GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 1/7/2006

 TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

 

?  Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 12.- Thân Phận Làm Con 

?  Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 1: Cái gì đã ngăn chặn việc Đối Thoại giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo?

?  Fatima: Đạo Binh Dàn Trận - với Vị Giáo Hoàng “Totus tuus”

 

 

? Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 12.- Thân Phận Làm Con 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

H

ôm Chúa Nhật 22/9/2002, cả gia đình tôi đưa cháu trai lớn nhất vô UCI, Đại Học của Tiểu Bang California ở Irvine Nam California, vì cháu học nội trú trong viện đại học này. Tất nhiên, với tất cả lòng quí mến con cái và trách nhiệm của mình, là cha mẹ, chúng tôi đã căn dặn cháu tất cả những gì cần thiết để cháu chẳng những thành đạt về việc học vấn mà còn về cả tư cách làm người nữa.

 

Riêng tôi đã nói với cháu rằng: các môn học tự nhiên con sẽ học, như toán, vạn vật, lịch sử, kinh tế, xã hội học hay thậm chí kể cả khoa tâm lý học đi nữa v.v. cũng không thể nào giúp cho con nên người, cụ thể là giúp cho con tránh được những cám dỗ xấu xa, hay chịu đựng được những đau khổ trên đời, mà là những gì bố đã khuyên con thực hành hằng ngày về đời sống tâm linh của con, nhất là trong thời gian con bắt đầu cuộc sống tự lập ở một môi trường học hỏi về kiến thức tự nhiên như thế này.

Trên đường về, tôi ngậm ngùi nhớ lại mới ngày nào thằng bé lên 18 tháng này còn ngồi trên chiếc xe gắn máy trò chơi, chạy vòng vòng dưới sân khu chung cư hai tầng, nơi gia đình tôi đã cư ngụ 18 năm về trước, mà nay nó đã vào đại học rồi. Thời gian trôi qua nhanh quá. Con người phát triển cuộc đời. Sự sống không ngừng tiến hóa.

 

Con Cái Kính Trọng Cha Mẹ

 

Thật vậy, nếu sự sống tiến hóa được bắt đầu từ khi con người còn là một mầm thai trong lòng mẹ, cho đến khi thành hình người trong tử cung thai mẫu và thành nhân trong lòng đời thế nào, thì sau này dù họ có trở thành một bà lão con đàn cháu đống, hay có trở thành một ông cụ đa tử đa tôn đa phú quí đi nữa, ông cụ bà lão răng long đầu bạc lưng còng này một thời cũng đã là một người con, đã trải qua cuộc đời làm con, đã là hậu sinh trước khi trở thành tiền bối.

 

Đó là lý do phận sự đầu tiên của thân phận làm con, thân phận hậu sinh, được thể hiện qua việc kính trọng cha mẹ, thành phần tiền bối của mình, thành phần đi trước mình, khôn ngoan hơn mình, hiểu biết hơn mình, kinh nghiệm hơn mình, để chỉ dẫn cho mình những ngõ tắt hầu nhờ đó mình có thể đạt tới mục đích của cuộc đời một cách nhanh chóng, dễ dàng, tốt đẹp, hay ít là giúp mình tránh được những ngõ cụt cuộc đời, những “dead end” – “no way out”, hay có thể tránh được những đường cùng lầm lẫn, tránh được những cạm bẫy của cuộc đời nhiều khi xảo quyệt điêu ngoa khôn lường, làm cho cuộc đời mình bị hư trầm khốn nạn vô cùng đáng thương đáng tiếc. Nếu biết kính trọng và thật lòng kính trọng cha mẹ là những vị tiền bối khả kính của mình, con cái có thể “back to the future” không khó khăn gì, bởi vì, những vị tiền bối, hay đúng hơn, chính cái vốn liếng khôn ngoan quá khứ nhiều khi hết sức chua cay đắng đót đắt đỏ của những vị tiền bối mẹ cha truyền thụ lại cho con cái chính là những gì xây dựng tương lai cho chúng vậy.

 

Tôi đang phục vụ một phong trào giới trẻ. Hằng năm các em có những dịp huấn luyện về khả năng tự nhiên cũng như học hỏi về kiến thức và trau dồi về tinh thần.

 

Có lần, để mở màn cho một khóa huấn luyện về tinh thần, tôi hỏi các em rằng có em nào không muốn được tôn trọng chăng? Không em nào giơ tay lên. Tôi nhấn mạnh, nếu vậy là các em cho rằng các em biết tự trọng phải không? Các em đều thưa vâng rất nhanh và rất đều.

 

Tôi tiếp tục đặt vấn đề cho các em thấy như sau: Thế nhưng, nếu các em muốn chúng tôi tin tưởng các em, tức là để tỏ ra các em thật sự biết tự trọng, các em phải tuân giữ tất cả những gì được ban tổ chức ấn định, về giờ giấc cũng như kỷ luật, không cần phải được ai nhắc nhở phải không? Các em ngần ngừ trả lời song cuối cùng cũng cố gật đầu đồng ý.

 

Lần nào cũng như lần ấy, nhắc nhở như thế rồi, ý thức như vậy rồi, thế mà các em vẫn cứ có những điều cần phải nhắc nhở và sửa sai. Mỗi lần xẩy ra tôi lại lợi dụng để nói với các em rằng, đó, các em thấy không, dù sao các em vẫn chưa trưởng thành, trong khi các em muốn được người lớn tin tưởng mà các em lại có những hành động khiến cho chính các em mất uy tín. Thế nhưng, với thiện chí muốn tự trọng sẵn có của các em, nhất là sau khi sai lỗi biết can đảm nhận lỗi và quyết chí sửa sai, tôi cam đoan với các em là con người nhân vô thập toàn của chúng ta chắc chắn không thành công cũng thành nhân.

 

Con Cái Yêu Mến Cha Mẹ

 

Thế nhưng, vì thành phần tiến bối truyền đạt cho con cái những kinh nghiệm sống đời và làm người ấy không phải chỉ là một người lớn nào đó, như thày cô trong trường, hay những thần tượng cuộc đời, như minh tinh màn ảnh hoặc thể thao, mà là chính những bậc sinh thành ra mình, nên con cái chẳng những phải kính trọng mà còn có phận sự phải yêu mến các vị nữa. Nếu không ai có quyền chọn sinh ra đời hay chăng thì cũng không ai có quyền chọn cha mẹ, giống hệt như trường hợp những người làm cha làm mẹ cũng không có quyền chọn cho mình những đứa con do họ sinh ra. Bởi thế, sở dĩ cha mẹ con cái tự nhiên yêu thương nhau là vì tình nghĩa ruột thịt máu mủ, “máu chảy ruột mềm” là vậy.

 

Cách đây mấy năm, vào một buổi giáo huấn hằng tuần, tôi đã tâm sự với các con tôi là cách đây 25 năm bố không hề biết mẹ và mẹ cũng chẳng hề biết bố, thế rồi thiên duyên tiền định đã kết hợp bố mẹ lại thành vợ thành chồng, rồi thành cha thành mẹ của chúng con. Cách đây 20 năm, các con cũng đâu biết bố mẹ là ai và bố mẹ cũng chẳng biết các con là ai, nhưng cũng do thiên duyên tiền định, chúng ta đã trở thành một gia đình chỉ có 5 người, 5 con người với mặt mũi, tên tuổi, tính nết và khả năng độc nhất vô nhị của mình trong cả biết bao nhiêu tỉ người từ tạo thiên lập địa cho tới năm cùng tháng tận sống với nhau ở vào thời điểm lịch sử cuối ngàn năm thứ hai và sang ngàn năm thứ ba đây.

 

Bởi thế, là phần tử trong cùng một gia đình với nhau, chúng ta phải yêu thương quí mến nhau, phải chấp nhận nhau như ruột thịt của mình, như những gì mình không thể bỏ đi hay thiếu được. Chúng ta đừng bao giờ hất hủi nhau, phủ nhận nhau, dù ai trong chúng ta có thế nào chăng nữa. Thậm chí bố mẹ có bê bối về luân lý đi nữa, cũng vẫn là những người sinh ra các con, không phải vì thế mà bố mẹ không phải là hay không còn là bố mẹ của các con nữa, dù các con  không chịu chấp nhận bố mẹ nữa, hay dù các con có cảm thấy hết sức xấu hổ vì bố mẹ chăng nữa.

 

Ngược lại, dù các con có hư thân mất nết đến thế nào đi nữa, có làm cho bố mẹ trở thành những kẻ không biết dạy con đi nữa, thậm chí dù bố mẹ có công khai từ các con trước mặt mọi người đi nữa, không phải vì thế mà các con không phải là hay không còn là những con người do bố mẹ sinh ra và dưỡng dục.

 

Chúng ta hãy chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau, chứ đừng đợi cho tới khi ai trong chúng ta nằm xuống bấy giờ chúng ta mới chịu tha thứ cho nhau, mới khóc thương và tiếc xót nhau thì đã muộn mất rồi. Chúng ta chẳng sống trên đời này với nhau bao lâu. Sau khi chết chúng ta không bao giờ còn được trở lại sống cuộc sống gia đình như bây giờ nữa.

 

Chúng ta hãy yêu thương nhau và gắn bó với nhau ngay từ lúc này. Chính tình yêu thương nhau mới làm chúng ta sống, mới làm cho chúng ta hạnh phúc. Tình yêu không phải chỉ ở chỗ lo lắng cho nhau, giúp đỡ nhau,  chỉ bảo nhau, mà nhất là ở chỗ chấp nhận nhau và bao dung tha thứ cho nhau. Tôi thỉnh thoảng lập lại những tư tưởng trên đây với con cái của tôi.

 

Tuy nhiên, thực tế cũng như tâm lý cho thấy cha mẹ thương yêu con cái nhiều hơn là con cái mến yêu cha mẹ: “mẹ yêu con như trời như bể, con yêu mẹ con kể từng ngày” là như thế, “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” là vì vậy. Bởi thế, con cái không thể nào lấy bất cứ một sự gì vật chất để có thể báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ cho xứng đáng và đầy đủ được, nếu chính tấm lòng của chúng lại không biết hiếu thảo và mến yêu các ngài.

 

Chính vì không biết ơn cha mẹ, không có sẵn lòng hiếu thảo với cha mẹ, con cái rất dễ tính toán với các vị, nhất là trừ công ơn của các vị đi bằng những lỗi lầm của các vị, đặc biệt là những gì các vị đã vì trách nhiệm phải đụng chạm đến quyền lợi của chúng, kể cả đến những gì chúng vốn không ưa không thích.

 

Không thiếu gì những trường hợp đã xẩy ra ở xã hội văn minh ngày nay, cha mẹ vừa sang đoàn tụ với con cháu thì nản chí chỉ muốn trở về Việt Nam. Có những vị có con cái làm ăn lên, nhà cửa khang trang sang trọng nhưng lại lủi thủi ở trong dưỡng lão viện. Đứa làm ăn lên thì bảo là do tôi mượn tiền học, rồi làm đám cưới cũng do tôi bỏ tiền ra, thậm chí khi tôi còn bé ông bà cũng nhờ tôi dưới 18 tuổi mới được hưởng trợ cấp xã hội. Đứa long đong lận đận cũng đổ lỗi cho cha mẹ nghèo, không tạo cơ hội cho chúng tiến thân, hay cha mẹ chỉ ham làm ăn không có giờ cho chúng v.v.

 

Trái lại, nếu tự bản chất đứa con nào vốn hiếu thảo với mẹ cha, thì cha mẹ có thế nào chăng nữa, chúng vẫn thông cảm và mến yêu các ngài, thậm chí dám lên tiếng bênh vực các ngài trước mặt những người anh chị em bất mãn nào của họ, dù họ có bị những người anh chị em ấy ghét bỏ chăng nữa. Không gì an ủi cha mẹ bằng những đứa con này, đối với các vị nó là đứa con thật sự đã trả hiếu cho các vị một cách xứng đáng. Nhưng cũng không gì an ủi cho cha mẹ bằng những đứa con tỏ ra hư hỗn với các vị một lúc nào đó đã nghĩ lại trở về xin lỗi các vị.

  

Con Cái Tin Tưởng Cha Mẹ

 

Con cái trọng kính cha mẹ là những vị tiền bối đi trước hướng dẫn mình là hậu sinh đi sau, và con cái yêu mến cha mẹ vì các vị là những bậc sinh thành và dưỡng dục mình cho khôn lớn.

 

Thế nhưng, để tỏ ra thực sự kính trọng và mến yêu cha mẹ, con cái còn cần phải tỏ ra tin tưởng các vị nữa. Nếu con cái kính trọng cha mẹ vì các ngài là các vị tiền bối, và nếu con cái mến yêu cha mẹ là vì cha mẹ là những bậc sinh thành, thì con cái tin tưởng cha mẹ vì không ai yêu thương con cái bằng mẹ cha. Sở dĩ con cái không vâng lời cha mẹ là vì chúng không tin tưởng cha mẹ chúng. Và sở dĩ con cái không tin tưởng cha mẹ, một là vì cha mẹ không có đủ uy tín, hai là vì chúng tin chúng hơn cha mẹ, cho mình khôn hơn cha mẹ, ba là vì bản tính vốn hay lo sợ quá trớn.

 

Về lý do thứ ba liên quan đến việc thiếu tin tưởng này, tôi nhớ đến việc tập bơi cho đứa con gái của tôi tại Salt Lake vào mùa hè năm 1999. Nơi biển hồ Salk Lake này ai cố bơi thì dù chưa biết bơi cũng bơi được, vì nồng độ mặn của nước biển hồ ở đây. Lợi dụng dịp này tôi giục con gái của tôi bơi đi, nó cũng không dám bơi. Tôi nói thế thì để bố đỡ bụng con cho con bơi, nó cũng không dám, vì sợ chìm.

 

Trường hợp đứa con rai thứ hai của tôi cũng thế, song hơi khác một chút. Đó là, tôi tập xe số tay cho cháu, để cháu có thể sử dụng chiếc Honda Civic 2001 của anh nó, người anh vừa vào nội trú đại học, để nó có thể tự động chở em nó đi học mỗi ngày. Vì trường tư thục của hai cháu ở hai nơi khác nhau, cách nhà hơn nửa tiếng lái xe đường trong. Khi tập cho cháu, tôi thấy cháu lái rất khá, nhưng cháu vẫn không dám lái một mình, vì cảm thấy sợ. Để cháu có thể tự tin hơn, tôi nhất định bắt cháu lái xe đi học một mình, chứ không theo kiểu tôi cứ ngồi trên xe cho cháu lái đến trường. Con nói với tôi: “Bố muốn để cho con chết hay sao?”. Bởi thế, để cháu yên trí hơn, tôi đã cho cháu biết rằng tôi lái xe riêng của tôi đi theo sau xe của cháu. Tối về tôi hỏi cháu: ngày mai con còn muốn bố đi theo xe của con nữa thôi, cháu đáp: cám ơn bố, con có thể lái xe đi học một mình được rồi.

 

Ngoài ra, còn những vấn đề khác, tôi cũng thường dùng đòn tin tưởng này để thúc giục các con tôi chấp nhận những gì chúng tôi là cha mẹ làm cho chúng nó hay bảo ban chúng nó.

 

Chẳng hạn về vấn đề ăn uống, khi thấy chúng không thích ăn món này món kia do mẹ chúng dọn ra, tôi nói với các cháu: nếu món nào các con ăn mà bị đau bụng hay ói mửa, bố sẽ không bao giờ bắt các con ăn hay mẹ nấu cho các con ăn cả. Đằng này mẹ đi mua toàn là những món ăn chẳng những bổ béo và mắc tiền, lại còn mất công nấu cho các con ăn sau một ngày làm việc vất vả, mà các con chỉ vì không thích mà không ăn thì các con có thấy fair với mẹ không? Thế là các con tôi từ đó đã không ăn nhiều thì ít, không bao giờ dám kêu ca nữa, thậm chí có những món ăn rồi đâm thích muốn ăn nữa. Là những đưa trẻ sinh tại Mỹ mà lại có thể và thích thú đồ ăn Việt Nam, như phở, bò bẩy món, cơm phần v.v.

 

Về những gì liên quan đến luân lý cũng vậy, mỗi lần thấy chúng hơi tỏ ra ngần ngại, ương ương hay khó chịu một chút, tôi liền nhỏ nhẹ nhắc nhở các cháu rằng, các con có tin rằng bố mẹ bao giờ cũng yêu thương các con? Tất nhiên các cháu trả lời là có. Vậy nếu bố mẹ thương yêu các con thì các con cũng phải tin rằng bố mẹ dạy bảo các con làm toàn những gì tốt cho các con, lợi cho các con mà thôi. Bố mẹ cũng thông cảm với các con là những điều tốt lành và lợi lộc cho các con theo ý bố mẹ ấy nhiều khi chắc chắn sẽ làm cho các con khó chịu, vì nghịch với ý thích của các con, ý nghĩ của các con, ý muốn của các con. Thế nhưng, các con chọn đằng nào, một là theo sở thích của các con, những thứ junk foods làm cho các con ăn ngon miệng nhưng chẳng bổ béo gì cho sức khoẻ, đôi khi ăn nhiều còn hại nữa là đàng khác, hai là theo ý bố mẹ, những thứ multi-vitamin tuy không khoái khẩu, không hợp thị hiếu của các con chút nào, song chắc chắn sẽ bồi bổ cho tâm hồn và đời sống làm người của các con.

 

Những tư tưởng này dầu sao cũng đã làm cho các cháu suy nghĩ, và không biết chúng đã thấm đến đâu, thực tế cho thấy các cháu mỗi ngày một ngoan ngoãn dễ bảo.

  

Con Cái Vâng Lời Cha Mẹ

 

Phải, nếu công ơn sinh thành khiến cho con cái mến yêu thảo hiếu với cha mẹ, thì tình yêu thương chân thành thiết tha của cha mẹ đối với chúng trong cuộc đời sẽ làm cho chúng tin tưởng các vị hơn, và vì tin tưởng cha mẹ, tin tưởng rằng cha mẹ thương yêu mình, không bao giờ làm hại mình, trái lại, các ngài làm gì, nói gì, tỏ thái độ gì, dù cấm cản hay không cho phép mình làm những gì mình thích hoặc thấy hay, cũng chỉ vì thương mình, chúng sẽ dễ nghe lời của các vị hơn.

 

Ngoài ra, con cái cần phải vâng lời cha mẹ còn có một lý do khác, đó là vì các vị có trách nhiệm đối với con cái, nhất là trách nhiệm giáo dục cho chúng nên người, không được để những gì tai hại xẩy ra cho chúng.

 

Về vấn đề trách nhiệm của cha mẹ, thực tế cho thấy hai điều tương phản nhau sau đây: thứ nhất, đôi khi hay nhiều khi cha mẹ quá lo đến trách nhiệm của mình đến nỗi làm át mất cả quyền tự do của con cái lẫn lòng tự trọng của chúng, chạm đến tự ái làm người của chúng, nhất là những đứa đến tuổi dậy thì và thành niên; thứ hai, chính vì thế đã làm cho con cái ở vào tuổi này chẳng những không thấy cha mẹ thực sự thương mình hơn là thương các vị, mà còn thấy một cái gì đó độc đoán và độc ác trong việc cha mẹ sợ trách nhiệm của các vị nữa, từ đó mới xẩy ra những đối chọi, đụng độ, chia rẽ, thậm chí tới độ cha mẹ thì chửi rủa con cái, con cái thì vùng lên hỗn láo với cha mẹ.

 

Bởi thế, vấn đề ở đây là phải làm sao dung hòa giữa trách nhiệm của cha mẹ với lòng tự trọng của con cái.

 

Khi nào có dịp, tôi vẫn nói với các con tôi hay với nhóm giới trẻ tôi đang phục vụ rằng, phận sự chính yếu của con cái là vâng lời cha mẹ, nếu cha mẹ không dạy bảo con cái làm những điều gì hay tránh những việc gì hoàn toàn sai trái hay thực sự tội lỗi theo khách quan, thì con cái buộc phải nghe lời các vị, dù không thích hay hết sức khó chịu. Vì các vị có quyền làm cha làm mẹ, có trách nhiệm đối với con cái.

 

Tất cả những hành động bất mãn và bất tuân phục cha mẹ, dù có lý mấy đi nữa, tự chúng, vẫn là những thái độ và hành động bất kính, thiếu lòng yêu mến và tin tưởng nơi các cha mẹ. Từ đó, những đứa con này sẽ dễ đi đến chỗ coi thường cha mẹ, một là bỏ nhà đi hoang, hai là sống một cách lộng hành trong gia đình, muốn làm gì thì làm, không ai bảo được nữa.

 

Không gì hổ nhục cho cha mẹ bằng bị mang tiếng là đã sinh ra những đứa con mất dạy, không biết dạy con. Nhưng còn tủi nhục hơn nữa cho những người làm cha làm mẹ thực tình thương con, mong cho chúng nên người, hết mình dạy bảo chúng một cách khôn ngoan theo tầm mức hiểu biết và khả năng giáo dục tự nhiên của mình, mà lại bị chúng hiểu lầm và khinh thường, đến nỗi có những vị đã phải thắt quặn thốt lên: “biết vậy thà đừng sinh ra chúng nữa thì hơn”.

 

Tuy nhiên, có những trường hợp chính cha mẹ đã được giáo dục bởi việc con cái khiêm tốn hiếu thảo vâng lời các vị.

 

(Bài ngày mai: Tình Anh Chị Em)

 

 

TOP

 

 

 ? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 1: Cái gì đã ngăn chặn việc Đối Thoại giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo?

 

Cha Maurice Borrmans, một vị thừa sai ở thế giới Ả Rập 20 năm, vẫn còn là tham vấn viên cho Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn, hiện đang dạy luật Hồi Giáo và linh đạo Hồi Giáo tại Viện Tòa Thánh Nghiên Cứu Về Ả Rập, và là giám đốc của tờ Điểm Báo Islamochristiana, một tờ báo bao gồm những bài viết của thành phần học giả Hồi Giáo và Kitô Giáo, đã trả lời một cuộc phỏng vấn như sau:


Vấn     Cha thẩm định thế nào về tình hình đối thoại hiện nay giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo? Có những khó khăn nào trong vấn đề này hay chăng?


Đáp     Từ năm 1964, tức là từ khi có sắc lệnh “Nostra Aetate” của Công Đồng Chung Vaticanô II thì cuộc đối thoại giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo đã có những thành quả tích cực. Cái khó khăn trước nhất chúng ta phải đối diện hiện nay phát xuất từ một cuộc xa lìa khỏi những qui chuẩn được ấn định về văn hóa, chính trị và tôn giáo. Chúng ta đang chứng kiến thấy khắp nơi cái được Mohammed Arkoun gọi là “chính trị qua mặt tôn giáo”. Mối liên hệ phức tạp giữa tôn giáo và quốc gia ảnh hưởng sâu xa đến việc đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo.


Vấn     Nói cách khác, phải chăng hết mọi cuộc đối thoại theo chiều kích tôn giáo đều chất chứa chính trị?


Đáp     Thật vậy, nếu ai nghiên cứu kỹ lịch sử Hồi Giáo, họ sẽ nhận thấy rằng luôn luôn khó có thể phân biệt được giữa những người nắm quyền chính trị với những vị lãnh đạo tôn giáo, một tổng hợp quyền bính không lẫn lộn. Tuy nhiên, nơi nhiều người Hồi Giáo thì lý tưởng này vẫn còn hiện diện ở một quốc gia Hồi Giáo thực hiện việc cổ võ, truyền đạt, dẫn giải và tổ chức Hồi Giáo. Điển hình là giai đoạn Medina, thời tiên tri Mohammed trở thành một con người chính trị và là vị thủ lãnh quân sự. Khi thời đại mới mở ra, Hồi Giáo được cho rằng đó chỉ là một biến cố tôn giáo, nhưng Hồi Giáo liền cho thấy mình còn là một biến cố chính trị nữa. Chúng ta đừng quên rằng nơi cả thế giới Kitô giáo, cần phải có thời gian để chấp nhận một thứ tân thời thách đố những hình thức truyền thống của việc thể hiện đức tin, việc tôn thờ, nền luân lý và đời sống, cũng như để nhận ra cơ hội thanh tẩy đức tin cá nhân và cơ hội truyền giáo của các tổ chức tu trì. Về phía Hồi Giáo, sự việc dường như phức tạp hơn, như cái tân tiến đến với họ “từ bên ngoài”, nhất là từ Kitô Giáo Tây Phương. Như Giáo Hội Công Giáo đã có thể theo Công Đồng Chung Vaticanô II định nghĩa truyền bá phúc âm hóa (evangelization) là gì theo Giáo Hội hiểu thì ngày nay những người Hồi Giáo cũng đang tự hỏi họ phải hiểu thế nào về ý nghĩa Hồi Giáo Hóa (Islamization).


Vấn     Những người Hồi Giáo nghĩ gì về việc Kitô Giáo dấn thân trong việc đối thoại liên tôn?


Đáp     Cả hai bên đều hơi hồ nghi nhau một cách nào đó. Những tờ nguyệt san của người Hồi Giáo tỏ ra không có thiện cảm với những việc truyền giáo của người Kitô hữu, và những in ấn phổ biến của người Kitô hữu lại quan tâm về sự tiến bộ của việc “da’wa” (Hồi Giáo truyền giáo) nơi tất cả mọi xứ sở cũng như việc thiết dựng các đền đài ở Âu Châu. Vấn đề chính yếu đó là chúng ta không được quên rằng nhiều người Hồi Giáo luận chống Kitô hữu về một trong những hình thức của việc cùng nhau đến với “dân của Sách Thánh”, cũng như không được quên rằng lời kêu gọi đối thoại, ngay cả hoạt động nhân đạo của Kitô hữu, đối với nhiều người Hồi giáo lại bị họ cho như là một thứ mưu mẹo để làm cho việc truyền giáo tiến bộ.


Vấn     Ngoài ra còn những trở ngại nào khác đối với việc đối thoại này chăng?


Đáp     Kitô hữu có những cơ cấu đòi phải có trách nhiệm chung. Những người Hồi Giáo thực sự không có những thực thể đại diện. Họ thường tự mình dấn thân cho việc đối thoại thôi. Ngoài ra, Kitô hữu vẫn thực hiện một nỗ lực đáng kể, được người Hồi Giáo công nhận, trong việc hiểu biết tư tưởng của người Hồi Giáo qua sách vở và truyền thông. Những nguồn liệu Hồi Giáo, như Sách Kinh Koran và Sunna, và những loại văn chương cổ điển về tư tưởng đạo giáo của họ đã được dịch sang những ngôn ngữ chính của Âu Châu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần phải ghi nhận ở đây là những bản văn chính yếu của tư tưởng Kitô giáo thực sự không được chuyển dịch sang tiếng Ả Rập, và những sách của các nhà tư tưởng người Hồi Giáo nói về Chúa Giêsu Kitô đã được viết ở Ai Cập từ giữa năm 1945 tới 1954, tức là trong giai đoạn vẫn còn dân chủ. Từ đó đến nay, những khó khăn về việc phát triển kinh tế cũng như về việc bày tỏ dân chủ, cùng với cuộc xung khắc giữa Do Thái và Palestine, đã làm cho cuộc đối thoại trở nên cẩn trọng và suy giảm hơn nữa.


Vấn     Trong một tình trạng như vậy thì còn chỗ nào cho việc đối thoại hay chăng?


Đáp     Để đáp ứng những sáng kiến về việc đối thoại của Kitô hữu chúng ta, cũng như đồng thời để bắt đầu đối thoại đó là vấn đề tỏ ra tôn kính quyền bính của người Hồi Giáo ở Cairô, Tunis hay Beirut. Trong vòng 30 năm qua, chúng ta đã chứng kiến thấy thăng thêm những cuộc nói chuyện và hội nghị liên tôn, nhưng hầu hết bao giờ cũng được chấm dứt với những ý hướng tốt lành. Biết bao nhiêu lần đã từng bàn đến vấn đề điều chỉnh lại các sách giáo khoa để thay đổi cách nhìn về tôn giáo khác! Về phía chúng ta có một sự thay đổi nho nhỏ, còn về phía người Hồi Giáo thì không.


Vấn     Cha có nghĩ là tình hình này lại còn tệ hơn nữa sau ngày 11/9 hay chăng?


Đáp     Chắn chắn là như thế rồi, Cuộc Chiến Vùng Vịnh đã làm chậm lại nỗ lực đối thoại. Các nhà trí thức cởi mở nhất đã bị tố cáo trong nước của họ là quá thân thiện với một thứ Tây Phương được gọi là “Kitô hữu”. Từ ngày 11/9, chúng ta có thể nói đến vấn đề bị khựng lại, mặc dù thế giới Ả Rập nhìn nhận rằng Tòa Thánh không ủng hộ những thái độ của Bắc Mỹ Châu. Còn về vấn đề chiến tranh và hòa bình thì phải công nhận rằng những nhà tư tưởng người Hồi Giáo bất đồng với nhau. Việc họ đọc Sách Kinh Koran thật sự khác nhau, từ những người đề cao giá trị của hòa bình và công lý đến những người bộc lộ cho thấy những khuynh hướng đối chọi và chủ quan. Vả lại, đây không phải cũng là trường hợp đã xẩy ra ở một số sách Cựu Ước hay sao?


Vấn     Theo ý nghĩa của Cha thì Hồi Giáo sẽ gây ra thách đố mới nào nữa?


Đáp     Ngày nay, hơn bao giờ hết, Hồi Giáo đã được suy nghĩ sâu xa, đã được hành đạo, được tổ chức và được truyền đạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Không kể vấn đề cắt nghĩa và thực hành khác nhau, những người Hồi Giáo có một niềm xác tín sâu xa rằng họ thuộc về một cộng đồng tốt lành nhất được Thiên Chúa tạo dựng nên trên mặt đất này. Vấn đề truyền thông và thông tin tân thời, việc hiện hữu của một hệ thống phong phú về văn hóa, những cơ cấu tổ chức về tôn giáo và nhân đạo, cũng như việc tham dự hành hương đến Mecca càng ngày càng đông, là những gì đang làm vững mạnh niềm hy vọng của họ là cuối cùng họ sẽ đạt đến tình trạng hiệp nhất nên một với nhau. Hồi Giáo hiện đại đang cố gắng để chứng tỏ là họ có thể trở nên đường lối thứ ba để cân bằng giữa những cái thái quá giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, dung hòa một cách tốt đẹp nhất giữa các quyền lợi của Thiên Chúa với các quyền lợi con người được hưởng. Đó là thách đố Hồi Giáo đặt ra trước thế giới, nhất là cho Kitô hữu.


Vấn     Có bao giờ Cha cảm thấy mình bị bi quan chăng?


Đáp     Trong vấn đề đối thoại, quí vị không chọn đứng về phía bên kia. Vấn đề là phải chấp nhận thế thôi. Cuộc đối thoại Hồi Giáo Kitô Giáo có phận sự phải thử những gì bất khả cũng như phải chấp nhận những gì cẩn trọng. Chính vì phía bên kia trở nên khó khăn hơn mà chúng ta cần phải thực hiện những sáng kiến mới, chẳng hạn có một ủy ban liên tôn làm cho người Hồi Giáo và Kitô Giáo hợp lại thành những hiệp hội bác ái; vì trong ba năm vừa rồi, Đại Học Đường ở Cairô (Al-Azhar) đã thiết lập một văn phòng đối thoại với các tôn giáo độc thần, tức là, đối với một đại học quan trọng bậc nhất Hồi Giáo này thì thế giới Công Giáo là một tôn giáo độc thần: Đây là một vấn đề không còn tranh luận gì nữa. Thêm vào đó, chuyến đi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm các nước Ả Rập đã gây được ảnh hưởng trên quần chúng Hồi Giáo. Ở Cairo vào tháng Hai năm 2002, truyền hình quốc gia đã phổ biến Thánh Lễ từ đầu đến cuối. Ở Đamascô cũng xẩy ra như vậy vào tháng Năm năm 2001.


Vấn     Làm sao người ta có thể đối thoại với những gì được Hồi Giáo tin tưởng?


Đáp     Massignon thường nói rằng để hiểu được người khác quí vị phải là khách của họ. Bởi thế vấn đề quan trọng ở đây là học hỏi, nghiên cứu, lắng nghe. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần những con người sẵn sàng tìm hiểu những gì Hồi Giáo tin tưởng. Trong xã hội được toàn cầu của chúng ta, chúng ta không còn dạy một thứ giáo lý không để ý gì đến cảm nghiệm tôn giáo của người khác nữa. Bởi thế, vấn đề đối thoại đòi phải can đảm dấn thân để gặp gỡ người khác, cho dù người ta có yêu sách đi nữa. Có những người Hồi Giáo tìm cách làm bạn với những người Kitô hữu, vị họ trực giác thấy một thực tại lờ mờ là thành phần môn đệ của Đức Giêsu có thể nói chuyện khi họ đặt những câu hỏi quan trọng về mầu nhiệm Thiên Chúa, về việc phát triển con người, và về ý nghĩa của sự chết. Phải chăng đây không phải là cái trục chính cho bất cứ một cuộc đối thoại thực sự nào giữa những người tín hữu chân thành hay sao?
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 27/11/2002)

 

 

 

TOP

 

 

?   Fatima: Đạo Binh Dàn Trận - với Vị Giáo Hoàng “Totus tuus”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(Loạt bài về Thánh Mẫu Fatima từ 27/5/2006)

Theo người viết bài này thì Thời Điểm Fatima có liên quan trực tiếp và đặc biệt đến bản thân Đức Gioan Phaolô II, qua  ít là  3 sự kiện nổi bật sau đây.

      Sự  kiện thứ  nhất, đó là biến cố ngài bị ám sát vào ngày 13/5/1981, ngày Mẹ Maria hiện ra lần đầu tiên ở Fatima năm 1917, và ngài đã cảm nhận được Mẹ Maria đã cứu ngài, nên ngài đã sang Linh Địa Fatima hai lần, lần nhất vào năm 1982, dịp kỷ niệm 1 năm sau khi bị ám sát, và lần hai vào năm 1991, dịp kỷ niệm 10 năm sau khi bị ám sát, (chưa kể lần thứ ba vào Đại Năm Thánh 2000 để phong Chân Phước cho Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta). Trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” (ấn bản Anh ngữ 1994, trang 130,131-132), ngài trả lời vấn nạn “phải chăng Thiên Chúa đã nhúng tay vào việc sụp đổ của Cộng sản?” như sau:  

      "Chúng ta phải nói sao về 3 trẻ ở Fatima, những em nhỏ, ngay trước cuộc bùng nổ của Cách Mạng Tháng Mười, đột nhiên nghe thấy rằng: 'Nước Nga sẽ trở lại' và 'Cuối cùng, Trái Tim Mẹ sẽ thắng'...? Chúng không thể nào tạo ra những tiên đoán này. Chúng không biết đầy đủ về lịch sử hay địa dư, cũng không biết về những biến chuyển trong xã hội cũng như những phát triển về ý thức hệ. Thế mà, việc đã xẩy ra đúng như chúng đã nói. Có thể đây cũng là lý do tại sao mà một vị Giáo Hoàng từ 'một xứ sở xa xôi' đã được kêu gọi đến, đó có thể là lý do tại sao cần phải có một cuộc cố sát xẩy ra tại Công Trường Thánh Phêrô ngay vào ngày 13-5-1981, ngày kỷ niệm biến cố hiện ra lần thứ nhất ở Fatima - để tất cả mọi sự được trở nên thông suốt và thấu đáo, để tiếng của Thiên Chúa nói trong lịch sử loài người qua những 'dấu chỉ thời đại' có thể dễ nghe và dễ hiểu hơn".

 Sự kiện thứ hai, đó là biến cố ngài đọc Bí Mật Fatima phần thứ ba,   sau khi bị ám sát, và  từ  đó  ngài cảm thấy hình ảnh “vị giám mục mặc áo trắng” trong phần Bí Mật Fatima thứ ba này chính là ngài, để rồi ngài đã tích cực đáp ứng lời yêu cầu của Trời Cao trong việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ 3 lần, như bài Thời Điểm Maria lần trước đã  đề cập tới, “lần 1 vào ngày 7/6/1981 ở Đền Thờ Đức Bà Cả, lần 2 ngày 13/5/1982 ở chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima, và lần 3 vào ngày 25/3/1984 ở ngay Giáo Đô Vatican kết Năm Thánh Cứu Chuộc”. Hôm Thứ Tư 24/3/2004, ngài đã dùng buổi triều kiến chung hằng tuần này để nhắc lại mục đích của việc Ngài tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ 20 năm trước đây, vào dịp kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc, 25/3/1984, như sau:

Tôi đặc biệt nhớ đến ngày 25/3 năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc. Hai mươi năm đã qua đi từ ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô, hiệp nhất về tinh thần với tất cả các giám mục trên thế giới được ‘triệu tập’ trước đó, Tôi đã hiến dâng tất cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”.

      Sự kiện thứ ba, đó là việc ngài nhận khẩu hiệu Giáo Hoàng “totus tuus” từ cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Long Mộng Phố và theo Linh Đạo Thánh Mẫu của t ác phẩm nổi tiếng này, như ngài đã thú nhận trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” (ấn bản Anh ngữ 1994, trang 212-215) và trong cuốn “Tặng Ân và Mầu Nhiệm” (ấn bản Anh ngữ trang 28-30). Trong Thư ngày 8/12/2003 gửi Gia Đình Dòng Montfort do Thánh Long Mộng Phố sáng lập nhân dịp kỷ niệm 160 năm (1843-2003) xuất bản tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, ngài đã xác nhận như sau:

      “Hai chữ này diễn tả việc hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria: ‘Tuus totus ego sum, et omnia mea tua sunt’, Thánh Louis Marie đã viết như thế, và ngài đã chuyển dịch câu này theo ngôn từ của ngài như sau: ‘Ôi Chúa Giêsu chí ái, qua Mẹ Maria là Người Mẹ rất thánh của Chúa, toàn thân con thuộc về Chúa, và tất cả những gì con có đều là của Chúa’ (Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 233). Giáo huấn của vị Thánh này đã có một tầm ảnh hưởng sâu xa về việc sùng kính Thánh Mẫu nơi nhiều tín hữu cũng như nơi cuộc đời của tôi”.

(còn tiếp vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ