GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 4/7/2006 TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN |
? Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 15.- Con Người Thụ Huấn
? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 4: Vấn đề khó khăn trong việc đối thoại với Hồi Giáo
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 2 - Dấn Thân cho Sự Thật
Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 15.- Con Người Thụ Huấn
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Yếu Tố Làm Người
N |
ếu con người, trước khi vào trần gian cần phải được thụ thai, cưu mang và sinh nở bởi cha mẹ thế nào thì trước khi thành nhân vào đời họ cũng cần phải được giáo dục, được thụ huấn để làm người như vậy. Thật thế, con người không phải chỉ là một hữu thể có diện mạo, vóc dáng và hình hài như con vật, biết di động, ăn uống, tiêu hóa, bài tiết, tuần hoàn và hô hấp như con vật, được sinh ra rồi chết đi như tất cả mọi sinh vật, mà còn có một cái gì “linh ư vạn vật” nữa, tức còn có một cái gì đó làm cho loài người nói chung và từng người nói riêng hoàn toàn trổi vượt hơn tất cả mọi vật trong vũ trụ hữu hình này, một cái gì đó vô giá không gì có thể sánh được và đánh đổi được, một cái gì làm cho con người nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông của vũ trụ.
Phải, cái “linh ư vạn vật” nơi con người đây là gì, nếu không phải, trước hết, là yếu tố hồn thiêng nơi bản tính của con người, một yếu tố làm con người có một sự sống nội tâm, với những sinh hoạt tâm lý, như suy nghĩ, lý luận và phán đoán bằng trí khôn, như ước vọng, chọn lựa và quyết định bằng ý muốn, như cảm nhận, hoài niệm và mong mỏi bằng ký ức, như thông đạt, bày tỏ và phản ứng bằng thái độ v.v.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, những sinh hoạt tâm lý ấy nơi con người, ngoài trường hợp bị khuyết tật về tâm trí như khù khờ, hay bị khuyết tật về tâm thần như điên khùng, nhiều khi làm cho con người đi đến chỗ hầu như mất cả nhân tính, với những tác hành chẳng khác gì con vật, tác hành theo luật rừng mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, như cướp của, giết người, hiếp dâm, thậm chí còn có những hành vi cử chỉ thua cả con vật nữa, như loạn luân, đồng tính làm tình v.v.
Đúng thế, những sinh hoạt nội tâm của con người được tỏ ra bằng những tác hành chẳng khác gì con vật hay thua cả loài vật ấy chứng tỏ con người “linh ư vạn vật” không phải chỉ có nguyên yếu tố khách quan là hồn thiêng, mà còn ở tại yếu tố chủ quan là nhân phẩm, nhân vị và nhân cách của con người nữa, những gì chứng tỏ con người thực sự là người và làm người, những gì mà những nhà giáo dục, như cha mẹ, thày cô và chuyên viên cố vấn không thể không biết đến, không chú trọng, nếu họ muốn chu toàn chức phận cao cả nhất trên đời của mình là giáo dục con người hậu sinh, một việc làm khó nhất trên trần gian. Nhân phẩm đây là không phải là phẩm chất của con người cho bằng là phẩm giá của con người. Nhân vị đây không phải là địa vị của con người cho bằng ngôi vị của con người. Và nhân cách đây không phải là cách sống của con người cho bằng tư cách của con người.
Nhân Phẩm Làm Người
Nhân Phẩm là một giá trị bẩm sinh, phổ quát và bất biến của con người. Nhân Phẩm là giá trị bẩm sinh của con người, do trời ban cho, chứ không phải xã hội thí cho con người cái giá trị đó, tức là chính vì họ là người, một loài có một bản tính phản ảnh thần linh và có tính cách linh thiêng cao cả vượt trên tất cả mọi sự hữu hình trên đời, nên họ có giá trị bẩm sinh đó, không ai được thay đổi giá trị bất biến này, lại càng không được vi phạm đến giá trị phổ quát này. Vì Nhân Phẩm là một giá trị phổ quát và bất biến của con người, nên cho dù con người có bị tật nguyền về thể lý, như què quặt đui mù, dị diện xấu dạng, hay về tâm trí, như ngu dốt điên khùng, đam mê nết xấu, thậm chí về cả luân lý, như gian ác xấu xa, hoang đàng tội lỗi v.v., cũng không ai được phép khinh thường họ.
Lịch sử của loài người đã phải mất cả bao nhiêu ngàn năm từ khi con người mới hiện hữu trên trái đất này mới ý thức được nhân phẩm thực sự của mình qua Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc công bố ngày 10/12/1948, với khoản thứ nhất như sau: “Tất cả mọi con người được sinh ra có tự do và bình đẳng về phẩm giá cũng như về quyền lợi”.
Bởi thế, trong lãnh vực pháp luật, công quyền phải trừng phạt phạm nhân chẳng những một cách xứng với nhân phẩm của họ, mà còn làm sao để cải tiến nhân cách của họ bằng hình phạt nữa. Bởi thế, tất cả những trại tập trung của Đức Quốc Xã thời Thế Chiến Thứ Hai, hay các trại cải tạo trong chế độ Cộng Sản sau Thế Chiến Thứ Hai, hoặc án tử hình ở hết mọi quốc gia trên thế giới từ trước đến nay v.v. đều là những gì phi nhân, phạm đến nhân phẩm cao quí. Đó là lý do, Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã ấn định ở khoản 4: “Không ai phải bị bắt làm nô lệ hay tôi mọi; tất cả mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ”, và ở khoản 5: “Không ai phải bị hành sử hay trừng phạt một cách tàn bạo hay dã man, nhục nhã và đê hèn”.
Trong lãnh vực y khoa, nhân phẩm còn bị hạ nhục khi con người được thụ thai bằng ống nghiệm, bằng những phương pháp truyền sinh ngoại nhiên, không phải do chính tác động yêu thương ân ái của cha mẹ. Cũng thế, nhân phẩm cũng bị làm nhục khi con người mắc bệnh bất trị bị giết chết một cách êm dịu với mục đích để loại trừ đi một gánh nặng cho xã hội.
Trong lãnh vực sinh hoạt xã hội, hà hiếp bóc lột nhau cũng là hành động phạm đến nhân phẩm. Lăng mạ xỉ nhục, nói hành nói xấu nhau cũng là những hành vi cử chỉ phạm đến nhân phẩm của nhau. Nghĩ xấu cho nhau hay nghi ngờ cho nhau những thứ xấu xa mà không có chứng cớ khả tín rõ ràng cũng phạm đến nhân phẩm của nhau. Chỉ tin mình mà không tin người cũng là thái độ không coi trọng nhân phẩm của nhau. Thái độ vơ đũa cả nắm cũng phạm đến nhân phẩm của những người vô tội bị oan lây bởi những hành động xấu của một số làm bậy. Trọng phú khinh bần cũng là thái độ xúc phạm đến nhân phẩm của người nghèo.
Thậm chí giầu sang phú quí đến độ tiêu xài một cách hoang phí, ăn không hết đổ đi, quần áo thời trang treo đầy cả tủ nay còn mặc mai đã thành đồ cổ bỏ đi, không để ý gì đến những người nghèo khổ chung quanh mình, cũng phạm đến nhân phẩm của thành phần bần cùng khốn khổ trong xã hội, thành phần không có đủ của ăn, áo mặc, nhà ở, thành phần rất cần đến những thứ thừa thải của họ để sống còn và hưởng dùng.
Gặp một người ăn xin ở đầu đường xó chợ, có thể giúp đỡ họ mà chẳng những không làm lại còn viện lý bênh vực cái ích kỷ của mình bằng ý nghĩ cho họ là con người lười biếng, không chịu làm ăn sinh sống, nên đáng kiếp, cũng là thái độ phạm đến nhân phẩm của con người đáng thương đó v.v. Nhân phẩm của con người không mất giá vì nghèo, nhưng có thể và rất dễ mất đi vì giầu sang phú quí.
Trong lãnh vực luân thường đạo lý, con người cũng có thể tự làm nhục nhân phẩm của mình khi bán thân làm điếm, vụng trộm ngoại tình, ăn trộm ăn cắp, rượu vào nói bậy, văng tục chửi thề, tham quyền cố vị, ỷ thế cậy quyền, ngang ngược lộng hành, đút lót hối lộ, nịnh bợ vuốt đuôi, ăn bám ỷ lại, “ném đá giấu tay”, “ăn độc chốc mép”, “cả giận mất khôn”, “giận cá chém thớt”, lẫn tránh trách nhiệm, sợ hãi chối quanh, gian lận lừa đảo, tranh giành cướp đoạt, “ăn cháo đái bát”, thất trung bội hứa, ngả theo chiều gió, nhỏ mọn chấp nhất v.v.
Trong lãnh vực giáo dục, những việc phạm đến nhân phẩm, làm mất nhân phẩm, hay hạ nhục nhân phẩm của con người thụ huấn đó là đánh phạt họ cho bõ tức, thậm chí đánh phạt họ một cách vũ phu như con vật; không tôn trọng những cá tính, khả năng và ước muốn chính đáng của họ; lo lắng quá đến cho rằng con cái đang lớn của mình không biết tự trọng, cứ phải kè kè canh chừng chúng, cái gì cũng cấm đoán chúng; vợ chồng cãi nhau trước mặt con cái, thậm chí đi đến chỗ ly dị bất kể đến ích lợi giáo dục của con cái cũng là những hành động phạm đến nhân phẩm của chúng.
Nhân Vị Làm Người
Nếu nói đến nhân phẩm là nói đến một yếu tố bẩm sinh, phổ quát và bất biến của con người, thì nói đến nhân vị là nói đến một yếu tố tuy cũng bẩm sinh, nhưng cá biệt và chủ quan nơi con người, một yếu tố làm cho con người nói chung không phải là một khối giống nhau, như nơi các loài sinh vật khác, loài thảo mộc cỏ cây hay loài động vật cầm thú, những loài có thể tạo sinh sao bản phi tính dục - cloning, mà là một yếu tố bất khả thiếu làm nên bản chất của xã hội loài người văn minh, một xã hội mà con người sinh sôi nẩy nở tràn lan mặt đất bởi tác động ý thức và yêu thương của mẹ cha, một xã hội do đó cần phải sinh động và hiệp thông bởi các phần tử có tự do của mình, thành phần vào đời để tích cực và chủ động góp phần xây dựng xã hội đồng loại, bằng tất cả khả năng cá nhân trời ban, theo trách nhiệm của mình cần phải đóng góp cho công ích.
Như thế, nói đến nhân vị là nói đến cá nhân, nói đến chủ thể, nói đến tự do, nói đến quyền lợi, nói đến trách nhiệm, nói đến yêu thương, nói đến hiệp thông. Có thể nói rằng, nếu không có yếu tố nhân vị không thể nào có được một xã hội loài người, hay dù cho có đi nữa, xã hội loài người nào làm mất đi yếu tố nhân vị là cốt lõi cho bản chất của mình này cũng không thể tồn tại, điển hình là chế độ cộng sản phi nhân.
Thật vậy, nói đến nhân vị là nói đến cái tôi theo nguyên tắc cũng như nói đến quyền sở hữu của tôi về phương diện thực tế.
Trước hết, nói đến nhân vị, về nguyên tắc, là nói đến cái tôi, một cái tôi chuyên biệt, một cái tôi độc nhất vô nhị trên đời, hoàn toàn không giống với bất cứ một cái tôi nào khác, một con người nào khác, từ khi có loài người hiện hữu trên mặt đất này cho tới năm cùng tháng tận của lịch sử trần gian. Bởi vì, nơi mỗi cái tôi, được xuất hiện và hình thành một cách có vẻ ngẫu nhiên, tức bởi một noãn sào độc nhất của người mẹ rơi rụng vào một lúc nào đó nơi tử cung của bà kết hợp với một tế bào tinh trùng duy nhất trong bao nhiêu triệu tế bào tinh trùng khác của người cha qua tác động sinh dục chất ngất ái ân của hai người, đều có một dung mạo tuyệt đối không giống ai, kể cả nơi những cái tôi được sinh đôi, sinh ba, đều có một chỉ tay hoàn toàn khác biệt, và đều có một giọng nói khiến cho những ai thân quen nhận ra họ liền chứ không phải ai khác v.v.
Chưa hết, nơi mỗi một cái tôi ấy, còn chất chứa những tâm tính thật là chuyên biệt, được gọi là cá tính, được bộc lộ qua những hành vi, cử chỉ và phản ứng hoàn toàn đặc thù, vì cái tôi ấy có những ý nghĩ, cảm nhận, phán đoán, ý thích và ước muốn hoàn toàn không giống ai, những gì làm nên con người tôi, con người anh, con người chị, con người em v.v.
Phải công nhận là nhân vị nếu được hiện thân rõ ràng nhất nơi dung diện của cái tôi thì nhân vị này còn được thể hiện sống động nhất nơi chủ trương của cái tôi cũng như nơi những chọn lựa của cái tôi.
Thật vậy, có lần tôi đã cảm nhận được một niềm vui không ít, khi thấy một thân chủ chậm phát triển trầm trọng của tôi, hầu như không biết đến những biến chuyển chung quanh, lần đầu tiên tỏ ra cái tôi của mình, với những cử chỉ tỏ ra tự ái, phản kháng lại những gì không hợp với mình.
Trong một buổi học hỏi vào mùa hè năm 2001 do tôi hướng dẫn, có một thanh niên giơ tay phát biểu là tại vì con người có tên gọi mà con người mới đi đến chỗ đánh nhau. Theo lập luận của con người trẻ này, nếu đừng mang danh Hồi Giáo, Kitô Giáo, Phật Giáo v.v. thì đâu có chuyện Hồi Giáo kỳ thị Kitô Giáo… Sau khi cho em biết là vì vật nào cũng cần phải có căn tính của mình, một tính chất cốt lõi làm nên vật đó khác với tất cả mọi vật khác, một căn tính được biểu lộ và diễn tả nơi tên gọi của vật ấy, tôi còn cho em biết thêm về tầm quan trọng của trách nhiệm nơi loài có tâm linh như con người. Ở chỗ, nếu xóa bỏ mọi tên tuổi đi thì lầm lỗi do một cái tôi chủ thể vô danh nào đó gây nên cả khối xã hội vô danh sẽ phải chịu trách nhiệm hay sao?
Nếu nhân vị, về chân dung, được hiện thân nơi cái tôi, thì về hoạt động, được thể hiện nơi quyền sở hữu của cái tôi. Bởi vì, nếu cái tôi là một cá thể chuyên biệt thì cái tôi này phải có những gì riêng tư, những gì cái tôi có thể nói và được quyền nói là “của tôi”, của riêng tôi, dù hình dạng và cấu tạo của những vật sở hữu nơi cái tôi này cũng chẳng khác gì của những cái tôi khác, như thân xác (cũng có đầu, mình và tứ chi như ai) của tôi, hay như cái đầu (cũng có tóc, mắt, tai, mũi, miệng như ai) của tôi v.v.
Có thể nói, nhân vị là cái tôi như ai không giống ai. Tuy nhiên, những cái sở hữu như ai ấy là của cái tôi này, chứ không phải của cái tôi kia, những cái sở hữu được bẩm sinh gắn liền với mỗi nhân vị ấy cần phải được cái tôi có chủ quyền coi sóc, bảo trì và phát triển.
Thế nhưng, chủ quyền của cái tôi này không phải là một chủ quyền tuyệt đối trên những gì cái tôi sở hữu, mà chỉ là một chủ quyền tương đối, một chủ quyền của cái tôi đóng vai quản lý cho vị chủ nhân ông tối cao là Tạo Hóa Chí Tôn, Đấng đã an bài sắp định như thế cho mỗi cái tôi cũng như cho chung xã hội loài người, những dự án và đường lối thần linh mà con người cần phải nhận thức, tuân theo và chu toàn.
Đó là lý do con người không được quyền tự sát nếu không có lý do chính đáng, như tự sát vì công ích, tự sát cho tha nhân. Đó cũng là lý do con người nhận lãnh để cho đi. Và đó cũng là lý do con người chỉ đạt đến và càng đạt đến tầm vóc làm người đích thực và toàn hảo của mình, khi không sống cho mình nữa mà là sống cho đời, trở nên một con người quốc tế, con người đại đồng, con người của mọi người và cho mọi người.
Tóm lại, nếu nhân vị được hiện thân nơi cái tôi, thì nhân vị được toàn hảo nơi tình yêu của cái tôi, một tình yêu chẳng những thăng hoa nhân phẩm con người nói chung mà còn viên mãn chính nhân vị nói riêng, nhất là lúc tình yêu nơi cái tôi nạn nhân bị xúc phạm này biết xót thương tha thứ. Những nhà giáo dục cần phải để ý đến yếu tố nhân vị nơi con người thụ huấn, bằng không, giáo dục sẽ bị phản chứng. Ở chỗ, thay vì uốn nắn con người thụ huấn trở thành cái tôi đích thực của họ, thì giáo huấn viên lại lấy những chủ trương và ý thích của mình mà cloning nhân vị thụ huấn ấy trở thành y hệt cái tôi của mình.
Nhân Cách Làm Người
Nhân cách đây, như đã xác định ngay từ đầu, không phải là cách sống của con người cho bằng tư cách làm người của họ. Thật vậy, vì mỗi người là một cá thể, có nhân vị riêng, với những cảm nhận khác nhau, có thể tỏ ra những tác hành, ngôn từ và phản ứng khác nhau, dù trải qua cùng một trường hợp, ở vào cùng một hoàn cảnh, nghe cùng một bài giảng, học cùng một trường, con cùng một cha mẹ v.v.
Thế nhưng, nói gì thì nói, làm gì thì làm, phản ứng ra sao thì phản ứng, đã là người, ai cũng phải tỏ ra ngôn hành của mình một cách có nhân cách, tức xứng với phẩm giá cao quí, phổ quát và bất biến nơi thân phận làm người của mình.
Vậy, căn cứ vào đâu để biết được con người đã hành sử hợp với nhân cách hay là một con người có nhân cách. Nói khác đi, để tỏ ra mình là người, chứ không phải thú vật, hay không phải bị chậm trí khôn hoặc mất tính người, con người phải sống động ra sao, phải có những hành vi cử chỉ ngôn từ phản ứng như thế nào họ mới thực sự sống xứng đáng với nhân phẩm làm người cao quí của mình, nếu không phải là làm lành lánh dữ, như nguyên tắc chung của chính lương tâm con người cũng là của những gì tất cả mọi đạo giáo trên đời truyền dạy con người sống.
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, con người làm sao biết được đâu là lành là dữ, và thế nào là lành là dữ để mà làm lành lánh dữ? Thực tế cho thấy, chính các đạo giáo cũng có những điều hơi mâu thuẫn với nhau về nguyên tắc chung này khi đi vào phần thực hành. Chẳng hạn, Ấn giáo tôn kính loài bò, và Phật giáo cấm sát sinh, trong khi Do Thái giáo lại đi sát tế loài vật, như giết chiên bò để tế lễ Giavê Thiên Chúa của họ. Tuy nhiên, có hai chân lý mà không một con người còn lương tâm chân chính có thể phủ nhận được.
Chân lý thứ nhất, đó là con người là một tạo vật được dựng nên mới có, chứ không phải là Tạo Hóa, là Đấng Tối Cao, Đấng Tự Hữu và Toàn Hữu, nên không ai toàn hảo, toàn năng, và toàn quyền, ở chỗ có thể tự quyết định mọi sự theo chủ quan của mình. Bởi thế, hệ luận của chân lý thứ nhất này là, về nhân phẩm, con người tạo vật chỉ là một viên quản lý trên tất cả những gì được trời ban cho riêng cái tôi nhân vị của họ để làm vốn sống cho họ, và họ phải làm sao để cái vốn liếng nhân vị này của họ sinh lợi cho công ích của chung xã hội loài người. Như thế, theo chân lý và hệ luận thứ nhất này, nhân cách của con người trước hết là ở chỗ thi hành đúng với phận vụ quản lý của mình đối với trời. Do đó, hễ bao giờ con người trọng cái tôi hơn công ích là họ đã trở thành lộng hành, như trong việc chán đời tự tử hay trong việc hưởng lạc phá thai, tức họ đã trở thành một con người thiếu tư cách, mất nhân cách, hay không sống đúng với nhân cánh làm người.
Chân lý thứ hai, con người được phát xuất từ xã hội, tồn tại với xã hội và phát triển nhờ xã hội. Bởi thế, hệ luận của chân lý thứ hai này là con người phải hiệp thông với xã hội, không bao giờ được tách rời xã hội bằng thái độ vị kỷ, hay lấn át xã hội bằng hành động tham lam. Luật vàng cho tất cả mọi con người sống chung trong xã hội có thể chẳng những tránh được tất cả mọi va chạm hay đụng độ quyền lợi của nhau, mà còn tỏ ra hết sức quí mến nhân phẩm và tôn trọng nhân vị của nhau, đó là, về phương diện tiêu cực, theo Khổng Giáo, đừng làm gì cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình, hay, về tích cực, theo Kitô Giáo, hãy làm cho tha nhân những gì mình muốn tha nhân làm cho mình. Tóm lại, yêu người như bản thân mình, “ái nhân như kỷ”, chính là căn bản của nhân cách làm người vậy, hay nói ngược lại, nhân cách đích thực của con người là ở chỗ yêu tha nhân như chính mình vậy.
Phải, công việc chính yếu của các nhà giáo dục là ở chỗ uốn nắn nhân cách của con người thụ huấn. Chính nhân cách của con người thụ huấn, chứ không phải nhân phẩm và nhân vị của họ, mới là những gì các nhà giáo dục được phép đụng tới. Thế nhưng, họ phải uốn nắn nhân cách của con người thụ huấn một cách xứng với nhân phẩm và hợp với nhân vị của con người thụ huấn, vì chính bản thân của những nhà giáo dục không phải là chủ tể của con người thụ huấn mà chỉ là thành phần giám hộ cho con người thụ huấn thôi. Như thế, chính khi thực hiện sứ mệnh và công việc giáo dục của mình đối với con người thụ huấn là con người giáo huấn được nên trọn hảo hơn, một khi họ biết nỗ lực hoàn tất vai trò quản lý viên của mình, tức vai trò giám hộ viên của họ trong việc trông coi một sản vật vô cùng cao qúi là chính những con người thụ huấn được trao cho họ với tư cách là cha mẹ hay thày cô để họ vun trồng và tưới bón cho đến khi con người thụ huấn thực sự đạt đến tầm vóc nhân vị làm người sống cho đời.
(Bài ngày mai: Bản Chất Con Người Thụ Huấn)
Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 4: Vấn đề khó khăn trong việc đối thoại với Hồi Giáo
Cha Maurice
Borrmans, giáo sư Viện Giáo Hoàng Nghiên Cứu về Ả Rập đã từng chủ động trong
việc đối thoại liên tôn với những người Hồi Giáo, qua một cuộc phỏng vấn được
Zenit phổ biến ngày 23/3/2003, đã cho biết về những khó khăn trong mối liên hệ
với Hồi Giáo như sau.
Vấn Hồi giáo cáo buộc Tây Phương là thiếu hiểu biết? Điều này có
đúng không?
Đáp Lời cáo buộc này có thể lật ngược và theo chiều hướng phản hồi.
Về khía cạnh này, tôi muốn nói đến một bài viết của Edward Said là người chủ
trương rằng chúng ta phải nói đến “cái đụng độ của tình trạng vô tri thức”. Để
thắng vượt điều này, người ta phải nhớ rằng những nỗ lực của cả đôi bên trong
việc hiểu biết nhau là nhờ những bản dịch chẳng hạn. Tuy nhiên, trong khi chúng
ta có nhiều bản dịch bằng các ngôn ngữ Aâu Châu của những tác phẩm chính về văn
hóa Ả Rập, thì lại có rất ít bản dịch bằng tiếng Ả Rập về những tác phẩm chính
thuộc gia sản Kitô Giáo. Có lẽ là vì bên người Hồi giáo có thể đi sâu vào các
thứ ngôn ngữ của chúng ta dễ dàng hơn và những bản văn có thể đọc bằng nguyên
ngữ. Hơn nữa, bên nào cũng muốn cho nhau biết về tôn giáo của mình ở những khía
cạnh tốt đẹp và thu hút, không muốn bình phẩm mình hay bình phẩm nhau.
Vấn Cha đang có ý nói về vấn đề phương pháp tìm hiểu các sách
thánh trân quí?
Đáp Đúng thế. Kitô hữu chúng ta thường dùng phương pháp bình luận
chẳng hạn trong việc học hỏi Thánh Kinh cũng là phương pháp thanh tẩy đức tin và
cảm nghiệm tôn giáo. Tuy nhiên, bên phía người Hồi Giáo thì chủ trương Koran là
một cuốn sách hoàn toàn được Allah phán và tỏ cho Mohammed, nên không thể áp
dụng phương pháp bình luận theo khoa học. Ngoài ra, những người Tây Phương chúng
ta bị cáo buộc là không có khả năng hiểu được chính cuốn Koran, dĩ nhiên là điều
không đúng. Đó là nguồn gốc của việc hiểu lầm giữa những vấn đề quan điểm khác
nhau. Siêu việt tính của Thiên Chúa đã được qui cho Koran, rồi cho xã hội và cho
lề luật Hồi Giáo. Với những đặc tính này thì việc đối thoại sẽ gặp khó khăn, trừ
phi chúng ta muốn nói về phẩm giá của con người, các quyền lợi và nghĩa vụ của
con người.
Vấn Chính quyền Saudi đang nói đến việc loại trừ thành phần cảnh
sát đặc biệt đóng vai trò buộc phải tôn trọng luật Koran ở ngoài đường phố. Cha
có nghĩ rằng Tây Phương phải công nhận cử chỉ này là một dấu hiệu tiến bộ hay
chăng?
Đáp Trong tất cả các nước Hồi Giáo thì Saudi Arabia là một kiểu mẫu
bất bình thường vì điều kiện của những người không phải là Hồi Giáo ở dưới những
gì có thể được đòi hỏi nhân danh quyền lợi con người. Nếu hiện nay nước này có ý
điều chỉnh kiểu mẫu của mình, bằng việc có lẽ loại bỏ đi cơ cấu tình nguyện viên
này thì tình hình có thể đổi thay. Tuy nhiên, nhu cầu quan trọng, nhu cầu đối
với nhiều người Hồi Giáo, vẫn là việc cập nhật hóa sách thánh của họ và truyền
thống lưu tồn của họ. Điều này có nghĩa là được quyền tự do bày tỏ. Lề Luật linh
thánh ở tất cả mọi chi tiết của mình hay chỉ ở các nguyên tắc của lề luật này
thôi? Đó là những vấn đề cần phải được giải quyết bằng việc đối thoại liên văn
hóa. Vấn đề còn đúng ở chỗ thành phần tha hương ở Aâu Châu hay ở Hiệp Chủng Quốc
có lẽ mang lại việc thích ứng với chiều hướng dân chủ và tính cách đa dạng.
Vấn Trong vấn đề đối thoại, phải chăng Tây Phương không được chú
trọng tới vấn đề hợp tác hơn là vấn đề xung khắc?
Đáp Chắc chắn xã hội của chúng ta phải xét lại lương tâm của mình.
Sau ngày 11/9/2001, vấn đề được thấy là thành phần hiểu biết hơn trong vấn đề
đối thoại liên văn hóa đã chứng tỏ cho thấy họ đã sốngvà truyền đạt niềm tin của
họ ra sao, và họ đã đánh giá niềm tin của những người khác như thế nào. Ở Âu
Châu chúng ta có những xã hội được dân chúng hóa, trong đó, có những phân biệt
rất rõ ràng giữa tôn giáo, chính quyền và luật pháp, và thực sự trong các quốc
gia của mình, chúng ta cũng có những thành phần thiểu số Hồi Giáo đủ loại khác
nhau, từ cấp tiến nhất đến cực đoan. Họ phát động những mục đích của họ trước
chiều hướng dân chúng hóa của chúng ta là chiều hướng không còn biết làm thể nào
để định vị chính mình, và họ thượng tôn một đạo Hồi Giáo có những thứ loại lỗi
thời đối với chúng ta; từ đó nẩy sinh ra những khó khăn trong việc hiểu biết lẫn
nhau. Đối với chúng ta thì đây vẫn còn là một lý do khác để hiểu biết lẫn nhau;
thế nhưng, nói cho chính xác hơn thì chiều hướng dân chúng hóa của chúng ta
không được làm cho chúng ta quá dung hợp với những người cực bảo thủ, lại càng
không được như thế khi một phần lớn những ai đang ở bên chúng ta đang có thể
sống một cuộc đời đạo đức riêng tư bằng một đường lối chung song không cố ý nhắm
đến việc Hồi Giáo hóa xã hội của chúng ta.
Vấn Vậy thì cần phải hiểu ở những thứ giá trị nào?
Đáp Tất cả các đạo Thiên Chúa giáo đều công nhận phẩm vị của con
người, thành phần phải tôn trọng các tạo vật và phát triển thế giới với lòng tôn
trọng dự án thần linh. Bởi thế, tất cả mọi lãnh vực về môi sinh làm nên một phần
của một thứ đối thoại cần phải được khai triển, cũng như vấn đề tôn trọng sự
sống, vấn đế những khám phá khoa học, vấn đề các thứ kỹ thuật. Tất cả những thứ
này thuộc về dự án thần linh. Khi để ý đến vấn đề cùng đích của lịch sử được qui
hướng về Thiên Chúa, theo tôi thì còn nhiều điều phải làm lắm.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Giáo Hoàng Biển Đức XVI- Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 2 - Dấn Thân cho Sự Thật
(Diễn từ ngỏ cùng Phái Đoàn Ngoại Giao dịp Tân Niên 2006 ngày 9/1)
Hòa bình, than ôi, đang bị trở ngại hay phá hãi hoặc bị đe dọa ở nhiều phần đất trên thế giới. Đâu là đường lối dẫn đến hòa bình? Trong Sứ Điệp tôi gửi cho Ngày Thế Giới Hòa Bình năm nay, tôi đã nói rằng: ‘Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào con người nam nữ được soi động bằng ánh quang chân lý, thì họ mới có thể bắt đầu con đường hòa bình’ (đoạn 3). Hòa Bình trong chân lý”.
Việc dấn thân cho sự thật là linh hồn của công lý.
Điểm thứ nhất đó là việc dấn thân cho sự thật là linh hồn của công lý. Những ai dấn thân cho sự thật không thể nào kại không loại trừ đi luật của sức mạnh là thứ luật bắt nguồn từ dối trá và rất hay thường gây thê lương cho lịch sử của con người, quốc gia cũng như quốc tế. Cái dối trá này thường tỏ mình ra như là chân lý, nhưng thực tế bao giờ nó cũng là những gì chọn lựa và có dụng ý, vị kỷ mưu đồ mạo dụng con người, để rồi cuối cùng khống chế con người. Những chế độ chính trị trong quá khứ, song không phải chỉ có trong quá khứ, đã là một điển hình xót xa về điều này. Ngược lại, có sự thật và sự trung thực là những gì dẫn đến việc gặp gỡ người khác, dẫn đến việc chân nhận và cảm thông: sự thật không thể nào không tỏa ra qua ánh quang nổi bật của mình – rạng ngời chân lý splendor veritatis; và lòng mến yêu sự thật tự bản chất là những gì hướng tới sự hiểu biết cũng như việc tái hữu nghị một cách chính đáng và vô tư không thiên vị, cho dù có khó khăn mấy đi nữa. ……
Điểm thứ hai tôi muốn nói tới là thế này: việc dấn thân cho sự thật là những gì thiết lập và củng cố quyền tự do. Cái cao cả đặc thù của con người trên hết là ở khả năng nhận biết chân lý. Và con người muốn biết sự thật. Tuy nhiên, sự thật chỉ có thể đạt được trong tự do. Điều này áp dụng cho tất cả mọi sự thật, như hiển nhiên thấy nơi lịch sử của khoa học; thế nhưng nổi bật nhất là những sự thật mà trong đó chính bản thân thực sự của con người lại đang gặp nguy hiểm, những sự thật về thần linh, những sự thật về thiện ác, về những mục đích cao cả và về chân trời của cuộc sống, về những liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Những sự thật này không thể đạt tới mà lại không mang lại thành quả sâu xa cho đường lối sống của chúng ta. Và một khi được tự do chiếm đoạt, chúng đòi hỏi một phạm vi rộng lớn của tự do, nếu chúng được sống một cách xứng hợp với hết mọi chiều kích của đời sống con người……
Giờ đây tôi sang tới điểm thứ ba, đó là việc dấn thân cho chân lý là những gì mở đường cho thứ tha và hòa giải. Cái liên kết cần thiết giữa hòa bình và việc dấn thân cho chân lý này đã làm xuất phát ra tình trạng chống đối như thế này, đó là những xác tín khác nhau về chân lý gây ra những thứ căng thẳng, hiểu lầm, tranh cãi, và nếu tất cả những tình trạng ấy càng trở nên nghiêm trọng hơn thì các niềm xác tín lại càng sâu xa hơn ở bên trong những tình trạng ấy. Theo giòng lịch sử thì những cái khác biệt ấy đã gây ra những cuộc đụng độ bạo lực, những cuộc xung đột về xã hội và chính trị, thậm chí những trận chiến tranh về tôn giáo nữa. Đó là sự thật không thể phủ nhận, thế nhưng, trong tất cả những trường hợp như thế, nó là thành quả của một chuỗi những nguyên nhân đồng phát chẳng dính dáng mấy hay chẳng dính dáng gì tới sự thật hay tôn giáo cả, mà do đó bao giờ nó cũng chỉ vì phương tiện được sử dụng không thích hợp với việc chân thành dấn thân cho chân lý hay với việc tôn trọng tự do theo đòi hỏi của chân lý. Đây là vấn đề liên quan tới Giáo Hội Công Giáo, liên quan tới những lầm lẫn trầm trọng xẩy ra trong quá khứ bởi một số phần tử của Giáo Hội cũng như bởi những tổ chức của Giáo Hội, Giáo Hội đã lên án những lầm lỗi ấy và đã không ngần ngại lên tiếng xin thứ tha. Điều này là những gì cần phải thực hiện theo đòi hỏi của việc dấn thân cho chân lý. …
Giờ đây, Thưa Quí Vị Lãnh Sự, tôi xin nói đến điểm cuối cùng: đó là việc dấn thân cho hòa bình mở đường cho những niềm hy vọng mới. Ở một nghĩa nào đó thì đây là điểm đúc kết tất cả những gì tôi nói tới. Con người có khả năng biết được sự thật! Họ có một khả năng liên quan tới các vấn đề quan trọng đối với hữu thể và tác hành: là một cá nhân và là một phần tử của xã hội, hoặc một nước hay toàn thể nhân loại. Hòa bình, những gì họ có thể và cần phải dấn thân cho, không phải chỉ là tình trạng im hơi lặng tiếng cuộc đụng chạm vũ khí; hơn thế nữa, nó là một thứ hòa bình có thể phấn khích những nghị lực mới trong các mối liên hệ quốc tế, những mối liên hệ trở thành phương tiện gìn giữ hòa bình. Thế nhưng, điều này có thể xẩy ra nếu những mối liên hệ ấy đáp ứng sự thật về con người và về phẩm giá của họ. Bởi thế mà người ta không thể nói về hòa bình ở những trường hợp con người thiếu thốn cả đến những nhu cầu căn bản nhất để sống xứng với phẩm giá của họ. Ở đây, tôi nghĩ tới vô vàn con người đang chịu đựng đói khổ. Không thể nói rằng họ sống trong hòa bình, cho dù họ không ở trong tình trạng chiến tranh: thật vậy họ là những nạn nhân bất khả tự vệ của chiến tranh. Ngay sau đó là những hình ảnh buồn thảm của các trại khổng lồ khắp thế giới cho những người di tản và tị nạn, thành phần sống trong những điều kiện hết sức cố gắng để thoát khỏi số phận tệ hại song vẫn sống trong cảnh thiếu thốn thảm khốc. Chẳng lẽ những con người này không phải là anh chị em của chúng ta hay sao? Con cái của họ không vào đời có cùng những niềm mong đợi được hạnh phúc như những đứa trẻ khác hay sao? Người ta cũng có thể nghĩ tới tất cả những ai bị những điều kiện sinh sống bất xứng buộc phải di tản xa nhà cửa và gia đình, ôm niềm hy vọng có được một cuộc sống nhân bản hơn. Chúng ta cũng không bỏ qua được nạn buôn người vẫn còn là những gì hổ ngươi ô nhục trong thời đại của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh