GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 25/7/2006

 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh cho Hòa Bình Trung Đông

?   Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ca ngợi việc phủ quyết và phê chuẩn của vị Tổng Thống phò sự sống George Bush

?  BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.2- Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và Làm Cho Nên Chính Trực

 

 

? Ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh cho Hòa Bình Trung Đông

 

Hôm 20/7, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã được chỉ định phổ biến thông báo sau đây:

 

“Đức Thánh Cha đang hết sức quan tâm theo dõi những số mệnh của tất cả mọi người trong cuộc, và đã công bố Chúa Nhật 23/7 là một ngày đặc biệt để cầu nguyện và thống hối, kêu gọi các vị mục tử và tín hữu thuộc tất cả mọi Giáo Hội riêng, cũng như tất cả mọi tín đồ trên thế giới, hãy nài xin Thiên Chúa ban tặng ân hòa bình quí báu.

 

Đức Thánh Cha đặc biệt hy vọng rằng những lời nguyện cầu sẽ được dâng lên Chúa để xin cho việc ngưng chiến ngay giữa đôi bên, cho việc mở rộng những phương tiện nhân đạo để giúp đỡ những người khổ đau, và cho những việc thương thảo hữu lý và hữu trách được bắt đầu để chấm dứt những tình trạng bất công khách quan đang xẩy ra ở miền đất ấy; những gì đã được ngài nhắc đến trong buổi Nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 16/7.

 

Thực ra, những người Lebanon có quyền mong cho xứ sở họ chiếm được những gì là nguyên vẹn và chủ quyền, những người Do Thái có quyền sống hòa bình nơi Quốc Gia của họ, và những người Palestine cũng có quyền có được một quê hương tự do và tự chủ. Trong lúc sầu thương này, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các tổ chức bác ái hãy giúp đỡ tất cả mọi người đang gặp nạn bởi cuộc xung đột tàn bạo này”.

 

Vậy Đức Thánh Cha đã nói gì và làm gì trong ngày Chúa Nhật vừa rồi, ngày được ngài kêu gọi giành để nguyện cầu và chay tịnh cho hòa bình Trung Đông?

 

Nếu theo dõi tình hình thế giới, chúng ta đã quá biết nguyên do tại sao Đức Thánh Cha đã phải lên tiếng kêu gọi thực hiện Ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh cho Hòa Bình Trung Đông vào  Chúa Nhật 23/7/2006 vừa rồi. Chính là vì cuộc bùng nổ bạo lực giữa lực lượng Do Thái và nhóm dân quân Hezbollah ở Lebanon bắt đầu từ hôm Thứ Tư 12/7/2006. Vậy, trước khi nhìn lại những gì Đức Thánh Cha của chúng ta đã nói và đã làm vào Ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh cho Hòa Bình Trung Đông này, chúng ta hãy cùng nhau đi sâu hơn một chút vào tình hình Trung Đông, nhất là tình hình giữa nước Do Thái và Lebanon hiện nay.

 

Thật vậy, Cuộc Chiến Tranh giữa Khối Ả Rập và Do Thái năm 1967, và Cuộc Thanh Trừng Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) của Jordan năm 1970, sau khi tổ chức này muốn lật đổ Vua Hussein, đã đẩy một số đông người tị nạn Palestine đến Lebanon, trong số đó có Arafat và Tổ Chức Giải Phóng Palestine.

 

Vào tháng 11/1969, tổng tư lệnh quân đội Labanon là Emile Bustani và Arafat ký một hiệp ước ở Cairô nhìn nhận ‘cuộc cách mạng của Palestine’ và cho phép những người Palestine ở Lebanon ‘tham gia vào cuộc chiến đấu bằng võ trang mà không tác hại cho chủ quyền và an ninh của Lebanon’. Bản hiệp ước này có công hiệu gần 20 năm, cho đến khi Lebanon hủy bỏ nó vào tháng 5/1987.

 

Vào thời khoảng 1970-1971, vì đương đầu với cuộc chiến đấu ở Jordan với cả ngàn người bị thiệt mạng, Tổ Chức Giải Phóng Palestine chuyển trụ sở của mình tới Labanon để có thể thực hiện các cuộc đột kích Do Thái. Một nhóm khủng bố Palestine dính dáng với Tổ Chức Giải Phóng Palestine được hình thành. Tên của nhóm này là ‘Tháng Chín Đen’ – một danh xưng ám chỉ cuộc trừng trị thẳng tay của người Jordan đối với người Palestine vào Tháng Chín năm 1970. 

 

Vào năm 1972, Nhóm Tháng Chín Đen tấn công đội Do Thái tham dự Thế Vận Hội ở Munich, Đức quốc. Sau một cuộc đối chọi làm cho một huấn luyện viên và một thể thao viên bỏ mạng, thành phần khủng bố bắt 9 thể thao viên Do Thái làm con tin, đòi Do Thái phải thả các tù nhân Palestine để đổi lại các con tin của Do Thái. Do Thái chối từ, và một cuộc bắn nhau giữa thành phần tấn công và chính quyền Tây Đức gây cho tất cả 9 con tin, 4 tay khủng bố và 1 cảnh sát chết.

 

Vào ngày 17/7/1981, lực lượng Do Thái dội bom các tổng hành dinh Tổ Chức Giải Phóng Palestine ở West Beirut, sát hại trên 300 thường dân. Cuộc tấn công dẫn đến một cuộc đình chiến giữa Do Thái, Tổ Chức Giải Phóng Palestine, và Syria bấy giờ đang có quân đội ở Lebanon. Cuộc đình chiến kéo dài tới 6/6/1982, khi Do Thái xâm chiếm Lebanon với quân số khoảng 60 ngàn để tiêu diệt Tổ Chức Giải Phóng Palestine, sau cuộc ám sát vị lãnh sự của Do Thái ở Britain. Arafat và Tổ Chức Giải Phóng Palestine tẩu thoát sang Lebanon vào tháng 8 và định cư ở Tunis cho đến khi chuyển tới Gaza vào năm 1994.

 

Vào thời điểm này, một nhóm dân quân Hồi Giáo phái Shiite là Hezbollah nổi lên như một lực lượng ở Beirut, ở Bekaa Valley và miền nam Lebanon. Được Iran bảo trợ, theo kiểu mẫu Vệ Binh Cách Mạng của Iran, và được Syria nâng đỡ, nhóm Hezbollah muốn thiết lập một quốc gia Hồi Giáo Shiite ở Lebanon và đẩy những thành phần thân Tây Phương như Do Thái và Hoa Kỳ ra khỏi miền này.

 

Nhóm Hezbollah bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công tự sát, đầu tiên vào ngày 18/4/1983 ở Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Tây Beirut sát hại 63 người, một dấu báo cho thấy trước các cuộc tấn công sau này chống lại Hoa Kỳ và những kẻ thân Tây Phương. Lần thứ hai vào ngày 23/10/1983, cuộc nổ bom tự sát của Hezbollah đã làm nổ tung các tổng hành dinh của những lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ và Pháp ở Beirut, sát hại 298 người, trong đó có 241 Hải Quân Hoa Kỳ cùng với các nhân viên quân sự khác. Quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Lebanon sau đó ít tháng.

 

Vào tháng 7/1993, Do Thái tấn công miền nam Lebanon trong một cuộc hành quân dài cả tuần lễ với mục đích chấm dứt các cuộc tấn công của nhóm Hezbollah vào các tỉnh của Do Thái. Tháng 4/1996 xẩy ra một trận chiến 16 ngày giữa Do Thái và các dân quân nhóm Hezbollah, gây cho 137 người thiệt mạng, hầu hết là thường dân Lebanon. Tháng 9/2003, các máy bay chiến đấu của Do Thái đánh vào miền nam của Lebanon để trả đũa cho các đầu đạn bắn hạ máy bay của nhóm Hazbollah tấn công những máy bay của Do Thái ở trong vùng ấy.

 

Tháng 7/2006, nhóm dân quân Hezbollah tiến vào Do Thái, giết 3 quân nhân Do Thái và bắt cóc 2 quân nhân khác để đòi trao đổi tù binh, một đòi hỏi bị Do Thái bác bỏ. Năm quân nhân Do Thái khác lại bị phục kích chết. Do Thái trả đũa bằng một cuộc phong tỏa hải quân và dội bom hằng trăm mục tiêu ở Lebanon, bao gồm cả phi trường Beirut và các tổng hành dinh của Hezbollah ở miền nam Beirut. Nhóm Hezbollah phản công bằng những cuộc tấn công rocket vào các thành phố bắc Do Thái. Cho tới nay cuộc chiến kéo dài tới hai tuần lễ, với cả mấy trăm mạng người Lebanon bị tử vong, và cả một nước Lebanon trở thành biến loạn và chạy loạn chẳng khác gì một Việt Nam cuối Tháng Tư Đen 1975.

 

Chúa Nhật XVI, 23/7/2006, ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh cho Hòa Bình Trung Đông, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói và làm như sau. Trước hết, Trong bài Huấn Từ Truyền Tin cho chính Chúa Nhật 23/7 này, ngài đã nói như thế này:

 

“Tôi hết sức muốn lập lại lời kêu gọi này với đôi bên đang xung đột nhau trong việc chấp nhận việc ngưng bắn ngay tức khắc, và hãy cho phép thực hiện việc viện trợ nhân đạo, nhờ đó, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tìm cách bắt đầu thực hiện những cuộc thương thảo với nhau.

 

“Tôi xin lợi dụng dịp này để tái khẳng định quyền lợi của nhân dân Lebanon được có một xứ sở nguyên vẹn và chủ quyền, quyền lợi của nhân dân Israel được sống trong hòa bình nơi đất nước của mình, và quyền lợi của nhân dân Palestine được có một quê hương tự do và chủ quyền.

 

“Ngoài ra, tôi đặc biệt cảm thấy gắn bó với thành phần dân chúng không thể tự vệ, bị ảnh hưởng một cách bất công trong một cuộc xung đột mà họ chỉ là nạn nhân: cả những người dân ở Galilêa, bị bắt buộc phải sống trong các chỗ nương trú, cũng như đại đa số người dân Lebanon, thành phần đã hơn một lần chứng kiến xứ sở của mình bị tàn phá, và đành phải bỏ lại tất cả để sống còn ở một nơi khác.

 

“Tôi dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu đau thương, xin cho ước nguyện hòa bình của đại đa số dân chúng sớm được hiện thực, nhờ việc dấn thân chung của những ai hữu trách. Tôi cũng xin lập lại lời kêu gọi của tôi với tất cả mọi tổ chức bác ái hãy biểu lộ một cách đặc biệt tình đoàn kết với những thành phần ấy”.

 

Ngoài ra, ngài còn làm một việc trong ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh cho Hòa Bình Trung Đông, đó là, vào lúc 5 giờ 30 chiều cùng ngày, ngài đã đến nhà thờ Saint George nhỏ, cách chỗ ngài đang nghỉ mát thuộc vùng núi Alps Ý quốc mấy cây số, và sau phần Lời Chúa, ngài tiếp tục lên tiếng về “tình hình thê thảm ở Trung Đông… nơi chiến tranh kéo dài giữa Kitô hữu, tín đồ Hồi giáo và người Do Thái”, như sau:

 

“Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ và ban hòa bình cho chúng con; xin ban cho chúng con hòa bình ngay hôm nay, chứ không phải là ngày mai hay ngày mốt!... Vào lúc này đây, lúc mà danh Chúa bị lạm dụng hết sức, chúng ta cần phải khẳng định rằng thập giá chiến thắng bằng yêu thương, khẳng định rằng dung nhan của Thiên Chúa là những gì chiến thắng và chiếu soi cùng an ủi thế giới… Chúng ta cần chứng thực cho cuộc Thiên Chúa chiến thắng bất bạo động.

 

“Bạo động cần phải được đáp ứng bằng tình yêu như của Chúa Kitô là một tình yêu thương cho đến chết. Đó là đường lối chiến thắng khiêm hạ của Thiên Chúa, không phải bằng một đế quốc quyền lực hơn, mà là bằng một tình yêu chịu đựng cho tới cùng… Việc Chúa Giêsu hòa giải và hiến tế không phải là những gì vô ích luống công… Đường lối hiệp thông Thánh Thể là những gì thắng vượt những khác biệt về văn hóa…. Đó là thứ quyền lực thiết lập hòa bình trên thế giới vậy.

 

“Ngày nay, trong một thế giới đa văn hóa và đa tôn giáo, nhiều người đã cố gắng nói rằng: Về vấn đề hòa bình trên thế giới giữa các tôn giáo và văn hóa thì tốt hơn đừng nói quá nhiều về đặc tính đặc biệt của Kitô Giáo, tức là về Chúa Giêsu, về Giáo Hội, và về các bí tích. Hãy cứ để mặc kệ những điều gì có vẻ chung chung. Thế nhưng nó lại là những gì không đúng. Tình yêu, sứ điệp của tình yêu và của tất cả những gì chúng ta có thể làm cho những ai bị khổ đau trên thế giới này cũng cần phải được hỗ trợ bởi chứng từ của Vị Thiên Chúa này, của cuộc Thiên Chúa chiến thắng bằng việc bất bạo động của thập giá Người”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

 

 

TOP

 

 

 ? Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ca ngợi việc phủ quyết và phê chuẩn của vị Tổng Thống phò sự sống George Bush

 

Vị phó giám đốc của Văn Phòng Hoạt Động Phò Sự Sống của hội đồng giám mục Hoa Kỳ là Richard M. Doerflinger hôm Thứ Tư, sau khi Tổng Thống Bush phủ quyết dự luật trên, đã phát biểu như sau tại Tòa Bạch Ốc.

 

“Chúng tôi hôm nay ca ngợi Tổng Thống Bush về những lời lẽ và hành động của ông liên quan tới dự luật liên quan tới vấn đề nghiên cứu thân bào.

 

“Trong bài diễn văn ở East Room Tòa Bạch Ốc, tổng thống đã nhấn mạnh rằng việc tiến bộ của việc chữa trị những bệnh nạn tàn hại cần phải được thực hiện bằng những đường lối lành mạnh vừa hiệu nghiệm vừa hợp luân lý.

 

“Để diễn chứng cho vấn đề được tổng thống nói tới có sự hiện diện của các con trẻ ở East Room là những em được nhận nuôi khi các em còn là các phôi thai bào đông lạnh ‘thừa thãi’, cũng như sự hiện diện của thành phần bệnh nhân, những người lấy làm biết ơn về những chữa trị họ nhận được liên quan tới bệnh hư não, bệnh lẩy bẩy và các chứng bệnh khác, nhờ việc sử dụng các thân bào già và thân bào máu của cái nhau. Việc chứng thực của họ đối với đường lối của vị tổng thống này đã là những gì cho thấy cần phải chấp nhận mọi sự sống của con người một cách bình đẳng, không được hủy diệt một sự sống nào đó để giúp đáp những người khác.

 

“Trước bài diễn văn của mình, tổng thống đã phủ quyết dự luật H.R.810 là dự luật buộc thành phần đóng thuế Hoa Kỳ phải ủng hộ việc hủy hoại các phôi thai bào của con người cho các thứ thân bào. Tổng thống cũng ký thành luật S.3504 một dự luật được đồng thanh thông qua bởi cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện , để ngăn ngừa việc thực hành lố bịch vấn đề ‘cấy’ trẻ em thai nhi nơi tử cung của con người hay con vật hầu đạt được các mô sử dụng vào việc nghiên cứu.

 

“Dự luật thứ ba, đạo luật tài trợ cho những đường lối tạo được các tế bào có những đặc tính của thân bào từ phôi thai bào song không gây ra hay hại tới phôi thai bào con người (S.2754), tiếc thay chưa được ở trong tay tổng thống hôm nay, vì nó không được ¾ ủng hộ ở Hạ Viện, cho dù đã được đồng thanh chấp thuận ở Thượng Viện. Tuy nhiên, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn tổng thống vì ông nói rằng ông sẽ dùng quyền hành sự của mình để bảo đảm là đường lối nghiên cứu hứa hẹn ấy được tài trợ thực hiện.

 

“Chúng ta cùng với tổng thống kêu gọi quốc hội và cộng đồng khoa học hãy cùng nhau làm việc về vấn đề này cho thiện ích của tất cả mọi người. Như tổng thống nói trong bài diễn văn của ông, đạo lý và khoa học không được trở thành những gì đối nghịch nhau, mà cùng nhau làm việc để phục vụ lợi ích của nhân loại”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/7/2006

 

 

TOP

 

 

?   BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.2- Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và Làm Cho Nên Chính Trực

 

(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu, 20 Thứ Năm bài Dẫn Nhập mở đầu; 21 Thứ Sáu bài  1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 22 Thứ Bảy bài 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT;  23 Chúa Nhật bài 3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 24 Thứ Hai, bài 4.1- Tình Trạng Bất Lực và Tội Lỗi của Con Người đối với Việc Công Chính Hóa)

 

4- GIẢI NGHĨA KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

4.2- Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và Làm Cho Nên Chính Trực

 

22.    Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, Thiên Chúa lấy ân sủng mà tha thứ tội lỗi cho con người, đồng thời giải thoát con người khỏi quyền lực cai trị của tội lỗi, cùng ban cho con người tặng ân sự sống mới trong Chúa Kitô. Khi con người nhờ đức tin được thông phần với Chúa Kitô, Thiên Chúa không còn qui tội cho họ nữa, và nhờ Thánh Linh Ngài thực hiện nơi họ một tình yêu chủ động. Hai khía cạnh này nơi tác động sủng ái của Thiên Chúa: cả việc thứ tha tội lỗi và việc hiện diện cứu độ của chính Thiên Chúa, không được tách lìa nhau, vì con người nhờ đức tin được liên kết với Chúa Kitô, Đấng là đức chính trực của chúng ta nơi bản thân Người (1Cor 1:30). Vì Công Giáo và Luthêrô cùng nhau tuyên xưng điều ấy nên phải công nhận:

 

23.    Khi người Luthêrô nhấn mạnh rằng, đức chính trực của Chúa Kitô là đức chính trực của chúng ta, thì trước hết họ có ý nhấn mạnh là tội nhân được làm cho nên chính trực trước nhan Thiên Chúa trong Chúa Kitô, nhờ việc công bố thứ tha tội lỗi, và cũng có ý nhấn mạnh là đời sống của con người chỉ được đổi mới ở tại việc hiệp nhất với Chúa Kitô mà thôi. Khi họ nhấn mạnh ân sủng của Thiên Chúa là tình yêu tha thứ (‘hồng ân của Thiên Chúa’), thì họ không phủ nhận việc canh tân đời sống Kitô hữu. Trái lại, họ có ý nói lên rằng, công chính hóa vẫn không dính dáng đến việc cộng tác của con người, cũng như không lệ thuộc vào các hiệu quả canh tân đời sống của ân sủng nơi con người.

 

24.    Khi người Công Giáo nhấn mạnh đến việc canh tân con người nội tâm bằng việc lãnh nhận ân sủng được ban xuống như tặng ân cho người tín hữu, là họ muốn nhấn mạnh ơn tha thứ của Thiên Chúa luôn luôn mang lại tặng ân sự sống mới, một sự sống trở nên hiệu nghiệm bởi tình yêu chủ động trong Chúa Thánh Thần. Bởi thế, họ không chối bỏ việc Thiên Chúa ban phát ơn công chính hóa cho con người mà vẫn không dính dáng gì tới việc cộng tác của con người.

 

(xin xem tiếp: 4.3- Công Chính Hóa bởi Đức Tin và nhờ Ân Sủng)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ