GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 17/12/2007

BÁT NHẬT TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Gia Đình Nhân Loại là một Cộng Đồng của Hòa Bình (11-13)

?  Bí Mật Maria (24-27) - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
?  “Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”: Ngoan Ngoãn Dễ Dạy NHƯ TRẺ NHỎ

 

 

?    

Gia Đình Nhân Loại là một Cộng Đồng của Hòa Bình

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2007

 

Gia đình, cộng đồng nhân loại và luật luân lý  

 

11.     Một gia đình sống trong hòa bình nếu tất cả mọi phần tử của gia đình tuân theo cùng một tiêu chuẩn chung: đó là những gì  ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân vị kỷ và mang các cá nhân lại với nhau, duy trì việc họ thuận hòa chung sống và hướng dẫn hoạt động của họ. Nguyên tắc này hiển nhiên là cũng đúng với các cộng đồng rộng lớn hơn nữa: từ các cộng đồng địa phương và quốc gia đến  chính cộng đồng quốc tế. Vì hòa bình mà cần phải có một luật lệ chung, một thứ luật lệ sẽ duy trì quyền tự do chân thực hơn là hứng khởi mù quáng, và bảo vệ thành phần  yếu kém khỏi bị đàn áp bởi kẻ mạnh. Gia đình của các dân tộc đang trải qua nhiều trường hợp tác hành độc đoán, cả nơi từng Quốc Gia cũng như ở ngay những mối liên hệ của Chư Quốc. Trong nhiều trường hợp kẻ yếu cần phải cúi đầu không phải là trước những đòi hỏi của công lý mà là trước quyền lực trắng trợn của những ai mạnh hơn họ. Cần phải lập lại là quyền lực bao giờ cũng cần phải được chi phối bởi luật lệ, và điều này áp dụng cho cả những mối liên hệ giữa những Quốc Gia chủ quyền nữa.  

 

12.     Giáo Hội thường nói về vấn đề bản chất và phận vụ của luật lệ: ở chỗ, qui tắc về pháp lý này, những gì chi phối các mối liên hệ giữa cá nhân với nhau, những gì qui định tác hành bề ngoài và là những gì đưa ra các thứ trừng phạt đối với những kẻ vi phạm, được căn cứ vào tiêu chuẩn của mình là qui tắc về luân lý được bắt nguồn  từ chính thiên nhiên. Lý trí con người có khả năng nhận ra qui tắc về luân lý này, ít là nơi những đòi hỏi căn bản của nó, nhờ đó tiến tới lý trí sáng tạo của Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả mọi sự. Qui tắc luân lý này cần phải là nguyên tắc cho những quyết định của lương tâm và là hướng đạo viên cho tất cả mọi tác hành của con người. Có hay chăng những qui tắc về pháp lý cho những mối liên hệ giữa các quốc gia làm nên gia đình nhân loại? Nếu có thì chúng có hoạt động không? Câu trả lời là có, những qui tắc ấy có hiện hữu, thế nhưng để bảo đảm là chúng thực sự tác dụng thì cần phải trở về với qui tắc luân lý tự nhiên như là nền tảng của qui tắc pháp lý; bằng không qui tắc pháp lý vẫn liên lỉ vẫn là hậu quả của một thứ thỏa thuận mong manh mỏng dòn và tạm bợ nhất thời mà thôi.   

 

13.     Kiến thức về qui tắc luân lý tự nhiên này không phải là những gì bất khả đạt đối với những ai, trong khi suy nghĩ về bản thân họ và định mệnh của họ, cố gắng hiểu được cái lý lẽ nội tại của những hướng chiều sâu xa nhất nơi con người của họ. Mặc dù không phải là không cảm thấy do dự và ngờ vực, họ vẫn có thể khám phá ra, ít là nơi những gì chính yếu, cái thứ luật lệ luân lý chung này, một thứ luật ở trên và vượt trên những khác biệt về văn hóa, giúp con người có thể tiến đến chỗ cùng có một kiến thức liên quan tới những khía cạnh quan trọng nhất của sự thiện và sự dữ, của công lý và bất công. Cần phải trở về với lệ luật nồng cốt này, dốc mọi nỗ lực hảo hạng nhất về lý trí cho việc tìm cầu này, và đừng để mình bị thất đảm trước những sai lỗi và hiểu lầm. Các thứ giá trị bắt nguồn từ luật tự nhiên thực sự cũng hiện hữu nữa, cho dù một cách phân mảnh và không luôn nhất trí, nơi những thỏa ước quốc tế, nơi những hình thức về thẩm quyền đưoơc đại đồng nhìn nhận, nơi những nguyên tắc về luật lệ nhân đạo được đưa vào luật lệ của mỗi Quốc Gia hay vào những khoản luật quốc tế.  Nhân loại không phải là loài “phi luật lệ”. Cũng thế, cần phải kiên trì trong việc đối thoại về những vấn đề này và phấn khích luật lệ của mỗi Quốc Gia trong việc hướng tới chỗ nhìn nhận các thứ nhân  quyền căn bản của con người. Tình trạng gia tăng một thứ văn hóa toàn cầu về pháp lý vì thế lệ thuộc vào một cuộc liên lỉ dấn thân để củng cố cái nội dung sâu xa nhân bản của những qui tắc quốc tế, kẻo những qui tắc này bị biến thành những gì thuần túy phương thức, dễ dàng bị khai thác cho vị kỷ hay những lý do về ý hệ.     

(xin xem tiếp ngày mai) 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20071208_xli-world-day-peace_en.html

 

 TOP

 

?  

Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

 

Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

Lời Mở Đầu của người dịch

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh,  BVL

 

Thánh Long Mộng Phố  (Louis Montfort) đã viết một số tác phẩm về Mẹ tuy mỏng nhưng rất hay. Chẳng hạn cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đã được Lm Nguyễn Tri Ân, OP, dịch năm 1957 và nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản ở hải ngoại năm 1980), Bí Mật Kinh Mân Côi (đã được người dịch này chuyển ngữ và xuất bản từ năm 1994 và đã tái bản năm 1997 và 2002) và Bí Mật Maria. Sở dĩ những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh Long Mộng Phố rất hay là vì thánh nhân viết với tất cả tâm huyết của mình, với tất cả kinh nghiệm sống của Mẹ. Sở dĩ rất hay là vì thánh nhân viết theo thần hứng, đôi khi đã nói tiên tri, như trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Sở dĩ rất hay là vì ý tưởng của thánh nhân hết sức xuất sắc và chuyên biệt có một không hai. Sở dĩ rất hay là vì chẳng những vẫn còn hợp thời và càng ngày càng cần thiết. Một trong những hoa trái trổ sinh từ một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh nhân là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã đọc, thực hành và lấy khẩu hiệu Giáo Hoàng “tất cả của con là của Mẹ” từ tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria. Đó là lý do Màn Điện Toán Thời Điểm Maria, kể từ Lễ Trái Tim Mẹ, 8/6/2002, Quan Thày của Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (năm thứ 5), bắt đầu phổ biến tác phẩm Bí Mật Maria của thánh nhân, một tác phẩm, như được biết, chưa hề được dịch sang Việt Ngữ. Tuy nhiên, vì ngăn trở, tác phẩm này và tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria đã không được liên tục phổ biến. Cho đến nay, nhân dịp vừa khai mạc thời điểm mừng kỷ niệm Biến Cố Lộ Đức 150 năm, 1858-2008, được bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2007 đến 8/12/2008, Thời Điểm Maria tái phổ biến lại từ đầu và (lần này) liên tục cho tới hết hai tác phẩm Thánh Mẫu thời danh và khẩn trương hơn bao giờ hết hiện nay. Xin kính mời Quí Thân Hữu của Màn Điện Toán Thời Điểm Maria theo dõi.
 

(III)    Việc Thánh Hóa của Chúng Ta nhờ Trọn Hảo Tôn Sùng Đức Trinh Nữ, hay  bằng cách Làm Nô Lệ Thánh Đức cho Tình Yêu

 

Một Đường Lối Tuyệt Hảo

 

Các Việc Tôn Sùng Mẹ Maria

 

24.-      Thật sự là có một vài việc thực sự tôn sùng Đức Mẹ. Tôi không có ý giải quyết những việc tôn sùng sai lạc.

 

Việc Tôn Sùng Không Có Thực Hành Đặc Biệt Nào

 

25.-      Việc tôn sùng thứ nhất là ở chỗ chu toàn các nhiệm vụ thuộc bậc sống Kitô hữu, tránh lánh tất cả mọi tội trọng, thi hành những tác động vì yêu mến Chúa hơn là vì sợ hãi, nguyện cầu cùng Đức Mẹ khi có dịp, và tôn vinh Người là Mẹ Thiên Chúa, chứ không có bất cứ một việc tôn sùng riêng nào giành cho Người.

 

Việc Tôn Sùng kèm Thực Hành Đặc Biệt

 

26.-      Việc tôn sùng thứ hai là ở chỗ ấp ủ những cảm tình kính phục và mến yêu sâu xa hơn đối với Đức Mẹ, những cảm tình cậy trông và tôn kính. Việc tôn sùng này thúc đẩy chúng ta gia nhập các hiệp hội Mân Côi và Áo Đức Bà, đọc 5 hay 15 chục Kinh Mân Côi, tôn kính các ảnh tượng và đền Thánh Đức Mẹ, làm cho Mẹ được nhận biết và ghi danh vào các hội đoàn của Người. Việc tôn sùng này, vì gìn giữ chúng ta khỏi tội lỗi, là việc tôn sùng tốt lành, thánh đức và đáng khen ngợi, thế nhưng nó không trọn lành bằng việc tôn sùng thứ ba, cũng không hiệu nghiệm trong việc làm cho chúng ta xa lánh tạo vật, hay làm cho chúng ta thự chành việc bỏ mình cần thiết để được hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô.

 

Việc Tôn Sùng Trọn Hảo: Làm Nô Lệ Thánh Đức cho Tình Yêu

 

27.-      Việc tôn sùng thứ ba đối với Đức Mẹ đó là việc chỉ có một ít người biết đến và thực hành mà thôi, một việc tôi sắp trình bày cùng anh chị em là tâm hồn được tiền định.

(còn tiếp)

 

TOP

 

?

 

“Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”

 

Dẫn Nhập: Theo cảm nhận rất chân thực của ĐTC Gioan Phaolô II về Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì, như ngài viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến,

 

“Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài”;

 

“Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời”.

 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, con người tạo sinh và tội lỗi đáng thương chúng ta có gặp được Đấng tìm kiếm chúng ta hay chăng? Hay là, ngược lại, chính vì Ngài đã hạ mình xuống quá, đến độ chúng ta không còn nhận ra Ngài nữa, như khi Ngài được hạ sinh trong hang lừa máng cỏ ở hang Bê-Lem, mà chúng ta không nhận ra Ngài và không thể đến được với Ngài. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy ôn lại con đường mà chính Ngài đã làm gương trong việc nhập thể và dạy trong Phúc Âm liên quan tới việc “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, để có thể đến được với Ngài.

 

 

Ngoan Ngoãn Dễ Dạy NHƯ TRẺ NHỎ

 

 

Trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật II Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh liên quan tới vai trò môi giới hết sức thần lực của Mẹ Maria trong việc Chúa Giêsu biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana, chúng ta thấy được vai trò môi giới quyền năng của Mẹ Maria trước nhan Thiên Chúa, đến nỗi, đúng như Thánh Louis Montfort đã cảm nhận trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính khoản 76 của ngài là: “Tất cả mọi sự, bao gồm cả bản thân Mẹ Maria, đều tùy thuộc vào quyền năng của Thiên Chúa. Tất cả mọi sự, bao gồm cả Thiên Chúa nữa, đều tùy thuộc vào quyền năng của Mẹ Maria”.

 

Chẳng những thế, trong cùng bài Phúc Âm, chúng ta còn thấy được cả vai trò của Mẹ Maria trong việc giúp cho các linh hồn nên thánh, tức giúp cho họ đến gần Chúa và gặp được Người, như Thánh Montfort cũng xác tín trong cùng tác phẩm ở đoạn 37: “Khi ban cho Mẹ quyền năng trên Người Con duy nhất theo bản tính của mình, Thiên Chúa cũng đã ban cho Mẹ quyền năng trên thành phần con cái được Ngài thừa nhận những gì liên quan tới linh hồn của họ”.

 

Đó là lý do chúng ta hãy xem thành phần phụ giúp ở tiệc cưới Cana đã được diễm phúc đến với Chúa qua Mẹ Maria ra sao.

 

Tại sao trong bữa tiệc cưới Cana (xem Gioan 2:1-11), sau khi nói với Chúa Giêsu: "Họ hết rượu rồi" (Gioan 2:3), Mẹ Maria không liên lạc với người quản tiệc, mà lại đi nói với các người hầu tiệc?

 

Theo tâm lý chung của người thế gian, nhất là theo kiểu đối xử hết sức tế nhị của người Việt Nam, làm như thế tức là Mẹ Maria đã "qua mặt" vị quản tiệc, và đám hầu tiệc làm theo ý của Người mà không hỏi hay bao cho vị quản tiệc biết, tức là đã "dẵm chân" vị quản tiệc. Cũng may, "vị quản tiệc nếm nước lã đã biến thành rượu không hề biết bởi đâu mà ra" (Gioan 2:9), chứ nếu biết thì, theo phản ứng tự nhiên, (chứ chưa nói đến phản ứng theo kiểu đặc sệt Việt Nam), "thế nào cũng có chuyện", "không cần biết Chúa Bà gì cả". Càng Chúa Bà mà không biết tôn trọng gì hết thì lại càng không đáng tin, đúng như nhận xét của thánh sử Gioan: "Lý do tại sao người Do Thai càng định tâm sát hại Người (Chúa Giêsu) là vì Người chẳng những không giữ ngày hưu lễ..." (Gioan 5:18).

 

Lý do Mẹ Maria không chọn người quản tiệc mà là những người hầu tiệc, bởi vì, là "tôi tớ Thiên Chúa" (Luca 1:38), Mẹ hiểu được tâm trạng của thành phần thấp hèn trước mắt thế gian, thành phần như Con của Mẹ: "Đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ" (Mathêu 20:28), khác với thành phần làm đầu theo kiểu thế gian "tỏ ra ta đây" (Mathêu 20:25), thành phần khó lòng mà nghe lời người khác, nhất là một ngưòi đàn bà như Mẹ.

 

Thái độ "ta đây" của vị quản tiệc đã được tỏ ra qua lời nói thắc mắc có vẻ hạch sách của vị quản tiệc đối với chú rể: "Người ta thường đãi rượu ngon trước, cho đến khi khách khứa ngà ngà rồi mới tiếp rượu thường hơn. Đằng này, anh lại giữ rượu ngon mãi đến bây giờ" (Gioan 2:10)

 

Với thái độ của một "người lớn" như thế, cho dù có trực tiếp "nếm" được phép lạ đi nữa, vị quản tiệc cũng "không biết bởi đâu mà ra".

 

Thật đúng như lời Chúa Giêsu sau này có một lần than lên với Cha Người: "Điều Cha dấu những người khôn ngoan thông thái thì Cha lại tỏ ra cho những con trẻ bé mọn nhất hay" (Mathêu 11:25)

 

Phải, "chỉ có những người hầu tiệc biết" (Gioan 2:9) vì, trước mặt Chúa Giêsu, thành phần hầu tiệc này chính là những "trẻ bé mọn nhất", đến nỗi, có thể nói, họ còn được diễm phúc nhận biết Chúa trước các môn đệ của Người nữa:  "Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên này ở Cana xứ Galilêa. Nhờ đó Người tỏ vinh quang của Người ra và các môn đệ tin Người" (Gioan 2:11)

 

Về phương diện thân tình, tuy xa lạ với Chúa Giêsu hơn các môn đệ của Người, nhưng trên thực tế và trước mặt Chúa, thành phần hầu tiệc này có vẻ lại được diễm phúc thậm chí còn hơn cả các môn đệ của Chúa Giêsu nữa. Vì, trong trường hợp này, thành phần hầu tiệc được cộng tác trực tiếp vào việc Chúa Giêsu thực hiện phép lạ, tức vào việc Chúa Giêsu muốn tỏ mình Người ra cho các môn đệ thấy.

 

Thật là chí lý khi áp dụng trường hợp của thành phần hầu tiệc ở Cana này với lời Chúa Giêsu phán: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta" (Gioan 10:27)

Thành phần hầu tiệc cưới ở Cana thực sự đã "nghe tiếng Chúa" và "đã theo Chúa" như thế nào, Phúc Âm đã trình thuật rõ ràng.

 

Về việc "nghe tiếng Chúa", thành phần hầu tiệc này, vì không phải là người đứng ra mời tiệc, có thể đã không biết Chúa là ai, Mẹ Người là ai, thế mà vẫn nghe lời hai Đấng.

 

Sau khi nghe người đàn Bà nói với mình: "Người bảo sao các anh hãy làm theo như vậy", không biết họ có hiểu "Người" đây là ai hay không? Và con "Người" nào đấy sẽ bảo mình cái gì?? Sao đang tự nhiên lại có chuyện như vậy???

 

Cho dù họ có quen biết với các Đấng, hay có là thân nhân của các Đấng đi nữa, cũng chưa chắc vì thế mà họ đã dễ dàng tin các Đấng hơn. Biết đâu càng là thân nhân, càng là làng nước với nhau mà đối với họ, các Đấng càng "không linh" thì sao! Chính Chúa Giêsu, lần đầu tiên trở về Nazarét, đã không thể nào không thốt lên: "Không tiên tri nào được nhận biết nơi quê hương của mình" (Luca 4:24).

 

Do đó, vấn đề biết Chúa Giêsu và Mẹ Người là ai không phải là yếu tố chính trong việc làm cho thành phần chiên của Chúa Giêsu "nghe tiếng Ta". Mà ngược lại, chính vì là chiên của Người mà họ đã có sẵn khuynh hướng và tiềm năng để "làm theo như lời Người bảo".

           

Nếu "trở nên như trẻ nhỏ" là "trở nên mọi sự như Thiên Chúa muốn", thì có thể nói, thành phần hầu tiệc cưới Cana là thành phần trẻ nhỏ tiêu biểu đầu tiên của Chúa Giêsu, trong việc lắng nghe tiếng Chúa và làm theo ý Chúa, như tinh thần "tôi tớ xin vâng" (Luca 1:38) của Mẹ Maria, Con-Trẻ-Bé-Mọn-Nhất.

 

Thế nhưng, nếu không có sự hiện diện của Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana, và nếu không có sự hướng dẫn tự nguyện của Mẹ, thử hỏi, thành phần hầu tiệc cưới Cana có thể nào "trở nên như trẻ nhỏ" đầu tiên của Chúa Giêsu chăng?

 

Mẹ Maria chính là con đường để Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan, toàn năng và thiện hảo có thể "tự hủy ra như không" khi đến với con người, thì con người trần gian cũng không còn con đường nào khác, vững chắc hơn, tuyệt hảo hơn, nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn để đến với Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, bằng con đường Maria.

 

Tóm lại, qua câu chuyện tiệc cưới ở Cana: "Trở nên như trẻ nhỏ" là trở nên con của Mẹ Maria, bằng việc nhờ Mẹ đến với Chúa, Đấng đã qua Mẹ để đến với con người.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ