GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 19/7/2006 TUẦN XV THƯỜNG NIÊN |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 21/6/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 12: Tông Đồ Giacôbê Tiền
? BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 13 - “Niềm vui xuất phát từ đức tin và mối liên hệ của đức tin với việc giáo dục các thế hệ mới”
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 21/6/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 12: Tông Đồ Giacôbê Tiền
Anh Chị Em thân mến:
Chúng ta tiếp tục loạt hình ảnh về các vị tông đồ được Chúa Giêsu trực tiếp chọn lựa trong đời sống công khai của Người. Chúng ta đã nói về Thánh Phêrô và người an hem Anrê của ngài. Hôm nay chúng ta gặp hình ảnh về tông đồ Giacôbê. Các bản liệt kê theo Thánh Kinh đề cập tới hai vị cùng tên Giacôbê, đó là Giacôbê, con ông Giêbêđê, và Giacôbê, con ông Alphaê (x Mk 3:17,18; Mt 10:2-3), những vị được phân biệt một cách chung chung là Giacôbê Tiền và Giacôbê Hậu.
Những phân biệt này không phải là để so sánh về sự thánh thiện của các ngài, song chỉ để nói tới sự thích đáng khác nhau của các vị nơi các bản văn Tân Ước, nhất là trong khung cảnh đời sống trần gian của Chúa Giêsu. Hôm nay chúng ta chú trọng tới nhân vật đầu tiên trong hai vị có cùng tên gọi này.
Tên Giacôbê được dịch từ chữ ‘lákobos’, một tên được biến dạng bởi ảnh hưởng của tiếng Hy Lạp về tên vị tổ phụ nổi tiếng Giacóp. Vị tông đồ có tên gọi là là người an hem của thánh Gioan, và trong các bản liệt kê được đề cập tới thì vị này đứng thứ hai sau thánh Phêrô, như nơi thánh ký Marcô (3:17), hay đứng thứ ba sau thánh Phêrô và Anrê, như trong các Phúc Âm Thánh Mathêu (10:2) và Luca (6:14), trong khi đó, trong Sách Tông Vụ ngài lại đứng sau thánh Phêrô và Gioan (1:13). Cùng với thánh Phêrô và Gioan, tháng Giacôbê thuộc về nhóm 3 môn đệ đặc biệt được tham dự vào những giây phút quan trọng của cuộc sống Chúa Giêsu.
Vì hôm nay là ngày rất nóng bức, giờ đây tôi xin vắn tắt đề cập tới chỉ hai lần trong các trường hợp này mà thôi. Cùng với thánh Phêrô và Gioan, ngài đã tham dự vào giây phút thống khổ của Chúa Giêsu trong Vườn Nhiệt, cũng như trong lúc Chúa Giêsu biến hình. Bởi thế, đây là vấn đề của hai trường hợp rất khác nhau: một trường hợp thì thánh Giacôbê, cùng với hai môn đệ kia, cảm nghiệm được vinh quang của Chúa Kitô, thấy Người nói chuyện với Moisen và Êlia, thấy vinh quang thần linh rạng ngời nơi Chúa Giêsu; còn trường hợp kia thì ngài lại thấy khổ đau và nhục nhã; ngài tận mắt chứng kiến thấy Con Thiên Chúa hạ mình xuống biết là chừng nào, đến vâng lời cho đến chết.
Trường hợp thứ hai đối với ngài thực sự là một cơ hội để trưởng thành đức tin, để chỉnh lại ý nghĩ một chiều, vinh thắng nơi trường hợp thứ nhất, ở chỗ, ngài cần phải nhận thức Đấng Thiên Sai, vị được dân Do Thái đợi chờ như một con người hiển thắng, thực sự không phải chỉ đầy những vinh dự và vinh quang, mà còn bởi những khổ đau và yếu hèn ra sao nữa. Vinh quang của Chúa Kitô được hiện thực đích xác trên cây thập tự giá, khi Người tham phần vào các nỗi khổ đau của chúng ta.
Việc trưởng thành đức tin này được Thánh Linh hoàn trọn vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, nhờ đó khi đến giây phút tột đỉnh của việc làm chứng từ, thánh Giacôbê đã không lui bước. Vào đầu thập niên 40 thuộc thế kỷ thứ nhất, Vua Hêrôđê Agrippa, cháu của Hêrôđê Cả, như thánh Luca cho chúng ta biết: ‘đã dữ dội ra tay đối với những ai thuộc về Giáo Hội. Ông đã dùng gươm sát hại Giacôbê là người anh em của Gioan’ (12:1-2). Chi tiết ngắn ngủi thiếu kể lể này, một đàng cho thấy các Kitô hữu thường làm chứng cho Chúa Kitô bằng mạng sống của mình ra sao, đàng khác cho thấy thánh Giacôbê giữ một vị thế liên quan tới Giáo Hội ở Giêrusalem, một phần là vì vai trò này của ngài được thi hành trong cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu.
Một truyền thống sau đó, một truyền thống trở về ít là với Isidore ở Seville, thuật lại rằng ngài ở Tây Ban Nha để truyền bá phúc âm hóa miền đất quan trọng này của Đế Quốc Rôma. Theo một truyền thống khác thì thân thể của ngài được đưa tới Tây Ban Nha, tới thành phố Santiago de Compostela. Như tất cả chúng ta đều biết nơi ấy đã trở thành một đối tượng rất được sùng kính, và cho tới ngày nay, là mục tiêu cho nhiều cuộc hành hương, chẳng những từ Âu Châu mà còn từ khắp thế giới nữa. Bởi thế mới hiểu được hình ảnh tiêu biểu về thánh Giacôbê được gắn liền với chiếc gậy của người hành hương, cũng như với truyện kể Phúc Âm, là những đặc tính của vị tông đồ lưu động, dấn thân loan báo ‘tin mừng’, đặc tính của cuộc hành trình nơi đời sống Kitô hữu.
Bởi thế chúng ta có thể học được nhiều điều nơi thánh Giacôbê, đó là sự mau mắn chấp nhận tiếng gọi của Chúa, cả khi Người xin chúng ta hãy rời bỏ ‘chiếc thuyền bè’ đầy an toàn theo con người của chúng ta; là lòng nhiệt thành theo Người trên những con đường được Người ấn định cho chúng ta đi vượt ra ngoài cả óc giả tưởng của chúng ta; là việc sẵn sàng làm chứng cho Người một cách can đảm, và nếu cần bằng việc tận tuyệt hy sinh mạng sống nữa. Vậy thánh Giacôbê Tiền cho chúng ta thấy một mẫu gương sống động về việc gắn bó thiết tha với Chúa Kitô. Ngài, vị thoạt tiên qua người mẹ của mình đã yêu cầu cho được cùng với người anh em của mình ngồi cạnh Thày trong vương quốc của Người, thực sự chính là người đầu tiên được uống chén khổ nạn trong cuộc chung phần tử đạo với các Vị Tông Đồ.
Sau hết, để tóm tắt mọi sự, chúng ta có thể nói rằng con đường của ngài, chẳng những bề ngoài song trên hết là bề trong, từ núi Biến Hình tới núi khổ nạn, là tiêu biểu cho cuộc hành trình của đời sống Kitô hữu, một cuộc hành trình diễn ra giữa các cuộc bắt bớ của thế gian và niềm an ủi của Thiên Chúa, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói. Theo Chúa Giêsu, như thánh Giacôbê, chúng ta biết rằng, ngay cả trong những nỗi khó khăn khốn khó, chúng ta vẫn đi trên đường ngay nẻo chính vậy.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
21/6/2006
BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo
(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999")
Để có một cái nhìn khái lược và chính xác về Bản Tuyên Ngôn Chung, Đức Hồng Y Edward I. Cassidy, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Phụ Trách Cổ Động Hiệp Nhất Kitô Giáo, cũng là vị đại diện Giáo Hội Công Giáo, cùng với Giám Mục Christain Krause, đại diện Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới, chính thức ký vào Bản Tuyên Ngôn Chung tại Augsburg, nước Đức, ngày 31-10-1999, đã trình bày cho biết rõ ràng về tiến trình và nội dung của văn kiện này trong tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, phát hành ngày 24/11/1999, trang VI và VII, những điểm chính yếu sau đây.
· “Đức Giáo Hoàng đã xin Giáo Hội hãy kêu cầu Thánh Linh ban cho mình ơn hiệp nhất Kitô Giáo. Việc thắng vượt những chia rẽ trong quá khứ là những gì tỏ tường phản lại với ý muốn của Chúa Kitô và là nguyên nhân gây gương mù trước mắt thế giới, cũng như việc góp phần vào vấn đề hiệp nhất Kitô Giáo lại với nhau ‘là một trong những việc làm của Kitô hữu trong lúc chúng ta đang tiến đến năm 2000’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 34). Bởi thế, theo Đức Thánh Cha:
· ‘Thời điểm kết thúc ngàn năm thứ hai đòi mọi người phải xét lại lương tâm của mình và phải phát động những sáng kiến đại kết thích hợp, để chúng ta có thể cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm Trọng Thể, nếu không hoàn toàn hiệp nhất với nhau thì ít là cũng xích lại gần nhau hơn trong việc thắng vượt được những chia rẽ của ngàn năm thứ hai’ (cùng nguồn, cùng đoạn như trên).
· Trước ngưỡng cửa ngàn năm mới của Kitô Giáo, Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo đã tiến một bước quan trọng đến việc giải quyết căn nguyên gây ra chia rẽ trong quá khứ. Cả hai bên, vào tháng 6 năm 1998, đã chính thức xác nhận và chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa…
· Bản văn kiện này là hoa trái của hơn 30 năm đối thoại, cả ở cấp quốc tế cũng như quốc gia, giữa anh em Luthêrô và Công Giáo.
· Bản Tuyên Ngôn Chung không phải là một lời Tuyên Xưng mới, cũng không phải là một văn kiện dung hòa. Bản Tuyên Xưng Chung đây muốn tóm tắt những thành quả đối thoại sau một thời đoạn kéo dài 30 năm trời giữa Luthêrô và Công Giáo Rôma về khoản tín lý này, bằng cách nói lên những gì được mỗi một cộng đồng tin tưởng chủ trương nơi những sự thật nền tảng về khoản tín lý ấy, cũng như cho thấy việc hai bên cắt nghĩa về những sự thật nền tảng ấy không tương khắc với nhau…
· Phương pháp trình bày đó là, đầu tiên nêu lên đức tin chung đối với mỗi một sự thật được bàn tới, sau đó, nếu cần thì cắt nghĩa đường hướng hay những điểm nhấn mạnh được mỗi bên chủ trương theo truyền thống của mình về sự thật đặc biệt ấy.
· Bản văn kiện trình bày khá chi tiết về bảy vấn đề căn bản cùng được hiểu chung với nhau sau đây:
1. Tình Trạng Loài Người Bất Lực và Tội Lỗi Liên Quan đến Việc Công Chính Hóa;
2. Việc Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và là Việc Làm Nên Chính Trực;
3. Việc Công Chính Hóa bởi Ân Sủng và nhờ Đức Tin;
4. Người Được Công Chính Hóa như là Một Tội Nhân
5. Lề Luật và Phúc Âm;
6. Việc Bảo Đảm Phần Rỗi;
7. Các Việc Lành Phúc Đức của Người Được Công Chính Hóa.
· Không thể nào đi sâu vào chi tiết của những gì chất chứa trong Bản Tuyên Ngôn Chung ở bài viết này. Tuy nhiên, tôi phải trình bày những gì nói lên ba sự thật căn bản về khoản tín lý công chính hóa, được Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới cùng nhau công nhận. Những sự thật này được thấy ở Tiết 3, các số từ 14 đến 18, trong Bản Tuyên Ngôn Chung.
· Thứ nhất, việc công chính hóa là một tặng ân nhưng không do Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho, được bắt nguồn từ con người của Đức Kitô, Đấng đã nhập thể, tử nạn và phục sinh. Được liên kết với con người của Đức Kitô, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được ở trong tình trạng công chính hóa. Tình trạng này không phải là những gì chúng ta lập được mà là do hoàn toàn nhận lãnh… (xem số 15)
· Thứ hai, chúng ta nhận được ơn cứu độ này bằng đức tin. Chính đức tin cũng là một tặng ân của Thiên Chúa ban qua Thánh Thần, Đấng hoạt động bằng lời Chúa cũng như bằng bí tích trong cộng đồng các tín hữu, và là Đấng cũng làm cho các tín hữu canh tân đời sống sẽ được Thiên Chúa hoàn thành ở sự sống đời đời. Bởi thế, thực tại của việc công chính hóa được gắn liền với đức tin, không phải như là một ưng thuận thuần lý của trí khôn. Trái lại, người tín hữu phải hiến bản thân nam/nữ của mình cho Chúa Kitô bằng việc canh tân đời sống.
· Thứ ba, việc công chính hóa nhắm đến chính cốt lõi của sứ điệp Phúc Âm, thế nhưng việc này cần phải được đặt trong một cơ cấu duy nhất liên quan đến tất cả mọi chân lý khác của đức tin nữa, như chân lý đức tin về Chúa Ba Ngôi, về Kitô Học, về Giáo Hội Học và về Các Bí Tích… (xem số 18)
· Việc cùng nhau hiểu về việc công chính hóa được diễn tả trong Bản Tuyên Ngôn Chung có tính chất Ba Ngôi và lấy Đức Kitô làm tâm điểm. Bản Tuyên Ngôn Chung (số 15) đã nói lên cốt lõi của kiến thức chung này là: ‘Theo đức tin, chúng ta cùng nhau xác tín rằng, công chính hóa là việc Thiên Chúa Ba Ngôi làm… Bởi thế, việc công chính hóa có nghĩa là chính Chúa Kitô là sự chính trực của chúng ta, một sự chính trực chúng ta được thông phần vào nhờ Chúa Thánh Thần theo ý Chúa Cha’…
· Trong việc xác nhận Bản Tuyên Ngôn Chung này, thẩm quyền bên Luthêrô cũng như bên Công Giáo đã thực sự cho thấy rằng, khoản tín lý về việc công chính hóa được trình bày trong văn kiện ấy không phản nghịch với giáo huấn về khoản tín lý này, nơi những nguồn huấn quyền của cả đôi bên, Công Đồng Chung Triđentinô bên phía Công Giáo, và Bản Các Điều Tuyên Tín bên phía Luthêrô. Trái lại, khoản tín lý này vẫn được minh nhiên tiếp tục hiểu một cách chính thức như nó đã được cả hai bên phác họa từ thế kỷ 16.
· Thế nhưng, làm sao chúng ta lại kết luận như vậy được? Những nghiên cứu về lịch sử cũng như về tín điều, nhất là theo mối liên hệ về đại kết qua những thời gian gần đầy, đã cho thấy cái môi trường tranh cãi ở thế kỷ 16, dính dáng đến cả chính trị, xã hội, thần học và triết lý là những gì lúc bấy giờ đã gây ảnh hưởng đến việc mỗi bên phác họa ra những hiểu biết của mình về khoản tín lý này, cũng như đến việc mỗi bên lên án quan niệm của nhau về khoản tín lý ấy…
· Nếu khoản tín lý về việc công chính hóa là ‘điểm chính yếu của cuộc tranh cãi hồi thế kỷ 16’, thì giờ đây chúng ta có thể đặt vấn đề, vậy việc đồng ý với nhau giữa Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo về khoản tín lý này để giải quyết tình trạng xung khắc giữa người Công Giáo và Luthêrô cho xong, là việc đồng ý ở mức độ nào?… Bản tuyên ngôn này đã mang Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội thuộc Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới xác nhận nó tiến đến một bước gần gũi nhau rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa đạt tới mục tiêu hiệp nhất với nhau hoàn toàn về hình thức…”
· “Quan niệm về ‘đam mê’ được hiểu khác nhau giữa hai bên Công Giáo và Luthêrô. Theo bản văn về Các Điều Tuyên Tín của Luthêrô thì ‘đam mê’ được hiểu là ước muốn tìm mình nơi con người, là những gì, nếu hiểu tinh thần về ý nghĩa của Lề Luật, được coi như tội lỗi. Theo Công Giáo hiểu thì đam mê chỉ là một khuynh hướng hạ, còn tồn tại nơi con người, ngay cả sau khi họ đã lãnh nhận phép rửa, một khuynh hướng hạ bởi tội lỗi mà có và đẩy con người đến việc phạm tội. Mặc dầu hai bên khác nhau ở điểm này, theo quan điểm Luthêrô, cũng được hiểu là ước muốn đó có thể mở đường làm dịp cho tội lỗi tấn công. Vì quyền lực tội lỗi mà toàn thể nhân loại mang trong mình khuynh hướng chống lại Thiên Chúa. Khuynh hướng này, theo cả quan niệm của bên Luthêrô và Công Giáo, đều ‘không xứng hợp với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa về con người’…” (Chi tiết cuối cùng này được trích từ Phần Phụ Thêm của Bản Công Bố Chung, một bản công bố chung để cùng nhau xác nhận Bản Tuyên Ngôn Chung: cùng nguồn, trang V).
(xin xem tiếp nguyên văn bản tuyên ngôn dài và hết sức quan trọng này từ ngày mai)
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch
theo VIS 5/9/2000
Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 13 - “Niềm vui xuất phát từ đức tin và mối liên hệ của đức tin với việc giáo dục các thế hệ mới”.
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Ngỏ Cùng Hội Nghị Giáo Phận Rôma 5/6/2006
(tiếp 17 Thứ Hai, 18 Thứ Ba)
Do đó, là một tác động rất riêng tư, đức tin vẫn là một sự chọn lựa của quyền chúng ta tự do có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, ở đây mới cần đến chiều kích thứ hai của đức tin, đó là việc phó mình cho một con người, không phải là bất cứ ai, mà là Chúa Giêsu Kitô, cũng như cho Cha là Đấng đã sai Người.
Tin tưởng nghĩa là tạo nên một mối liên hệ rất riêng tư với Đấng Hóa Công và Cựu Chuộc của chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng tác động trong tâm can của chúng ta, và làm cho mối liên hệ này trở thành nền tảng cho cả cuộc sống của chúng ta.
Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô ‘là sự thật hiện thân, Đấng lôi kéo thế gian đến cùng Người…. Hết mọi sự thật khác là hương vị của sự thật Người và qui về Người’ ("Address to the Congregation for the Doctrine of the Faith," Feb. 10, 2006; L'Osservatore Romano, English edition, Feb. 22, 2006, p. 3).
Bởi thế, Người làm cho tâm can chúng ta tràn đầy, nới rộng và chiếm đoạt nó bằng niềm vui, mở rộng trí khôn của chúng ta tới những chân trời chưa từng thấy, cống hiến cho tự do của chúng ta điểm tựa quan thiết, nâng nó lên khỏi tính chất hẹp hòi vị kỷ và làm cho nó có khả năng yêu thương chân chính.
Trong việc giáo dục cho các thế hệ mới, do đó, chúng ta không được sợ phải đương đầu với sự thật của đức tin thực sự làm chủ được kiến thức của nhân loại.
Khoa học đang tiến bộ rất nhanh hiện nay và điều này khiến cho tất cả mọi mọi sự rất thường được thấy như mẫu thuẫn với những niềm xác tín của đức tin, gây ra tình trạng lầm lẫn và gây khó dễ hơn cho việc chấp nhận sự thật Kitô Giáo.
Thế nhưng, Chúa Giêsu Kitô là và vẫn là Chúa của tất cả tạo vật và toàn thể lịch sử: “Tất cả mọi sự đều được dựng nên nhờ Người và cho Người… trong Người tất cả mọi sự liên kết với nhau’ (Col 1:16-17).
Cho nên, nếu cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí được thành tâm và xác đáng thực hiện thì nó cống hiến cơ hội để có thể nhận định một cách hiệu quả hơn và thuyết phục hơn cái lý do tại sao tin tưởng vào Thiên Chúa – không phải là vào bất cứ một vị Chúa nào mà là Thiên Chúa tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô – cũng như cơ hội để tỏ ra cho thấy rằng hết mọi ước nguyện chính đáng của con người đều được nên trọn nơi chính Chúa Giêsu Kitô.
Giới trẻ Rôma thân mến, do đó, các bạn hãy tin tưởng và can đảm dấn bước trên con đường tìm kiếm sự thật. Và các vị linh mục và giáo dục gia thân mến, xin đừng ngần ngại cổ võ một thứ ‘chăm sóc mục vụ cho trí khôn’ thực sự và thích đáng – nói một cách rộng hơn, một thứ chăm sóc mục vụ cho con người – thứ chăm sóc mục vụ trân trọng chú ý tới các vấn nạn của giới trẻ, cả những vấn nạn về cuộc sống lẫn những vấn nạn xuất phát từ việc họ đem so sánh với các hình thức lý lẽ lập luận lan tràn ngày nay, để giúp cho họ có thể tìm thấy những giải đáp chắc chắn và thích đáng của Kitô Giáo, và sau cùng, làm cho họ biết coi Chúa Giêsu là những gì đáp ứng trên hết của họ.
Chúng ta đã nói về đức tin như một cuộc gặp gỡ với Đấng là sự thật và là tình yêu. Chúng ta cũng đã thấy rằng đó là một cuộc gặp gỡ vừa hiệp thông vừa riêng tư, và là một cuộc gặp gỡ cần phải diễn ra nơi tất cả mọi chiều kích của đời sống chúng ta qua việc hành sử trí thông minh của chúng ta, những chọn lựa tự do của chúng ta, việc phục vụ yêu thương của chúng ta.
Tuy nhiên, có một nơi đặc biệt để việc hội ngộ này có thể diễn ra một cách trực tiếp hơn. Ở đó, nó được củng cố và vững vàng, nhờ đó có thể thực sự thấm đậm và đánh dấu cả cuộc sống của chúng ta, đó là việc cầu nguyện.
(còn tiếp 1 kỳ cuối cùng)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/6/2006