GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 5/9/2006 TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội
? “Bản Tuyên Ngôn Giêrusalem về Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái” của Chư Vị Lãnh Đạo Tôn Giáo ở Thánh Địa ngày 22/8/2006
? LAO CÔNG & KIẾP NGƯỜI
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội
Ngày 5/8/2006, tại dinh nghỉ hè của giáo hoàng ở Castel Gandolfo, vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI của chúng ta đã trả lời những câu hỏi của một nhóm ký giả Đức Quốc, như để hướng về cuộc tông du mục vụ của ngài về bản quốc vào thời khoảng 9-14/9/2006 tới đây. Cuộc phỏng vấn bằng Đức ngữ dài 40 phút này đã được truyền hình hôm Chúa Nhật 13/8/2006 trên các đài truyền hình Đức quốc ARD và ZDF, trên đài truyền hình toàn cầu được chính phủ Đức tài trợ là Deutsche Welle, và trên Đài Phát Thanh Vatican.
Vấn: Tâu Đức Thánh Cha, chuyến đi tới của ĐTC là sẽ đến Bavaria. Trong các việc sửa soạn cho chuyến đi này của ĐTC, những vị cộng sự viên của ĐTC đã nói rằng ĐTC cảm thấy nhớ quê hương đất nước. Đâu là những vấn đề ĐTC sẽ nói tới trong chuyến viếng thăm này, và phải chăng ý niệm ‘quê hương đất nước’ là một trong những giá trị ĐTC có ý định đặc biệt đề cập tới hay chăng?
Đáp: Đúng thế. Mục đích của chuyến viếng thăm này chính là vì tôi muốn nhìn lại những nơi tôi đã sinh trưởng, những người đã liên hệ và hình thành cuộc sống của tôi. Tôi muốn cám ơn những người này.
Dĩ nhiên tôi cũng muốn nói lên những gì vượt ra ngoài xứ sở của mình, theo thừa tác vụ của tôi. Tôi chỉ căn cứ vào phụng vụ để lấy ra những đề tài. Đề tài căn bản đó là chúng ta cần phải tái nhận thức Thiên Chúa, không phải bất cứ vị Thiên Chúa nào, mà là vị Thiên Chúa có một bộ mặt con người, vì khi chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô là chúng ta thấy Thiên Chúa.
Khởi đi từ đó chúng at cần phải tìm cách gặp gỡ nhau trong gia đình, giữa các thế hệ, rồi giữa các nền văn hóa và dân tộc nữa. Chúng ta cần phải tìm cách hòa giải và chung sống thuận hòa trên thế giới này, những cách thức dẫn tới tương lai.
Chúng ta sẽ không thấy được những con đường dẫn đến tương lai ấy nếu chúng ta không lãnh nhận ánh sáng từ trên cao. Bởi vậy tôi không chọn những đề tài thật là đặc biệt, trái lại, chính phụng vụ dẫn tôi tới chỗ bày tỏ sứ điệp căn bản của đức tin là sứ điệp bình thường chiếm được chỗ đứng của mình trong thực tại hằng ngày, nơi chúng ta trước hết muốn tìm kiếm việc hợp tác giữa các dân tộc và những đường lối khả dĩ có thể dẫn chúng ta tới việc hòa giải và bình an.
Vấn: Là Giáo Hoàng, ĐTC có trách nhiệm đối với Giáo Hội trên khắp thế giới. Thế nhưng, rõ ràng là cuộc viếng thăm của ĐTC nhắm tới tình hình Công Giáo ở Đức nữa. Tất cả mọi quan sát viên nói rằng có một bầu khí tích cực, một phần là nhờ việc ĐTC được chọn làm Giáo Hoàng. Thế nhưng, hiển nhiên là các vấn đề cũ vẫn còn đó. Chỉ xin nêu lên một ít thí dụ điển hình, chẳng hạn ít người đến nhà thời hơn, ít người lãnh nhận phép rửa hơn, và nhất là ít ảnh hưởng của Giáo Hội nơi đời sống của xã hội. ĐTC thấy sao tình hình hiện nay của Giáo Hội Công Giáo ở Đức quốc?
Đáp: Trước hết, tôi có thể nói rằng Đức là một quốc gia ở Tây phương, hiển nhiên là có những đặc tính riêng của nó, và nơi thế giới Tây phương ngày nay, chúng ta đang cảm thấy một làn sóng minh tri hay tục hóa mới mẻ và thảm thê, bất cứ những gì quí vị muốn gọi nó.
Lại càng khó tin hơn nữa vì thế giới chúng ta đang sống đây hoàn toàn làm nên bởi chính chúng ta, còn Thiên Chúa, có thể nói, không có gì là dính dáng tới ai hết. Chúng ta không còn uống tận nguồn nữa, nhưng từ cái chén được cống hiến cho chúng ta vốn đã tràn đầy, vân vân.
Nhân loại đã tự mình tái thiết thế giới và việc tìm thấy Thiên Chúa nơi thế giới này đã trở nên khó khăn hơn nữa. Điều này không phải chỉ riêng ở Đức quốc: nó là những gì đang xẩy ra khắp thế giới, nhất là ở Tây phương.
Bởi thế, ngày nay Tây phương đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các thứ văn hóa khác là những văn hóa còn rất mãnh liệt về yếu tố đạo giáo nguyên thủy. Những nền văn hóa này cảm thấy kinh hoàng khi chúng cảm thấy cái lạnh lùng của Tây phương đối với Thiên Chúa. ‘Việc hiện diện của cái linh thánh’ nơi các nền văn hóa khác, cho dù thường bị che phủ, cũng chạm tới thế giới Tây phương một lần nữa, nó chạm tới chúng ta ở những giao điểm của quá nhiều thứ văn hóa. Việc tìm cầu ‘một cái gì đó lớn lao hơn’ lại bừng lên một lần nữa từ thâm tâm dân chúng Tây phương cũng như ở Đức quốc.
Chúng ta thấy nơi giới trẻ việc tìm kiếm một cái gì đó ‘hơn nữa’ như thế nào, chúng ta thấy hiện tượng tôn giáo đang phục hồi ra sao, như họ nói. Cho dù nó là một cuộc tìm kiếm thật ra không rõ nét.
Thế nhưng, với tất cả những điều ấy, Giáo Hội hiện diện một lần nữa, và đức tin được cống hiến như một giải đáp. Tôi nghĩ rằng cuộc viếng thăm này, như cuộc viếng thăm Cologne, là một cơ hội vì chúng ta có thể thấy rằng việc tin tưởng là những gì mỹ miều, rằng niềm vui của một cộng đồng hoàn vũ khổng lồ chiếm hữu được một mãnh lực siêu việt, rằng sau niềm tin này có một cái gì đó quan trọng, rằng cùng với những phong trào tìm kiếm mới mẻ cũng có những lối thoát mới cho một niềm tin dẫn chúng ta từ lối thoát này tới lối thoát kia và là một niềm tin cũng có tính cách tích cực đối với toàn thể xã hội.
Vấn:
Tâu Đức Thánh Cha, ĐTC ở Cologne với giới trẻ đúng 1 năm trước đây. ĐTC đã
cảm nghiệm thấy giới trẻ hớn hở một cách lạ lùng trong việc tiếp đón nhau, và
chính bản thân của ĐTC cũng được nồng nhiệt nghênh đón. Vậy ĐTC có mang một sứ
điệp đặc biệt nào đến cho giới trẻ vào dịp viếng thăm tới đây của ĐTC hay chăng?
Đáp: Trước hết, tôi xin nói rằng tôi rất sung sướng có những giới trẻ muốn qui tụ lại với nhau, muốn qui tụ lại với trong trong đức tin và một làm một cái gì đó tốt lành thiện hảo.
Khuynh hướng hành thiện là những gì mãnh liệt nơi giới trẻ – chỉ cần nghĩ đến nhiều thứ việc tự nguyện họ làm là đủ. Việc dấn thân cống hiến những đóng góp riêng tư của mình để giúp đỡ người thiếu thốn trên thế giới này là một điều cao cả. Một sứ điệp có thể là việc phấn khích họ về lãnh vực này đó là: Cứ làm đi! Hãy tìm dịp hành thiện! Thế giới đang cần đến ước muốn hành thiện ấy, thế giới cần đến việc dấn thân như vậy! Thế rồi một sứ điệp khác có thể là như thế này: Hãy can đảm thực hiện những quyết định tối hậu! Giới trẻ là thành phần rất quảng đại nhưng khi họ đương đầu với cái nguy cơ cần phải dấn thân lâu dài, như sống đời hôn nhân hay ơn gọi linh mục, thì họ lại cảm thấy sợ hãi.
Thế giới này đang biến chuyển một cách thê thảm, ở chỗ, vào thời buổi này tôi có thể liên tục muốn làm tất cả những gì tôi muốn cho đời sống của mình với tất cả những biến cố tương lai bất ngờ của nó.
Bằng việc thực hiện một quyết định tối hậu thì phải chăng tôi tự cột chặt cái tự do cá nhân của tôi lại và làm tôi bị mất đi cái tự do nhúc nhích chuyển động? Hãy tái bùng lên lòng can đảm để thực hiện những quyết định tối hậu. Chúng thực sự là những quyết định duy nhất giúp chúng ta có thể tăng trưởng, có thể tiến tới và có thể đạt tới một điều gì đó cao cả trong cuộc đời. Chúng là những quyết định duy nhất không hủy hoại tự do của chúng ta song là những gì giúp chúng ta theo đúng hướng. Hãy liều lĩnh thực hiện cái nhẩy vọt có thể nói là hoàn toàn hướng tới một cuộc sống dứt khoát và rất quí yêu này: Đó là điều tôi cảm thấy hân hoan muốn truyền đạt tới họ.
(còn tiếp cho tới hết tuần)
“Bản Tuyên Ngôn Giêrusalem về Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái” của Chư Vị Lãnh Đạo Tôn Giáo ở Thánh Địa ngày 22/8/2006
‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’ (Mt 5:9).
Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái là một phong trào tân tiến về thần học và chính trị bao gồm những chủ trương ý hệ cực đoan về Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái, do đó trở thành thiệt hại cho một nền hòa bình chân chính ở Palestine và Do Thái.
Dự án của Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái chủ trương một quan điểm về thế giới mà Phúc Âm được đồng hóa với ý hệ đế quốc, thuộc địa và quân phiệt. Nơi hình thực cực đoan của mình, nó gắn liền tới việc chú trọng những biến cố khải huyền dẫn đến ngày cùng tháng tận của lịch sử hơn là sống tình yêu Chúa Kitô và công lý ngày nay.
Chúng tôi dứt khoát bác bỏ các chủ trương Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái là những gì sai lầm làm băng hoại sứ điệp yêu thương, công lý và hòa giải của thánh kinh.
Chúng tôi còn bác bỏ mối liên minh hiện đại của thành phần lãnh đạo và tổ chức Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái có những yếu tố trong các chính quyền Do Thái cũng như Hoa Kỳ hiện đang áp đặt một cách đơn phương những thứ biên giới ngăn ngừa trước cùng với việc thống chế Palestine.
Điều này chắc chắn là những gì dẫn tới những cuộc bạo động làm suy yếu đi nền an ninh của tất cả mọi dân tộc ở Trung Đông và ở các nơi khác trên thế giới.
Chúng tôi bác bỏ những giáo điều của Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái làm dễ dàng hóa và ủng hộ những chính sách ấy, khi những chính sách này gia tăng tính cách duy chủng và tình trạng chiến tranh trường kỳ hơn là phúc âm của tình yêu đại đồng, sự cứu độ và hòa giải được Chúa Giêsu Kitô truyền dạy.
Chúng tôi kêu gọi hết mọi người hãy giải thoát mình khỏi các thứ ý hệ quân phiệt và xâm chiếm, chứ không lên án thế giới phải bị diệt vong trong trận chiến cuối cùng. Trái lại, họ hãy theo đuổi việc chữa lành cho các quốc gia!
Chúng tôi kêu gọi thành phần Kitô hữu thuộc các Giáo Hội ở mọi châu lục hãy nguyện cầu cho nhân dân Palestine và Do Thái là hai dân tộc đang chịu khổ như những nạn nhân của việc xâm chiếm và quân phiệt. Những hoạt động kỳ thị này đang biến Palestine thành những thứ ổ chuột bị vây tỏa bởi những chỗ định cư duy Do Thái.
Việc thiết lập những thứ định cư bất hợp pháp và việc kiến thiết Bức Tường Ngăn Cách ở mảnh đất của người Palestine bị tịch biên là những gì làm suy yếu đi tính chất sinh động của quốc gia Palestine cùng với nền hòa bình và an ninh nơi toàn thể vùng đất này.
Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi Giáo Hội đang lặng thinh hãy lên tiếng kêu gọi hòa giải trong công lý ở Thánh Địa.
Bởi thế, chúng tôi quyết dấn thân thực hiện những nguyên tắc sau đây như là một đường lối thay thế:
Chúng tôi khẳng định là tất cả mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vậy họ được kêu gọi tôn kính phẩm giá của hết mọi người và tôn trọng các quyền lợi bất khả nhượng của họ.
Chúng tôi khẳng định là người Do Thái và Palestine là hai dân tộc có thể sống chung với nhau trong hòa bình, công lý và an ninh.
Chúng tôi khẳng định là người Palestine là một dân tộc, cả người Hồi giáo lẫn Kitô hữu. Chúng tôi bác bỏ tất cả những nỗ lực phá hoại và làm rạn nứt mối hiệp nhất của họ.
Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy hủy bỏ đi quan điểm thế giới hẹp hòi của Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái cùng với các ý hệ khác thiên về một dân tộc này bất chấp dân tộc kia.
Chúng tôi chấp nhận việc kháng cự bất bạo động như là phương thế hữu hiệu nhất trong việc chấm dứt việc xâm chiếm bất hợp pháp để đạt được một nền hòa bình chân chính và bền vững.
Chúng tôi khẩn trương cảnh giác là Chủ Nghĩa Kitô Hữu Phục Quốc Do Thái cùng với những thứ liên mình của nó là những gì đang biện minh cho việc thuộc địa hóa, đang thiết lập một đế quốc biệt chủng.
Thiên Chúa muốn công lý phải được thực hiện. Không thể nào có vấn đề hòa bình, an ninh hay hòa giải dài lâu nếu hụt hẫng công lý. Những đòi hỏi của công lý sẽ không biến mất. Cần phải nhẫn nại và bền bỉ thực hiện một cách bất bạo động cuộc tranh đấu cho công lý.
‘Những gì Chúa đòi hỏi nơi các người đó là hành động công bằng, là yêu chuộng cảm thương và là bước đi cách khiêm tốn với Thiên Chúa của các người’ (Mic 6:8).
Đó là vị trí chúng tôi chủ trương. Chúng tôi chiến đấu cho công lý. Chúng tôi không thể làm gì khác. Một mình công lý mới có thể bảo đảm một nền hòa bình là những gì dẫn đến chỗ hòa giải để sống một đời sống an ninh và thịnh vượng cho tất cả mọi dân tộc nơi miền đất của chúng ta. Bằng việc đứng về phía công lý, chúng tôi hướng về công cộng hòa bình – và việc hoạt động cho hòa bình là những gì làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa.
‘Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với chính mình Ngài nơi Chúa Kitô, chứ không tính đến tội lỗi của con người phạm đến mình. Và Ngài đã ủy thác cho chúng tôi sứ điệp hòa giải’ (2Cor 5:19).
Thượng Phụ Michel Sabbah,
Tòa Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem.
Tổng Giám Mục Swerios Malki Mourad,
Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Syria ở Giêrusalem.
Giám Mục Riah Abu El-Assal,
Giáo Hội Episcopal ở Giêrusalem và Trung Đông.
Giám Mục Munib Younan,
Giáo Hội Tin Lành Lutherô ở Jordan và Thánh Địa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/8/2006
LAO CÔNG & KIẾP NGƯỜI
(tiếp
4 Thứ Hai bào "Lao
Công Con Người" nhân dịp Ngày Labor Day ở Hoa Kỳ)
Trần Mỹ Duyệt
Trong cuộc đời con người, ở vào lứa tuổi nào, và trong
hoàn cảnh nào, ai trong chúng ta cũng gặp những vất vả, khó nhọc, và thử thách.
Và đời chính là thế. Là pha trộn vừa vui mừng, vừa nước mắt; vừa hạnh phúc, vừa
đau khổ; vừa thành công vừa thất bại. Quan cuộc đời là “vô thường”, là sắc sắc,
không không, hoặc là bể khổ cũng phát nguồn từ niềm tin tôn giáo.
Như vậy, chính trong kiếp sống con người đã tiềm ẩn nhân tố cho những vất vả,
đau thương và thử thách. Ý nghĩa này và cuộc đời này không chước chuẩn cho bất
cứ ai khỏi phải vất vả, chịu đựng và lao nhọc khi bước vào đời. Nguyễn Công Trứ
đã nói một câu rất hay về triết lý này: “Vừa sinh ra đà khóc chóe. Đời có vui
sao chẳng cười khì”. Trong những hoàn cảnh như thế, tâm lý tự nhiên thường đưa
tới cảm nghĩ thất vọng, chán nản, hoặc buông xuôi. Cũng có những trường hợp đưa
tới sự ghen tức, ganh ghét và mặc cảm. Nhiều người khi đứng trước những vất vả,
những khó khăn của cuộc đời thường hay phàn nàn, so sánh, “tại sao người này,
người khác được may lành, được hạnh phúc mà tôi gặp toàn rủi ro, và bất hạnh”.
Những bất ổn và mặc cảm đó, còn là nguyên nhân đưa tới một trạng thái tâm bệnh.
Ít thì tạo nên thái độ cau có, gắt gỏng, và bực tức. Bực tức với mình, bực tức
với những người thân quanh mình, bực tức với hoàn cảnh, bực tức với thực tại
hiện mình đang có; đôi khi bực tức cả với Thượng Đế. Nếu yếm thế, bi quan, và
buồn chán hơn sẽ đưa đến mất ăn, mất ngủ, bệnh tật phần xác, và xuống dốc tinh
thần. Một số những người như thế đã đi tìm cái chết như một giải thoát cuộc đời.
Tóm lại, dù là ai, dù ở bậc sống nào, dù ở hoàn cảnh và vai trò xã hội nào, nếu
đã là con người, thì rồi ra cũng có những lúc gặp những thử thách và phải đối
diện với những vất vả của cuộc sống.
Đi sâu vào thực trạng đời sống, những vất vả kia được chia thành hai khía cạnh
rất rõ rệt, một số đến từ những khó nhọc và thử thách vật chất, hoặc thể xác.
Thí dụ, cuộc sống nghèo nàn, cơ cực, hoặc yếu đuối, bệnh tật thể xác. Một số
liên quan trực tiếp đến những thách đố, vất vả và khổ cực của tâm hồn. Thí dụ,
có những nỗi khó khăn về mặt tình cảm, tình yêu, gia đình, con cái, và danh dự.
Vì cuộc sống con người được cấu tạo hài hòa giữa tâm hồn và thể xác, giữa vật
chất và tinh thần; do đó, không hình thức này thì hình thức khác, con người vẫn
luôn luôn phải phấn đấu và trăn trở với kiếp nhân sinh của mình. Hơn thế nữa,
dưới cái nhìn của tâm lý học, con người còn thêm một trạng thái sống và một
trạng thế vất vả nữa là đời sống và những khổ cực của tâm lý.
Tuy nhiên, những khó nhọc và khổ sở của kiếp người, dù là ở trạng thái thể lý,
tâm lý hay tâm linh, tất cả đều đặt con người trước hai lựa chọn: tiến tới hay
tháo lui. Có nghĩa là con người biết lợi dụng những khó khăn, vất vả ấy để tiến
lên, để xây dựng cuộc đời; hay ngược lại, tháo lui và rút vào cái vỏ sò ích kỷ
để rồi than thân, trách phận, và hận thù đời. Nếu có những tư tưởng cho rằng đời
là một bể khổ, là bao gồm những bất công và thối nát, thì thái độ của chúng ta
phải như thế nào. Ở đây, tôi cũng nhớ lại một tư tưởng rất hay khi nói về những
cái khó khăn của cuộc đời là: “Nếu đời cho ta một trái chanh, thì ta hãy dùng nó
để làm một ly nước đá chanh”.
Do đó, khi nói về những vất vả của kiếp người, những khó khăn của cuộc sống, tâm
lý học không dừng lại ở những khó khăn trước mặt, những vất vả mà ai cũng phải
trải qua khi vào đời. Khi nhìn vào những vất vả và khó khăn trong cuộc sống,
chúng ta cũng cần thực tế với mình rằng, nếu không vất vả khó khăn thì mảnh bằng,
địa vị xã hội, những lời khen và bảng danh dự kia có nghĩa lý gì. Dễ dãi để có
mảnh bằng, dễ dãi để có được một địa vị trong xã hội, hoặc dễ dãi để được nhiều
người mến phục và ca tụng. Tôi không tin là đời có những thứ dễ dãi ấy. Cái nhìn
tích cực về cuộc đời, về những lao công và vất vả sẽ tạo được niềm tin và hạnh
phúc cho chính mình trong khi phấn đấu và thắng vượt những thử thách. Tiếp tới,
do những nỗ lực của mình cũng sẽ trở thành một tấm gương cho nhiều người, và ở
điểm này phần thưởng tinh thần thật là quí giá. Và sau cùng, nhờ giọt mồ hôi,
nhờ vất vả và lao công, chúng ta xây dựng xã hội tốt đẹp và mang lại cho đời một
ý nghĩa đáng sống.
Cho tới nay, sau gần 40 năm tôi vẫn thấy rất bổ ích về một bài học và cũng là
một khích lệ cho những vất vả của cuộc đời. Trong bài học đó, người cha giải
thích cho con ông về ý nghĩa của một con đường dẫn tới làng, nối liền với tỉnh
để mọi người có thể đi lại và giao thông một cách tốt đẹp. Người cha đã cho con
mình biết rằng hoa trái trước mặt ấy chính là thành quả bao vất vả của những
nhân công ngày đêm đổ mồ hôi trên đoạn đường ấy. Họ đã bị quên lãng, và họ đã đi
vào âm thầm của cuộc đời. Nhưng không vì thế mà phủ nhận những đóng góp của họ.
Đó là ý nghĩa cuộc đời, là ý nghĩa của những vất vả và hy sinh của cuộc đời.
Đa số chúng ta thường ngày vẫn làm những việc âm thầm, nhưng hoa trái lại rất
phong phú và tốt đẹp, thí dụ sự hy sinh của người mẹ dành cho con, hoặc những
vất vả của người cha lo toan cho gia đình và con cái. Ngay cả những vất vả, chịu
đựng thường gặp phải trong đời sống hôn nhân, đời sống gia đình cũng có một giá
trị rất đặc biêt. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời và giá trị cuộc
đời qua câu nói đầy ý nghĩa của một thánh nhân như sau: “Tất cả đều lớn lao, nếu
tình yêu lớn lao” (Th. Têrêsa).
Giá trị cuộc đời, do đó, mang ý nghĩa từng giây và từng phút, và dĩ nhiên, nó
bao gồm tất cả những gì là vui cũng như những gì là buồn, thành công hay thất
bại, lao nhọc và vất vả, tất cả chỉ vì chúng ta là con người, và là những con
người đang đi giữa sa mạc cuộc đời với tâm hồn và trái tim rộng mở.