GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 3/11/2007

TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

?   Linh Đạo Fatima với Sứ Điệp Fatima: Cải Thiện Đời Sống là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức khởi sinh sống thanh tẩy bỏ mình.

?   Linh Đạo Fatima với Sứ Điệp Fatima: Cầu Kinh Mân Côi là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức tiến sinh sống nội tâm nguyện cầu.

?  Linh Đạo Fatima với Sứ Điệp Fatima: Tôn Sùng Mẫu Tâm là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức hiệp sinh sống cảm nghiệm chiêm niệm.

 

 

?   Linh Đạo Fatima với Sứ Điệp Fatima: Cải Thiện Đời Sống là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức khởi sinh sống thanh tẩy bỏ mình.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Đúng thế, nếu tu đức Kitô Giáo là một linh đạo tam cấp, bậc khởi sinh –thanh tẩy bỏ mình, bậc tiến sinh – nội tâm nguyện cầu, và bậc hiệp sinh – cảm nghiệm chiêm niệm, thì Sứ Điệp Fatima bao gồm 3 Mệnh Lệnh Fatima cũng bao gồm tam cấp này:

 

1.      Mệnh Lệnh Fatima Cải Thiện Đời Sống là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức khởi sinh sống thanh tẩy bỏ mình;

 

2.      Mệnh Lệnh Fatima Cầu Kinh Mân Côi là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức tiến sinh sống nội tâm nguyện cầu; 

 

3.      Mệnh Lệnh Fatima Tôn Sùng Mẫu Tâm là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức hiệp sinh sống cảm nghiệm chiêm niệm.

 

Trong 3 Mệnh Lệnh Fatima, mệnh lệnh chính yếu là Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống. Bởi vì, tất cả mục đích của chung những lần Mẹ hiện ra (chẳng hạn như ba lần chính yếu ở Pháp là Paris năm 1830, La Salette năm 1846, và Lộ Đức năm 1858), và riêng Biến Cố Fatima ở Bồ Đào Nha năm 1917 với 3 Thiếu Nhi Fatima cả 6 lần đó là kêu gọi con người hãy quay về với Thiên Chúa.

 

Lời Mẹ đã nói ở tiệc cưới Cana xưa thế nào: “Người bảo làm gì thì xin hãy làm như thế” (Jn 2:5) cũng âm vang nơi tất cả mọi và từng Sứ Điệp Thánh Mẫu thời đại như vậy, rõ ràng nhất là ở Biến Cố Fatima vào lần hiện ra cuối cùng ngày 13/10 của Mẹ, những lời lẽ cuối cùng được Mẹ nói một cách hết sức buồn bã để kết thúc toàn bộ Biến Cố Fatima năm 1917, đó là: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, những lời lẽ âm vang lời Tiền Hô Gioan Tẩy Giả kêu gọi trong việc dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến, một Đấng Đến Sau ngài ấy cũng lập lại đúng những lời kêu gọi của vị tiền hộ của mình: “Hãy cải thiện đời sống! Triều đại Thiên Chúa đến rồi” (Mt 3:2; 4:17).

 

Đúng thế, nếu xét về nội dung và thần học có chất chứa tính cách Mạc Khải Thánh Kinh như thế thì Mệnh Lệnh Fatima Cải Thiện Đời Sống đầu tiên và chính yếu này là Mệnh Lệnh quan trọng nhất, đến nỗi, không có Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống cũng không có hai Mệnh Lệnh Cầu Kinh Mân Côi và Tôn Sùng Mẫu Tâm là hai mệnh lệnh có vẻ liên quan trực tiếp đến Thánh Mẫu hơn là đến chính Thiên Chúa. Vì dầu sao, Mẹ cũng chỉ là đường đến với Chúa, Đấng là cùng đích của con người mà thôi, đúng như vai trò trung gian chuyển cầu Mẹ đã đóng một cách hiệu nghiệm ở tiệc cưới Cana.

 

Thế nhưng, nếu tâm điểm của Biến Cố Fatima là Bí Mật Fatima, và cốt lõi của Bí Mật Fatima là Mẹ Maria, là Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, một bí mật chưa bao giờ được trời cao minh nhiên tiết lộ như ở Fatima, đó là bí mật “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới” để nhờ đó “nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới được hòa bình” theo Dự Án Fatima của Đấng Quan Phòng Thần Linh từ đầu thế kỷ 20, cuối Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918) và thời điểm mở đầu cho chế độ Cộng Sản ở Liên Sô (10-11/1917), thì ba Mệnh Lệnh Fatima lại có tính cách tu đức và theo tiến trình tu đức tam cấp, với hai Mệnh Lệnh về Thánh Mẫu là Cầu Kinh Mân Côi và Tôn Sùng Mẫu Tâm thuộc về hai giai đoạn tu đức cao hơn Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống là mệnh lệnh liên quan tới Thiên Chúa.

 

Đúng thế, theo tu đức, con người không thể nào sống đời nội tâm cầu nguyện, được thể hiện cụ thể nhất qua việc hằng ngày Cầu Kinh Mân Côi, hợp với giai đoạn tu đức thứ hai, để rồi nhờ đó họ có thể tiến đến giai đoạn tu đức thứ ba là cảm nghiệm chiêm niệm, một cảm nghiệm chiêm niệm tuyệt hảo nhất ở nơi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria “đầy ơn phúc” qua tiếng “xin vâng” đầy đức tin tuân phục của Mẹ, nếu họ không biết hay không chịu cải thiện đời sống, ở chỗ từ bỏ con đường tội lỗi mà trở về cùng “Chúa là Thiên Chúa chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”.

 

“Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” đây là ai, nếu không phải là Chúa Giêsu Kitô, Đấng được tông đồ Tôma, vào ngày thứ 8 sau Phục Sinh, trước những dấu tích tử giá hiển nhiên bất khả chối cãi của Người, cuối cùng, đã phải sấp mình tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Jn 20:28). Thế nhưng, những gì xúc phạm đến “Chúa là Thiên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” ở đây là gì, nếu không phải là những tội xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã được Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào năm 1916 ba lần (vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu) để dạy cho các em biết những điều trọng yếu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể sau đây: thứ nhất là cầu nguyện cùng Người; thứ hai là hy sinh đền tạ Người; và thứ ba là rước lễ đền tạ Người.

 

Tuy nhiên, những tội phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể ở đây, không phải chỉ là những tội trực tiếp phạm đến Bí Tích Thánh Thể, như tội không tin rằng Người thực sự hiện diện trong Bí Tích Yêu Thương này, hay thậm chí như tội nặng nhất là mang Người ra làm nhục ở các thứ Lễ Đen của thành phần Phò Satan (Satanism), hoặc cho dù chỉ là thái độ tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt của thành phần sống đời tận hiến tu trì hay tư tế thừa tác, thái độ không thiết tha tôn kính và đền tạ Người để bù lại những gì Người phải ngày đêm liên lỉ chịu đựng trong Ngục Tụ Tình Yêu nơi Nhà Tạm, giống như ba môn đệ thân tín của Người trong Vườn Cây Dầu vào đêm tăm tối Thứ Năm Tuần Thánh (x Mt 26:36-38,40-41,43,45). Đấy là chưa kể đến vấn đề cử hành phụng vụ Thánh Thể được Công Đồng Chung Vaticanô II (1962-1965) canh tân, song đã bị lạm dụng, đến nỗi bản chất linh thánh hướng thượng của phụng vụ cao cả hầu như càng ngày càng bị xoay ngang, theo chiều kích thuần tính chất xã hội, như của anh chị em Kitô hữu bên Tin Lành.

 

Nếu lời kêu gọi thiết tha của Mẹ Maria để hoàn toàn chấm dứt Biến Cố Fatima là “đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, một lời kêu gọi vang lên vào đầu thế kỷ 20, thì nội dung lời của kêu gọi này, về thời điểm lịch sử, cho thấy liên quan đến cả quá khứ lẫn tương lai. Đến quá khứ: “Vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, và đến tương lai: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa”.

 

Lời kêu gọi đừng xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể này không liên quan đến quá khứ là gì, qua sự kiện Thánh Giáo Hoàng Piô X (1903-1914), vị Giáo Hoàng trong thời điểm của trào lưu Tân Tiến Thuyết vô cùng nguy hại đến tận nền tảng đức tin Kitô Giáo, vào năm 1905 đã ban hành sắc lệnh khuyến khích việc năng rước lễ hơn, nhất là vào năm 1910 đã ban hành sắc lệnh Quam singulari cho phép trẻ em được rước lễ sớm.

 

Lời kêu gọi đừng xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể này không liên quan đến tương lai là gì, với những tội phạm đến chính bản chất của Bí Tích Thánh Thể là Yêu Thương và Hiệp Thông Bác Ái. Không phải hay sao, con người trong thế kỷ 20 nói riêng và con người hiện đại nói chung cho tới đầu thiên kỷ thứ ba Kitô Giáo này, thực tế phũ phàng cho thấy, càng văn minh tân tiến về cả vật chất (khoa học và kỹ thuật) lẫn nhân bản (tự do và nhân quyền), con người càng chém giết nhau về chính trị, với Thế Chiến I (1914-1918) và II (1939-1945), những thế chiến chưa từng xẩy ra trong lịch sử loài người, và là những thế chiến gây ra bởi và xẩy ra từ một Châu Lục Kitô Giáo, một châu lục đã từng truyền bá phúc âm hóa khắp thế giới trước đó lại trở thành sắt máu, qua những ý hệ chính trị quái thai như Nazi và Cộng Sản, và con người càng bị khủng hoảng về văn hóa, qua các thứ luật pháp công khai cho phép ly dị (từ thập niên 1960), phá thai (từ thập niên 1970) và triệt sinh an tử (từ thập niên 1990). Đó là chưa kể đến những chính sách kinh tế có tính cách toàn cầu nhưng lại ngả theo chiều hướng đế quốc tân thực dân hóa, hoàn toàn có lợi cho các nước giầu thịnh, những quốc gia giành ra những ngân khoản khồng lồ cho việc cân bằng vũ khí đại công phá, cũng như cho những hoạt động phò văn hóa sự chết (điển hình nhất là các chương trình kế hoạch hóa gia đình theo kiểu triệt sản hay phá thai), thay vì dùng số tiền này để có thể cứu sống bao nhiêu là những người anh chị em bần cùng khốn khổ ở các quốc gia đang phát triển, những nơi chẳng những bị thiếu thốn về mọi mặt mà còn bị “áp lực” chính trị hay lạm dụng kinh tế bởi các cường quốc “viện trợ nhân đạo” cho họ nữa.

 

Chúa Giêsu Thánh Thể chẳng những đớn đau trước những tội trực tiếp phạm đến Bí Tích Yêu Thương của Người, mà còn gián tiếp quằn quại bởi những tội lỗi do con người nói chung, nhất là thành phần Kitô hữu nói riêng, gây ra cho các chi thể của Người là thành phần Người khẳng định trong cuộc chung thẩm là làm cho hay phạm đến họ là làm cho hay phạm đến chính Người (x Mt 25:40,45).

 

Bởi thế, lời Mẹ Maria kêu gọi ở Fatima vào giây phút cuối cùng của Biến Cố Fatima năm 1917: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi” là Mẹ có ý kêu gọi con người hãy trở về với Người, bằng việc nhận biết tình yêu thương vô đối của Người đối với họ trong Bí Tích Thánh Thể, và bằng việc đáp ứng tình yêu thương vô biên này của Người nơi tha nhân.

 

 

 

 

 

 TOP

 

?  Linh Đạo Fatima với Sứ Điệp Fatima: Cầu Kinh Mân Côi là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức tiến sinh sống nội tâm nguyện cầu.

 

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh, BVL

 

 

Một trong những cách tỏ ra chúng ta thực sự trở về với “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” ấy, đó là việc Cầu Kinh Mân Côi. Bởi vì, Cầu Kinh Mân Côi là gì, nếu không phải là một cách tưởng nhớ đến Người, biết ơn Người, đền tạ Người, sống với Người, qua việc suy ngắm các Mầu Nhiệm Mân Côi là tất cả những gì gợi lại việc Người yêu thương chúng ta, những mầu nhiệm đạt đến tột đỉnh nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua là mầu nhiệm được hiện thực trong việc cử hành Thánh Thể.

 

Đúng thế, chính vì Cầu Kinh Mân Côi là chiêm ngắm Dung Nhan Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Mân Côi, mà không gì bằng việc lập đi lập lại lời Kinh Kính Mừng. Bởi vì, nơi Kinh Kính Mừng, chúng ta chẳng những thấy tóm gọn tất cả cốt lõi của Mầu Nhiệm Mân Côi là Mạc Khải Thần Linh, qua câu: “Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ”, và đức tin tuân phục của Mẹ Maria trọn vẹn đáp ứng Mạc Khải Thần Linh này, qua câu: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”, mà còn được tham dự vào đức tin tuân phục tuyệt hảo ấy của Mẹ để cùng Mẹ và nhờ Mẹ dâng lời cảm tạ “ngợi khen – magnificat” Chúa nữa.

 

Ngoài ra, trong việc Cầu Kinh Mân Côi, khi đọc Kinh Kính Mừng là chúng ta còn tỏ ra cảm nhận và tuyên nhận quyền năng cứu độ của Thiên Chúa nơi Mẹ Maria đối với chúng ta, thành phần cũng là miêu duệ nguyên tổ Adong – Evà như Mẹ, nhưng mắc nguyên tội nên mang mầm mống tội lỗi với đầy những tư tội (không được cứu độ – Lk 1:47 một cách đặc biệt như Mẹ bằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội). Đó là lý do chúng ta, khi đọc Kinh Kính Mừng, mới thiết tha van xin khẩn cầu cùng Mẹ rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

 

Chưa hết, vào ngày 13/7/1917, sau khi tiết lộ tất cả Bí Mật Fatima, mà phần đầu là thị kiến hỏa ngục, Mẹ Maria đã xin các em Thiếu Nhi Fatima đọc thêm một lời cầu nữa, một lời cầu xin ơn bền đỗ đến cùng, tức cho khỏi bị đời đời trầm luân hư đi là những gì bất hạnh nhất cho con người, thành phần được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa để được đời đời hiệp thông thần linh với Ngài, đó là câu: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn”.  

 

Tóm lại, khi Cầu Kinh Mân Côi, thứ nhất, tâm trí chúng ta chiêm ngắm Mạc Khải Thần Linh là Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Mân Côi, thứ hai, miệng lưỡi, qua Kinh Kính Mừng, tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Kitô, Đấng “tuy là Thiên Chúa song đã mặc lấy thân phận tôi đòi (Vui) … vâng lời cho đến chết (Sáng), và chết trên thập giá (Thương)… Thiên Chúa đã tôn vinh Người (Mừng)” (Phil 2:6-9), và thứ ba, lòng của chúng ta tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa, qua lời nguyện kết mỗi chục kinh, mong được đời đời hiệp thông thần linh là cùng đích của ơn gọi làm người và là mục đích của dự án cứu độ cùng công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, một dự án và công cuộc được tóm gọn trong các Mầu Nhiệm Mân Côi. Cầu Kinh Mân Côi như thế là chúng ta có những ước nguyện đúng như trong Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy. Và nếu cầu nguyện là khát vọng thần linh, thì Cầu Kinh Mân Côi không phải thật sự là tất cả khát vọng thần linh hay sao?

 

Nếu Danh Cha là tiêu biểu cho bản tính thần linh của Ngôi Cha, bản tính của một Vị “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3) của Cựu Ước, một Vị “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Jn 4:8,16) đã tự động ký kết giao ước với các vị tổ phụ dân Do Thái và cũng đã hoàn thành Lời Hứa giao ước của mình nơi miêu duệ của các vị, cho dù giòng dõi của các vị có cứng lòng bất trung bội nghĩa, ngoại tình với các thứ ngẫu tượng đi nữa, một Vị Thiên Chúa là Tình Yêu Nhân Hậu đến ban Con Một Mình cho thế gian để thế gian nhờ Người mà được sự sống (x Jn 3:15), thì khi chúng ta hết lòng tin tưởng vào tuyệt đỉnh của Mạc Khải Thần Linh là Lòng Thương Xót Chúa này, qua Lời Nguyện Fatima kết thúc mỗi chục kinh lại không phải là việc “chúng con nguyện danh Cha cả sáng” hay sao?

 

Nếu Nước Cha liên quan đến Ngôi Con, đến Mạc Khải Thần Linh, đến “thời sau hết” (Heb 1:2), “thời gian viên trọn” Gal 4:4), đến Công Cuộc Cứu Độ của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, Đấng đã thiết lập Vương Quốc của Người trên trần gian bằng Biến Cố Vượt Qua, một Vương Quốc được hiện thân sống động nơi Giáo Hội của Người, và là Đấng sẽ tái giáng trong vinh quang để “qui chính mình về cho Đấng đã bắt mọi sự lụy thuộc Người, ngỏ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28), thì khi chúng ta gặp đau khổ thử thách vẫn cậy trông chiêm ngắm Dung Nhan Chúa Kitô qua Mầu Nhiệm Mân Côi lại không phải là việc “chúng con nguyện nước Cha trị đến” hay sao?

 

Nếu Ý Cha liên quan đến Thánh Thần trong thời Tân Ước của Giáo Hội, Đấng thấu suốt mọi sự, dù những sự sâu nhiệm nơi Thiên Chúa (x 1Cor 2:10) và là Đấng chuyển cầu cho các thánh đúng như Ý Chúa (x Rm 8:27), Đấng được Chúa Kitô từ Cha sai đến để làm chứng cho Người (x Jn 15:26), để dẫn Giáo Hội vào tất cả sự thật, cũng như để qua Giáo Hội và nhờ Giáo Hội canh tân bộ mắt trái đất là văn hóa loài người, bằng men Phúc Âm và quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh (x Mt 28:18), thì khi chúng ta yêu mến “Xin Vâng” (Lk 1:38) như Mẹ Maria của Kinh Kính Mừng, qua việc dấn thân phục vụ Chúa Kitô trong Giáo Hội, lại không phải là việc “chúng con nguyện ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” hay sao?

 

Thật vậy, theo chiều hướng tu đức bao gồm hai yếu tố Mạc Khải Thần Linh (Mầu Nhiệm Mân Côi) và Đức Tin Tuân Phục (Kinh Kính Mừng) được chất chứa nơi Kinh Mân Côi như thế, thì việc Cầu Kinh Mân Côi, đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II định nghĩa trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 3, “chẳng qua chỉ là việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”. Và với tâm tình ước nguyện của Kinh Lạy Cha như thế, thì mỗi khi Cầu Kinh Mân Côi là chúng ta có cùng một tâm tình như Mẹ Maria, một tâm tình được Mẹ bày tỏ trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi và Lòng Thương Xót Chúa.

 

Khi mở đầu bằng câu “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lk 1:46) thì không phải là Mẹ Maria “ngợi khen” Chúa Cha hay sao, Đấng ở cùng Mẹ (x Lk 1:28) và là Đấng hài lòng về Mẹ vì Mẹ được ơn nghĩa với Ngài (x Lk 1:30)?

 

Khi tiếp tục xướng lên câu “và lòng trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi” (Lk 1:47) thì không phải là Mẹ “ngợi khen” Chúa Con hay sao, Đấng Mẹ đã thụ thai và là Con Đấng Tối Cao (x Lk 1:31-32), Đấng hiển trị muôn đời muôn kiếp (x Lk 1:33)?

Khi Mẹ cảm nhận “Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao trọng” (Lk 1:49), thì không phải là Mẹ “ngợi khen” Chúa Thánh Thần hay sao, Đấng “đã đến trên Mẹ” như “quyền năng của Đấng Tối Cao bao phủ” Mẹ (x Lk 1:35), để Mẹ có thể hạ sinh Con Thiên Chúa (x Lk 1:35), có thể làm Mẹ Thiên Chúa?

 

Thế nhưng, tất cả mọi sự Mẹ là và có bởi Ba Ngôi Thiên Chúa đều bởi “Ngài đã trông đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài”, vì thế mà “từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”, diễm phúc ở chỗ Mẹ chẳng có gì mà lại có tất cả từ Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vậy, ở đây, trong trường hợp của Mẹ Maria “đầy ơn phúc” này, trường hợp Mẹ cảm nhận được Lòng Thương Xót Chúa hơn ai hết đây, cho thấy Lòng Thương Xót Chúa chẳng những cần cho tội nhân mà còn cần cho cả thánh nhân nữa.

 

Không một vị thánh nhân nào lại cảm thấy hay dám tuyên bố rằng tôi chẳng cần đến Lòng Thương Xót Chúa, và các vị chỉ là thánh nhân và càng là thánh nhân một khi hay cho tới khi các vị trở thành hiện thân cho Lòng Thương Xót Chúa và của Lòng Thương Xót Chúa, thậm chí được cùng uống chén đắng với Đấng Khổ Nạn (x Mt 20:22) và trở thành đáng thương như Đấng Tử Giá.

 

Trong cuốn Nhật Ký của mình, Vị Thánh của Lòng Thương Xót Chúa là Faustina đã viết lại lời Chúa Giêsu nói về cảm nhận trên đây như sau:

 

·        Con hãy nói cho các linh hồn biết rằng họ đừng gây ngãng trở đối với tình thương của Cha nơi tâm can họ, một tình thương hết sức muốn tác động trong họ. Tình thương của Cha hoạt động trong tất cả những con tim mở lòng mình ra cho tình thương này. Cả tội nhân lẫn chính nhân đều cần đến tình thương của Cha. Việc hoán cải cũng như việc bền đỗ đều là ân huệ tình thương của Cha. (Đoạn 1577)

 

Các linh hồn đang nỗ lực nên trọn lành đặc biệt hãy tôn thờ tình thương của Cha, vì muôn vàn ân sủng Cha ban cho họ đều tuôn đổ ra từ tình thương của Cha. Cha muốn rằng những linh hồn ấy phải trổ vượt trong việc hoàn toàn tin tưởng vào tình thương của Cha. Chính Cha nhúng tay vào việc thánh hóa những linh hồn như thế. Cha sẽ ban cho họ hết những gì họ cần để đạt tới sự thánh thiện. Các ân sủng của Cha đều được kín múc bằng một cái bình chứa duy nhất đó là lòng tin tưởng. Một linh hồn càng tin tưởng thì càng lãnh nhận. Những linh hồn hoàn toàn tin tưởng làm cho Cha được an ủi rất nhiều, vì Cha tuôn đổ tất cả mọi kho tàng ân sủng của Cha vào họ. Cha hân hoan thấy rằng họ xin nhiều, vì chính Cha muốn ban nhiều, thật là nhiều. Bằng không, Cha lấy làm buồn khi các linh hồn chỉ xin một chút xíu thôi, khi họ thu hẹp lòng họ lại”. (Đoạn 1578)

 

Tuy nhiên, muốn đạt đến được tuyệt đỉnh thánh thiện, đến bậc tu đức hiệp sinh cao cả siêu việt này, chúng ta cần phải được thanh tẩy nội tâm, một nội tâm tuy đầy khát vọng thần linh ở giai đoạn tu đức tiến sinh, một khát vọng được hiển nhiên bày tỏ bằng đời sống chuyên tâm nguyện cầu và lắng nghe lời Chúa, một đời sống cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa được thể hiện đặc biệt, nhất là với riêng thành phần quê mùa bé mọn như 3 Thiếu Nhi Fatima, đó là việc Cầu Kinh Mân Côi.

 

 

 

TOP

 

? Linh Đạo Fatima với Sứ Điệp Fatima: Tôn Sùng Mẫu Tâm là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức hiệp sinh sống cảm nghiệm chiêm niệm.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Tại sao thế? Tại sao Mệnh Lệnh Tôn Sùng Mẫu Tâm là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức hiệp sinh sống cảm nghiệm chiêm niệm? Bởi vì không ai thánh thiện như Mẹ, không ai hiệp nhất với Thiên Chúa như Mẹ. Mà những ai biệt tôn Mẹ chắc chắn sẽ được Mẹ huấn luyện làm cho nên giống Chúa Kitô, đúng như Thánh Long Mộng Phố đã khẳng định trong cuốn “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ” của ngài, những gì được chính vị Giáo Hoàng “totus Tuus” là Đức Gioan Phaolô II cảm nhận trong bức thư gửi cho Gia Đình Montfort ngày 8/12/2003, dịp kỷ niệm 160 năm xuất bản tác phẩm Thánh Mẫu trên đây của thánh nhân, như sau:

 

“Thánh Louis Marie Grignion de Montfort viết ‘Tất cả sự trọn lành của chúng ta đều ở tại việc nên giống, liên kết và tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô; và vì thế, việc tôn sùng trọn hảo nhất trong tất cả mọi việc tôn sùng chắc chắn phải là việc tôn sùng làm cho chúng ta được nên giống, liên kết và tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô nhất. Bởi vậy, nếu Mẹ Maria giống Chúa Giêsu Kitô nhất trong tất cả mọi tạo vật thì, trong tất cả mọi việc tôn sùng, việc tôn sùng làm cho linh hồn chúng ta tận hiến và nên giống Chúa chúng ta nhất đó là việc tôn sùng Mẹ thánh của Người, và một linh hồn càng tận hiến cho Mẹ Maria họ càng tận hiến cho Chúa Giêsu’ (Treatise on True Devotion, n. 120). Nói với Chúa Giêsu, Thánh Louis Marie bày tỏ cái kỳ diệu của mối hiệp nhất giữa Người Con và Người Mẹ như sau: ‘Nhờ ân sủng Mẹ được biến đổi thành Chúa đến nỗi Mẹ không còn sống nữa, như thể Mẹ không còn là Mẹ nữa. Chính một mình Chúa, ôi Chúa Giêsu, là Đấng sống trong Mẹ và ngự trị trong Mẹ… A! Giá chúng con biết được vinh hiển và tình yêu Chúa nhận được từ tạo vật đáng ca ngợi này… Mẹ rất hiệp nhất thân mật với Chúa… Mẹ yêu mến Chúa một cách tha thiết hơn và tôn vinh Chúa trọn hảo hơn tất cả mọi tạo vật khác hợp lại’ (ibid, đoạn 63)”.

 

Đến đây chúng ta mới có thể hiểu được phần nào lý do tại sao trong 3 Mệnh Lệnh Fatima có 2 Mệnh Lệnh Thánh Mẫu, và hai Mệnh Lệnh Thánh Mẫu này đi với nhau, đó là Mệnh Lệnh Cầu Kinh Mân Côi và Mệnh Lệnh Tôn Sùng Mẫu Tâm. Vì khi Cầu Kinh Mân Côi, chẳng những chúng ta hướng về “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” và tỏ lòng muốn cải thiện đời sống qua Kinh Thánh Maria và Lời Nguyện Fatima kết mỗi chục kinh, mà còn tỏ ra khao khát nên trọn lành, nên giống Mẹ Maria, sống với Chúa một cách trọn hảo như Mẹ, khi chúng ta lập đi lập lại rằng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, mà thật ra là “Kính mừng Đầy Ơn Phúc”. Đúng thế, nếu tên của Thiên Chúa “Ta là Đấng hiện hữu” (Ex 3:14) cho thấy chính bản tính chân thật duy nhất và vô cùng trọn hảo của Ngài thế nào, thì danh xưng Thánh Mẫu “Đầy Ơn Phúc” cũng cho bản chất tuyệt đỉnh thánh đức của Mẹ Maria như thế, đến nỗi, như các thánh cảm nhận, Mẹ đã chạm tới giới tuyến thần linh toàn hảo của Thiên Chúa.

 

Thế nhưng, nếu ngay từ giây phút đầu tiên được hoài thai trong lòng thai mẫu, với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Mẹ Maria đã được “đầy ơn phúc”, thì phải chăng nơi Mẹ không thể nào tăng hơn mức độ “đầy ơn phúc” này được nữa, nghĩa là vẫn cứ giữ nguyên mức độ “đầy ơn phúc” ban đầu này, ở một nghĩa hoàn toàn tiêu cực, nghĩa là Mẹ không bao giờ làm mất lòng Thiên Chúa, hay nói cách khác, Mẹ không bao giờ làm vơi đi mức độ “đầy ơn phúc” của mình, trái lại, về phần tích cực, Mẹ sẽ không bao giờ còn có thể tăng thêm mức độ “đầy ơn phúc” nơi Mẹ được nữa, dù Mẹ có như bị gươm sắc thâu qua lòng (x Lk 2:35) khi Mẹ trải qua cuộc Khổ Nạn đầy đau thương với Chúa Kitô Con Mẹ (x Jn 19:25)? 

 

Nếu chúng ta hiểu mức độ “đầy ơn phúc” nơi Mẹ Maria và của Mẹ Maria như thế là chúng ta cho rằng lòng của Mẹ hay Trái Tim của Mẹ là một trái tim bằng kim loại, không thể co giãn thêm được nữa, đã đầy thì chỉ còn tràn ra thôi, chứ không thể đầy hơn được nữa. Thế nhưng, vì Trái Tim Mẹ là trái tim tự nhiên, trái tim bằng thịt (x Ezekiên 11:19), mà Trái Tim Mẹ có thể co dãn, có thể gia tăng mức độ “đầy ơn phúc”, có thể sánh ví như trái bong bóng, càng cho nước vào hay cho hơi vào thì nó càng dãn nở. Tất nhiên, vì là tạo vật, là loài hữu hạn, cho dù có giãn nở mấy đi nữa rồi cũng tới độ như trái bóng bị bùng nổ, nghĩa là cho tới độ Mẹ Maria “chết” đi vì sức loài người của Mẹ không còn có thể chịu được mức độ gia tăng ân sủng nơi Mẹ nữa, chứ không phải vì bất cứ lý do tiêu cực nào gây ra bởi nguyên tội như mọi người khác. Và chính vì mức độ ân sủng nơi Mẹ đã vượt quá khả năng hạn hữu của loài người của Mẹ mà Mẹ đã được hoàn toàn biến đổi bởi chính ân sủng (phục sinh như Chúa Kitô), hoàn toàn được hiển linh hay thần linh hóa (lên trời cả hồn lẫn xác như Chúa Kitô).

 

Như thế, nơi tình trạng “đầy ơn phúc” của Mẹ Maria thì chính ân sủng làm gia tăng sức chứa nơi Mẹ, làm cho Mẹ lớn lên trong Ơn Nghĩa Chúa, làm cho Mẹ đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là Đầu (x Eph 4:13,15).

 

Bình thường, theo tiến trình tu đức Kitô Giáo thì chỉ khi nào linh hồn tiến đến giai đoạn cuối cùng là hiệp sinh, giai đoạn họ được kết hiệp với Thiên Chúa, Thiên Chúa mới làm chủ, chi phối và điều khiển họ. Trước đó, ở vào giai đoạn khởi sinh và tiến sinh, linh hồn chủ động nhiều hơn, chủ động bỏ mình và tình nguyện vác thập giá, để có thể theo Đấng đã gọi họ “từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng” (1Pt 2:9), để có thể lên tới đỉnh trọn lành, để có thể được Chúa Kitô sống trong họ, tỏ mình ra qua họ như nhân chứng trung thực của Người.

 

Riêng trường hợp độc nhất vô nhị của Mẹ Maria, thì ngay từ giây phút đầu tiên, vừa được thụ thai trong lòng thai mẫu, Mẹ đã được “Chúa ở cùng” (Lk 1:28), tức được Ngài hoàn toàn chiếm đoạt và làm chủ, tức được đạt tới đỉnh trọn lành ngay lúc bấy giờ. Để rồi, từ mức độ tuyệt đỉnh trọn lành này, mức độ đầy “Thiên Chúa là ánh sáng” (1Jn 2:5) như thế, mức độ được hưởng trước Ơn Cứu Độ như vậy, mà càng sống, nhất là trong thời điểm từ nhỏ cho tới trước biến cố Truyền Tin, Mẹ càng “tiến lên như rạng đông” (Song 6:10), báo hiệu mặt trời công chính là Chúa Kitô “ánh sáng thế gian” (Jn 8:12) sắp xuất hiện, và “đẹp như mặt trăng” (Song 6:10) qua các nhân đức trọn lành của Mẹ, nhất là đức đồng trinh của Mẹ. Để rồi vào chính Biến Cố Truyền Tin, Mẹ chẳng những đã trở nên “rực rỡ như mặt trời” (Song 6:10) khi “Lời hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) trong lòng dạ xác thịt của Mẹ, mà còn “oai hùng như đạo binh dàn trận” (Song 6:10) trước đạo binh ngụy thần được lãnh đạo bởi Satan là con khủng long rình chực muốn nuốt đi con trẻ được Mẹ sinh ra (x Rev 12:4). Người Mẹ “đầy ơn phúc” của chúng ta, từ biến cố Truyền Tin này, thật sự đã, đúng như thị kiến Sách Khải Huyền đoạn 12 câu 1 cho thấy là “mặc áo mặt trời” (ám chỉ vai trò Thiên Mẫu của Mẹ), “chân đạp mặt trăng” (ám chỉ vai trò Đồng Công của Mẹ) và “đầu đội triều thiên 12 tinh tú” (ám chỉ đặc ân Mông Triệu của Mẹ).

 

Trên thực tế, để giữ được mức độ “đầy ơn phúc” của mình chẳng những không bị vơi đi bởi bất cứ lý do không trọn lành nào (chứa chưa nói đến tội lỗi), trái lại, còn làm cho mức độ “đầy ơn phúc” gia tăng cho đến hết cỡ của mình, Mẹ Maria đã phải sống đức tin tuân phục liên lỉ, đã phải “xin vâng” cho tới cùng, thậm chí ở vào những lúc tối tăm, chẳng hạn vào lúc tim được Thiếu Nhi Giêsu trong đền thánh mà chẳng hiểu Người nói gì (x Lk 2:50), thậm chí ở vào lúc kinh hoàng nhất, như đứng dưới chân thập giá của một con người được Truyền Tin là “Con Đấng Tối Cao… Con Thiên Chúa… Triều đại Người sẽ vô tận” (Lk 1:32,35,33) lại hoàn toàn bất lực không thể xuống khỏi thập giá như hai tên tử tội bên cạnh Người.

 

Trong tiến trình sống đức tin “đầy ơn phúc” như thế của Mẹ,  có thể ví Mẹ giống như một tay chơi banh quật (baseball player) đệ nhất thiên hạ, cho dù có bị bịt mắt (x Lk 2:50) hay dưới bầu trời mù mịt mây đen (x Jn 19:25), vẫn quất đích xác ngay chóc, bằng nghệ thuật không phải tinh mắt mà bằng thính tai, ở chỗ luôn suy niệm và lắng nghe Lời Chúa (x Lk 2:19,51; 11:28), nên không hề bị xẩy một trái banh ném tới nào, từ bàn tay toàn năng đầy nhiệm mầu và có vẻ rất “quái ác” của Đấng Quan Phòng Thần Linh, và những trái banh như “dấu chỉ thời đại” được Mẹ đáp ứng ấy bay bổng lên trời cao, tức hợp với Ý Chúa, làm Mẹ bao giờ cũng “home run”, cũng “được ơn nghĩa Chúa”, khiến cả một đạo quân hùng hậu Satan hùng hổ muốn bủa vây chộp bắt trái banh Mẹ quật chẳng làm gì được Mẹ, ngoài việc giận cá chém thớt (x Rev 12:13-17).  

 

Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là nhân vật được chính Chúa Giêsu xác nhận là cao trọng nhất loài người (x Mt 11:11), thậm chí hơn cả Mẹ Maria, vì thánh nhân là cha thiêng liêng của Lời Nhập Thể qua việc làm phép rửa cho Người (x Mt 3:15-16), chưa nói đến thân phận cao trọng của thánh nhân qua việc được Thánh Kinh Cựu Ước tiên báo về việc xuất hiện của ngài (x Mt 3:3), qua việc thánh nhân chẳng những loan báo về Đấng Thiên Sai mà còn nhận ra ngay Đấng Thiên Sai dù chưa bao giờ được gặp (x Jn 1:29-32), nhờ đó ngài trở thành giao điểm giữa Cựu Ước và Tân Ước, trong vai trò phù rể (x Jn 3:29), giới thiệu chàng rể Giêsu với các môn đệ của mình cũng là môn đệ của Chúa Giêsu sau đó (x Jn 1:35-51), thành phần chứng nhân tiên khởi và là nền tảng của Giáo Hội Chúa Kitô (x Eph 2:20).

 

Thế nhưng, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả dù sao cũng chỉ là hạt sinh 60 (x Mt 13:23, vì sau 6 tháng được khỏi nguyên tội ngay trong lòng thai mẫu – Lk 1:44), vẫn còn thua người Mẹ của Lời Thể, là hạt sinh gấp trăm (x Mt 13:23), nên Chúa Giêsu đã khẳng định rằng Tiền Hô Gioan Tẩy Giả vẫn còn kém hơn “kẻ nhỏ nhất trên Nước Trời” (Mt 11:11) là Mẹ Maria, vì Mẹ nhỏ nhất nên đã trở thành lớn nhất trên Nước Trời (x Mt 18:4), nhờ Đức Tin Tuân Phục như trẻ nhỏ của Mẹ. Chúng ta có thể thấy được rất rõ nét hình ảnh của một con người mang danh “Đầy Ơn Phúc” như Mẹ qua Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ, trong đó, Mẹ cũng cho chúng ta biết chúng ta cần phải sống thế nào mới đáp ứng Lòng Thương Xót Chúa như Mẹ, mới đạt đến đỉnh trọn lành với Mẹ.

 

Đúng thế, Ca Vịnh Thánh Mẫu Magnificat là Ca Vịnh “Ngợi Khen” Lòng Thương Xót Chúa của một con người “đầy ơn phúc” như Mẹ, một con người thánh thiện nhất loài người, một tạo vật tuyệt đỉnh trong ân sủng. Bởi thế, ca vịnh này cũng phải là tâm tình của thành phần thánh nhân, thành phần “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3), thành phần sống kính sợ Chúa Cha ở chỗ “nguyện cho Danh Cha cả sáng”, chứ không kiêu căng (x Lk 1:50-51), như con khổng long nghênh ngang đứng trước người nữ sắp sinh con (x Rev 12:4); thành phần sống hạ mình khiêm tốn chấp nhận Chúa Con, ở chỗ “nguyện cho Nước Cha trị đến”, chứ không tự cao tự đắc cậy mình (x Lk 1:52, như con khổng long rình chực để nuốt con trẻ được người nữ sinh ra (x Rev 12:4), và là thành phần sống khao khát thần linh, luôn mở lòng mình ra, sẵn sàng mau mắn đáp ứng tuân phục tác động của Thánh Thần, ở chỗ “nguyện cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chứ không tự mãn như con khổng long có 7 đầu và 10 xừng trên một thân mình đỏ lửa (x Rev 12:3).  

 

Trong bài giảng cho Lễ Mẹ Mông Triệu 15/8/2005, Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng đã nhận định về con người Mẹ Maria và về tâm thức thời đại theo ca vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria liên quan đến những gì được chia sẻ trên đây như sau:

 

·        Trong Phúc Âm, chúng ta đã nghe bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat, một bài thơ cao cả được Thánh Thần linh ứng phát xuất từ môi miệng của Mẹ Maria, thật sự là từ tâm can của Mẹ Maria. Bài ca vịnh tuyệt vời này phản ảnh toàn thể linh hồn, toàn thể con người của Mẹ Maria. Chúng ta có thể nói rằng bài thánh ca này của Mẹ là chân dung của Đức Maria, là hình ảnh thực sự nhờ đó chúng ta có thể thấy Mẹ một cách xác đáng. Tôi xin nhấn mạnh đến hai điểm trong bài đại ca vịnh này.

Bài ca vịnh này được bắt đầu bằng chữ ‘Magnificat – Ngợi Khen’: Linh hồn tôi ‘magnifies – ngợi khen’ Chúa, tức là ‘tuyên xưng sự cao cả’ của Chúa. Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên thế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta. Mẹ không sợ rằng Thiên Chúa có thể trở thành ‘một đối thủ’ trong đời sống của chúng ta, không sợ rằng với sự cao cả của mình Ngài xâm lấn tự do của chúng ta, xâm lấn cái khoảng đời để sống động của chúng ta. Mẹ biết Thiên Chúa cao cả, chúng ta cũng cao cả nữa…..

 

“Đời sống của chúng ta không bị đàn áp mà được nâng cao và vươn rộng: Chính vì thế mà nó trở thành cao cả trước ánh vinh quang của Thiên Chúa.

 

“Sự kiện những vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã có những ý nghĩ phản nghịch lại như thế là cốt lõi của nguyên tội. Họ sợ rằng nếu Thiên Chúa quá ư là cao cả thì họ sẽ bị lấy đi một cái gì đó nơi đời sống của họ. Họ nghĩ rằng họ có thể gạt Thiên Chúa ra ngoài để lấy chỗ cho họ.

 

“Đây cũng là một chước cám dỗ cả thể của thời tân tiến, của ba hay bốn thế kỷ qua. Càng ngày càng nhiều người nghĩ và nói rằng: ‘Thế nhưng vị Thiên Chúa này không ban cho chúng ta được tự do; bằng tất cả những mệnh lệnh của mình, Ngài đã hạn chế cái khoảng đời để sống của chúng ta. Bởi thế mà Thiên Chúa cần phải biến khuất đi; chúng tôi muốn tự động và tự lập. Không có vị Thiên Chúa này, chính chúng tôi mới là các vị thần linh và làm những gì chúng tôi muốn’.

 

“Đó cũng là quan điểm của Người Con Hoang Đàng, người con không nhận ra rằng hắn được ‘tự do’ chính là vì hắn được ở trong nhà cha của hắn. Hắn ra đi đến những miền đất xa xôi để phung phí gia tài của mình. Cuối cùng, hắn nhận ra rằng chính vì hắn ra đi quá xa với nhà cha của hắn mà thay vì được tự do hắn lại trở thành nô lệ; hắn đã hiểu rằng chỉ nhờ trở về nhà cha của mình hắn mới thực sự có tự do, sống một cuộc đời hoàn toàn tốt đẹp thôi.

 

“Đó là những gì đang xẩy ra cho thời đại tân tiến của chúng ta này. Trước đây, nó nghĩ và tin rằng, bằng việc loại trừ Thiên Chúa ra rìa và trở nên tự động, chỉ sống theo những ý nghĩ riêng tư và bản năng của chúng ta, chúng ta mới thực sự được tự do làm những gì chúng ta muốn mà không ai có thể truyền khiến chúng ta cả.

 

“Thế nhưng, khi Thiên Chúa biến khuất, con người nam nữ không trở nên cao cả hơn; thật vậy, họ đã mất đi phẩm vị thần linh của mình; khuôn mặt của họ đã mất đi vinh quang của Thiên Chúa. Cuối cùng họ trở thành những sản vật thuần túy của một cuộc cách mạng mù quáng, và như thế, họ có thể bị sử dụng và bị lạm dụng. Đó chính là những gì kinh nghiệm của thời đại chúng ta đã cho chúng ta thấy rõ như vậy. 

 

“Nếu chỉ có Thiên Chúa là cao cả thì nhân loại cũng cao cả nữa. Với Mẹ Maria, chúng ta phải bắt đầu hiểu rằng vấn đề là như thế. Chúng ta không được lìa xa Thiên Chúa nhưng hãy làm cho Thiên Chúa hiện diện; chúng ta phải bảo đảm là Ngài là Đấng cao cả trong đời sống của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới có thể trở thành thần linh; tất cả mọi vinh hiển của phẩm vị thần linh bấy giờ mới là của chúng ta. Chúng ta hãy áp dụng điều này vào đời sống riêng của chúng ta.

 

“Vấn đề cần thiết là Thiên Chúa phải là Đấng cao cả giữa chúng ta, trong đời sống chung riêng.

 

“Trong đời sống công cộng, Thiên Chúa cần phải hiện diện, chẳng hạn, ở các dinh thự công, và Ngài cần phải hiện diện trong đời sống cộng đồng, vì nếu có Thiên Chúa hiện diện, chúng ta mới có đường hướng, một đường hướng chung; bằng không, không thể nào ổn định những cuộc tranh chấp, vì phẩm vị chung của chúng ta không còn được nhìn nhận nữa.

 

“Chúng ta hãy làm cho Thiên Chúa cao cả trong đời sống chung riêng. Có nghĩa là giành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta hằng ngày, bắt đầu bằng việc nguyện cầu ban sáng, rồi dâng lên Thiên Chúa thời gian, dâng lên cho Chúa các Ngày Chúa Nhật. Chúng ta không phí phạm thời giờ tự do của mình nếu chúng ta dâng nó cho Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đi vào thời gian của chúng ta thì mọi lúc đều trở thành cao cả, rộng chỗ hơn, dồi dào hơn”.

 

Phải chăng cảm nhận được một thế giới loài người đang chạy ngược chiều với tinh thần của bài Ca Vịnh Ngợi Khen này từ lâu, mà vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta, khi còn là Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin Joseph Ratzinger, đã lập lại chủ trương của Đức Gioan Phaolô II là con người cần phải trở về với Mẹ Maria để có thể sống đúng thận phận làm người của mình, như chính ngài đã bày tỏ trong cuốn The Ratzinger’s Report (Ignatius Press 1985) được xuất bản dịp kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), trong tiểu mục: “Một Phương Dược: Đức Maria – A Remedy: Mary”:

 

·        Phải, cần phải trở về với Mẹ Maria nếu chúng ta muốn trở lại với ‘sự thật về Chúa Giêsu Kitô’, ‘sự thật về Giáo Hội’, và ‘sự thật về con người’ là những gì được Đức Gioan Phaolô II đề ra như một chương trình thực hiện cho toàn thể Kitô Giáo vào năm 1979”.

 

Cũng trong cuốn The Ratzinger’s Report, ở chương 7, về “Thành Phần Nữ Giới, Một Người Nữ”, trang 106-109, Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta còn nêu lên 6 lý do cho thấy tại sao vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong việc làm quân bình Đức Tin Công Giáo hay để cứu vãn cuộc khủng hoảng đức tin. Ở đây chúng ta chỉ cần nhắc đến lý do thứ 6 liên quan đến tu đức, như sau:

 

·        Với thân phận của mình, một lúc vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, Mẹ Maria tiếp tục chiếu tỏa trên những gì được Đấng Hóa Công ấn định cho nữ giới ở mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta đây, hay nói đúng hơn, có lẽ cho chính thời đại của chúng ta, một thời đại mà, như chúng ta biết, chính bản chất của nữ tính đang bị đe dọa. Nơi tính cách trinh nguyên và vai trò làm mẹ của Người, mầu nhiệm của nữ giới có được một định mệnh rất cao cả khiến họ không thể bị phân mảnh. Mẹ Maria hiên ngang xướng lên bài ca vịnh Magnificat – Ngợi Khen, song Mẹ cũng là một con người làm cho việc thinh lặng và ẩn dật sinh hoa kết trái. Mẹ là một con người không sợ đứng dưới Cây Thập Tự Giá cũng là vị hiện diện ở cuộc Giáo Hội được hạ sinh. Thế nhưng, Mẹ cũng là vị, như thánh ký nhấn mạnh mấy lần là ‘lưu giữ và suy niệm trong lòng’ những gì được tỏ ra cho Mẹ. Là một tạo vật can trường và tuân phục, Mẹ đã và vẫn còn là một mẫu gương cho hết mọi Kitô hữu nam nữ có thể và cần phải bắt chước noi theo”.

 

Phải chăng những cảm nhận trên đây của cả Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về việc con người cần phải trở về với Mẹ Maria, cũng như của Giáo Hoàng Biển Đức XVI về mẫu sống thân phận tạo vật của Mẹ theo tinh thần của bài Ca Vịnh Ngợi Khen, đã là câu giải đáp cho chúng ta về vấn nạn tại sao chẳng những lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là cốt lõi của toàn bộ Bí Mật Fatima, mà còn cả lý do tại sao cho tới đầu thế kỷ 20 Thiên Chúa mới chính thức ngỏ ý muốn “thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội trên thế giới”!

 

Tuy nhiên, cũng chính vì việc “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trên thế giới” là một bí mật mà Ngài chỉ tỏ ra cho một số được tuyển chọn nào đó thôi. Đúng vậy, như Tin Mừng Phục Sinh cần phải được loan truyền cho mọi tạo vật cho đến tận cùng thế giới (Mk 16:16; Acts 1:8), nhưng lại chỉ được Chúa Kitô Phục Sinh tỏ cho thành phần thân tín của Người, để các vị, nhờ được biến đổi bởi Thánh Thần của Người, làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh thế nào, thì việc “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trên thế giới” cũng thế, cần phải có một đạo binh dàn trận ưu tuyển được biến đổi thành tinh nhuệ mà làm việc này như thế.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ