GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 5/8/2006 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN |
? Ngưỡng Phục! Ngưỡng Phục!
? Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Thiếu Nhi Fatima Lucia
? ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo Walter Kasper ngỏ lời cùng Thượng Nghị Tôn Giáo Moscow (3-5/7/2006)
Ngưỡng Phục! Ngưỡng Phục!
(tiếp
4 Thứ Sáu)
Cũng tại nơi đây, tôi còn thấy
được truyền nhân của vị sáng lập Giang Cát Sanh, còn thấy được một hiện thân của
Mẹ Têrêsa Calcutta Việt Nam. Đó là một nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn
Việt Nam. Bà đã phục vụ ở đây 38 năm, từ năm mới lên 27 tuổi. Đúng thế, cô thiếu
nữ Mai Thị Mậu, năm 12 tuổi, đã theo gia đình từ Hải Hậu – Nam Định di cư vào
Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, có một lần cô tình cờ cùng với một người bạn
vào thăm thân nhân ở Bệnh Viện Nhi Đồng, cảm thấy thương các em nhỏ đớn đau la
lối la liệt nằm ở đó, cô đã thầm nguyện theo ngành y học để phục vụ thành phần
bệnh nhân ở bất cứ nơi nào. Và thiên ý đã định cho cô đến với Trại Phong Di Linh
từ năm 1972 cho tới nay. Vào năm phục vụ thứ 33 ở đây, người nữ tu này đã tâm sự
rằng:
“Làm sao tôi bỏ đi đâu được, khi họ luôn luôn chờ tôi. Cũng giống như nếu tôi
lấy chồng thì trại phong này chính là gia đình chồng tôi vậy. Tôi đã thuộc về
nơi ấy!”
Phải, chính vì người nữ tu này đã nhận nơi này làm nhà chồng của mình, và có lẽ
chính vì những người anh chị em xấu số được bà phục vụ đã chẳng những trở thành
nguyên cớ để bà đã đến không thể bỏ đi, mà còn là động lực để bà hăng say phục
vụ hơn nữa, như bà đã tâm sự như sau:
“Người cùi vẫn luôn khao khát cuộc sống. Khi bị bệnh, họ bị buôn làng và gia
đình ruồng rẫy. Đàn ông mất vợ. Đàn bà mất chồng… Vào trại, những con người bị
ruồng rẫy ấy gặp nhau, rồi lại nên vợ nên chồng, để tiếp tục cuộc sống bằng sức
lực và thân thể đã tàn phế. Tôi học được ở chính những bệnh nhân của mình phẩm
chất biết chấp nhận số phận một cách bình thản, không kêu ca oán than…”
Vì biết chấp nhận số phận của mình, đúng hơn vì trung thực sống ơn gọi sống đời
tận hiến của mình cho Thiên Chúa nơi việc phục vụ tha nhân, thành phần bị bất
hạnh ở Trại Phong Di Linh này, nữ tu Mai Thị Mậu đã nỗ lực mở mang cho rộng lớn
hơn rất nhiều công trình được vị sáng lập của bà gầy dựng từ ban đầu. Thật vậy,
bà cho biết:
“Năm 1972, tôi tình cờ có dịp chăm sóc cho một bác sĩ người Pháp ở Lâm Đồng
bị bệnh nặng. Sau khi giúp ông khỏi bệnh, để trả ơn, ông hỏi tôi muốn gì? Khi
biết ông có rất nhiều đất ở vùng này, tôi liền xin mua một miếng đất để sau này
giúp cho con cháu người cùi tự lực làm ăn sinh sống. Vị bác sĩ đồng ý ngay và để
cho tôi một vạt rừng rộng 53 mẫu, với giá chỉ tròm trèm 15 cây vàng. Tôi tìm mọi
cách chắt mót để có được số tiền ấy mua đất”.
|
Thế là sau bao
nhiêu công lao khốn khó do đích thân người nữ tu chân yếu tay mềm này, cùng với
những người được Thiên Chúa sai tới vào thời điểm của Ngài, mảnh đất là một vạt
rừng chẳng những đầy những thân cây mấy người ôm mới hết, mà còn chập chờn bóng
hoang thú, như cọp, beo, công, vượn v.v. từ từ đã trở thành nơi trồng cấy khoai
mì, khoai lang, bắp, cà phê v.v. Chưa kể khu nhà trẻ mẫu giáo khang trang, tường
hồng, gạch men, với vườn hoa thược dược đỏ thẵm trước sân.
Từ đó, các con em thuộc Trại Phong Di Linh được chuyển đến đây, cách 12 cây số,
ở xã Gia Hiệp, để sinh sống biệt lập. Thật là một chuyện hình như chưa hề xẩy ra
trong lịch sử các trại phong cùi. Các em dù có gia đình hay chưa, đều được hướng
dẫn trồng trọt và chăn nuôi, trong vòng 5 năm, rồi sau đó sống tự lập. Cách đây
mấy năm đã có 30 hộ gia đình tự lập, với 4 sào đất được cấp cho và một căn nhà
trị giá 12 triệu đồng Việt Nam (tương đương với trên 700 Mỹ kim). Trẻ em trong
trại đều được đi học. Nay đã có 3 em làm bác sĩ và 2 em làm kỹ sư đang phục vụ
tại chính Trại Phong Di Linh.
|
Nữ tu Mai Thị
Mậu đã hết sức vui vẻ dẫn chúng tôi đến thăm cả khu nạn nhân (cũ) và bệnh nhân (mới),
nhưng trước hết là phòng làm giầy trị liệu cho những người anh chị em xấu số này.
Nữ tu cầm mấy đôi giầy được gọi là “giầy điều trị”, bên cạnh một thanh niên đang
ngồi chế giầy, những chiếc giầy chỉ có phân nửa phần gót, hở phần chân bị thương
tật để tránh cà sát khi đi lại. Nữ tu cho biết:
“Tám năm trước chưa có loại giầy này. Bệnh nhân phải đi bước thấp bước cao
trên những đôi dép cũ. Đau lắm. Bây giờ, chúng tôi đã có được một phòng làm giầy
cho bệnh nhân ngay tại trại!”
Sang khu trú ngụ và điều trị, ánh mắt và thái độ tỏ ra mến thương của mọi thành
phần nạn nhân và bệnh nhân đối với bà, chứng tỏ bà đã biết hết mọi người và từng
người bà phục vụ như con cái. Nên bà đã được 95% số người ở đây, thuộc dân tộc
K’Ho và Nùng, trong tổng số 219 người hiện tại (5 năm trước có trên 300 người),
gọi là Mơi Mậu (tức là Mẹ Mậu). Anh K’Déo, có người vợ là Ka Ron, người vợ là
đứa trẻ sơ sinh được Mơi Mậu đỡ đẻ đầu tiên khi Mơi vừa tới Trại Phong Di Linh
38 năm trước, đã nói cách đây 5 năm rằng: “Mơi thuộc hết tên của hơn 300
người sống trong trại này”.
Khi Mơi Mậu đang dẫn chúng tôi từ khu nạn nhân đến khu bệnh nhân, tôi thấy một
nữ tu trẻ đẹp, đang phục vụ bệnh nhân ở đấy, đang tiến ngược về phía phái đoàn
viếng thăm của chúng tôi. Tôi tránh sang một bên, đợi đến khi người nữ tu bước
ngang qua trước mặt mình, tôi lên tiếng nói: “Ngưỡng phục! Ngưỡng phục!”
Một nữ tu trẻ đẹp, mới 32 xuân xanh, như Mơi Mậu cho biết. Kể như chôn vùi cuộc
đời thanh xuân phơi phới đầy tương lai của mình trong trại cùi này. Hoàn toàn tự
nguyện.
Nếu trong trại này, như Mơi Mậu kể, có hai người đàn bà nạn nhân cùi, một người
đã chết vào năm 80 tuổi, và một người còn đang sống ở tuổi 70, vẫn còn muốn lập
gia đình, để tìm hạnh phúc cho tấm thân tàn ma dại đầy già nua tuổi tác của mình
vào những ngày cuối đời, thì lại càng phải ngưỡng phục biết bao trước con người
nữ tu trẻ đẹp hiến thân phục vụ ở một ngọn đồi hoang vắng hầu như ít người biết
đến ấy. Hạnh phúc của người nữ tu trẻ đẹp ấy không phải là tình yêu phái tính,
mà là đức ái trọn hảo!
Chắc chắn người nữ tu Việt Nam trẻ đẹp ấy không thể nào tự mình có thể hy sinh
tận tuyệt đến như thế, ít là cho tới bấy giờ, nếu không được thu hút bởi Đấng là
Tình Yêu (x 1Jn 4:8,16), Đấng cũng đã bất ngờ chiếm đoạt con tim của một chiêu
đãi viên hàng không người Pháp. Cô chiêu đãi viên xinh đẹp duyên dáng Pháp quốc
này đã trở thành một nữ tu, và đã hiến trọn cuộc đời để phục vụ những anh chị em
xấu số của mình, cũng tại chính trại cùi Di Linh này, người nữ tu được Mơi Mậu
cho biết là “trẻ đẹp” song “đã chết rồi”.
Người chiêu đãi viên hàng không trở thành người nữ tu phục vụ trại cùi Di Linh
ấy, như truyện kể, đã thực sự được Vị Tình Quân là Tình Yêu của cô chinh phục
trên một chuyến bay, sau khi nghe thấy một vị hồng y cứ chăm chú nhìn mình, rồi
vào lúc thuận tiện đã nói nhỏ với cô rằng: “Cô đẹp lắm, nhưng cái duyên sắc
mà cô có được là do Thiên Chúa đã lấy của bao nhiêu người cùi để trang điểm cho
cô đó!”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Thiếu Nhi Fatima Lucia
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Loạt bài về Thánh Mẫu Fatima vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần từ 27/5/2006)
(tiếp bài Thiếu Nhi Fatima Lucia, thứ bảy tuần trước)
Sự kiện vị nữ tu mang tên Lucia này sống lâu trên trần gian một cách hiếm có so với tuổi đời của con người hiện nay là vì sứ mệnh của chị được Mẹ Maria cho chị biết từ ngày 13/6/1917, đó là sứ mệnh: “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”. Đó là lý do, như Mẹ tiết lộ cho chị hay là “Phanxicô và Giaxinta sẽ được đưa về trời sớm, còn con phải ở lại thế gian lâu hơn”. Và khi thấy chị tỏ ra buồn tủi lên tiếng: “Con phải ở lại đây một mình hay sao?”, Mẹ Maria liền an ủi chị rằng: “Đừng buồn, hỡi con gái của Mẹ. Con cảm thấy đớn đau lắm phải không? Đừng nản lòng. Mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”.
Thật vậy, chính vì ơn gọi riêng của Thiếu Nhi Fatima Lucia trong 3 em Thiếu Nhi Fatima năm 1917 là “chấp nhận mọi đau khổ”, mà em đã được liên kết với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một Trái Tim, như Mẹ an ủi em và hứa với em trở thành “nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”.
Chính vì sứ mệnh của chị là “cần phải ở lại thế gian lâu hơn, vì Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”, mà chị đã hết sức nỗ lực để chu toàn sứ mệnh chuyên biệt của mình này, qua việc vận động để giáo quyền chấp nhận (ngày 13/9/1939) việc giữ các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng, việc xin Giáo Hội thành lập (ngày 4/5/1944) Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cho toàn thể hoàn vũ, và việc Đức Thánh Cha (ngày 25/3/1984) hiệp cùng hàng giáo phẩm hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Và cuối cùng, chị phải sống cho tới khi Bí Mật Fatima phần thứ ba được Tòa Thánh chính thức tiết lộ vào ngày 26/6/2000, vì chị chính là người đã viết ra phần Bí Mật Fatima này và đã xác nhận với Tòa Thánh tất cả những gì chị đã viết trước khi phần bí mật hằng được thế giới nóng lòng muốn biết này được tiết lộ.
Trong Lời Giới Thiệu Bí Mật Fatima phần thứ ba của Đức Tổng Giám Mục Bertone, chúng ta biết rằng Bí Mật Fatima phần thứ ba được chị Lucia viết ra ngày 3/1/1944, và bản chép tay duy nhất phần bí mật ấy đã được Đức Giám Mục địa phương Leiria niêm ấn trong một bao thư, và sau cùng đã được Tòa Thánh cất giữ trong Lưu Mật Viện ngày 4/4/1957. Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã đọc phần bí mật này ngày 17/8/1959, và Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã đọc phần bí mật ấy ngày 27/3/1965, song cả hai đều quyết định không công bố gì.
Thật thế, vì thấy rằng đã đến lúc thích hợp và cần thiết, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chẳng những cho công bố phần Bí Mật Fatima thứ ba này, (hé mở vào ngày 13/5/2000 tại Fatima qua Đức Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh), mà còn nhờ Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin giải thích rõ ràng phần bí mật này nữa. Tại sao? Phải chăng vì ngài là nhân vật chính trong phần Bí Mật Fatima còn lại này? Trong cuộc trao đổi với hai vị đại diện của Đức Thánh Cha ngày 27/4/2000, chị Lucia đã xác nhận vấn đề được đặt ra là: “Bộ mặt chính trong thị kiến phải chăng là Đức Giáo Hoàng?”
Sau đây là Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Chị Lucia trong Lễ An Táng của Chị
Kính gửi Huynh Khả Kính
Albino Mamede Cleto,
Giám Mục giáo phận Coimbra
Tôi rất xúc động khi nghe tin Chị Maria Lucia của Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm, vào tuổi 97, đã được Cha trên trời gọi về nơi trường sinh thiên đình. Như thế là chị đã đạt đến cùng đích chị luôn mong mỏi trong nguyện cầu và trong tĩnh lặng của viện tu.
Phụng vụ đã nhắc nhở chúng ta trong những ngày này rằng sự chết là gia sản chung của con cái Adong, thế nhưng đồng thời nó cũng bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu, bằng hy tế thập giá, đã mở ra cho chúng ta cửa sự sống bất tử. Chúng ta nhớ lại những niềm xác tín này của đức tin vào lúc chúng ta vĩnh biệt con người nữ tu Carmêlô khiêm hạ và sốt mến này, con người đã tận hiến cuộc đời của mình cho Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế.
Việc Trinh Nữ Maria hiện ra mà nhỏ Lucia đã được thị kiến thấy ở Fatima cùng với các người em họ của mình là Phanxicô và Giaxinta năm 1917, đối với chị, là khởi điểm của một sứ vụ đặc thù được chị trung thành cho tới cuối đời của mình. Chị đã để lại cho chúng ta một tấm gương trung thành cao cả đối với Chúa cũng là tấm gương hân hoan gắn bó với ý muốn thần linh của Ngài.
Tôi cảm động nhớ đến những lần gặp gỡ chị và những liên hệ thân hữu thiêng liêng mỗi ngày một gia tăng. Tôi luôn luôn cảm thấy mình được nâng đỡ bởi việc chị nguyện cầu hằng ngày cho tôi, nhất là trong những giây phút gay go thử thách và khổ đau. Xin Chúa thưởng công cho nỗ lực của chị trong việc phục vụ cao cả và âm thầm chị làm cho Giáo Hội.
Tôi thích nghĩ rằng vị đón nhận Chị Lucia trong cuộc vượt qua từ trần gian đến thiên đình cũng chính là Đấng chị đã thấy ở Fatima rất nhiều năm trước đây. Chớ gì Vị Trinh Nữ Thánh này dìu linh hồn của người còn gái dấu yêu của Người đây đến cuộc hội ngộ diễm phúc với Vị Phu Quân thần linh.
Tôi xin ủy thác cho Huynh Đáng Kính công việc bày tỏ với các nữ đan sĩ Carmêlô ở Coimbra việc tôi chắc chắn gắn bó thiêng liêng với họ, và để họ được an ủi nội tâm trong giây phút chia lìa này, tôi ưu ái muốn ban một phép lành được gửi đến cho cả các gia đình, cho Huynh Khả Kính, cho ĐHY Tarcisio Bertone, đặc sứ của tôi, cũng như cho tất cả mọi người tham dự nghi thức an táng linh thánh này.
Vatican ngày 14/2/2005
Gioan Phaolô II
(còn tiếp vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần)
ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo Walter Kasper ngỏ lời cùng Thượng Nghị Tôn Giáo Moscow (3-5/7/2006)
(tiếp bài Sứ Điệp của Thượng Nghị Chư Lãnh Đạo Tôn Giáo 2006, và 4 Thứ Sáu)
Việc Đóng Góp của Kitô Hữu
II- Đâu là việc đóng góp mà Kitô hữu chúng ta và Giáo Hội Công Giáo chúng tôi cần phải cống hiến? Không có một phương cách giản dị nào cả. Một phương cách như thế chẳng bao giờ có. Nhưng vẫn có những nguyên tắc, những nguyên tắc không phải là những gì từng được sáng chế ra hôm qua hay hôm nay, mà là những gì được chứng thực bởi kinh nghiệm và truyền thống ngàn năm của chúng ta, và là những gì được bắt nguồn sâu xa từ mạc khải thần linh.
Nguyên tắc thứ nhất, đó là việc tôn trọng con người, và tôi muốn nhấn mạnh là tôn trọng mỗi một con người. Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người, có nam có nữ, theo hình ảnh và tương tự như Ngài, nhờ đó, mỗi một con người, bất kể họ thuộc về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo hay quốc gia nào, có một giá trị vô giá và đáng mọi người khác tuyệt đối tôn trọng.
Mỗi một cá nhân có quyền căn bản để sống một cách xứng đáng theo văn hóa và niềm xác tín của mình. Việc tôn trọng đối với từng người như thế là nền tảng cho công lý, vì công lý là nền tảng cho hòa bình. Không thể nào có hòa bình mà lại phi thứ công lý được đặt căn bản trên việc tương kính.
Ở tâm điểm của chính bản tính con người là lương tâm về tôn giáo của họ. Từ đó xuất phát cái trách nhiệm luân lý thúc đẩy con người theo đuổi ơn gọi tôn giáo của mình và tìm kiếm chân lý, vì thế mà họ cũng cần phải được tự do nơi các vấn đề về đạo nghĩa, bao gồm cả khả năng thay đổi tôn giáo của mình, hay thậm chí tuyên bố mình là một kẻ vô thần chăng nữa.
Việc cởi mở của các quốc gia, các thẩm quyền tôn giáo và các vị lãnh đạo dân sự về vấn đề này sẽ dẫn đến việc thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo, một việc tôn trọng, cùng với Đấng Quan Phòng Thần Linh, là cốt lõi của hòa bình giữa các quốc gia, cũng như giữa các nhóm chủng tộc và tôn giáo sống bên nhau trong hòa bình và hợp tác.
Thế nhưng, không thể nào có vấn đề nhân quyền cho cá nhân mà thôi, nhân quyền phi trách nhiệm đối với người khác cũng như đối với công ích. Không có vấn đề tự do phi trách nhiệm cá nhân và xã hội; tự do của con người cá thể chỉ khả dĩ theo chiều hướng liên đới với tất cả mọi người mà thôi.
Như chúng ta phê bình chỉ trích đường lối cá nhân một chiều đối với các thứ quyền lợi của con người thế nào chúng ta cũng phê bình chỉ trích một thứ quan niệm qui kết như vậy. Cá nhân tính và liên đới tính là hai mặt của cùng một đồng tiền. Điều này dẫn chúng ta đến chỗ kết luận rằng, chúng ta cần phải cổ võ, cùng với cảm quan về phẩm giá của từng người, cái cảm quan liên đới giữa dân chúng, giữa các nhóm chủng tộc, giữa các quốc gia và giữa các tôn giáo.
(còn tiếp 2 kỳ)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/7/2006