GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 22/8/2006

 TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  16/8/2006 - Về lễ trọng kính Trinh Nữ Maria Mông Triệu

?  “Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì với Phêrô nơi những lời này? ‘Con là Đá, trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày’ (Mt 16:18)”

?   “Thảm Kịch của Một Âu Châu Thiếu Vắng Chúa Kitô. Chủ Nghĩa Tương Đối Âu Châu nơi Cuộc Đụng Độ Các Nền Văn Hóa”

 

Lễ Mẹ Nữ Vương, 22/8
 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  16/8/2006 - Về lễ trọng kính Trinh Nữ Maria Mông Triệu

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Cuộc gặp gỡ hằng tuần bình thường của chúng ta diễn ra hôm nay trong bầu khí của lễ trọng kính Trinh Nữ Maria Mông Triệu. Bởi thế tôi muốn mời anh chị em hãy hướng ánh mắt một lần nữa về người mẹ thiên đình này của chúng ta, vị được phụng vụ tỏ cho chúng ta thấy chiến thắng với Chúa Kitô trên thiên quốc.

 

Dân Kitô giáo bao giờ cũng hết sức hân hoan cử hành lễ này từ các thế kỷ đầu của Kitô Giáo. Như vốn đã biết, lễ này cử hành sự vinh quang, bao gồm cả thể lý, của một tạo vật được Thiên Chúa chọn làm mẹ của Ngài, và là vị được Chúa Giêsu trên cây thập giá đã ban cho toàn thể loài người như một người mẹ.

 

Mông Triệu là lễ gợi lên một mầu nhiệm ảnh hưởng tới mỗi một người trong chúng ta, vì như Công Đồng Chung Vaticanô II khẳng định, Mẹ Maria ‘rạng ngời đi trước dân Chúa như dấu hiệu của niềm hy vọng và ủi an’ (Lumen Gentium, 68). Chúng ta quá chìm sâu vào những cuộc chống chọi hằng ngày đến nỗi có những lúc chúng ta quên đi thực tại thiêng liêng an ủi này, một thực tại là một sự thật đức tin hệ trọng.

 

Làm thế nào để có thể làm cho dấu hiệu rạng ngời này càng ngày càng được xã hội ngày nay nhận thấy đây? Ngày nay có những người sống như thể họ sẽ chẳng bao giờ chết, hay như thể chết là chấm dứt tất cả mọi sự. Một số người tác hành như thể con người là tác giả duy nhất đối với định mệnh của họ, như thể Thiên Chúa chẳng hề hiện hữu, có những lúc thậm chí chối bỏ một chỗ giành cho Ngài trên thế giới của chúng ta.

 

Những thành đạt cả thể của kỹ thuật và khoa học, những gì đã cải tiến đáng kể điều kiện đời sống của con người, không cống hiến những giải pháp cho những vấn đề sâu xa nhất của tâm linh con người. Lòng khao khát chân lý và hạnh phúc của chúng ta mới được thỏa mãn, chỉ khi nào nó cởi mở trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu; chỉ khi nào cái viễn ảnh về vĩnh hằng có thể cống hiến một giá trị chân thực cho các biến cố lịch sử và nhất là cho mầu nhiệm về nỗi yếu hèn của con người, về khổ đau và chết chóc. 

 

Trong việc chiêm ngưỡng Mẹ Maria trong vinh quang thiên đình, chúng ta cũng hiểu rằng trái đất này không phải là quê hương vĩnh viễn của chúng ta, và nếu chúng ta sống liên lỉ hướng về những sự thiện trường cửu, thì một ngày kia chúng ta sẽ được chung phần vào cùng vinh quang của Mẹ. Đó là lý do, bất chấp nhiều khó khăn hằng ngày, chúng ta không được đánh mất tình trạng thản nhiên hay an bình.

 

Dấu hiệu sáng ngời của việc Mông Triệu về trời chiếu tỏa thậm chí còn hơn nữa khi những bóng sầu buồn thương tiếc và bạo động phủ lấp chân trời. Chúng ta tin tưởng rằng ở trên trời Mẹ Maria theo dõi bước đi của chúng ta bằng nỗi rung động nhẹ nhàng, ban cho chúng ta niềm thanh thản trong giờ tăm tối và phong ba bão tố, và ban cho chúng ta sự an ninh trong bàn tay từ mẫu của Mẹ.

 

Được nâng đỡ bởi niềm xác tín này, chúng ta tiếp tục tin tưởng thực hiện cuộc dấn  thân Kitô Giáo ở bất cứ nơi nào được Đấng Quan Phòng dẫn đưa. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/8/2006

 

 

TOP

 

 

 ? “Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì với Phêrô nơi những lời này? ‘Con là Đá, trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày’ (Mt 16:18)”

 

(Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài giảng Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2006)

 

“Con là Đá, và trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày’ (Mt 16:18).

 

Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì với Phêrô nơi những lời ấy? Nơi những lời này, Người đã hứa gì với Phêrô và Người đã ủy thác cho Phêrô những công việc gì? Và Người muốn nói gì với chúng ta – với vị Giám Mục Rôma, vị ngồi trên tòa Thánh Phêrô, cũng như với Giáo Hội ngày nay?

 

Nếu chúng ta muốn hiểu được ý nghĩa của những lời lẽ của Chúa Giêsu, thì cần phải nhớ rằng các trình thuật Phúc Âm kể lại cho chúng ta 3 trường hợp khác nhau, mỗi lần một cách khác nhau, Chúa Kitô truyền đạt cho Phêrô công việc tương lai của ngài. Công việc này thì bao giờ cũng giống nhau, nhưng những gì Chúa Kitô đã và đang quan tâm trở thành tỏ tường đối với chúng ta nơi tính cách đa dạng của các trường hợp và hình ảnh được Người sử dụng.

 

Trong Phúc Âm theo Thánh Mathêu chúng ta vừa nghe, thì Thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình nơi Chúa Giêsu, nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa. Bởi đó, công việc đặc biệt được trao phó cho ngài bằng 3 hình ảnh, đó là tảng đá trở nên đá góc, chìa khóa và hình ảnh buộc cởi.

 

Tôi không có ý giải thích nơi đây một lần nữa ba hình ảnh được Giáo Hội dẫn giải nhiều lần qua giòng thời gian; trái lại, tôi muốn kêu gọi hãy chú ý tới vị trí về địa dư và bối cảnh về niên đại của những lời lẽ ấy.

 

Lời hứa này được ban bố ở nguồn gốc sông Dược Đăng, tại biên giới của Mảnh Đất Giuđa, nơi biên cương thế giới của thành phần dân ngoại. Thời điểm của lời hứa này đánh dấu một khúc quanh quan trọng nơi cuộc hành trình của Chúa Giêsu: ở chỗ, bấy giờ Người bắt đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem, và đó là lần đầu tiên Người nói với các môn đệ rằng cuộc hành trình lên Thành Thánh này là một cuộc hành trình tiến tới với cây thập tự giá: ‘Từ lúc ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ của Người biết rằng Người cần phải lên Giêrusalem và chịu nhiều đau khổ bởi thành phần kỳ lão và các trưởng tế cùng luật sĩ, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại’ (Mt 16:21).

 

Thật vậy, những điều này đi với nhau và ấn định cái vị thế nội tại nơi vai trò lãnh đạo của Giáo Hội nói chung, đó là Chúa Kitô tiếp tục con đường của Người tiến tới với thập giá, tiến tới tình trạng thấp hèn của người tôi tớ Thiên Chúa, chịu khổ đau và bị sát hại, song đồng thời Người cũng đi trên con đường tiến tới việc làm cho thế giới rộng lớn là nơi Người đã đi trước chúng ta như Đấng Phục Sinh, nhờ đó, ánh sáng của các lời Người và sự hiện diện của tình yêu Người được tỏa hiện trên thế giới; Người đang tiến bước trên con đường này, để nhờ Người, Đấng Thiên Sai Tử Giá và Phục Sinh, chính Thiên Chúa có thể đến với thế giới.

 

Về vấn đề này, Thánh Phêrô đã diễn tả mình trong thư thứ nhất của ngài như là ‘một nhân chứng cho những khổ đau của Chúa Kitô cũng như là kẻ dự phần vào vinh quang sẽ được tỏ hiện’ (5:1). Đối với Giáo Hội, Thứ Sáu Tuần Thánh và Phục Sinh bao giờ cũng đi với nhau; Giáo Hội luôn vừa là hạt cải vừa là cái cây cho chim trời làm tổ.

 

Giáo Hội – và trong Giáo Hội, Chúa Kitô – vẫn chịu đựng khổ đau cho tới ngày nay. Nơi Giáo Hội, Chúa Kitô tiếp tục bị chế nhạo và tạt vả; những nỗ lực tiếp tục thực hiện việc loại trừ Người. Con thuyền Giáo Hội tiếp tục bị rách toạc ra bởi những luồng gió ý hệ, với những giòng nước thấm vào Giáo Hội và dường như muốn nhận chìm Giáo Hội xuống. Tuy nhiên, chính ở nơi Giáo Hội khổ đau này mà Chúa Kitô chiến thắng vậy.

 

Bất chấp tất cả mọi sự, niềm tin tưởng nơi Người tái phục hồi một sức mạnh mới mẻ hơn bao giờ hết. Chúa Kitô cũng truyền lệnh cho cả các giòng nước ngày nay và cho thấy rằng Người là Chúa của các yếu tố thiên nhiên. Người ở trên con thuyền của mình, trên con thuyền nhỏ bé Giáo Hội.

 

Bởi vậy, một đàng thì nỗi yếu hèn hợp với con người được tỏ hiện nơi thừa tác vụ của Phêrô, thế nhưng đồng thời cũng tỏ hiện cả quyền năng của Thiên Chúa nữa, ở chỗ, Chúa tỏ sức mạnh của Người ra nơi chính nỗi hèn yếu của con người; Người chứng tỏ là chính qua những con người mỏng dòn mà chính Người dựng xây Giáo Hội của Người

 

(Bài tiếp về chi tiết thứ hai liên quan tới quyền bính Phêrô)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/7/2006

 

TOP

 

 

?   “Thảm Kịch của Một Âu Châu Thiếu Vắng Chúa Kitô. Chủ Nghĩa Tương Đối Âu Châu nơi Cuộc Đụng Độ Các Nền Văn Hóa”

 

Vị giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Về Các Đạo Giáo Mới CESNUR (Center of Studies on New Religions) là Massimo Introvigne mới đây đã tung ra một cuốn sách, nhan đề ‘II Dramma dell’ Europa Senza Cristo. II Relativismo Europer nello Scontro delle Civiltà’ (Thảm Kịch của Một Âu Châu Thiếu Vắng Chúa Kitô. Chủ Nghĩa Tương Đối Âu Châu nơi Cuộc Đụng Độ Các Nền Văn Hóa), do Sugarco xuất bản bằng Ý ngữ. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, vị tác giả của khoảng 30 tác phẩm về thành phần thiểu số tôn giáo, đã chia sẻ thêm về ‘nỗi sợ hãi Chúa Kitô’ ở Âu Châu hiện nay, như sau:

 

Vấn:    Thảm kịch ở Âu Châu là một nhan đề có vẻ bi quan yếm thế sao đó. Phải chăng nó tệ đến nỗi thế?

 

Đáp:   Tôi không nghĩ nó là một nhan đề quá mạnh. Nhị vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI thậm chí đã sử dụng những diễn tả còn thảm thê hơn nữa kìa.

 

Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng thành ngữ ‘cuộc tự sát về dân số ở Âu Châu’ và tác phẩm của tôi được thực sự mở đầu với đề tài này: Ở Âu Châu, con số trẻ em của mỗi cặp phối ngẫu (không kể các cặp vợ chồng di dân, bao gồm cả thành phần di dân đã thành công dân Âu Châu ở một số quốc gia như Pháp) ở dưới mức độ thay thế dân số theo bình thường và là những gì thường thấy nơi các nền văn minh đang hấp hối.

 

Sự kiện trẻ em không được sinh vào đời chẳng những là một vấn đề về kinh tế mà còn về vấn đề luân lý và đạo giáo nữa, và nó là dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng hy vọng đầy kinh hoàng. Một nền văn minh  chết đi là một nền văn minh mất đi niềm hy vọng.

 

Cuộc khủng hoảng về luân lý cũng được chứng thực nơi việc thực hành và lập pháp về các chủ đề như hôn nhân và việc nhận con nuôi cho các cặp đồng tính, như vấn đề triệt sinh an tử ở Hòa Lan và việc thí nghiệm các phôi thai nhân bào.

 

Sau hết, cũng có cả một cuộc khủng hoảng về cơ cấu ở Âu Châu nữa, một cuộc khủng hoảng không thành đạt trong vấn đề đồng ý về hầu hết mọi sự hay trong vấn đề cùng nhau lên tiếng chung. Khi những cơ cấu tổ chức này làm như thế, không phải về các đề tài thật là quan trọng, hay tệ hơn nữa, khi họ cố gắng áp đặt trên các quốc gia do dự một quan điểm tương đối về luân lý liên quan tới các vấn đề như phá thai, đạo lý sinh học và hôn nhân đồng tính.


Vấn:    Ông nói rằng nỗi sợ hãi Chúa Kitô là những gì tác hại Âu Châu. Thế nhưng có nhiều người Âu Châu không thể nào lại hãi sợ được vì họ thậm chí chẳng biết gì đến Chúa Kitô cả. Phải chăng tình trạng vô thức còn tệ hơn cả nỗi sợ hại hay khinh khi?

 

Đáp:   Thật ra tất cả mọi người Âu Châu đều biết Chúa Kitô. Chỉ cần đọc văn chương của quốc gia hay ra khỏi nhà để thấy những dấu hiệu Kitô giáo ở khắp nơi như các nguyện đường, các kỷ đài và các thánh đường.

 

Những gì được một số người gọi là Christophobia đó là một thứ phủ nhận một cách ý thức gia sản này của Kitô Giáo, một nỗi sợ hãi đặc biệt về những đòi buộc luân lý chất chứa nơi việc sống đời Kitô hữu. Thật thế, hiện tượng như việc thành đạt của tác phẩm ‘The Da Vinci Code’ cũng cho thấy tình trạng hết sức thiếu hiểu biết về đạo giáo. Thế nhưng, như thế không có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô chưa được biết đến.

 

Người là ai thì được biết đến, nhưng các sự thật về đức tin thì lại chưa được hiểu biết – bao gồm cả việc nghiên cứu trần tục có tính cách hàn lâm về lịch sử – những sự thật liên quan tới Người, vì mối liên hệ với các cơ cấu của đạo đã bị mất đi, cũng như vì một bầu khí tương đối đã hình thành được Dan Brown cho là có thẩm quyền như một vị giám mục hay thậm chí như là một vị giáo sư đại học, có thể là một vị vô tín ngưỡng, thế nhưng lại là người biết được các nguồn lịch sử và không bao giờ chấp nhận những cái dị thường của cuốn ‘The Da Vinci Code’.

 

Vấn:    ‘Cái vốn liếng tôn giáo’ được ông đề cập tới trong cuốn sách của ông là gì?

 

Đáp:   Theo một trường phái xã hội học xuất phát ở Hoa Kỳ, một trường phái về kinh doanh về đạo giáo (religious economy), thì mỗi một người trong chúng ta đều có một ‘thứ vốn liếng tôn giáo’ (religious capital) là những gì được làm nên bởi những niềm tin có được từ thời chúng ta còn trẻ, những niềm tin tưởng mà thậm chí ngay cả sau khi chúng ra ruồng bỏ nó hay ghẻ lạnh với nó, thì vẫn còn một cái gì đó người ta không thể nào dễ dàng tách biệt.

 

Đó là lý do khi một người Âu Châu không hành đạo trở về với đạo giáo – một điều mà ngày nay cũng như 10 năm qua vẫn đang xẩy ra một cách thường xuyên hơn – họ có thể dễ dàng trở về với Kitô Giáo, hay có thể với những đường lối rất cách xa tính cách chính thống song vẫn giữ được những biểu hiệu và đường nét Kitô Giáo, chẳng hạn như với giáo phái Nhân Chứng Jehova, thay vì nhẩy sang Hồi Giáo hay Phật Giáo. 

 

Lý thuyết về việc kinh doanh về đạo giáo chủ trương rằng điều này xẩy ra vì có một khuynh hướng bảo trì cái vốn liếng tôn giáo nơi con người.

 

Những ai ở Âu Châu trở về với đạo Công Giáo, từ tình trạng không hành đạo hay tình trạng bất khả thần tri, hoặc trở thành Kitô hữu phái Pentecostal, hay thậm chí phái Chứng Nhân Jehova, vẫn giữ được theo 3 thí dụ tôi vừa nêu lên như một phần của cái ‘vốn đạo giáo’ đến với họ từ việc họ học đạo khi còn trẻ. Trái lại, những ai trở thành Phật tử hay Hồi hữu là thành phần cần phải bỏ đi – hầu hết – tất cả cái vốn liếng đạo giáo của họ và xây dựng một vốn liếng mới – hầu như – từ tình trạng hỗn tạp.

 

Đó là lý do, cho dù việc trở lại theo Hồi Giáo, hay thậm chí theo Phật Giáo, là những gì được các tờ nhật trình cho là càng đáng đưa lên mặt báo hơn nữa, thì đa số người dân Âu Châu – nhất là từ ngày 11/9/2001 là biến cố đã dẫn nhiều người đến chỗ vấn nạn về căn tính của họ – thành phần tái chú trọng tới tôn giáo càng dễ dàng trở về hơn và bằng một đường lối hấp dẫn hơn – theo quan điểm thống kê – với những đường lối Kitô Giáo hay ít là vẫn giữ được những yếu tố và những biểu hiệu Kitô Giáo.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/8/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ