GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 19/12/2007

BÁT NHẬT TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: "Niềm vui của Kitô Giáo được xuất phát từ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta"       

?  Bí Mật Maria (32-34) - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
?  “Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”: Đơn Sơ Bình Thản NHƯ TRẺ NHỎ

 

Liên Đoàn Công Giáo Miền Nam Hoa Kỳ Gây Qũi Trợ Giúp Bão Lụt Việt Nam

 

?    

"Niềm vui của Kitô Giáo được xuất phát từ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta"

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Vọng 16/12/2007

 

Anh Chị Em thân mến!

 

"Gaudete in Domino semper" – Hãy luôn hân  hoan trong Chúa" (Philippians 4:4). Bằng những lời ấy của Thánh Phaolô, Thánh Lễ của Chúa Nhật Thứ Ba được bắt đầu và vì lý do này chúng ta gọi nó là “Gaudete”. Vị tông đồ này khuyên dụ các Kitô hữu hãy hân hoan vì việc Chúa đến, tức là việc Người trở lại trong vinh quang, và một điều chắc chắn và Người sẽ không trì hoãn. Giáo Hội thực sự chấp nhận lời mời gọi này khi Giáo Hội sửa soạn mừng Giáng Sinh và luốn hướng mắt của mình về Bêlem. Thật vậy, chúng ta đang đợi chờ cuộc đến lần thứ hai của Chúa với niềm hy vọng chắc chắn vì chúng ta đã biết được Người đã đến lần thứ nhất.

 

Mầu nhiệm Belem cho chún g ta thấy Thiên Chúa ở với chúng ta, Thiên  Chúa gần gũi chúng ta, không phải chỉ về không gian và thời gian mà thôi; Người gần gũi chúng ta vì có thể nói rằng Người đã cưới lấy nhân tính của chúng ta; Người đã đích thân mặc lấy thân phận  của chúng ta, đã muốn  hoàn toàn giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi, muốn làm cho chúng ta nên giống như Người. Bởi thế, niềm vui của Kitô Giáo được xuất phát từ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta, Người ở với tôi, Người ở với chúng ta, trong hân hoan cũng như trong đau khổ, trong mạnh khỏe cũng như trong đau yếu, như thân hữu và như vị phu quân thủy chung. Và niềm vui này thận chí còn tồn tại nơi cả những cơn thử thách, nơi chính đau thương, và vẫn không phải là những gì hời hợt song sâu xa trong con người nào hiến mình cho Thiên Chúa và tin tưởng phó thác cho Người.

 

Một số người tự hỏi mình rằng: Thế nhưng ngày nay có thể nào có được niềm vui này hay chăng?  Câu trả lời được cống hiến bởi những con người nam nữ thuộc đủ mọi lứa tuổi và thân phận trong xã hội, hân hoan hiến đời mình cho kẻ khác! Trong thời đại của chúng ta không phải có Chân Phước Têrêsa Calcutta, một chứng nhân không thể nào quên được cho thấy niềm vui của phúc âm này hay sao? Mẹ đã sống hằng ngày giao tiếp với cảnh khốn cùng, với tình trạng hèn hạ của con người, với chết chóc tang thương. Linh hồn của Mẹ gặp thử thách tối tăm  về đức tin nhưng Mẹ vẫn trao ban nụ cười của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người.

 

Chúng ta đọc thấy trong một bản văn của Mẹ rằng: “Chúng ta nóng lòng sốt ruột trông đợi thiên đàng, nơi Thiên Chúa ngự trị, thế nhưng, chính chúng ta có thể ở thiên đàng ngay trong tầm  tay của mình bắt đầu ở dưới thế đây và từ lúc này đây. Hân  hoan ở với Thiên  Chúa nghĩa là yêu thương như Người, giúp đáp như Người, trao ban như Người, phục vụ như Người” ("La gioia di darsi agli altri," Ed. Paoline, 1987, 43).

 

Phải, niềm vui thấm nhập vào tâm hồn của những ai dấn  thân phục vụ thành phần hèn mọn nhất. Trong những ai yêu thương như thế thì Thiên Chúa cư ngụ nơi họ và linh hồn  cảm thấy hân  hoan. Tuy nhiên, nếu hạnh phúc trở thành một thứ ngẫu tượng thì con đường sai lạc sẽ được tiến bước và thật sự là khó lòng mà thấy được Chúa Giêsu. Tiếc thay, đó lại là những gì tính toán của những thứ văn hóa lấy hạnh phúc cá nhân thay thế cho Thiên Chúa; nó là một thứ tâm thức tìm kiếm thỏa mãn bằng mọi giá để đạt được những hiệu quả tiêu biểu của nó, nơi việc lan truyền việc sử dụng nghiện hút như là một thứ ly thoát, như là một thứ nương náu nơi thiên đàng nhân  tạo mà sau đó cho thấy chúng hoàn toàn chỉ là ảo tưởng.

 

Anh chị em thân mến, ngay cả trong thời điểm Giáng Sinh này con người ta vẫn có thể đi vào con đường sai lầm, vẫn có thể trao đổi niềm vui thực sự với niềm vui không biết cởi mở tâm hồn cho Chúa Kitô. Chớ gì Trin h Nữ Maria giúp cho tất cả mọi Kitô hữu, cũng như thành phần tìm kiếm Thiên Chúa, tiến đến với Belem, để gặp gỡ Con Trẻ được sinh ra cho chúng ta, cho phần rỗi và hạnh phúc của tất cả mọi người.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/12/2007 

 

 

 TOP

 

?  

Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

 

Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

Lời Mở Đầu của người dịch

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh,  BVL

 

Thánh Long Mộng Phố  (Louis Montfort) đã viết một số tác phẩm về Mẹ tuy mỏng nhưng rất hay. Chẳng hạn cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đã được Lm Nguyễn Tri Ân, OP, dịch năm 1957 và nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản ở hải ngoại năm 1980), Bí Mật Kinh Mân Côi (đã được người dịch này chuyển ngữ và xuất bản từ năm 1994 và đã tái bản năm 1997 và 2002) và Bí Mật Maria. Sở dĩ những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh Long Mộng Phố rất hay là vì thánh nhân viết với tất cả tâm huyết của mình, với tất cả kinh nghiệm sống của Mẹ. Sở dĩ rất hay là vì thánh nhân viết theo thần hứng, đôi khi đã nói tiên tri, như trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Sở dĩ rất hay là vì ý tưởng của thánh nhân hết sức xuất sắc và chuyên biệt có một không hai. Sở dĩ rất hay là vì chẳng những vẫn còn hợp thời và càng ngày càng cần thiết. Một trong những hoa trái trổ sinh từ một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh nhân là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã đọc, thực hành và lấy khẩu hiệu Giáo Hoàng “tất cả của con là của Mẹ” từ tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria. Đó là lý do Màn Điện Toán Thời Điểm Maria, kể từ Lễ Trái Tim Mẹ, 8/6/2002, Quan Thày của Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (năm thứ 5), bắt đầu phổ biến tác phẩm Bí Mật Maria của thánh nhân, một tác phẩm, như được biết, chưa hề được dịch sang Việt Ngữ. Tuy nhiên, vì ngăn trở, tác phẩm này và tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria đã không được liên tục phổ biến. Cho đến nay, nhân dịp vừa khai mạc thời điểm mừng kỷ niệm Biến Cố Lộ Đức 150 năm, 1858-2008, được bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2007 đến 8/12/2008, Thời Điểm Maria tái phổ biến lại từ đầu và (lần này) liên tục cho tới hết hai tác phẩm Thánh Mẫu thời danh và khẩn trương hơn bao giờ hết hiện nay. Xin kính mời Quí Thân Hữu của Màn Điện Toán Thời Điểm Maria theo dõi.
 

(III)    Việc Thánh Hóa của Chúng Ta nhờ Trọn Hảo Tôn Sùng Đức Trinh Nữ, hay  bằng cách Làm Nô Lệ Thánh Đức cho Tình Yêu

 

A. Bản Chất và Mục Tiêu của Việc Làm Nô Lệ Thánh Đức cho Tình Yêu

 

Ba Loại Nô Lệ

 

32.           Tôi đã nói rằng việc tôn sùng này là ở chỗ hiến mình cho Mẹ Maria như là thành phần nô lệ. Thế nhưng hãy lưu ý là có 3 loại nô lệ. Loại thứ nhất là loại nô lệ theo bản tính; theo ý nghĩa này thì tất cả mọi người, cả tốt lẫn xấu, đều là nô lệ của Thiên Chúa. Loại thứ hai là loại nô lệ bị ép buộc; ma quỉ và thành phần bị trầm luân là nô lệ của Thiên Chúa theo nghĩa thứ hai này. Loại nô lệ thứ ba là loại nô lệ của tình yêu và theo ý muốn tự do; và đây là loại nô lệ chúng ta cần phải tận hiến mình cho Thiên Chúa qua Mẹ Maria. Nó là đường lối trọn hảo nhất đối với loài người tạo sinh để hiến mình cho Thiên Chúa là Tạo Hóa của chúng ta.

 

Thành Phần Tôi Tớ và Nô Lệ

 

33.           Cũng cần phải lưu ý là giữa thành phần tôi tớ và thành phần nộ lệ rất khác nhau. Thành phần tôi tớ đòi thù lao cho các việc làm của họ; thành phần nô lệ không có quyền nào cả. Thành phần nô lệ được quyền thôi không ở với chủ của mình nữa khi nào họ muốn – họ phục vụ chủ chỉ trong vòng một thời gian; thành phần nô lệ thuộc về chủ của mình trọn đời và không có quyền bỏ chủ mà đi. Thành phần tôi tớ không nhường quyền quyết định sống chết của mình cho chủ; thành phần nô lệ hoàn toàn hiến mình để chủ có thể giết chết họ mà không bị rắc rối với luật pháp. Bởi vậy cũng dễ thấy ai là thành phần nô lệ bị ép buộc thì lệ thuộc vào chủ mình một cách khắt khe. Theo ý nghĩa này triệt để mà nói thì con người chỉ lệ thuộc vào một mình Đấng Hóa Công của họ mà thôi. Thế nên chúng ta không tìm thấy loại nô lệ này nơi Kitô hữu, mà chỉ ở nơi dân ngoại.

 

Hạnh Phúc của Thành Phần Nô Lệ của Tình Yêu

 

34.           Thế nhưng, hạnh phúc và ngàn lần hạnh phúc cho linh hồn quảng đại hoàn toàn hiến mình cho Chúa Giêsu qua Mẹ Maria như là nô lệ của tình yêu sau khi nó đã được giải thoát khỏi tình trạng làm nô lệ dữ dằn của ma quỉ nhờ Phép Rửa!

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

?

 

“Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”

 

Dẫn Nhập: Theo cảm nhận rất chân thực của ĐTC Gioan Phaolô II về Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì, như ngài viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến,

 

“Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài”;

 

“Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời”.

 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, con người tạo sinh và tội lỗi đáng thương chúng ta có gặp được Đấng tìm kiếm chúng ta hay chăng? Hay là, ngược lại, chính vì Ngài đã hạ mình xuống quá, đến độ chúng ta không còn nhận ra Ngài nữa, như khi Ngài được hạ sinh trong hang lừa máng cỏ ở hang Bê-Lem, mà chúng ta không nhận ra Ngài và không thể đến được với Ngài. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy ôn lại con đường mà chính Ngài đã làm gương trong việc nhập thể và dạy trong Phúc Âm liên quan tới việc “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, để có thể đến được với Ngài.

 

 

Đơn Sơ Bình Thản NHƯ TRẺ NHỎ 

 

 

              Trong câu chuyện về cách thức hai chị em Matta và Maria tiếp đón Chúa Giêsu (xem Luca 10:38-42) khi Người ghé thăm các cô cũng cho chúng ta hình ảnh hai thành phần: người lớn và "như trẻ nhỏ".

 

         Tiêu biểu cho thành phần người lớn ở đây là cô chị Matta và tiêu biểu cho thành phần "như trẻ nhỏ" ở đây là cô em Maria.

        Cô chị tỏ ra là người lớn trong cuộc tiếp đón Chúa Giêsu này không phải là thái độ "nâng mình lên" của cô. Trái lại, cô còn tỏ ra mình là người phục dịch hơn ai hết, bằng việc "bận bịu với đủ mọi tiết mục tiếp đón" (Luca 10:40).

 

         Ở đây, Matta không phải là loại người lớn như Simon, người Pharisiêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa tối với mình, song ông đã không coi trọng Người và đã tiếp đón Người cách lạnh nhạt (xem Luca 7:44). Trái lại, Matta coi trọng Chúa Giêsu, vì cô biết rõ Người là ai. Không phải chính cô là người đã tuyên xưng Đức Tin của mình nơi Chúa Giêsu trước khi Người làm cho Lazarô, em của cô sống lại ra khỏi mồ hay sao:

 

"Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa: Đấng phải đến trong thế gian" (Gioan 11:27)

 

         Cho dù về phương diện nhận biết Chúa Giêsu, Matta thực sự tỏ ra mình thuộc về thành phần "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta", thành phần "giống như trẻ nhỏ" thôi, chứ chưa "sống như trẻ nhỏ" về phương diện thực tế.

 

         Ở điểm này, Matta gần giống với trường hợp của thánh Phêrô. Sau khi tuyên xưng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), thánh Phêrô lại bị Thày quở trách thậm tệ: "Cút ngay đi, ngươi là đồ Satan! Ngươi đang cám dỗ Ta vấp phạm. Ngươi không phán đoán theo Thiên Chúa gì cả, chỉ rặt theo kiểu loài người thôi" (Mathêu 16:23).

 

            Tội nghiệp cho cả thánh Phêrô lẫn cô chị Matta là hai nhân vật tâm giao của Chúa Giêsu, chỉ vì muốn tỏ ra hết lòng quí mến Người, qua việc can ngăn Người (Phêrô) và qua việc bận bịu tiếp đón Người (Matta), mà đã "bị" Người sửa dạy cho một cách thẳng tay như vậy.

 

         Theo thường tình, tâm tình quí mến của con người một khi không được nhận thức mà còn bị phũ phàng phủ đầu như vậy, phản ứng của con người trần gian, con người lớn là bất mãn, giận dỗi có thể đưa đến đoạn tuyệt tình nghĩa.

 

        Thế mà, dù "bị" Chúa Giêsu sửa dạy đến mất mặt như vậy, thánh Phêrô và cô chị Matta vẫn gắn bó với Người như thường, chứ không bỏ Người mà đi như một số môn đệ khác, những người chưa hề bị Người "mắng" vào mặt, chỉ mới nghe thấy những lời "chói tai" (Gioan 6:60) của Người về bánh hằng sống (xem Gioan 6:66), đã tỏ ra tinh thần "như trẻ nhỏ" của hai vị rồi.

 

         Tuy nhiên, trong trường hợp mà hai vị được Chúa Giêsu sửa dạy cho mỗi người một lúc khác nhau này, hai vị đã tỏ ra sai lầm, không hợp với Chúa Giêsu ở chỗ nào? Phải chăng các vị đã tỏ ra mình là người lớn trước mặt Chúa Giêsu??

 

         Tuy khác nhau về trường hợp xẩy ra, song cả thánh Phêrô và cô chị Matta đều vấp phạm cùng một điều tối kị làm cho hai vị không "sống như trẻ nhỏ" như Chúa Giêsu mong muốn. Đó là, còn "phán đoán theo kiểu cách loài người".

 

         Thanh Phêrô thì tỏ ra tiếc xót cho Thày qua những lời lẽ không muốn Chúa Giêsu chịu khổ nạn và tử giá, sau khi nghe Người lần đầu tiên tiết lộ cho biết. Còn cô chị Matta thì tỏ ra chỉ lo làm những việc phụ thuộc, hình thức bề ngoài, để làm sao cho thật xứng đáng tiếp rước Chúa Giêsu là vị thượng khách của chung gia đình mình cũng như của riêng chính mình.

 

            Riêng trường hợp của cô chị Matta, tự việc làm sao tiếp đón Chúa Giêsu cho xứng đáng của cô theo tự nhiên thì có vẻ rất hợp tình và hợp lý. Bởi thế, sở dĩ Chúa Giêsu có lên tiếng trách cô là vì tâm trạng lo lắng thái quá của cô, chứ không phải là vì việc làm của cô:

"Matta, Matta, con lo lắng va phiền muộn về nhiều thứ. chỉ có một điều cần duy nhất mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn, sẽ không ai lấy đi được". (Luca 10:41-42)

 

            Thế nhưng, căn cứ vào lời trách yêu của Chúa Giêsu này, hình như Người còn muốn nơi Matta một điều gì hơn thế nữa, mà theo lời Người nói, đó là "một điều cần duy nhất". "Điều cần duy nhất" này,  Chúa Giêsu đã tỏ cho Matta biết là gì, khi Người đề cập đến người gây "phiền muộn" cho Matta (xem Luca 10:39) là Maria.: "Maria đã chọn phần tốt hơn".

 

            Phải, "phần tốt hơn" mà Maria đã chọn như Chúa Giêsu có ý muốn nói ở đây là gì, để Matta cũng phải chọn lam như thế mới đẹp lòng Chúa, nếu không phải là việc: "Ngồi đưới chân Chúa mà nghe lời Người" (Luca 10:39).

 

            Như thế, phải chăng Chúa Giêsu muốn nói với Matta:

 

                 -   "Phần tốt hơn" ở đây chính là "Lời Người", chứ không phải đồ ăn thức uống hay chỗ nghỉ ngơi'    

                -   "Chọn phần tốt hơn" ở đây là chọn "ngồi dưới chân Chúa", chứ không phải lăng xăng bận bịu đủ thứ, và

              -  "Chỉ có một điều cần duy nhất" là "nghe Lời Người", chứ không phải tự ý tìm cách lam sao cho đẹp lòng Người.

 

            Tóm lại, qua câu chuyện về cách thức hai chị em Matta và Maria tiếp đón Chúa Giêsu:

 

        "Trở nên như trẻ nhỏ" là  trở nên dễ dạy  bằng việc chú tâm "lắng nghe Lời Chúa", để có thể phán đoán cũng như hành  động theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

Liên Đoàn Công Giáo Miền Nam Hoa Kỳ Gây Qũi Trợ Giúp Bão Lụt Việt Nam

 

Houston, Texas -- Cùng với Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn quốc Hoa Kỳ trong nỗ lực kêu mời mọi người cùng tiếp tay vào việc cứu trợ các nạn nhân bão lụt tại Việt Nam. Sáng thứ Bảy ngày 15 tháng 10 năm 2007, một cuộc đi bộ đã được tổ chức với sự tham dự khoảng 1000 người được diễn ra tại khuôn viên Saigon Plaza, trên đường Bellaire Blvd., Houston Texas.

 

Buổi sáng ngày đi bộ tại Houston trời có mưa, gió lạnh cuối năm hôm nay lại thổi về nhưng không làm chùn lòng những người Houston vốn nặng tình người. Ban ghi danh và Ban An Ninh đã sẵn sàng bắt đầu khởi công lúc 8 giờ sáng với những người đầu tiên đến ghi danh với Ban Tổ Chức, bây giờ thì trời mưa đã tạnh, dù chưa có nắng nhưng đồng hương vẫn lên đường với quyết tâm cùng tiếp một bàn tay với Ban Tổ Chức.

 

Phòng tiếp tân của Saigon Plaza cũng là nơi đài phát thanh Saigon Houston đang làm việc, có rất đông người đang hiện diện, đây là nơi Ban Tổ Chức và Ban Ghi Danh đang tiếp xúc và tiếp đón các vị Đại diện và mọi người tham dự, cũng là địa điểm khởi hành cuộc đi bộ.

 

Đúng 10 giờ sáng, sau nghi thức khai mạc, Cuộc đi bộ đã bắt đầu với sự tham dự của gần 1000 người, gồm các Linh Mục, Nữ Tu, Các Đại Diện Tôn Giáo, Các Đoàn Thể, Các vị cao niên và giới trẻ.

 

Nhờ gạch nối và sự hỗ trợ đặc biệt của các đài phát thanh Saigon Houston, Little Saigon, VOVN, VAB nên đồng hương Houston đã gọi điện thoại đến Ban Tổ Chức biểu lộ tình cảm của mình trước những đau khổ và mất mát của đồng bào mình tại quê nhà. Những cụ gìa hy sinh chút tiền để dành, những bà Mẹ nghĩ đến con mình đang thiếu thốn vì cũng là nạn nhân của bão lụt. Những đồng hương mà quê quán là nơi đang xẩy ra thiên tai cũng tỏ lòng ủng hộ và khích lệ Ban Tổ Chức.

 

Tại địa điểm ghi danh, có những người chỉ đến ghi tên đóng tiền rồi phải đi làm, tuy không được cùng với 1000 người khác cùng đi bộ giơ cao ngọn cờ “mở rộng vòng tay”. Biết bao nghĩa cử cao đẹp của tình người, của “miếng khi đói bằng gói khi no”, của yêu thương và bác ái của tình người Houston.

 

Cuộc đi bộ chấm dứt lúc 12 giờ trưa, không một khó khăn hoặc tai nạn nào xẩy ra. Cảm ơn mọi người cùng tham dự và tiếp một bàn tay để mọi việc đươc hoàn thành. Mọi người tham dự cùng hỗ trợ Ban Tổ Chức dọn dẹp để trả lại sinh hoạt cho các cơ sở thương mại sinh hoạt cuối tuần.

 

Trước khi ra về Đài Sàigon Houston đã dành một buổi hội thoại trên làn sóng 900AM để Ban Tổ Chức và Các Thiện Nguyện Viên có cơ hội nói cảm nghĩ của mình đến qúi thính gỉa. Số tiền thu được vào lúc bế mạc là $53,800.53, có những vị hảo tâm vì bận rộn không đi tham dự đã gọi điện thoại xin địa chỉ để góp một bàn tay, số tiền và danh sách ân nhân bảo trợ sẽ được công bố trên bản tin Dũng lạc, và một số báo tại Houston trong những ngày sắp tới.

 

Cảm ơn sự hy sinh và đóng góp của tất cả mọi người. Cảm ơn sự hỗ trợ của Cộng Đồng Công Giáo Houston-Galveston, Cộng Đồng Công Giáo Orange County, Hội đồng Liên Tôn Houston, Qúi Cha Xứ, Dòng Nữ Đa Minh, Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Liên Đoàn Hướng đạo, Ban Ghi Danh, Ban An Ninh, Hội Văn Hóa Khoa học, Mr. Printing và tất cả qúi thiện nguyện viên, đã hết lòng hỗ trợ để cuộc đi bộ được thành công tốt đẹp. Với tất cả tâm tình đến với những nạn nhân bão lụt, đoàn người đi bộ chúng ta quyết mở rộng vòng tay về đến quê nhà, đến tận những nơi bị tàn phá, đến với từng nạn nhân và gia đình để chia sẻ phần nào đau khổ và mất mát đã qua.

 

Lm. Nguyễn Minh Gần, CSsR

Trưởng Ban Tổ Chức

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ