GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 7/7/2006

 TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 18.- Tác Hành Con Người 

?  Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 7: Cuộc Đối Thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo dưới con mắt của một phụ nữ Hồi Giáo

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 5 - Mùa Chay sống Sự Thật

 

 

? Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 18.- Tác Hành Con Người

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Con Người: Chiều Kích Siêu Linh 

 

C

on người hiện hữu là do bản tính và nhờ bản tính của họ. Nói cách khác, con người hiện hữu là vì con người có cả xác chất lẫn hồn thiêng, hai yếu tố làm nên hữu thể chuyên nhất của con người. Bằng không, con người chỉ là một con vật thuần thể hay là một linh vật thuần thần.

 

Thế nhưng, khi hiện hữu, chính vì là một con người, một con người hữu hình nhưng lại linh thiêng, mà con người tự nhiên cảm thấy mình bị chi phối bởi một chiều kích siêu linh, đến nỗi, nếu không sống theo chiều kích này, họ sẽ không sống trọn ơn gọi làm người của mình, tức sẽ không đạt đến cùng đích của mình, không đạt đến tầm vóc thành nhân trọn hảo của mình, trái lại, họ sẽ cảm thấy mình bị lạc loài, sống trong tình trạng bất an và bất hạnh v.v. Đó là lý do con người dù cảm thấy rằng “có thực mới vực được đạo” nhưng họ vẫn không thể phủ nhận là con người sống không phải để mà ăn nhưng ăn để sống, một chủ trương phản ảnh giáo huấn của Do Thái Giáo và Kitô Giáo: “Con người ta không nguyên sống bởi bánh, song còn bởi mọi lời phát ra từ miệng Thiên Chúa” (xem Mathêu 4:4; Deutoronomy 8:3).

 

Xác tín này được thể hiện sống động nhất nơi truyền thống chay tịnh và làm phúc bố thí của các tôn giáo, như Ấn Giáo, Phật Giáo, Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo v.v.

 

Thật vậy, chiều kích siêu linh nơi con người được thể hiện qua những tác hành luân lý của họ liên quan đến hai yếu tố, một khách quan là lương tâm của họ, và một chủ quan là chính nhân cách của họ. Tức là con người chỉ sống đúng với nhân cách của mình, tức chỉ nên người, chỉ sống hợp với thân phận làm người cao cả của mình khi sống theo lương tâm chân chính mà thôi.

 

Tuy nhiên, nói đến lương tâm chân chính là nói đến những nguyên tắc luân lý phổ quát chi phối tâm thức của mỗi người, hướng dẫn tác hành của mỗi người, và áp dụng cho tất cả mọi người, và những nguyên tắc luân lý mà đã là người, nếu không bị khuyết tật về tâm trí, thì bẩm sinh ai cũng cảm thức thấy, và không thể phủ nhận được sự hiện diện linh động nhưng lắm lúc kinh hoàng của chúng, cũng như không thể chối cãi được quyền thế tối thượng nhưng nhiều khi bị áp đảo của chúng, nơi cuộc đời của họ trong xã hội loài người.

 

Nói rằng “trong xã hội loài người” không có nghĩa là trước mặt người khác mình mới phải sống đúng với thân phận làm người, mới cần phải giữ những nguyên tắc luân lý phổ quát, còn ở một mình, như sống trong bóng tối, hay như trong tâm trí của mình, hoặc như ở trên một hoang đảo, thì không cần. Tại sao?

 

Bởi vì, đã là người thì ở đâu cũng là người chứ không phải là thú, nên không thể sống như hoang thú và hành động như hoang thú, không thể sống một cách phi nhân bản và phản nhân cách. Đó là lý do tội lỗi của con người không phải chỉ được thể hiện qua những hành động cụ thể của con người, như gian dâm, trộm cướp, giết người v.v., mà còn, trên hết và trước hết, ở ngay trong tâm trí kín đáo của con người là nơi không ai ngoài họ biết nữa.

 

Đó là lý do Vị Sáng Lập Kitô Giáo đã chẳng những xác nhận nguồn gốc của tội lỗi từ bên trong con người xuất phát chứ không phải từ bên ngoài con người đột nhập, khi dạy: “Không phải những gì vào miệng con người làm cho họ ra dơ nhớp song là những cái phát xuất từ miệng của họ” (Mathêu 15:11), mà còn khẳng định tội lỗi trước hết và trên hết ở ngay trong tâm trí con người, khi dạy: “Ai nhìn xem một người phụ nữ theo lòng nhục dục của mình thì đã phạm tội ngoại tình với người nữ ấy ngay trong tâm trí của họ rồi vậy” (Mathêu 5:28).

 

Con Người: Ý Hướng Tác Hành

 

Đúng thế, vì con người là một con vật chẳng những có lý trí mà còn có lương tâm nữa mà tất cả mọi tác hành của con người, dù tự bản chất của chúng là thể lý, như ăn uống, ngủ nghỉ, chơi đùa v.v., hay thuần tâm lý, như suy tư, ước muốn, tưởng tượng, cảm xúc v.v. đều là tác hành luân lý hay có tính cách luân lý.

 

Đó là lý do, vì là con người chứ không phải con vật, con người phải ăn uống một cách thanh cao, chứ không phải tham ăn và giành ăn như con vật, thấy của ăn là nhào vô, ăn hùng hục, ăn ngấu nghiến, thậm chí ăn thịt nhau khi quá đói.

 

Và cũng chính vì là con người mà họ phải có những cảm xúc nhân bản, ở chỗ thương người như thể thương thân, chứ không thể có những cảm xúc kỳ thị ghen ghét nhau và khinh bỉ nhau, những cảm xúc nhiều khi đi đến chỗ sống theo luật rừng mạnh được yếu thua như hoang thú, cá lớn nuốt cá bé, bằng những hành động hà hiếp bóc lột nhau, thậm chí sát hại nhau một cách dã man tàn bạo v.v.

 

Đến đây, chúng ta thấy yếu tố đầu tiên nơi tác hành của con người, yếu tố làm cho tác hành của con người nên thiện ác, tốt xấu là chính ý hướng của con người. Nhiều khi có những việc làm tự bản chất là tốt, chẳng hạn việc làm phúc bố thí, việc viện trợ nhân đạo v.v. nhưng đã trở thành xấu vì ý hướng của tác nhân.

 

Chẳng hạn viện trợ nhân đạo để nhờ đó chẳng những thải đi được những đồ dư thừa của nước mình, mà còn nhờ đó đi đến chỗ có thể đào mỏ thiên nhiên các nước chậm tiến, rồi từ từ âm thầm áp đặt chế độ tân thực dân đế quốc về kinh tế kỹ nghệ.

 

Trái lại, có những việc tự bản chất là sai quấy, cũng không thể biến thành thiện hảo vì con người có ý hướng tốt được.

 

Chẳng hạn, không phải vì chủ nghĩa cộng sản có ý hướng muốn làm cho xã hội loài người nên tốt hơn, tránh được tình trạng bất công thối nát trong xã hội gây ra bởi một thiểu số chủ nhân ông thuộc giai cấp phú hộ thuộc thời cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ 18 và 19, mà việc chế độ Cộng sản từ đầu thế kỷ 20 tới nay (còn ở một số nơi) không cho nhân dân có quyền sở hữu, hoàn toàn sống vô sản dưới quyền quản lý tuyệt đối của nhà nước, là việc làm chính đáng, tốt lành, hợp nhân bản và đúng với luân thường đạo lý.

 

Điển hình hơn nữa là luật cho phép phá thai, đồng tính hôn nhân và trợ an tử thuộc thế giới tư bản từ hậu bán thế kỷ 20 tới nay. Những khoản luật phi nhân bản và phản luân thường đạo lý vượt quá quyền hạn của bất cứ một con người nào, của bất cứ một quyền hạn nào ấy nơi xã hội con người phát xuất từ ý hệ duy thực dụng thiên về khoa học thực nghiệm và kỹ thuật tiện lợi, tức theo chiều hướng cái gì có lợi trước mặt và thực tế đều là những việc tốt nên được làm và cần làm.

 

Những khoản luật này, chẳng khác gì như luật cho phép dùng súng hiện nay ở Hoa Kỳ, một khoản luật thời trang, thay vì để tự vệ như còn trong thời chiến xưa kia, giờ đây, vì súng đã trở thành một món đồ thời trang, một món đồ chơi, con người đã đi đến chỗ toàn dùng súng để đi giết nhau, tới độ người ta nhìn nhau một cách ngờ vực, kiểm soát nhau một cách chặt chẽ, nhất là ở những nơi công quyền (các cơ sở tiểu bang liên bang chẳng hạn) hay công cộng (các phi trường chẳng hạn).

 

Vì trái khuấy và phản nghịch với luân lý là yếu tố nền tảng cho nền an sinh xã hội loài người, những khoản luật này, hay những khoản luật “ý dân là ý trời”, đúng hơn “ý dân át ý trời” tương tự khác, thực sự đã làm cho xã hội loài người càng tân tiến lại càng trở nên băng hoại hơn bao giờ hết, lại càng bị phá sản về văn hóa hơn bao giờ hết, lại càng lộn xộn hơn bao giờ hết.

 

Nạn khủng bố hữu thần đã xuất hiện khắp thế giới hiện nay đang thay thế cho nạn Cộng sản vô thần phải chăng là một tiếng súng lệnh báo động khẩn cấp cho vở hài kịch “đóng khố đi giầy tây” này của xã hội văn minh nhưng sa đọa của loài người sắp sửa tới lúc cần phải hạ màn…

 

Con Người: Cách Thức Tác Hành

 

Chưa hết, yếu tố tác hành của con người liên quan đến tính cách cũng như đến nguyên tắc luân lý phổ quát chẳng những lệ thuộc vào ý hướng của con người, cũng như vào bản chất của việc làm, mà còn lệ thuộc vào cả phương tiện tác hành nữa. Thiếu một trong ba yếu tố này thì bất cứ việc làm nào của con người cũng không phải là việc tốt, tức việc hợp với luân thường đạo lý, việc hợp với nhân phẩm và nhân cách của con người. Nghĩa là, dù việc làm tự bản chất là tốt, và dù người làm có ý hướng tốt, nhưng cách làm không tốt, không thích hợp, không hợp tình hợp lý, thì việc làm ấy của con người cũng vẫn là một việc xấu, vẫn được kể là một việc phi nhân bản, phản luân thường đạo lý.

 

Chính yếu tố thứ ba này nói lên mức độ khôn ngoan của con người, tức mức độ trưởng thành của con người. Con người khờ dại là con người liều lĩnh, con người bất chấp thủ đoạn, con người dục tốc bất đạt, con người cả giận bất khôn v.v. Bởi thế, chính yếu tố thứ ba này cũng cho thấy cả tâm linh lẫn nhân cách của con người, cho thấy họ có thực sự ý thức được bản thân của họ, trách nhiệm của họ đối với công ích hay chăng, một ý thức tâm linh được thể hiện qua nhân cách họ tỏ ra khi giao tiếp và đối xử với tha nhân của họ trong xã hội.

 

Về yếu tố thứ ba liên quan đến cách thức này nơi tác hành của con người, yếu tố liên quan đến mức độ khôn ngoan của con người đây, chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất qua những gì đã xẩy ra trên thế giới bấy giờ, vấn đề hết sức sôi bỏng, một vấn đề có thể liên quan đến cả vận mệnh thế giới, một vấn đề mà cả một Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, qui tụ toàn những cường quốc nhất trên thế giới, như Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc, Nga, Pháp và Tầu, sau gần hai tháng trời, (từ ngày 12/9/2002, ngày tổng thống Bush trình bày cùng Liên Hiệp Quốc về vấn đề giải giới Iraq cho tới lúc tôi đang viết bài này vào sáng Thứ Tư 6/11/2002 đây), mà vẫn còn đang luẩn quẩn tiến thoái lưỡng nan liên quan đến cách thức để làm sao có thể giải giới nhà độc tài tàn bạo Saddam Hussein ở Iraq: một là thực hiện việc kiểm soát vũ khí đã, sau đó nếu cần mới tính đến chuyện dùng võ lực, như giải quyết của Pháp, hai là Iraq trước hết phải đối diện với những vi phạm của mình, bằng không sẽ chịu hậu quả trừng trị quân sự, như giải quyết của Mỹ.

 

Đặt trường hợp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không chấp thuận giải pháp của Hoa Kỳ, tức giải pháp của Hoa Kỳ không được 9/15 phiếu thuận của các nước hội viên trong hội đồng này và không bị một phiếu veto nào của 5 nước chính trên đây, mà Hoa Kỳ cứ ngang nhiên dùng võ lực tấn công Iraq, thì việc giải giới của Hoa Kỳ này có chính đáng hay chăng, dù ý đồ của Hoa Kỳ được chủ quan cho là tốt lành đi và việc giải giới bởi thế cũng được cho là khẩn thiết đi?

 

Vấn đề “không chính đáng” không phải chỉ vì vấn đề đa số thắng thiểu số mà là vì vấn đề nguyên tắc và đường lối phản luân thường đạo lý của hành động này. Chẳng thế mà dân chúng trên thế giới đã xuống đường phản đối ở Luân Đôn thủ đô Hiệp Vương Quốc, một cuộc xuống đường chống chiến tranh với trên 150 ngàn người, chưa từng có trong lịch sử Âu Châu, cũng như ở Rôma thủ đô Ý Đại Lợi vào ngày Thứ Bảy 28/9/2002, và ở Bá Linh thủ đô Đức Quốc, Amsterdam thủ đô Hòa Lan, Tokyo thủ đô  Nhật Bản, San Farancisco và Nữu Ước Hoa Kỳ, và Baghdad thủ đô Iraq ngày Thứ Bảy 26/10/2002 v.v. với các bảng chữ như “no blood for oil”. Chưa hết, dự án này của Hoa Kỳ còn bị các cộng đồng Kitô Giáo nói chung và Công Giáo nói riêng mạnh mẽ lên tiếng phản đối, không phải là vì cộng đồng Kitô Giáo này bênh vực cá nhân Saddam Hussein, cho bằng bênh vực công lý, tức muốn bảo vệ cả công ích lẫn bao nhiêu là mạng người vô tội khỏi bị tàn sát bởi một cuộc chiến bất chính, một cuộc chiến tranh nhân danh công lý để làm thịt công ích.

 

Thật vậy, nếu Người Việt chúng ta không chấp nhận hành động của binh lính Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam trước kia đã có những lần bắn bừa vào nhà dân, như ở Nhà Đá Dốc Truông thuộc tỉnh Bình Định, Qui Nhơn như tôi đã được chứng kiến bấy giờ, chỉ vì họ tình nghi có Việt cộng ẩn nấp trong những ngôi nhà đó, để phòng ngừa cho chính họ khỏi bị Việt cộng nằm vùng tấn công, như đã từng xẩy ra cho họ trước đó, và hậu quả bắn đại vào những ngôi nhà bên đường này quả thực đã làm chết oan không ít dân lành Việt Nam vô tội, thì chúng ta liệu có thể chấp nhận việc Hoa Kỳ tự động dùng võ lực tấn công vào nước Iraq, với cùng những lý do tình nghi và lo sợ tương tự như thế hay chăng? 

 

Con Người: Giáo Dục Tác Hành

 

Như thế, tác hành của con người quả thực là tốt là tác hành, về chủ quan, phải hợp với nhân phẩm và nhân cách làm người của mình, và về khách quan, phải đúng với lương tâm chân chính của con người, tức về thực hành phải hợp các nguyên tắc luân thường đạo lý phổ quát liên quan đến chẳng những bản chất của việc làm mà còn đến cả ý hướng và cách thức của người làm nữa. Con người đạt đến chân thiện mỹ là ở chỗ này, ở chỗ giữ trọn vẹn ba yếu tố luân lý này. Trước hết, về bản chất việc làm liên quan đến sự thật, con người biết phân biệt chân giả đúng sai; sau nữa, về ý hướng làm việc liên quan đến sự thiện, con người biết chọn lành bỏ dữ; và sau hết, về cách thức làm việc liên quan đến sự mỹ, con người biết hành sử khôn ngoan khéo léo.  

 

Giáo dục con người là làm sao giúp cho thụ huấn nhân tác hành xứng với nhân phẩm là người và nhân cách làm người của họ. Và để cho thành phần thụ huấn nhân có thể tác hành như một con người tập sự thành nhân để rồi cuối cùng tiến đến chỗ thật sự thành nhân, phải làm sao giúp cho họ nắm vững được ba vấn đề trực tiếp liên quan đến những nguyên tắc luân lý phổ quát vừa được tóm gọn trên đây. Tức là giúp cho thành phần thụ huấn nhân: “trước hết, về bản chất việc làm liên quan đến sự thật, biết phân biệt chân giả đúng sai; sau nữa, về ý hướng làm việc liên quan đến sự thiện, biết chọn lành bỏ dữ; và sau hết, về cách thức làm việc liên quan đến sự mỹ, biết hành sử khôn ngoan khéo léo”.

 

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, giáo dục dầu sao cũng chỉ là một phương pháp hỗ trợ cho việc con người thành nhân mà thôi. Đó là lý do, có những cái giáo huấn nhân cho là phải là đúng, là thiện là tốt, là hay là khéo, thụ huấn nhân lại không hiểu được như vậy, nên không chấp nhận, không làm theo, khiến giáo huấn nhân lấy làm bực mình giận dữ, thậm chí chán nản thất vọng. Vẫn biết đôi khi có những cái lỗi thời hay cực đoan nơi thành phần giáo huấn nhân, nhưng không phải là tất cả, nếu giáo huấn nhân luôn tha thiết yêu thương và tôn trọng thụ huấn nhân, chỉ một lòng lo đến lợi ích xứng hợp với nhân vị của thụ huấn nhân.

 

Bởi thế, thực tế còn cho thấy thụ huấn nhân còn phải tự mình nghiệm thấy những gì xẩy ra cho họ nữa, hay còn phải được trường đời dạy cho nữa, nhất là những gì liên quan đến giáo huấn họ đã được thành phần giáo huấn nhân yêu thương truyền đạt cho, bấy giờ họ mới cảm thấy thấm thía, cảm thấy thâm tín, cảm thấy “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”.

 

Kinh nghiệm trường đời này cho thấy sự thật là chính thực tại cần phải được mỗi người tự cảm nghiệm hơn là một mớ giáo huấn hay lý thuyết cần phải được hiểu biết, nhớ lấy và tuân giữ, một cảm nghiệm làm nên chính tâm linh con người, tức làm cho con người từ từ ý thức được bản thân mình, giá trị nhân bản và ý nghĩa cuộc đời, nhờ đó mỗi ngày một đồng hóa với sự thật, một sống trọn lành và khôn ngoan hơn.

 

Nếu con người chỉ đạt đến tầm vóc thành nhân của mình nơi chân thiện mỹ, qua việc nhận biết đúng sai, chọn lành bỏ dữ và tác hành khôn ngoan, thì sự thật mà con người thụ huấn nhân nói riêng và con người ở mọi lứa tuổi nói chung cần phải nhận biết, cần phải được giáo huấn nhân dạy cho biết, cần phải học biết từ trường đời đây là chính thân phận làm người của họ: tôi từ đâu đến, sống để làm gì, chết rồi ra sao v.v. để rồi, từ sự thật được tâm linh con người ý thức này, sự thiện mới trở nên sáng tỏ trong sinh hoạt tâm lý của họ, tức trong việc họ tìm kiếm và chọn lựa sự thiện trên hết và trước hết mọi sự đó là công ích, là tình đoàn kết, là hạnh phúc nhân quần, nhờ đó, từ họ mới phát tỏa ra sự mỹ làm cho nhân cách của họ trở nên khả kính khả ái, làm cho nhân vị của họ trở thành ấn tượng mãnh liệt, như một Mẹ Têrêsa Calcutta, vì họ sống động bằng cách chỉ biết cho đi hơn nhận lãnh, chỉ biết phục vụ hơn hưởng thụ, chỉ biết trở nên mọi sự cho mọi người. 

 

(Bài ngày mai: Nghệ Thuật Giáo Dục)

 

 

TOP

 

 

 ? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 7: Cuộc Đối Thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo dưới con mắt của một phụ nữ Hồi Giáo

Có nhiều phụ nữ học ở các đại học tòa thánh, (nhưng rất hiếm là Hồi Giáo), trong đó có Lejla Demiri, một sinh viên đang học thần học Kitô giáo ở Đại Học Đường Gregorian, người đã đồng ý chia sẻ với Zenit về việc chị thấy như thế nào đối với Kitô Giáo và Hồi Giáo cũng như với cuộc đối thoại giữa hai tôn giáo này.

Chị có bằng cử nhân và cao học về thần học Hồi Giáo ở Đại Học ở Marnara, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ. Chị đang trình luận án tiến sĩ ở đó. Chị đã học thần học ở Đại Học Thánh Tôma Aquinas, the Angelicum. Cảm tưởng của chị là chị không hiểu được tại sao người ta lại phê phán tôn giáo của chị: “Thành thực mà nói, tôi thật sự không hiểu được tại sao là một phụ nữ Hồi Giáo tôi lại bị áp đảo”.

Vấn     Tại sao chị tới Rôma để học về Kitô Giáo?

Đáp     Tôi đã bắt đầu một cuộc nghiên cứu về hàn lâm trực tiếp liên quan tới Kitô Giáo. Bởi thế, đối với tôi, nơi hay nhất cho việc học hỏi Kitô giáo này là Rôma.

Quí vi có thể hỏi tôi rằng điều gì đã khiến tôi quyết định thực hiện cuộc nghiên cứu về Kitô Giáo? Đúng thế, tôi có thể nói rằng câu trả lời đơn giản cho vấn đề này đó là bối cảnh cuộc đời của tôi. Tôi xuất thân từ Macedonia, nơi mà những người Kitô hữu Chính Thống và Hồi Giáo sống chung với nhau trong cùng một xã hội, và tôi đã sống lâu ở Croatia nơi đa số là Công Giáo. Bởi vậy, khi để ý tới bối cảnh cuộc đời của mình, tôi dễ thấy được câu trả lời cho vấn đề này.

Đó là lý do, sau khi tôi đã học thần học Hồi Giáo ở Istanbul, tôi đã quyết định dấn thân học về thần học Kitô Giáo, và như tôi đã đề cập tới nơi tốt nhất để làm điều này đó là ở tại Rôma.

Ngoài hoạt động và nghiên cứu về hàn lâm ở Đại Học Đường Gregorian của tòa thánh, tôi cũng đã có dịp sống ở một cộng đồng Kitô giáo, đó là Trung Tâm Giáo Dân ở Foyer Unitas, để chia sẻ đời sống hằng ngày với các thân hữu bạn bè Kitô giáo, những người đã giúp tôi có được những minh thức.

Vấn     Là một phụ nữ Hồi Giáo, chị nghĩ cái khó khăn nhất nơi cuộc đối thoại giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo là gì?

Đáp     Trước hết, tôi không gọi đó là một cuộc đối thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, mà là giữa những người Kitô Hữu và những người Hồi Giáo. Chính con người ta thực hiện việc đối thoại, những phần tử thuộc hai tôn giáo này, chứ không phải là hai tôn giáo làm điều ấy.

Là một phụ nữ Hồi Giáo, tôi nghĩ rằng, đặc biệt cần phải có việc đóng góp của nữ giới vào việc đối thoại này. Mặc dù tôi không muốn cho đó như là một cái gì kỳ thị, song tôi vẫn chủ trương rằng chiều kích nữ giới sẽ góp thêm những khía cạnh tích cực vào nỗ lực đối thoại, nhất là cuộc đối thoại hằng ngày, nói cách khác, cuộc đối thoại trong cuộc sống.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất người ta có lẽ sẽ phải chạm trán nhiều nhất trong lãnh vực này đó là vấn đề thiên kiến. Bởi thế, tôi có thể nói rằng điều kiện tiên quyết cho việc đối thoại là ở chỗ tương kiến.

Nhiều thứ ghen ghét và hận thù có thể rõ ràng thấy được đã phát xuất từ từ việc thiếu hiểu biết và vô ý thức. Tôi có thể trưng dẫn một trong những thành kiến và lầm tưởng chúng ta thường thấy. Tiếc thay, thành phần nữ giới Hồi Giáo, ở lãnh vực truyền thông đại chúng, rất thường được cho như là bị đàn áp và là đối tượng của bạo hành.

Vấn     Chị làm sao giải thích được rằng Hồi Giáo không bạo động?

Đáp     Đáng buồn thay, cả về điều này nữa, chúng ta thấy lãnh vực truyền thông rất thường được song hành với vấn đề khủng bố, và những người Hồi Giáo với những tay khủng bố. Điều này thật sự đã làm méo mó và lu mờ thực tại của nó, nhất là tạo nên những thành kiến sai lầm.

Là một người Hồi Giáo, khi nghĩ về hòa bình và tôn giáo, tôi luôn bao giờ cũng nghĩ đến ý nghĩa của “Hồi Giáo” theo chiều hướng này. “Hồi Giáo” tức là “tùng phục Thiên Chúa”, một chữ có căn ngữ Ả Rập “s-l-m” nghĩa là “hòa bình”.

Ngoài ra, “Sâlam”, hòa bình, là một trong 99 danh xưng của Thiên Chúa theo truyền thống của người Hồi Giáo. Hết mọi người Hồi Giáo đều kết thúc 5 buổi cầu nguyện hằng ngày bằng kinh nguyện ngắn này: “Ôi Thiên Chúa, Ngài là hòa bình; hòa bình từ Ngài mà có”.

Thêm vào đó, nơi một trong những lời mình nói Tiên Tri Muhammad đã bảo rằng: “Các người sẽ không được vào thiên đàng trừ khi các người tin tưởng; và các người sẽ không phải là những tín đồ thực sự trừ phi các người yêu thương nhau”.

Bởi thế, Hồi Giáo, một tôn giáo có thể được định nghĩa như là một tôn giáo của hòa bình, khiển trách các phần tử của mình rằng không thể nào hoàn trọn thực sự đức tin và niềm tin của mình nếu không tuân giữ và cổ võ hòa bình.

Liên quan đến vấn đề này, tôi cũng xin nói rằng một trong những yếu tố thiết yếu trong việc hiểu biết lẫn nhau và đối thoại với nhau đó là tránh đi tất cả những gì tổng quát hóa một cách gọn ghẽ, vì ngày nay không có tôn giáo nào là nguyên vẹn cả; mỗi một đạo giáo đều chất chứa nơi mình cái tính chất đa biệt về tư tưởng cũng như về việc dẫn giải.

Nói cách khác bao giờ cũng có cái đa tính nơi việc tự hiểu biểu trong hết mọi truyền thống và văn hóa. Chẳng hạn, như có nhiều cái khác nhau giữa Kitô hữu ở phần đất này trên thế giới với những người sống ở những phần đất khác, cũng thế có nhiều cái đa dạng giữa những người Hồi Giáo ở các địa dư khác nhau.

Hơn nữa, thật là vô lý khi lấy một số vấn đề ở một xứ sở nào đó để gán chúng vào Hồi Giáo hay Kitô Giáo, hơn là xét tới những yếu tố về chính trị, kinh tế xã hội, chủng tộc hay những yếu tố khác.

Tóm lại, thay vì vơ đũa cả nắm về con người của một tôn giáo nào đó để rồi vẽ thành một bức tranh toàn diện, thì cần phải chú ý tới cả sự kiện liên quan đến tính cách đa biệt và đa dạng nữa.

Vấn     Chị hoạch định tương lai của chị ra sao sau khi học hỏi ở Rôma?

Đáp     Dự án đẹp nhất của tôi trong tương lai đó là dạy giảng và đóng góp vào việc cổ võ việc đối thoại liên tín giữa những người Hồi Giáo và Kitô Giáo với tư cách là một học giả.

Tôi hy vọng những thứ nghiên cứu tôi đã học hỏi nơi cả thần học Hồi Giáo và Kitô Giáo, bối cảnh cuộc đời của tôi, và những kinh nghiệm sống của tôi sẽ giúp tôi hoàn thành những dự án này của tôi.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 3/6/2004

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 5 - Mùa Chay sống Sự Thật

(Huấn Từ cho Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư Lễ Tro 1/3/2006)

Đời sống của Kitô hữu là một đời sống đức tin, được đặt nền tảng trên Lời Chúa và được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Trong các cơn thử thách của cuộc đời và ở mỗi một chước cám dỗ, cái bí mật chiến thắng là ở chỗ lắng nghe Lời chân lý và cương quyết loại trừ cái gian dối của sự dữ.

Đây là chương trình chân thực và chính yếu của Mùa Chay: đó là lắng nghe Lời chân lý, sống động, nói năng và thực hiện chân lý, loại trừ những thứ dối trá đầu độc nhân loại và mở cờ cho tất cả mọi thứ sự dữ. Bởi thế, trong 40 ngày này, cần  phải lằng nghe một lần nữa Phúc Âm, Lời Chúa, Lời chân lý, nhờ đó, nơi hết mọi Kitô hữu, nơi mỗi một người trong chúng ta, cái ý thức ấy đươc củng cố về sự thật được ban bố, về sự thật Người đã ban cho chúng ta, để sống sự thật ấy và trở thành chứng nhân của Người.

Mùa Chay là mùa phấn khích chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấu nhập đời sống của chúng ta, nhờ dó chúng ta biết được sự thật nền tảng này, đó là sự thật chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, chúng ta sẽ đi đâu, chúng ta cần phải đi theo con đường nào trong cuộc đời của chúng ta. Như thế Mùa Chay cống hiến cho chúng ta một cuộc hành trình khổ hạnh và phụng vụ, một cuộc hành trình, khi giúp chúng ta mở mắt mình ra trước những yếu hèn của mình, giúp chúng ta mở lòng mình ra cho tình yêu nhân hậu của Chúa Kitô.

Trong việc đem chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa, cuộc hành trình Mùa Chay còn giúp cho chúng ta thấy anh chị em mình cùng với các nhu cầu của họ bằng đôi mắt mới mẻ. Ai bắt đầu thấy được Thiên Chúa, chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, thì thấy được anh chị em mình bằng đôi mắt khác, khám phá ra anh chị em mình, sự thiện của mình, sự dữ của mình, nhu cầu của mình.

Đó là lý do, Mùa Chay, vì là thời gian lắng nghe sự thật mà nó là một thời điểm thuận lợi để trở về với tình yêu, vì sự thật sâu xa này – sự thật về Thiên Chúa – đồng thời cũng là tình yêu. Một tình yêu có thể mặc lấy thái độ thương cảm và xót thương của Chúa, như tôi muốn nhắc nhở trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, một sứ điệp có chủ đề là những lời Phúc Âm: “Khi Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng thì Người động lòng thương hại họ” (Mt 9:36). 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ