GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 20/7/2006 TUẦN XV THƯỜNG NIÊN |
? Thiên Tai Biển Động Sóng Thần ở Nam Dương: Tòa Thánh Phân Ưu - Hậu Quả Tai Hại
? BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: DẪN NHẬP
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 13 - “Niềm vui xuất phát từ đức tin và mối liên hệ của đức tin với việc giáo dục các thế hệ mới”
Thiên Tai Biển Động Sóng Thần ở Nam Dương: Tòa Thánh Phân Ưu - Hậu Quả Tai Hại
Theo VIS ngày 19/7, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã nhân danh Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi một điện tín phân ưu đến thẩm quyền dân sự và giáo hội ở Nam Dương về thiên tai biển động sóng thần đã xẩy ra ở đảo Java hôm Thứ Hai 17/7/2006, làm cho hơn 500 người tử thương và khoảng 300 người bị mất tích. Nguyên văn bức điện tín phân ưu này như sau:
|
“Hết sức đau lòng khi nghe tin về các hậu quả thảm thương gây ra bởi cuộc biển động sóng thần mới đây ở Java, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tha thiết nguyện cầu cho tất cả những ai bị gặp nạn. Ngài phó thác người chết cho lòng xót thương ưu ái của Đấng Toàn Năng, và ngài xin ơn thần linh sức mạnh và ủi an cho các gia đình đang buồn thương. Ngài cũng nguyện cầu cho các nhân viên cấp cứu và tất cả những ai đang rat ay trợ giúp các gia đình bị phân tán, khuyến khích họ hãy kiên trì với những nỗ lực của mình trong việc cứu trợ và nâng đỡ”.
Thật vậy, theo CNN qua bài Java death toll tops 500 hôm Thứ Tư 19/7/2006, thì thiên tai biển động sóng thần xẩy ra cho đảo Java ở Nam Dương này đã làm thiệt mạng 525 người và làm mất tích 273 người, chưa kể 383 người bị thương tích sau khi xẩy ra sóng thần cao 10 bộ hay 3 mét càn quét gần 200 cây số hay 124 dặm dọc theo duyên hải đảo Java. Hiện nay vẫn còn 35 ngàn người bị phân tán và hằng trăm dinh thự bị phá hủy.
Trung Tâm Thông Tin Sóng Thần Quốc Tế đã cảnh báo về cơn sóng thần này sau khi xẩy ra một trận động đất 7.7 ở Ấn Độ Dương khoảng 350 cây số thuộc phía nam thủ đô Jakarta. Thế nhưng, đối với nhiều người còn sống sót thì họ chỉ nhận được cảnh báo về chính cuộc động đất mà thôi, và một số đặt vấn đề tại sao vẫn chưa có một hệ thống báo động.
Thật ra chính quyền Nam Dương đã nhận được tin vụ thiên tai này xẩy ra 45 phút trước đó, nhưng họ không loan báo vì họ không muốn gây ra một lời cảnh giác không chắc chắn, vả lại, họ cũng chẳng có những phương tiện hiệu nghiệm sẵn sàng để thông báo nữa, chẳng hạn như những loại kèn báo nguy.
|
Sau thiên tai biển động sóng thần Nam Á ngày 26/12/2004, một thiên tai làm cho trên 200 ngàn người chết thuộc 12 quốc gia trong vùng bị nạn, các khoa học gia Nam Dương, Đức Quốc và Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu giúp thực hiện hệ thống báo động chưa được hoàn thành, thế nhưng vẫn có những bộ phận cảm nhận ở sâu dưới lòng biển đã có bên ngoài duyên hải Sumatra và các dữ kiện nhận được bởi các bộ phận cảm nhận đó đều được cứu xét.
Vùng bị nặng nhất lần này là vịnh Pangandaran, nơi đã khám phá ra 30 tử thi. Trong Tháng 5 vừa rồi, một trận động đất ở Yogyakarta Nam Dương đã xẩy ra gây cho 6 ngàn người chết và làm phân tán 200 ngàn người.
Cũng theo CNN qua bài Strong earthquake rattles Indonesian capital được phổ biến cùng ngày, thì một trận động đất 6.2 đã làm miền tây nam thủ đô Jakarta (cách 190 cây số hay 118 dặm) hôm Thứ Tư 19/7/2006.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tóm lược dịch theo CNN và VIS
BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: DẪN NHẬP
(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", và 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu)
Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Ngôn Chung về Khoản Tín Lý Công Chính Hóa
DẪN NHẬP
1- Tín lý về việc công chính hóa là một tín lý quan trọng bậc nhất đối với Phong Trào Cải Cách Luthêrô ở thế kỷ 16. Tín lý về việc công chính hóa này được coi là ‘tiên sự và chính sự’ (The Smalcald Articles, II, 1; Book of Concord, 292), đồng thời cũng là ‘vị lãnh đạo và là quan phán trên tất cả mọi tín lý Kitô Giáo khác’ (‘Rector et judex super omnia genera doctrinarum’ Weimar Edition of Luther’s Works [WA], 39, I, 205). Tín lý về việc công chính hóa được nắm giữ và bảo vệ một cách riêng biệt theo thể thức Cải Cách và theo thẩm định đặc biệt, trái với Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng như thần học Công Giáo Rôma thời bấy giờ, một giáo hội và một nền thần học nắm giữ và bảo vệ tín lý về việc công chính hóa có tính chất khác. Theo quan điểm Cải Cách, việc công chính hóa là phần nan giải nhất trong tất cả mọi tranh luận. Việc lên án nhau về phương diện tín lý đã được đặt ra, ở cả trong Các Điều Tuyên Tín của Luthêrô cũng như ở Công Đồng Chung Triđentinô của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Những điều lên án này vẫn còn hiệu lực tới ngày nay, và cũng vì thế đã gây nên việc chia rẽ giáo hội.
2- Đối với truyền thống Luthêrô, tín lý về việc công chính hóa vẫn nắm giữ vai trò đặc biệt của mình. Bởi thế, từ ban đầu, tín lý về việc công chính hóa ấy đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đối thoại chính thức giữa Luthêrô và Công Giáo Rôma.
3- Phải đặc biệt lưu ý đến những bản tường trình sau đây: ‘Phúc Âm và Giáo Hội’ (1972) cũng như ‘Giáo Hội và Việc Công Chính Hóa’ (1994) của Ủy Ban Chung giữa Luthêrô và Công Giáo Rôma, ‘Việc Công Chính Hóa bởi Đức Tin’ (1983) của cuộc đối thoại giữa Luthêrô và Công Giáo Rôma ở Hoa Kỳ, và ‘Những Điều Lên Án Thời Cải Cách – Chúng có còn Chia Cách hay chăng?’ (1986) của Nhóm các Thần Học Gia Thệ Phản và Công Giáo ở Đức Hoạt Động cho Đại Kết. Có một số trong những bản tường trình này đã được các giáo hội chính thức công nhận. Điển hình quan trọng trong vấn đề công nhận này đó là việc Giáo Hội Luthêrô Tin Lành Liên Hiệp ở Đức đã đáp ứng chặt chẽ đối với việc nghiên cứu ‘Các Điều Lên Án’ được thực hiện năm 1994, ở mức độ nhìn nhận cao nhất của giáo hội, cùng với các giáo hội khác thuộc Giáo Hội Tin Lành ở Đức.
4- Trong vấn đề hai bên bàn luận về tín lý của việc công chính hóa, tất cả những bản tường trình về đối thoại cũng như các đáp ứng đều cho thấy mức hợp nhau cao độ nơi những đường lối và kết luận của mình. Bởi thế, đã đến lúc cần phải thẩm định và tóm lại các thành quả của các lần đối thoại về việc công chính hóa, để các giáo hội của chúng ta biết đến các hoa trái tổng quát về cuộc đối thoại này một cách chính xác và ngắn gọn cần thiết, nhờ đó có thể đưa ra những quyết định liên hệ.
5-
Bản Tuyên Ngôn Chung đây có ý định ấy, ý định là trình bày
cho thấy rằng, nhờ việc đối thoại của mình, các giáo hội Luthêrô liên hệ và Giáo
Hội Công Giáo Rôma giờ đây có thể nói lên rõ ràng việc hiểu biết chung về việc
công chính hóa của chúng ta nhờ ơn Thiên Chúa qua đức tin vào Chúa Kitô. Bản
Tuyên Ngôn Chung này không bao gồm tất cả những gì giáo hội hai bên giảng dạy về
việc công chính hóa; nhưng bản tuyên ngôn này thực sự bao gồm việc đồng ý với
nhau về những sự thật căn bản nơi khoản tín lý công chính hóa, và cho thấy rằng
những khác nhau nơi việc cắt nghĩa khoản tín lý này không còn là cớ để kết án
nhau về tín lý nữa.
6-
Bản Tuyên Ngôn của chúng ta đây không phải là một trình
bày mới mẻ không có dính dáng gì tới các bản tường trình và văn kiện đối thoại
từ trước đến nay, một bản trình bày thay thế cho những bản tường trình và văn
kiện này. Trái lại, như phần phụ đính của các nguồn liệu cho thấy (cùng nguồn,
trang III và IV), bản tuyên ngôn đây lập lại các điều cần phải căn cứ cùng những
luận cứ của các điều cần phải căn cứ ấy.
7- Như chính các cuộc đối thoại, Bản Tuyên Ngôn Chung này cũng được dựa vào niềm xác tín là, trong việc thắng vượt các vấn đề tranh luận và lên án nhau về tín điều xưa kia, giáo hội hai bên không được coi nhẹ các điều lên án ấy, cũng như không được chối bỏ quá khứ của mình. Ngược lại, Bản Tuyên Ngôn này được thành nên bởi niềm xác tín là, theo giòng lịch sử tương kính của mình, giáo hội hai bên chúng ta đã có những cái nhìn thấu đáo mới mẻ. Có những phát triển đã diễn tiến, những phát triển chẳng những khả dĩ mà còn đòi giáo hội hai bên phải khảo sát các vấn nạn về việc phân rẽ cùng với các điều lên án nhau nữa, và nhìn vào những điều lên án nhau này theo chiều hướng mới.
(xin xem tiếp: 1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA)
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch
theo VIS 5/9/2000
Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 13 - “Niềm vui xuất phát từ đức tin và mối liên hệ của đức tin với việc giáo dục các thế hệ mới”.
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Ngỏ Cùng Hội Nghị Giáo Phận Rôma 5/6/2006
(tiếp 17 Thứ Hai, 18 Thứ Ba, và 19 Thứ Tư)
Giới trẻ thân mến, tôi tin rằng nhiều người trong các bạn đã tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne. Ở đó, cùng nhau chúng ta đã nguyện cầu cùng Chúa, chúng ta đã tôn thờ Người hiện diện trong Thánh Thể, chúng ta đã hiến dâng Hy Tế Thánh của Người.
Chúng ta đã suy niệm về tác động dứt khoát yêu thương Chúa Giêsu tỏ ra ở Bữa Tiệc Ly hướng đến cuộc tử nạn của Người, chấp nhận cuộc tử nạn này nơi tận thâm tâm của Người và đã biến đổi nó thành một tác động yêu thương, thành một cuộc cách mạnh đặc thù có thể thực sự canh tân thế giới và giải thoát nhân loại, chế ngự quyền lực tội lỗi và sự chết.
Tôi xin quí bạn giới trẻ cùng tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây, anh chị em thân mến, tôi xin toàn thể Giáo Hội Rôma yêu dấu, nhất là các tâm hồn tận hiến đặc biệt trong các đan viện kín cổng cao tường, hãy thiết tha nguyện cầu, liên kết một cách thiêng liêng với Mẹ Maria của chúng ta, để tôn thờ Chúa Kitô sống động trong Thánh Thể, để say yêu Người hơn bao giờ hết.
Người là người anh em của chúng ta và là người bạn thật sự của chúng ta, là vị phu quân của Giáo Hội, là Vị Thiên Chúa trung thành và xót thương đã yêu chúng ta trước.
Nhờ đó giới trẻ quí bạn mới sẵn sàng và tình nguyện đáp lại tiếng gọi của Người nếu Người muốn quí bạn hoàn toàn hiến thân cho Người sống thiên chức linh mục hay đời tận hiến.
Nếu chúng ta nuôi dưỡng mình bởi Chúa Kitô và mến yêu Người thì chúng ta sẽ cảm thấy nơi mình cái động lực thôi thúc chúng ta mang những người khác đến cùng Người: Thật vậy, chúng ta không thể giữ niềm vui đức tin nơi mình; chúng ta cần phải truyền đạt niềm vui ấy.
Nhu cầu này cần phải trở nên mãnh liệt hơn nữa và thôi thúc hơn nữa trong lúc đang lan tràn tình trạng lạ lùng lãng quên Thiên Chúa ở những miền rộng lớn trên thế giới ngày nay cũng như tại Rôma này đây ở một mức độ nào đó. Tình trạng lãng quên này làm phát sinh ra nhiều chuyện phù phiếm, nhiều lập luận vô bổ phi lý, bao gồm cả cảm giác hết sức bất mãn và trống rỗng.
Thế nên, anh chị em thân mến, trong việc khiêm tốn làm chứng và thừa sai cho Vị Thiên Chúa hằng sống ấy, chúng ta cần phải trở thành những sứ giả ở khắp nơi cho niềm hy vọng xuất phát từ niềm xác tín của đức tin: Nhờ đó chúng ta mới có thể giúp cho anh chị em chúng ta và đồng bào chúng ta tái khám phá ra ý nghĩa và niềm vui nơi cuộc sống của họ.
Tôi biết rằng anh chị em đang dấn thân cho các môi trường yêu dấu của việc chăm sóc mục vụ: tôi lấy làm vui và tôi xin cám ơn anh chị em.
Trong năm đầu của giáo triều mình, tôi đặc biệt có thể cảm nghiệm và cảm thức được cái sống động nơi việc Kitô hữu hiện diện nơi giới trẻ và các sinh viên đại học ở Rôma, cũng như nơi thành phần trẻ em được rước lễ lần đầu.
Tôi xin anh chị em hãy tin tưởng tiếp tục như thế, vào sâu hơn nữa mối liên hệ giữa anh chị em với Chúa Kitô, nhờ đó công cuộc tông đồ của anh chị em càng ngày càng hiệu nghiệm hơn.
Trong việc dấn thân này, đứng coi thường bất cứ một chiều kích nào của cuộc sống, vì Chúa Kitô đã đến cứu độ trọn vẹn con người, nơi cái thâm sâu của lương tâm cũng như nơi những diễn đạt của văn hóa và các mối liên hệ về xã hội.
Anh chị em thân mến, tôi xin trao phó cho anh chị em những suy tư chia sẻ này với một con tim thân tình, như là một góp phần cho công việc của anh chị em trong những buổi tối hội nghị này cũng như trong năm mục vụ tới đây.
Chớ gì lòng cảm mến và phép lành của tôi luôn hỗ trợ anh chị em, hôm nay và mai này.
Xin cám ơn anh chị em đã chú tâm lắng nghe tôi!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/6/2006