lối loại trừ Chúa Kitô, ngay cả trước ngưỡng cửa của chúng ta đây. Thường Chúa Giêsu bị coi thường bỏ qua, bị chế giễu và được tuyên xưng là vị vua của quá khứ, chứ không phải cho ngày nay và chắc chắn không phải cho tương lai. Người bị bỏ vào kho chức của những vấn đề và những con người mà người ta không dám công khai lớn tiếng đả động tới. Nếu trong tiến trình dựng nhà cuộc sống của các bạn có gặp phải những ai coi thường khinh bỉ cái nền tảng mà các bạn đang xây lên thì đừng thất đảm! Một đức tin mạnh mẽ cần phải chịu đựng các thứ thách đố. Một đức tin sống động bao giờ cũng cần phải tăng trưởng. Đức tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô, để được như thế, cần phải đối diện đương đầu với thường xuyên với tình trạng thiếu đức tin của những người khác.
Các bạn thân mến, việc xây nhà trên đá nghĩa là gì? Việc xây nhà trên đá nghĩa là ý thức rằng sẽ xẩy ra những bất trắc. Chúa Kitô nói rằng: ‘Mừa trút xuống và lụt xẩy ra, gió thổi tới làm rung chuyển ngôi nhà…’ (Mt 7:25). Những hiện tượng thiên nhiên này chẳng những là hình ảnhcủa nhiều những bất trắc nơi thân phận của con người, chúng còn cho thấy rắng những bất trắc ấy là những gì bình thường cần phải chấp nhận. Chúa Kitô không hứa rằng sẽ không bao giờ xẩy ra một trận mưa như trút gây lụt lội ngôi nhà đang được xây cất, Người không hứa rằng sẽ không bao giờ xẩy ra một cơn sóng tàn phá cuốn trôi đi những gì thân thương nhất của chúng ta, Người không hứa rằng sẽ không bao giờ xẩy ra những trận cuồng phong thổi bay đi những gì chúng ta đang xây dựng, đôi khi chúng ta phải trả bằng một giá hy sinh kinh khủng. Chúa Kitô chẳng những hiểu được ước muốn của con người về một ngôi nhà vững bền, Người còn hoàn toàn biết được tất cả những gì có thể phá hoại hạnh phúc của con người nữa. Bởi thế, các bạn đừng lấy làm lạ trước những bất trắc rủi ro, cho dù chúng là gì đi chăng nữa! Đừng vì chúng mà bị thất đảm! Một dinh thự được xây trên đá không giống như một dinh thự bị biến đi bởi những lực thiên nhiên, những lực được in dấu vết nơi mầu nhiệm của con người. Việc xây nhà trên đá tức là việc có thể sử dụng một thứ kiến thức ở vào những lúc khó khăn trở thành một mãnh lực đáng các bạn tin tưởng.
Hỡi các bạn, xin cho tôi được đặt vấn đề một lần nữa: việc xây nhà trên đá nghĩa là gì? Nghĩa là x6ay nhà một cách khôn ngoan. Không phải là vô lý Chúa Giêsu đã so sánh những ai nghe lời của Người mà đem ra thực hành với một con người khôn ngoan xây nhà của họ trên đá. Thật vậy, đúng là ngu xuẩn khi xây nhà trên cát, trong khi các bạn có thể xây trên đá và vì thế có được một ngôi nhà có thể bất chấp mọi phong ba bão tố. Thật là ngu xuẩn khi xây nhà trên mảnh đất không bảo đảm việc vững chắc trong những lúc khó khăn nhất. Có thể là dễ dàng hơn để xây nhà cuộc đời mình trên cát lún theo quan điểm riêng của họ, xây dựng một tương lai xa cách lời của Chúa Giêsu và thậm chí đôi khi phản nghịch lại với lời của Người. Hãy tin chắc rằng ai xây nhà theo kiểu ấy đều là những người bất khôn, vì họ muốn thuyết phục chính mình và người khác rằng trong cuộc đời của họ không có bão tố cuồng phong và không có vấn đề sóng gió tấn công ngôi nhà của họ. Thái độ khôn ngoan đó là biết rằng việc vững chắc của một ngôi nhà là những gì lệ thuộc vào việc quyết định của cái nền tảng. Đừng sợ sống khôn ngoan; tức là đừng sợ xây nhà trên đá!
Hỡi các bạn, một lần nữa: xây nhà trên đá nghĩa là gì? Xây nhà trên đá còn có nghĩa là xây trên Phêrô và với Phêrô. Thật vậy, Chúa Kitô đã nói với ngài rằng: ‘Con là Đá, và trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày, và quyền lực sứ chết sẽ không thắng nổi nó’ (Mt 16:18). Nếu Chúa Kitô là Tảng Đá, là viên đá xống động và quí giá, gọi vị Tông Đồ này của Người là ‘đá’, nghĩa là Người muốn Phêrô, và cùng với Phêrô là toàn thể Giáo Hội, trở thành một dấu hiệu hữu hình của Đấng Cứu Độ và là Chúa duy nhất. Ở Krakow đây, thành phố yêu dấu của Đức Gioan Phaolô II, vị Tiền Nhiệm của tôi, không ai cảm thấy bàng hoàng trước những lời ‘xây nhà với Phêrô và Phêrô’. Đó là lý do tôi nói cùng anh chị em là đừng sợ xây đời mình trên Giáo Hội và với Giáo Hội. Tất cả anh chị em đều hãnh diện về lòng yêu mến anh chị em giành cho Vị Phêrô và cho Giáo Hội được úy thác cho ngài. Đừng để bị lừa đảo bởi những ai muốn Chúa Kitô và Giáo Hội đối đầu với nhau. Chỉ có một nền tảng duy nhất đáng để xây nhà mà thôi. Nền tảng đó là Chúa Kitô. Chỉ có một tảng đá duy nhất đáng làm nền tảng cho hết mọi sự. Tảng đá này là tảng đá được Chúa Kitô nói: ‘Con là Đá, và trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thành’ (Mt 16:18). Hỡi giới trẻ, các bạn quá rõ Tảng Đá này trong thời đại của chúng ta đây. Bởi thế, đừng quên Vị Phêrô đang canh chừng cuộc tu họp của chúng ta đây từ cửa sổ của Thiên Chúa Cha, hay Vị Phêrô này giờ đây đang đứng trước các bạn đây, hoặc bất cứ một Vị Phêrô thừa kế nào sẽ tỏ ra chống lại các bạn hay chống lại việc xây nhà trên đá. Thật vậy, ngài sẽ cống hiến trái tim của ngài và đôi tay của ngài để giúp các bạn xây dựng một cuộc sống trên Chúa Kitô và với Chúa Kitô.
Quí bạn thân mến, suy niệm về những lời của Chúa Kitô diễn tả tảng đá là nền tảng thích đáng cho một ngôi nhà, chúng ta không thể nào không chú ý tới lời cuối cùng là một lời hy vọng. Chúa Giêsu nói rằng, bất chấp tình trạng cay nghiệt của các yếu tố thiên nhiên thì ngôi nhà ấy vẫn không bị hủy hoại, bởi nó được xây trên tảng đá. Lời của Người chất chưa một niềm cậy trông đặc biệt nơi cái vững chắc của nền tảng này, một đức tin không sợ những thứ nghịch thường, vì đức tin này được củng cố kiên cường bởi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Đó là đức tin mà những năm sau đó Thánh Phêrô đã tuyên xưng trong bức thư của ngài: ‘Này Ta đặt ở Sion một viên đá, một viên đá gốc được chọn lọc và quí giá, và ai tin vào Người sẽ không bị hổ thẹn’ (1Pet 2:6). Chắc chắn là ‘họ sẽ không bị hổ thẹn’. Các bạn trẻ thân mến, nỗi sợ hãi bị thất bại có những lúc làm lung lạc ngay cả những giấc mộng tuyệt vời nhất. Nó có thể làm tê liệt ý muốn, làm cho con người không thể tin rằng thực sự là có thể xây nhà trên đá. Nó có thể thuyết phục con người là nỗi khát vọng về một ngôi nhà như thế chỉ là một thứ vọng tưởng trẻ con chứ không phải là một dự án cho cuộc sống. Cùng với Chúa Giêsu, các bạn hãy nói với nỗi hãi sợ này rằng: ‘Một ngôi nhà xây trên đá không thể nào bị đổ nát được !’. Cùng với Thánh Phêrô, các bạn hãy nói cùng khuynh hướng ngờ vực rằng: ‘Ai tin vào Chúa Kitô sẽ không bị bẽ bàng hổ thẹn!’ Tất cả các bạn đều là chứng nhân cho niềm hy vọng, cho niềm hy vọng không sợ xây nhà của cuộc sống của mình, vì tin tưởng rằng niềm hy vọng ấy có thể đặt trên nền tảng không bao giờ bị tàn rụi là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
“Ở tại Auschwitz-Birkenau, nhân loại đã bước đi qua ‘thung lũng tối’… ‘Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây roi và cái trượng của Ngài, đó là điều an ủi lòng tôi’”
GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Diễn Từ ở Trại Tử Thần Auschwitz, Auschwitz-Birkenau, Chúa Nhật 28
Địa điểm chúng ta đang đứng đây là một nơi thuộc ký ức, nó là nơi chốn của biến cố Shoah. Quá khứ không bao giờ chỉ thuần túy là quá khứ. Nó bao giờ cũng là một cái gì đó muốn nói với chúng ta; nó nói với chúng ta về những đường lối cần phải theo và những đường lối đừng tiến vào. Như Đức Gioan Phaolô II, tôi đã bước dọc theo những tấm bảng ghi khắc được viết bằng các ngôn ngữ khác nhau để tưởng nhớ những người đã chết ở nơi đây, những tấm bảng ghi khắc bằng tiếng Belarusian, Czech, German, French, Greek, Hebrew, Croatian, Italian, Yiddish, Hungarian, Dutch, Norwegian, Polish, Russian, Romani, Romanian, Slovak, Serbian, Ukrainian, Judaeo-Spanish và English. Tất cả các tấm bảng ghi khắc này đều nói về nỗi sầu đau của nhân loại, chúng cống hiến cho chúng ta một cái thoáng nhìn về tính cách cay độc của một thứ chế độ đối xử với con người nam nữ như là những đối tượng về thể chất, và không nhìn thấy nơi những con người ấy là hiện thân hình ảnh của Thiên Chúa. Một số tấm bảng ghi khắc có tính cách nhắc nhở. Có một tấm bảng ghi khắc bằng tiếng Do Thái. Những tay cầm quyền của Third Reich muốn giầy xéo toàn thể nhân dân Do Thái, muốn xóa bỏ họ khỏi sổ sách các dân tộc trên thế giới. Bởi thế mà những lời của bài Thánh Vịnh ấy đã được nên trọn một cách kinh hoàng: ‘Chúng tôi bị tàn sát, bị coi là con chiên bị đem đi làm thịt’. Tận thâm tâm thì những kẻ ác phạm ghê tởm ấy muốn sát hại Thiên Chúa, bằng việc loại trừ dân của Ngài, Đấng đã kêu gọi Abraham, Đấng đã phán trên núi Sinai và đã đặt ra các nguyên tắc để giúp hướng dẫn loài người, những nguyên tắc muôn đời vẫn có hiệu lực. Nếu dân tộc này, bằng chính việc hiện hữu của mình, là chứng từ cho Vị Thiên Chúa nói với nhân loại và mang chúng ta lại với Ngài, thì Vị Thiên Chúa ấy cuối cùng cần phải chết đi và quyền năng cần phải thuộc về một mình con người mà thôi – thuộc về những con người nghĩ rằng họ làm chủ thế giới này bằng võ lực. Bằng việc huy diệt dân Yến Duyên, bằng biến cố Shoah, tự kỳ chung họ muốn nhổ tận gốc rễ đức tin Kitô giáo và thay thế vào đó một đức tin theo sáng chế riêng của họ, đó là đức tin vào việc lãnh đạo của con người, vào việc cai trị của thành phần quyền lực.
Rồi cũng có tấm ghi khắc bằng tiếng Balan nữa. Trước hết và trên hết họ muốn loại trừ thành phần ưu tú về văn hóa, nhờ đó xóa bỏ nhân dân Balan như là một chủ thể lịch sử biệt lập và biến nó thành nô lệ nếu nó tiếp tục tồn tại. Một tấm ghi khắc khác có tính cách nhắc nhở đó là tấm được viết bằng tiếng của dân Sinti và Rôma. Cả ở nơi tấm ghi khắc này nữa, dự định đó là tẩy diệt cả một dân tộc đang sống lưu vong giữa các dân tộc. Dân tộc này được coi như là thành phần bị lịch sử thế giới chối bỏ, theo một thứ ý hệ chỉ coi trọng những gì là hữu dụng theo kinh nghiệm; còn mọi sự khác, theo quan điểm này, đều được coi như là lebensunwertes Leben – tức một sự sống không đáng sống. Cũng có tấm bảng ghi khắc bằng tiếng Nga, tấm bảng tưởng niệm việc các người lính Nga chiến đấu chống lại việc cai trị kinh khủng của Nazi bị mất mát sự sống một cách hãi hùng; thế nhưng tấm ghi khắc này cũng nhắc nhở chúng ta rằng sứ vụ của họ đã có một hậu quả lưỡng diện thảm thương, đó là họ đã giải phóng các dân tộc khỏi một chính sách độc tài, song các dân tộc ấy bởi đó lại bị qụi lụy vào một chính sách khác, chính sách của Stalin và của chế độ Cộng Sản.
Những tấm ghi khắc khác, được viết bằng nhiều ngôn ngữ Âu Châu, cũng nói với chúng ta về các nỗi khổ đau của những con người nam nữ ở khắp châu lục này. Chúng mạnh mẽ khuấy động tâm can của chúng ta nếu chúng ta chỉ tưởng nhớ đến các nạn nhân một cách chung chung vậy thôi, nhưng còn cần phải thấy được cả các bộ mặt của những con người cá biệt đã kết thúc cuộc đời tại vực thẳm kinh hoàng ở nơi đây nữa.
Tôi cảm thấy được mạnh mẽ dừng chân lại một cách đặc biệt trước tấm bảng ghi khắc bằng tiếng Đức. Nó cho thấy dung nhan của Edith Stein, Theresia Benedicta a Cruce: một nữ nhân Do Thái và Đức Quốc, vị đã biến mất cùng với chị em của mình trong đêm đen ở trại tập trung Nazi Đức quốc; là một Kitô hữu và là người Do Thái, chị đã chấp nhận cái chết với nhân dân của chị và cho nhân dân của chị. Những người Đức bị mang đến Auschwitz-Birkenau và bị chết ở đây đều được coi là thành phần Abschaum der Nation – tức thành phần bị quốc gia khước từ. Hôm nay, chúng ta tri ân nghiêng mình trước họ như là thành phần nhân chứng của chân lý và của sự thiện mà ngay trong thành phần nhân dân của chúng tôi vẫn không bị lu mờ. Chúng ta ghi ơn họ, vì họ không qụi lụy quyền lực của sự dữ, và giờ đây họ hiện lên trước mắt chúng ta như ánh sáng chiếu soi trong đêm tối. Bởi vậy, với tấm lòng trọng kính và ghi ơn, chúng ta hãy cúi đầu trước tất cả những ai, giống như 3 người trẻ ở Babylon trước cái chết trong hỏa lò, vẫn có thể đáp lại rằng: ‘Chỉ có một mình Thiên Chúa của chúng tôi mới có thể cứu được chúng tôi. Thế nhưng cho dù Ngài có không cứu chúng tôi đi chăng nữa, thì xin Vua hãy biết cho rằng chúng tôi sẽ không phụng sự các thần linh của vua đâu, và chúng tôi sẽ không tôn thờ tượng vàng được vua dựng lên đâu’ (x Dan 3:17ff).
Đúng thế, đằng sau những tấm ghi khắc ấy là số mệnh của vô vàn con người. Chúng làm ký ức của chúng ta bị chấn động, chúng tác động tâm can của chúng ta. Chúng không có ý muốn tiêm nhiễm vào chúng ta mối hận thù, trái lại, chúng cho chúng ta thấy hậu quả kinh khiếp của hận thù. Chúng muốn giúp cho trí khôn của chúng ta thấy được sự dữ là sự dữ và loại trừ nó; chúng muốn khơi lên trong chúng ta lòng can đảm hành thiện và chống dữ. Chúng muốn làm cho chúng ta cảm thấy những cảm thức được bày tỏ qua những lời Sophocles đặt vào miệng lưỡi của Antigone, khi bà chiêm ngắm thấy cảnh tượng kinh hoàng xẩy ra chung quanh bà: bản tính của tôi không liên kết với hận thù mà là trong yêu thương.
Nhờ ơn Chúa, cùng với việc thanh tẩy ký ức cần phải có bởi chốn kinh hoàng này, đã bừng lên một số khởi xướng nhằm áp đặt giới hạn trên sự dữ và củng cố sự thiện hảo. Tôi vừa được dịp làm phép Trung Tâm Về Đối Thoại Và Nguyện Cầu. Ở khu vực liền ngay đây là các nữ đan sĩ sống đời ẩn thân, biết rằng họ liên kết một cách đặc biệt với mầu nhiệm Thập Giá của Chúa Kitô và nhắc nhở chúng ta về đức tin của người Kitô hữu, một đức tin tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã đích thân xuống tận ngục của khổ đau và của thành phần đau khổ với chúng ta. Ở Oswiecim có Trung Tâm Thánh Maximilian Kolbe, và Trung Tâm Quốc Tế Giáo Dục về Auschwitz cũng như về Cuộc Tế Thần. Cũng có cả những Nhà Quốc Tế Cho Các Cuộc Họp Giới Trẻ. Gần một trong những Nhà Cầu Nguyện cũ có Trung Tâm Do Thái. Sau cùng Học Viện Về Nhân Quyền cũng đang được xây dựng. Bởi vậy hy vọng rằng nơi này dần dần sẽ trở thành một chốn có những tâm tưởng xây dựng, và việc tưởng nhớ sẽ nung nấu cuộc chống lại sự dữ cho tình yêu thắng cuộc.
Ở tại Auschwitz-Birkenau, nhân loại đã bước đi qua ‘thung lũng tối’. Bởi vậy, ở nơi đây, tôi muốn kết thúc bằng một lời nguyện cầu của lòng tin tưởng – bằng một trong những lời Thánh Vịnh của dân Do Thái cũng là một lời nguyện của Kitô hữu, đó là: ‘Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn chi. Nơi đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ; tới nguồn nước chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi Người lo bồi dưỡng. Vì uy danh Người, Người dẫn tôi theo đường ngay nẻo chính. Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây roi và cái trượng của Ngài, đó là điều an ủi lòng tôi… Tôi sẽ cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi’
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
“Anh chị em cần phải mạnh mẽ bằng mãnh lực xuất phát từ đức tin. Anh chị em cần phải mãnh liệt bằng sức mạnh của đức tin”
GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Bài Giảng ở Krakow cho Thánh Lễ Chúa Nhật 28
Thánh Phaolô đã nói về điều này trong đoạn Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô mà chúng ta nghe thấy hôm nay đây. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một thần trí khôn ngoan và ‘đã sáng soi cặp mắt tâm hồn của chúng ta, để chúng ta biết những gì là niềm hy vọng được Ngài kêu gọi chúng ta hướng tới, những gì là phong phú thuộc gia sản hiển vinh của Ngài nơi các thánh nhân, và những gì là cao cả khôn lường của quyền lực Ngài nơi chúng ta là những kẻ tin tưởng, theo việc làm quyền năng vĩ đại của Ngài nơi Chúa Kitô’ (x Eph 1:17-20). Tin tưởng nghĩa là phó mình của chúng ta cho Thiên Chúa và trao phó định mệnh của chúng ta cho Ngài. Tin tưởng nghĩa là sống liên hệ thân tình với Đấng Hóa Công và Cứu Chuộc của chúng ta trong quyền nặng của Thánh Thần và làm cho mối liên hệ này thành nền tảng cho cả cuộc đời của chúng ta.
Hôm nay chúng ta đã nghe thấy những lời của Chúa Giêsu: ‘Các con sẽ lãnh nhận quyền năng khi Thánh Thần xuống trên các con; và các con sẽ là những chứng nhân của Thày ở Giêrusalem cũng như ở khắp Giuđêa và Samaria, và cho tới tận cùng trái đất’ (Acts 1:8). Nhiều thế kỷ trước đây những lời ấy đã tiến đến Balan. Chúng đã thách đố và tiếp tục thách đố tất cả những ai nói rằng mình thuộc về Chúa Kitô, những người coi lời của Người ấy là một lý tưởng cao cả nhất. Chúng ta cần trở thành những chứng nhân của Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong Giáo Hội và trong lòng người. Người đã trao cho chúng ta một sứ vụ. Vào ngày Người lên trời, Người đã nói cùng các Tông Đồ rằng: ‘Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật… Và các vị đã ra đi rao giảng khắp nơi, Chúa Kitô đồng thời làm việc với các vị và củng cố sứ điệp các vị rao giảng bằng các dấu hiệu kèm theo’ (Mk 16:15,20). Anh chị em thân mến! Khi Đức Karol Wojtyla được bầu lên Ngài Tòa Thánh Phêrô để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ thì đất nước của anh chị em đã trở thành một địa điểm của chứng từ đặc biệt về niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô. Anh chị em đã được kêu gọi để cống hiến chứng từ này trước toàn thế giới. Ơn gọi này của anh chị em là những gì luôn cần thiết, và có lẽ còn khẩn trương hơn bao giờ hết khi mà Người Tôi Tớ Chúa đây đã qua khỏi đời này. Anh chị em đừng làm cho thế giới bị hụt hẫng mất chứng từ này nhé!
Trước khi tôi trở về Rôma để tiếp tục thừa tác vụ của mình, tôi kêu gọi tất cả mọi anh chị em bằng những lời được Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói lên ở nơi đây vào năm 1979, đó là ‘Anh chị em thân mến, anh chị em cần phải vững mạnh. Anh chị em cần phải vững mạnh bằng sức mạnh xuất phát từ đức tin. Anh chị em cần phải vững mạnh bằng sức mạnh của đức tin. Anh chị em cần phải trung thành. Ngày nay, hơn bất cứ một thời đại nào khác, anh chị em cần đến sức mạnh này. Anh chị em cần phải mạnh mẽ bằng sức mạnh của đức cậy, một đức cậy mang lại niềm vui trọn vẹn cho cuộc sống và là niềm hy vọng làm cho chúng ta tránh được việc làm phiền lòng Thánh Linh! Anh chị em cần phải mạnh mẽ bằng đức ái, một đức ái mạnh hơn sự chết… Anh chị em cần phải vững mạnh bằng sức mạnh của đức tin, đức cậy và đức mến, một đức mến ý thức, trưởng thành và hữu trách, và là một đức mến có thể giúp chúng ta trong lúc này đây nơi lịch sử của chúng ta thực hiện việc đối thoại trao đổi đại thể với con người và thế giới, một cuộc đối thoại được bắt nguồn từ cuộc đối thoại với chính Thiên Chúa, với Chúa Cha, nhờ Chúa Con trong Thánh Thần, một cuộc đối thoại cứu độ’ (Bài Giảng 10/6/1979, đoạn 4).
Cả tôi nữa, Biển Đức XVI, Vị Thừa Kế Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cũng đang xin anh chị em hãy từ đất nhìn lên trời, hãy hướng mắt về Đấng được các thế hệ liên tục nhau trông chờ cả hai ngàn năm, và là Đấng họ khám phá thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Được kiên cường bởi niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, anh chị em hãy nhiệt thành với việc củng cố Vương Quốc của Người trên thế gian này, một Vương Quốc của thiện hảo, công lý, đoàn kết và tình thương. Tôi xin anh chị em hãy can đảm làm chứng cho Phúc Âm trước thế giới ngày nay, mang hy vọng tới cho người nghèo, cho người khổ đau, cho thành phần lầm lạc và bị bỏ rơi, thành phần thất vọng và những ai trông mong tự do, chân lý và an bình. Bằng việc làm lành cho tha nhân của mình và tỏ ra quan tâm đối với công ích, anh chị em làm chứng rằng Thiên Chúa là tình yêu.
Sau hết, tôi xin anh chị em hãy chia sẻ với các dân tộc khác ở Âu Châu cũng như với thế giới kho tàng đức tin của anh chị em, ít là như cách thức để kính nhớ tới con người đồng hương của anh chị em, vị, với tư cách là Thừa Kế Thánh Phêrô, đã thực hiện điều ấy một cách đặc biệt mãnh liệt và hiệu năng. Và xin hãy nhớ đến tôi trong lời nguyện cầu và hy sinh của anh chị em, thậm chí như anh chị em nhớ đến vị đại Tiền Nhiệm của tôi, để tôi có thể thi hành sứ vụ Chúa Kitô đã trao phó cho tôi. Tôi xin anh chị em hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em! Hãy đứng vững trong đức cậy của anh chị em! Hãy đứng vững trong đức ái của anh chị em! Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh