GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 23/10/2007

TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

 

?   Tháng 10 chẳng những là Tháng Mân Côi còn là Tháng Truyền Giáo: Kinh Mân Côi với Việc Truyền Giáo

?  Bối Cảnh Truyền  Giáo - Đạo và Đời

?  Bối Cảnh Truyền  Giáo - Bột Văn Hóa 

 

 

?   Tháng 10 chẳng những là Tháng Mân Côi còn là Tháng Truyền Giáo: Kinh Mân Côi với Việc Truyền Giáo

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Tháng 10 hằng năm chẳng những là Tháng Giáo Hội giành để kính Đức Mẹ Mân Côi mà còn là Tháng Truyền Giáo nữa. Đó là lý do Chúa Nhật thứ 3 trong Tháng Mười được Giáo Hội giành để cử hành Ngày Truyền Giáo Thế Giới vẫn được gọi là Ngày Khánh Nhật Târuyền Giáo. Chúa Nhật 29 tuần này cũng là Chúa Nhật được Giáo Hội giành để cử hành Ngày Truyền Giáo Thế Giới lần thứ 81. Theo truyền thống, Đức Thánh Cha gửi một sứ điệp cho Ngày Truyền Giáo Thế Giới hằng năm này. Chẳng hạn, ĐTC Gioan Phaolô II Năm 2003, với sứ điệp “cùng Mẹ Maria Chiêm Ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô Bằng Kinh Mân Côi Để Truyền Bá Phúc Âm Hóa”, năm 2004 với sứ điệp “Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”, và ĐTC Biển Đức XVI, năm 2005 với sứ điệp “Truyền Giáo: Tấm Bánh Được Bẻ Ra Cho Thế Gian Được Sự Sống”, năm 2006 với sứ điệp “Đức Ái là Hồn Sống của Việc Truyền Giáo”, và năm 2007, với sứ điệp “Tất cả mọi Giáo Hội cho toàn Thế Giới”, trong đó ngài đã lập lại lời của ĐTC Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Sứ Vụ Của Đấng Cứu Chuộc đoạn 62 để chứng minh cho chủ đề truyền giáo 2007 như sau:

 

“Giáo Hội tự bản chất của mình là truyền giáo, vì lệnh truyền của Chúa Kitô không phải là những gì tùy nghi hay bề ngoài vậy thôi, mà là những gì tiến đến tận tâm điểm của Giáo Hội. Tức là Giáo Hội hoàn vũ và từng Giáo Hội đều được sai đến với các quốc gia… Thật là thích đáng khi các Giáo Hội trẻ ‘cần phải thông phần vào, sớm bao nhiêu có thể, hoạt động truyền giáo phổ quát của Giáo Hội. Chính những Giáo Hội này sai các vị thừa sai đi loan truyền Phúc Âm khắp thế giới, cho dù họ gặp phải tình trạng thiếu hụt hàng giáo sĩ’”.

 

Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo bao giờ cũng rơi vào Tháng Mười hằng năm. Năm 2003, Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn để kết thúc Năm Mân Côi, một năm kéo dài từ 16/10/2002, ngày kỷ niệm đúng 24 năm được bầu làm giáo hoàng của ĐTCGPII. Trong Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10/2003 cũng là ngày Bế Mạc Năm Mân Côi ấy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi một sứ điệp về Ngày Giáo Hội Truyền Giáo liên quan đến Kinh Mân Côi.

 

Đó là lý do chúng ta hãy cũng nhau ôn lại những điểm chính yếu của những gì được Vị Chủ Chăn Tối Cao của chúng ta huấn dụ sống đạo qua sứ điệp cho Ngày Giáo Hội Truyền Giáo liên quan tới Kinh Mân Côi kết Năm Mân Côi (10/2002-2003)

 

Để thấy được ý hướng của Đức Thánh Cha ra sao nơi mối liên hệ giữa Kinh Mân Côi và Việc Truyền Giáo, chúng ta hãy đọc lại đoạn sứ điệp cho Ngày Truyền Giáo 2003 của Ngài sau đây sẽ thấy:

 

“Nhờ phép rửa, tất cả mọi tín hữu được kêu gọi nên thánh. Trong Hiến Chế Tín Lý ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ Lumen Gentium, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh là ơn gọi phổ quát nên thánh là ở chỗ tất cả mọi người được kêu gọi sống đức ái trọn hảo. Đức thánh thiện và việc truyền giáo là những khía cạnh không thể tách rời nhau nơi ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa. Việc dấn thân trở nên thánh thiện hơn là việc chặt chẽ gắn liền với việc dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ. Trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, Tôi đã nhắc nhở rằng: ‘Hết mọi phần tử tín hữu được kêu gọi nên thánh và truyền giáo” (số 90). Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gal 2:20). (4)

 

Qua đoạn sứ điệp cốt lõi này, trước hết, Ngài nhấn mạnh đến khía cạnh bất khả phân ly giữa việc nên thánh và truyền giáo. Sau đó, Ngài xác định tầm quan trọng của cầu Kinh Mân Côi với việc truyền giáo.

 

Ngài nhấn mạnh đến khía cạnh bất khả phân ly giữa việc nên thánh và truyền giáo như thế này:

 

·        “Đức thánh thiện và việc truyền giáo là những khía cạnh không thể tách rời nhau nơi ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa”;

·        “Việc dấn thân trở nên thánh thiện hơn là việc chặt chẽ gắn liền với việc dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ”;

·        “Hết mọi phần tử tín hữu được kêu gọi nên thánh và truyền giáo”.

 

Sau khi đã mạnh mẽ khẳng định tính cách bất khả phân ly của việc nên thánh và truyền giáo, Ngài xác định tầm quan trọng của cầu Kinh Mân Côi với việc truyền giáo. Hay nói cách khác, Ngài muốn nói rằng Kinh Mân Côi cần cho việc truyền giáo. Tại sao? Ngài đã nhận định là

·        “Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’”

 

Vâng, ở đây Đức Thánh Cha đã động đến cốt lõi của việc truyền giáo, đó là việc loan báo hay rao giảng Chúa Kitô, là việc làm chứng nhân cho Người, tức làm cho Người được nhận biết và yêu mến. Thế nhưng, làm sao Kitô hữu có thể làm chứng nhân cho Người nếu chúng ta không biết về Người, nếu chúng ta không được Người chiếm đoạt và sống trong chúng ta để sinh hoa trái nơi chúng ta là cành nho phát xuất từ Người là thân nho. Theo Đức Thánh Cha thì Kinh Mân Côi có thể giúp Kitô hữu đạt đến mức độ thần hiệp, đến độ Chúa Kitô sống trong họ, vì, như Đức Thánh Cha xác tín:

 

·        “Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’”

 

Nếu Kinh Mân Côi theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có thể giúp đào tạo Kitô hữu trở thành những thánh nhân và chứng nhân như thế, thì những ai vốn lần hạt Mân Côi hãy kiểm điểm lại xem Kinh mân Côi quả thực đã “thúc đẩy (mình) theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người” hay chưa? Nếu rồi thì cùng Mẹ “ngợi khen” Chúa; nếu chưa thì tại sao? 

 

 TOP

 

?  Bối Cảnh Truyền  Giáo - Đạo và Đời

 

“Nói đến Đạo thường là nói đến Đức Tin. Bởi thế, tử vì Đạo mới là chết vì Đức Tin, bỏ Đạo tức là bỏ Đức Tin và truyền Đạo là truyền bá Đức Tin. Như vậy, theo ý nghĩa, Đức Tin đồng nghĩa với Đạo, là mầu nhiệm của Đạo và là biểu hiệu cho Đạo, và trên thực tế, Đức Tin chẳng những là việc chấp nhận Đạo mà còn là việc phản ảnh Đạo nữa.

 

“Nếu Đức Tin là biểu hiệu cho Đạo thì văn hóa là biểu hiệu cho đời. Đức Tin phản ảnh Đạo ra sao, thì văn hóa cũng phản ảnh đời như vậy. Nếu Đạo thuộc về trời thế nào, thì đời cũng thuộc về con người như vậy, vì Đạo liên quan đến mạc khải và đời liên quan đến nhân tạo. Mà nói đến mạc khải là nói đến những gì thần linh, chân thật nhất và trọn hảo nhất. Trong khi đó, nói đến nhân tạo là nói đến những gì phàm tục, tạm bợ và tương đối. Do đó, văn hóa của con người và làm nên con người phải được thần linh hóa bởi mạc khải mới trọn hảo và bền vững.            

 

“Như thế, Đạo hiện hữu là vì đời và cho đời. Và đã là Đạo thì phải là Đạo nhập thể (incarnation) và cứu thế (salvation). Đạo nào không có tính cách hội nhập văn hóa (inculturation) và biến đổi văn hóa (transculturation) thì không thực sự là và hoàn toàn là Đạo.            

 

“Theo bản chất được mạc khải của mình, Kitô giáo thực sự là một Thiên Đạo. Thế nhưng, Kitô giáo còn là một Đạo nhập thể nữa, qua các công trình về giáo dục và bác ái khắp thế giới, được thực hiện bởi việc Truyền Bá Đức Tin”.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Giòng Sông Chảy Nước Ban Sự Sống Đời Đời, Cao-Bùi, 1998, trang 208)

(xem tiếp dưới đây)
 

TOP

 

? Bối Cảnh Truyền  Giáo - Bột Văn Hóa 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Thật vậy, nếu không có Đức Tin thì chỉ có văn hóa sự chết chứ không thể nào có văn hóa sự sống, một thứ văn hóa xứng với nhân phẩm của con người là loài được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa. Bởi vì, "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời phát ra từ miệng Thiên Chúa" (Mt.4:4).

               

Xét về yếu tố làm nên hữu thể, con người khác với con vật ở tại linh hồn của mình. Bởi linh hồn và nhờ linh hồn này, con người có thể nhận biết mình và biết sống sao cho xứng hợp với thân phận của mình trong việc "làm chủ trái đất" (Gen.1:28). Như thế, xét về yếu tố sinh hoạt, con người tỏ ra trổi vượt hơn con vật ở tại văn hóa của mình. Văn hóa chính là bộ mặt của con người và là chân tướng của con người. Đến nỗi, nếu không có văn hóa con người cũng không còn là con người nữa, hay có là con người cũng không hơn gì một con vật.

               

Vậy nói đến con người là nói đến văn hóa. Mà văn hóa là gì, nếu không phải, về phẩm chất, là tinh hoa của con người, và về tính chất, là nhân cách của con người, hay là chính chủ trương sống của con người, được thể hiện qua luật pháp và tục lệ của họ, qua tín ngưỡng và giáo dục của họ, qua văn học và nghệ thuật của họ, qua khoa học và kỹ thuật của họ v.v. Tuy nhiên, vì văn hóa là "những gì thế gian", những gì phát xuất từ con người và thuộc về con người, mà con người lại "nhân vô thập toàn". Do đó, thực tế cho thấy, văn hóa hoàn toàn có tính cách tương đối, tức có thể sai lầm và bất toàn, có thể thay đổi và nghịch nhau.

               

Văn hóa của con người không sai lầm và bất toàn là gì, khi mà, trong chính thời điểm hầu như văn minh tuyệt đỉnh ngày nay, con người lại chủ trương làm những việc phạm đến chính nhân phẩm linh thiêng bất khả xâm phạm của con người, như đã từng xẩy ra trong chế độ cộng sản chuyên chế độc tài hay đang xẩy ra nơi các ống nghiệm tạo nhân, cũng như những việc phạm đến chính sự sống hết sức cao qúi của con người, như luật cho phép phá thai, hay luật cho phép giết êm dịu thành phần yếu bệnh vô phương cứu chữa, sống chỉ thêm gánh nặng và tốn phí cho xã hội.

 

Ngoài ra, văn hóa của con người cũng không tương đối ở chỗ nó có thể thay đổi và tỏ ra đối nghịch nhau là gì, giữa văn hóa của dân tộc này với dân tộc kia, giữa văn hóa của thời này với thời khác. Không phải hay sao, trong khi văn hóa của dân tộc Ấn Độ theo đạo Bà-La-Môn coi trọng con bò như một vị thần linh bất khả xúc phạm và đáng tôn kính, thì đối với văn hóa Việt Nam con bò chỉ là một con vật kéo cầy và là biểu tượng cho ngu si đần độn: "Ngu như con bò!"

               

Cũng không phải hay sao, văn hóa còn thay đổi theo thời thế, theo thị hiếu của con người, điển hình nhất là trong vấn đề thời trang, được thể hiện qua nhiều kiểu cách ăn mặc cũng như trang điểm đầu tóc nơi cả hai phái nam nữ, đến nỗi có những lúc nhìn đằng sau không còn phân biệt là nam hay nữ. Về phương diện văn hóa thay đổi theo thời thế liên quan đến phái tính này không thể không kể đến luật pháp cho phép hôn nhân đồng tính luyến ái tại Hoa Kỳ cũng như tại Âu Châu.  

               

Một sự kiện hiển nhiên hơn nữa có thể chứng minh văn hóa của con người hoàn toàn có tính cách tương đối, vì nó thay đổi theo thời gian và không gian (địa phương), đó là các thể chế chính trị. Trước cách mạng Pháp 1789, các nước trên thế giới đều theo chế độ quân chủ. Sau đó, chế độ dân chủ bắt đầu hình thành cho tới nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước, chưa hoàn toàn dứt bỏ chế độ quân chủ này, ở chỗ có cả vua lẫn quốc hội, như Anh Quốc, Nhật Bản, Thái Lan v.v. Thế rồi, sau cách mạng Nga 1917, chế độ cộng sản đã ra đời và, cho đến năm 1989 là năm cộng sản Đông Âu sụp đổ và năm 1991 là năm Liên Bang Sô Viết từ bỏ cả chủ nghĩa lẫn chế độ cộng sản, chế độ này đã tràn lan đến cả nửa phần địa dư của thế giới. Ngoài ra, còn có một thể chế chính trị có tính cách trung dung giữa cộng sản và dân chủ, đó là chế độ xã hội vẫn được các nước Bắc Âu theo đuổi, như Đan Mạch, Thụy Điển, Na-Uy v.v.

               

Nếu văn hóa của con người có tính cách tương đối, bất toàn, bất nhất và đổi thay như thế, thì cho dù về khoa học và kỹ thuật con người có tiến hóa đến đâu đi nữa, văn hóa cũng không thể nào làm cho con người thăng tiến và hoàn toàn đạt đến tầm vóc nhân bản cao qúi của mình. Cũng chính vì không có một nền văn hóa hết sức kiện toàn mà, trong thời điểm văn minh vật chất vượt bậc này, văn hóa của con người đã trở thành một thứ "văn hóa tử vong", một thứ văn hóa tác hại đến chính nhân phẩm làm nên con người cũng như sát hại đến cả sự sống còn của con người, một thứ văn hóa làm cho con người sống trong thù hằn ghen ghét cũng như trong lo âu sợ hãi bị diệt vong.

               

Đó là lý do tại sao văn hóa của con người cần đến Đức Tin Kitô Giáo hơn bao giờ hết, nhất là kể từ thập niên 1960 đến nay, một thập niên đánh dấu một nền văn minh vật chất càng ngày càng lên đến tuyệt đỉnh của con người, qua việc con người bắt đầu thám hiểm không gian, và qua những phát minh tân kỳ cả về kỹ thuật điện tử lẫn điện toán, ngoài ra, thập niên này cũng đánh dấu một cuộc cách mạng nhân bản hầu như muốn lật đổ đến tận gốc rễ tất cả những gì làm nên xã hội loài người, qua việc bắt đầu ban bố những luật pháp cho phép ly dị và phá thai.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ