GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 29/7/2006 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN |
? Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Thiếu Nhi Fatima Lucia
? Vị Giám Đốc 20 NĂM LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG BÁO CHÍ TÒA THÁNH
? BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.6- Việc Bảo Đảm Phần Rỗi
Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Thiếu Nhi Fatima Lucia
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Loạt bài về Thánh Mẫu Fatima vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần từ 27/5/2006)
“Theo Hồi Ký của chị Lucia thuật lại, thì trong ơn gọi chung này, mỗi em lại được kêu gọi sống ơn gọi chuyên biệt của mình nữa. Căn cứ vào cuộc đời của các em, cũng như căn cứ vào thứ tự của lời Mẹ Maria hiệu triệu các em ngay từ ban đầu của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima có tính cách chiến đấu tính ấy, chúng ta thấy ba em đã dàn trận khi sống ơn gọi chuyên biệt của mình để hoàn thành ơn gọi chung là hy sinh này, theo kiểu lớn trước bé sau như sau:
Thiếu Nhi Fatima Lucia 10 tuổi ‘chấp nhận mọi đau khổ’;
Thiếu Nhi Phanxicô 9 tuổi ‘đền tạ những xúc phạm’;
Thiếu Nhi Giaxinta 7 tuổi ‘cầu cho tội nhân ăn năn trở lại’”.
Bài “Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Ba Thiếu Nhi Fatima” trong số báo TTĐM 343, 7/2006 lần trước đã giới thiệu như thế. Theo thứ tự, bài này về quân binh Lucia trong Đạo Binh Dàn Trận Fatima này: Thiếu Nhi Fatima Lucia: “chấp nhận mọi đau khổ”.
Đúng thế, Thiếu Nhi Fatima Lucia đã “chấp nhận mọi đau khổ” hơn hết trong ba em. Vì biến cố Mẹ hiện ra mà em đã phải chịu khổ bởi gia đình, bởi cha xứ và bởi cả ma quỉ nữa. Thiếu Nhi Fatima Lucia về sau đã thuật lại những chịu đựng của mình bấy giờ trong tập Hồi Niệm Thứ Hai như sau:
“Vào lúc bấy giờ cha sở nghe đồn thổi về những chuyện đã xẩy ra. Ngài bảo má con dẫn con đến ngài. Má con cảm thấy nhẹ nhõm cả người, tưởng là cha sở sẽ lãnh trách nhiệm về các biến cố xẩy ra. Má con bảo con rằng:
- Ngày mai, má và con sẽ đi lễ sớm, sau đó vào nhà cha sở. Chớ gì cha sở buộc mày phải nói ra tất cả sự thật với bất cứ giá nào. Ngài sẽ sửa trị mày và sẽ xử với mày như ngài tùy theo ý muốn của ngài. Nếu ngài mà ép được mày thú thật ra là mày đã nói dối, thì tao hài lòng hết sức.
Các chị cũng vào hùa phe với má của con, tạo ra đủ thứ lời lẽ đe dọa, như muốn làm con run sợ về cuộc gặp cho sở. Con báo tin cho Phanxicô và Giaxinta hay chuyện. Cả hai em đã trả lời con rằng:
- Chúng em cũng đến cha sở với chị. Cha sở cũng bảo má chúng em dẫn chúng em đến với ngài, nhưng má chúng em không nói gì với chúng em cả. Chúng ta hãy cứ nhẫn nại, nếu người ta đánh chúng ta, chúng ta sẽ có dịp để được chịu đau khổ vì Chúa và vì các tội nhân.
Hôm sau, con theo má của con đến nhà thờ, trên đường đi má con không hề nói một câu. Phải thú thật là bấy giờ con cảm thấy run sợ không biết chuyện gì sẽ xẩy ra đây. Trong Thánh Lễ, con đã dâng lên Chúa nỗi thống khổ của con. Sau lễ, con qua sân nhà thờ để đến nhà cha sở cùng với má của con. Vừa leo lên mấy bậc thang, má con đã quay lại bảo con rằng:
- Con đừng làm khổ má nữa nghe con! Bây giờ con hãy nói thẳng với cha sở là con đã nói dối đi, để Chúa Nhật tới đây cha có thể tuyên bố ở nhà thờ rằng mọi chuyện xẩy ra chỉ là dối trá mà thôi chứ thật ra không hế có chuyện này. Như vậy là sẽ chấm dứt hết mọi chuyện. Như vậy không tốt hay sao. Cần gì mà mọi người phải ùa tới cầu nguyện trước cây sồi.
Không nói gì thêm, má con gõ cửa nhà cha sở. Bà chị của cha sở ra mở cửa. Bà nói chúng con ngồi đợi một chút. Sau cùng cha sở đến bảo chúng con vào văn phòng của ngài. Ngài mời má con ngồi ghế và bảo con đến gần chỗ bàn ngài làm việc. Khi thấy cha sở hỏi con một cách chẳng những hoàn toàn bình tĩnh mà còn tỏ ra âu yếm nữa, con lấy làm ngỡ ngàng. Tuy nhiên con vẫn tiếp tục chờ đợi xem những gì sẽ xẩy ra. Cha sở hỏi con tỉ mỉ về mọi chuyện. Sau cùng ngài kết luận:
- Theo cha, những chuyện đó không phải là mạc khải bởi trời cao. Khi một việc như vậy xẩy tới, thường Chúa đòi hỏi các linh hồn Chúa chọn phải trình lại việc đã xẩy ra cho cha giải tội hay cho cha sở biết. Đằng này con bé này cứ giữ kín bao nhiêu có thể. Có thể đó là sự lừa bịp của ma quỉ. Rồi chúng ta sẽ thấy. Tương lai sẽ cho chúng ta thấy những gì chúng ta đang nghĩ về tất cả câu chuyện này.
Nghĩ đến điều này làm con cảm thấy thấm thía khổ đau. Chỉ có một mình Chúa biết, vì chỉ có Ngài mới thấu suốt được tận đáy lòng của chúng ta mà thôi. Bấy giờ con bắt đầu có những ngờ vực là không biết có phải những cuộc hiện ra này phát xuất từ ma quỉ hay chăng, thành phần luôn sử dụng cách này để làm hư đi linh hồn của con. Khi con nghe thấy người ta nói rằng ma quỉ bao giờ cũng gây ra xung khắc và lệch lạc, con bắt đầu nghĩ rằng thế thì đúng rồi, vì con chưa hề thấy những điều ấy xẩy ra bao giờ nơi gia đình của con, nơi không còn như trước nữa, niềm vui và an bình đã biến mất. Con cảm thấy buồn thật là buồn! Con cho các đứa em của của con biết về những ngờ vực của con:
Giaxinta nói:
- Không, không phải là ma quỉ đâu! Không thể nào lại như vậy được! Họ nói rằng ma quỉ thì rất ghê rợn và nó ở dưới lòng đất trong hỏa ngục cơ mà. Đằng này Đức Bà của chúng ta thật là đẹp đẽ, và chúng ta đã thấy rằng Bà đi lên trời đấy thê!
Chúa đã dùng những lời ấy để đánh tan phần nào những ngờ vực của con. Thế nhưng, trong tháng ấy, con đã mất đi tất cả phấn khởi để làm việc hy sinh cũng như thực hiện những hành động hãm mình, để rồi đi tới chỗ do dự không biết có nên thú rằng con đã nói dối để chấm dứt tất cả mọi chuyện cho xong hay chăng.
Giaxinta và Phanxicô đã kêu lên:
- Xin chị chớ làm như thế! Chị không thấy rằng giờ đây chị đang tính nói dối hay sao mà nói dối là có tội đó chị?
Trong khi con đang lâm vào tâm trạng này thì con có một giấc mơ cgỉ làm tăng thêm tăm tối cho tâm thần con mà thôi. Con thấy thằng quỉ cười con bị nó đánh lừa, khi nó cố gắng lôi con xuống hỏa ngục. Thấy mình bị nó giữ chặt, con bắt đầu la lên xin Đức Mẹ cứu con to đến nỗi con đã làm cho má con tỉnh giấc. Bà lo lắng lay con dạy và hỏi con làm sao thế. Con không nhớ con con đã nói với bà những gì, thế nhưng con thực sự nhớ rằng con đã sợ hãi quá sức đến không thể nào ngủ được nữa trong đêm hôm ấy. Giấc mơ này làm cho linh hồn con thực sự tràn ngập những hãi sợ và sầu thảm. Con chỉ có thể tìm thấy khuây khỏa bằng cách lẩn mình ở một nơi vắng vẻ để nức nở khóc cho hả hê cõi lòng. Thậm chí những người em họ của con cũng trở thành gánh nặng cho con, nên con cũng bắt đầu lẩn trốn chúng. Thật là tội nghiệp cho chúng! Có những lúc chúng đi tìm con, gọi tên con nhưng không được hồi đáp, nhưng con bao giờ cũng nghe thấy, ẩn mình ngay bên cạnh chúng, ở một góc xó nào đó, nơi chúng không hề nghĩ tới.
Ngày 13 tháng 7 đã gần mà con vẫn còn lưỡng lự không biết mình có nên tới hay chăng. Con nghĩ bụng: ‘Nếu là ma quỉ thì tại sao tôi lại đến để nhìn thấy nó nhỉ? Nếu chúng hỏi con tại sao con không đi, con sẽ nói rắng con sợ có thể đó là ma quỉ đang hiện ra cho chúng mình, nên con không đi. Cứ để cho Giaxinta và Phanxicô làm gì tùy chúng; con không trở lại đồi Cova da Iria nữa’. Con đã quyết định như thế, và con cương quyết làm theo quyết định này.
Vào tối ngày 12/7, dân chúng đã tụ họp lại, mong ngóng thấy được những biến cố xẩy ra của ngày hôm sau. Bởi thế con đã gọi Giaxinta và Phanxicô mà nói với chúng về quyết tâm của con. Chúng đáp:
- Chúng em sẽ đi. Đức Bà nói chúng ta phải đến đó.
Giaxinta tình nguyện làm người thân thưa chuyện với Đức Bà, thế nhưng em cảm thấy buồn về việc con không đi, đến nỗi em đã bật lên tiếng khóc. Con hỏi em tại sao em khóc. Em nói:
- Tại vì chị không chịu đi!
- Đúng, chị không đi đâu. Nghe đây! Nếu Đức Bà hỏi chị đâu, xin các em nói với Người rằng chị không đến vì chị sợ việc này là do ma quỉ làm.
Thế rồi con bỏ các em ở đó mà đi ẩn mình để tránh nói chuyện với tất cả những người đến tìm con hỏi han này nọ. Mẹ của con nghĩ rằng con đang chơi đùa với các trẻ em trong làng, vì bao giờ con cũng ẩn nấp ở đằng sau những bụi gai nơi phần đất của người hàng xóm… Bà đã mắng tôi khi tôi vừa về đến nhà đêm hôm đó:
- Thật là một bà thánh nhỏ khéo che đậy! Suốt thời gian bà không chăn nuôi đàn chiên nữa, bà chỉ có biết chơi thôi, và bà còn phải chơi làm sao để không ai có thể thấy được bà nữa kìa!
Ngày hôm sau, lúc gần đến giờ phải ra đi, đột nhiên con cảm thấy cần phải đi, như bị thúc đẩy bởi một mãnh lực nào đó không thể nào cưỡng lại được. Thế rồi con lên đường và gọi vào nhà chú con xem Giaxinta có còn ở đó hay chăng. Con thấy em vẫn đang còn ở trong phòng của em với cả Phanxicô nữa, đang quì bên giường khóc. Con lên tiếng hỏi:
- Ủa các em không đi à?
- Chúng em không dám đi nếu không có chị! Chị hãy đi nhé!
Con trả lời:
- Được, chị đi.
Mặt chúng sáng lên niềm vui và chúng cùng con lên đường…”
Ngoài vụ cả 3 em, sau lần hiện ra thứ ba, lần Mẹ Maria tiết lộ cho 3 em Bí Mật Fatima, các em đã bị rắc rối với chính quyền địa phương, đến nỗi các em đã không đến nơi hẹn hò với Mẹ vào đúng ngày. Riêng với gia đình của Thiếu Nhi Fatima Lucia lớn nhất mang thân phận “chấp nhận mọi đau khổ” còn bị đay nghiến bởi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima này nữa, như những gì được chính Lucia thuật lại trong cùng Hồi Niệm Thứ Hai của chị sau đây:
“Trong nội bộ của gia đình con còn có một rắc rối mới nữa, với những lời trách móc đổ hết lên đầu của con. Đồi Cova da Iria là một mảnh đất thuộc sở hữu của cha mẹ con. Ở dưới lũng phì nhiêu hơn, chúng con trồng ngô, cỏ, đậu và các thứ rau khác. Trên sườn đồi có những cây dầu và những cây sồi. Giờ đây, từ ngày người ta bắt đầu kéo tới đó, chúng con đã không còn trồng cấy gì được nữa. Mọi sự đã bị chà đạp giầy xéo. Nhiều người cỡi lừa tới để cho thú vật của họ ăn hết những gì còn lại. Mẹ con đã thảm thiết về những gì bà mất mát nên đã nói với con rằng:
- Giờ đây nếu mày muốn ăn gì thì cứ đi xin Đức Bà mà ăn nhé!
Chị của con châm biếm thêm:
- Đúng đấy, mày có thể tìm thấy những gì trồng ở đồi Cova da Iria mà!
Những lời trách móc này làm con nhức nhối cả tâm can, đến nỗi con không dám cầm lấy miếng bánh mà ăn nữa. Để bắt con phải nói ra sự thật theo ý của bà, mẹ của con thường đánh con bằng những cán chổi hay bằng một cái roi ở đống gỗ gần lò sưởi. Thế rồi, đúng là một người mẹ, bà đã gắng phục hồi lại sức khỏe sa sút của con. Bà rất quan tâm tới con khi thấy con quá gầy còm xanh xao, sợ rằng con có thể ngã bệnh. Tội nghiệp cho bà! Thật vậy, bây giờ con đã hiểu được tình trạng thực sự của bà, tôi cảm thấy cảm thương bà biết bao! Bà thực đã nghĩ đúng khi cho rằng con bất xứng với một hồng ân như vậy, nên mới nghĩ là con nói dối.
Nhờ ơn đặc biệt Chúa ban, con không bao giờ có một chút xíu tư tưởng hay cảm giác bất mãn nào về cách bà cử xử với con. Như Thiên Thần đã báo cho con biết rằng Thiên Chúa sẽ gửi đau khổ đến cho con, con luôn thấy bàn tay Thiên Chúa nơi tất cả những điều này. Tình yêu, lòng cảm mến và kính trọng của con đới với bà tiếp tục tăng phát, như thể tôi được bà ưu ái nhất vậy. Giờ đây, tôi càng phải biết ơn bà vì việc bà đã đối xử với tôi như thế, hơn là bà tiếp tục dồn cho tôi những thứ chiều chuộng và âu yếm”.
Thiếu Nhi Fatima Lucia đã qua đời năm hưởng thọ gần 98 tuổi (22/3/1907- 13/2/2005).
(riêng bài về Lucia bài này còn tiếp 1 kỳ)
(còn tiếp vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần)
20 NĂM LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG BÁO CHÍ TÒA THÁNH
Hôm Thứ Ba 14/12/2004, trong cuộc triều kiến riêng với vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh, tiến sĩ Joaquín Navarro, cùng với nhân viên của văn phòng này, ĐTC GPII đã tỏ lời cám ơn vị giám đốc này về 20 năm phục vụ của ông.
Văn phòng này được thiết lập từ năm 1966, sau Công Đồng Chung Vaticanô II, như là một văn phòng tín liệu của Công Đồng này, một văn phòng kiêm cả Văn Phòng Tín Liệu của Tờ L’Osservatore Romano là văn phòng được thiết lập từ năm 1939.
Theo nội qui được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chuẩn nhận thì văn phòng báo chí của Tòa Thánh này “là văn phòng của Tòa Thánh có trách nhiệm phổ biến tin tức liên quan tới các hoạt động của Đức Giáo Hoàng cũng như của Tòa Thánh”.
Trong tổ chức văn phòng báo chí này còn có Dịch Vụ Tín Liệu Vatican (VIS: Vatican Information Service) được thành lập từ năm 1990. VIS cung cấp tín liệu đặc biệt cho các vị đại diện Giáo Hoàng, các đức giám mục và các cơ cấu về sinh hoạt huấn quyền và mục vụ của Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh.
Ông đương kim giám đốc mừng kỷ niệm 20 năm phục vụ tại văn phòng này là một phần tử tận hiến của hội Opus Dei Prelature. Ông được sinh ra ở Cartagena, Tây Ban Nha, và học ở các đại học Granada, Navarre và Barcelona, với những bằng cấp về y khoa và mổ xẻ năm 1961, phóng viên ký sự năm 1968 và khoa học truyền thông năm 1980.
Sau khi làm phó giảng sư về y khoa từ năm 1962 đến 1964, ông đã khám phá ra đam mê về ký giả của mình, và bắt đầu vào năm 1977, ông đã làm phóng viên cho tờ nhật báo ABC ở Ma Ní về Ý Quốc và vùng Địa Trung Hải. Đang khi thi hành nhiệm vụ này thì được bầu làm chủ tịch Hiệp Hội Báo Chí Hải Ngoại ở Ý Quốc.
Từ khi được ĐTC bổ nhiệm làm giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh vào năm 1984, ông đã là một phần tử của những phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh ở các cuộc hội nghị quốc tế như Cairô năm 1994, Copenhagen năm 1995, Beijing năm 1995 và Istanbul năm 1996.
Trong số những giải thưởng về nghề nghiệp, ông đã nhận được giải Opinion Leader năm 1980; giải Calabria cho ngành phóng viên hải ngoại năm 1984, và giải Nhà Truyền Thông Trong Năm 1997 do Telecom-Italia trao tặng.
Vào năm 1974, vị chủ tịch này, cùng với Giovanni Caprile, đã khơi dậy một cuộc tranh luận công khai về vấn đề tín liệu chính thức hiếm thấy có liên quan tới Thượng Hội Giám Mục Thế Giới về Vấn Đề Truyền Bá Phúc Âm Hóa. Vị điều hợp viên của Thượng Hội này là ĐHY Karol Wojtyla.
10 năm sau, vào ngày 4/12/1984, vị hồng y ấy, bấy giờ đã thành giáo hoàng, bổ nhiệm ông làm giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh.
Việc bổ nhiệm một giáo dân và là phần tử của hội Opus Dei làm giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã gây chấn động, nhưng đồng thời cũng không ai có thể ngờ được những thay đổi về các mối liên hệ giữa Tòa Thánh với giới phóng viên ký giả cũng như với lãnh vực truyền thông đại chúng.
Thật vậy, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện một cuộc cách mạng về hình ảnh của vai trò giáo hoàng cũng như của Giáo Triều Rôma trong giới truyền thông đại chúng. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên tổ chức họp báo, thường xuyên trả lời các câu hỏi của thành phần phóng viên ký giả, và cho xuất bản một cuốn sách phỏng vấn về Ngài.
Việc chọn ông Navarro Valls làm giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là một sự kiện trong cuộc cách mạng này. Từ ngày ông giữ vai trò này, có nhiều cuộc họp và tường trình với các ký giả hơn, và những văn kiện được phổ biến nhiều hơn. Hiện nay hơn 80% tin tức về sinh hoạt của Giáo Hội và Giáo Hoàng do văn phòng báo chí của Tòa Thánh cung cấp.
Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Antonio Gaspari cách đây ít lâu, vị giám đốc này cho biết: “Công việc chúng tôi đang cố gắng làm tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican đây là chiến đấu chống lại những thành kiến là những gì có lắm lúc xẩy ra không phải do lỗi lầm của chúng tôi mà là vì cái cố chấp của một số cá nhân”.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm phục vụ của ông, Zenit phổ biến cuộc phỏng vấn này.
Vấn: Ông có thể cho biết về những trường hợp các mối liên hệ với thành phần phóng viên ký giả đã được đổi thay ra sao chăng?
Đáp: Có nhiều trường hợp; tôi sẽ đề cập đến một vài trường hợp đối với tôi là đáng kể. Thành phần ký giả đã có thể theo Đức Gioan Phaolô II đi khắp nơi. Vị Giáo Hoàng này thậm chí còn cho phép các máy chụp truyền hình quay cuộc ngài gặp gỡ kẻ cố sát ngài là Ali Agca ở trong nhà tù Rebibbia.
Ngài không bao giờ áp đặt việc kiểm duyệt cả, ngay cả vấn đề liên quan tới sức khỏe của ngài. Vào tháng 7/1992, trước khi biết được là có bướu, ngài được cho rằng bị ung thư, ngài đã gọi tôi mà nói: “Tôi sẽ đề cập tới điều này trong huấn từ Truyền Tin, anh nói với các ký giả những gì anh nghĩ là hay nhất”.
Trong suốt thời gian ngài hồi phục ở bệnh viện, chúng tôi sẵn sàng cung cấp tất cả mọi tín liệu. Sauk hi ngài bị mổ ống chân bị gẫy xương đùi, chúng tôi đã cho nhóm quay phim của RAI (Italian Radio and Television) thấy tấm phim quang tuyến chụp một bộ phận giả được lắp vào cẳng chân của ngài. Về việc làm hoàn toàn ngay lành này tôi thậm chí bị một số người chỉ trích.
Tôi xin nhấn mạnh rằng đằng sau thái độ ấy, không phải chí là một thứ kỹ thuật thông tin mà còn là một cách nhận thức Giáo Hội và chính hình ảnh của vị Giáo Hoàng ấy.
Vấn: Ông quen với Đức Thánh Cha ra sao và ông nghĩ thế nào khi được bổ nhiệm làm đầu văn phòng báo chí của tòa thánh?
Đáp: Khi tôi biết là Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm tôi làm giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh tôi cảm thấy thắc mắc đủ thứ, nhưng thời gian lại không có nhiều.
Bấy giờ tôi đang làm chủ tịch của Hội Báo Chí Thế Giới. 500 phóng viên ở Rôma đã tái bầu tôi làm chủ tịch cho nhiệm kỳ thứ hai, cho dù vào lúc ấy tôi đã quyết định chấm dứt cuộc mạo hiểm làm nghề phóng viên để trở về Tây Ban Nha tiếp tục vai trò nguyên thủy của mình làm nhà giáo dạy trong trường y khoa.
Lúc bấy giờ, kiến thức của tôi về vì Giáo Hoàng này rất ư là hạn hẹp. Tôi đã thực hiện một số cuộc hành trình với tư cách là ký giả và là một phần tử trong phái đoàn của ngài, ngoài ra không biết gì lắm. Tôi thường ngẫm nghĩ tại sao ngài thực sự đã chọn tôi.
Tôi thật sự được tin tưởng bởi thành phần ký giả thuộc báo chí ngoại quốc bầu tôi làm chủ tịch của họ, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là yếu tố quyết liệt cho việc bổ nhiệm của ngài.
Trái lại, tôi nghĩ rằng, trong các dự án của Đức Thánh Cha, ngài muốn đáp ứng những niềm mong ước đã xuất phát trên thế giới ngay từ đầu giáo triều của ngài.
Để đáp ứng những thách đố về vấn đề truyền đạt toàn cầu, cần phải thay đổi nhiều điều: như ngôn ngữ, cơ cấu và nhất là tâm thức.
Khi mới bắt tay vào việc, tôi đã phải bỏ rất nhiều giờ ra để cố gắng tìm hiểu Giáo Triều Rôma, để hiểu được rõ ràng những vấn đề của từng phân bộ, để có thể đặt nền tảng cho vấn đề hợp tác hoạt động được công hiệu và thành quả.
Bởi thế, dĩ nhiên chúng tôi đã phải cố gắng để công hiệu hóa những đổi thay cần thiết về cơ cấu để thực hiện một nỗ lực thông tin liên tục.
Vấn: Đâu là những vấn đề ông đã phải giải quyết?
Đáp: Những đổi thay vị Giáo Hoàng này muốn thực hiện liên quan tới việc truyền đạt sứ điệp ở tầm cấp thế giới cần phải có một sự hợp tác chặt chẽ với phương tiện truyền thông.
Vấn đề là ở chỗ lý lẽ của Giáo Hội và lý lẽ của giới truyền thông lại khác nhau. Lý lẽ của giới truyền thông đại chúng hoàn toàn bị hạn chế vào những biến cố xẩy ra hằng ngày. Những ý tưởng không được trình bày một cách thấu đáo mà chỉ là những chủ trương theo cá nhân, bởi thế, ngay cả đến những đặc tính về văn hóa liên quan tới các vấn đề không thiết yếu lắm cũng trở thành những gì gay cấn.
Ngoài ra, tin tức phải là một cái gì đó nổi bật; không cần phải đặt thành vấn đề chúng có tính chất lành hay dữ. Chúng là những gì được các lý thuyết gia về truyền thông gọi là những giới hạn thuộc lãnh vực của ngành phóng viên ký giả.
Trong khi đó Giáo Hội có lý lẽ của mình, nơi mà hết mọi sự được nhìn theo chiều kích dài hạn, và là nơi hết mọi sự riêng biệt đều thuộc về tổng thể, nơi mà sự gắn bó và mối hiệp nhất của tổng thể đòi con người ta không được phân rẽ nguyên tắc luân lý với đời sống con người cũng như với thân phận làm con cái thần linh.
Đối với chúng tôi vấn đề là làm sao để làm cho những lý lẽ khác nhau ấy có thể hòa hợp với nhau. Câu giải đáp thỏa đáng của chúng tôi đã được cống hiến bởi giáo triều đã từng thành đạt trong việc hòa hợp hai thứ lý lẽ này. Đức Gioan Phaolô II đã không tập tễnh bước theo sau công luận; trái lại, giới truyền thông đại chúng vẫn bước theo vị Giáo Hoàng này.
Giáo triều này đã canh tân lại
thứ ngôn ngữ được dân chúng sử dụng, đã có thể đụng chạm tới những vấn đề chính
yếu của thực tại được chúng tôi gọi là vấn đề tân tiến, và đã cung cấp những
giải đáp cả trong lẫn ngoài lãnh giới Kitô giáo cho những vấn đề của con người.
Lợi ích mang lại thật là muôn vàn và không có dấu hiệu nào cho thấy nó bị suy
giảm cả.
Vấn: Một ngày làm việc bình thường của một vị giám đốc văn phòng báo
chí Vatican như thế nào?
Đáp: Ngày làm việc của tôi bắt đầu rất sớm vào buổi sáng khoảng 6 giờ, bằng việc điểm báo là việc chưa từng làm như thế trước đây, rồi sau đó từ từ được thực hiện với báo chí Ý ngữ mà thôi. Hiện nay việc này được thực hiện một cách toàn cầu.
Nhờ các đài truyền hình, chúng tôi có thể thu được tất cả mọi bài viết đáng chú ý và được phổ biến ở các phần đất khác nhau trên thế giới.
Việc điểm báo được phân làm 5 đề tài: đề tài “hiển nhiên” là tin tức ở trang đầu, tin quan trọng nhất; “Tòa Thánh” là tin liên quan đến Vatican; “Giáo Hội địa phương” là tin liên quan tới các sinh hoạt diễn ra tại các Giáo Hội địa phương khác nhau; “Luân Lý và Xã Hội” là tin tức liên quan đến các lối sống; sau hết và “Chính Trị Quốc Tế” là những đêàtài quan trọng chúng tôi được thành phần thính giả chất vấn hằng ngày.
Khi tôi đến văn phòng của mình thì việc đầu tiên của tôi là điểm báo. Sauk hi phân tích những đề tài trong ngày, chúng tôi nghiên cứu tới ngày của Tòa Thánh. Bắt đầu với sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng, và tiếp theo là những văn kiện được tuần tự phổ biến, sinh hoạt của các phân bộ của Tòa Thánh, việc loan báo và giải thích về những chuyến đi quan trọng của các vị đại diện Tòa Thánh v.v.
Tất cả các biến cố quan trọng đều được quan tâm chú trọng, những biến cố sau đó
được cho vào bản thông tin của văn phòng báo chí là văn kiện được phổ biến mỗi
ngày sau 12 giờ trưa.
Trước 10 giờ sáng, chúng tôi có một cuộc họp làm việc để kiểm điểm xem những đề tài nào do chúng tôi tung ra hôm trước được truyền thông nhận định. Rồi chúng tôi bàn luận cách thức để làm sao cho có công hiệu những thứ điều chỉnh và những thứ cải tiến. Trong lúc đó, ngay vào buổi sáng ấy văn phòng này đã nhận được những cú điện thoại, viễn phóng thư (fax) hay điện thư (email) từ phía Đông xin tín liệu.
Vào buổi trưa, giờ Âu Châu thức giấc, cho đến 5 giờ chiều, là thời điểm đến phiên Gia Nã Đại, Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc Mỹ Châu Latinh bắt đầu xin tín liệu.
Một trong những vấn đề khó khăn của văn phòng này là nó phải làm việc liên quan tới múi giờ trên toàn thế giới, để khi nhận được yêu cầu trong giờ làm việc thì lúc nào cũng cần phải sẵn sàng cung ứng. Khi tôi không có đủ tín liệu để trả lời đầy đủ vấn đề, tôi liền liên lạc với các văn phòng Quốc Vụ Khanh, bởi thế mà tôi hằng liên lạc với văn phòng quốc vụ khanh này.
Tôi phải công nhận rằng thành phần làm việc ở văn phòng này, đặc biệt là ĐHY Angelo Sodano, lúc nào cũng hết sức sẵn sàng giúp đỡ.
Tôi bao giờ cũng thấy tính cách sẵn sàng này nơi Đức Thánh Cha là vị tôi thường xuyên gặp gỡ. Nếu tôi thấy rằng vào buổi sáng Đức Giáo Hoàng tiếp một nhân vật nào đó mà tôi sẽ được công luận chất vấn thì tôi liền đi gặp ĐTC ngay sau khi ngài gặp gỡ xong để hỏi ngài về những vấn đề đã được bàn luận.
Tôi xin nhấn mạnh rằng trong rất
nhiều năm được làm việc với vị Giáo Hoàng này tôi chưa bao giờ nghe ngài nói:
“Cẩn thận nhé, vấn đề này chỉ giành riêng với anh thôi đấy nhé”.
Vấn: Có bao giờ ông đã đề nghị với Đức Thánh Cha cách thức ngài cần
tỏ ra trước truyền thông hay chăng?
Đáp: Tôi đã trình bày với Đức Thánh Cha rất ít lời đề nghị: những chi tiết thật sự tối thiểu và hết sức cần thiết thôi. Thế nhưng có những dấu hiệu cho thấy giáo triều của ngài đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với truyền thông. Chúng là những dấu hiệu có một giá trị mạnh mẽ, một giá trị liên quan tới một điều gì đó thuộc thượng giới.
Vị Giáo Hoàng này không bao giờ
quan tâm tới hình ảnh của mình. Sau khi lâu dài theo dõi vị Giáo Hoàng này trên
truyền hình, một bình luận gia của tờ Thời Điểm Nữu Ước đã phải thú nhận là Đức
Gioan Phaolô II hoàn toàn đi ngược lại với tất cả mọi qui lệ của việc xuất hiện
trên truyền hình, và chính vì điều này đã làm cho ngài thành công, ở chỗ, ngài
coi thường truyền hình nên ngài đã làm chủ nó.
Vấn: Có bao giờ vị Giáo Hoàng này đã từng than về những gì các ký giả
viết về ngài hay chăng?
Đáp: Theo chỗ tôi biết thì chưa bao giờ xẩy ra, và chưa bao giờ xẩy ra cả đối với tôi nữa. Ngay cả những thứ hí họa hay trào phúng làm cho ngài bị tổn thương.
Có những lúc tôi nghe thấy ngài
nói rằng cần phải tỏ thái độ là những trường hợp các vấn đề chính của giáo huấn
bị bóp méo. Lúc nào tôi cũng thấy, trong các cuộc gặp gỡ với thành phần phóng
viên ký giả, ngài tỏ ra rất thông cảm với họ cũng như với công việc khó khăn để
thông tin của họ.
Vấn: Thậm chí cả những tiếng đồn về sức khỏe của ngài nối tiếp nhau
đã không làm cho ngài trở nên bất nhẫn sao?
Đáp: Điều ngài không chấp nhận không phải là những lời đồn đại về sức khỏe của ngài mà là những thứ võ đoán về khả năng hay dở của ngài để làm Giáo Hoàng.
Đức Gioan Phaolô II không chấp
nhận một số ngờ vực bệnh hoạn tỏ ra đối với luân lý thần học. Ngài không hờn
giận về hình ảnh của mình. Ngài không sợ bị thấy đớn đau; ngài rõ biết rằng đớn
đau là một cảm nghiệm đặc biệt nơi đời sống của hết mọi người.
Vấn: Có lẽ ông là người nổi danh nhất của hội Opus Dei. Điều này có
bao giờ gây rắc rối cho ông hay chăng?
Đáp: Tổ chức Opus Dei là vấn đề chọn lựa riêng tư của tôi, một đường lối nhờ đó tôi sống trong đại gia đình Giáo Hội. Và việc làm phần tử của tổ chức này không gây trục trặc gì cho tôi cả trong mối liên hệ giữa tôi với những người khác, vì tôi thực hiện một công việc làm chuyên muôn về nghề nghiệp.
Đó là lý do tôi không bao giờ quan tâm tới vấn đề tôn giáo của những phóng viên ký giả làm việc với văn phòng báo chí của tòa thánh. Một đặc tính duy nhất chúng tôi quan tâm tới khi họ xin chúng tôi chấp nhận cho làm việc với chúng tôi đó là khả năng chuyên nghiệp của họ mà thôi.
Vấn: Có những qui chuẩn để ông có thể xác định thành phần Vatican tốt hay chăng?
Đáp: Đó không phải là thói quen của tôi trong việc làm cố vấn cho thành phần đồng nghiệp. Tuy nhiên, tôi có thể nói về kinh nghệm chuyên môn với tư cách là một ký giả, tôi tôi thoạt tiên là một y sĩ và là một giáo chức. Tôi là một phóng viên ngoại quốc ở vùng Địa Trung Hải đông phương trên thế giới, nơi các tôn giáo đóng vai trò thiết yếu.
Dù ở Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ, ở Do Thái hay các quốc gia Hồi Giáo Bắc Phi, kinh nghiệm của tôi đó là tôi không thể nào hiểu được một số dữ kiện về đời sống công chúng và xã hội ở những quốc gia ấy trừ phi tôi nghiên cứu vùng nội địa tôn giáo này.
Cũng thế, rất khó lòng hiểu được một số chủ trương của Tòa Thánh nếu người ta không biết đến khoa nhân loại học Kitô giáo, tín lý và luân lý của Giáo Hội. Nhận định những biến cố Vatican thuần túy theo tính chất chính trị tức là chẳng hiểu gì cả.
Nói như thế tôi không có ý nói
rằng người ta cần phải trở thành một người Công Giáo mới là thành phần Vatican
tốt. Tôi không trở thành một tín đồ Hồi Giáo để hiểu được tại sao Sadat bị ám
sát. Để viết một bản tin hay cần phải để ý tới một loạt những tính chất về tôn
giáo, luân lý, lịch sử và văn hóa. Phóng viên nào càng hiểu rộng càng phục vụ
tốt đẹp hơn và trọn vẹn hơn.
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 14/12/2004
BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.6- Việc Bảo Đảm Phần Rỗi
(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu,
20 Thứ Năm, bài Dẫn Nhập mở đầu; 21 Thứ Sáu bài 1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA
4- GIẢI NGHĨA KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA
4.6- Việc Bảo Đảm Phần Rỗi
(xin xem tiếp: 4.7- Các Việc Lành Phúc Đức của Người Được Công Chính Hóa)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000