GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 3/7/2006 TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN |
? Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 14.- Tương Lai Xã Hội
? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 3: Bản Văn Liên Tôn Hồi Giáo và Công Giáo về Vấn Đề Khủng Bố và Hòa Bình
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 1 - Hòa Bình trong Sự Thật
Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 14.- Tương Lai Xã Hội
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Tre Già Măng Mọc
N |
ói đến giới trẻ là nói đến một cái gì vui tươi, mới mẻ, linh hoạt, đầy sức sống. Tất cả những tính chất này của giới trẻ làm cho chúng ta nghĩ đến xuân, một mùa thời gian mới mẻ nơi thời gian, tươi trẻ nơi không gian và vui vẻ nơi nhân gian.
Thật vậy, theo tôi, nếu thời tiết thiên nhiên một năm thường có bốn mùa thế nào, thì một ngày sống cũng như một đời người cũng có những thời điểm xuân, hạ, thu, đông như vậy.
Không phải hay sao, theo bản chất và đặc tính bẩm sinh của mỗi mùa trong năm, đối với ngày sống của con người, mùa xuân ở vào buổi sáng mát mẻ, mùa hè ở vào buổi trưa nóng bức, mùa thu ở vào buổi chiều tàn phai, và mùa đông ở vào buổi tối mát lạnh? Đời sống của con người cũng thế, con người sống trong mùa xuân của cuộc đời là lúc họ còn trẻ trung mới lớn, thời điểm được gọi là tuổi thanh xuân, thường kéo dài từ khi mới sinh ra cho tới khi họ hết phát triển về thể lý ở vào tuổi 25.
Sau đó, con người bắt đầu bước vào mùa hè của cuộc đời, thời điểm con người ra trường, bắt đầu tìm kiếm công ăn việc làm và lập gia đình, tức thời điểm “tam thập nhi lập”, thời điểm con người chẳng những tạo dựng cơ nghiệp mà còn lập thân nữa, và con người đạt đến tột độ của mùa hè cuộc đời này khi họ bước vào tuổi “tứ nhập nhi bất hoặc”, tuổi khôn ngoan, tuổi thường đóng những vai trò và chức vụ quan trọng trong xã hội, cả về dân sự lẫn tôn giáo.
Thế rồi, cuộc đời con người sẽ vào thu, tuổi down hill, khi sức khỏe của họ bắt đầu xuống, với những dấu hiệu đổi thay nơi thân xác của họ, như tóc bắt đầu trở thành hoa râm, mắt bắt đầu đeo kính lão, nữ hết kinh nguyệt v.v. tức con người bắt đầu bước tới thời điểm “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” của mình.
Sau hết, mùa đông cuộc đời sẽ đến với con người khi họ về hưu, thường ở vào tuổi từ 65 đến tuổi “thất thập cổ lai hi”, cho đến khi họ thực sự nằm xuống, với một thân xác hoàn toàn lạnh ngắt mùa đông.
Nếu luật tuần hoàn chi phối thiên nhiên vũ trụ thế nào, điển hình là bốn mùa thời tiến xuân hạ thu đông, tuần hoàn từ mới tới cũ, như từ xuân tới đông, rồi lại tuần hoàn từ cũ sang mới, như từ đông sang xuân thế nào, nó cũng chi phối cả xã hội loài người như vậy. Đó là lý do Việt Nam ta có câu: “tre già măng mọc”.
Thật vậy, tuổi trẻ hay giới trẻ chính là thành phần măng mọc lên để dần dần thay thế cho thành phần cao niên tre già trong xã hội. Theo tiến trình của lịch sử loài người, từ khi bắt đầu có loài “nhân linh ư vạn vật” hiện hữu trong vũ trụ hữu hình đến nay, thì xã hội loài người đang tiến theo đà “con hơn cha nhà có phúc”, vì xã hội của họ càng ngày càng văn minh về vật chất cũng như về nhân bản hơn.
Trong xã hội của người Việt Nam hải ngoại cũng cho thấy rõ điều này. Ở chỗ, chẳng hạn, từ những gia đình (đã được một số Người Việt hải ngoại gọi là) “danh ca” ở Việt Nam, sang tới mảnh đất cơ hội - opportunity land Mỹ quốc này, đã xuất hiện những kỹ sư, luật sư, bác sĩ, ở những khu nhà giầu, nhà sang, nhà mới, nhà kiểu, đi những xe kiểu nhất, tân nhất, mắc nhất v.v.
Con Hơn Cha Nhà Có Phúc
Nói như thế không có nghĩa là nghề đánh cá là đồ bỏ còn nghề kỹ sư, luật sư, bác sĩ mới đáng kể. Thật ra, tự bản chất của mình, ngoại trừ những việc phản luân thường đạo lý, như nghề ăn trộm ăn cắp, nghề làm đĩ làm điếm, nghề đánh thuê giết mướn, nghề buôn lậu gian thương v.v., tất cả mọi ngành nghề đều cao quí và đáng trọng.
Trước hết, là vì khả năng trời phú bẩm cho mỗi người để họ có thể dùng nó góp phần vào việc phục vụ và xây dựng xã hội loài người.
Sau nữa là vì sự quan trọng và cần thiết của mỗi ngành nghề trong guồng máy xã hội, không phải chỉ do các ngành nghề kỹ sư, luật sư và bác sĩ mới là những nghề làm cho xã hội này tồn tại và phát triển, mà còn phải có các người nông phu trồng cấy và các tay ngư phủ đánh cá nữa, bằng không, càng là kỹ sư, luật sư, bác sĩ càng chết sớm trong nạn đói năm 1945 ở Việt Nam ngày xưa.
Sau hết, còn là vì quyền chọn lựa của mỗi người nữa, chẳng hạn như ở Mỹ có nhiều người học ra trường với cấp bằng kỹ sư, nhưng sau đó lại nhào vô làm cái nghề gọi là “phi thương bất phú”, tức nghề buôn bán, bán bảo hiểm, bán nhà cửa, bán xe hơi, bán đồ đạc furniture, mở siêu thị, mở nhà hàng, mở tiệm bán máy móc, mở tiệm sửa xe v.v.
Đúng vậy, nếu nghề nghiệp tự bản chất là tốt thì chỉ khi nào con người không méo mó khi hành nghề của mình, họ mới thực sự phục vụ cho xã hội, nghề của họ mới có ích cho xã hội, bằng không, nó sẽ trở thành một dụng cụ phá hoại xã hội. Chẳng hạn làm luật sư để biện hộ cho công lý thì lại đi tìm cách gian lận tiền bồi thường của các hãng bảo hiểm xa hơi, hay cố tranh cãi để bênh vực cho những người gian ác tác hại xã hội. Chẳng hạn làm bác sĩ để cứu mạng con người thì lại đi giúp phá thai, xui phá thai, hay đi lậu tiền thẻ bệnh Medi-Cal/Medicaid của chính phủ.
Chính vì nghề nghiệp không làm nên giá trị con người, cho bằng tinh thần tự trọng của con người cũng như nhân cách của con người, mà “con hơn cha nhà có phúc” không phải ở tại kiến thức khoa học của giới trẻ hay khả năng kỹ thuật của họ. Nếu xã hội loài người mỗi ngày cần phải được tiến triển hơn nữa, về cả phương diện văn minh vật chất lẫn nhân bản, thì tương lai của xã hội không phải là chính đám giới trẻ với những vị bác sĩ hay luật sư trên đây, và cũng không thể nào lại ở trong tay của đám giới trẻ này.
Chứng liệt kháng nơi tre già
Tuy nhiên, định luật nhân quả khách quan và tổng quan cho thấy cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu, cây tốt không thể sinh trái xấu và cây xấu không thể sinh trái tốt (xem Mathêu 7:17-18). Bởi thế, giới trẻ không thể nào là tương lai, là hy vọng cho một xã hội sống văn minh yêu thương, nếu họ không được thành phần tiền bối khả kính của họ giáo dục họ sống theo văn hóa sự sống.
Trái lại, thực tế ngày nay cho thấy, giới trẻ vô tội đáng thương còn bị thành phần đi trước tác hại một cách phũ phàng trắng trợn nữa. Thế hệ già đi trước hiện nay không tác hại thế hệ trẻ đi sau là gì, khi thành phần tiền bối theo trào lưu cá nhân chủ nghĩa và hưởng thụ sát hại mầm sống tuổi trẻ ngay trong bụng mình, đến nỗi, theo tín liệu của các hãng bán bảo hiểm nhân thọ cho biết, ngân quĩ hưu trí của Liên Bang Hoa Kỳ chẳng bao lâu nữa sẽ không còn đủ cho thành phần trẻ hiện nay sau này về già được hưởng nữa, một thành phần trẻ càng ngày càng ít đi vì nạn phá thai đang phải nai lưng ra để bảo trì quĩ hưu trí cho thành phần già.
Việc con người phá thai với mục đích ban đầu là để kiểm soát dân số là việc con người thực sự đang đi đến chỗ tự diệt và tuyệt giống vậy. Bản thống kê của Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật của Hoa Kỳ cho biết năm 1997, có 1.429.577 vụ phá thai được chính thức báo cáo, tức có gần 1 triệu rưỡi thai nhi vô tội năm ấy bị chính người mẹ của mình sát hại oan uổng.
Chưa hết, thế hệ đi trước chẳng những sát hại sự sống thể lý của thế hệ đi sau, mà còn sát hại cả sự sống tâm linh của thế hệ đi sau nữa, ở chỗ, thế hệ trước làm gương mù gương xấu cho thế hệ sau, bằng việc làm không thích đáng, thậm chí xấu xa của mình, cũng như bằng những hành động thiếu nhân cách và vô trách nhiệm của mình.
Trước hết, người lớn tác hại sự sống tâm linh người trẻ bằng việc làm của mình ở những chương trình giáo dục tính dục - sex education, những chương trình chỉ cách cho giới trẻ đang tuổi tò mò và phát triển sinh lý làm sao để làm tình cho khỏi có thai, nhất là khỏi chứng liệt kháng AIDS. Giới trẻ còn bị người lớn đầu độc bằng những thứ phim ảnh, video, truyền hình, tranh ảnh, sách báo bạo động và dâm ô. Theo thống kê cho biết, nguyên tại California thôi, năm 1986, có 52.718 thanh thiếu nữ sinh con ngoại hôn, trong đó có 1/3 ở vào tuổi vị thành niên. Cũng theo bản thống kê này, mỗi ngày tại California có 385 em gái vị thành niên khám phá ra là mình đã có thai.
Sau nữa, người lớn chẳng những sát hại sự sống tâm linh giới trẻ bằng những việc làm không thích đáng của mình, như những việc giáo dục tính dục, hay những việc xấu xa của mình, như việc truyền thông tính dục, mà còn sát hại chúng bằng chính hành động thiếu nhân cách và vô trách nhiệm của mình nữa.
Nếu tầm vóc trọn lành hoàn hảo của con người là chỗ con người biết yêu thương, hy sinh phục vụ, nhẫn nại thứ tha, trở nên một con người quốc tế, một con người của mọi sự cho mọi người, sống với ai cũng được, mọi người là anh chị em của mình, thì khi thế hệ đi trước cứ động một tí là ly dị họ đã không sát hại tâm linh của thế hệ đi sau sao?
Nếu thế hệ đi trước không biết yêu thương nhau thì họ làm sao có đủ tư cách và khả năng bảo thế hệ đi sau phải thương yêu nhau thế nào được. Đó là lý do vấn đề giáo dục con người ngày nay đã bị hội chứng liệt kháng AIDS, tức không còn thế giá và khả năng giáo dục nữa.
Nếu thế hệ đi trước cứ đối xử với nhau bằng luật “mắt đền mắt răng đền răng”, như tình hình ở Trung Đông, giữa phe Palestine thực hiện những cuộc khủng bố tấn công, với phe Do Thái lại ra tay trả đũa bằng những cuộc tấn công khủng bố, hay ở những xã hội cực đoan kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc, không biết tôn trọng quyền lợi và bản chất đặc thù về văn hóa hay tôn giáo của nhau, thì thế hệ đi sau làm sao lại không bị di truyền bởi giòng máu nghi kỵ và hận thù của họ.
Điển hình nhất là vụ thanh thiếu niên ở Pháp nổi loạn từ ngày 27/10/2005, đốt phá cả gần chục ngàn chiếc xe và hằng trăm dinh thự khắp đất nước này, trong vòng cả một tháng trời, bất chấp lệnh giới nghiêm ở địa phương, đã cho thấy hậu quả gây ra bởi một xã hội người lớn tỏ ra kỳ thị và bỏ rơi giới trẻ nói chung và giới trẻ không thuộc bản quốc nước này nói riêng.
Chứng băng hoại nơi măng mọc
Ngày 5/7/2002, Màn Điện Toán Zenit đã phổ biến một tín liệu là, theo bản thăm dò của Viện Đại Học Tel Aviv thì có 40% giới trẻ Do Thái và Palestine không tin vào hòa bình và không muốn trở về với việc thương thảo nữa. Con số này rất quan trọng, vì dân số Palestine gần một nửa ở dưới 14 tuổi, và dân số Do Thái có 1/3 là còn thuộc tuổi học đường. Cuộc thăm dò này được thực hiện bằng cuộc phỏng vấn 1.197 em 15 tuổi, trong đó có 645 em Do Thái ở Giêrusalem, và 552 em Palestine ở các trại tị nạn Ranallah và Bethlehem. Từ khi bắt đầu tình trạng intifada vào năm 2000 đã có 191 em trai dưới 15 tuổi bị giết chết, trong khi đó có 70% vị thành niên Palestine và 30% trẻ em Do Thái đang bị căng thẳng về những bạo loạn hiện nay. Nhà báo Guido Olimpo tờ Corriere della Sera ở Giêrusalem nói với Đài Vatican là thái độ của giới trẻ Do Thái và Palestine ở đây cũng dễ hiểu, vì “không còn hy vọng gì ở đây nữa, hòa bình đã chết mất rồi. Những hành động bạo lực của các nhóm Palestine, những cuộc tấn công của người Do Thái và các cuộc hành quân trong các Khu Vực, đã làm tiêu ma niềm tin tưởng mất rồi. Những cuộc thương thảo bị cho là mất giờ và chẳng đi đến đâu cả. Những phản ứng về thể lý cũng đã xẩy ra ở đây, như rùng mình và khó ngủ về đêm, nhất là trong số trẻ em Palestine. Những ai sống ở các trại tị nạn càng bị căng thẳng hơn nữa, bởi những cuộc chiếm đóng, những chiếc trực thăng và những chiếc xe tăng tầu bò. Giới trẻ Do Thái sợ ra khỏi nhà, đi trên xe buýt hay đi coi chớp bóng vì liều mình bị tấn công”.
Hậu quả của một xã hội bạo loạn từ trong gia đình đến ngoài xã hội ở khắp nơi trên thế giới từ hậu bán thể kỷ 20 tới nay cho thấy giới trẻ tỏ ra càng ngày càng chán chường, như trường hợp giới trẻ ở Trung Đông hiện nay, càng ngày càng chán sống, chẳng những bằng những nghiện hút cho siêu thoát cuộc đời vô nghĩa này được lúc nào hay lúc đó, mà thậm chí còn bằng cả việc tự hủy diệt mạng sống đang phơi phới của mình nữa. The Jackson Foundation là một cơ quan bất vụ lợi được thành lập với mục đích là để chỉ dẫn cho các phụ huynh, thày cô và chính giới trẻ biết về việc giới trẻ tử tự. Hội bất vụ lợi này mang tên của một con người trẻ, Jason Flatt, được thành lập từ ngày 16/7/1997, ngày con người trẻ 16 tuổi, yêu đời, lắm bạn, năng động này tự tử bằng khẩu súng 8 ly trong phòng ngủ của mình. Theo thống kê của hội giúp ngăn ngừa giới trẻ tự tử này thì tự tử là tác nhân thứ hai gây tử vong nhiều nhất cho giới trẻ từ 15 đến 19 tuổi, nhất là vào năm 1992; giới trẻ tự tử đã tăng gấp ba lần từ năm 1970; từ năm 1980, số giới trẻ từ 10 đến 14 tuổi tự tử tăng lên 128%; cứ 1 tiếng 45 phút là có một con người trẻ tự tử; trung bình mỗi năm có từ 5 đến 7 ngàn mạng sống trẻ bị tiêu vong vì tự tử; 60% học sinh trung học cho biết là đã có ý tưởng tự tử ít là một lần trong đời; giới trẻ tự tử bằng súng gần 70% trong năm 1990, con số tỉ lệ này tăng hơn 20% từ năm 1970.
Cải lão hoàn đồng
Nếu “tre già măng mọc” kiểu này thì không biết xã hội loài người sẽ đi về đâu, và giới trẻ có còn là tương lai của xã hội, là hy vọng của thế giới nữa chăng, hay trái lại, sẽ trở thành tai họa cho xã hội, trở thành tai ương xã hội?
Đó là lý do chúng ta cần phải xét lại kỹ lưỡng và toàn bộ vấn đề giáo dục. Trước hết, chúng ta cần phải để ý tới đối tượng của giáo dục là chính con người thụ huấn, với tất cả những yếu tố làm nên con người thụ huấn này là nhân vị, nhân phẩm và nhân cách của họ. Sau nữa, chúng ta cũng cần phải chú trọng tới tất cả mọi khía cạnh phát triển của con người thụ huấn này, về phương diện tâm sinh lý, tâm linh và luân lý. Sau hết, chúng ta còn cần phải tìm cách để làm sao thực hiện được việc giáo dục một cách thích đáng nhất, xứng hợp nhất và hiệu nghiệm nhất, tức thực hiện nghệ thuật giáo dục vậy, để có thể giúp con người thụ huấn thành nhân và vào đời. Tất cả những vấn đề vừa được liệt kê chúng ta sẽ bàn đến trong loạt bài về chủ đề giáo dục, loạt bài được mở đầu bằng đề tài “Giới Trẻ Tương Lai Xã Hội” đây.
Trong cuộc đời phục vụ giới trẻ của mình, với tư cách là một giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, cũng như với tư cách lãnh đạo một phong trào giới trẻ tại Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1990 tới nay, nhất là với tư cách làm cha của 3 người con, qua những gì tôi đã tận mắt chứng kiến thấy, tuy không nhiều nhưng cao cả, tuy âm thầm nhưng mãnh liệt, tôi cảm nghiệm thấy những điều rất chân thật sau đây: thứ nhất, giới trẻ hết sức khao khát chân thiện mỹ, khao khát hơn ai hết, tìm kiếm hơn ai hết; thứ hai, bởi vậy chúng rất cần có người dẫn dắt khôn ngoan và có uy tín, người chúng cảm phục và nghe theo; thứ ba, chúng có rất nhiều ưu tư và tâm sự cuộc đời, nhiều khi chúng cảm thấy hết sức bối rối và có những tâm tưởng hoàn toàn sai lạc một cách ngây thơ, cần chia sẻ và tâm sự với những ai chúng tin tưởng; thứ bốn, nếu không được hướng dẫn đàng hoàng, không tìm thấy một cố vấn tối cao khả tín, chúng sẽ đi tìm chân thiện mỹ ở những nơi hoặc ở những thứ hợp với bản năng hạ cấp, và sẽ chạy theo đam mê lăng loàn của chúng, những gì có thể đáp ứng những đòi hỏi tự nhiên cấp thời của chúng.
Với những cảm nghiệm này, tôi thâm tín rằng: giới trẻ chắc chắn sẽ là hy vọng cho loài người, là tương lai của xã hội, nếu người lớn chúng ta thực sự muốn trở nên những con người trẻ như chúngï, và vui vẻ tự động tìm đến với chúng, sống với chúng như những con người trẻ. Nhiều người quen thân với tôi, sau một thời gian xa cách, gặp lại tôi cách đây ít lâu, khen tôi là trẻ trung, tôi đã mỉm cười đáp lại: “Chắc là nhờ sống với giới trẻ đó”. Thật vậy, dù đáng tuổi cha tuổi chú của nhóm giới trẻ tôi đang phục vụ, nhưng tôi vẫn được chúngï gọi là “anh”, một tiếng “anh” chẳng những rất thân tình mật thiết mà còn rất trẻ trung yêu đời nữa. Đáp lại, tôi đã nhiều lần chân tình nói với các em là: “Cám ơn các em vẫn còn tiếp nhận một con người già đời như tôi!”. Tóm lại, đối với tôi, “cải lão hoàn đồng” chính là đường lối hay nhất để thấy được Giới Trẻ Tương Lai Xã Hội vậy.
(Bài ngày mai: Con Người Thụ Huấn)
Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 3: Bản Văn Liên Tôn Hồi Giáo và Công Giáo về Vấn Đề Khủng Bố và Hòa Bình
Hòa Bình bất khả tách biệt với công lý đòi phải làm trọn tất cả những gì quốc tế đòi hỏi
(Bản Văn Liên Tôn Hồi Giáo và Công Giáo về Vấn
Đề Khủng Bố và Hòa Bình)
Tiểu Ban Liên Hợp giữa Tiểu Ban
Thường Trực Al-Azhar Đối Thoại với Các Tôn Giáo Độc Thần và Hội Đồng Tòa Thánh
về Vấn Đề Đối Thoại Liên Tôn đã thực hiện cuộc họp thường niên của mình ở Cairô,
năm nay do Al Azhar al-Sharif chủ hội, vào những ngày 24-25/2/2003 cũng là ngày
23-24 tháng Dhu-I-Hijja năm 1423. Những vị hiện diện trong cuộc họp thường niên
này gồm có Sheikh fawzi al-Zafzaf, Tiến Sĩ Ali Elsamman, Tiến Sĩ Mustafa al-Shak
a, H.E. Nabil Badr, H.E. Fathi Marie, H.E. Đức Ông Michael Fitzgerald, H.E. Đức
Ông Marco Dino Brogi, Đức Ông Khaled Akasheh, Đức ông Jean-Marie Speich và Linh
Mục Daniel Madigan.
1. Đề tài chính để bàn giải là hiện tượng về khủng bố và trách nhiệm của các tôn
giáo trong việc đối đầu với nó. Sau đây là những điểm đã được nhấn mạnh đến
trong niên nghị này.
• Hai tôn giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo, loại trừ việc đàn áp và tấn công phạm đến
con người, cùng với việc vi phạm đến quyền sống hợp lý của mọi người cũng như
quyền được sống trong tình trạng an ninh và hòa bình.
• Các sách thánh nơi cả hai tôn giáo này phải được hiểu đúng với nội dung của
chúng. Việc tách rời những đoạn văn khỏi nội dung của chúng và áp dụng những
đoạn văn này để biện minh cho việc bạo động là trái với tinh thần của các tôn
giáo chúng ta.
• Phải cẩn thận phân biệt giữa các sách thánh và giáo huấn của tôn giáo chúng ta
với thái độ và các hành động gây ra bởi một số tín đồ của các tôn giáo này. Các
thẩm quyền tôn giáo có phận sự phải đưa ra việc dẫn giải chân thực về các sách
thánh, nhờ đó bảo toàn được hình ảnh thực sự của mỗi tôn giáo.
• Vì tầm quan trọng đối với việc hiểu biết xác đáng về tôn giáo của nhau, đề
nghị thực hiện những cuộc gặp gỡ để trình bày về tương quan tôn giáo, để chia sẻ
cảm nghiệm theo chiều hướng tôn giáo của nhau, cũng như để tạo cơ hội cùng nhau
suy tư về giáo huấn của một tôn giáo không phải là của mình. Những cuộc gặp gỡ
này còn có thể là những cơ hội cho những cuộc hội họp công cộng.
2. Tình hình hiện nay trở thành vấn đề cần thiết để Tiểu Ban Liên Hợp này suy
nghĩ về những hậu quả có thể xẩy ra về cuộc chiến tranh đe dọa Iraq. Tiểu Ban
này lên án việc sử dụng chiến tranh như đường lối để giải quyết những xung khắc
giữa các quốc gia với nhau. Chiến tranh là chứng cớ cho thấy nhiên loại đã thảm
bại. Nó gây ra tình trạng sát hại khủng khiếp mạng sống con người, tình trạng
thiệt hại nặng nề cho các cơ cấu căn bản của đời sống con người cũng như của môi
trường, tình trạng phân tán phần lớn dân chúng, và tình trạng bất ổn chính trị
hơn nữa.
Trong những hoàn cảnh hiện tại còn gây ra tình trạng căng thẳng giữa những người
Hồi Giáo và Kitô Hữu vì việc đồng hóa lầm lẫn về một số quyền lực Tây Phương với
Kitô Giáo cũng như quyền lực Iraq với Hồi Giáo.
Chúng tôi mạnh mẽ xác nhận là cần phải tránh những lưỡng chuẩn. Hòa bình không
thể tách rời công lý đòi phải làm trọn tất cả những gì quốc tế đòi buộc. Nguyên
tắc này áp dụng một cách tổng quát và bởi thế cũng áp dụng vào trường hợp của
cuộc xung khắc giữa Do Thái và Palestine. Việc giải quyết cuộc xung khắc này sẽ
góp phần vào việc giải quyết nhiều vấn đề còn lại ở Trung Đông.
Các phần tử Hồi Giáo của Tiểu Ban này đón nhận chính sách rõ ràng cùng với những
nỗ lực nhiệt tình của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc cổ võ hòa bình.
Các phần tử Công Giáo của Tiểu Ban này đã tỏ lòng cảm mến những nhà lãnh đạo Hồi
Giáo, trong đó có Grand Imam, Sheikh al-Azhar M. Sayyid Tantawi, vị đã dùng thẩm
quyền của mình lên tiếng bênh vực hòa bình.
3. Tiểu Ban Liên Hợp này đã được thông báo về hội nghị đã được tổ chức ở Vienna
Áo Quốc vào ngày 3/7/2002, trong đó Tiểu Ban Thường Trực Đối Thoại của al-Azhar
đã đề nghị về việc sửa soạn một bản hiến chương cho việc đối thoại liên tôn.
Trong bản hiến chương này, hai điểm có tính cách hết sức quan trọng cho việc đối
thoại sẽ là 1) việc loại trừ vấn đề tổng quát hóa khi nói về các tôn giáo và
cộng đồng của nhau, và 2) khả năng tự kiểm. Bản dự thảo này đã được Tiểu Ban
Liên Hợp này đón nhận.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu do Zenit phổ biến ngày 2/3/2003
Giáo Hoàng Biển Đức XVI- Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 1 - Hòa Bình trong Sự Thật
(Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006)
3. Đề tài tôi chọn để suy nghĩ trong năm nay là “Hòa bình trong chân lý”, một đề tài nói lên niềm xác tín là bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào con người nam nữ được soi động bởi ánh quang chân lý, thì, theo tự nhiên, họ mới bắt đầu thực hiện con đường hòa bình. Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”, được ban hành 40 năm trước đây vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, đã nói rằng loài người sẽ không thành đạt trong “việc xây dựng một thế giới thực sự nhân bản cho mọi người, mọi nơi trên trái đất, trừ phi tất cả mọi người được canh tân trong tinh thần và hướng về hòa bình đích thực” (khoản 77). Thế nhưng ý nghĩa thực sự của những lời “hòa bình đích thực” đây là gì? Để giải đáp một cách trọn vẹn cho câu hỏi này, chúng ta cần phải nhận thứ rằng hòa bình không thể trở thành việc thuần túy không xẩy ra tình trạng xung đột võ trang, song cần được hiểu là “hoa trái của một trật tự đã được vun trồng nơi xã hội loài người bởi Đấng Sáng Lập thần linh”, một trật tự “cần phải được nhân loại thực hiện theo nỗi khát khao có được một nền công lý trọn hảo hơn bao giờ hết” (cùng nguồn vừa dẫn, khoản 78). Là thành quả của một trật tự theo dự định và mong muốn của Thiên Chúa, hòa bình chất chứa một sự thật nội tại và bất khuất, tương ứng “với niềm trông mong và hy vọng không thể cầm hãm trong chúng ta” (John Paul II, "Message for the 2004 World Day of Peace," 9).
4. Được nhìn theo chiều hướng ấy, hòa bình trở nên như một tặng ân từ trời và là một ân sủng thần linh là những gì đòi hết mọi tầng lớp thi hành trách nhiệm cao cả nhất, đó là trách nhiệm làm cho lịch sử loài người – trong chân lý, công lý, tự do và yêu thương – hợp với trật tự thần linh. Bất cứ khi nào mất đi tính cách trung thành với trật tự siêu việt ấy, cũng như mất đi việc tỏ ra tôn trọng “cái văn phạm” của vấn đề đối thoại là lề luật luân lý phổ quát được in ấn nơi tâm can con người (Cf. John Paul II, "Address to the Fiftieth General Assembly of the United Nations," [5 October 1995], No. 3), bất cứ khi nào việc phát triển toàn diện con người và việc bảo vệ các thứ quyền lợi nống cốt của họ gặp trở ngại hay bị chối bỏ, bất cứ khi nào vô vàn con người ta bị buộc phải chịu đựng những thứ bất chính và bất công bất khả chấp, thì làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng sự thiện hòa bình được hiện thực? Những yếu tố thiết yếu làm nên sự thật của sự thiện ấy bị thiếu hụt. Thánh Âu Quốc Tinh đã diễn tả hòa bình là “transquillitas ordinis”, ("De Civitate Dei," XIX, 13), tức tình trạng quân bình về trật tự. Nói như thế là ngài có ý nói rằng một tình trạng nhằm giúp cho sự thật về con người được hoàn toàn tôn trọng và hiện thực.
5. Bởi vậy, người nào và cái gì có thể ngăn cản hòa bình xẩy ra đây? Thánh Kinh, nơi chính suốn sách đầu tiên của mình là cuốn Khởi Nguyên, đã cho thấy cái dối trá điêu ngoa được vang lên ngay khi mở màn lịch sử bởi một con thú có một miệng lưỡi chẻ ra, vật được Thánh Ký Gioan gọi là “cha của các sự dối trá điêu ngoa” (8:44). Dối trá cũng là một trong những tội được nói tới ở chương sau hết cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh đó là cuốn Khải Huyền, thứ tội đã ngăn cản thành phần dối trá vào Giêrusalem thiên quốc: “bên ngoài là… tất cả những ai yêu chuộng sự dối trá” (22:15). Dối trá có liên hệ với thảm trạng tội lỗi cùng với những hậu quả tai hại của nó, những hậu quả đã và còn tiếp tục có những tác dụng tàn phá nơi đời sống của cá nhân cũng như của chư quốc. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới những biến cố của thế kỷ vừa qua, thời điểm mà các chính sách ý hệ và chính trị cố ý muốn bóp méo sự thật và thực hiện việc khai thác cùng sát hại cả một số lượng kinh hoàng những con người nam nữ, tiêu diệt hết các gia đình và cộng đồng. Sau những kinh nghiệm như thế, làm sao chúng ta lại không thận trọng quan tâm tới những thứ dối trá trong thời đại của chúng ta đây, những thứ dối trá trở thành bối cảnh cho những viễn tượng đe dọa chết chóc nơi nhiều phần đất trên thế giới. Bất cứ một cuộc tìm cầu chân chính nào giành cho hòa bình đều cần phải được bắt đầu từ việc nhận thức rằng vấn đề sự thật và dối trá là mối quan tâm của hết mọi con người nam nữ; nó là những gì quyết định cho tương lai an bình của trái đất chúng ta đây.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh