GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 8/7/2006

 TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 19.- Nghệ Thuật Giáo Dục 

?  Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 8: Những bóng tối của trào lưu cực thủ Hồi Giáo

?  Fatima: Đạo Binh Dàn Trận - với Vị Giáo Hoàng “Đừng sợ”

 

 

? Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 19.- Nghệ Thuật Giáo Dục

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Giáo Dục: Bản Chất và Tác Dụng  

 

C

ó thể nói trong tất cả những việc làm của con người trên đời, ngoại trừ những việc siêu linh về tín ngưỡng trực tiếp liên quan tới vấn đề tin tưởng Thượng Đế, tôn thờ Đấng Tối Cao, không việc gì cao trọng và hệ trọng cho bằng việc giáo dục con người. Trước hết, bởi vì, về bản chất cao trọng, việc giáo dục đụng đến chính tâm linh con người, đến tinh thần của con người, đến một lãnh vực mà khoa học và kỹ thuật tối tân mấy đi nữa cũng không làm gì được, và đến một lãnh vực theo đuổi con người cho tới khi họ qua đời chứ không phải chỉ trong thời gian họ chưa thành nhân. Sau nữa, bởi vì, về hậu quả hệ trọng, giáo dục còn liên quan đến vận mệnh chung của cả một dân tộc hay xã hội loài người nữa, ở chỗ, một xã hội mất giáo dục hay vô giáo dục, thì có văn minh mấy đi nữa cũng sẽ chỉ là một xã hội múa rối, một xã hội “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”, một xã hội “đóng khố đi giầy tây”.

 

Chưa hết, hậu quả hệ trọng của một xã hội có những con người độc ác man rợ còn ở chỗ, chỉ cần một con người duy nhất thôi không cần nhiều, như một Hitler của Đức Quốc Xã hay một Stalin của Cộng Sản Nga, xã hội loài người cũng có thể trở thành một vực thẳm suy vong với những màn thảm kịch vô cùng bi thiết như đã từng xẩy ra từ sau Thế Chiến Thứ Hai, thời điểm giữa thế kỷ 20.

 

Thế nhưng, vấn đề giáo dục lại không phải là một việc bẩm sinh của những vị có thẩm quyền giáo dục, những bậc giáo huấn nhân, như cha mẹ, thày cô. Bởi thế, về phần cha mẹ, không thiếu gì những vị đã phải thốt lên “tại sao con tôi lại không nghe tôi?”, “tại sao chúng lại cứng đầu cứng cổ như vậy?”, “biết vậy thà đừng sinh ra nó”, thậm chí “biết vậy thà bóp mũi cho nó chết khi nó vừa mở mắt chào đời cho xong” v.v.

 

Cách đây 15 năm, một ông bố đến văn phòng xã hội của tôi than rằng ông thường hay bị tòa án trẻ em juvenile court gọi hầu tòa về những tội thằng con trai 15 tuổi của ông gây ra, lần cuối cùng ông đã nói thẳng với tòa rằng: “Quí vị không cho phép tôi dạy con tôi theo kiểu của tôi (ông có ý nói đến theo kiểu đánh đập như ở Việt Nam) thì cũng đừng gọi tôi ra tòa nữa, vì tôi đâu có quyền dạy dỗ gì trên nó đâu”.

 

Cũng thế, về phần thày cô, thay vì dạy cho thế hệ tương lai xã hội của mình thực sự trở thành niềm hy vọng cho loài người thì lại đã vô tình hay hữu ý tác hại chúng, chẳng hạn, bằng chương trình giáo dục tính dục - sex education công khai trong học đường, dạy cho giới trẻ đang ở vào lứa tuổi dậy thì về tâm sinh lý đang sôi sục giòng máu cái gì cũng muốn khám phá tìm tòi thử nghiệm, những kỹ thuật làm tình cho chúng khỏi bị có thai và mắc hội chứng liệt kháng AIDS.

 

Thống kê cho thấy, càng học biết giáo dục tính dục, giới trẻ càng chửa hoang, càng bị STD (sexually transmitted disease), tức bị các chứng bệnh di truyền theo đường sinh dục. Theo Westside Pregnancy Resource Center, Teen Sex and Pregnancy, Facts and Figures, thì sinh hoạt tình dục đã xẩy ra cho giới trẻ 15 tuổi 25%, 17 tuổi 55%, 19 tuổi 80%, chỉ có khoảng 20% còn trinh trong tuổi “tiên” hay “teen” (tuổi từ 13 - thirteen đến 19 - nineteen) mà thôi. Hậu quả liên quan đến các thứ bệnh di truyền theo đường sinh dục STD thuộc 17 loại khác nhau, trong đó có cả hội chứng liệt kháng AIDS, tuổi “tiên” có 3 trong 12 triệu trường hợp.

 

Về hậu quả liên quan đến vấn đề chửa hoang thì trong khi sử dụng các phương pháp ngừa thai và phương tiện ngừa thai được học đường dạy cho biết, như uống thuốc có 44%, dùng bọc cao su có 38% v.v. vẫn có 43% hoang thai; tổng số tuổi “tiên” có thai ngoài ý muốn lên đến 85%; có ¼ tổng số vụ phá thai từ thành phần “tiên” nữ, trong đó 41% “tiên” nữ có bầu đi đến chỗ phá thai, và hầu hết “tiên” nam bỏ “tiên” nữ khi “tiên” nữ sinh con.

 

Nghệ Thuật Giáo Dục: “Nên Người”

 

Việc giáo dục liên quan đến hai vấn đề then chốt, thứ nhất là vấn đề “nên người” nơi thụ huấn nhân và thứ hai là vấn đề “dạy bảo” nơi giáo huấn nhân. Nghĩa là, cha mẹ hay thày cô phải làm sao “dạy bảo” cho con cái của mình hay học sinh của mình “nên người”. Như thế, vấn đề “nên người” là mục tiêu chính của vấn đề “dạy bảo”. Nghĩa là, “dạy bảo” sao thì dạy bảo phải làm thế nào để thành phần thụ huấn nhân “nên người”, bằng không, phương pháp hay đường lối giáo dục, điển hình là vấn đề giáo dục tính dục - sex education hiện nay tại học đường Hoa Kỳ, đều là những gì phản giáo dục. Đó là nghệ thuật giáo dục.

 

Thế nhưng, vì cốt lõi của vấn đề “dạy bảo” là “nên người”, do đó, trước nhất chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa “nên người” đây thực sự là gì. Vì, thực tế cho thấy, vô tình hay hữu ý, thành phần giáo huấn nhân đã “dạy bảo” thành phần thụ huấn nhân “nên người” như họ nghĩ, như họ thích, như họ muốn, chứ không phải “nên người” như thụ huấn nhân là theo đúng “cái tôi” nhân vị bẩm sinh của họ. Đây là vấn đề cốt yếu đầu tiên của nghệ thuật giáo dục.

 

Trước hết, cái làm con người khác với con vật và làm nên con người không phải chỉ ở tại những gì ngoại diện về thể lý, như nhan sắc, duyên dáng, hay những gì nội diện về tâm lý, như thông minh, trí thức, hoặc những gì sinh hoạt về tác hành, như khôn lanh, tài khéo, mà còn chính yếu ở tại những gì về luân lý, như tốt lành, đức hạnh. Đó là lý do văn chương bình dân Việt Nam mới có câu: “tiên học lễ hậu học văn”.

 

Một khi con người chỉ sống để mà ăn, tức chỉ để ý đến những gì bề ngoài, như thời trang và tiện nghi mà thiếu tư cách, như dùng nhan sắc để làm điếm, để khiêu dâm thì cái đẹp đó chỉ là cái nhục chẳng những cho riêng nhân vị của cá nhân ấy mà còn chung nhân phẩm của loài người.

 

Một khi con người sử dụng đầu óc của mình để mưu đồ gian ác, lợi dụng vị thế của mình để đàn áp đồng loại, lợi dụng quyền bính của mình để lập nên hay thi hành những chính sách độc tài tàn bạo v.v., thì những hành động của họ chỉ là những hành động phi nhân, vô luân, bất xứng với con người, thậm chí hủy hoại con người mà nạn nhân đầu tiên lại là chính họ, chẳng khác gì trường hợp đang xẩy ra cho thành phần liều mạng ôm chất nổ khủng bố đồng loại của mình vậy.

 

Vào năm 1994, chiếc xe Toyota Tarcel đời 85 của tôi hay bị nằm đường vì yếu bình điện. Vì chưa kịp thay, do đó, có lần nó không chịu nổ máy nữa, tôi đã phải lấy giây câu có sẵn trong xe, cắm một đầu vào bình điện ở đầu xe, và cầm sẵn đầu còn lại để xe nào có thương tình ghé lại giúp câu bình cho xe của tôi thì chỉ trong vòng 2 phút là xong. Thế mà, trong vòng 15 phút, đủ các loại xe, thường là xe sang, cứ vùn vụt chạy đi làm vào ban sáng qua chỗ tôi đứng. Cuối cùng, có một chiếc cũ kĩ đầy nhóc trẻ con do một phụ nữ người Mễ lái đã vui vẻ ghé lại và quay ngược đầu xe lại giáp với xe của tôi để giúp tôi câu bình. Nếu nói là lúc ấy ai cũng bận và vội đi làm cho kịp giờ, thì còn ai bận và vội như phụ nữ người Mễ đông con và hình như đang chở chúng đi học ấy. Hành động của người phụ nữ Mễ có vẻ quê mùa, ít học và nghèo nàn này không phải là nhan sắc, là trí thức, là vẻ sang trọng của một con người “thành nhân” hay sao, những gì không thể nào hay rất khó tìm thấy nơi những con người bề ngoài duyên dáng, sang trọng, trí thức, tài khéo mà vô tâm!

 

Nghệ Thật Giáo Dục: “Dạy Bảo”

 

Nếu tình trạng “nên người” của thụ huấn nhân là ở chỗ trưởng thành, là biết được trách nhiệm của mình và tự động chu toàn phận vụ của mình không cần phải được ai nhắc nhở hay thúc đẩy; biết khôn ngoan phân biệt lành dữ, nhất là biết khôn ngoan chọn lành bỏ dữ; biết khôn ngoan xử thế, biết tác hành đúng nhân phẩm là người và nhân cách làm người của mình, thì vấn đề của giáo huấn nhân ở đây là phải “dạy bảo” thụ huấn nhân làm sao để họ có thể đạt tới tầm vóc “nên người” như vậy?

 

Nguyên tắc chung là phải làm sao để thụ huấn nhân được chiều mà không hư, bị sửa phạt mà không hận, hay làm thế nào để thụ huấn nhân luôn luôn quí mến và tin tưởng nơi giáo huấn nhân, luôn cởi mở và gắn bó giáo huấn nhân, bất cứ lúc nào cảm thấy bối rối hay gặp trục trặc bao giờ cũng nghĩ đến giáo huấn nhân và tìm đến giáo huấn nhân, lắng nghe hướng dẫn khôn ngoan của các vị hơn bất cứ của bất cứ một ai khác, dù là bạn bè, cố vấn xui bẩy hay bản thân chúng. Về phương diện áp dụng thực hành, theo tôi, giáo huấn nhân cần phải đặc biệt chú trọng tới 7 điều luật liên quan đến nghệ thuật giáo dục tối ư quan trọng sau đây:

 

1.      Hãy tự động và tích cực tìm đến với thụ huấn nhân là thành phần chứ đừng bắt thụ huấn nhân phải đến với giáo huấn nhân;

2.      Hãy thông cảm và thích nghi với thụ huấn nhân chứ đừng bắt chúng cái gì cũng phải làm đúng như ý muốn hay ý nghĩ của giáo huấn nhân;

3.      Hãy cởi mở lắng nghe thụ huấn nhân, nhiều khi phải đoán được những gì thụ huấn nhân cần để đáp ứng trước khi chúng tỏ ý muốn;

4.      Hãy thực hành tất cả những gì giáo huấn nhân dạy cho thụ huấn nhân, chứ đừng nói một đàng làm một nẻo hay hứa mà không giữ;

5.      Hãy tin tưởng vào khả năng và nâng đỡ thiện chí của thụ huấn nhân hơn là giáo huấn nhân chỉ lo đến trách nhiệm cần phải phòng thủ của mình;

6.      Hãy thứ tha cho thụ huấn nhân, nhất là cho những tâm tưởng và ngôn hành thụ huấn nhân tỏ ra hỗn láo với giáo huấn nhân, chứ đừng chấp nhất và đay nghiến chúng;

7.      Hãy can đảm chấp nhận những gì bất toàn nơi mình, nhất là không ngần ngại xin lỗi thụ huấn nhân về những gương mù gây ra cho chúng hay những thiếu sót về trách nhiệm đối với chúng.

 

Nghệ thuật giáo dục – điều luật thứ nhất: “Hãy tự động và tích cực tìm đến với thụ huấn nhân chứ đừng bắt thụ huấn nhân phải đến với giáo huấn nhân”. Thực hành: ở chỗ, hãy để ý đến chúng, hỏi han về đời sống của chúng, về nhu cầu của chúng, về vấn đề học hành của chúng... ; nếu được nên quay phim chụp hình cho chúng khi chúng còn nhỏ, đó cũng là việc tỏ chúng thấy mình để ý đến chúng ngay từ đầu; nhớ những ngày tháng hay biến cố quan trọng của chúng; sống hòa đồng bình dân với chúng...

 

Nghệ thuật giáo dục – điều luật thứ hai: “Hãy thông cảm và thích nghi với thụ huấn nhân chứ đừng bắt chúng cái gì cũng phải làm đúng như ý muốn hay ý nghĩ của giáo huấn nhân”. Thực hành: Thích nghi là ở chỗ mua quà tặng cho người khác phải mua những gì họ thích chứ không phải những gì mình thích; bởi thế, hãy đặt ra nhiều giải pháp hay phương cách liên quan đến những vấn đề chúng cần phải giải quyết để tùy chúng chọn lựa; bảo chúng không được xả rác thì hãy cung cấp cho chúng thùng rác và chỉ chỗ vứt rác cho chúng; có thể tập cho chúng hay ép chúng làm những gì chúng vốn không thích, nhưng triệt để không được bắt chúng làm những gì trái với bản chất và vượt khả năng của chúng v.v.

 

Nghệ thuật giáo dục – điều luật thứ ba: “Hãy cởi mở lắng nghe thụ huấn nhân, nhiều khi phải đoán được những gì thụ huấn nhân cần để đáp ứng trước khi chúng tỏ ý muốn”. Thực hành: cần phải gợi ý hay để cho chúng được góp ý kiến và bày tỏ cảm tưởng, nhất là những gì liên hệ đến bản thân của chúng, như vấn đề chọn ngành học hay lập gia đình, kể cả những gì liên quan đến sinh hoạt chung của gia đình, của học đường, của đoàn thể; tự tạo ra những sinh hoạt thích hợp với tâm lý và lứa tuổi của chúng, như dẫn chúng đi du ngoạn; sắm cho chúng những tiện nghi cần thiết để học hành, luyện tập v.v

 

Nghệ thuật giáo dục – điều luật thứ bốn: “Hãy thực hành tất cả những gì giáo huấn nhân dạy cho thụ huấn nhân, chứ đừng nói một đàng làm một nẻo hay hứa mà không giữ”. Thực hành: dạy con phải yêu thương nhau thì cha mẹ đừng động tí là ly dị, là cãi nhau trước mặt chúng, là giận nhau không thèm nói chuyện với nhau; dạy chúng kỹ lưỡng cẩn thận thì khi ra các tiệm bán đồ - department store, hay các siêu thị - supermarket phải bắt chúng để lại đồ chúng lấy xuống khỏi kệ hàng vào lại đúng chỗ của các thứ đồ ấy; dạy chúng phải thành thật thì vào các nơi bán vé tùy theo lứa tuổi thì đừng khai lậu tuổi của chúng để được bớt tiền v.v.

 

Nghệ thuật giáo dục – điều luật thứ năm: “Hãy tin tưởng vào khả năng và nâng đỡ thiện chí của thụ huấn nhân hơn là giáo huấn nhân chỉ lo đến trách nhiệm cần phải phòng thủ của mình”. Thực hành: Trao trách nhiệm cho chúng, nếu chúng tự nguyện càng tốt; đừng khoán cho chúng những việc thay vì mình cần phải làm để đỡ gánh nặng cho mình; theo dõi những gì đã trao cho chúng, nhất là những việc chúng mới tập sự và mới bắt đầu làm thử; thông cảm với những sơ xuất hay khiếm khuyết nơi việc chúng làm không thể bằng mình và như mình; khuyến khích tinh thần làm việc và chỉ cách làm cho chúng…

 

Nghệ thuật giáo dục – điều luật thứ sáu: “Hãy thứ tha cho thụ huấn nhân, nhất là cho những tâm tưởng và ngôn hành thụ huấn nhân tỏ ra hỗn láo với giáo huấn nhân, chứ đừng chấp nhất và đay nghiến chúng”. Thực hành: hãy nhẹ nhàng cho chúng biết những tâm tưởng và ngôn hành hỗn láo của chúng để chúng tự nhận lỗi và sửa lỗi; nếu chúng không nghe và tiếp tục làm, hãy khéo léo nhắc lại cho chúng một lần nữa, nhất là vào lúc chúng vui vẻ nhất, đặc biệt là tìm dịp nói chuyện tỉ tê riêng với chúng; nếu chúng vẫn không sửa, hãy im lặng nhẫn nại và tìm cách tự động làm một việc gì đó chúng đang thực sự cần đến mình v.v.

 

Nghệ thuật giáo dục – điều luật thứ bảy: “Hãy can đảm chấp nhận những gì bất toàn nơi mình, nhất là không ngần ngại xin lỗi thụ huấn nhân về những gương mù gây ra cho chúng hay những thiếu sót về trách nhiệm đối với chúng”. Thực hành: Nếu thấy mình lỗi trách nhiệm với thụ huấn nhân, không lo cho chúng đầy đủ về vật chất trong khi có thể, không bảo chúng những gì phải làm nên chúng đã bị hậu quả ngoài ý muốn, không có giờ cho chúng và với chúng mà chỉ lo những chuyện riêng tư thậm chí những chuyện làm ăn, v.v. hãy lên tiếng xin lỗi chúng; nếu cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng, hãy xin lỗi chúng về gương mù gương xấu của mình v.v.

 

Tóm lại, nghệ thuật giáo dục quả thực là ở chỗ giáo huấn nhân làm thể nào để có thể chẳng những gần gũi với thụ huấn nhân mà còn thấu nhập thụ huấn nhân, thành phần trái lại luôn cảm mến, kính phục và gắn bó với giáo huấn nhân, như xác không thể tồn tại và sống động lại thiếu hồn thiêng của nó vậy.

 

(Bài ngày mai: Huấn Từ của Giáo Hoàng Biển Đức XVI)

 

 

TOP

 

 

 ? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 8: Những bóng tối của trào lưu cực thủ Hồi Giáo

 

Ông Massimo Introvigne, sáng lập viên kiêm giám đốc của Trung Tâm Nghiên Cứu Các Tân Giáo đề cập đến hiện tượng phức tạp liên quan đến trào lưu cực thủ Hồi Giáo trong cuốn sách của mình "Fondamentalismi. I Diversi Volti dell'Intransigenza Religiosa – Những trào lưu cực thủ: Các Bộ Mặt Khác Nhau của Tính Cách Bất Dung Nhượng Về Tôn Giáo”, do Piemme xuất bản bằng Ý ngữ. Ông cũng là tác giả của cuốn “Thời Mới, Thời Tới” và “Thiên Chúa Đã Trở Lại”. Sau đây là cuộc phỏng vấn của Zenit với vị tác giả này về những vấn đề nghiên cứu chuyên môn được phổ biến trong sách vở của ông.


Vấn:     Phải chăng cái thế giới bất ổn và mỏng dòn này đã làm bùng lên trào lưu cực thủ về tôn giáo?


Đáp:     Tất cả đều tùy thuộc vào sự định nghĩa về trào lưu cực thủ, một định nghĩa không đồng nhất. Trong tác phẩm của tôi, tôi phân biệt 5 loại thái độ về đạo giáo, đó là cực cấp tiến, cấp tiến, bảo thủ, cực thủ, và cực bảo thủ. Tiêu chuẩn để phân tích những thái độ này khác nhau và một số tiêu chuẩn hoàn toàn có tính cách kỹ thuật.


Vấn:     Ông cho thể trưng dẫn thí dụ điển hình được không?


Đáp:     Thái độ liên hệ tới việc phân biệt tôn giáo và văn hóa được bắt đầu từ Thời Minh Trí, và bởi thế cũng là việc tách biệt giữa tôn giáo và chính trị.


Thành phần cấp tiến chấp nhận sự phân biệt này như là những gì bất khả tránh, còn thành phần cực cấp tiến thì lại nhiệt liệt chấp nhận nó.


Thành phần cực thủ bác bỏ việc phân ly này theo nguyên tắc, nhưng sẵn sàng dung hòa. Thành phần cực bảo thủ không chấp nhận bất cứ một thứ dung hòa nào và hoàn toàn tách mình khỏi xã hội, cố gắng thay đổi xã hội bằng bạo lực.


Chủ trương bảo thủ, mà về số lượng, đa số dân chúng trên thế giới xưng mình có đạo nắm giữ, không chấp nhận việc phân ly thực sự của Thời Minh Trí hay tình trạng hỗn hợp sâu đậm giữa tôn giáo và văn hóa.


Chủ trương bảo thủ thích sự phân biệt hơn là phân rẽ, thích cái độc lập của văn hóa và chính trị không ngăn cản tôn giáo trong việc bày tỏ chủ trương của tôn giáo về lãnh vực phân biệt này.


Đối với những lý do về chính trị, dù nó là vấn đề của Hồi Giáo hay Âu Châu thì một số truyền thông cũng gán cho là thành phần bảo thủ, cực thủ và cực bảo thủ là cực thủ, thế nhưng những chủ trương của họ rất khác nhau.


Ở thế giới Hồi Giáo, Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một người bảo thủ, nhà giảng thuyết Sheikh Youssef al-Qaradawi nhóm Al Jazeera là một người cực thủ, và Osama bin Laden là một người cực bảo thủ. Ở lãnh giới Kitô Giáo, cả Bush lẫn Rocco Buttiglione đều là những người bảo thủ, thế nhưng cuộc bút chiến về chính trị lại gán cho họ là những người cực thủ.


Vấn:     Thành phần cực thủ về tôn giáo mong muốn điều gì? Mong muốn những gì vững chắc, một cuộc quay trở về quá khứ, chết đi và tái sinh?


Đáp:     Cả ở đây nữa, cái khác nhau giữa thành phần bảo thủ, cực thủ và cực bảo thủ cũng rất khác nhau. Tôi có thể nói rằng chẳng có thành phần nào trong 3 thành phần này muốn trở về với quá khứ hết.


Đặc biệt là theo Hồi Giáo, thành phần cực thủ là một hình thức tân thời muốn kiếm cách phục hồi luật lệ Hồi Giáo bằng các phương tiện chính trị của thế kỷ 20. Vấn đề cần phải phân biệt với những hình thức của thành phần truyền thống là thành phần sử dụng những phương tiện truyền thống và tập trung vào vấn đề luân lý hơn là chính trị.


Vấn:     Kinh tế có dính dáng gì đến thành phần cực thủ hay chăng?


Đáp:     Tôi được cảm hứng từ trường phái xã hội học là trường phái đề cập tới “thị trường tôn giáo” hay “kinh tế tôn giáo”. Chúng tôi sử dụng những dụng cụ và kiểu mẫu về kinh tế để nghiên cứu tôn giáo.


Thế nhưng, đây là một thái độ có tính cách phương pháp học là phương pháp không hế có ý muốn biến tôn giáo hay khuynh hướng cực thủ thành một hiện tượng bị các động lực về kinh tế chi phối.


Vấn:     Phải chăng Tây Phương phải chịu trách nhiệm một phần nào đó về việc xuất hiện của thành phần cực thủ Hồi Giáo?


Đáp:     Đúng thế, vì qua một thời gian dài, thành phần cực thủ này đã ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cũng như những chế độ trần tục, như những chế độ quân đội độc tài ở Maghreb hay của chính Saddam Hussein, là những chế độ ra tay đàn áp với những thay bảo thủ, cực thủ và cực bảo thủ nhiệt liệt như nhau. Nếu tất cả thành phần này bị trừ diệt thì thành phần duy nhất có thể ngầm hoạt động đó là thành phần cực bảo thủ.


Việc trừ diệt mà ra tay làm cỏ chủ nghĩa cực thủ thật sự gây thuận lợi cho những hình thức cực đoan nhất của nó.


Nói chung, Tây Phương đang trải qua một thứ hội chứng Voltaire, một cách đột biến, nhất là ở Pháp, một hội chứng dẫn Tây Phương đến chỗ cho những người Hồi Giáo cấp tiến và cực cấp tiến một là không có, hai là những tay tướng lãnh sửa soạn cai trị bằng họng súng, hay là những tay trí thức tham dự các cuộc hội nghị ở Âu Châu, mà không màng chi tới tí nào ở các quốc gia của họ, hoặc ở nơi các cộng đồng di dân.


Trào lưu thay thế cho trào lưu cực thủ không phải là Hồi Giáo cấp tiến mà là Hồi Giáo bảo thủ.


Vấn:     Ông có thấy trước việc tăng phát của trào lưu cực thủ Hồi Giáo trong tương lai trước mắt hay chăng?


Đáp:     Tôi có thể nói là không. Nếu các cộng đồng tôn giáo được cởi mở và nền dân chủ được dịp thi hành thì Hồi Giáo bảo thủ sẽ làm chủ trào lưu cực thủ, như được thấy trong những trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, Mã Lai và Nam Dương.


Vấn:     Ông nghĩ thế nào về trào lưu cực thủ cổ thời? Phải chăng đó là một hiện tượng mới?


Đáp:     Trào lưu phản giáo sĩ là một hiện tượng cổ. Dù sao những trào lưu cực thủ cổ thời chúng ta thấy ở Pháp, như trường hợp những luật lệ chống lại những gì được gọi là những thứ sùng bái hay chống lại những biểu tượng của đạo giáo phái, hay ở Khối Âu Châu, như xẩy ra trong trường hợp Buttiglione, đều là phản ứng cho sự kiện là tôn giáo, một tôn giáo theo thành phần cực thủ cổ thời cần phải biến mất, có những lúc trở lại qua những hình thức mới không ngờ.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 8/11/2004

 

 

TOP

 

 

?   Fatima: Đạo Binh Dàn Trận - với Vị Giáo Hoàng “Đừng sợ”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(Loạt bài về Thánh Mẫu Fatima từ 27/5/2006)

Đức Gioan Phaolô II, ngoài việc cho biết nguồn gốc khẩu hiệu giáo phẩm của ngài là “Totus Tuus” xuất phát từ Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố, ngài còn cho biết thêm một chi tiết hết sức quan trọng nữa, một chi tiết chẳng những liên quan tới chủ đích của  việc ngài chọn khẩu hiệu “Totus Tuus”, mà còn cho thấy tác hiệu vô cùng mãnh liệt của khẩu hiệu này nơi giáo triều của ngài, một giáo triều được mở màn bằng lời ngài kêu gọi thế giới “Đừng sợ!” trong Thánh Lễ Đăng Quang của ngài hôm Chúa Nhật 22/10/1979, một lời kêu gọi, theo ngài, liên quan đến cả vai trò hiện đại của Mẹ Maria cũng như đến Fatima. Trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” (ấn bản Anh ngữ, trang 220-221), ngài đã thành thật bày tỏ niềm cảm nhận đầy xác tín của ngài như  thế  (những chỗ in đậm ở đây và sau đó là do người viết tự ý muốn nhấn mạnh):

      “Đến đây, một lần nữa, chúng ta cần trở lại với Totus Tuus. Nơi những câu hỏi trước đây của bạn về Người Mẹ của Thiên Chúa cũng như về nhiều mạc khải tư đã xẩy ra, nhất là trong hai thế kỷ vừa qua, tôi đã giải đáp bằng việc giải thích lòng tôn sùng Mẹ Maria đã phát triển ra sao nơi cuộc sống của bản thân tôi, bắt đầu từ tỉnh lỵ tôi sinh sống, đến đền thánh Kalwaria, sau cùng là tới Jasna Góra. Jasna Góra đã thuộc về lịch sử của quê hương tôi trong thế kỷ thứ 17, như một thứ ‘Đừng sợ!’ được Chúa Kitô nói qua môi miệng của Mẹ Người. Vào ngày 22/10/1978, khi tôi thừa kế Tác Vụ của Thánh Phêrô ở Rôma, thì đó chính là cái cảm nghiệm và lòng tôn sùng Mẹ Maria nơi đất nước của tôi, những gì tôi đã mang theo mình hơn bất cứ một cái gì khác.

       “’Đừng sợ!’ Chúa Kitô nói với các vị tông đồ (x Lk 24:36) cũng như nói cùng các người phụ nữ (x Mt 28:10) sau khi Phục Sinh. Theo các Phúc Âm thì những lời này không được ngỏ cùng Mẹ Maria. Đức tin của Mẹ mãnh liệt, Mẹ không biết sợ. Việc Mẹ Maria thông dự vào cuộc vinh thắng của Chúa Kitô đã sáng tỏ đối với tôi trước hết từ cảm nghiệm của dân tộc tôi. Đức Hồng Y Stefan Wyszynski đã nói với tôi rằng vị tiền nhiệm của ngài là Đức Hồng Y August Hlond, đã nói những lời tiên tri này trước khi chết: ‘Nếu có được một cuộc chiến thắng thì cuộc chiến thắng này xẩy ra nhờ Mẹ Maria’. Trong khi thi hành thừa tác mục vụ của mình ở Balan, chính tôi thấy được rằng những lời này xẩy ra đúng biết bao.

       “Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, lúc tôi có liên hệ hơn nữa với các vấn đề của Giáo Hội hoàn vũ, tôi đã tiến đến chỗ có cùng một niềm xác tín như thế: Ở tầm cấp hoàn vũ này, nếu có được cuộc chiến thắng nào thì đều là những cuộc chiến thắng được Mẹ nhúng tay vào. Chúa Kitô sẽ chiến thắng qua Mẹ, vì Người muốn các cuộc chiến thắng của Giáo Hội hiện nay và tương lai đều liên hệ với Mẹ.

       “Tôi có được niềm xác tín này cho dù tôi không biết nhiều về Fatima. Tuy nhiên, tôi có thể thấy rằng có một sự liên tục nào đó giữa La Salette, Lộ Đức và Fatima – và trong quá khứ trước nữa, với cả Jasna Góra Balan nước tôi nữa.

       “Vậy là chúng ta tiến đến với ngày 13/5/1981, ngày tôi bị đã thương bởi những viên đạn bắn vào người ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Mới đầu, tôi không để ý tới sự kiện là cuộc cố sát này đã xẩy ra vào ngay ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra với 3 thiếu nhi Fatima ở Bồ Đào Nha và nói với các em những lời mà giờ đây, vào cuối thế kỷ này, dường như đã gần được nên trọn.

Qua biến cố ấy, không phải hay sao, Chúa Kitô có lẽ muốn nói lại một lần nữa rằng: ‘Đừng sợ’? Không phải hay sao, Người đã lập lại lời huấn dụ Phục Sinh ấy cho vị Giáo Hoàng này, cho Giáo Hội, và một cách gián tiếp cho toàn thể nhân loại?”.

(còn tiếp vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ