GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 10/7/2006 TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN |
? Thực Hiện Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 20.- Con Người Thành Nhân
? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 10: Luật Lệ Hồi giáo và Khả Năng Dân Chủ của Luật Lệ này
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 6 - Giới Trẻ sống Sự Thật
Thực Hiện Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 20.- Con Người Thành Nhân
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Là Người và Thành Người
K |
hi vừa được thụ thai trong lòng mẹ, ngay từ giây phút đầu tiên, con người đã là người. Chính vì con người đã là người ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc đời của họ mà không ai, kể cả cha mẹ của họ, có toàn quyền sinh sát trên họ. Bởi vì, nếu không là người trước thì mầm thai ấy có thể là thú vật hay quái thai, chứ không bao giờ sẽ thành người, với hình dạng con người độc nhất vô nhị theo ngôi vị của họ và với bản tính con người có cả hồn thiêng lẫn xác thể. Tuy nhiên tiến trình thành người trong lòng mẹ đây chỉ là tiến trình thành người về hình thể mà thôi, chứ chưa phải là vấn đề thành nhân về tinh thần, một vấn đề trực tiếp liên quan đến việc giáo dục.
Đó là lý do, như lịch sử cho thấy, con người đã đi từ thời hoang sơ, ăn lông ở lỗ, sống theo bản năng gần như loài thú, tiến đến chỗ văn minh cả về vật chất lẫn nhân bản, để mỗi ngày một thành nhân hơn, ở chỗ chẳng những vượt xa tầm mức thú vật hơn mà còn càng ngày càng đạt đến mức độ xứng hợp với nhân phẩm và nhân cách của mình hơn. Kinh nghiệm cho thấy, một trong những yếu tố chứng tỏ con người văn minh đó là văn hóa của họ, một thứ văn hóa hoàn toàn phản ảnh luân thường đạo lý là những gì vốn được bẩm sinh nơi bản tính mỗi người. Bởi thế, hễ bao giờ con người bắt đầu phá sản cái lâu đài văn hóa truyền thống của mình, tức bị khủng hoảng về luân thường đạo lý, là con người văn minh bắt đầu bị choáng váng, bị mất thăng bằng, và không sớm thì muộn chắc chắn sẽ đi đến chỗ ngã xuống và sụp đổ một cách thảm thương, thậm chí đến chỗ tự diệt, như tình hình đang diễn tiến của thế giới văn minh vật chất song đầy băng hoại ngày nay cho thấy.
Thành Nhân theo Khổng Giáo
Như thế, phải khẳng định là vấn đề thành nhân không phải là vấn đề khám phá khoa học tinh vi hay phát minh kỹ thuật tân kỳ, mà là vấn đề văn hóa sự sống, là vấn đề văn minh yêu thương, là vấn đề luân thường đạo lý. Trong các đạo giáo, vẫn biết đạo nào cũng dạy con người ăn ngay ở lành, nhưng dầu sao mỗi đạo cũng có một điểm gì nổi bật, làm cho đạo ấy khác với các đạo khác. Phải công nhận là vấn đề luân thường đạo lý và giáo dục là điểm nổi bật nhất của Khổng Giáo, nếu không muốn nói là tất cả Khổng Giáo. Thật vậy, Khổng Giáo, qua Mạnh Tử (371-289 BC) với thuyết tính tốt, chẳng những chủ trương “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng đồng thời, qua Tuân Tử (298-238 BC) với thuyết tính xấu, Đổng Trọng Thư (179-104 BC) với thuyết tính chất, Chu Hi (1130-1200) với thuyết tính khí, và Vương Dương Minh (1472-1528) với thuyết thiên địa nhất thể, còn chủ trương giáo dục con người nên hoàn thiện nữa. Đó là lý do lịch sử Á Đông cho thấy hệ thống giáo dục thi cử và khoa bảng để tuyển người tài đức cho đất nước đã được bắt đầu từ Nho Gia Đổng Trọng Thư, một hệ thống giáo dục được kéo dài cả hai ngàn năm ở Trung Hoa, mãi cho tới thời Cách Mạng Trung Hoa Dân Quốc, một hệ thống giáo dục đã được thịnh hành cả ở Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Và đó cũng là lý do Khổng Giáo đã nhấn mạnh đến con người thành nhân là một con người Chính Nhân Quân Tử, hay một con người Hiền Nhân Quân Tử.
Thế nhưng, vấn đề thành nhân của con người tuy “tính bản thiện” những cũng cần phải được giáo dục theo các vị Nho Gia của Khổng Giáo để trở thành một Chính Nhân Quân Tử hay Hiền Nhân Quân Tử đây là ở chỗ nào hay được thể hiện ra sao, nếu không phải được thể hiện trọn vẹn qua những tính đức được chính Đức Khổng dạy liên quan đến nhân cách của con người sống trong xã hội như Hiếu, Đễ, Trung, Thứ: Hiếu tức thảo hiếu với cha mẹ, Đễ tức thuận hòa với anh chị em, Trung tức hết mình với vua với nước, Thứ tức khuôn phép với tha nhân. Thật vậy, vì Nho Giáo đi theo chiều hướng xã hội và mang nặng tính chất xã hội, do đó, con người thành nhân đối với đạo giáo này phải là một con người biết khôn ngoan đối xử cho phải đạo làm người trong tất cả mọi liên hệ xã hội cũng như nơi từng liên hệ xã hội, tiêu biểu là 4 liên hệ Phụ Tử, Huynh Đệ, Quân Thần và Bằng Hữu trên đây. Đó là chưa kể đến một liên hệ rất quan trọng khác nữa đó là liên hệ Phu Phụ, một liên hệ gắn liền với thân phận và vai trò của nữ giới hơn là nam giới. Nữ giới thành nhân, theo Khổng Giáo, phải là một người đàn bà biết sống theo tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tuy nhiên, để có thể chu toàn tất cả những mối liên hệ và từng mối liên hệ xã hội như thế, bản thân của con người thành nhân, nam cũng như nữ, cần phải hội đủ 5 phẩm tính là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín: Nhân là lòng nhân ái biết cảm thông thương xót; Nghĩa là lòng cảm thấy hổ thẹn biết ghét bỏ điều xấu; Lễ là lòng tôn trọng biết kính trên nhường dưới; Trí là lòng trí biết phân biệt phải trái đúng sai; và Tín là lòng trung thành với những gì được hứa quyết.
Thành Nhân theo Kitô Giáo
Theo Kitô Giáo, ngay từ ban đầu con người cùng với tất cả mọi tạo sinh được Tạo Hóa dựng nên hoàn hảo và tốt lành. Tuy nhiên, trong tất cả mọi tạo vật trong vũ trụ này nói chung và loài sinh vật nói riêng, chỉ duy loài người mới có hồn thiêng và tự do, những gì làm cho con người trở thành giống như thần linh, như Thượng Đế Tối Cao. Thế nhưng, cũng chính vì tự do, mà con người cần phải được thử thách. Để rồi, trong cuộc thử thách, ở chỗ, con người chỉ được làm tất cả những gì trong quyền hạn của mình, chứ không được vượt phạm vi thụ tạo của mình; những gì ở ngoài giới hạn của con người đều bị cấm, được tiêu biểu nơi trái cấm là những gì Thiên Chúa đặt định. Hễ bao giờ con người lạm dụng tự do của mình để vượt biên là con người phạm tội, mà hậu quả là bị chết, một cái chết về tinh thần mà còn kéo theo cả cái chết về thể chất nữa. Đó là lý do đau khổ và sự chết là hậu quả của tội lỗi, mà tội đầu tiên gọi là tội Nguyên tổ, vì tội này gây ra do hai Nguyên tổ của loài người là ông Adong và bà Evà. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, tuy hai nguyên tổ phạm tội nhưng con cháu của nhị vị phụ mẫu tiên khởi này lại lãnh đủ cái hậu quả của những gì các ngài đã làm sai trái ngay từ ban đầu ấy. Cái lãnh đủ đó là con người từ ấy đến nay không ai có thể thoát được khổ đau và tử thần, hậu quả vô cùng tai hại và đáng tiếc của tội lỗi, của nguyên tội. Có nghĩa là sau khi hai nguyên tổ sa ngã phạm tội, bản tính con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa của con người đã bị hư hại, không còn được nguyên vẹn, hoàn hảo và tốt lành như lúc mới được Tạo Hóa dựng nên nữa.
Nơi chính bản thân con người, phần hạ và phần thượng bắt đầu xung khắc nhau, để rồi từ đó và bởi đó, những mối liên hệ giữa con người tạo vật với Tạo Hóa, giữa con người đồng loại với nhau, cũng như giữa con người “linh ư vạn vật” với thiên nhiên tạo vật, đã bị liên tục gián đoạn, khủng hoảng và lủng củng, điển hình nhất là hiện tượng và tình trạng chiến tranh đủ mọi hình thức hầu như không bao giờ có thể chấm dứt nơi lịch sử loài người qua các thế hệ. Chính vị con người mang một bản tính sa đọa không thể tự giải cứu được mình khỏi đau khổ và tội lỗi mà họ mới cần phải được cứu độ, được cứu độ bởi chính Vị Tạo Hóa của mình, Đấng đã nhập thể làm người như họ nơi Đức Kitô, một Con Người Lịch Sử mang danh Giêsu quê ở Nazarét, một Con Người đã tử giá bởi tay loài người trong thời Tổng Trấn Philatô thuộc đế quốc Rôma đang cai trị nước Do Thái, song đã phục sinh bởi Thần Linh toàn năng để mang lại bình an cho con người, một bình an nơi chính họ, nhờ đó, họ cũng có thể sống an bình với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên tạo vật, như thuở thái hòa ban đầu của trời đất.
Tuy nhiên, dù chung con người đã được cứu chuộc, thậm chí nơi cả thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận Phép Rửa, tức đã được khỏi tội, nhưng mầm mống tội lỗi của họ vẫn còn đó. Đó là lý do chúng ta thấy xẩy ra nạn linh mục Hoa Kỳ lạm dụng tình dục trẻ em bùng lên vào đầu năm 2002 chẳng hạn. Theo Kitô Giáo, đời sống của người Kitô hữu là một đời sống vừa thiêng liêng vừa trần tục, thiêng liêng với ân sủng và trần tục với những đam mê nết xấu như cỏ dại lúc nào cũng muốn lấn át lúa tốt là ân sủng thần linh nơi họ. Bởi thế, để có thể giữ vững đức tin của mình, họ cần phải liên lỉ đương đầu với một trận chiến thiêng liêng bằng việc cẩn thận giữ đạo, như đọc kinh, đi lễ, học giáo lý, Thánh Kinh v.v. Đấng Sáng Lập của họ không dạy họ nên người, thành nhân, như chủ trương của Đức Khổng Tử và các Nho Gia Khổng Giáo, nhưng dạy họ nên thánh, nên giống chính Cha trên trời của họ là Thiên Chúa Toàn Thiện Toàn Ái (xem Mathêu 5:48). Như thế, đối với Kitô hữu, nên thánh là thành nhân, và việc con người thành nhân nơi Kitô giáo là việc con người từ từ được thần linh hóa, được thần thánh hóa, cho đến khi họ có thể sống như Đấng Sáng Lập của họ là Vị Thiên Chúa Làm Người đã sống xưa. Đó là lý do Giáo Hội Công Giáo đã xác tín là sự thật về con người và ơn gọi của con người chỉ được sáng tỏ và nên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô mà thôi (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes, Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 22).
Thành Nhân theo Luân Đức
Nếu chủ trương thành nhân của Khổng Giáo là ở chỗ trở thành một Chính Nhân Quân Tử trong xã hội, và chủ trương thành nhân của Kitô Giáo là ở chỗ nên thánh như Vị Thiên Chúa Làm Người là Đức Giêsu Kitô, thì thành nhân ở đây có một tụ điểm là luân đức, tức bốn nhân đức trụ về luân lý là Khôn Ngoan, Công Bình, Tiết Độ và Can Đảm. Bởi vì, bất cứ Thánh Nhân Kitô Giáo nào hay Chính Nhân Quân Tử Nho Gia nào cũng phải hội đủ 4 nhân đức trụ về luân lý này ở mức độ hoàn hảo, bằng không, họ không thể nào đáng gọi là Thánh Nhân hay Chính Nhân Quân Tử được cả.
Thật ra, một Chính Nhân Quân Tử Khổng Giáo sống 5 phẩm tính Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín cũng chẳng qua là họ sống theo 4 luân đức này vậy: Trí liên quan đến Khôn Ngoan, Nhân và Nghĩa liên quan đến Công Bằng, Lễ liên quan đến Tiết Độ, và Tín liên quan đến Can Đảm. Còn Thánh Nhân Kitô Giáo, thành phần được thần linh hóa bằng ba tài năng thần linh để có thể sống như thần linh; ba tài năng này được gọi là ba thần đức, tức ba nhân đức nhắm đến chính đối tượng là Thiên Chúa, đó là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến: Đức Tin là tin tưởng vào Mạc Khải và Thẩm Quyền của Thiên Chúa, Đức Cậy là cậy trông vào Quyền Năng và Tình Thương của Thiên Chúa, Đức Mến là mến yêu Bản Tính Toàn Thiện của Thiên Chúa. Thế nhưng, ba Thần Đức này cũng liên quan đến 4 Luân Đức Trụ: Đức Tin với Khôn Ngoan, Đức Cậy với Tiết Độ và Can Đảm, Đức Mến với Công Bằng. Như thế, một con người thành nhân bình thường phải là một con người sống một cách khôn ngoan, công bằng, tiết độ và can đảm.
Khôn ngoan ở chỗ chẳng những biết khách quan phân biệt hay phân xử theo chân lý v.v., mà còn biết chọn lựa những gì xứng hợp với thân phận, vai trò và hoàn cảnh của mình nữa. Một câu chuyện tiêu biểu cho nhân đức khôn ngoan này là câu chuyện về vua Solomon, vị vua thứ ba của dân Do Thái, vị vua đã phân xử hết sức khôn ngoan vụ hai người nữ mới sinh hai đứa nhỏ cùng một lúc và cùng một nơi, nhưng một đứa bị mẹ đè chết, và đứa còn lại được hai người giành nhau. Để thử xem đứa nhỏ thật sự là của người nào, vua Solomon đã ra lệnh chém đôi đứa nhỏ ra làm hai. Cuối cùng vua đã lệnh trao đứa nhỏ đó cho người mẹ muốn cứu đứa nhỏ, bằng cách sẵn sàng nhường đứa nhỏ cho người mẹ đồng ý với vua trong việc chặt đứa nhỏ ra làm đôi (xem Sách Chư Vương, quyển 1, đoạn 3:16-27).
Công bằng ở chỗ sống đúng với thân phận của mình, với vai trò, với tài năng cũng như với chức vụ của mình, không lộng hành, không lấn át hay gây thiệt hại kẻ khác v.v. Một con người thành nhân là một con người khi được người tính tiền ở quầy hàng thối lại cho mình quá số tiền mình phải trả cho món đồ, liền mang trả lại, chứ không thấy vậy lấy luôn; họ cũng là một con người làm lỗi thì nhận lỗi và xin lỗi chứ không chạy tội, đổ lỗi và ngoan cố; họ còn là một con người nhận ơn thì đền đáp, hứa là làm, hết sức chu toàn trách nhiệm của mình; họ có thể là một con người chấp nhận những thiệt hại hay hậu quả do chính mình gây ra mà không than thân trách phận kêu trời kêu đất v.v.
Tiết độ ở chỗ biết làm chủ mình, không để cho mình sống buông tuồng, sống thả lỏng theo đam mê nết xấu, tham thực cực thân, cả giận mất khôn, dục tốc bất đạt, giận cá chém thớt, bất chấp thủ đoạn v.v. Một con người thành nhân là một con người ăn uống điều độ chứ không phải hễ ngon thì đớp mạnh dở thì bỏ thừa, làm việc chừng mực chứ không phải hứng thì làm chán thì thôi, nếp sống kỷ cương chứ không phải lung tung đồ đạc thất thường giờ giấc, đoan trang từ tốn chứ không phải to mồm lắm chuyện, trầm tĩnh tự tại chứ không phải sôi nổi nông cạn...
Can đảm ở chỗ thắng vượt những khó khăn, không lùi bước trước thử thách, hy sinh, nhẫn nại, chịu đựng vì thiện ích hay để đạt được lý tưởng làm người. Gương can đảm không thiếu gì trong lịch sử các nước trên thế giới, những gương sáng tỏ nơi các vị anh hùng dân tộc của họ. Như một Lê Lai cứu chúa khi Lê Lợi bị quân Minh vây xiết không thể thoát thân. Như một Trần Bình Trọng không màng danh lợi vinh thân đã thẳng thắn dứt khoát “thà làm quỉ nước Nam còn hơn là vương đất Bắc”. Như một Helen Keller (1880-1968), ở Alaska Hoa Kỳ, từ hai tuổi đã bị mù lòa và câm điếc, thế mà, với sự giúp đỡ của bà Anne Sullivan, Hellen đã ra trường cấp bằng cử nhân bậc danh dự năm 1904. Sau đó Hellen đã đi thuyết trình 25 nước khắp năm châu. Các tác phẩm của Hellen đã được dịch sang 50 thứ tiếng, như cuốn Câu Truyện Cuộc Đời Tôi (1903), Thế Giới Tôi Sống (1908), Khúc Ca Bức Tường Đá (1910), Từ Trong Tăm Tối (1913). Như một Cha Damien (1840-1889) người Bỉ suốt đời phục vụ người cùi ở Molokai thuộc quần đảo Hạ Uy Di. Như một Maximilianô Kolbe, người tù Balan của Đức Quốc Xã số 16670, ngày 14/8/1941 đã tự nguyện chết trong Trại Auschwitz thay cho một người gia trưởng.
(Bài ngày mai: Con Người Vào Đời)
Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 10: Luật Lệ Hồi giáo và Khả Năng Dân Chủ của Luật Lệ này
Trước hiện tượng bầu cử dân chủ ở Palestine cũng như ở Iraq trong tháng Hai 2005, cả những biến chuyển theo chiều hướng dân chủ ở A Phú Hãn, Iran và Lêbanon, mạng lưới điện toán toàn cầu Zenit đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với ông David Forte, tham vấn viên của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình và cũng là cố vấn cho Tổng Thống Bush về các Hồi giáo vụ, liên quan đến khả năng nơi luật lệ Hồi giáo, một thế giới tôn giáo thiên về chế độ độc tài chuyên chế. Ông Forte là giáo sư luật ở Cleveland-Marshall of Law thuộc Cleveland State University và là tác giả cuốn “Những Nghiên Cứu về Luật Lệ Hồi giáo: Việc Áp Dụng Tân Cổ”, do Austin và Winfield xuất bản.
Vấn: Luật lệ Hồi giáo là gì? Đâu là nguồn gốc của nó?
Đáp: Nói chung, luật lệ Hồi giáo bao gồm toàn thể phạm trù về các thứ qui luật có thẩm quyền để hướng dẫn các cộng đồng Hồi giáo khác nhau. Luật lệ này bao gồm chẳng những Shariah cổ là lề luật thánh của Hồi giáo mà còn cả những chỉ dụ, những khuyến dụ hay “fatwas”, tục lệ và các tiêu chuẩn về bộ tộc.
Tuy nhiên, đặc biệt hơn nữa, luật lệ Hồi giáo thường được ám chỉ về nội dung cùng những phương pháp của lề luật thánh, tức bộ luật được khai triển hay diễn tiến xuất phát từ những nơi khác nhau của đế quốc Hồi giáo.
Có những biến dạng nơi các thứ khác biệt về luật lệ thánh này, cả giữa và trong hai ngành phân rẽ chính của Hồi giáo là Sunni và Shiite, thế nhưng lại có nhiều điều giống nhau hơn là khác nhau. Trong phái Hồi giáo Sunni, có bốn truyền thống hay trường phái còn tồn tại, đó là Hanafi, Maliki, Shafi’i và Hanbali.
Các học giả Tây phương và Hồi giáo đã tranh luận nhiều về cách thức lề luật thánh này thực sự được khai triển hay diễn tiến.
Sau khi truyền thống về luật pháp được các thành phần tranh đấu trong Hồi giáo nuôi dưỡng và làm thành một trong những tiếng nói thống trị của tôn giáo này thì có các tác giả cho rằng việc phát triển của lề luật thánh, theo một cách giải thích, thực sự là không có học giả nào tin là đúng cả, một cách chung chung hay cả ở nơi nhiều chi tiết của nó, mặc dù nhiều người Hồi giáo bảo thủ vẫn gắn bó với việc giải thích cổ kính đối với việc phát triển lề luật thánh này.
Theo quan niệm cổ kính ấy thì các nguồn căn bản của lề luật thánh có một nguồn gốc thần linh. Lề luật này cung cấp một phương tiện truyền bá sứ điệp do Mohammed nhận được cho các tín đồ ngày nay sống đời sống thường nhật của họ. Lề luật thánh bao gồm tất cả mọi qui luật theo văn bản phát xuất từ hay được suy diễn theo phân tích từ luật thần linh là những gì điều hành người Hồi giáo và cộng đồng của họ.
Trong 4 nguồn chính yếu của lề luật thánh này, là Koran; Sunna, văn liệu về các việc làm của Vị Tiên Tri giáo tổ; “ijma” là văn bản về những tâm thức chung của cộng đồng; và “qiyas” là văn bản diễn dịch loại suy, thì Koran và Sunna cung cấp nền tảng chính yếu cho các mệnh lệnh của lề luật thánh.
Kinh Coran và Sunna là hai tảng đá nền xây dựng toàn thể tòa nhà của lề luật thánh. “Quyas” và “ijma” cùng nhau cung cấp một khối những qui luật có tính cách thực sự tích cực, thế nhưng cả hai thứ này chỉ có thể được dựa vào những mệnh lệnh của Koran hay Sunna mà thôi, và không thể tung ra những luật tắc phản ngược lại với hai nguồn ấy.
Tuy nhiên, ngay cả trong tuyền thống cổ của Hồi giáo, những khoản của kinh Coran cũng có thể được giải thích theo những cách thức trệch nhau, và những truyền thống đặc biệt được gán cho là những hành động của Mohammed đều được công nhận bởi khoa học của loài người chứ không phải bởi mệnh lệnh thần linh. Cả hàng ngàn thứ được gán cho là truyền thống thực sự đã bị loại bỏ bởi những học giả Hồi giáo xưa kia như những gì không có giá trị.
Một số học giả về pháp lý nghĩ rằng các truyền thống còn lại đã có giá trị bởi phương pháp của “ijma”, tức bởi tâm thức chung, thế nhưng các học giả Hồi giáo cũng có nhiều tranh luận về vấn đề những gì xứng hợp cấu tạo nên cái tâm thức chung ấy. Bởi thế, nếu các phương pháp tân thời về vấn đề điều tra tìm hiểu cho thấy rằng một số được cho là truyền thống là những gì giả mạo hay ngụy kinh thì một người Hồi giáo có thể được biện minh không phải ở chỗ gán ghép thẩm quyền cho những truyền thống ấy.
Hầu hết vai trò của thành phần học giả gần đây đã tranh luận về văn bản cổ thời của việc phát triển lề luật Hồi giáo, thế nhưng họ cũng tranh luận rất nhiều về những gì đã thực sự xẩy ra.
Nhiều học giả cho rằng lề luật này không phát triển một cách gẫy gọn như văn bản cổ thời xác nhận, trái lại một cách phức tạp hơn, ở chỗ mang vào vào bộ qui luật và nguyên tắc của mình từ những gì có trước Ả Rập Hồi giáo, từ những truyền thống pháp lý của các đế quốc Byzantine và Sassanid, cũng như từ những sắc lệnh về chính trị cũng như tài chính của những Hồi vương khác nhau.
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì cuộc tranh luận giữa các học giả luật pháp Hồi giáo là những cuộc tranh luật gay go, và trong cuộc tranh luận này cũng có những lý thuyết luân chuyển nhau được tranh luận dữ dội nữa.
Vấn: Những yếu tố nào nơi luật pháp Hồi giáo đặc biệt hợp với
chính quyền dân chủ? Những yếu tố nào đối nghịch?
Đáp: Vâng tôi xin trả lời vấn đề này một cách rộng rãi hơn và nói đến những yếu tố nào nơi truyền thống Hồi giáo hợp hay không hợp với chính quyền dân chủ.
“Umma” hay thành phần đức tin là nguyên tắc căn bản nơi Hồi giáo. Tất cả mọi tín đồ đều bình đẳng, do đó những thứ kỳ thị về pháp lý hay chính trị nơi họ đều là những gì không xứng hợp.
“Shura” hay vấn đề tham vấn, ám chỉ giao ước được thực hiện giữa vị Hồi vương và thành phần trưởng lão của cộng đồng Hồi giáo, trong đó, trong giao ước này có đề cập tới việc “tuyển cử” vị Hồi vương này, vị Hồi vương đồng ý cai trị cho lợi ích của cộng đồng của mình.
Tính cách tự do bao giờ cũng là một đặc điểm của lề luật Hồi giáo cũng như các thứ cơ cấu tổ chức của người Hồi giáo.
Ngược lại với ý kiến của một số thành phần bảo thủ Hồi giáo, quốc gia ở Hồi giáo bao giờ cũng có tính cách độc lập hợp lý với lề luật thánh. Quốc gia có thể, theo hiến pháp, loại bỏ các vị thẩm phán về tôn giáo, các vị “qadis”, khỏi những quyền tài phán nào đó, chẳng hạn như quyền tài phán về tội hình, và thay thế bằng những tòa án của quốc gia. Chế độ pha trộn luật lệ tôn giáo và luật lệ quốc gia bao giờ cũng là qui chuẩn nơi thế giới Hồi giáo.
Cũng có truyền thống quốc gia được độc lập hẳn. Hồi giáo chưa bao giờ được hoàn toàn thống nhất về chính trị cả. Thật thế, đã từng xẩy ra tình trạng phân rẽ nhiều nhất về chính trị trong những thời huy hoàng nhất của mình, khoảng từ năm 800 đến 1000. Tính cách đa dạng và nẩy nở về các chế độ chính trị chẳng những hiện hữu nơi lịch sử Hồi giáo mà còn dường như là yếu tố chính cho việc phát triển của Hồi giáo nữa.
Tuy nhiên, việc áp dụng triệt để lề luật Hồi giáo sẽ ngăn chặn một nền dân chủ trọn vẹn, nếu nó trở thành qui luật của quốc gia. Luật lệ Hồi giáo cổ thời chấp nhận thân phận bất bình đẳng của nữ giới, của thành phần không phải Hồi giáo và thành phần làm nô lệ.
Cũng có nhiều vấn đề liên quan đến các giá trị về sắc tộc ở Trung Đông, và vấn đề duy sắc tộc liên quan tới tôn giáo là một thứ lực lượng khó đối đầu. Ngoài ra, cấu trúc về kinh tế cũng cần phải thành thực hơn, có tính cách minh bạch và theo khuynh hướng thị trường hơn nữa mới được.
Cũng có một truyền thống bất dung nhượng đã được thấm nhiễm qua hằng cả nhiều thập niên truyền bá Hồi giáo. Sau hết, cũng còn cả một thứ vang bóng một thời về một Đế Quốc Ottoman là đế quốc Hồi giáo bành trướng về đất đai và là một đế quốc mãnh liệt. Nhiều người Hồi giáo thấy đó là căn tính của Hồi giáo hơn là nội dung thiêng liêng của đạo giáo này.
Vấn:
Có một số học giả lập luận rằng chế độ dân chủ đòi phải có một môi trường văn
hóa đặc biệt để sống còn và phát triển tỏ ra tôn trọng tự do và qui tắc của luật
lệ. Lề luật Hồi giáo có giúp nuôi dưỡng cái nền tảng cần thiết này hay chăng?
Đáp: Lề luật Hồi giáo là thứ luật rất tiến triển đối với kỷ nguyên
của mình ở lãnh vực luật hợp tác, luật sản vật, lãnh vực thừa hưởng, và lãnh vực
phương thức ở một mức độ nào đó, thế nhưng, dầu sao trừ phi nó được cải tổ, bằng
không những cấu trúc cổ của lề luật Hồi giáo sẽ là một trở ngại cho tình trạng
thật sự khẩn cấp của chế độ dân chủ.
Vấn: Một số tư tưởng gia về luật tự nhiên đã đưa ra vấn đề tự do
là một ước muốn được tất cả mọi người đồng ý bất kể thuộc văn hóa nào. Làm sao
ông có thể trả lời cho chủ trương này đối với riêng các xã hội Hồi giáo?
Đáp: Điều ấy có thể đúng. Đại đa số những người Hồi giáo ngày nay
sống ở các quốc gia tự do hay phần nào tự do. Kinh nghiệm của việc tuyển cử ở
Iraq dường như cho thấy quan trọng ra sao trong việc con người cần phải lãnh
trách nhiệm về định mệnh của mình.
Vấn: Lề luật Hồi giáo hiểu như thế nào về quan niệm chủ quyền? Đặc
biệt là ở các chế độ dân chủ thì dân chúng là chủ tể. Làm thế nào để Hồi giáo có
thể vượt qua được tình trạng căng thẳng gay go này khi tôn giáo này tuyên bố
rằng Allah là chủ tể trên tất cả mọi sự? Ý niệm về một thứ dân chúng hay quốc
gia chủ tể có phạm đến những cảm thức của người Hồi giáo hay chăng?
Đáp: Không, đối với thành phần Hồi giáo về khía cạnh lịch sử. Thế
nhưng, thành phần Hồi giáo thủ cựu muốn lề luật Hồi giáo phải làm chủ quốc gia.
Cái nguy hiểm thực sự là do những ai cấp tiến liên kết một thứ Hồi giáo chính
trị hóa với tư tưởng tân thời về quốc gia làm chủ để tạo nên một loại Hồi giáo
chuyên chế nghịch lại với truyền thống Hồi giáo – thậm chí ở các quốc gia chuyên
chế – cũng như với linh đạo Hồi giáo.
Vấn: Chế độ dân chủ có đòi hỏi chủ nghĩa trần thế hay chăng? Nếu
không, thì làm sao quyền lợi của các thành phần thiểu số cũng như của các nhóm
tôn giáo thiểu số được bảo vệ ở các chế độ dân chủ Hồi giáo?
Đáp: Dân chủ đòi một tình trạng trần thế căn bản, cho dù nó có chính
thức nghiêng về một tôn giáo nào đi nữa. Tuy nhiên, dân chủ không đòi hỏi chủ
nghĩa duy trần thế, một chủ nghĩa tự nó là một hình thức của ý hệ. Dân chủ có
thể dễ gay cánh ở một tình trạng duy trần thế, ngược lại với tình trạng trần thế.
Trước hết, dân chủ cần được thấy hợp hòa với những giá trị tôn giáo nồng cốt.
Kitô giáo Thệ phản đã liên minh với Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ; Nhật giáo, qua vị
hoàng đế, đã liên minh với nền dân chủ Nhật Bản; và Kitô giáo Công giáo là quyền
lực bên trong hậu trường của nền dân chủ Tây Âu sau Thế Chiến Thứ II. Đó là lý
do tại sao Hoa Kỳ rất cần đến – nhờ đó đã từng chiếm được sự ủng hộ – của al-Sistani,
vị lãnh đạo tinh thần của phái Hồi giáo Shiites ở Iraq.
Vấn: Phải chăng nền dân chủ là một hình thức của chính phủ cần
phải được các quốc gia Hồi giáo theo đuổi, hay là một hình thức cộng hòa của
chính quyền? Có sự khác nhau thực sự nào hay chăng?
Đáp: Trong khi chúng ta đang nói về “dân chủ”, thì một hình thức
“cộng hòa” nào đó của chính quyền là một thứ thay thế tốt đẹp hơn, vì nó cho
phép thực hiện vấn đề đại diện theo miền và nhóm, nhờ đó là một hàng rào cản hơn
nữa cho các hình thức độc tài chuyên chế của thành phần cấp tiến.
Vấn: Có thể nào vấn đề dân chủ được du nhập vào các xã hội
Hồi giáo hay chăng, hay là nó cần phải phát triển từ bên trong?
Đáp: Dân chủ chỉ có thể được cống hiến mà thôi. Việc “áp đặt” dân chủ
là những gì phản trái theo từ ngữ.
Vấn: Kinh nghiệm của các quốc gia không phải Hồi giáo Trung Đông, như Mã Lai và
Nam Dương cho chúng ta biết gì về mối liên hệ giữa lề luật Hồi giáo và nền dân
chủ?
Đáp: Nó nói với chúng ta rằng một Hồi giáo không liên kết với các cơ cấu của lề
luật thánh mà lại hợp với chiều hướng linh đạo Hồi giáo – nhất là Sufism – thì
trở thành một môi trường dễ dàng cho việc phát triển của nền dân chủ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện tốn
tồn cầu Zenit phổ biến ngày 9/3/2005
Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 6 - Giới Trẻ sống Sự Thật
(Sứ Điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI, Lễ Lá 9/4/2006)
Các Vị Tông Đồ đã lãnh nhận lời cứu độ và truyền đạt lời này cho thành phần thừa kế của mình như một viên ngọc quí báu được an toàn giữ trong hộp đựng đồ châu báu Giáo Hội: không có Giáo Hội, hạt châu ngọc này có nguy cơ bị mất đi hay bị hủy hoại. Quí bạn trẻ thân mến, quí bạn hãy yêu mến lời Chúa và mến yêu Giáo Hội, nhờ đó quí bạn có thể đến được kho tàng rất ư là quí giá và quí bạn sẽ biết trân quí sự phong phú dồi dào của kho tàng này. Hãy mến yêu và theo Giáo Hội, vì Giáo Hội đã lãnh nhận từ Đấng Sáng Lập của mình sứ vụ tỏ cho con người biết con đường dẫn đến hạnh phúc chân thật. Không dễ dàng nhận ra và tìm được hạnh phúc đích thực trên trần gian là nơi chúng ta đang sống đây, nơi con người thường bị giam cầm bởi những đường lối suy tưởng hiện đại. Họ có thể nghĩ rằng họ ‘tự do’, thế nhưng họ đang bị lừa đảo và lạc hướng giữa những lầm lạc hay ảo tưởng của các thứ ý hệ dị thường. ‘Chính tự do cần phải được giải thoát’ (x Thông Điệp Rạng Ngời Chân Lý, đoạn 86), và bóng tối đang làm con người lần mò cần phải được sáng soi. Chúa Giêsu dạy chúng ta làm thế nào để thực hiện được điều ấy, đó là “nếu quí vị nghe lời Tôi thì quí vị thực sự là môn đệ của Tôi; và quí vị sẽ nhận biết sự thật, rồi sự thật sẽ giải thoát quí vị” (Jn 8:31-32). Lời Nhập Thể, Lời Chân Lý, giải thoát chúng ta và hướng tự do của chúng ta tới thiện hảo. Quí bạn trẻ thân mến, hãy năng suy niệm Lời Chúa, và hãy để cho Thánh Thần dạy dỗ quí bạn. Để rồi quí bạn sẽ khám phá ra rằng đường lối suy tưởng của Thiên Chúa không giống với đường lối suy nghĩ của nhân loại. Quí bạn sẽ thấy mình được dẫn tới chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa thực sự và đọc được các biến cố lịch sử bằng ánh mắt của Ngài. Quí bạn sẽ được hoan hưởng trọn vẹn thứ niềm vui xuất phát tự chân lý. Trong cuộc hành trình của cuộc sống, một cuộc hành trình chẳng dễ đi và không thiếu những dối trá, quí bạn sẽ gặp phải những khó khăn cùng đau khổ, và có những lúc quí bạn sẽ tiến đến chỗ kêu lên như thánh vịnh gia rằng: ‘Tôi cảm thấy thật là tái tê’ (Ps 119[118]:7). Quí bạn đừng quên, như vị tác giả thánh vịnh này, thêm rằng: ‘Ôi Chúa, xin hãy ban cho con sự sống theo lời của Ngài… Tôi liên tục sống cuộc đời của mình nhưng không quên lề luật của Chúa’ (như vừa dẫn, các câu 107,109). Sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, qua Lời của Ngài, là ngọn đèn xua tan bóng tối và thắp sáng đường đi nước bước cho dù ở vào những lúc khốn khó nhất.
Vị tác giả của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đã viết: ‘Thật thế, lời Chúa thì sống động và linh hoạt, sắc hơn thanh gươm hai lưỡi, xuyên thấu tâm thần, đến tận xương tủy; lời này có thể thẩm phán tư tưởng và ý hướng của cõi long’ (4:12). Cần thận trọng trước lời khuyến dụ ấy để coi lời Chúa là một ‘khí giới’ bất khả thiếu trong cuộc đối chọi thiêng liêng. Điều ấy sẽ có hiệu năng và sinh hoa kết trái nếu chúng ta biết lắng nghe lời Chúa để rồi tuân giữ lời Chúa. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo giải thích rằng: ‘Vâng lời (từ tiếng Latinh là ob-audire, tức là ‘nghe thấy hay lắng nghe’) theo đức tin là việc tự ý thuận phục lời đã nghe thấy, vì sự thật của lời này được Thiên Chúa bảo đảm, Đấng chính là Sự Thật’ (số 144). Trong lúc Abraham làm gương về vấn đề lắng nghe là tuân phục này, thì phần Solomon chứng tỏ mình là một con người hăng say khai phá đức khôn ngoan được chất chứa nơi Lời Chúa. Khi Thiên Chúa nói cùng vua rằng: ‘Hãy xin điều Ta ban cho ngươi’, vị vua khôn ngoan này trả lời: ‘Vậy xin hãy ban cho tôi tớ Chúa một tấm lòng hiểu biết’ (1Kgs 3:5,9). Cái bí mật để có được ‘một con tim hiểu biết’ đó là việc huấn luyện cho cõi lòng của qúi bạn biết lắng nghe. Điều này đạt được nhờ việc liên lỉ suy niệm lời Chúa cũng như bằng việc mạnh mẽ đi sâu vào Lới Chúa qua việc dấn thân kiên trì tìm hiểu Lời Chúa hơn nữa.
Quí bạn trẻ thân mến, tôi khuyên quí bạn hãy làm quen với Thánh Kinh, và có Thánh Kinh trong tay để Thánh Kinh trở thành địa bàn chỉ đường dẫn lối bước đi. Nhờ việc đọc Thánh Kinh, quí bạn sẽ biết Chúa Kitô. Hãy ghi nhớ những gì Thánh Giêrônimô nói về vấn đề này là: ‘Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (Pl 24,17; x Hiến Chế Lời Chúa, đoạn 25). Đường lối một thời được trân trọng để học hỏi và thưởng thức lời Chúa đó là lectio divina, một đường lối trở thành cuộc hành trình thiêng liêng thực sự qua các giai đoạn của nó. Sau khi lectio là việc đọc đi đọc lại một đoạn Thánh Kinh, để rồi căn cứ vào những yếu tố chính của đoạn này, chúng ta tiến tới việc meditatio - suy niệm. Đó là giây phút suy tư trong long, nhờ đó linh hồn hướng về Thiên Chúa và cố gắng hiểu những gì lời Ngài có ý muốn nói với chúng ta hôm nay đây. Đoạn tới việc oratio là lúc lân la nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa. Sau hết, chúng ta tiến đến chỗ comtemplatio – chiêm niệm. Điều này giúp chúng ta giữ lòng của mình chuyên chú trước sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng có lời là ‘đèn soi trong tăm tối, cho đến khi ngày rạng đông và sao mai hiện lên trong long anh em’ (2Pt 1:19). Đọc lời Chúa, tìm hiểu lời Chúa và suy niệm lời Chúa, bởi thế, cần phải biến thành một đời sống liên lỉ trung thành với Chúa Kitô và các giáo huấn của Người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh