GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 30/7/2006

 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn T Truyền Tin Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2006

?   Ngày của Chúa – Dies Domini: Ngày của Đức Kitô – Dies Christi ... Ngày thứ tám: hình ảnh của vĩnh hằng;  Ngày của Chúa Kitô Ánh Sáng; Ngày của tặng ân Thần Linh

?  BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.7- Các Việc Lành Phúc Đức của Người Được Công Chính Hóa

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn T Truyền Tin Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2006

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay chúng ta long trọng tôn kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, ‘những vị Tông Đồ của Chúa Kitô, những trụ cột và là nền tảng của thành đô Thiên Chúa”, như phụng vụ hôm nay nói. Việc các ngài tử đạo được coi là tác động thực sự và xứng hợp cho việc hạ sinh của Giáo Hội Rôma.

 

Hai vị tông đồ này cống hiến chứng từ cao cả của mình trong một khoảng cách ngắn về thời gian và không gian: Ơ Rôma đây, Thánh Phêrô đã bị đóng đanh và sau đó Thánh Phaolô bị lấy đầu.

 

Máu của các vị, bởi thế, thấm nhập vào nhau hầu như thành một chứng từ duy nhất cho Chúa Kitô, khiến cho Thánh Irênêô, giám mục Lyon, vào giữa thế kỷ thứ hai, đã nói về ‘Giáo Hội này được xây dựng và thiết lập ở Rôma bởi hai vị Tông Đồ hiển vinh Phêrô và Phaolô’ ("Against Heresies" III, 3, 2).

 

Sau đó ít lâu, ở Bắc Phi Châu, giáo phụ Tertullian đã than lên: ‘Giáo Hội Rôma này, một giáo hội có phúc biết bao! Chính các vị Tông Đồ này, những vị bằng máu của mình, đã đổ ra cho giáo hội ấy toàn bộ tín lý’ ("Prescription against the Heretics," 36).

 

Chính vì thế mà vị Giám Mục Rôma, vị Thừa Kế Tông Đồ Phêrô, thực hiện một thừa tác vụ đặc biệt trong việc phục vụ mối hiệp nhất về tín lý và mục vụ của dân Chúa khắp thế giới.

 

Theo ý nghĩa ấy, người ta cũng hiểu được hơn nữa ý nghĩa của lễ nghi được chúng ta lập lại sáng nay, trong Thánh Lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô, tức là việc lãnh nhận giây tông phẩm, một huy hiệu phụng vụ cổ thời, diễn tả mối hiệp thông đặc biệt của các vị mục tử này với vị Thừa Kế Thánh Phêrô.

 

Tôi gửi lời chào tới quí chư huynh tổng giám mục khả kính cùng tất cả những ai đi theo các vị, trong khi đó tôi xin kêu gọi tất cả mọi người, anh chị em thân mến, hãy cầu nguyện cho các vị cũng như cho các Giáo Hội được ký thác cho các vị.

 

Vẫn còn một lý do khác làm cho niềm vui của chúng ta hôm nay thậm chí còn lớn lao hơn nữa, đó là có sự hiện diện ở Rôma đây, nhân dịp lễ trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, của một phái đoàn đại biểu đặc biệt của Đức Thượng Phụ Hoàn Vũ ở Constantinople là Bartholomew I.

 

Tôi xin  ưu ái lập lại cùng các phần tử thuộc phái đoàn đại biểu này việc chào mừng và chân thành biết ơn của tôi với vị thượng phụ, về việc biểu lộ hơn nữa, qua cử chỉ ấy, mối liên hệ huynh đệ đang có giữa hai Giáo Hội của chúng ta. 

 

Chớ gì Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, vị chúng ta tin tưởng kêu cầu, xin cho các Kitô hữu được tặng ân hiệp nhất trọn vẹn.

 

Với sự trợ giúp của Mẹ và theo bước chân của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, chớ gì Giáo Hội ở Rôma cùng với toàn thể dân Chúa cống hiến cho thế giới chứng từ hiệp nhất và việc can đảm dấn thân cho Phúc Âm của Chúa Kitô.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/6/2006

  

 

TOP

 

 

 ? Ngày của Chúa – Dies Domini: Ngày của Đức Kitô – Dies Christi ... Ngày thứ tám: hình ảnh của vĩnh hằng;

 Ngày của Chúa Kitô Ánh Sáng; Ngày của tặng ân Thần Linh

 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

(tiếp theo các Chúa Nhật tuần trước)

 

Ngày thứ tám: hình ảnh của vĩnh hằng

26.     Ngược lại, chủ trương Ngày Hưu Lễ như là ngày thứ bảy trong tuần cho thấy một biểu hiệu bổ khuyết cho Chúa Nhật, một biểu hiệu được các vị Giáo Phụ rất ưa thích. Chúa Nhật không những là ngày thứ nhất trong tuần mà còn là “ngày thứ tám”, ngày được đặt trong cái liên tục gấp bảy lần của các ngày ở một vị thế đặc thù và siêu việt gợi lên chẳng những khởi điểm của thời gian mà còn tận điểm của nó trong “thời tới đây” nữa. Thánh Basiliô đã giải thích rằng Chúa Nhật biểu hiệu cho một ngày thực sự chuyên biệt sau thời hiện tại này, một ngày không cùng chẳng có tối hay sáng, một thời đại bất tận không bao giờ cổ; Chúa Nhật là tiên báo không ngừng về sự sống bất tận, một sự sống canh tân niềm hy vọng của Kitô hữu và khích lệ họ tiến bước (26). Hướng về ngày cùng tận, ngày hoàn toàn nên trọn biểu hiểu cánh chung của Ngày Hưu Lễ, Thánh Âu Quốc Tinh kết luận cuốn Tự Thú khi diễn tả Cánh Chung Eschaton như “cái an bình của tĩnh lặng, an bình của Ngày Hưu Lễ, một an bình không có tối đêm” (27). Trong việc cử hành Chúa Nhật, vừa là ngày ‘thứ nhất’ và là ngày ‘thứ tám’, Kitô hữu được dẫn đến đích điểm sự sống trường sinh (28).

 

Ngày của Chúa Kitô Ánh Sáng

 

27.       Nhãn quan lấy Chúa Kitô làm tâm điểm này chiếu tỏa ánh sáng trên một biểu hiệu khác nữa cũng được suy tưởng của Kitô giáo và việc thực hiện mục vụ ghép cho là Ngày Của Chúa. Trực giác khôn ngoan về mục vụ đã gợi ý cho Giáo Hội việc kitô hữu hóa quan niệm về Chúa Nhật như “ngày của mặt trời”, tên gọi theo người Rôma bấy giờ và vẫn còn tồn tại nơi một số ngôn ngữ hiện đại (29). Việc làm này là để kéo tín hữu khỏi bị thu hút bởi những thứ sùng bái tôn thờ mặt trời, cũng như để qui việc cử hành của ngày này về Chúa Kitô là “mặt trời” đích thực của nhân loại. Khi viết cho các dân ngoại, Thánh Justinô đã sử dụng ngôn ngữ của thời ấy để ghi nhận rằng Kitô hữu qui tụ nhau “vào ngày được gọi theo danh xưng mặt trời” (30), thế nhưng, đối với tín hữu, lối diễn tả này đã mặc lấy một ý nghĩa mới thực sự được bắt nguồn từ Phúc Âm (31). Chúa Kitô là ánh sáng thế gian (x Jn 9:5; và cả 1:4-5,9), và trong việc tính ngày hằng tuần, ngày tưởng niệm việc Phục Sinh của Người là phản ảnh kéo dài của việc hiển linh vinh hiển của Người. Đề tài Chúa Nhật là ngày được chiếu sáng bởi cuộc chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh cũng được thấy trong Phụng Vụ Giờ Kinh (32) và được đề cao trong Pannichida là các phụng vụ lễ vọng Đông phương sửa soạn cho Chúa Nhật. Từ đời nọ đến đời kia khi qui tụ lại vào ngày này, Giáo Hội cảm nhận được nỗi ngỡ ngàng như của tư tế Zacaria khi ông hướng về Chúa Kitô, thấy được nơi Người rạng đông “chiếu soi cho những ai ngồi trong tăm tối và bóng sự chết” (Lk 1:78-79), và Giáo Hội cũng làm âm vang cả niềm vui của ông già Simêon khi ông ẵm trong tay Con Trẻ thần linh đã xuất hiện như “ánh sáng chiếu soi các Dân Ngoại” (Lk 2:32).

 

Ngày của tặng ân Thần Linh

 

28-       Chúa Nhật, ngày ánh sáng, còn có thể được gọi là ngày “lửa”, một ngày liên quan tới Thánh Linh. Ánh sáng Chúa Kitô có liên hệ mật thiết với “lửa” Thần Linh, và cả hai hình ảnh này cùng nhau nói lên ý nghĩa của Chúa Nhật Kitô giáo (33). Khi hiện ra với các vị Tông Đồ vào buổi tối Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thở hơi trên các vị mà nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội của họ được thứ tha; các con cầm tội ai thì tội của họ bị cầm buộc” (Jn 20:22-23). Việc tuôn đổ Thần Linh xuống là tặng ân cao cả của Chúa Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người vào Chúa Nhật Phục Sinh. Cũng vào Chúa Nhật, năm mươi ngày sau Phục Sinh, Thần Linh đã ngự xuống trong quyền năng, như “một luồng gió mạnh” và như “lửa” (Acts 2:2-3) trên các vị Tông Đồ quay quần bên Mẹ Maria. Hiện Xuống chẳng những là biến cố khai sinh của Giáo Hội mà còn là một mầu nhiệm vĩnh viễn ban sự sống cho Giáo Hội nữa (34). Biến cố này có thời điểm phụng vụ quyết liệt riêng của mình trong việc cử hành hằng năm để kết thúc “Đại Chúa Nhật” (35), nó còn là một phần làm nên ý nghĩa sâu xa của mỗi Chúa Nhật, vì mối liên hệ mật thiết của nó với Mầu Nhiệm Vượt Qua. Bởi thế, “Ngày Phục Sinh hằng tuần”, ở một nghĩa nào đó, trở thành “Ngày Hiện Xuống hằng tuần”, khi Kitô hữu sống lại cuộc hội ngộ hân hoan của các vị Tông Đồ với Chúa Kitô Phục Sinh và lãnh nhận hơi thở ban sự sống Thần Linh của Người

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

TOP

 

 

?   BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.7- Các Việc Lành Phúc Đức của Người Được Công Chính Hóa

 

(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu, 20 Thứ Năm, bài Dẫn Nhập mở đầu; 21 Thứ Sáu bài  1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 22 Thứ Bảy, bài 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT;  23 Chúa Nhật, bài 3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 24 Thứ Hai, bài 4.1- Tình Trạng Bất Lực và Tội Lỗi của Con Người đối với Việc Công Chính Hóa; 25 Thứ Ba, bài 4.2- Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và Làm Cho Nên Chính Trực; 26 Thứ Tư, bài 4.3- Công Chính Hóa bởi Đức Tin và nhờ Ân Sủng; 27 Thứ Năm, bài 4.4- Người Được Công Chính Hóa là Một Tội Nhân; 28 Thứ Sáu bài 4.5- Lề Luật và Phúc Âm; 29 Thứ Bảy Bài 4.6- Việc Bảo Đảm Phần Rỗi)

 

4- GIẢI NGHĨA KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

4.7- Các Việc Lành Phúc Đức của Người Được Công Chính Hóa

 

37.    Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, các việc lành phúc đức – một đời sống Kitô hữu sống đức tin, đức cậy và đức mến – là do việc công chính hóa và là hoa trái của việc công chính hóa. Khi thành phần được công chính hóa sống trong Đức Kitô và hoạt động theo ân sủng nhận được, là họ làm trổ sinh trái tốt, theo từ ngữ thánh kinh. Bởi Kitô hữu chống chọi với tội lỗi suốt cuộc đời của mình, họ cũng buộc phải chiếm được thành quả của việc công chính hóa ấy. Thế nên, cả Chúa Giêsu lẫn các Sách Thánh tông tuyền đều khuyên giục Kitô hữu hãy làm trổ sinh các việc yêu thương.

 

38.    Theo người Công Giáo hiểu thì các việc lành phúc đức, được thực hiện nhờ ân sủng và hoạt động của Chúa Thánh Thần, góp phần vào việc lớn lên trong ân sủng, nhờ đó đức chính trực do Thiên Chúa ban cho được bảo tồn, và cũng nhờ đó việc hiệp thông với Chúa Kitô được sâu đậm hơn. Khi người Công Giáo xác nhận tính chất ‘công nghiệp’ của các việc lành phúc đức, là họ muốn nói lên rằng, theo chứng từ thánh kinh, phần thưởng trên trời được hứa ban cho những việc làm ấy. Họ có ý nhấn mạnh đến trách nhiệm của con người đối với hành động của mình, chứ không đặt vấn đề tính chất nơi những việc làm như là các tặng ân ấy, và họ lại càng không chối bỏ việc công chính hóa bao giờ cũng là một quà tặng nhưng không của ân sủng.

 

39.    Người Luthêrô cũng chủ trương quan niệm về việc bảo trì ân sủng và việc lớn lên trong ân sủng cùng đức tin. Họ thực sự nhấn mạnh là đức chính trực được Thiên Chúa ban cho và việc thông phần vào đức chính trực của Chúa Kitô là những gì luôn luôn trọn vẹn. Họ đồng thời cũng cho rằng, các hiệu quả của những sự ấy có thể được phát triển trong đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, khi họ quan niệm về các việc lành phúc đức của người Kitô hữu như là hoa trái và dấu chỉ của việc công chính hóa, chứ không phải là các ‘công nghiệp’ riêng của con người, thì họ cũng hiểu được sự sống đời đời, theo ý nghĩa của Tân Ước, là một ‘phần thưởng’ nhưng không trong việc người tín hữu làm trọn lời hứa của Thiên Chúa.

 

(xin xem tiếp: 5. Tầm Quan Trọng và Mục Tiêu nhắm đến của Việc Đồng Ưng Thuận)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ