GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 24/10/2007

TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

 

?   Bối Cảnh Truyền  Giáo - Men Đức Tin

?  Bối Cảnh Truyền  Giáo - Bột lên Men

?  Bối Cảnh Truyền  Giáo - Lúa mục nát  

 

 

?   Bối Cảnh Truyền  Giáo - Men Đức Tin

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Nhận thấy thế giới loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa bắt đầu phiêu lưu vào một qũi đạo văn hóa chết chóc như thế, với trách nhiệm ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian của mình (x.Jn.17:11,13-15), Giáo Hội Công Giáo Rôma đã triệu tập một Công Đồng Chung tại Vatican lần thứ hai, từ ngày 11-10-1962 đến 8-12-1965, để làm sao có thể trở thành "Ánh Sáng Muôn Dân" ("Lumen Gentium" - danh xưng của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, một văn kiện chính yếu nhất trong 16 văn kiện của Công Đồng này), nhờ đó Giáo Hội có thể mang lại cho thế giới tân tiến "Niềm Vui và Hy Vọng" ("Gaudium et Spes" - danh xưng của Hiến Chế Mục Vụ diễn đạt tính cách đối ngoại của Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến, phản ảnh và quảng diễn văn kiện có tính cách đối nội trên đây).

               

Không riêng gì Công Đồng Chung Vaticanô II này, trong suốt giòng lịch sử của mình, tùy theo thời thế và cách thế, Giáo Hội Công Giáo Rôma, nhất là kể từ Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, với Thông Điệp "Rerum Novarum" về điều kiện của những giai cấp làm việc, ban hành ngày 15-5-1891, đã mở màn cho học thuyết xã hội của Kitô Giáo vào thời điểm chủ thuyết cộng sản sắp sửa hiện thân trở thành chế độ cộng sản vô thần sắt máu, một học thuyết xây dựng trên nền tảng bất biến là mạc khải thần linh, để ít là làm như muối ướp (x.Mt.5:13) giữ cho văn hóa thế gian khỏi bị thối rữa và băng hoại. Học thuyết xã hội của Kitô Giáo này đã được các vị giáo hoàng kế tiếp khai triển và áp dụng vào thời điểm của mình, theo thứ tự thời gian, có thể kể đến như sau:

               

Thông Điệp "E Supremi" của Đức Piô X ban hành ngày 4-10-1903, về việc phục hồi mọi sự trong Chúa Kitô

               

Thông Điệp "Ad Beatissimi Apostolorum" của Đức Bênêđictô XV ban hành ngày 1-1-1914, về việc kêu gọi hòa bình.

               

Các Thông Điệp của Đức Piô XI, như "Divini Redemptoris" về cộng sản, ban hành ngày 19-3-1937, và Thông Điệp "Nova Impendet" về việc khủng hoảng kinh tế, ban hành ngày 2-10-1931.

 

Thông Điệp "Summi Pontificatus" của Đức Piô XII ban hành ngày 20-10-1939, về việc hiệp nhất của xã hội loài người.

               

Các Thông Điệp của Đức Gioan XXIII, như "Mater et Magistra" về Kitô Giáo và việc phát triển xã hội, ban hành ngày 15-5-1961, và Thông Điệp "Pacem in Terris" về tình trạng bình an hoàn vũ trong chân lý, chính trực, bác ái và tự do, ban hành ngày 11-4-1963.

 

Các Thông Điệp của Đức Phaolô VI, như “Humane Vitae" về sự sống con người liên quan đến việc ngừa thai, ban hành ngày 25-7-1968, và Thông Điệp "Populorum Progressio" về việc phát triển của các dân tộc, ban hành ngày 26-3-1967.

 

Các Thông Điệp của Đức Gioan-Phaolô II, như "Laborem Exercens" về công việc làm của con người, ban hành ngày 14-9-1981; Thông Điệp "Sollicitudo Rei Socialis" về việc quan tâm đến xã hội, ban hành ngày 30-12-1987; Thông Điệp "Mulieris Dignitatem" về phẩm vị và ơn gọi của phụ nữ, ban hành ngày 15-8-1988; Thông Điệp "Centesimus Annus" về những vấn đề xã hội và kinh tế, ban hành để kỷ niệm 100 năm Thông Điệp "Rerum Novarum" (1891-1991); và Thông Điệp "Evangelium Vitae" về gía trị và tính cách bất khả xâm phạm của sự sống con người, ban hành ngày 25-3-1995.

 

Văn Hóa của con người, thành phần được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, chỉ đạt đến tầm vóc toàn hảo của mình khi nó hoàn toàn được Đức Tin soi dẫn để có thể trung thực phản ảnh Lời Chúa là thần linh và là sự sống: "Triều đại của Thiên Chúa giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột. Dần dần cả khối bột trộn men bắt đầu phồng lên" (Mt.13:33).

               

Đất không thể tự mình xanh tươi nếu các hạt giống nơi nó không mọc lên thế nào thì thế gian cũng không thể nào có một bộ mặt nhân bản nếu không có văn hóa của con người như vậy. Tuy nhiên, cho dù có xanh tươi nhờ các hạt giống nơi nó mọc lên đi nữa, đất cũng chỉ là những cánh đồng hoang hay những khu rừng rậm, nơi ẩn nấp của loài dã thú. Cũng thế, qua giòng thời gian của lịch sử thế giới, nhất là giai đoạn BC (trước Chúa Kitô giáng sinh), văn hóa của con người vẫn còn là nơi chất chứa những con dã thú của sức mạnh, của rừng rú, của chộp bắt nhau, ăn thịt nhau.

               

Thật vậy, về thể lý, văn hóa của con người trong giai đoạn BC không là nơi ẩn nấp của loài dã thú, sặc mùi máu tanh và tử khí bốc lên từ sức mạnh của các đế quốc là gì? Như đế quốc Akkadian từ 2360 BC ở vùng Mesopotamia và Ba Tư, đế quốc Cựu Babylon cũng ở vùng này từ 1728 BC, đế quốc Hittite từ 1296 BC ở vùng Anatonia và Syria, đế quốc Assyria từ 883 BC ở vùng Mesopotamia và Persia, đế quốc Tân Babylon từ 605 BC rồi đến đế quốc Ba Tư từ 550 BC cũng ở vùng này, đế quốc Alexander từ 323 BC ở vùng Hy Lạp và Rôma, đế quốc Seleucid từ 280 BC ở vùng Anatolia và Syria, đế quốc Parthian ở vùng Mesopotamia và Ba Tư và đế quốc Rôma ở vùng Hy Lạp và Rôma cùng một thời sau 200 BC, đế quốc Rôma ở Palestine từ 50 BC v.v.,

               

Chưa hết, về luân lý, văn hóa của loài người trong giai đoạn BC cũng còn là nơi ẩn nấp cho loài dã thú, loài sống theo luật rừng mạnh được yếu thua, được tỏ hiện qua những khuynh hướng triết lý hay đạo lý khinh thường vật chất, hạ giá xác thịt, và coi thường phụ nữ nơi các tục đa thê v.v.

               

Thế nhưng, kể từ khi "có người kia đi gieo giống tốt trong thửa ruộng của mình" (Mt.13:24), đó là Lời nhập thể đi rao giảng Tin Mừng, đi truyền bá Phúc Âm trên thế gian và cho con người, bắt đầu từ vùng đất Do Thái, thì đất đã bắt đầu "trổ sinh muôn vàn hoa trái" (Jn.12:24,15:5).

 

(xem tiếp bài dưới)

 TOP

 

?  Bối Cảnh Truyền  Giáo - Bột lên Men

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Đúng vậy, kể từ khi "hạt giống tốt" là mạc khải thần linh, là tinh thần đức ái trọn hảo, được trời cao gieo xuống thửa ruộng thế gian, thì văn hóa nhân bản bắt đầu lên men thần linh. Không phải hay sao, kể từ giai đoạn AD là "năm của Chúa", tức kể từ thời điểm Chúa Kitô giáng sinh, thời điểm "sự sống đã tỏ hiện cho chúng ta" (1Jn.1:2), thời điểm "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình để ai tin Con sẽ không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Jn.3:16), văn hóa nhân bản, như một mầm thai tới thời khắc được hồn thiêng hóa để bắt đầu sống động như một con người thế nào, thực sự cũng đã được Phúc Âm hóa để trổ sinh "sự sống viên mãn hơn" (Jn.10:10) cho loài người như thế?

               

Nhìn vào thế giới hiện nay, sau gần 2000 AD, tức sau gần 2000 năm Chúa Kitô giáng sinh, chúng ta nhận thấy gì đặc biệt, nếu không phải là tinh thần yêu thương phục vụ do Kitô giáo khởi xướng, bắt đầu từ Âu Châu, một đại lục có thể nói là đại lục Kitô giáo, đã được nẩy nở khắp nơi trên thế giới, về cả lãnh vực văn học cũng như xã hội.

               

Về lãnh vực văn học là lãnh vực đầu não chi phối các lãnh vực khác, phải kể đến các đại học là môi trường giáo dục cao cấp do Kitô giáo khởi xướng từ thời trung cổ. Như Đại Học Bologna ở Ý có từ năm 1100, Đại Học Oxford ở Anh Quốc cũng bắt đầu hình thành từ năm 1100, Đại Học Ba Lê năm 1200, Đại Học Toulouse do Đức Thánh Cha Gregoriô X thiết lập năm 1229, Đại Học Napoli do hoàng đế Frederic thiết lập năm 1224, Đại Học Salamanca do vua Ferđinand xứ Castilla sáng lập năm 1243, các đại học ở Đức và Bắc Âu mãi tới thế kỷ 14 mới có, như Đại Học Praga năm 1348, Đại Học Vienna năm 1365, Đại Học Heidelberg năm 1386, Đại Học Cologne năm 1388 v.v. Tại Hoa Kỳ, đại học đầu tiên là Đại Học Harvard ở Cambridge tiểu bang Massachusetts được thành lập từ năm 1636, trước hết, là để dạy chủng sinh theo học thần học, sau đó mới trở thành một đại học đời như bây giờ. Đối với việc giáo dục học đường, cách riêng ở Việt Nam, nổi tiếng nhất phải kể đến trường của các Sư Huynh Lasan, như trường trung học Tabert Sài Gòn, một học đường thu hút được không biết bao nhiêu là con cái của những nhà có tai mắt ngoại giáo. Ngày nay, chính các cán bộ cộng sản theo chủ thuyết chống Công Giáo lại chỉ yên tâm khi mang con cái của mình đến học ở các trường có các bà sơ dạy mà thôi.

               

Về lãnh vực xã hội, một lãnh vực tim gan, (so với lãnh vực văn học là lãnh vực đầu não), Kitô giáo cũng đã là khai sáng viên trong các việc phục vụ con người về mọi phương diện, như việc mở các nhà thương để chữa trị thương đau nơi xác thân con người, lập các viện mồ côi để chăm nuôi dưỡng dục trẻ em không nhà, mở các trại cùi để săn sóc thành phần bị người đời ghê sợ xa tránh v.v

               

Theo lịch sử Giáo Hội, việc bác ái xã hội bắt đầu triển nở từ cuối thể kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17. Khởi sự với việc Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa ở Bồ Đào Nha mở các bệnh viện, nên dòng này còn được gọi là Dòng Bệnh Viện. Tiếp đến là Văn Phòng Bác Ái Công Giáo do vua Henri IV lập năm 1606 để kiểm soát các tổ chức bác ái xã hội và xây cất nhiều bệnh viện mới. Nổi tiếng nhất là Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Phaolô lập năm 1633 để chuyên chăm sóc người bệnh hoạn, tật nguyền, già nua cũng như các trẻ em mồ côi. Thế nhưng, công cuộc bác ái xã hội phát triển nhanh nhất (từ năm 1950) và rộng nhất (tới 126 quốc gia, kể cả các nước cộng sản) phải kể đến việc phục vụ "người nghèo nhất trong các người nghèo" của Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Têrêsa Calcutta lập, một hiện thân đức ái Kitô giáo thời đại đã được cả thế giới tiếc thương khi mẹ qua đi ngày 5-9-1997. Ngoài ra, việc bác ái xã hội Công Giáo còn ôm ấp chính thành phần người cùi nữa, mà hai vị tông đồ người cùi lưu danh là cha Đa-miêng ở Môlôcai bên Hạ-Uy-Di, và đức cha Cát-Sanh ở Di Linh Việt Nam.

               

Phải, nhờ tinh thần hy sinh phục vụ của con cái Giáo Hội, thành phần truyền giáo nơi các xứ dân ngoại, cũng như thành phần làm việc tông đồ ngay trong lòng xã hội, được thực hiện bởi thành phần giáo sĩ và tu sĩ sống đời tận hiến, theo lệnh truyền của Chúa Kitô phục sinh: "Các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15), mà đức tin nhỏ như hạt cải, nhỏ đến nỗi không thể nhìn thấy bằng con mắt tự nhiên, đã mọc lên xum xuê thành một Giáo Hội hoàn vũ vĩ đại, đến nỗi, các linh hồn như chim trời đến làm tổ nương thân nơi càc cành của nó (x.Mt.13:31-32) là các chi thể thuộc Nhiệm Thể của Chúa Kitô, được hiện thân qua các Giáo Hội chuyên biệt địa phương, các dòng tu, các vị đại thánh thời đại v.v.

(xem tiếp dưới đây)
 

TOP

 

? Bối Cảnh Truyền  Giáo - Lúa mục nát 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Tuy nhiên, vì Phúc Âm Kitô giáo dạy những điều hoàn toàn đi ngược lại với đường lối và chủ trương tự nhiên của thế gian, do đó, Phúc Âm mang thân phận giống như một hạt lúa miến cần phải bị mục nát đi để có thể sinh muôn vàn hoa trái (x.Jn.12:24). Thực tế đã cho thấy hạt lúa miến Phúc Âm đã bị mục nát đi nơi những cuộc bắt bớ, tiêu diệt ngay từ đầu, tại chính nơi phát xuất ra Kitô giáo là Thành Thánh Gia-Liêm. Để rồi, từ đó, về thời gian cũng như không gian, máu của vị tử đạo tiên khởi là Thánh Stêphanô đã liên tục chảy đến tất cả mọi xứ truyền giáo, nhất là đến vùng đất Á Đông, từ thế kỷ 16 đến 19, như Đại Hàn, với 103 vị tử đạo được Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 1984, và Việt Nam, với 117 vị tử đạo cũng được cùng vị Giáo Hoàng phong thánh năm 1989, thậm chí cho tới thế kỷ 20, đặc biệt vào hạ bán thập niên 1990 của cuối thế kỷ 20 này, một thời điểm loài người văn minh tột bậc mà máu tử đạo vẫn còn loang chảy tại Phi Châu.

               

Tuy nhiên, vì Phúc Âm là hạt giống thần linh, "một hạt giống không hư nát" (1Pt.1:23), nên Phúc Âm không thể bị quyền lực thế gian tiêu diệt, trái lại, hơn lúc nào hết, Phúc Âm nhờ đó càng sáng tỏ trên thế gian. Thực tế đã cho thấy, trong tất cả mọi tôn giáo chỉ có Kitô giáo là tôn giáo dễ bị bắt bớ nhất, bị bắt bớ nhiều nhất, bị bắt bớ lâu nhất, bị bắt bớ ở mọi đời và khắp mọi nơi. Đến nỗi, có thể nói, Chúa Kitô không tử nạn không thực là Chúa Kitô thế nào, thì Kitô giáo không bị bắt bớ không là Kitô giáo như vậy.

               

Thế mà, càng bị thế gian bắt bớ, Kitô giáo chẳng những không bị tiêu diệt, trái lại, như có đà, Kitô giáo càng phát triển hơn nữa, phát triển đến "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15), "đến tận cùng thời gian" (Mt.28:20), một tầm mức phát triển đúng như ý nguyện của Đấng Sáng Lập Kitô giáo khi Người sai các môn đệ của mình đi "như chiên giữa sói rừng" (Mt.10:16), một phát triển "vĩ đại nhất"  (Mt.13:32) và kiên vững nhất (x.Mt.7:24-25), một phát triển vượt trội hơn hết mọi thứ cây tôn giáo, thể chế và ý hệ, một phát triển không lấn át trần gian song thu hút trần gian cho đến khi đạt được sứ mệnh của mình là làm cho trần gian dậy men Phúc Âm thần linh.

               

Hiện nay, trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, kể từ thập niên 1960, Phúc Âm không phải chỉ bị một thể chế, một quyền lực hay một địa phương nào đàn áp nữa, mà là đang bị cả một trào lưu văn hóa trần tục ở khắp nơi, nhất là văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng Kitô giáo và mang tinh thần Kitô giáo, chống đối, áp đảo và muốn hoàn toàn triệt hạ, bằng những luật pháp cho phép phá hủy đi những giá trị luân lý phổ quát làm nên nhân phẩm con người, (như luật cho phép mang thai mướn và cấy thai trong ống nghiệm), làm nên yếu tính hôn nhân, (như luật cho phép hôn nhân đồng phái tính), và làm nên cơ cấu gia đình, (như luật cho phép ly dị và phá thai).

               

Tuy nhiên, hiện tượng băng hoại nơi các nền văn hóa nói chung, nhất là nơi nền văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa thăng hoa bởi Phúc Âm Kitô giáo qua bao thế kỷ và cũng là một nền văn hóa ảnh hưởng khắp thế giới cho đến nay nhờ các cuộc truyền giáo, không phải là vì Phúc Âm Kitô giáo đã đến lúc hoàn toàn bị lỗi thời, nhất là vào thời của khoa học và kỹ thuật, thời của tự do và nhân quyền. Bởi vì, như thực tế cho thấy, hiện tượng duy nhân bản trong tân thời đại khoa học thực nghiệm này chẳng những không làm con người thăng tiến về mặt tâm linh là yếu tố làm nên con người đích thực, mà càng văn minh con người lại càng cảm thấy bất nhất (về thể chế xã hội theo chủ thuyết cộng sản  ngược lại với chủ nghĩa tư bản), bất an (về mối lo sợ thế chiến thứ ba xẩy ra sẽ tiêu diệt cả loài người bằng chính những sản phẩm khoa học do con người tạo ra là bom nguyên tử và bom khinh khí), bất hòa (với những cuộc Thế Chiến I và II, cùng các cuộc chiến dằng dai ở khắp nơi dọc suốt thế kỷ 20 này, như các cuộc Chiến Tranh Việt Nam, Chiến Tranh Đại Hàn, Chiến Tranh Trung Đông, chiến tranh ở Phi Châu, chiến tranh ở Âu Châu), và bất hạnh (với những đứa trẻ mồ côi bất đắc dĩ vì cha mẹ ly dị nhau, những thai nhi vô tội bị giết chết ngay trong bụng mẹ, những thanh thiếu niên nam lập băng đảng phạm pháp, những thanh thiếu nữ chửa hoang, những người tàn tật và bị bệnh vô phương cứu chữa trở thành gánh nặng cho xã hội cần phải thanh toàn món nợ của mình, những người đồng tính luyến ái bị triệu chứng Aids là triệu chứng hoại kháng tố v.v.).

               

Như thế, nếu trong giai đoạn lịch sử của nền văn hóa chịu ảnh hưởng Kitô giáo đang còn được Phúc Âm hóa xưa kia không hề xẩy ra những hiện tượng băng hoại càng ngày càng lở loét như một căn bệnh ung thư bất trị khắp nơi như được đề cập trên đây, cho đến thời khoa học và kỹ thuật, thời tự do và duy nhân bản mới có, thì không phải hay sao, đó là bằng cớ hiển nhiên và hùng hồn nhất nói lên rằng, khoa học và kỹ thuật, tự do, và duy nhân bản không phải là chúa tể hay là cứu chúa của con người, hơn là một con bò vàng ngẫu tượng mà con người sùng bái mà thôi.

               

Nếu con người hạ bệ Phúc Âm, loại trừ Phúc Âm ngàn đời ra khỏi văn hóa của mình, làm cho văn hóa nhạt mất chất mặn của muối Phúc Âm (x.Mt.5:13), con người đã, đang và sẽ như "cá không ăn muối cá ươn" thế nào thì hiện tượng con người văn minh băng hoại ngày nay đúng là một cuộc trắc nghiệm chứng thực là chỉ được Phúc Âm hóa, văn hóa của con người mới thực sự là văn hóa sự sống mà thôi.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ