GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 26/10/2007

TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

 

?   TÁI PHÚC ÂM NỘI BỘ VÀ PHÚC ÂM HÓA THẾ GIỚI

?   Mùa Đông Lịch Sử 

?  Mùa Xuân Cứu Rỗi 

 

 

?   TÁI PHÚC ÂM NỘI BỘ VÀ PHÚC ÂM HÓA THẾ GIỚI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

             

Vào chính thời điểm long trọng mừng kỷ niệm 2000 năm Mầu Nhiệm Nhập Thể nói riêng và Mầu Nhiệm Cứu Chuộc nói chung này, cả thế giới lẫn Giáo Hội Chúa Kitô chưa bao giờ cảm thấy một tình trạng "lòng mến nơi nhiều người trở nên nguội lạnh" (Mt.24:12) như vào thời điểm hiện nay.
 

Không phải hay sao, về phía trần gian, lòng mến nơi nhiều người đã chẳng trở nên nguội lạnh là gì, điển hình nhất là khi người ta, từ thập niên 1960, đã bắt đầu công khai hợp thức hoá việc cho phép ly dị và được quyền phá thai, một tình trạng chưa bao giờ có từ tạo thiên lập địa cho tới ngày nay! Phải chăng đây là điềm trời báo động cho thời điểm tận thế, thời điểm cùng tận của thế giới loài người, thời điểm con người ngang nhiên hùa nhau đồng loạt hủy hoại đi tất cả những gì Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ ban đầu để làm nên xã hội loài người là giao ước hôn nhân và sinh sản con cái (x.Gn.1:27-28;2:21-24). 

           

Cũng không phải hay sao, về phía Giáo Hội, lòng mến nơi nhiều người đã không trở nên nguội lạnh là gì, khi có rất nhiều cơ sở của các dòng tu rộng lớn, đầy đủ tiện nghi, mà hoàn toàn bỏ trống, không còn ai tu, hoặc chỉ còn rất ít ơn gọi; hay khi con số linh mục càng ngày càng khan hiếm, đến nỗi người ta đang nghĩ cách dùng giáo dân thay thế linh mục hoặc cho linh mục lập gia đình; và khi con số đi dự lễ càng ngày càng ít ỏi, đến nỗi có một số địa phận đã phải đóng cửa không ít nhà thờ, hoặc có còn giữ đạo thì lại là một thứ đạo tại tâm, muốn giữ sao thì giữ, muốn tin gì thì tin, miễn sao hợp với cảm nghĩ và ý muốn tự nhiên của mình, hợp với văn hoá thuần nhân bản của mình.

           

Chính vì tình trạng "lòng mến nơi nhiều người trở nên nguội lạnh" như thế, nơi cả phần đời lẫn phần đạo, mà cũng từ thập niên 1960, Giáo Hội đã phải tự canh tân bản thân mình bằng biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965). Để rồi, sau đó và từ đó, Giáo Hội đã đi sâu vào việc Tái Phúc Âm Hoá nội bộ cũng như đã đẩy mạnh việc Phúc Âm Hoá thế giới hơn. Việc làm cụ thể nhất trong công cuộc Giáo Hội Tái Phúc Âm Hoá nội bộ cũng như Phúc Âm Hoá thế giới là những cuộc tông du mục vụ của chính vị thừa kế Thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian, bắt đầu từ ngay lòng Công Đồng Chung Vaticanô II, do Đức Thánh Cha Phaolô VI khởi xướng năm 1964.

Ngoài ra, để Tái Phúc Âm Hóa nội bộ, còn có các khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, được Đức Thánh Cha Phaolô VI đề xướng vào thời gian gần kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, bằng văn kiện Apostolica Sollicitudo ban hành ngày 15-9-1965, với kỳ họp đầu tiên đã được bắt đầu từ tháng 10 năm 1967, sau Công Đồng 2 năm. Và để Phúc Âm Hóa thế giới, cũng có những cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Các Châu, do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi trong tông thư Tertio Millennio Adveniente của ngài ban hành 10-11-1994, đoạn 38, theo gương của Hội Đồng Giám Mục Châu Âu, nơi Kitô giáo trưởng thành và từ đó lan tràn khắp thế giới, cũng như gương của Hội Đồng Giám Mục Phi Châu.

           

Chủ đề của các kỳ họp Hội Đồng Giám Mục Thế Giới hay của các cuộc họp đặc biệt Hội Đồng Giám Mục Các Châu này đã hiển nhiên nói lên đường hướng canh tân và nhu cầu canh tân cấp thiết này.

           

Về việc Tái Phúc Âm Hóa nội bộ, Thượng Hội Đồng Thế Giới đã bàn đến các vấn đề và đã phổ biến các văn kiện liên quan trực tiếp đến việc Phúc Âm Hóa cũng như các văn kiện nhắm đến từng giới trong Giáo Hội, có thể theo thứ tự kể đến như sau:

           

Kỳ họp thường lệ thứ 1, 29/9-29/10-1967, về việc bảo trì và kiên cường đức tin Công Giáo : chuyên chính, năng lực, phát triển cùng sự nối kết của đức tin Công Giáo giữa tín điều và lịch sử.

           

Kỳ họp ngoại lệ thứ nhất, 11-28/10/1969, về bản chất và ý nghĩa của giáo phẩm đoàn, về mối liên hệ của giám mục và hội đồng giám mục với giáo hoàng cũng như với nhau.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 2, 30/9-6/11/1971, về các vị tư tế thừa tác và sự chính trực trong thế giới.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 3, 29/9-26/10/1974, về việc truyền bá Phúc Âm hóa trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Evangelii Nuntiandi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày 8-12-1975.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 4, 30/9-29/10/1977, về việc dạy giáo lý trong thời đại của chúng ta, được đúc kết trong tông huấn Catechesi Tradendae do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16-10-1979.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 5, 26/9-25/10/1980, về vai trò của gia đình Kitô hữu trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Familiario Consortio do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô ban hành ngày 22-11-1981.                       

           

Kỳ họp thường lệ thứ 6, 29/9-29/10/1983, về việc hòa giải và thống hối trong sứ mệnh của Giáo Hội hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Reconciliatio et Paenitenlia do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 2-12-1984.

           

Kỳ họp ngoại lệ thứ hai, 24/11-8/12/1985, về Công Đồng Vaticanô II, trong việc thẩm định sự áp dụng của Công Đồng 20 năm qua, cũng như trong việc tìm cách phát động sự canh tân trong Giáo Hội theo tinh thần và văn tự của Công Đồng.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 7, 1-30/10/1987, về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới, được đúc kết trong tông huấn Christifideles Laici  do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 20-12-1988.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 8, 30/9-28/10/1990, về việc đào tạo linh mục trong các hoàn cảnh của ngày hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Pastores Dabo Vobis do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1992.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 9, 2-29/10//1994, về đời tận hiến và sứ mệnh của nó trong Giáo Hội và trong thế giới, được đúc kết trong tông huấn Vita Consecrata do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1996.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 10 sẽ diễn ra vào cuối năm 1999 với mục tiêu nhắm đến giới còn lại là hàng giáo phẩm, bàn về chủ đề là "Giám mục: Tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu đối với niềm hy vọng của Thế Giới".

 

Về việc Phúc Âm Hóa thế giới, Hội Đồng Giám Mục Các Châu đã và sẽ bàn đến những chủ đề thời sự sau đây:

           

Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã diễn ra tại Rôma từ ngày 28-11 đến 14-12 năm 1991, tức theo sau Biến Cố Đông Âu sụp đổ năm 1989 và ngay trước biến cố Nước Nga trở lại ngày 25-12-1991, để lợi dụng tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản bàn về vai trò Kitô giáo trong tương lai của Âu Châu cũng như về vai trò tác hiệu của Giáo Hội Công Giáo trong việc hình thành một trật tự xã hội chân chính.

           

Hội Đồng Giám Mục Phi Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 10/4-8/5/1994 với chủ đề "Giáo Hội ở Phi Châu với sứ mệnh truyền bá Phúc Âm hướng về năm 2000: 'Các con sẽ là nhân chứng của Thày'", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Africa ban hành ngày 14-9-1995, dịp ngài thăm Phi Châu.

           

Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 16/11-12/12/1997, với chủ đề "Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hằng sống: Con đường dẫn đến Hối Cải, Hiệp Thông và Đoàn Kết", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in America ban hành tại Mexicô City ngày 22-1-1999, dịp ngài thăm Mỹ Châu.

           

Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 19/4-14/5/1998, từ ngày 19-4 đến 14-5, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với Sứ Mệnh Yêu Thương và Phục Vụ của Người ở Á Châu", sẽ được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Asia ban hành trong năm 1999, dịp ngài thăm Á Châu.

           

Hội Đồng Giám Mục Đại Dương Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 23/11-12/12/1998, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô và nhân dân Đại Dương Châu - 'Đi Con Đường của Người, nói Sự Thật của Người và sống Sự Sống của Người'".

           

Hội Đồng Giám Mục Âu Châu sẽ nhóm họp lần thứ hai vào thời khoảng 1-23/10/1999 tại Rôma, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô vẫn sống nơi Giáo Hội, Nguồn Mạch Hy Vọng cho Châu Âu".

           

Với đà Canh Tân của Giáo Hội từ Công Đồng Vaticanô II tới nay đã quá rõ ràng và mãnh liệt như thế, thì một khi còn là con cái của Giáo Hội, còn như cành nho dính liền với thân nho, chắc chắn Kitô hữu Công Giáo chúng ta phải thực sự cảm thấy trong mình một luồng thần khí Canh Tân của Mẹ Giáo Hội chuyền sang cho chúng ta, để chúng ta có thể sống một “sự sống viên mãn hơn” (Jn.10:10) trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo, Mùa Xuân gieo Tin Mừng Cứu Độ!

 TOP

 

?  Mùa Đông Lịch Sử    

 

       Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL            

 

Thật thế, nói đến mùa đông, theo hiện tượng thời tiết thiên nhiên vẫn xẩy ra từ tạo thiên lập địa cho tới nay, là nói đến một thời gian lạnh giá và tối tăm, hai dấu hiệu tiêu biểu cho chết chóc. Lạnh giá không là dấu hiệu tiêu biểu cho chết chóc là gì nơi một con người đang hấp hối chết, một cái lạnh từ chân lên đến đầu, cho tới khi toàn thân lạnh ngắt và trở thành một tử thi vô hồn? Tối tăm cũng không phải là dấu hiệu tiêu biểu cho chết chóc là gì khi con người đã trở thành một tử thi vô hồn thì hoàn toàn sẽ không còn biết gì nữa, không còn biết cử động tự nhiên dù chỉ theo bản tính triển sinh, hay không còn biết phản xạ tự vệ theo bản năng sinh tồn?? Thế giới ngày nay, trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba đang đến, cũng không đang trải qua một Mùa Đông Lịch Sử là gì, tức đang trải qua một thời gian lịch sử có những triệu chứng lạnh giá và tối tăm khủng khiếp về sinh hoạt tâm linh cũng như đời sống luân lý nơi con người, một hiện tượng được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận định và đặt tên cho là “văn hóa tử vong” (culture of death)???

Đúng vậy, thế giới con người ở vào cuối thế kỷ 20 cũng là cuối thiên niên thứ hai này đang sống trong Mùa Đông Lịch Sử của “văn hóa tử vong”, vì lòng người đã thực sự trở nên lạnh giá và tối tăm hơn lúc nào hết và hơn bao giờ hết trong giòng suốt lịch sử của mình. Lòng người đã không càng ngày càng trở nên lạnh giá là gì, về đạo, ơn gọi tu trì càng ngày càng ít đi, mà hậu qủa là nhiều nhà dòng hay chủng viện bỏ trống, và tỷ lệ dự lễ Chúa Nhật hằng tuần giảm xuống tới độ thậm tệ, mà hậu qủa là nhiều nhà thờ đã bị bỏ không v.v.; về đời, tình nghĩa vợ chồng không còn nồng nàn nóng sốt nữa, mà hậu qủa là tỷ lệ ly dị tại các nước Aâu Mỹ đã lên tới cả 70%, và tình mẫu tử cũng không còn “bao la như biển thái bình” nữa, mà hậu qủa là mỗi năm trên toàn thế giới có cả hai triệu thai nhi bị chính mẹ mình thảm sát bằng việc phá thai theo chủ trương “pro choice” của mình v.v. ? Lòng người đang sống trong Mùa Đông Lịch Sử của “văn hóa tử vong” cũng không tăm tối là gì khi hùa nhau, qua việc ban các khoản luật phi nhân bản phản luân lý, tôn thờ “con bò vàng” (Ex. 32:4) duy nhân bản thay “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn.17:3), ở chỗ biến sự dữ thành sự lành (như luật cho phép ly dị), tội lỗi thành quyền lợi (như luật cho phép phá thai)?

 

Nhận định này cũng là nhận định được chính Vị Chủ Chiên Tối Cao đương kim của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ chia sẻ với 8000 phần tử của phong trào “pro-life” Ý ngày 20-5-1998:

 

·        “Việc biến đổi tội ác thành quyền lợi thảm khốc này là một dấu hiệu băng hoại khủng khiếp của xã hội”.  (Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 10-6-1998, trang 6, đoạn 3)

  

Nếu thực tại của hiện tượng chết chóc về thể lý nơi loài người là việc phân ly (separation) giữa hồn và xác thế nào, và nếu hậu qủa của hiện tượng chết chóc nơi mọi sinh vật hữu hình là băng hoại (corruption) ra sao, thì “văn hóa tử vong” cũng cho thấy hiện tượng phân ly và băng hoại về sinh hoạt tâm linh cũng như đời sống luân lý của con người văn minh hầu như tột đỉnh ngày nay như thế. Thế nhưng, sở dĩ có hậu qủa băng hoại về đời sống luân lý của xã hội loài người (như hiện tượng hợp pháp hóa quyền ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính, thụ thai ngoại nhiên, trợ tử nhân đạo v.v.), là vì nguyên nhân phân ly nơi sinh hoạt tâm linh của con người, như được các vị Giáo Hoàng thời đại nhận định như sau:

 

Đức Piô XII đã báo động trong sứ điệp truyền thanh ngày 26-10-1946 gửi Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc ở Hoa Kỳ:

 

·        “Tội lỗi của thế kỷ này là đánh mất đi ý nghĩa của tội lỗi”.

 

Đức Phaolô VI cũng khẳng định trong Tông Huấn “Evangelii Nuntiandi” về việc truyền giáo trong thời đại của chúng ta, ban hành ngày 8-12-1975, đoạn 20, thế này:

 

·        “Việc phân rẽ Phúc Aâm khỏi văn hóa thực sự là một thảm kịch của thời đại chúng ta”.

 

Đức Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp “Rạng Ngời Chân Lý”, ban hành ngày 6-8-1993, đoạn 88, đã đi sâu hơn vào vấn đề như sau:

 

·        “Việc nỗ lực đặt tự do đối nghịch lại với chân lý, mà thực ra làm chia lìa chúng một cách dứt khoát, là hậu qủa, là biểu lộ và là tổng kết của một tình trạng phân lìa trầm trọng và phá hoại hơn nữa trong việc làm cho đức tin chia lìa khỏi luân lý. Việc phân lìa này cho thấy một trong những mối quan tâm mục vụ bén nhậy nhất giữa trào lưu tục hóa đang dâng lên ngày nay làm cho qúa nhiều người thực sự nghĩ và sống ‘như thể không có Thiên Chúa’”.

 

Chính vì thế giới loài người đang sống trong một Mùa Đông Lịch Sử của “văn hóa tử vong” như thế mới có một luồng gió canh tân báo hiệu một Mùa Xuân Cứu Rỗi cho loài người, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận định trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, ban hành ngày 10-11-1994, đoạn 18, như sau:

 

·        “Theo quan điểm này, chúng ta có thể xác nhận rằng Công Đồng Chung Vaticanô II là một biến cố quan trọng, nhờ đó, Giáo Hội bắt đầu sửa soạn trực tiếp hơn cho cuộc mừng thiên niên thứ ba. Công Đồng này là một công đồng cũng giống như các công đồng trước kia, song lại khác hẳn; đó là một công đồng chú trọng vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, đồng thời lại vươn mình ra với thế giới. Thái độ vươn mình ra của Giáo Hội là một đáp ứng có tính cách phúc âm đối với những đổi thay trong thế giới này, những đổi thay bao gồm cả những kinh nghiệm về tình trạng hỗn loạn sâu rộng của thế kỷ 20, một thế kỷ rùng rợn với hai trận Đại Chiến I và II, với kinh nghiệm về những trại tập trung cùng với những cuộc tán sát khủng khiếp. Tất cả những biến cố này đã cứng tỏ một cách hết sức hùng hồn là thế giới cần phải được thanh tẩy; nó cần phải cải thiện lại... Điều mà những vị giáo hoàng đã hoàn tất trong thời gian và từ thời gian Công Đồng, qua giáo huấn của các ngài cũng như qua hoạt động mục vụ của các ngài, chắc chắn đã đóng góp một cách đáng kể vào việc sửa soạn cho một mùa xuân mới của đời sống Kitô giáo, một mùa xuân sẽ được tỏ hiện nhờ cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng, nếu các Kitô hữu tỏ ra dễ dạy đối với tác động của Chúa Thánh Linh”.

 

TOP

 

? Mùa Xuân Cứu Rỗi 

 

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Thế nhưng, Mùa Xuân Cứu Rỗi này như thế nào và được sửa soạn ra sao? Nói cách khác, tiến trình thay mùa hay đổi mùa từ Mùa Đông Lịch Sử đến Mùa Xuân Cứu Rỗi sẽ diễn tiến thế nào? Mùa Đông Lịch Sử sẽ được kết thúc ra sao cho Mùa Xuân Cứu Rỗi xuất hiện, hay chỉ cần Mùa Xuân Cứu Rỗi đến thì tự nhiên Mùa Đông Lịch Sử sẽ qua đi?

 

Thật ra, tiến trình đổi mùa kỳ diệu này, đổi từ Mùa Đông Lịch Sử sang Mùa Xuân Cứu Rỗi, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi ngay từ đầu giáo triều của ngài, như ngài chia sẻ với đồng hương Ba Lan của mình ngày 16-10-1998, dịp họ sang Rôma mừng kỷ niệm 20 năm làm giáo hoàng của ngài, như sau:

 

·        “Khi Tôi bắt đầu sứ vụ thừa kế Thánh Phêrô của mình trong Giáo Hội 20 năm trước đây, Tôi đã nói: ‘Hãy mở cửa cho Chúa Kitô’. Hôm nay, trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, những lời này lại càng đặc biệt khẩn thiết hơn… Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô – những cánh cửa văn hóa, kinh tế, chính trị, gia đình, đời sống cá nhân cũng như xã hội… Việc mở cửa cho Chúa Kitô nghĩa là việc cởi mở con người mình ra cho Người cũng như cho giáo huấn của Người: để trở nên các chứng nhân cho đời sống, cho cuộc khổ nạn và tử nạn của Người. Tức là hiệp nhất với Người bằng nguyện cầu và các bí tích thánh. Không liên kết với Chúa Kitô thì tất cả mọi sự mất ý nghĩa của mình và biên giới giữa lành dữ sẽ bị mờ mịt”. (Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 25-11-1998, trang 9, đoạn 4)

 

Nếu, về phía chung loài người, “không liên kết với Chúa Kitô thì tất cả mọi sự mất ý nghĩa của mình và biên giới giữa lành dữ sẽ bị mờ mịt”, tức nếu không “mở rộng cửa cho Chúa Kitô – những cánh cửa văn hóa, kinh tế, chính trị, gia đình, đời sống cá nhân cũng như xã hội”, Mùa Đông Lịch Sử bình thường sẽ khó lòng chấm dứt cho Mùa Xuân Cứu Rỗi xuất hiện. Thế nhưng, cũng chính vì thế giới đang sống trong Mùa Đông Lịch Sử mới cần Mùa Xuân Cứu Rỗi, tức bóng tối tự mình bao giờ cũng là bóng tối và sẽ không thể nào tự tan biến nếu ánh sáng không chiếu soi thế nào, thì chỉ cần Mùa Xuân Cứu Rỗi sang là tự nhiên Mùa Đông Lịch Sử sẽ qua đi. Phải chăng đó là ý nghĩa của lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chia sẻ ngày 6-6-1998 với các vị giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dịp các ngài sang Rôma ad limina đợt 7:

 

·        Việc tân phúc âm hóa, một việc có thể làm cho thế kỷ 21 thành một mùa xuân của Phúc Âm, là một công việc đối với toàn thể Dân Chúa, thế nhưng sẽ lệ thuộc một cách quyết liệt vào thành phần tín hữu hoàn toàn nhận thức được ơn gọi rửa tội của mình và trách nhiệm mang tin mừng của Chúa Giêsu Kitô đến cho văn hóa và xã hội của họ… Điều kiện trước tiên cho việc tân  phúc âm hóa là việc thực sự làm chứng của Kitô hữu,  thành phần sống bởi Phúc Âm: ‘Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt con người, để họ thấy những việc lành của các con làm mà tôn vinh Cha các con là Đấng ở trên trời’ (Mt.6:15). Vì giáo dân ở ngay tuyến đầu của công cuộc Giáo Hội truyền bá phúc âm cho tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt trần thế – gồm có công xưởng, các lãnh vực khoa học và y khoa, lãnh vực chính trị và lãnh vực văn hóa khác nhau – họ phải đủ cứng cát và đủ giáo lý ‘để chứng tỏ cho thấy rằng đức tin Kitô giáo làm nên một đáp ứng duy nhất bảo đảm… cho các vấn đề và các niềm hy vọng mà cuộc sống áp đặt lên mỗi người cũng như xã hội’ (Tông Huấn Tín Hữu Giáo Dân, 34)”

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 10-6-1998, đoạn 3 và 4)

 

Thật vậy, truyền bá phúc âm chính là ngọn gió Thánh Linh thổi vào Mùa Đông Lịch Sử để “canh tân bộ mặt trái đất” (đáp ca Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), kể từ Thời Điểm Hồng Aân là Năm Thánh 2000 này, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 26-9-1998 chia sẻ với các phần tử của Hội Dòng Bác Aùi (Rosminians) dịp họ họp công đồng tại Rôma như sau:

 

·        Trong khi Giáo Hội sửa soạn tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo thì việc truyền bá phúc âm cho văn hóa là một phần khẩn thiết của những gì Tôi gọi là ‘tân phúc âm hóa’… Thứ văn hóa nổi bật ngày nay tôn thờ tự do và tự quyết, trong khi nó lại thường đi theo những đường lối sai lạc dẫn đến những hình thức nô lệ mới. Văn hóa của chúng ta vật vờ giữa duy lý và duy tín dưới nhiều dạng thức, như không thể nào dung hòa giữa đức tin và lý trí. Kitô hữu đôi khi cũng bị lôi kéo đi trệch khỏi việc hủy mình ra không (kenosis) của Thập Giá Chúa Giêsu Kitô, ưa chuộng những đường lối kiêu căng, quyền năng và thống trị”.

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 7-10-1998, trang 6)

 

Chính vì chiều hướng truyền bá phúc âm này mới có các cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới, nhất là các cuộc Thượng Hội Giám Mục Các Châu (được tổ chức ngay trong thời gian dọn mừng Thời Điểm Hồng Ân Năm Thánh 2000), như chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc lại trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 21, như sau:

 ·        “Góp phần trong việc sửa soạn cho Năm 2000 đang đến là một loạt các cuộc công nghị bắt đầu từ sau Công Đồng Chung Vaticanô II: những cuộc công nghị chung cùng với các công nghị theo đại lục, theo miền, theo quốc gia, theo giáo phận. Chủ đề chính của tất cả các cuộc công nghị này là việc truyền bá phúc âm hay đúng hơn là việc tân phúc âm hóa, mà nền tảng của những vấn đề tân phúc âm hóa này được bắt nguồn từ Tông Huấn Evangilii Nuntiandi (về việc truyền bá phúc âm trong thế giới tân tiến) của Đức Phaolô VI, được ban hành năm 1975 theo sau khóa họp chung lần thứ ba của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới. Các công nghị này tự mình cũng là một phần trong công cuộc tái phúc âm hóa: Chúng phát sinh từ viễn ảnh về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II”.

 

Việc Giáo Hội truyền bá phúc âm để đem Mùa Xuân Cứu Rỗi đến cho Mùa Đông Lịch Sử loài người trong Thời Điểm Hồng Ân từ Năm 2000 này hoàn toàn hợp với, nếu không muốn nói là làm hiện thực, ý định của Vị Chúa Xuân, Đấng “là tất cả trong mọi sự” (1Cor.15:28), như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chia sẻ trong bài Giáo Lý Năm Thánh 2000 đầu tiên ngày 19-11-1997, đoạn 5, như sau:

 

·        “Thiên Chúa là Chúa của thời gian không những như đấng hoá công của thế giới, mà còn như tác giả của một cuộc tân tạo trong Đức Kitô nữa. Ngài nhúng tay vào việc chữa lành và cải hoá thân phận con người đã bị tội lỗi đả thương sâu nặng. Ngài đã dùng nhiều thời gian trong việc sửa soạn dân Ngài cho quang vinh của cuộc tân tạo này, đặc biệt qua lời của các vị tiên tri: ‘Này đây, Ta tác tạo trời mới và đất mới; rồi những cái trước kia sẽ không còn được tưởng nhớ hay gợi nhớ nữa. Hãy vui mừng và hoan hỉ luôn mãi nơi cái mà Ta tạo dựng; này đây, Ta tạo cho Gialiêm niềm hoan lạc và dân thành niềm vui sướng’ (Is.65:17-18).

 

“Lời hứa của Ngài đã nên trọn 2000 năm trước đây qua việc hạ sinh của Đức Kitô. Theo ý nghĩa này, biến cố kỷ niệm mừng là một lời mời gọi cử hành một kỷ nguyên Kitô giáo như là một giai đoạn canh tân đối với nhân loại cũng như đối với vũ trụ. Cho dù khó khăn và khổ đau, những năm qua đã là 2000 năm ân phúc.

 

“Những năm tới đây, cũng thế, ở trong bàn tay của Thiên Chúa. Tương lai của con người, trước hết là tương lai của Thiên Chúa, theo nghĩa là chỉ có một mình Ngài biết nó, sửa soạn cho nó và thực hiện nó. Dĩ nhiên, Ngài kêu gọi và mời con người cộng tác, thế nhưng, Ngài không ngừng là ‘vị chủ trì’ siêu việt của lịch sử.

 

“Nắm vững như vậy, chúng ta ra tay thực hiện việc sửa soạn cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tương lai sẽ ra sao. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trong bất cứ một biến cố nào nó cũng sẽ là một tương lai ân phúc; nó sẽ là việc hoàn tất ý định yêu thương thần linh đối với toàn thể loài người cũng như đối với mỗi một người trong chúng ta. Đó là lý do tại sao, khi chúng ta nhìn về tương lai, chúng ta tràn đầy hy vọng và không sợ hãi. Cuộc hành trình tiến đến việc Mừng Kỷ Niệm là một cuộc hành trình hy vọng cao vời”.  (Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26-11-1997)

 

Nếu “cuộc hành trình tiến đến việc Mừng Kỷ Niệm là một cuộc hành trình hy vọng cao vời”, thì nó cũng là “một chặng hành trình của nhân loại hướng về định mệnh chung cuộc của thời gian”, theo lời Đức Thánh Cha chia sẻ trong bài Giáo Lý Năm 2000 ngày 10-12-1997, đoạn 4, như sau:

 

·        “Nếu thời gian nơi Chúa Kitô được nâng lên tới một mức độ cao hơn, khi nhận đuợc khả năng tiến tới vĩnh cửu, thì có nghĩa là việc ngàn năm đang tiến tới không được coi như một tiến bước thuần túy theo giòng thời gian, mà là như một chặng hành trình của nhân loại hướng về đinh mệnh chung cuộc của nó.

 

“Năm 2000 không phải chỉ là cửa qua một ngàn năm khác; nó là cửa cho cõi trường sinh mà, trong Chúa Kitô, tiếp tục mở ra trong thời gian để ban cho nó một hướng đi đích thực cũng như một ý nghĩa chuyên chính.

           

“Năm 2000 tỏ bày cho tâm trí và cõi lòng của chúng ta một cái nhìn bao rộng hơn liên quan đến tương lai. Thời gian thường không được tri nhận. Nó dường như làm con người thất vọng về tình trạng bất ổn của nó, về việc trôi qua nhanh chóng của nó, khiến cho tất cả mọi sự thành vô dụng. Thế nhưng, nếu vĩnh cửu đã hội nhập thời gian, thì không thể chối bỏ được cái giá trị phong phú của chính thời gian. Việc trôi đi dứt khoát không phải là một hành trình tiến đến hư vô, mà là một hành trình tiến về vĩnh cửu.

           

“Cái nguy hiểm thực sự không phải là việc trôi theo thời gian, mà là sử dụng nó một cách tệ hại, khi chối bỏ sự sống đời đời được Chúa Kitô hiến ban. Ước vọng được sự sống và hạnh phúc trường sinh phải được tái thức tỉnh không ngừng nơi tâm can con người. Việc cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm có một ý nghĩa đích thực là làm tăng phát niềm ước vọng này, giúp cho các tín hữu và con người của thời đại chúng ta mở lòng mình ra cho một cuộc sống vô biên”.(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 17/24-12-1997)

 

Nếu “việc cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm có một ý nghĩa đích thực là làm tăng phát niềm ước vọng này, giúp cho các tín hữu và con người của thời đại chúng ta mở lòng mình ra cho một cuộc sống vô biên”, thì phải chăng Mùa Xuân Cứu Rỗi đến từ Thời Điểm Hồng Ân Năm Thánh 2000 này chính là thời kỳ xẩy ra sau Mùa Đông Lịch Sử của lạnh giá và tối tăm: lạnh giá ở chỗ “lòng người ra nguội lạnh” (Mt.24:12), và tối tăm ở chỗ “các tiên tri giả sẽ xuất hiện vô số để lừa đảo nhiều người” (Mt.24:11), một Mùa Xuân Cứu Rỗi đã được Chúa Kitô báo trước trong Phúc Âm như một “dấu chỉ thời đại” (Mt.16:3) tỏ tường về ngày cánh chung của thế giới:

 

·        “Tin mừng về nước Thiên Chúa sẽ được rao giảng khắp thế giới như là một chứng từ cho mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới cùng tận” (Mt.24:14).

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ