GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 23/7/2006

 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin về 4 lễ trọng: Thánh Tâm Chúa, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Phêrô-Phaolô và Khiết Tâm Mẹ

?   Ngày của Chúa – Dies Domini: Ngày của Đức Kitô – Dies Christi ... Khác biệt với Ngày Hưu Lễ; Ngày của việc tân tạo

?  BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA 

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin về 4 lễ trọng: Thánh Tâm Chúa, Thánh Gioan Tẩy Gia, Thánh Phêrô-Phaolô và Khuết Tâm Mẹ

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Chúa Nhật này là Chúa Nhật 12 Thường Niên, một Chúa Nhật như thể được ‘bao quanh’ bởi những dịp long trọng cử hành phụng vụ. Thứ Sáu vừa rồi chúng ta đã cử hành Thánh Tâm Chúa Giêsu, một cử hành liên kết một cách xác đáng việc tôn sùng phổ thông với ý nghĩa sâu xa về thần học. Việc tận hiến cho Thánh Tâm Chúa đã là – và tiếp tục là ở một số quốc gia – một truyền thống nơi các gia đình, một truyền thống treo hình ảnh Thánh tâm Chúa trong nhà mình.

 

Nguồn gốc của việc tôn sùng này được bắt nguồn sâu xa từ mầu nhiệm Nhập Thể: Chính qua Trái Tim của Chúa Giêsu mà Tình Yêu của Thiên Chúa đối với loài người được bộc lộ một cách cao quí. Đó là lý do việc đích thực tôn thờ Thánh Tâm Chúa hoàn toàn giữ được giá trị của mình và đặc biệt thu hút các linh hồn khao khát tình thương của Thiên Chúa, một mạch nguồn vô tận đối với họ, nhờ đó họ có thể kín múc được thứ nước sự sống có thể tưới dội những vùng sa mạc của linh hồn và làm cho hy vọng tái nở hoa.

 

Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là Ngày Thế Giới Nguyện Cầu cho Việc Thánh Hóa Các Linh Mục: Tôi xin lợi dụng dịp này để kêu gọi tất cả anh chị em, hỡi Anh Chị Em thân mến, hãy luôn nguyện cầu cho các vị linh mục để các vị có thể là những nhân chứng cho tình yêu thương của Chúa Kitô.

 

Hôm qua, phụng vụ cũng cho phép chúng ta cử hành Ngày Sinh Nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả, một vị thánh duy nhất được tưởng kính ngày sinh nhật, vì ngày sinh nhật này đánh dấu việc mở màn cho việc hoàn thành những lời hứa hẹn thần linh: Gioan là ‘vị tiên tri’, được đồng hóa với Elia, vị được tiền định đến ngay trước Đấng Thiên Sai để dọn lòng dân Do Thái hướng về việc xuất hiện của Người (x Mt 11:14; 17:10-13). 

 

Lễ kính thánh nhân nhắc nhở cho chúng ta rằng toàn thể cuộc sống của chúng ta bao giờ cũng phải lệ thuộc vào Chúa Kitô và đạt được tầm vóc viên trọn của mình khi lãnh nhận Người là Lời, là Ánh Sáng và là Vị Phụ Quân, Đấng chúng ta chỉ là tiếng, là đèn dầu và là bạn hữu (x Jn 1:2,23;1:7-8;3:29). ‘Người cần phải lớn lên còn tôi cần phải hạ xuống’ (Jn 3:30): Lời phát biểu này của Vị Tẩy Giả là chương trình sống đối với hết mọi Kitô hữu vậy.

 

Việc để cho ‘cái tôi’ của Chúa Kitô thay thế cho ‘cái tôi’ của chúng ta một cách gương mẫu đó là niềm mong ước của Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những vị sẽ được Giáo Hội long trọng tưởng kính vào ngày 29/6. Thánh Phaolô đã viết về chính mình ngài rằng: ‘Không phải là tôi sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gal 2:20).

 

Trước nhị vị này, cũng như trước bất cứ một vị thánh nào khác, vị đã sống thực tại này là Đức Maria Rất Thánh, vị đã lưu giữ những lời của Chúa Giêsu Con Mẹ trong lòng mình. Hôm qua, chúng ta đã chiêm ngưỡng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, trái tim của một Người Mẹ, vị tiếp tục canh chừng tất cả chúng ta bằng mối quan tâm ưu ái. Chớ gì việc chuyển cầu của Mẹ giúp chúng ta có thể luôn luôn trung thành với ơn gọi Kitô hữu của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/6/2006

 

 

TOP

 

 

 ? Ngày của Chúa – Dies Domini: Ngày của Đức Kitô – Dies Christi... Khác biệt với Ngày Hưu Lễ; Ngày của việc tân tạo
 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

(tiếp theo các Chúa Nhật tuần trước)

 

Khác biệt với Ngày Hưu Lễ


23.     Chính tính cách mới mẻ này là những gì được giáo lý trong những thế kỷ tiên khởi nhấn mạnh để cho thấy tính cách trọng đại của Chúa Nhật tương đương với Ngày Hưu Lễ Do Thái. Chính vào Ngày Hưu Lễ này mà dân Do Thái đã tập trung lại trong hội đường và nghỉ ngơi theo cách thức được Lề Luật ấn định. Các vị Tông Đồ, nhất là Thánh Phaolô, thoạt tiên vẫn tiếp tục tham dự ở hội đường để các vị có thể loan truyền Chúa Giêsu Kitô ở đó, khi dẫn giải “những lời của các tiên tri được đọc mỗi ngày Hưu Lễ” (Acts 13:27). Một số cộng đồng đã giữ Ngày Hưu Lễ trong khi cũng cử hành cả Chúa Nhật. Tuy nhiên, chẳng bao lâu hai ngày này bắt đầu được biệt phân rõ ràng hơn bao giờ hết, chính là vì muốn chống lại việc thành phần Kitô hữu gốc Do Thái giáo cứ nhất định muốn hai ngày này phải hướng chiều về việc tuân giữ trách nhiệm theo Luật cũ. Thánh Ignatiô thành Antiôkia đã viết: “Nếu những ai sống trong trạng thái trước đây của sự việc đã đến với niềm hy vọng mới thì không còn tuân giữ Ngày Hưu Lễ nữa mà là giữ Ngày Của Chúa, một ngày đời sống của chúng ta đã xuất hiện bởi Người cũng như bởi cuộc tử nạn của Người… là mầu nhiệm nhờ đó chúng ta được nhận lãnh đức tin và trong đó chúng ta kiên trì để được nhận biết là thành phần môn đệ Chúa Kitô, vị Sư Phụ duy nhất của chúng ta, thì làm sao chúng ta lại sống thiếu vắng Người, trong khi cả các vị tiên tri nữa, như thành phần môn đệ của Người về tinh thần, đời chờ Người như vị sư phụ? (21) Thánh Âu Quốc Tinh cũng nhận định rằng: “Bởi thế Chúa cũng đã đóng ấn tín lên ngày của Ngài là ngày thứ ba sau Cuộc Khổ Nạn, và là ngày thứ nhất trong tuần” (22). Sự phân tách Chúa Nhật ra khỏi Ngày Hưu Lễ của Do Thái đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong tâm trí của Giáo Hội, mặc dù trong lịch sử đã có những lần, vì quá nhấn mạnh đến việc bó buộc phải nghỉ ngơi Chúa Nhật khiến cho Ngày Của Chúa có khuynh hướng trở nên giống như Ngày Hưu Lễ hơn. Ngoài ra, lúc nào cũng có những nhóm trong Kitô giáo giữ cả Ngày Hưu Lễ lẫn Chúa Nhật như là “hai ngày huynh đệ” (23).


Ngày của việc tân tạo


24.     Việc so sánh Chúa Nhật Kitô giáo với quan niệm của Cựu Ước về Ngày Hữu Lễ đã làm nẩy sinh những minh thức thần học rất hay. Đặc biệt là việc sát nhập cái liên kết đặc thù này giữa việc Phục Sinh và việc Tạo Dựng. Tư tưởng của Kitô giáo tự nhiên liên kết việc Phục Sinh là biến cố xẩy ra vào “ngày thứ nhất trong tuần”, với ngày thứ nhất của tuần lễ vũ trụ (x Gen 1:1-2:4) là tuần lễ làm nên câu truyện tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên, đó là ngày ánh sáng được tạo dựng (x 1:3-5). Mối liên kết này gợi lên kiến thức về việc Phục Sinh như là khởi nguyên của việc tân tạo, trong đó hoa trái đầu mùa là Chúa Kitô hiển vinh, “trưởng tử của tất cả tạo thành” (Col 1:15) và là “trưởng tử của kẻ chết” (Col 1:18).

25.     Thật vậy, Chúa Nhật là ngày vượt trên hết các ngày khác, ngày kêu gọi Kitô hữu hãy nhớ đến ơn cứu độ là ơn được hiến ban cho họ nơi phép rửa và biến họ thành tạo vật mới trong Chúa Kitô. “Anh em đã được mai táng với Người nơi phép rửa, từ đó anh em cũng được sống lại với Người nhờ lòng tin tưởng vào công việc của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người từ trong kẻ chết sống lại” (Col 2:12; x Rm 6:4-6). Phụng vụ này đề cao chiều kích thanh tẩy tái sinh của Chúa Nhật, cả ở việc kêu gọi cử hành phép rửa vào ngày này trong tuần, cũng như vào Lễ Vọng Phục Sinh, là những ngày Giáo Hội tưởng niệm Việc Chúa Sống Lại” (24), lẫn ở việc đề nghị thực hiện việc rảy nước thánh như là một nghi thức thích hợp tỏ lòng thống hối ở đầu lễ để nhắc nhở giây phút Rửa Tội làm phát sinh tất cả sự sống Kitô hữu (25).

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

 

TOP

 

 

?   BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

 

(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu, 20 Thứ Năm bài Dẫn Nhập mở đầu; 21 Thứ Sáu bài  1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 22 Thứ Bảy bài 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT )

 

3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

14.    Các giáo hội Luthêrô và Giáo Hội Công Giáo Rôma đã cùng nhau lắng nghe tin mừng do Thánh Kinh loan báo. Việc cùng nhau lắng nghe này, cùng với việc trao đổi về thần học trong những năm gần đây, đã dẫn nhau đến việc hiểu biết chung về việc công chính hóa. Điều này bao gồm cả việc đồng thuận với nhau về những sự thật căn bản; những giải thích khác nhau qua các câu phát biểu riêng biệt đều hợp với việc đồng thuận này.

 

15.    Theo đức tin, chúng ta cùng nhau xác tín rằng, công chính hóa là việc Thiên Chúa Ba Ngôi làm. Chúa Cha sai Chúa Con vào thế gian để cứu độ các tội nhân. Nền tảng và điều kiện tiên quyết để được công chính hóa là việc nhập thể, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Bởi thế, việc công chính hóa nghĩa là chính Chúa Kitô là sự chính trực của chúng ta, một sự chính trực chúng ta được thông phần nhờ Chúa Thánh Thần theo ý muốn của Chúa Cha. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng: Chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận và chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng canh tân cõi lòng của chúng ta để trang bị và kêu gọi chúng ta làm những việc lành, hoàn toàn là do ân sủng, bởi niềm tin tưởng vào công việc cứu độ của Chúa Kitô, chứ không phải bởi bất cứ công lênh nào của chúng ta.

 

16.    Tất cả mọi người được Thiên Chúa kêu gọi lãnh nhận ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Chúng ta được công chính hóa bởi duy một mình Chúa Kitô mà thôi, khi chúng ta lấy đức tin để lãnh nhận ơn cứu độ này. Chính đức tin cũng là một tặng ân của Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động bằng lời nói và bằng bí tích nơi cộng đồng các tín hữu, và cũng là Đấng dẫn tín hữu đến việc canh tân đời sống sẽ được Thiên Chúa hoàn tất ở sự sống đời đời.

 

17.    Chúng ta cũng chia sẻ niềm xác tín là, sứ điệp về việc công chính hóa đặc biệt hướng chúng ta đến tâm điểm của chứng từ Tân Ước đối với hoạt động cứu độ của Thiên Chúa thực hiện trong Chúa Kitô: chứng từ này cho chúng ta thấy rằng, là tội nhân, đời sống mới của chúng ta hoàn toàn là do tình thương tha thứ và canh tân Thiên Chúa ban cho chúng ta như là một tặng ân, một tặng ân chúng ta lấy đức tin lãnh nhận, chứ không phải bởi công lênh gì của chúng ta bao giờ cả.

 

18.  Bởi thế, căn cứ vào sứ điệp và những dẫn giải ấy, tín lý về việc công chính hóa còn hơn là một phần thuộc tín lý Kitô Giáo nữa. Khoản tín lý này có liên hệ chính yếu đến tất cả những chân lý đức tin khác, những chân lý đức tin có liên hệ nội tại với nhau. Khoản tín lý này là một qui luật liên lỉ giúp vào việc hướng tất cả mọi giáo huấn và thực hành của các giáo hội chúng ta về Chúa Kitô. Khi bên Luthêrô nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc thù của qui luật này, họ cũng không chối bỏ mối liên hệ chung và tầm quan trọng của tất cả các chân lý đức tin. Khi bên Công Giáo buộc phải theo một số qui luật, họ cũng không phủ nhận vai trò đặc biệt của sứ điệp công chính hóa. Cả Luthêrô và Công Giáo cùng nhắm đến mục tiêu tuyên xưng Chúa Kitô trong tất cả mọi sự, một mình Người là Đấng duy nhất phải được tin tưởng trên hết mọi sự như là Đấng Trung Gian duy nhất (1Tim 2:5f), Đấng mà nhờ Người Thiên Chúa ban mình cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần và tràn ban các tặng ân canh tân của Ngài cho chúng ta.

 

(xin xem tiếp: 4- GIẢI NGHĨA KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ