GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 13/9/2006 TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI về Đức: Chuyến Tông Du Thứ Tư 9-14/9/2006: Bài Khai Từ tại Phi Trường Quốc Tế Franz Joseph Strauss
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 23/8/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 18: Tông Đồ Philiphê
? ĐTGM Silvano Tomasi Đại Diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc với Cuộc Họp của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội ngày 5/7/2006
Giáo Hoàng Biển Đức XVI về Đức: Chuyến Tông Du Thứ Tư 9-14/9/2006: Bài Khai Từ tại Phi Trường Quốc Tế Franz Joseph Strauss
Kính Ông Tổng Thống,
Kính Bà Thủ Tướng và Ông Thủ Tướng,
Quí Huynh Hồng Y và Giám Mục,
Quí Vị Tôn Nữ Tôn Nam,
Quí Đồng Hương thân mến!
Hôm nay, tôi hết sức xúc động đặt chân tới mảnh đất của người Đức và Bavaria lần đầu tiên từ ngày được lên Ngai Tòa Thánh Phêrô. Tôi trở lại quê hương của mình và giữa dân của tôi, để viếng thăm một số nơi thật là quan trọng trong cuộc đời của tôi. Tôi xin cám ơn Ông Tổng Thống Nước Cộng Hòa này, về những lời lẽ đón mừng thân ái của ông. Nơi những lời lẽ ấy, tôi cảm thấy được một âm vang trung thực cho tấm lòng cảm mến của toàn thể nhân dân chúng ta. Tôi cám ơn Bà Tiến Sĩ Thủ Tướng Angela Merkel, và Thủ Tướng Tiến Sĩ Edmund Stoiber, về niềm ân cần quí vị đã tỏ ra trân trọng đối với việc tôi tới đất Đức quốc và Bavaria. Tôi cũng xin gửi lời chào và bày tỏ lòng tri ân của tôi đối với các phần tử thuộc thẩm quyền trong chính quyền, trong giáo hội, dân sự và quân sự, cũng như tất cả mọi người hiện diện nơi đây để nghênh đón tôi qua cuộc viếng thăm này, một cuộc viếng thăm hết sức ý nghĩa đối với tôi.
Vào lúc này đây, nhiều hồi niệm về những tháng năm tôi sống ở Munich và Regensburg hiện lên trong tâm trí tôi: những hồi niệm về người và về các biến cố sâu xa đánh dấu đời tôi. Ý thức được biết bao nhiêu là những gì mình đã lãnh nhận, tôi trở về đây, trước hết, để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với tất cả những ai đã giúp vào việc hình thành tôi như là một con người sống những thập niên qua. Thế nhưng, tôi cũng đến đây như là Vị Thừa Kế Tông Đồ Phêrô để tái khẳng định và củng cố những mối liên hệ sâu xa nối kết Tòa Thánh Rôma với Giáo Hội ở bản xứ chúng ta đây.
Những mối liên hệ này có một lịch sử từ các thế kỷ trước đây và được liên lỉ nuôi dưỡng bằng việc mạnh mẽ gắn bó với các thứ giá trị của đức tin Kitô Giáo, một thứ gắn bó mà miền đất Bavaria có thể đặc biệt cảm thấy hãnh diện. Nó chứng thực bằng các niệm đài nổi tiếng, những vương cung thánh đường uy nghi, những bức tượng và bức tranh có một giá trị nghệ thuật lớn lao, những tác phẩm văn chương, những hoạt động văn hóa và nhất là có nhiều biến cố chung riêng phản ảnh niềm tin Kitô của các thế hệ tiếp nối nhau ở mảnh đất rất thân thương với tôi đây. Những mối liên hệ giữa Bavaria và Tòa Thánh, bất chấp một số lần căng thẳng, lúc nào cũng được đánh dấu bằng niềm thân ái trân trọng. Ở vào những lúc quan trọng của lịch sử mình, nhân dân Bavaria bao giờ cũng xác quyết lòng sùng mộ thành kính của mình đối với Tòa Thánh Phêrô cũng như việc họ mạnh mẽ gắn bó với đức tin Công Giáo. Trụ cột Mariensaule, sừng sững ở tâm điểm của quảng trường thủ đô Munich này, là một chứng từ hùng hồn cho niềm tin ấy.
Môi trường xã hội ngày nay khác với môi trường xã hội trong quá khứ ở nhiều hình thức. Tôi vẫn nghĩ rằng tất cả chúng ta đều liên kết với nhau trong niềm hy vọng là các thế hệ mới sẽ vẫn trung thành với gia sản thiêng liêng là những gì đứng vững trước tất cả mọi cuộc khủng hoảng của lịch sử. Việc tôi viếng thăm mảnh đất sinh quán của tôi đây là để phấn khích theo chiều hướng ấy, đó là Bavaria là một phần đất của Đức quốc; chia sẻ vào những cuộc thăng trầm của lịch sử Đức quốc, và có đủ lý do để hành diện về các truyền thống được thừa hưởng từ quá khứ. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi đồng bào tôi ở Bavaria và khắp Đức Quốc sẽ đóng một vai trò chủ động trong việc truyền đạt cho những người công dân mai này những giá trị nồng cốt của đức tin Kitô Giáo, một đức tin nâng đỡ tất cả mọi sự chứ không phải là một nguồn mạch chia rẽ, mà cởi mở và mang lại gần nhau những con người thuộc các dân tộc khác nhau, văn hóa khác nhau và tôn giáo khác nhau. Tôi cũng hân hoan muốn viếng thăm cả những phần đất khác của Đức nữa, bao gồm tất cả các Giáo Hội địa phương khác nhau, nhất là những Giáo Hội liên quan tới những kỷ niệm riêng tư của tôi. Tôi đã nhận được nhiều dấu hiệu cảm mến ở khắp nơi, nhất là từ các Giáo Phận ở Bavaria, trong giai đoạn đầu của giáo triều tôi cũng như qua tất cả những năm ấy. Đó là nguồn sinh lực cho tôi hằng ngày. Bởi vậy tôi muốn lợi dụng cơ hội này để bày tỏ lòng tri ân sâu xa của mình. Tôi đã đọc thấy và theo dõi những gì được thực hiện trong những tuần, những tháng này, và có biết bao nhiêu là người hết sức giúp vào việc thực hiện chuyến viếng thăm tuyệt vời này. Và giờ đây chúng ta hãy cám ơn Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta bầu trời Bavaria, vì đây không phải là những gì chúng ta có thể tậu được. Xin cám ơn anh chị em. Xin Thiên Chúa trả công cho anh chị em về tất cả những gì được thực hiện bởi tất cả mọi thành phần dân chúng ấy – tôi sẽ trở lại với điều này vào những dịp khác – trong việc bảo đảm cho chuyến viếng thăm đây được diễn tiến trôi chảy trong những ngày này.
Ngoài việc chào hỏi anh chị em, hỡi anh chị em đồng hương thân mến – khi thấy trước được những chặng đường thăm viếng của mình, từ Marktl và Tittmoning đến Aschau, Traunstein, Regensburg và Munich – tôi cũng muốn gửi lời chào thân thương tới toàn thể nhân dân Bavaria và toàn Đức quốc. Ở đây tôi đang nghĩ đến chẳng những tín hữu Công Giáo, thành phần chính yếu của viếng tôi viếng thăm, song cả các phần tử thuộc những Giáo Hội khác và các Cộng Đồng Giáo Hội khác nữa, nhất là các Kitô hữu Tin Lành và Chính Thống. Qua lời nói của mình, thưa Ông Tổng Thống của đất nước Cộng Hòa này, ông đã đọc được những cảm thức trong trái tim của tôi, đó là cho dù không thể nào loại bỏ đi nổi một cách dễ dàng 500 năm, bằng một chuyển biến hành chính hay bằng những bài diễn thuyết khôn khéo, chúng ta cũng hết lòng trí quyết tâm xích lại gần nhau hơn nữa. Sau hết tôi xin chào những tín đồ thuộc các tôn giáo khác cùng với tất cả mọi người thành tâm thiện chí là thành phần ôm ấp hòa bình và tự do của xứ sở đây cũng như của thế giới chúng ta. Xin Thiên Chúa chúc lành cho các nỗ lực của tất cả những ai quan tâm tới việc xây dựng một tương lai phúc hạnh thực sự, được xây dựng trên sự công chính tạo lập hòa bình. Tôi ký thác những lời nguyện cầu này cho Đức Trinh Nữ Maria, được mảnh đất này tôn kính như là Vị Quan Thày của Bavaria Patrona Bavariae. Tôi thực hiện việc phó dâng này theo lời nguyện cầu cổ xưa của Jakob Balde, được viết ở nơi đây trên bệ của trụ cột Mariensaule này như sau: ‘Rem regem regimen regionem religionem conserva Bavaris, Virgo Patrona, tuis!- Ôi Đức Trinh Nữ và là Vị Quan Thày, xin hãy bảo trì nhân dân Bavaria của Người, những sản vật của họ, chính quyền của họ, đất đai của họ và tôn giáo của họ!
Tôi xin chân thành gửi tới tất cả mọi người lời ‘Grub Gott!’
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20060909_welcome-munich_en.html
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 23/8/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 18: Tông Đồ Philiphê
Anh Chị Em thân mến:
Để tiếp tục chấm phá chân dung của các tông đồ khác nhau, như chúng ta đã làm ít tuần lễ vừa rồi, chúng ta hôm nay gặp gỡ tông đồ Philiphê. Trong bản liệt kê 12 vị ngài luôn đứng ở hàng thứ năm (trong Phúc Âm Thánh mathêu 10:3; Mk 3:18; Lk 6:14; Acts 1:13), tức là thuộc thành phần đứng đầu quan trọng.
Cho dù tông đồ Philiphê có gốc gác Do Thái, song tên gọi của ngài lại là Hy Lạp, cũng như tên của tông đồ Anrê, một chi tiết cho thấy dấu hiệu nho nhỏ liên quan tới chiều hướng cởi mở về văn hóa là những gì không được coi nhẹ. Chi tiết chúng ta có được đây xuất phát từ Phúc Âm Thánh Gioan. Ngài cũng ở cùng một địa điểm với tông đồ Phêrô và Anrê, tức là ở Bethsaida (x Jn 1:44), một tỉnh nhỏ thuộc tứ tỉnh dưới quyền một trong những người con trai của Hêrôđê Cả, người con cũng mang tên Philiphê (x Lk 3:1).
Cuốn Phúc Âm thứ bốn viết rằng, sau khi được Chúa Giêsu kêu gọi, Philiphê đến gặp Nathanaen mà nói với Nathanaen rằng: ‘Chúng tôi đã gặp được vị mà Moisen đã viết trong lề luật và các vị tiên tri viết là Giêsu Nazarét, con trai của Giuse’ (Jn 1:45). Trước phản ứng ngờ vực của Nathanaen – ‘Ở Nazarét có gì hay đâu?’ – Philiphê vẫn không bỏ cuộc nhưng cương quyết trả lời rằng: ‘Hãy đến mà xem’ (Jn 1:46).
Bằng câu trả lời này, cứng cỏi nhưng rõ ràng, Philiphê cho thấy tính chất của một chứng nhân chân thực: Ngài không thỏa mãn với việc trình bày lời loan báo này như là một thứ lý thuyết, nhưng bắt người đối diện phải tự suy nghĩ, khi đưa họ vào việc cảm nghiệm lấy những gì được loan báo. Chúa Giêsu cũng đã sử dụng những động từ này khi hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi xem Người sống ở đâu: ‘Hãy đến mà xem’ (x Jn 1:38-39).
Chúng ta có thể nghĩ rằng Philiphê đặt vấn đề với chúng ta bằng hai động từ này là hai động từ bao hàm một thứ tham phần riêng tư. Ngài cũng nói với chúng ta những gì ngài nói với Nathanaen: ‘Hãy đến mà xem’. Vị tông đồ này thúc đẩy chúng ta hãy nhận biết Chúa Giêsu một cách cận kề. Thật vậy, để thực sự nhận biết người khác, tình hữu nghị đòi phải có sự gần gũi, đòi phải một cái gì đó hơn nữa, đòi phải sống một cách nào đó bởi sự gần gũi này. Thật vậy, chúng ta không được quên rằng, theo những gì Thánh Marcô viết thì Chúa Giêsu đã chọn 12 vị với một mục đích chính yếu đó là ‘các vị ở với Người’ (Mk 3:14), tức là, các vị tham dự vào đời sống của Người và trực tiếp học nơi Người chẳng những kiểu cách tác hành mà nhất là biết được Người thực sự là ai.
Chỉ có thế, chỉ nhờ được tham phần vào đời sống của Người, các vị mới nhận biết và loan báo về Người. Sau này, trong Thư Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô, chúng ta đọc thấy rằng điều quan trọng đó là ‘Chúa Kitô được họ học biết’ (4:20), tức là điều quan trọng không phải chỉ là hay trên hết là lắng nghe các giáo huấn của Người, những lời nói của Người, mà là nhận biết Người một cách thân mật, tức là nhận biết nhân tính và thần tính của Người, nhận biết mầu nhiệm về sự mỹ lệ của Người.
Người không phải chỉ là Thày, mà còn là một Thân Hữu, hơn thế nữa, là Người Anh. Làm sao chúng ta có thể nhận biết Người nếu chúng ta ở cách xa Người chứ? Tình thân, nghĩa thiết, quen thuộc, là những gì làm cho chúng ta khám phá ra căn tính thực sự của Chúa Giêsu Kitô. Đó chính là những gì Tông Đồ Philiphê nhắc nhở chúng ta. Đó là lý do tại sao Người mời chúng ta hãy ‘đến’ mà ‘xem’, tức là hãy tham dự vào việc lắng nghe, vào việc đáp ứng và vào mối hiệp thông với đời sống của Chúa Giêsu từ ngày này sang ngày khác.
Vào lần bánh được hóa ra nhiều, ngài đã được Chúa Giêsu yeuêcầu một cách ngắn gọn song hết sức lạ lùng là: mua ở đâu cho đủ bánh để nuôi tất cả mọi người đang theo Người bấy giờ (x Jn 6:5). Thế rồi Philiphê đã thực tế đáp lại rằng: ‘Tiền lương mua ăn hai trăm ngày cũng không đủ cho mỗi người một chút’ (Jn 6:7).
Ở đây chúng ta có thể thấy tính cách thực tiễn và tinh thần cụ thể của vị tông đồ này, vị đã phán đoán những gì được chất chứa nơi trường hợp xẩy ra. Chúng ta biết về những gì xẩy ra sau đó. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã cầm lấy những ổ bánh, rồi sau khi nguyện cầu, đã phân phối cho các vị. Người đã hóa bánh ra nhiều là như thế. Song có một sự kiện đáng chú ý đó là Chúa Giêsu đã nói riêng với Philiphê, trong việc để có được ấn tượng đầu tiên về cách giải quyết vấn đề ấy thì dấu hiệu hiển nhiên đó là việc Người thiết lập một nhóm người hạn chế sống quây quần với Người.
Trong một trường hợp khác, một trường hợp rất quan trọng đối với lịch sử mai hậu, đó là trường hợp, trước Cuộc Khổ Nạn, một số người Hy Lạp ở Gia Liêm vào ngày Lễ Vượt Qua, họ ‘đến với Philiphê… mà yêu cầu ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu. Philiphê đi đến nói với Anrê; đoạn Anrê và Philiphê đến nói với Chúa Giêsu’ (Jn 12:20-22). Một lần nữa, chúng ta lại đứng trước một dấu vết về cái thế giá đặc biệt của ngài trong tông đồ đoàn. Đặc biệt là trong trường hợp này, ngài đã thi hành những nhiệm vụ của việc làm trung gian giữa lời yêu cầu của một số người Hy Lạp – có lẽ ngài nói tiếng Hy Lạp và có thể đóng vai thông dịch viên – và Chúa Giêsu; mặc dù ngài liên kết với Anrê, một người tông đồ cũng có tên theo tiếng Hy Lạp, song thành phần ngoại bang vẫn đến với ngài.
Điều này cũng dạy chúng ta hãy chẳng những sẵn sàng chấp nhận những lời yêu cầu và khẩn cầu bất cứ từ đâu đến, mà còn dẫn họ đến với Chúa Kitô nữa, vì chỉ có một mình Người mới có thể làm thỏa mãn họ hoàn toàn mà thôi. Thật thế, cần phải biết rằng chúng ta không phải là những người cuối cùng nhận được các lời yêu cầu của những ai đến với chúng ta, mà là Chúa Kitô. Chúng ta phải dẫn đến với Người những ai gặp khó khăn. Mỗi một người chúng ta cần phải trở thành một lộ trình dẫn đến với Người!
Một dịp nữa đặc biệt quan trọng có sự can thiệp của tông đồ Philiphê. Trong Bữa Tiệc Ly, sau khi Chúa Giêsu khẳng định rằng nhận biết Người cũng có nghĩa là nhận biết Cha (x Jn 14:7), thì Philiphê hết sức ngây thơ xin Người rằng: ‘Thưa Tháy, xin tỏ Cha cho chúng con, như thế là đủ cho chúng con rồi’ (Jn 14:8).
Chúa Giêsu đã trả lời ngài bằng một giọng âu yếm trách móc: ‘Thày đã chẳng ở với con một thời gian khá dài rồi hay sao mà con còn chưa biết Thày ư Philiphê? Ai thấy Thày là thấy Cha. Vậy thì tại sao con còn nói rằng xin tỏ Cha cho chúng con? Con không tin rằng Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày sao? […] Hãy tin rằng Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày’ (Jn 14:9-11). Đó là những lời cao quí nhất trong Phúc Âm Thánh Gioan. Chúng chất chứa một mạc khải chân thực. Ở cuối Lời Mở Đầu Phúc Âm của mình, Thánh Gioan đã khẳng định rằng: ‘Không ai đã từng được thấy Thiên Chúa. Người Con duy nhất, là Thiên Chúa, Đấng hằng ở với Cha, đã tỏ Cha ra’ (Jn 1:18).
Lời phát biểu ấy, lời phát biểu của vị thánh ký này, đã được lập lại và xác nhận bởi chính Chúa Giêsu, song chi tiết hơn. Thật vậy, trong khi Lời Mở Đầu của Thánh Gioan nói về một thứ can thiệp rõ ràng minh bạch của Chúa Giêsu bằng những lời lẽ của giáo thuyết Người thế nào, thì nơi lời Người trả lời cho tông đồ Philiphê, Chúa Giêsu đã nói tới chính bản thân của Người như vậy, dẫn chúng ta tới chỗ hiểu rằng Người chỉ có thể hiểu được qua những gì Người nói, hơn thế nữa, qua những gì Người là. Để giúp cho chúng ta hiểu biết, bằng việc sử dụng cái nghich thường của biến cố Nhập Thể, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa đã mang một bộ mặt con người, bộ mặt của Chúa Giêsu, nhờ đó, từ nay, nếu chúng ta muốn thực sự biết được dung nhan của Thiên Chúa thì chúng ta chỉ việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Giêsu! Nơi dung nhan của Người, chúng ta thực sự thấy Thiên Chúa là Đấng nào và Ngài như thế nào!
Vị thánh ký này không cho chúng ta biết tông đồ Philiphê có hoàn toàn hiểu được câu nói của Chúa Giêsu hay chăng. Điều chắc chắn là ngài đã hiến mạng sống mình hoàn toàn cho Người. Theo một số trình thuật sau này (Cuốn ‘Tông Vụ Philiphê’ và những cuốn khác0, thì vị tông đồ của chúng ta đây đã truyền bá phúc âm hóa ở Hy Lạp trước tiên, rồi ở Phrygia, và ở đây ngài đã bị giết chết, tại Hieropolis, do một cuộc hành hạ được một số người cho là bị tử giá và một số khác lại nói là bị ném đá.
Chúng ta muốn chấm
dứt bài suy niệm của chúng ta bằng việc nhớ lại mục đích đời sống của chúng ta
nhắm tới, đó là việc gặp gỡ Chúa Giêsu, như tông đồ Philiphê đã thấy Người, cố
gắng thấy nơi Người chính Thiên Chúa là Cha trên trời. Nếu thiếu việc quyết tâm
này, chúng ta thấy lẻ loi một mình, như đứng trước một gương soi, và chúng ta
càng cảm thấy cô độc hơn nữa! Trái lại, tông đồ Philiphê mời gọi chúng ta hãy để
cho Chúa Giêsu chiếm đoạt, hãy ở với Người và chia sẻ cuộc thân tình bất khả
châm chước này. Có thế, có thấy Thiên Chúa, gặp Thiên Chúa, chúng ta mới có được
một sự sống chân thực vậy.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/9/2006
ĐTGM Silvano Tomasi Đại Diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc với Cuộc Họp của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội ngày 5/7/2006
Thưa Ông Chủ Tịch,
1. Mục đích của việc phát triển quân bình thường được thực hiện bởi Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội ECOSOC (Economic and Social Council) đã tiến đến một khúc quanh mới mẻ và hợp thời trong khóa họp này. ECOSOC chú trọng tới một đề tài vừa hợp thời vừa có kế hoạch, ở chỗ ‘tạo nên một môi trường thuộc các cấp quốc gia và quốc tế, dẫn đến chỗ làm phát sinh ra đầy đủ công ăn việc làm dồi dào và công việc làm xứng đáng với tất cả mọi người, cùng với ảnh hưởng của nó trên việc phát triển khả thủ’.
Đại Biểu của Tòa Thánh tôi hoàn toàn tán thành chương trình hoạt động này, một chương trình nhấn mạnh tới vị thế chính yếu của con người, tới giá trị của việc con người làm, và cho thấy đường lối để thắng vượt tình trạng nghèo khổ kinh niên và sống bên lề xã hội. Thật vậy, việc làm xứng đáng là những gì bao gồm phẩm chất của đời sống vượt lên trên cả vấn đề sản xuất nữa: nó là một khía cạnh về chính bản thân con người, thành phần cống hiến cho việc làm giá trị cao cả nhất của nó.
Việc dân chúng tìm kiếm và hy vọng có việc làm lại thấy mình bị thất nghiệp là tình trạng đang luôn ở mức độ cao, kéo theo một nguy cơ trầm trọng mà việc chiến đấu chống nghèo cũng như việc chiếm đạt những Mục Đích Phát Triển Ngàn Năm MDG (Millennium Development Goals) sẽ bị lũng đoạn, để rồi tình trạng khủng hoảng này sẽ gây ra tác hành lệch lạc, và chắc chắn làm cho thế giới ít được an toàn hơn. Đức Phaolô VI vào năm 1967 đã nói rằng: ‘Phát triển là một danh xưng mới của hòa bình’ (Thông Điệp Phát Triển Các Dân Tộc Populorum Progressio, 76).
Bây giờ là cơ hội để hỏi lý do tại sao việc trực tiếp trợ giúp nhiều về tài chính và việc trao đổi về kỹ thuật chưa được hiệu lực như dự tính, đồng thời cũng là dịp để tái xét mối liên hệ giữa việc phát triển và những mục đích lớn lao hơn của việc hợp tác quốc tế.
2. Nếu các cá nhân và những nhóm cùng các hiệp hội khác nhau làm nên xã hội lãnh nhận trách nhiệm chính yếu nơi lãnh vực kinh tế có tính cách phù trợ lành mạnh, thì việc dấn thân của địa phương mới có thể đẩy mạnh nền kinh tế.
Tận căn bản của vấn đề đó là việc tạo nên các thứ công ăn việc làm mới để làm cho nền kinh tế được sôi động. Việc chủ động tham gia vào việc làm làm bật ra những khả năng sáng tạo và những năng lực của từng người trong một thời điểm đặc biệt cũng như nơi tầm mức phát triển của quốc gia. Từ từ tình trạng nghèo khổ bị giảm đi, việc di dân trở thành một chọn lựa hơn là một nhu cầu, các tiểu chuẩn xã hội bắt đầu phát triển, dân chúng được thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của bần cùng và những điều kiện sống bất xứng. Vấn đề ở đây đã trở nên rõ ràng, ở chỗ, ‘nền tảng chính yếu của giá trị việc làm đó là con người vậy’ (John Paul II, Laborem exercens, 6).
Để đạt được mục đích này cho các xã hội đang bị kìm kẹp bởi nạn thất nghiệp, cần phải thích ứng việc trợ giúp về khả năng xây dựng với tầm mức phát triển của mỗi xứ sở. Nhờ đó, mới tránh được làm phung phí đi các nguồn lợi. Thành phần trao ban sẽ thấy tình đoàn kết của họ sinh lợi đối với các quốc gia thụ lãnh, và về lâu về dài đối với cả chính các quốc gia trao tặng nữa.
Nơi mối liên hệ tương giao hiện nay thì trách nhiệm giúp đỡ dân chúng ở các xứ sở kém phát triển nhất có được việc huấn luyện và kỹ thuật khiến họ có cơ hội công bằng trong việc cạnh tranh là những gì tương đương với nhu cầu cần sửa soạn các sản phẩm cho thị trường toàn cầu. Việc hợp tác thực tiễn đặt ưu tiên cho những chọn lựa được căn cứ vào khả thể của các hoạt động kinh tế gia tăng về lao động được điều hành một cách thành thực và theo khả năng hữu trách giúp thoát khỏi hiện trạng ngột ngạt khó thở.
Một đường lối kiến tạo việc làm như thế là những gì ngăn ngừa cái hiệu quả bất ngờ của một sự trợ giúp phát triển chính thức nào đó đưa đến chỗ làm giầu cho một nhóm nhỏ các công ty hay một nhóm nhỏ con người là thành phần bấy giờ có khuynh hướng muốn ngăn chặn việc dân chủ hóa và thậm chí còn muốn chấp nhận cả tình trạng băng hoại nữa.
3. Khi tiến trình biến đổi xã hội xẩy ra thì công việc xứng đáng là những gì đóng góp một chiều kích quan trọng khác, chiều kích của một cảm quan về tương lai hy vọng và cống hiến những gì có thể trong việc giành lại được vai trò chủ chốt của cá nhân và niềm tự trọng, thuận lợi cho một cơ cấu xã hội thống nhất hơn nữa. Thật vậy, gia đình thì được nâng đỡ, trẻ em không bị ép buộc làm việc và có thể đến trường, các giá trị về việc tổ chức và tham gia được học hỏi. Như thế, việc làm là một yếu tố chính yếu trong việc con người nam nữ tự viên trọn bản thân mình vậy.
4. Bởi thế, con đường trước mặt đó là việc chấp nhận về chính trị những điều kiện giúp cho vấn đề công ăn việc làm gia tăng về lao công ở địa phương, và vấn đề kiến tạo nên các thứ công ăn việc làm này sẽ là những gì chống nghèo và đưa đến chỗ làm đổi thay xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh của việc toàn cầu hóa ngày nay, trong lúc tình trạng giầu thịnh gia tăng thì khoảng cách giữa giầu nghèo vẫn còn tốn tại.
Việc qui tụ hay liên kết các diễn viên quốc tế nơi lãnh vực kinh tế và phát triển là những gì có thể tăng bội những thành quả trong việc tạo thêm công ăn việc làm, và điều này bao hàm việc hợp tác hơn nữa về các chính sách đầu tư tài chính, về những thứ cải cách canh nông và khả năng tham gia các thị trường, về việc quản trị tốt đẹp. Việc loại trừ đi mỗi ngày một hơn những thứ nợ nần quốc ngoại sẽ là thành quả của sách lược này.
Nếu những cuộc thương thảo về vấn đề mậu dịch Doha không kết thúc bằng một số thỏa thuận tích cực, thì thành phần nghèo nàn và đói khổ trên thế giới sẽ là thành phần phải chịu thiệt thòi, và cơ hội đối với việc tăng trưởng của họ, việc phát triển của họ, cũng như cho công ăn việc làm xứng đáng sẽ bị tan biến lâu dài.
Lòng can đảm và thiện chí chính trị để thực hiện những thỏa hiệp cần thiết, trái lại, có thể dẫn đến một cuộc cải tiến hoạt động chung và chứng tỏ một việc dấn thân cụ thể cho vấn đề loại trừ đi tình trạng nghèo khổ toàn cầu là những gì vẫn còn là một tệ nạn và là một mối đe dọa cho hòa bình và nền an ninh.
Vào khúc quanh lịch sủ này, khi mà gia đình quốc tế chư quốc muốn cổ võ ‘những tiêu chuẩn sống tốt đẹp hơn với những quyền tự do nhiều hơn’, khi mà những lợi lộc đặc biệt của các cơ quan và của các quốc gia cần phải nhường bước trước những cơ hội gắn bó hoạt động cho công ích, cho một thức chia sẻ công bằng bởi tất cả mọi người nơi việc mậu dịch, nơi việc thực hiện các quyết định, cũng như nơi những thiện ích về vấn đề phát triển.
5. Công ăn việc làm và vấn đề phát triển đòi phải có một sự đổi thay nơi vấn đề trọng yếu và ưu tiên, để môi trường khả dĩ cho hòa bình, cho việc đối thoại, cho việc tôn trọng tính cách phụ trợ và tham gia có thể giúp vào vấn đề gia tăng công việc làm xứng đáng và trên hết là việc phát triển của mọi người.
Bản ‘Thập Niên cho Vấn Đề Công Ăn Việc Làm Đầy Đủ và Hiệu Năng, cũng như cho Việc Làm Xứng Đáng với Tất Cả Mọi Người’ được dự thảo có thể được coi như là một giai đoạn suy tư và hành động về các thứ ưu tiên ấy.
Những qui tắc của kinh tế và mậu dịch, việc tiến bộ về kỹ thuật chúng ta chứng kiến thấy hằng ngày, việc nỗ lực chính trị để thực hiện một trật tự thể giới chính đáng: tất cả những thứ này đều là những yếu tố của một môi trường có thể đẩy mạnh việc bảo toàn phẩm giá và tính cách sáng tạo của hết mọi người và bảo đảm một tương lai công lý và hòa bình cho toàn thể gia đình nhân loại.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
7/7/2006