GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 26/9/2006 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Diễn Từ ngỏ cùng Các Vị Lãnh Sự Chư Quốc Đa Số Hồi Giáo và Các Vị Đại Diện Chư Cộng Đồng Hồi Giáo Ở Ý, Thứ Hai 25/9/2006 tại Sala degli Svioãeri, Castel Gandolfo
? Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn ngỏ lời cùng Đức Thánh Cha mở đầu cuộc gặp gỡ kêu gọi hợp tác dấn thân cho nhân loại
? Diễn Tiến và Tác Dụng tích cực của Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn do Đức Thánh Cha mời gọi
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Diễn Từ ngỏ cùng Các Vị Lãnh Sự Chư Quốc Đa Số Hồi Giáo và Các Vị Đại Diện Chư Cộng Đồng Hồi Giáo Ở Ý, Thứ Hai 25/9/2006 tại Sala degli Svioãeri, Castel Gandolfo
Đức Hồng Y Poupard thân mến,
Quị Vị Lãnh Sự,
Quí Bạn Hồi Giáo thân mến,
|
Tôi hân hoan tiếp đón quí vị đến với cuộc qui tụ do tôi muốn sắp xếp để củng cố những thắt kết thân tình và liên hiệp giữa Tòa Thánh và các cộng đồng Hồi Giáo khắp thế giới. Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Poupard, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Vấn Đề Đối Thoại Liên Tôn, về những lời ngài ngỏ cùng tôi, và tôi xin cám ơn tất cả quí vị đã đáp lại lời mời của tôi.
Những tình huống dẫn đến việc chúng ta qui tụ lại đây là những gì đã tỏ tường. Tôi đã có cơ hội để suy nghĩ về những tình huống ấy trong tuần vừa qua. Trong bối cảnh đặc biệt này, hôm nay tôi cần phải lập lại tất cả lòng quí mến và sâu xa tôn trọng của tôi đối với các tín đồ Hồi Giáo, nhớ lại những lời của Công Đồng Chung Vaticanô II, những lời, đối với Giáo Hội Công Giáo là Bản Hiến Chương cho vấn đề đối thoại liên tôn giữa tín đồ Hồi Giáo và Kitô Giáo: “Giáo Hội tỏ ra trân trọng đối với các tín đồ Hồi Giáo. Họ tôn thờ một vị Thiên Chúa duy nhất hằng sống và tự tại, nhân ái và toàn năng, là Đấng Tạo Thàng trời đất, Đấng đã nói với nhân loại, và là Đấng có những chỉ thị, cho dù là kín đáo, cũng được họ hết lòng tìm cách tỏ ra thuận phục, như Abraham, vị có liên hệ tới niềm tin của Hồi Giáo, đã thuận phục Thiên Chúa vậy” (Declaration Nostra Aetate, 3). Chính vì muốn mạnh mẽ theo chiều hướng ấy mà ngay từ khi mở màn cho giáo triều của mình, tôi đã có lần bày tỏ ước muốn của mình trong việc tiếp tục thiết lập những chiếc cầu nối thân hữu với các thành phần tín hữu thuộc tất cả mọi tôn giáo, đặc biệt tỏ ra cảm nhận về việc tiến triển đối thoại giữa tín đồ Hồi Giáo và Kitô Giáo (cf. Address to the Delegates of Other Churches and Ecclesial Communities and of Other Religious Traditions, 25 April 2005). Như tôi đã nhấn mạnh đến ở Cologne năm ngoái, “việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa giữa các tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo không thể trở thành một cái gì ngoại tại tùy ý. Thật thế, nó là một nhu cầu sống chi phối một phần lớn tương lai của chúng ta” (Meeting with Representatives of Some Muslim Communities, Cologne, 20 August 2005). Trong một thế giới đầy những chủ nghĩa tương đối và quá ư là thường thấy tính cách trổi vượt và phổ quát của lý trí bị loại trừ đi, chúng ta rất cần phải thực hiện một cuộc đối thoại thực sự giữa các đạo giáo cũng như giữa các nền văn hóa, có thể giúp chúng ta thắng vượt được tất cả mọi căng thẳng, trong tinh thần hợp tác tốt đẹp với nhau. Bởi thế, để tiếp tục công cuộc đã được vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi thành tâm nguyện xin cho các mối liên hệ của lòng tin tưởng đã từng phát triển giữa tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo qua một số năm, chẳng những sẽ được tiếp tục, mà còn tiến triển hơn nữa trong tinh thần chân tình và trân trọng đối thoại, theo chiều hướng tương kiến thực sự hơn nữa, một thứ tương kiến biết hân hoan nhìn nhận các thứ giá trị về tôn giáo chúng ta đều có và biết trung thành tôn trọng những tính cách khác biệt của nhau.
Việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa là một nhu cầu cần thiết cho việc cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và huynh đệ hằng được tất cả mọi người thiện tâm thiết tha trông đợi này. Về vấn đề này, những người đương thời của chúng ta trông mong nơi chúng ta một chứng từ hùng hồn trong việc chứng tỏ cho tất cả mọi người thấy được cái giá trị của chiều kích tôn giáo của đời sống. Cũng thế, trung thành với giáo huấn thuộc truyền thống tôn giáo của mình, các tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo cần phải biết cùng nhau hoạt động, như họ đã thực sự thực hiện nơi nhiều điều chung, để canh chừng tất cả mọi hình thức bất khoan nhượng cũng như để chống lại tất cả mọi hình thức bạo lực. Đối với chúng ta là thành phần thẩm quyền về tôn giáo và là thành phần lãnh đạo về chính trị, chúng ta cần phải hướng dẫn và phấn khích họ theo chiều hướng ấy. Thật thế, “mặc dù có những bất hòa và hận thù đáng kể xẩy ra giữa các tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo qua các thế kỷ, Công Đồng này cũng thiết tha xin tất cả mọi phe phái là, bằng việc quên đi quá khứ, họ hướng mình đến việc chân tình hiểu biết lẫn nhau, và cùng nhau bảo tồn lẫn cổ võ công bình xã hội cùng với các thứ giá trị luân lý cũng như hòa bình và tự do cho tất cả mọi dân tộc”
(Declaration, Nostra Aetate, 3). Bởi thế, các bài học trong quá khứ cần phải trở thành những gì giúp chúng ta tìm kiếm được những đường lối hòa giải, hầu sống trong sự tôn trọng căn tính và tự do của từng cá nhân, hướng đến sự hợp tác tốt đẹp trong việc phục vụ toàn thể nhân loại. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong bài diễn từ đáng ghi nhớ của ngài với thành phần giới trẻ tại Casablanca ở Morocco là: ‘Việc tôn trọng và đối thoại đòi phải có tính cách hỗ tương trong tất cả mọi lãnh vực, nhất là nơi những gì liên quan tới các quyền tự do căn bản, đặc biệt nhất là quyền tự do tôn giáo. Hai việc này là những gì thuận lợi cho vấn đề hòa bình và thuận thảo giữa các dân tộc’ (số 5).
Quí bạn thân mến, tôi sâu xa thâm tín rằng, trước tình hình thế giới hiện nay, tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo cần phải gắn bó với nhau để giải quyết nhiều những thách đố đang xẩy ra cho nhân loại, nhất là những thách đố liên quan tới việc bênh vực và cổ võ phẩm vị con người cùng với những quyền lợi xuất phát từ phẩm vị ấy. Khi gia tăng những thứ đe dọa xẩy ra cho nhân loại và hòa bình, bằng việc nhìn nhận tính chất chính yếu của con người cũng như bằng việc kiên trì hoạt động để sự sống con người bao giờ cũng được tôn trọng, tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo tỏ ra tuân phục Đấng Hóa Công, Đấng muốn cho tất cả mọi dân tộc sống phẩm vị được Ngài ban cho họ.
Quí bạn thân mến, tôi hết lòng nguyện cầu để vị Thiên Chúa nhân ái dẫn dắt những bước tiến của chúng ta trên con đường hiểu biết nhau hơn bao giờ hết. Vào lúc này đây, thời điểm mở màn cho cuộc hành trình thiêng liêng của mùa chay tịnh Ramadan của tín đồ Hồi Giáo, tôi xin gửi đến tất cả mọi tín đồ Hồi Giáo lời chúc tốt đẹp thân ái của tôi, xin Đấng Toàn Năng ban cho họ đời sống thanh thản và bình an. Xin vị Thiên Chúa của hòa bình ban muôn vàn Phép Lành của Ngài cho quí bạn, cùng các cộng đồng quí bạn đai diện!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu
Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn ngỏ lời cùng Đức Thánh Cha mở đầu cuộc gặp gỡ kêu gọi hợp tác dấn thân cho nhân loại
Trọng Kính Đức Thánh Cha,
Thay mặt cho toàn thể tham dự viên trong cuộc gặp gỡ này, tôi hân hạnh và vinh dự được bày tỏ cùng Đức Thánh Cha niềm tri ân sâu xa của chúng tôi về những giây phút quí hóa được Đức Thánh Cha ban cho chúng tôi để chia sẻ với Đức Thánh Cha trong thời điểm đặc biệt hệ trọng này.
Các vị đại diện cao cấp của những quốc gia tụ họp chung quanh tôi đây, cùng với các phần tử của Hội Đồng Hồi Giáo ở Ý quốc, và các vị đại diện Trung Tâm Văn Hóa Hồi Giáo ở Ý quốc, đã chứng tỏ, qua sự hiện diện của họ, tính cách thích đáng liên tục của sứ điệp – vào lúc mở màn cho giáo triều của Đức Thánh Cha – được Đức Thánh Cha ngỏ cùng những vị đại diện của chư cộng đồng Hồi Giáo ở Cologne “ở vào những thời điểm đặc biệt khó khăn trong lịch sử của chúng ta”: “Chúng ta cần phải cùng nhau hoạt động nhiều lãnh vực, và cảm thấy liên kết trong việc phục vụ những giá trị luân lý căn bản” bằng sự tương kính và tương kiến.
Để rồi, nói một cách xác tín, Đức Thánh Cha đã thêm rằng: “Tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo, chúng ta cần phải cùng nhau đương đầu với nhiều thách đố của thời đại chúng ta đây. Không có vấn đề tỏ ra thái độ dửng dưng lãnh đạm và khoanh tay đứng ngoài cuộc, thậm chí lại càng không có vấn đề thiên vị và bè phái… Việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa giữa các tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo không thể bị biến thành một thứ ngoại thân tùy thuộc. Nó thực sự là một nhu cầu sống còn chi phối một phần lớn tương lai của chúng ta”.
Về phần Hội Đồng Tòa Thánh Đạc Trách Văn Hóa và Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn mà Đức Thánh Cha đã đặt tôi làm chủ tịch, sẽ thực hiện việc đóng góp của mình, bằng cách liên kết nỗ lực với tất cả mọi người thành tâm thiện chí, trong đó Đức Thánh Cha thấy trước mắt mình thành phần tiêu biểu sáng hôm nay đây.
Người Rôma thường nói: “Res nostra agitur – vấn đề của chúng ta đang được giải quyết”. Và những người Rôma ngày nay đã tái xác nhận những lời ấy trong mấy ngày vừa qua ở Thủ Đô này, một ngôi nhà chung của thành phố cổ kính của những cuộc gặp gỡ này. Cùng nhau chúng ta có một quá khứ riêng riêng, và một tương lai để sửa soạn, bằng việc chia sẻ, theo những tương quan riêng của chúng ta đối với Abraham, niềm tin của chúng ta nơi vị Thiên Chúa Duy Nhất và việc chúng ta tôn trọng đối với con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Ngài.
Khi cùng nhau thu góp cái gia sản phong phú của vị tiền nhiệm của mình là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang kính nhớ, vị sứ giả của Thiên Chúa và kẻ lữ hành hòa bình đi khắp các quốc gia, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả chúng tôi, vào lúc bình minh của tân thiên kỷ này, hãy hoạt động hướng tới một cuộc cộng thể giữa niềm tin và lý trí bằng một cuộc đối thoại tin tưởng và ôn hòa giữa các tôn giáo và văn hóa, là những gì chất chứa nơi chúng, ở ngay tâm điểm của những khác biệt của chúng, chứng từ về việc con người cởi mở trước mầu nhiệm cao cả nhất, mầu nhiệm về Thiên Chúa.
Trọng kính Đức Thánh Cha, nhờ cuộc gặp gỡ này, chúng tôi hân hoan chứng thực rằng sứ điệp yêu thương và hòa bình của Đức Thánh Cha đã được lắng nghe, và chúng tôi nguyện cầu cùng Thiên Chúa, Đấng là tình thương và đầy lòng trắc ẩn, giúp chúng ta biết áp dụng thực hành sứ điệp ấy, bằng sự tôn trọng những khác biệt của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 25/9/2006
Diễn Tiến và Tác Dụng tích cực của Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn do Đức Thánh Cha mời gọi
Đúng như đã hẹn, vào lúc 11 giờ 45 sáng Thứ Hai, 25/9/2006, tại dinh giáo hoàng nghỉ mát của mình ở Castelgandolfo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp Đức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Việc Đối Thoại Liên Tôn, và thành phần đại diện thế giới Hồi Giáo ở tại Ý cũng như trên khắp thế giới.
Thật vậy, hiện diện trong buổi gặp gỡ có tính cách hòa giải này, người ta thấy bên thế giới Hồi Giáo chẳng những có các vị đặc sứ ngoại giao làm việc với Quốc Đô Vatican thuộc 22 quốc gia đa số Hồi Giáo là Kuwait, Jordan, Pakistan, Qatar, Ivory Coast, Indonesia, Turkey, Bosnia-Herzegovina, Lebanon, Yemen, Egypt, Iraq, Senegal, Algeria, Morocco, Albania, the Arab League, Syria, Tunisia, Libya, Iran và Azerbaijan, mà còn có cả 14 phần tử thuộc Hội Đồng Hồi Giáo Ý Quốc cùng với các đại diện thuộc Trung Tâm Văn Hóa Hồi Giáo Ý Quốc và Văn Phòng Liên Minh Hồi Giáo Thế Giới.
Trong bài “Pope: 'Total and profound respect for Muslims'” cùng ngày Thứ Hai 25/9, mạng điện toán toàn cầu CNN đã phổ biến hình ảnh về buổi gặp gỡ này, đồng thời cũng cho biết nhận định của một số thành phần tham dự. Chẳng hạn của vị đặc sứ của Iraq là Albert Edward Ismail Yelda, người đã nói:
“Đức Thánh Cha đã nói ngài hết sức tôn trọng Hồi Giáo. Đó là những gì chúng tôi đã mong đợi. Bây giờ là lúc bất cứ những gì đã xẩy ra qua một bên để xây dựng những chiếc cầu liên kết”.
Về phần mình, vị chủ tịch của Khối Hiệp Nhất Chư Cộng Đồng và Tổ Chức Hồi Giáo ở Ý là Mohammed Nour Dachan đã nói qua văn bản được trao cho Đức Giáo Hoàng là: “Cuộc gặp gỡ hôm nay là dấu hiệu của việc muốn thực hiện một cuộc đối thoại không thể coi thường”.
|
Trước hết Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn và Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Văn Hóa là Paul Poupard đã giới thiệu với Đức Thánh Cha từng vị khách, trong đó có 4 người phụ nữ, và từng người đã được Đức Thánh Cha nói chuyện. Ngoài ra, Đức Thánh Cha còn được 2 vị đại diện Hồi Giáo ngỏ lời chúc mừng nữa, qua vị giáo trưởng của đền thờ Hồi Giáo Rôma là Ali Salem Mohammed Salem, cũng như qua vị tổng thư ký của Trung Tâm Văn Hóa Hồi Giáo ở Ý là Abdellah Redou. Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn nửa tiếng và chụp ảnh chung.
Khi Đức Thánh nói tới câu, việc đối thoại giữa tín đồ Hồi Giáo và tín đồ Kitô Giáo là “một nhu cầu sống còn chi phối phần lớn tương lai của chúng ta” đã được thính giả vỗ tay hoan hô.
Sau cuộc gặp gỡ, tác giả Tawfik, người Iraq sống ở Ý là Younis Tawfik, cũng hiện diện trong cuộc gặp gỡ này, đã bày tỏ cảm nhận với Đài Phát Thanh Vatican rằng những lời lẽ của Đức Giáo Hoàng “cảm động và sâu đậm, vì ngài không muốn lập lại hay nhấn mạnh đến vấn đề tranh luận trong những ngày qua, nhưng là cống hiến một bài diễn từ hoàn toàn mới mẻ, như thể ngài muốn tạo một khúc quanh, muốn sang trang, nhấn mạnh tới việc tiếp tục đường lối đối thoại của Giáo Hội. Ngài đã khẳng định việc ngài trân trọng quí mến Hồi Giáo, tín đồ Hồi Giáo, cống hiến cho chúng tôi một bài học hết sức nhân nhượng, nhất là khi ngài bắt đầu chào chúng tôi từng người một. Ngài bỏ đủ giờ để hỏi han từng người xem họ là ai và cám ơn từng người đã đến tham dự buổi triều kiến này”.
Vị tác giả này đã nói rằng ông coi bài diễn từ của Đức Thánh Cha là những gì rất quan trọng vào lúc này đây là lúc “nhiều người chỉ tìm kiếm lợi lộc của mình, trong đó có hận thù và đối địch. … Ngược lại, bài diễn từ của Đức Thánh Cha muốn tránh đi cái đối địch này, và muốn mời gọi tất cả mọi người hãy suy nghĩ về tầm quan trọng của hòa bình cùng các giá trị của con người”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS, CNN và Zenit phổ biến ngày 25/9/2006