GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 25/9/2006

 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXV Thường Niên 24/9/2006 về Lý Lẽ Yêu Thương đến hy hiến bản thân, như Chị Dòng người Ý Leonella Sgorbati

?  Người Nữ Tu bị ám sát chết có thể liên quan tới bài diễn văn gây bạo lực ở thế giới Hồi Giáo

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Bài chia sẻ Thứ Tư 13 tại Đền Thờ “Đức Bà Nguyện Đường Cổ” Alte Kapelle ở Regensburg

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXV Thường Niên 24/9/2006 về Lý Lẽ Yêu Thương đến hy hiến bản thân, như Chị Dòng người Ý Leonella Sgorbati

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu lần thứ hai đã loan báo cho các môn đệ của Người biết cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Người (x Mk 9:30-31). Thánh Ký Marcô nhấn mạnh tới cái tương phản mạnh mẽ giữa tâm thức của Người và tâm thức của 12 Tông Đồ, thành phần chẳng những không hiểu những lời của Sư Phụ và trắng trợn phủ nhận ý nghĩ là Người sắp sửa đương đầu tử thần (x Mk 8:32), mà còn tranh cãi với nhau về vấn đề trong họ ai là người được coi là “kẻ cả” (x Mk 9:34). Chúa Giêsu đã nhẫn nại giải thích cho các vị cái lý lẽ của Người, cái lý lẽ của yêu thương hàm chứa cả việc phục vụ cho đến độ hiến tặng cả bản thân mình: “Nếu ai muốn làm đầu thì họ phải làm kẻ bé mọn nhất và làm tôi cho tất cả mọi người” (Mk 9:35).

 

Đó là lý lẽ của Kitô Giáo, một lý lẽ đáp ứng sự thật con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó cũng là một thứ lý lẽ phản lại với cái tôi là hậu quả nguyên tội của họ. Hết mọi người đều cảm thấy thu hút bởi yêu thương – một thứ yêu thương tối hậu là chính Thiên Chúa – thế nhưng, con người lại thường lầm lạc nơi những cách thức cụ thể yêu thương, bởi đó, mới xuất hiện những ý hướng và hành động xấu xa từ một khuynh hướng mới đầu có tính cách tích cực, cho dù bị tội lỗi làm ô nhiễm.

 

Phụng vụ hôm nay cũng đã nhắc nhở trong Thư của Thánh Giacôbê rằng: “Ở đâu có ghen tị và vị kỷ, thì ở đó xẩy ra lệch lạc và đủ mọi thứ việc làm xấu xa nhơ nhuốc. Thế nhưng, đức khôn ngoan từ trên cao trước hết là những gì tinh tuyền, rồi an bình, nhân ái, tuân hợp, đầy xót thương và hoa trái tốt lành, không bất nhất hay thiếu chân thành”. Vị tông đồ này kết luận: “Hoa trái của đức công chính là những gì được gieo trong an bình cho những ai vun trồng bình an” (3:16-18).

 

Lời này khiến cho chúng ta nhớ đến chứng từ của rất nhiều Kitô hữu, thành phần, bằng lòng khiêm nhượng và trong âm thầm, đã vì Chúa Giêsu hiến đời mình để phục vụ kẻ khác, hoạt động một cách cụ thể như thành phần tôi tớ của yêu thương và bởi đó là “những kiến tạo gia” hòa bình. Một số đã được kêu gọi để cống hiến chứng từ bằng máu cao cả, như đã xẩy ra mới đây mấy hôm cho một tu sĩ người Ý là Nữ Tu Leonella Sgorbati, người nữ tu đã trở thành nạn nhân của bạo lực. Người nữ tu này, người đã nhiều năm phục vụ thành phần nghèo khổ và trẻ em ở Somalia, đã chết khi thốt lên lời “tha thứ”: Đó là chứng từ Kitô Giáo đích thực nhất, một dấu hiệu phản khắc đầy an bình cho thấy cuộc vinh thắng của tình yêu trên hận thù và sự dữ.

 

Đi theo Chúa Kitô chắc chắn là việc khó khăn, thế nhưng, như Người đã nói, chỉ có những ai mất mạng sống mình vì Phúc Âm mới giữ được sự sống mà thôi (x Mk 8:35), vì nó mang lại cho cuộc sống con người trọn vẹn ý nghĩa. Không còn đường lối nào khác để làm môn đệ của Người, không còn con đường nào khác để làm chứng nhân cho tình yêu của Người và hướng tới sự trọn lành của phúc âm.

 

Hỡi Mẹ Maria, vị chúng con kêu cầu hôm nay đây là Đức Mẹ Tình Thương, xin giúp chúng con biết mở lòng mình ra mỗi ngày một hơn trước tình yêu của Thiên Chúa, mầu nhiệm của niềm vui và thánh đức.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/9/2006

 

 

TOP

 

 

 ? Người Nữ Tu bị ám sát chết có thể liên quan tới bài diễn văn gây bạo lực ở thế giới Hồi Giáo

 

Hôm Thứ Hai 18/9/2006, khi ngỏ lời cùng Hội Đồng Thường Trực của hội đồng giám mục Ý quốc, ĐHY Camillo Ruini, đại diện Giáo Phận Rôma kiêm chủ tịch hội đồng giám mục Ý, đã bày tỏ mối nghi ngờ của ngài về sự liên hệ giữa cái chết của nữ tu này với bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hôm Thứ Ba 12/9/2006 gây phẫn nộ thế giới Hồi Giáo.

 

Thật vậy, vào trưa Chúa Nhật 17/9/2006, nữ tu dòng truyền giáo Consolata là Leonella Sgorbati, người Ý, 65 tuổi, đang băng ngang qua đường giữa Bệnh Viện SOS là nơi nữ tu làm việc và Làng SOS là nơi nữ tu và 4 chị em khác cư trú, thì bị hai tay súng xuất hiện đằng sau gần những chiếc xe taxi và những hàng quán bên đường bắn. Nữ tu này đã vội chạy đến Bệnh Viện SOS và chết sau đó ít lâu.

 

Theo tường thuật của chị em cùng dòng ở tại đó cho cơ quan Tín Vụ Công Giáo Phi Châu (CISA: Catholic Information Service of Africa) ở Nairobi biết vào cùng ngày thì “Chị biết rằng chị sắp chết, vì chị cứ nói rằng ‘tôi không thở được’. Những lời cuối cùng của chị là ‘tôi tha thứ, tôi tha thư’”.

 

Cũng theo chị em cùng dòng, thì thi thể của người nữ tu này bị những vết thương gây ra bởi 7 viên đạn. Hai kẻ tình nghi đã bị bắt giam và các cuộc điều tra đã được thực hiện bởi Khối Tòa Án Hồi Giáo. Thánh Lễ an táng được cử hành hôm Thứ Năm 21/9 tại Giáo Xứ Đền Thánh Consolata ở Westlands, Nairobi, và sau đó thi thể của nữ tu nạn nhân được chôn táng tại nghĩa trang Bệnh Viện Nazarét ở Kiambu, Kenya.

 

Nữ tu Leonella Sgorbati vào đời ở Gaoãola, Piacenza, Ý quốc ngày 9/12/1940. Chị nhập dòng Chị Em Thừa Sai Consolata ở San Fre, Cuneo, vào Tháng 5/1963, và tuyên lời khấn vĩnh thệ vào tháng 11/1972.

 

Sau khi tốt nghiệp trường y tá ở Anh quốc (1966-1968), chị được chỉ định đến phục vụ ở Kenya, và chị đến đó vào tháng 9/1970. Từ đó cho tới năm 1983, chị phục vụ luân chuyển tại Bệnh Viện Consolata, ở Mathari, Nyeri, và Bệnh Viện Nazareth ở Kiambu thuộc các vùng ngoại ô phía bắc của Nairobi.

 

Vào giữa năm 1983, chị bắt đầu khóa y tá cao cấp và vào năm 1985 chị trở thành người dạy kèm chính ở trường y tá sát liền Bệnh Viện Nkubu ở Meru. Vào tháng 11/1993, chị được chọn làm bề trên vùng Chị Em Thừa Sai Consolata ở Kenya, và chị kiêm nhiệm chức vụ này 6 năm trời.

 

Sau một thời gian nghỉ ngơi, vào năm 2001, chị đã sống mấy tháng ở Mogadishu, tìm cách mở một trường y tá ở bệnh viện được điều hành bởi tổ chức SOS Village. Để rồi chị là người điều khiển Hermann Gnemer School của Registered Community Nursing là nơi được khai trương vào năm 2002, và cũng là nơi huấn luyện mãn khóa cùng năm cho 32 y tá, với cấp bằng được chính Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới WHO, vì Somalia đã không có chính phủ từ năm 1991.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/9/2006

 

 

TOP

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Bài chia sẻ Thứ Tư 13 tại Đền Thờ “Đức Bà Nguyện Đường Cổ” Alte Kapelle ở Regensburg

 

Ngôi nhà đáng kính của Thiên Chúa đây, ngôi Đền Thờ “Đức Bà Nguyện Đường Cổ”, đã được tân trang một cách rạng ngời – như chúng ta có thể thấy đây – và hôm nay có một chiếc đàn dương cầm mới giờ đây được làm phép và long trọng cung hiến cho mục đích của nó đó là tôn vinh Thiên Chúa và củng cố đức tin.

 

Một đóng góp quan trọng cho vấn đề canh tân thánh nhạc ở thế kỷ 19 đã được thực hiện bởi một vị linh mục của ngôi nhà thờ đại học này là Carl Joseph Proske. Nhạc bình ca của Giáo Hội và nhạc đa âm hợp xướng cổ là những gì đã được hội nhập vào phụng vụ. Việc chú trọng đến thánh nhạc ở “Ngôi Nguyện Đường Cổ” này quan trọng đến nỗi nó lan ra khỏi lãnh vực của miền đất này, làm cho Regensburg trở thành một trung tâm canh tân thánh nhạc, và ảnh hưởng của nó đã tiếp tục kéo dài tới ngày nay.

 

Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vaticanô II (Sacrosanctum Concilium) đã nhấn mạnh rằng “việc bao gồm thánh nhạc và lời nhạc… làm thành một yếu tố cần thiết và toàn vẹn của việc long trọng cử hành phụng vụ” (số 112). Điều này có nghĩa là nhạc và hát không phải chỉ là một thứ thêm thắt tô điểm (có lẽ thậm chí không cần) cho việc thờ phượng; chúng chính là yếu tố của tác động phụng vụ. Việc long trọng thực hiện thánh nhạc, với ca đoàn, phong cầm, dàn nhạc và việc xướng hát của dân chúng, bởi thế, không phải là một thứ thêm thắt làm nên phụng vụ để làm cho phụng vụ cảm thấy hay hơn, song là một phương tiện quan trọng cho việc chủ động tham dự vào việc phụng thờ. Phong cầm bao giờ cũng được coi, thật sự là thế, vua của các thứ nhạc cụ, vì nó có tất cả mọi âm thanh của thiên nhiên tạo vật – như đã được cho như thế – và làm âm vang trọn vẹn những cảm thức của con người, từ vui đến buồn, từ chúc tụng đến than van. Bởi tính cách trổi vượt lên trên tầm mức thuần nhân loại, như tất cả mọi thứ nhạc tinh túy cũng có tính cách này, nó là những gì gợi lên những gì là thần linh. Cái tầm mức rộng lớn về âm sắc của phong cầm, từ êm dịu đến cực mạnh, làm cho nó thành một nhạc cụ trổi vượt tất cả mọi nhạc cụ khác. Nó có thể làm âm vang và diễn đạt tất cả mọi cảm nghiệm của con người. Nhiều tiềm năng đa bội của phgong cầm một cách nào đó nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại và uy nghi của Thiên Chúa.

 

Bài Thánh Vịnh 150, bài chúng ta vừa nghe và căn cứ vào đó để suy tư, nói về những tiếng kèn và những tiếng sáo, về những đàn hạc và đàn tam thập lục, những chiêng cùng trống; tất cả mọi nhạc cụ này được kêu gọi để góp phần vào việc chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Nơi đàn phong cầm, nhiều ống đàn và âm thanh cần phải hợp thành một mối. Nếu đây đó bị tắc, nếu một ống đàn lạc giọng, thì điều này trước hết chỉ được nhận ra bởi cái tai thính nào đó. Thế nhưng nếu có nhiều ống đàn bị lạc giọng, thì xẩy ra tình trạng loạn âm, không thể nào nghe nổi. Cũng thế, những ống đàn của chiếc phong cầm này phải chịu đựng những thay đổi về nhiệt độ và có thể bị hư hỏng đi. Đúng, đó là hình ảnh của cộng đồng chúng ta trong Giáo Hội. Như nơi chiếc phong cầm, bàn tay chuyên nghiệp cần phải liên tục lấy lại cung điệu từ tình trạng bị lạc điệu thế nào, trong Giáo Hội cũng thế, chúng ta, băèg những tặng ân và đặc sủng khác nhau, lúc nào cũng cần phải tìm cách, bằng mối hiệp thông đức tin của mình, làm mới lại việc hòa hợp với nhau trong vấn đề chúc tụng Thiên Chúa và yêu thương huynh đệ. Chúng ta càng để cho mình, qua phụng vụ, được biến đổi trong Chúa Kitô, chúng ta càng có khả năng biến đổi thế giới, chiếu giãi sự tốt lành của Chúa Kitô, chiếu tỏa tình thương của Người cùng tình yêu của Người đối với kẻ khác.

 

Các đại sáng tác gia, mỗi người một kiểu, tận kỳ cùng đều tìm cách tôn vinh Thiên Chúa bằng nhạc của họ. Johann Sebastian Bach đã viết ở bên trên nhan đề của nhiều bài sáng tác nhạc của mình những chữ tắt S.D.G là Soli Deo Gloria – Chỉ Duy Vinh Danh Thiên Chúa. Anton Bruckner cũng mở đầu các bài sáng tác của mình bằng những chữ: Dem lieben Gott gewidmet – Xin dâng lên Thiên Chúa thiện hảo. Chớ gì tất cả những ai bước vào ngôi Đền Thờ nguy nga này, khi cảm nghiệm được cái uy nghi nơi kiến trúc của nó cũng như nơi phụng vụ của nó, một phụng vụ được phong phú hóa bởi việc trân trọng hát ca hòa điệu với chiếc phong cầm mới này, đều cảm nghiệm được niềm vui của đức tin. Đó là điều tôi nguyện chúc và hy vọng trong ngày khai trương chiếc phong cầm mới đây. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20060913_alte-kapelle-regensburg_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ