GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 13/7/2006 TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Nguyên Văn Huấn Từ Đêm Canh Thức Cầu Nguyện Trong Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình V ngày Thứ Bảy 8/7/2006 ở City of Arts and Sciences: “Hân hoan cử hành tặng ân gia đình Thiên Chúa ban… loan truyền Phúc Âm gia đình”
? Kinh Cầu Thánh Gia
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 9 - “Chúng ta cần phải hết sức chú trọng tới việc phát triển đức tin của chúng ta, để đức tin được thực sự thấm đậm tất cả mọi thái độ, tâm tưởng, hành động và ý hướng của chúng ta”
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Nguyên Văn Huấn Từ Đêm Canh Thức Cầu Nguyện Trong Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình V ngày Thứ Bảy 8/7/2006 ở City of Arts and Sciences: “Hân hoan cử hành tặng ân gia đình Thiên Chúa ban… loan truyền Phúc Âm gia đình”
Anh Chị Em thân mến,
Tôi hết sức vui mừng tham dự vào buổi gặp gỡ nguyện cầu này để hoan hỉ cử hành tặng ân gia đình Thiên Chúa ban. Tôi cảm thấy rất gần gũi trong lời cầu nguyện với tất cả những ai mới cảm nghiệm thấy nỗi buồn thương của thành phố này, cũng như trong niềm hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng ban ánh sáng và sức mạnh ngay cả những lúc thảm thương nhất của nhân loại.
Hiệp nhất bằng cùng một niềm tin nơi Chúa Kitô, chúng ta qui tụ lại nơi đây từ rất nhiều phần đất trên thế giới như là một cộng đồng mang chứng từ một cách tri ân và hân hoan là con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa để yêu thương, và việc con người được hoàn toàn viên trọn chỉ xẩy ra khi chúng ta chân thành hiến mình cho nhau mà thôi. Gia đình là một môi trường đặc biệt để mọi người học biết ban phát và lãnh nhận yêu thương. Đó là lý do tại sao Giáo Hội liên lỉ muốn chứng tỏ mối quan tâm mục vụ của mình đối với thực tại ấy, một thực tại rất căn bản đối với con người. Đó là những gì Giáo Hội truyền dạy nơi Giáo Huấn của mình: ‘Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và vì yêu đã tạo dựng nên người nam và người nữ, đã kêu gọi họ yêu thương. Bằng việc tạo dựng nên con người nam và nữ, Ngài đã kêu gọi họ đến với cuộc hiệp thông thân mật của sự sống và yêu thương trong Hôn Nhân. ‘Bởi vậy họ không còn là hai mà là một xác thịt’ (Mt 19:6)” (Cuốn Tóm Lược Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 337).
Đó là một sự thật Giáo Hội không ngừng loan truyền cho thế giới. Vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng “con người được dựng nên ‘theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa chẳng những vì họ là con người mà còn vì mối hiệp thông giữa các ngôi vị mà con người nam nữ được hình thành từ ban đầu. Họ trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, không phải ở sự cô độc của họ cho bằng ở mối hiệp thông của họ’ (Bài Giáo Lý ngày 14/11/1979). Đó là lý do tại sao tôi muốn khẳng định lời mời gọi của Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần thứ năm ở Tây Ban Nha, và nhất là ở Valencia đây, một thành phố phong phú về truyền thống và hãnh diện về một đức tin Kitô Giáo đã được sống và nuôi dưỡng nơi rất nhiều gia đình của mình.
Gia đình là một cơ cấu trung gian giữa các cá nhân và xã hội, và không gì có thể hoàn toàn thay được nó. Gia đình được đặt nền tảng chính yếu trên mối quan hệ liên ngôi vị sâu xa giữa vợ chồng, một mối quan hệ được bảo trì bởi lòng cảm mến và sự tương kiến. Để có thể thực hiện được điều này, nó cần lãnh nhận dồi dào ơn trợ giúp của Thiên Chúa nơi bí tích Hôn Phối, một bí tích chất chứa ơn gọi nên thánh thực sự. Nhờ đó con cái mới có thể cảm nghiệm hơn mối hòa hợp và lòng cảm mến nơi cha mẹ của chúng, hơn là những bất đồng và bất hòa, vì tình yêu thương giữa cha mẹ là nguồn an toàn cả thể cho con cái và dạy cho chúng biết vẻ đẹp của một tình yêu thương trung thành và bền bỉ.
Gia đình là một sự thiện cần thiết cho các dân tộc, là một nền tảng bất khả châm chước đối với xã hội và là một kho tàng cao cả trọn đời đối với các đôi phối ngẫu. Nó là một sự thiện đặc biệt đối với con cái, thành phần được sinh ra như là hoa trái của yêu thương, của việc hoàn toàn quảng đại ban tặng bản thân mình cho nhau của cha mẹ chúng. Việc loan truyền tất cả sự thật về gia đình, một gia đình được đặt nền tảng trên hôn nhân như một Giáo Hội tại gia và là cung thánh của sự sống, là trách nhiệm lớn lao đối với tất cả mọi người.
Người cha và người mẹ đã hoàn toàn ‘chấp nhận’ nhau trước nhan Thiên Chúa, Đấng thiết lập nền tảng của bí tích liên kết họ lại với nhau này. Cũng thế, để mối liên hệ nội tại của gia đình được hoàn trọn, họ cũng cần phải ‘ưng thuận’ chấp nhận con cái là thành phần họ hạ sinh hay nhận nuôi, và chấp nhận mỗi người trong chúng có nhân cách và cá tính riêng. Nhờ đó, con cái mới phát triển trong một bầu khí chấp nhận và yêu thương, và về phần mình, khi tiến tới chỗ trưởng thành trọn vẹn, họ mới muốn ‘chấp nhận’ những ai đã ban sự sống cho chúng.
Những khó khăn thách đố của xã hội ngày nay, mộït xã hội được đánh dấu bằng các lực ly tâm xuất phát đặc biệt nơi những mội trường phố thị, là những gì cần phải làm sao để bảo đảm rằng các gia đình không cảm thấy lẻ loi một mình. Một gia đình nhỏ bé có thế đúng đầu với những trở ngại khó khăn khi nó bị cô lập khỏi họ hàng thân thuộc và bạn hữu. Bởi thế cộng đồng giáo hội có trách nhiệm cống hiến sự nâng đỡ, phấn khích và việc nuôi dưỡng thiêng liêng là những gì có thể củng cố mối liên kết gắn bó gia đình, nhất là trong những lúc thử thách hay khó khăn. Ở đây các giáo xứ đóng một vai trò quan trọng, cũng như các đoàn thể khác nhau trong giáo hội, những đoàn thể được kêu gọi để hợp tác như những cấu kết nâng đỡ và là những bàn tay cứu trợ cho việc các gia đình phát triển trong đức tin.
Chúa Kitô đã tỏ cho chúng ta những gì bao giờ cũng là nguồn mạch tuyệt đỉnh cho đời sống của chúng ta, nên do đó cũng là nguồn mạch tuyệt đỉnh cho đời sống của các gia đình nữa: ‘Đây là giới huấn của Thày, đó là các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con. Không ai có tình yêu lớn lao hơn người hiến mạng cho bạn hữu của mình’ (Jn 15:12-13). Tình yêu của chính Thiên Chúa đã tuôn đổ trên chúng ta nơi Phép Rửa. Bởi thế các gia đình được kêu gọi cảm nghiệm cùng một thứ tình yêu này, vì Chúa Kitô đã làm cho nó thành khả dĩ để qua tình yêu thương của nhân loại chúng ta có thể cảm thấy, yêu thương và xót thương như Chúa Kitô.
Cùng với việc truyền đạt đức tin và tình yêu Thiên Chúa, một trong những trách nhiệm lớn nhất của các gia đình đó là trách nhiệm đào luyện những con người tự do và hữu trách. Đó là lý do cha mẹ cần phải dần dần làm cho con cái mình được tự do hơn nữa, trong khi đó có những lúc vẫn phải canh chừng cái tự do này. Nếu con cái thấy rằng cha mẹ của chúng, nói một cách tổng quát hơn, nếu chúng thấy tất cả những người lớn chung quanh chúng, sống một cuộc đời hân hoan và nhiệt thành, bất chấp tất cả mọi khó khăn, thì tự chúng sẽ phát triển cái ‘niềm vui của cuộc đời’ ấy, một niềm vui có thể giúp chúng khôn ngoan thắng vượt những trở ngại và trục trặc bất khả tránh vốn xẩy ra trong cuộc đời. Ngoài ra, khi các gia đình không sống co kín thì con cái mới tiến đến chỗ nhận thấy rằng hết mọi người đều đáng yêu thương, và tình yêu thương huynh đệ đại đồng nồng cốt là những gì bao gồm hết mọi con người.
Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần thứ năm này kêu gọi chúng ta hãy suy nghĩ về một đề tài đặc biệt quan trọng, một đề tài đầy trách nhiệm, đó là đề tài việc truyền đạt đức tin trong gia đình. Đề tài này được diễn tả một cách đẹp đẽ trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: ‘Như một người mẹ dạy cho con cái mình nói năng và nhờ đó chúng hiểu biết và thông đạt, Giáo Hội là Người Mẹ của chúng ta cũng dạy cho chúng ta biết thứ ngôn ngữ của đức tin để dẫn chúng ta đến chỗ hiểu biết và sống đức tin’ (số 171).
Điều này được biểu hiệu nơi phụng vụ Phép Rửa, ở chỗ, qua việc trao cây nến sáng, thành phần cha mẹ thuộc về mầu nhiệm của sự sống mới khi con cái nam nữ của họ được trở thành con cái của Thiên Chúa qua nước rửa tội.
Việc truyền đạt đức tin cho con cái, với sự trợ giúp của các cá nhân cũng như những tổ chức, như giáo xứ, học đường hay các hội đoàn Công Giáo, là một trách nhiệm cha mẹ không thể coi thường, bỏ bê hoặc hoạn toàn phó mặc cho kẻ khác. ‘Gia đình Kitô hữu được gọi là giáo hội tại gia vì gia đình biểu lộ và sống bản chất hiệp thông và thân tình của Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa. Mỗi phần tử gia đình, theo vai trò nam hay nữ của mình, đều thực hiện thiên chức tư tế của phép rửa và góp phần vào việc làm cho gia đình thành một cộng đồng ân sủng và nguyện cầu, thành một học đường của các nhân đức nhân bản và Kitô Giáo, và thành một nơi đầu tiên loan truyền đức tin cho con cái’ (Cuốn Tổng Tắt Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 350). Chưa hết, ‘Cha mẹ, vì việc tham dự của họ vào vai trò thân phụ của Thiên Chúa, có trách nhiệm trước hết đối với việc giáo dục con cái mình, và họ là những người đầu tiên loan báo tin mừng đức tin cho con cái. Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái của họ như là những con người và như là những người con cái của Thiên Chúa… họ đặc biệt có sứ vụ giáo dục con cái mình theo đức tin Kitô Giáo’ (Sách Vừa Dẫn, 460).
Ngôn ngữ của đức tin được học biết tại các gia đình là nơi đức tin này phá triển và được củng cố bằng việc nguyện cầu và sống đời Kitô hữu. Trong bài đọc theo Sách Nhị Luật chúng ta đã nghe lời cầu nguyện được Dân Chúa liên lỉ lập lại, đó là lời nguyện ‘Shema Israel’, một lời nguyện cầu được chính Chúa Giêsu đã nghe và đọc trong gia đình Người ở Nazarét. Chính Người cũng nhắc đến nó trong cuộc đời công khai của mình, như chúng ta thấy trong Phúc Âm Thánh Marcô (12:29). Đó là đức tin của Giáo Hội, một đức tin được xuất phát từ mối tình yêu thương của Thiên Chúa là những gì thể hiện qua gia đình của anh chị em. Việc sống trọn vẹn đức tin này, nơi tất cả tính chất mới mẻ lạ lùng của nó, là một tặng ân cao cả. Cũng thế, vào những lúc Thiên Chúa dường như ẩn mặt đi, thì việc tin tưởng có thể trở thành khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng.
Cuộc họp này cống hiến một động lực mới cho việc loan truyền Phúc Âm gia đình, cho việc tái khẳng định sức mạnh và căn tính của gia đình được thiết lập trên hôn nhân và hướng về việc quảng đại ban phát tặng ân sự sống, nơi con cái được giúp phát triển cả về thể lý lẫn thiêng liêng. Đó là đường lối hay nhất trong việc đương đầu với chủ nghĩa khoái lạc đang tràn lan là những gì biến những mối liên hệ con người thành tầm thường và làm trống rỗng giá trị đích thực cùng với vẻ đẹp của những mối liên hệ ấy. Việc cổ võ các giá trị về hôn nhân không cản trở việc hoàn toàn cảm nghiệm được niềm hạnh phúc con người nam nữ gặp được nơi tình yêu thương nhau của họ. Đức tin và đạo lý Kitô Giáo không phải là những gì để dập tắt yêu thương mà là làm cho nó lành mạnh hơn, mãnh liệt hơn và thực sự thanh thoát hơn. Tình yêu của con người cần phải được thanh tẩy và chín mùi một khi nó trở thành hoàn toàn nhân bản và là nguyên lý cho một niềm vui chân thực bền bỉ (x Huấn Từ ở Đền Thờ Gioan Latêranô ngày 5/6/2006).
Bởi vậy tôi mời gọi các vị lãnh đạo chính quyền và các lập pháp gia hãy suy nghĩ về những thiện ích hiển nhiên mà các gia đình sống trong an bình và hòa hợp có thể bảo đảm mang đến cho các cá nhân và gia đình là trọng tâm của xã hội, như Tòa Thánh đã phát biểu trong Hiến Chương Các Quyền Lợi của Gia Đình. Mục đích của luật lệ là sự thiện nguyên vẹn của con người, đáp ứng các thứ nhu cầu và các nguyện vọng của họ. Sự thiện này còn mang lại ích lợi đáng kể cho xã hội, một xã hội không thể thiếu nó, và đối với các dân tộc sự thiện ấy là một sự bảo toàn và là một cuộc thanh luyện. Gia đình cũng là một học đường giúp cho con người nam nữ có thể phát triển đến tầm vóc viên trọn của nhân tính mình. Cảm nghiệm được cha mẹ yêu thương giúp cho con cái nhận thức được phẩm vị làm con cái của chúng.
Con cái cần phải được dưỡng dục trong đức tin, được yêu thương và được bảo vệ. Cùng với quyền được sinh ra và được dưỡng dục trong đức tin, con cái cũng có quyền được có một gia đình sống theo gương mẫu của gia đình Nazarét, và được chở che cho khỏi tất cả mọi hiểm nguy và đe dọa. Chúng ta đã nghe đọc là tôi có một người ông trên thế gian này.
Giờ đây tôi muốn nói với thành phần làm ông bà, những người rất quan trọng đối với hết mọi gia đình. Họ có thể là – và rất thường là – những người bảo đảm cho lòng cảm mến và dịu dàng mà hết mọi người cần trao ban và lãnh nhận. Họ cống hiến cho thành phần bé nhỏ cái phối cảnh về thời gian, họ là ký ức và là sự phong phú của các gia đình. Họ không thể nào bị loại trừ khỏi liên hệ gia đình. Họ là kho tàng mà thế hệ trẻ không được chối bỏ, nhất là khi họ làm chứng cho đức tin của họ vào giờ lâm chung của họ.
Giờ đây tôi muốn đọc lại một phần của kinh nguyện được anh chị em sử dụng để xin cho Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình này thành công.
Ôi Thiên Chúa, Đấng trong Thánh Gia
Đã để lại cho chúng con mẫu gương tuyệt vời về một đời sống gia đình
biết sống trong đức tin và tuân theo ý Chúa.
Xin giúp chúng con trở thành gương mẫu sống đức tin và yêu thương đối với các huấn giới của Chúa.
Xin giúp cho chúng con thực hiện sứ vụ truyền đạt đức tin chúng con đã lãnh nhận từ cha mẹ của mình.
Xin mở lòng con cái của chúng con ra
để hạt giống đức tin chúng đã lãnh nhận nơi Phép Rửa được tăng trưởng nơi chúng.
Xin hãy củng cố đức tin cho giới trẻ của chúng con,
để họ được lớn lên trong việc nhận biết Chúa Giêsu.
Xin hãy gia tăng yêu thương và lòng trung thành cho tất cả mọi cuộc hôn nhân,
nhất là những ai trải qua những lúc khổ đau hay khốn khó.
(…)
Liên kết với Thánh Giuse và Mẹ Maria,
chúng con xin điều này nhờ Chúa Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/july/documents/hf_ben-xvi_spe_20060708_incontro-festivo_en.html
Kinh Cầu Thánh Gia
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Trong bài huấn từ khai mạc hội nghị được Giáo Phận Rôma tổ chức về đề tài: “Gia Đình và Cộng Đồng Kitô Hữu: Việc Huấn Luyện Con Người và Việc Truyền Đạt Đức Tin” vào tối Thứ Hai 6/6/2005 tại Đền Thờ Gioan Latêranô, ĐTC Biển Đức XVI đã chia sẻ về “ý nghĩa đời sống hôn nhân gia đình theo dự án của Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và là Đấng Cứu Tinh”. Sau đây là mấy tư tưởng tiêu biểu nổi bật của ngài, người viết xin trích lại như những lời mở đầu cho Kinh Cầu Thánh Gia, một kinh xin đề nghị đọc trong những cuộc đọc kinh liên gia, hay trong các dịp kỷ niệm đặc biệt của gia đình, hoặc vào Lễ Thánh Gia Chúa Nhật Sau Lễ Giáng Sinh và Lễ Thánh Giuse 19/3 v.v.
“Gia đình… thực tại nồng cốt của nhân loại ngày nay đang gặp phải vô vàn những khó khăn và đe dọa, nên đặc biệt cần phải được cụ thể truyền bá phúc âm hóa và đỡ nâng”.
“Gia đình Kitô giáo là những gì tạo nên một nguồn mạch quan trọng cho việc giáo dục đức tin, cho việc xây dựng Giáo Hội như mối hiệp thông cùng với khả năng hiện diện truyền giáo của Giáo Hội trong hầu hết những hoàn cảnh khác nhau nhất của đời sống, làm dậy lên một cảm quan Kitô giáo nơi văn hóa cũng như nơi các cấu trúc xã hội”.
“Hôn nhân và gia đình không phải là những cấu trúc xã hội học thời trang vậy thôi, sản phẩm của một tình trạng đặc biệt về lịch sử và kinh tế”.
“Những hình thức ly hôn khác nhau ngày nay, cũng như những cuộc tự do luyến ái sống chung với nhau và ‘những cuộc hôn nhân thử’, kể cả cuộc hôn nhân giả tạo giữa thành phần đồng phái tính, đều là những biểu hiện của một thứ tự do hỗn loạn, thứ tự do tiêu biểu sai lầm về một cuộc thực sự giải phóng con người. Thứ ngụy tự do như thế là thứ tự do được phát xuất từ việc làm cho thân thể trở thành thấp hèn, do đó là những gì chắc chắn cũng làm cho con người trở thành vô nghĩa nữa”.
“Sự thật về hôn nhân và gia đình, một cơ cấu bắt nguồn sâu xa nơi sự thật về con người, đã có những ứng dụng trong lịch sử cứu độ, một lịch sử có cốt lõi là lời này: ‘Thiên Chúa yêu thương dân của Ngài’”.
“Chớ gì Gia Đình Nazarét trở thành đối tượng nguyện cầu liên lỉ và tin tưởng, cũng như trở thành mô phạm sống cho gia đình và cộng đồng của chúng ta”.
Xướng: Đến thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Mình được hạ sinh bởi một người nữ
Họa: Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng
X: Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta
H: Chúng con nguyện Nước Cha trị đến
X: Tình Yêu của Thiên Chúa được tuôn đổ vào lòng chung ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta
H: Chúng con nguyện Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
X: Thánh Gia là gia đình của người Cha công chính, của người Mẹ đồng trinh và của người Con Chúa Trời.
H: Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày là làm trọn ý Cha trong hết mọi sự như Thánh Gia
X: Thánh Giuse là người đầy tớ trung thành và khôn ngoan đã được Cha đặt lên trông coi Thánh Gia
H: Xin cho chúng con biết đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ như Chúa Kitô
X: Thánh Giuse đã đính hôn với Trinh Nữ Maria ở Nazarét
H: Xin cho chúng con luôn ý thức và đừng bao giờ quên rằng hôn nhân là do Thiên Chúa và là việc của Thiên Chúa làm nơi vợ chồng chúng con.
X: Thánh Giuse thấy người bạn đời của mình có thai thì định tâm bỏ người cách kín đáo
H: Xin cho vợ chồng chúng con đừng bao giờ tự động phân ly những gì Chúa đã nối kết chúng con bằng Bí Tích Hôn Phối
X: Thánh Giuse nghe theo lời thiên thần báo mộng và đã đón người bạn đời của mình về chung sống
H: Xin cho vợ chồng chúng con biết chấp nhận và sống với nhau như người Chúa cho ở với chúng con
X: Thánh Giuse đã dẫn người bạn đời của mình về Belem là quê quán của mình để làm sổ đinh theo lệnh của Hoàng Đế Rôma
H: Xin cho vợ chồng chúng con đã lìa bỏ cha mẹ an hem ruột thịt của mình để lấy nhau được thực sự trở nên một thân thể
X: Thánh Giuse đã đặt tên Giêsu cho Con Trẻ bởi người bạn đời của mình sinh ra
H: Xin cho vợ chồng chúng con luôn ý thức rằng con cái là do Chúa ban và thuộc về Chúa hơn là của chúng con
X: Thánh Giuse được thiên thần báo mộng đã đem Con Trẻ và Mẹ của Người trốn sang Ai Cập cho Con Trẻ khỏi bị Quận Vương Hêrôđê sát hại.
H: Xin cho vợ chồng chúng con biết kính mến Chúa trong con cái của chúng con
X: Thánh Giuse cũng nghe thiên thần báo mộng để đem Con Trẻ và Mẹ Người trở về quê hương, và đến cư ngụ tại Nazarét
H: Xin cho vợ chồng chúng con biết yêu thương con cái trong Chúa
X: Trinh Nữ Maria đã đính hôn với một người công chính tên là Giuse mà vẫn thưa với sứ thần rằng “tôi không hề biết đến nam nhân”
H: Xin cho vợ chồng chúng con biết yêu thương kính trọng nhau như là người của Chúa cho ở với chúng con, chứ không phải một vật thuộc về mình được tùy nghi sử dụng
X: Trinh Nữ Maria là nữ tỳ của Thiên Chúa đã xin vâng như lời sứ thần truyền tin cho Người về Lời Nhập Thể
H: Xin cho vợ chồng con cái chúng con biết thánh hóa gia đình mình, bằng việc nhận biết ơn gọi của mình cũng như của nhau theo ý Chúa muốn
X: Trinh Nữ Maria được Thánh Thần bao phủ, và bởi quyền năng Đấng Tối Cao đã thụ thai và hạ sinh Con Thiên Chúa
H: Xin cho vợ chồng chúng con biết làm việc vợ chồng như làm việc của Chúa và cho Chúa, hơn là một việc làm thuần sinh lý theo nhu cầu đòi hỏi của dục tính
X: Mẹ Maria cưu mang Thai Nhi Giêsu đến thăm mẹ con của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả
H: Xin cho con cái chúng con biết yêu thương gắn bó với nhau như phần thể thuộc về cùng mộït thân thể
X: Mẹ Maria cùng với Thánh Giuse hiện diện bên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu, trước sự chứng kiến của nhóm mục đồng tìm đến với Đấng Cứu Tinh theo tin báo của thiên thần
H: Xin cho gia đình chúng con biết hiệp nhất nên một, để có thể làm chứng cho Tin Mừng Nhập Thể, cho việc Thiên Chúa xe duyên với nhân loại và ở cùng nhân loại, qua cửa ngõ gia đình
X: Mẹ Maria ở bên Hài Nhi Giêsu khi Ba Vua từ Phương Đông theo ngôi sao lạ đến bái thờ Người là Vua Do Thái mới sinh
H: Xin cho gia đình chúng con trở thành nơi Thiên Chúa tỏ mình ra, để thế gian nhận biết Ngài mà được sự sống đời đời
X: Mẹ Maria cùng với Thánh Giuse dâng hài Nhi Giêsu là con trai đầu lòng của mình lên Thiên Chúa theo luật Moisen
H: Xin cho vợ chồng chúng con biết trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài là chính con cái mang hình ảnh Thiên Chúa của chúng con
X: Mẹ Maria cùng với Thánh Giuse tìm thấy Thiếu Nhi Giêsu trong Đền Thờ Gia-Liêm sau 3 ngày các vị lạc mất Người
H: Xin cho vợ chồng chúng con biết giáo dục con cái của chúng con nên mọi sự như Chúa muốn, chứ không phải theo ý của chúng con
X: Trẻ Thánh Giêsu là Con Một của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương thế gian đã ban Người Con Duy Nhất của Ngài
H: Xin cho con cái chúng con biết lấy làm vinh dự nhất trên đời này là được làm con cái của Cha trên trời qua Bí Tích Rửa Tội
X: Trẻ Thánh Giêsu là Con Đấng Tối Cao đã nhập thể trong cung lòng trinh nguyên vẹn toàn của Mẹ Maria
H: Xin cho con cái chúng con biết Nhờ Mẹ Maria để đến với Thiên Chúa, như Người Anh Cả Giêsu đã nhờ Mẹ để đến với loài người chúng con vậy
X: Trẻ Thánh Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Chúa, một Con Trẻ được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ
H: Xin cho con cái chúng con biết sự hiện diện thần linh của Chúa trong gia đình là nơi Chúa ẩn ngự, và qua cha mẹ là nơi Chúa làm việc cho thành phần con cái chúng con
X: Trẻ Thánh Giêsu là Emmanuel, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
H: Xin cho con cái chúng con biết hết lòng yêu thương anh chị em trong gia đình của mình, để nhờ đó chúng con có thể chân thành yêu thương đồng loại cũng là anh em cùng một Cha trên trời với chúng con
X: Trẻ Thánh Giêsu là giòng dõi vương gia Đavít, với ngai tòa của Người sẽ muôn đời bền vững và vương quốc của Người sẽ vô cùng bất tận
H: Xin cho con cái chúng con biết tìm Nước Chúa và đức công chính của Người trước hết mọi sự.
X: Trẻ Thánh Giêsu là con bác thợ mộc Nazarét và Mẹ Người là Maria
H: Xin cho con cái chúng con biết hết lòng kính mến và tín phục cha mẹ mình, như ngững người được Chúa dùng để hạ sinh và dưỡng dục chúng trở nên con cái Chúa
X: Trẻ Thánh Giêsu là cớ vấp phạm cũng như là nguyên do chỗi dậy cho nhiều người trong dân Yến Duyên
H: Xin cho con cái chúng con, những đứa hư hỏng cũng như tốt lành, biết lợi dụng mọi sự Chúa ban, kể cả tội lỗi của chúng, để nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ của chúng
X: Trẻ Thánh Giêsu lớn lên, khỏe mạnh, đầy khôn ngoan và ơn nghĩa Thiên Chúa
H: Xin cho con cái chúng con, những đứa con tốt lành, được trở nên con Cha yêu dấu, đẹp lòng Cha mọi đàng, như Giêsu Con Cha
X: Trẻ Thánh Giêsu không cho cha mẹ của mình biết Người phải ở lại nhà Cha của Người
H: Xin cho con cái chúng con, những đứa con hoang đàng, đang phung phá gia tài Thánh Sủng Chúa ban qua Phép Rửa, bằng đời sống buông tuồng của chúng, mau trở về cùng Chúa là Người Cha chậm bất bình và hết sức khoan dung
X: Trẻ Thánh Giêsu theo cha mẹ mình về Nazarét và vâng phục các ngài
H: Xin cho con cái chúng con biết chỉ vì Chúa mà vâng lời cha mẹ, dù các ngài có bất toàn, không được như chúng mong ước.
X: Trẻ Thánh Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân nghĩa trước nhan Thiên Chúa và trước mắt thế nhân
H: Xin cho con cái chúng con được trưởng thành và thành nhân trong ơn nghĩa Chúa, cho đến khi chúng đạt đến tầm vóc toàn vẹn của Chúa Giêsu, Người Anh Cả của đàn em đông đúc
X: Sáng Danh Đức Chúa Cha là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất
H: Xin tha nợ chúng con là những con người đã được nên theo hình ảnh Cha trong yêu thương và hiệp thông, song chúng con đã không sống trọn ơn gọi hôn nhân gia đình của mình, để gia đình chúng con trở thành một cung thánh yêu thương và sự sống
X: Sánh Danh Đức Chúa Con đã tự hiến cho Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội được thánh hóa trong chân lý và được nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha
H: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ là chỉ biết yêu sự sống của mình và giữ sự sống của mình, hơn là sống cho nhau và chết cho nhau
X: Sánh Danh Đức Chúa Thánh Thần là Tình Yêu đã tuôn đổ vào lòng chúng con để chúng con có thể kêu lên Abba, lạy Cha
H: Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ là không yêu thương
X: Giêsu, Maria, Giuse, Thánh Gia tuyệt hảo
H: Xin hãy thánh hóa gia đình nhỏ bé chúng con.
(Kết)
Kinh Cầu Cho Gia Đình
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Đấng mà mọi gia đình
Trên trời dưới đất có được tên gọi.
Lạy Cha, Cha là Tình Yêu và là Sự Sống./ Qua Con của Cha là Đức Giêsu Kitô được hạ sinh bởi một người nữ,/ Và nhờ Thánh Thần là suối nguồn đức ái thần linh,/ Xin ban cho hết mọi gia đình trên trái đất này/ được trở thành Đền thờ của sự sống và yêu thương/ Cho từng thế hệ kế tiếp.
Xin Cha ban ơn hướng dẫn tâm tưởng và hành động/ Của những người chồng người vợ/ Vì thiện ích của gia đình họ cũng như cho tất cả mọi gia đình trên thế giới này.
Xin ban cho giới trẻ được tìm thấy trong gia đình/ Nơi nương tựa vững chắc cho phẩm vị con người của họ/ Cũng như cho việc họ tăng trưởng trong chân lý và yêu thương.
Xin ban cho tình yêu,/ Được ơn bí tích hôn phối kiên cường/ Trở nên mãnh liệt hơn tất cả mọi yếu hèn và thử thách/ Mà gia đình của chúng con đôi khi phải trải qua.
Nhờ việc chuyển cầu của Thánh Gia Nazarét,/ Xin ban cho Giáo Hội được thành đạt trong việc thi hành/ Sứ vụ toàn cầu của mình nơi gia đình/ Và qua gia đình.
Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con,/ Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống/ Muôn thuở muôn đời./ Amen
(Kinh Cầu Cho Gia Đình trên đây của Đức Gioan Phaolô II cho Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình Lần Bốn tại Manila Phi Luật Tân 25-26/1/2003, được trích dịch từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:)
Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 9 - “Chúng ta cần phải hết sức chú trọng tới việc phát triển đức tin của chúng ta, để đức tin được thực sự thấm đậm tất cả mọi thái độ, tâm tưởng, hành động và ý hướng của chúng ta”
ĐTC BĐXVI Huấn Dụ Thành Phần Tu Sĩ, Chủng Sinh và Đại Diện Các Phong Trào, ở Czestochowa Thứ Sáu 26/5/2006
Quí Tu Sĩ Nam Nữ, thành phần sống đời tận hiến, những người đã được lời Chúa Giêsu tác động vì mến yêu mà theo Người!
Quí Chủng Sinh, những người đang dọn mình làm linh mục thừa tác!
Quí đại diện các phong trào công giáo tiến hành, thành phần mang quyền năng của Phúc Âm đến cho các gia đình, đến hãng xưởng, đến đại học đường, đến thế giới truyền thông và văn hóa, đến giáo xứ họ đạo của mình!
Như các Vị Tồng Đồ đã cùng với Mẹ Maria ‘lên căn thượng lầu’ và ở đó ‘đồng tâm nhất trí nguyện cầu’ (Acts 1:12,14), cả chúng ta nữa, cũng qui tụ lại hôm nay đây ở Jasna Góra, một nơi, đối với chúng ta trong giây phút này đây, là ‘căn thượng lầu’, nơi Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, hiện diện giữa chúng ta. Hôm nay đây, chính Mẹ là vị hướng dẫn việc suy niệm của chúng ta; Mẹ dạy chúng ta cách thức nguyện cầu. Mẹ Maria tỏ cho chúng ta thấy làm thế nào để chúng ta có thể mở lòng trì mình ra trước quyền năng của Thánh Linh, Đấng đến với chúng ta để được mang đến cho toàn thế giới. Chúng ta cần một giây phút thinh lặng và suy tưởng trong việc ngồi vào học đường của Mẹ, nhờ đó Mẹ mới dạy cho chúng ta làm thế nào để sống bởi đức tin, làm thế nào để có thể lớn lên trong đức tin, làm thế nào để giữ được mối giao tiếp với mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi các biến cố tự nhiên thường nhật trong cuộc sống của chúng ta. Với tính chất tế nhị của nữ giới và bằng ‘khả năng hòa hợp cái trực giác sâu xa với ngôn từ lời lẽ đỡ nâng và phấn khích’ (Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc, đoạn 46), Mẹ Maria đã bảo trì đức tin của Thánh Phêrô và của các Vị Tông Đồ ở Căn Thượng Lầu, và hôm nay đây Mẹ bảo trì đức tin của tôi cũng như của anh chị em.
‘Đức tin là mối giao hệ với mầu nhiệm của Thiên Chúa’ (cùng nguồn vừa dẫn, đoạn 17), vì ‘tin tưởng tức là phó mình cho sự thật nơi lời của Thiên Chúa hằng sống, nhận biết và khiêm tốn nhìn nhận phán quyết của Ngài là những gì khôn dò và đường lối của Ngài thì khôn thấu’ (cùng nguồn, 14). Đức tin là một tặng ân, được ban cho chúng ta nơi Phép Rửa, một Phép Rửa làm hiện thực việc chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ẩn thân trong mầu nhiệm; nghĩ rằng hiểu được Ngài có nghĩa là muốn giam nhốt Ngài vào ý nghĩ và kiến thức của chúng ta, bởi thế sẽ mất Ngài ngay tức khắc. Tuy nhiên, với đức tin, chúng ta có thể thấy được trước mặt một con đường xuyên qua các quan niệm, thậm chí là những quan niệm về thần học, và có thể ‘đụng chạm’ tới Vị Thiên Chúa hằng sống. Và Thiên Chúa, một khi được chạm tới, liền ban cho chúng ta quyền lực của Ngài. Khi chúng ta phó mình cho Vị Thiên Chúa hằng sống này, khi chúng ta chạy đến với Ngài bằng tấm lòng khiêm tốn, thì một thứ suối nguồn của sự sống thần linh thầm kín tuôn tràn ra trong chúng ta. Quan trọng biết bao việc tin tưởng vào quyền năng của đức tin, vào khả năng của đức tin trong việc tạo nên một mối liên hệ chặt chẽ với Vị Thiên Chúa hằng sống! Chúng ta cần phải hết sức chú trọng tới việc phát triển đức tin của chúng ta, để đức tin được thực sự thấm đậm tất cả mọi thái độ, tâm tưởng, hành động và ý hướng của chúng ta. Đức tin có một chỗ đứng, chẳng những trong tình trạng của linh hồn và nơi các cảm nghiệm về đạo nghĩa, nhất là trong tâm tưởng và hành động, trong công việc làm hằng ngày, trong cuộc chiến đấu với bản thân mình, trong đời sống cộng đồng cũng như trong việc tông đồ, vì đức tin là những gì bảo đảm cho việc đời sống của chúng ta được thấm đẫm quyền năng của chính Thiên Chúa. Đức tin bao giờ cũng có thể mang chúng ta về với Thiên Chúa thậm chí cả những lúc tội lỗi dẫn chúng ta đi vào con đường sai trật lệch lạc chăng nữa.
Ở Căn Thượng Lầu ấy, các Vị Tông Đồ không biết được những gì đang đợi chờ các vị. Các vị bấy giờ đang sợ hãi và lo âu về tương lai của các vị. Các vị tiếp tục ngẫm nghĩ về cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu và đang đau buồn cảm thấy bị bỏ mặc sau khi Người thăng thiên về Trời. Mẹ Maria, ‘Vị đã tin rằng lời Chúa phán sẽ được thực hiện’ (x Lk 1:45), thiết tha nguyện cầu cùng với các Vị Tông Đồ, đã dạy sống kiên trì trong đức tin. Qua thái độ của mình, Mẹ đã chinh phục được các vị là Thánh Thần, theo đức khôn ngoan của Ngài, biết rõ đường lối Ngài dẫn dắt họ bước đi, do đó, các vị có thể tin tưởng nơi Thiên Chúa, dứt khoát hiến mình cho Ngài, cùng với tài năng của các vị, những hạn hữu của các vị và tương lai của các vị.
Nhiều người trong anh em hiện diện nơi đây đã cảm nghiệm thấy tiếng gọi thầm kín này của Thánh Thần và đã đáp lại bằng một tấm lòng hoàn toàn quảng đại. Tình yêu của Chúa Giêsu ‘được tuôn đổ vào lòng anh chị em nhờ Thánh Thần là Đấng được ban cho anh chị em’ (x Rm 5:5) là những gì cho anh chị em thấy con đường sống đời tận hiến. Không phải là anh chị em tìm kiếm tình yêu này. Chính Chúa Giêsu là Đấng đã kêu gọi anh chị em, mời gọi anh chị em đến với cuộc hiệp nhất sâu xa với Người. Nơi bí tích Thánh Tẩy, anh chị em đã từ bỏ Satan cùng với những việc làm của hắn, và đã lãnh nhận những ơn cần thiết cho đời sống Kitô hữu và cho việc nên thánh. Từ lúc ấy, ơn đức tin đã nở ra trong anh chị em, và giúp cho anh chị em có thể hiệp nhất với Thiên Chúa. Ở vào giây phút anh chị em tuyên lời khấn dòng, đức tin đã dẫn anh chị em tới chỗ hoàn toàn gắn bó với mầu nhiệm của Trái Tim Chúa Giêsu là kho tàng anh chị em đã khám phá thấy. Nên anh chị em đã từ bỏ những thứ tốt lành như việc tự do định đoạt cuộc đời mình, việc có được một gia đình, việc sở hữu sản vật, để anh chị em được tự do thanh thoát hiến mình cho Chúa Kitô và cho Vương Quốc của Người. Anh chị em chẳng lẽ không nhớ đến lòng nhiệt tình của mình khi anh chị em bắt đầu cuộc hành trình sống đời tận hiến, tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa hay sao? Anh chị em đừng để mất đi cái nhiệt tình ban đầu ấy, và hãy để cho Mẹ Maria dẫn anh chị em tới chỗ gắn bó trọn vẹn hơn. Quí tu sĩ nam nữ thân mến, quí tâm hồn sống đời tận hiến thân mến! Bất cứ những gì cho anh chị em được sứ vụ này ủy thác cho, bất cứ những gì anh chị em đang tham phần vào công cuộc đan tu hay tông đồ, xin anh chị em hãy bảo tồn trong lòng mình cái ưu tiên của cuộc đời tận hiến. Chớ gì cuộc đời tận hiến canh tân đức tin của anh chị em. Đời sống tận hiến, một cuộc sống theo đức tin, là cuộc sống liên kết anh chị em chặt chẽ với Thiên Chúa, là cuộc sống có sức thu hút và làm cho việc phục vụ của anh chị em trổ sinh hoa trái một cách đặc biệt.
Quí dự sinh linh mục thân mến! Rất nhiều điều có thể học được ở việc suy niệm về cách thức Mẹ Maria đã học biết nơi Chúa Giêsu! Từ Mẹ, tiếng ‘xin vâng’ ngay từ đầu của Mẹ, qua những tháng năm dài bình thường của cuộc sống ẩn dật, khi Mẹ nuôi lớn Chúa Giêsu, hay khi Mẹ xin Người làm dấu lạ đầu tay ở Cana xứ Galiêa, hoặt khi Mẹ đứng bên Cậy Thập Tự Giá nhìn lên Chúa Giêsu trên Đồi Canvê, Mẹ đã ‘học biết’ Người từng lúc một. Trước hết, nơi đức tin của Mẹ rồi mới tới nơi cung lòng của Mẹ, Mẹ đã lãnh nhận Thân Thể Chúa Giêsu và hạ sinh Người vào trần gian. Ngày ngày Mẹ ngất ngây tôn thờ Người. Mẹ đã ưu ái quan tâm phục vụ Người, hát lên bài ca vịnh Ngợi Khen trong lòng Mẹ. Trong cuộc hành trình dọn mình của quí bạn, cũng như trong thừa tác vụ linh mục của mình, quí bạn hãy để cho Mẹ Maria hướng dẫn quí bạn khi quí bạn ‘học biết’ Chúa Giêsu. Hãy gắn mắt vào Người. Hãy để Người hình thành quí bạn, nhờ đó, nơi thừa tác vụ của mình, quí bạn mới có thể tỏ Người ra cho tất cả những ai tiến đến với quí bạn. Khi quí bạn cầm trong tay mình Thánh Thể Chúa Giêsu để dưỡng nuôi Dân Người, cũng như khi quí bạn lãnh trách nhiệm đối với phần Nhiệm Thể sẽ được ủy thác cho quí bạn ấy, quí bạn hãy nhớ đến thái độ chiêm ngắm và tôn thờ là những gì làm nên đặc tính đức tin của Mẹ Maria. Như Mẹ, bằng một tình yêu ân cần từ mẫu đối với Chúa Giêsu, Mẹ đã bảo trì tình yêu trinh nguyên tràn đầy chiêm ngắm của Mẹ thế nào, quí bạn cũng hãy bảo trì trong tâm hồn mình khả năng chiêm ngắm và tôn thờ như vậy. Quí bạn hãy biết làm sao để nhìn nhận nơi Dân Chúa được úy thác cho quí bạn những dấu hiệu hiện diện của Chúa Kitô. Hãy chuyên chú tới những dấu hiệu thánh đức được Thiên Chúa tỏ cho quí bạn thấy nơi thành phần tín hữu. Đừng sợ những nhiệm vụ mai này hay những gì chưa được biết tới! Đừng sợ là những lời nói của quí bạn sẽ làm cho quí bạn thất bại hay làm cho quí bạn bị loại trừ! Thế giới và Giáo Hội cần những vị linh mục, những vị linh mục thánh hảo.
Quí đại diện các Phong Trào mới trong Giáo Hội, tính cách sinh động của các cộng đồng quí bạn là dấu hiệu cho thấy việc hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần! Sứ vụ của quí bạn đã xuất phát từ chính đức tin của Giáo Hội cũng như từ các hoa trái phong phú của Thánh Linh. Tôi cầu xin để quí bạn được gia tăng con số hơn nhờ đó phục vụ cho Vương Quốc của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay. Quí bạn hãy tin vào ân sủng của Thiên Chúa là những gì hỗ trợ quí bạn và làm cho sứ vụ của quí bạn được ăn khớp với tấm vải sống động Giáo Hội, nhất là ở những nơi vượt ngoài tầm tay của linh mục và tu sĩ. Các phong trào của quí bạn thì nhiều. Quí bạn được dưỡng nuôi bởi nhiều trường phái tu đức được Giáo Hội công nhận. Hãy rút tỉa lấy đức khôn ngoan của các vị thánh, hãy sử dụng gia sản được các vị để lại cho chúng ta. Hãy hình thành tâm tưởng của quí bạn theo các công việc của những bậc đại sư và đại chứng nhân đức tin, với ý thức rằng các trường phái tu đức không phải là một kho tàng bị khóa chặt lại ở trong các viện tu hay các thư viện. Sự khôn ngoan của Phúc Âm, một sự khôn ngoan đã được chất chứa nơi các bút tích của những vị đại thánh và đã được chứng thực qua đời sống của các vị, cần phải được mang tới, một cách chín chắn, chứ không phải một cách ngây ngô hay bừa bãi, cho thế giới văn hóa và hoạt động, cho thế giới truyền thông và chính trị, cho thế giới gia đình và đời sống xã hội. Tính cách chân chính nơi đức tin và sứ vụ của quí bạn, một tính chất không chú trọng tới chính mình mà là thực sự chiếu tỏa đức tin và đức mến, là những gì có thể thử nghiệm xem sao bằng việc căn cứ vào đức tin của Mẹ Maria. Hãy soi mình trong trái tim Mẹ. Hãy ở lại với học đường của Mẹ!
Khi các Vị Tông Đồ, được đầy Thánh Linh, ra mặt với toàn thể thế giới để loan truyền Phúc Âm, thì một người trong họ là Thánh Gioan, Vị Tông Đồ của tình yêu, đã đón Mẹ về nhà của ngài (x Jn 19:27). Chính vì mối liên kết chặt chẽ sâu xa giữa ngài với Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà ngài có thể nhấn mạnh một cách hết sức chính xác về sự thật ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 4:8,16). Đó là những lời tôi đã mở đầu cho bức Thông Điệp mở tay cho Giáo Triều của mình: Deus caritas est! Đó là những gì quan trọng nhất, là sự thật chính yếu nhất về Thiên Chúa. Tôi muốn lập lại một lần nữa hôm nay đây với tất cả những ai khó lòng tin vào Thiên Chúa rằng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’. Quí bạn thân mến, quí bạn hãy trở thành những nhân chứng cho sự thật này. Quí bạn sẽ chắc chắn làm được điều ấy nếu quí bạn tham dự học đường của Mẹ Maria. Ở bên Mẹ, quí bạn sẽ tự cảm nghiệm thấy được rằng Thiên Chúa là tình yêu, và quí bạn sẽ truyền đạt sứ điệp này cho thế giới một cách dồi dào và đa dạng mà chỉ có Thánh Linh mới biết làm thế nào để khơi động lên thôi.
Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh