GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 17/11/2007 TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN |
? Cải Thiện: Ở Chỗ Nào? 1) Cải Thiện không phải ở chỗ sạch tội cho bằng sợ tội
? Cải Thiện: Ở Chỗ Nào? 2) Cải Thiện không phải ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa.
? Cải Thiện: Ở Chỗ Nào? 3) Cải Thiện không phải ở chỗ sống công chính cho bằng nhận biết tình yêu Thiên Chúa.
? Cải Thiện: Ở Chỗ Nào? 1) Cải Thiện không phải ở chỗ sạch tội cho bằng sợ tội
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Nếu đã ý thức một cách sâu xa và chắc chắn lý do tại sao phải cải thiện, thì chúng ta cũng dễ dàng biết được đâu là bản chất và dấu hiệu đích thực của việc cải thiện, nhờ đó, chúng ta sẽ vững tâm cải thiện và thực sự cải thiện.
Nếu lý do cần phải cải thiện là vì chúng ta là những kẻ tội lỗi nhưng muốn được đời đời cứu rỗi, thì cải thiện không phải ở chỗ giữ mình sạch tội cho bằng sợ tội.
Nếu lý do cần phải cải thiện là vì Hạt Giống Ơn Thánh trong chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái, thì cải thiện không phải ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa.
Nếu lý do cần phải cải thiện là vì Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi, thì cải thiện không phải ở chỗ sống công chính cho bằng nhận biết Thiên Chúa.
Vẫn biết sạch tội cũng là một trong những dấu hiệu tốt lành của một con người công chính hay đã cố gắng cải thiện. Tuy nhiên, sạch tội không phải là dấu hiệu duy nhất và đích thực chứng tỏ sự tốt lành nơi một người.
Chẳng hạn, một đứa nhỏ chưa có trí khôn thì còn sạch tội, song một khi đã có trí khôn chưa chắc nó còn giữ được tình trạng sạch tội ban đầu nữa. Hai nguyên tổ loài người, ngay từ ban đầu đã ở trong tình trạng công chính nguyên thủy và vô tội, thế nhưng, khi vừa bị rắn qủi cám dỗ, đã sa ngã phạm tội làm mất lòng Chúa.
Kinh nghiệm sống đạo cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó, có những tội nếu không gặp dịp, chúng ta sẽ không vấp phạm, ngược lại, nếu gặp dịp chúng ta lại vấp phạm.
Thí dụ, có những loại người hiền cục, bình thường thì rất lành tính, nhưng lơ mơ đụng đến họ thì hãy coi chừng, vỡ mặt lúc nào không biết. Hoặc, có những người quyền thế, lúc đầu không biết hối lộ là gì, sau khi được đút lót nhiều lần, toàn là những món bở, bắt đầu đâm ra mắc tật hối lộ. Hay, ở Việt Nam không có luật cho phép ly dị, phá thai thì hầu như không có chuyện gì xẩy ra, ở Mỹ, thấy được phép ly dị, phá thai, đồng thời cũng thấy người ta ly dị, phá thai là thường, một số người Công Giáo cũng đã ly dị và phá thai v.v.
Do đó, tình trạng sạch tội hay vô tội chưa chắc đã là dấu hiệu chứng tỏ con người sạch tội hay vô tội đó là một con người tốt lành hay đã hoàn toàn và thực sự cải thiện. Tại sao vậy? Tại vì tội là những gì phát xuất từ bên trong con người mà ra, chứ không phải chỉ thuần túy là những hành động xấu xa bên ngoài của con người mà thôi. Nếu con người chỉ tránh làm điều xấu mà không diệt tận gốc căn nguyên gây ra những điều xấu đó là tội lỗi ở bên trong con người của họ, thì, đúng như lời Chúa Giêsu khiển trách thành phần Pharisiêu và luật sĩ Do Thái ngày xưa, trong Phúc Âm thánh Mathêu đoạn 23, câu 25 và 27: Các ngươi chỉ rửa sạch bên ngoài ly và đĩa, song lại để bên trong đầy những tham lam và nhục dục... Các ngươi giống như mồ mả được quét sơn bề ngoài trông đẹp mắt nhưng bề trong đầy hôi thối và xương cốt thây ma.
Thật vậy, con người cải thiện là cải thiện những gì, nếu không phải cải thiện con người tội lỗi của mình. Thế nhưng, tội lỗi bởi đâu mà ra, hay cái gì làm nên tội lỗi, nếu không phải, lòng trí của con người là cái bởi bên trong con người mà ra.
Trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 15, câu 11, 17-19, Chúa Giêsu đã chẳng xác nhận tội lỗi là do tâm trí con người là cái bởi bên trong con người ma ra là gì, khi Người nói với thành phần Pharisiêu và luật sĩ trách các môn đệ của Chúa không chịu rửa tay trước khi dùng bữa: Không phải cái vào miệng con người làm họ ra dơ bẩn; mà là cái từ miệng con người mà ra... Các ngươi không thấy rằng, mọi cái vào miệng con người sẽ được tiêu hóa rồi bị tống khứ ra ngoài hay sao, song cái từ miệng mà ra thì phát xuất từ tâm trí. Đó mới chính là cái làm cho con người ta ra dơ bẩn. Từ tâm trí phát xuất những ý đồ xấu xa, giết người, ngoại tình, dâm ô, trộm cắp, chứng gian, lộng ngôn.
Chính vì thế, vì tội lỗi là cái cần phải cải thiện bởi tâm trí con người là những cái từ bên trong con người mà ra như vậy, cũng trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 23, câu 26, Chúa Giêsu đã dạy một nguyên tắc căn bản để cải thiện là: Trước hết, hãy rửa sạch bên trong cái ly thì bên ngoài cũng sẽ được sạch.
Như thế, cải thiện chính là canh tân nội tâm của con người. Và, dấu hiệu chứng tỏ con người bắt đầu canh tân nội tâm của mình, tức bắt đầu cải thiện, đó là khi họ biết thật tình ăn năn thống hối tội lỗi của mình là những gì đã làm mất lòng Chúa. Một khi con người đã thật tình ăn năn thống hối tội lỗi của mình, là con người đã tẩy rửa nội tâm của mình, từ đó, họ sẽ không dám phạm tội mất lòng Chúa nữa. Thái độ con người không dám làm mất lòng Chúa là dấu hiệu chứng tỏ họ sợ tội là những gì làm mất lòng Ngài. Chính vì con người sợ tội là những gì làm mất lòng Chúa mà họ sẽ không còn tự tình phạm tội hay dù có gặp dịp cũng sẽ giữ mình khỏi sa ngã phạm tội.
Cải thiện không phải ở chỗ sạch tội cho bằng sợ tội là như thế.
(xin xem tiếp bài dưới đây)
? Cải Thiện: Ở Chỗ Nào? 2) Cải Thiện không phải ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Nếu căn cứ vào nguyên tắc xem qủa biết cây (Mathêu 7:20), cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu sẽ sinh trái xấu (Mathêu 7:17), thì làm lành là hành động của một người lành.
Tuy nhiên, xét về phương diện siêu nhiên, cải thiện không phải chỉ ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa. Nếu chỉ làm lành mà không làm theo ý Chúa, con người vẫn chưa cải thiện hoàn toàn và trọn vẹn, dù họ có thực tâm cải thiện đi nữa. Tại sao vậy?
Tại vì, cải thiện là gì, nếu không phải là cải lại tội lỗi của mình là những gì làm mất lòng Chúa, tức là những gì không đúng ý Chúa. Và, tội lỗi là gì, nếu không phải là những gì làm theo ý riêng của mình ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Do đó, tất cả những gì lành thánh mấy đi nữa, nếu không đúng ý Chúa, dù biết mà con người cứ làm, thì không phải là họ đã làm mất lòng Chúa hay sao, đã coi mình khôn ngoan hơn Thiên Chúa, và vì thế, họ vẫn phải cải thiện đời sống hay sao?
Trường hợp của bà Evà, ý muốn được nên giống như Thiên Chúa của bà là một ý tốt, rất hợp với ý của Thiên Chúa: Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành (Mathêu 5:48). Thế nhưng, dù ý muốn của bà có tốt đến đâu đi nữa, một khi nó đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, nó vẫn là một ý muốn xấu như thường, không được làm, không được theo. Chính vì bà Evà đã theo ý riêng của mình hơn ý muốn của Thiên Chúa cấm bà không được ăn cây biết lành biết dữ, mà tội lỗi đã xuất đầu lộ diện nơi con người, từ bên trong con người mà ra.
Trường hợp của vua Saolê, đã tha chết cho một số chiên bò béo tốt của quân Amilek, với ý muốn mang về để làm của lễ dâng cho Thiên Chúa, một ý muốn tốt lành, mà vua đã không triệt để tuân theo mệnh lệnh của Chúa trong việc tận diệt tất cả mọi sự nơi quân Amalek là quân đã đối xử tàn tệ với dân Do Thái ngày xưa. Ý định và việc làm của vua Saolê dù có tốt lành đến đâu đi nữa, một khi làm ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, cũng làm mất lòng Ngài và đáng phạt hơn là đáng thưởng. Qua miệng tiên tri Samuen, Thiên Chúa đã nói với vua Saolê biết rằng: ... Vâng lời trọng hơn lễ vật... Vì vua đã phế bỏ mệnh lệnh Chúa, Người cũng phế bỏ vua (1Samuen 15:22-23).
Trường hợp của dân Do Thái đã coi tục lệ tốt lành của mình trọng hơn lề luật Thiên Chúa, cũng đã bị Chúa quở trách: Phần các ngươi, tại sao các ngươi làm trái lại mệnh lệnh của Thiên Chúa vì tục lệ của mình. Chẳng hạn, Thiên Chúa bảo: 'Hãy tôn kính cha mẹ mình' và 'ai nguyền rủa cha mẹ mình sẽ bị chết'. Nhưng các ngươi lại tuyên bố rằng: 'Của dâng cho cha mẹ là dâng cho Chúa nên không cần phải tôn kính cha mẹ'. Như thế có nghĩa là vì lệ truyền của mình mà các người đã hủy bỏ lời của Thiên Chúa (Mathêu 15:3-6).
Kinh nghiệm sống đạo thực tế cũng cho chúng ta thấy rõ điều này, cải thiện không phải ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa.
Chẳng hạn, đi sinh hoạt trong các hội đoàn công giáo tiến hành là một việc làm vốn tốt hơn là đi nhảy. Thế mà, vì bận trở việc ba má trao cho không thể đi sinh hoạt thường xuyên được, chúng ta lấy làm khó chịu và kêu ca đủ thứ. Thử hỏi, hoạt động tông đồ của chúng ta mà lại tỏ ra khó chịu và kêu ca như thế có phải chúng ta làm hoàn toàn vì Chúa và cho Chúa không, hay là chỉ vì mình và cho mình, có cần phải cải thiện lại hay không?
Chẳng hạn, đang làm việc rất đắc lực cho một hội đoàn, bỗng nhiên, vì hiểu lầm, bị cha tuyên úy cách chức, chúng ta cảm thấy hết sức bất mãn và quay ra nói xấu cha. Thử hỏi, hoạt động tông đồ tốt lành của chúng ta với thái độ bất mãn và hành động nói xấu này đối với cha tuyên úy đó có cần phải cải thiện hay không?
Chẳng hạn, sau khi đi tham dự khóa Linh Thao, Canh Tân hay Cursillo, được ơn Chúa, chúng ta cảm thấy hết sức sốt sắng, chịu khó hy sinh hãm mình, thích đọc kinh cầu nguyện như thánh sống, đến lúc khô khan, chúng ta bỏ bê hết mọi sự, hay làm thì cũng làm cho có kẻo bị người ta chê thánh sống có đuôi, thử hỏi việc lành chúng ta làm đó có cần phải cải thiện không?
Chẳng hạn, chúng ta ăn chay và bố thí mà lại muốn được người khác biết rằng mình là người đạo đức và có lòng thương người. Thử hỏi, những việc lành của chúng ta làm đó có đúng với ý Chúa hay không, có làm vì Chúa hay không, và vì thế, có cần phải cải thiện hay không?
Qua miệng tiên tri Isaia, đoạn 58, từ câu 3 đến câu 7, Thiên Chúa đã cho con người biết rằng cho dù có làm việc lành đến đâu đi nữa, chưa chắc đã là việc cải thiện cho bằng làm theo ý của Ngài: 'Tại sao chúng tôi ăn chay mà Chúa không ghé mắt nhìn, hãm mình phạt xác mà Chúa không để ý tới?' Này, trong ngày các ngươi ăn chay, các ngươi theo đuổi những cái riêng tư và làm khốn các người lao công của mình. Phải, việc ăn chay của các ngươi kết thúc bằng việc cãi vã, tranh giành và đánh nhau cách độc hiểm. Các ngươi tưởng giữ chay như thế tiếng kêu khấn của các ngươi sẽ được trời cao khấng nhận ư! Có phải trong ngày kiêng cữ, cách chay tịnh mà Ta muốn giữ là người ta phải gục đầu xuống như cây sậy và mặc áo nhặm nằm trên tro? Các ngươi gọi như thế là chay tịnh, là ngày đáng Chúa chấp nhận hay sao? Đây mới chính là chay tịnh mà Ta muốn, đó là thả lỏng những trói buộc bất công, tháo gỡ những gông cùm; giải thoát cho kẻ bị áp bức, bẻ gẫy mọi gông cùm; chia cơm sẻ bánh với kẻ đói khát, cho lưu trú những kẻ không nhà, thấy ai trần trụi thì cho họ mặc, và không quay lưng từ khước đồng loại của mình.
Như thế,
cải thiện chẳng những là việc canh tân nội tâm, mà còn là việc canh tân nội
tâm làm sao cho hợp với ý Chúa muốn, để Ơn Thánh là Hạt Giống Sự Sống Thần
Linh trong mình có thể nẩy mầm và phát triển. Bằng không, coi chừng lời Chúa
Giêsu cảnh cáo: Khi thần ô uế ra khỏi người nào, nó loanh quanh ở những nơi
khô cằn tìm chỗ nghỉ ngơi mà không được, liền nói: Hay ta trở về nơi ta đã
bỏ đi. Đoạn nó trở về, thấy nhà đã được quét dọn sạch sẽ và gọn ghẽ. Sau đó
hắn đi rủ thêm bảy qủi còn dữ tợn hơn hắn nữa về ở đó. Kết quả là tình cảnh
sau cùng của người này còn tệ hơn trước nữa (Luca 11:24-26).
(xin xem tiếp bài dưới đây)
? Cải Thiện: Ở Chỗ Nào? 3) Cải Thiện không phải ở chỗ sống công chính cho bằng nhận biết tình yêu Thiên Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Sống công chính là gì, nếu không phải, về mặt tiêu cực, không lỗi đức công bình, và, về mặt tích cực, chu toàn mọi phận sự theo bậc của mình. Thế mà, đối với Chúa, sống công chính đôi khi vẫn cần phải cải thiện. Chẳng hạn như những trường hợp sau đây.
Trường hợp của người Pharisiêu lên đền thờ ngửa mặt lên cầu nguyện, về mặt tiêu cực, thì giữ mình trong sạch không lừa đảo, bất lương, ngoại tình (Mathêu 18:11), về mặt tích cực, thì giữ trọn lề luật ăn chay một tuần hai lần, nộp thuế thập phân cho tất cả những vật sở hữu (Mathêu 18:12). Thế mà, theo lời Chúa Giêsu kết luận thì sau khi cầu nguyện người này vẫn mắc tội như thường, vì tỏ ra kiêu ngạo và khinh người: Tôi tạ ơn Chúa vì tôi không phải như những người khác... như tên thu thuế kia (Mathêu 18:11).
Trường hợp của người con cả đối với việc cha trọng đãi người em hoang đàng trở về. Người con cả này thật sự là mẫu mực của một người công chính, qua lời của anh ta thưa với cha mình: Con chưa bao giờ làm trái lệnh truyền của Cha (Luca 15:29). Thế nhưng, thái độ bất mãn và ghen tị của anh ta đối với người em hoang đàng của mình trở về được cha tiếp nhận lại một cách linh đình cũng đủ chứng tỏ tư cách sống công chính mà không trọn lành của anh ta, cũng cần phải cải thiện lại.
Trái lại, đối với người con hoang đàng, chính vì thấy rằng mình đã lỗi phạm đến trời và đến cha (Luca 15:18), tức là chỉ vì thương cha bị buồn khổ vì mình, chứ cũng không phải vì muốn được phục hồi quyền làm con trong nhà cho được sống sung sướng xin hãy đối xử với con như một người đầy tớ của cha (Luca 15:19), mà người con hoang đàng đã lên đường trở về với cha, làm cho cha vô cùng sung sướng.
Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi.
Phải, nếu vì Thiên Chúa đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi mà chúng ta cải thiện đời sống, tức là chúng ta cải thiện đời sống chỉ vì yêu Chúa, vì không muốn làm cho Chúa buồn thêm và buồn hơn nữa. Như thế, theo tinh thần sứ điệp Fatima, cải thiện là một cuộc trở về với tình yêu Thiên Chúa, và cải thiện ở tại việc nhận biết Thiên Chúa.