GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 22/12/2007

CỬU NHẬT TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH

 

?  Đại lễ Giáng Sinh - Ý nghĩa và giá trị  

?  Bí Mật Maria (43-46) - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
?  “Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”: Tham Lam Liều Lĩnh NHƯ TRẺ NHỎ

 

 

 

 

?    

Đại lễ Giáng Sinh - Ý nghĩa và giá trị  

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 19/12/2007 về Giáng Sinh

 

Anh chị em thân mến!

 

Chúng ta đang tiến gần đến đại lễ Giáng Sinh, phụng vụ khuyến khích chúng ta hãy gia tăng việc sửa soạn của chúng ta, khi trình bày cho chúng ta thấy nhiều bài thánh kinh Cựu Ước lẫn Tân  Ước giúp chúng ta phấn khởi tập trung vào ý nghĩa và giá trị của cuộc cử hành hằng năm này.

 

Một đàng thì Giáng Sinh là một tưởng niệm về phép lạ khôn lường hạ giáng của Người Con Thiên Chúa duy nhất, được Trinh Nữ Maria sinh ra trong một cái hang ở Bêlem. Đàng khác, Giáng Sinh cũng kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và nguyện cầu,  đón chở Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Đấng sẽ đến “để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

 

Có lẽ chúng ta ngày nay, thậm chí chúng ta là thành phần có tín ngưỡng đi nữa, đều thực sự tin tưởng đời chờ Vị Thẩm Phán này, tất cả chúng ta đều đợi chờ công lý. Chúng ta thấy quá nhiều bất công trên thế giới này, trong một thế giới bé nhỏ của chúng ta, ở nhà, quanh làng xóm, cũng như trong thế giới rộng lớn hơn ở các quốc gia, các xã hội. Và chúng ta đợi chờ công lý được sáng tỏ. Công lý là một tư tưởng trừu tượng: Công lý được thể hiện. Chúng ta đợi chờ v iệc xuất hiện của chính vị có thể làm sáng tỏ công lý. Theo chiều hướng ấy chúng ta nguyện cầu rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy đến làm thẩm phán, xin hãy đến như Chúa cần phải đến”. Vị Chúa này biết làm thế nào đến  thế gian để mang lại công lý.

 

Chúng ta xin vị Chúa ấy, vị Thẩm Phán ấy, hãy đáp ứng, hãy thực sự làm sáng tỏ công lý trên thế giới này. Chúng ta đời chờ công lý, thế nhưng, những đòi hỏi của chúng ta liên quan tới các người khác không thể nào chỉ là việc bày tỏ niềm mong chờ đây. Ý nghĩa đời trông công lý của Kitô Giáo bao hàm việc chúng ta bắt đầu sống trước ánh mắt của vị Thẩm Phán ấy, theo các qui chuẩn của vị Thẩm Phán này; bao hàm việc chúng ta bắt đầu sống trước sự hiện diện của Người bằng cách mang lại công lý trong cuộc đời của chúng ta. Bằng việc tỏ ra công chính khi sống trước nhan vị Thẩm Phán này là chúng ta đang đợi chờ công lý vậy.

 

Đó là ý nghĩa của Mùa Vọng, của việc tỉnh thức trông chờ. Việc tỉnh thức trông chờ của Mùa Vọng nghĩa là việc sống trước ánh mắt của vị Thẩm Phán ấy và là việc sửa dọn cho công lý nơi bản mình cũng như trên thế giới. Bằng việc sống trước ánh mắt của Vị Thiên Chúa Thẩm Phán này, chúng ta có thể hướng thế giới đây về việc Con của Ngài đến, khi sửa soạn tâm can của chúng ta nghênh đón “Vị Chúa Tể sẽ đến”.

 

Con Trẻ, Đấng được thành phần mục đồng ở hang đá Bêlem tôn thờ 2 ngàn năm trước, không bao giờ thôi viếng thăm chúng ta trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, khi chúng ta, như những người hành hương, tiến bước về Vương Quốc của Người. Trong khi đợi chờ, thành phần tín hữu trở thành phát ngôn viên cho các niềm hy vọng của toàn thể nhân loại; nhân loại mong chờ công lý, nên cho dù là vô thức, họ cũng tỏ ra đang đợi chờ Thiên Chúa, đợi chờ ơn cứu độ mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta.

 

Đối với Kitô hữu chúng ta thì việc đợi chờ này được đánh dấu bằng việc thiết tha cầu nguyện, như được thể hiện nơi một loạt lời khẩn nguyện đặc biệt cảm kích gợi ý cho chúng ta trong những ngày tuần chín Giáng Sinh trong Thánh Lễ, trong Phúc Âm và trong các giờ kinh tối, trước ca vịnh Ngợi Khen. Mỗi một việc thiết tha kêu cầu sự xuất hiện của Đấng Khôn Ngoan, của Mặt Trời Công Chính,  và của Vị Thiên Chúa Ở Với Chúng Ta, đều chất chứa một lời nguyện cầu đều được dâng lên cho Vị Được Đợi Trông của chư dân, để xin Người hãy mau đến.

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/12/2007 

 

 TOP

 

?  

Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

 

Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

Lời Mở Đầu của người dịch

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh,  BVL

 

Thánh Long Mộng Phố  (Louis Montfort) đã viết một số tác phẩm về Mẹ tuy mỏng nhưng rất hay. Chẳng hạn cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đã được Lm Nguyễn Tri Ân, OP, dịch năm 1957 và nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản ở hải ngoại năm 1980), Bí Mật Kinh Mân Côi (đã được người dịch này chuyển ngữ và xuất bản từ năm 1994 và đã tái bản năm 1997 và 2002) và Bí Mật Maria. Sở dĩ những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh Long Mộng Phố rất hay là vì thánh nhân viết với tất cả tâm huyết của mình, với tất cả kinh nghiệm sống của Mẹ. Sở dĩ rất hay là vì thánh nhân viết theo thần hứng, đôi khi đã nói tiên tri, như trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Sở dĩ rất hay là vì ý tưởng của thánh nhân hết sức xuất sắc và chuyên biệt có một không hai. Sở dĩ rất hay là vì chẳng những vẫn còn hợp thời và càng ngày càng cần thiết. Một trong những hoa trái trổ sinh từ một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh nhân là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã đọc, thực hành và lấy khẩu hiệu Giáo Hoàng “tất cả của con là của Mẹ” từ tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria. Đó là lý do Màn Điện Toán Thời Điểm Maria, kể từ Lễ Trái Tim Mẹ, 8/6/2002, Quan Thày của Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (năm thứ 5), bắt đầu phổ biến tác phẩm Bí Mật Maria của thánh nhân, một tác phẩm, như được biết, chưa hề được dịch sang Việt Ngữ. Tuy nhiên, vì ngăn trở, tác phẩm này và tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria đã không được liên tục phổ biến. Cho đến nay, nhân dịp vừa khai mạc thời điểm mừng kỷ niệm Biến Cố Lộ Đức 150 năm, 1858-2008, được bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2007 đến 8/12/2008, Thời Điểm Maria tái phổ biến lại từ đầu và (lần này) liên tục cho tới hết hai tác phẩm Thánh Mẫu thời danh và khẩn trương hơn bao giờ hết hiện nay. Xin kính mời Quí Thân Hữu của Màn Điện Toán Thời Điểm Maria theo dõi.
 

(III)    Việc Thánh Hóa của Chúng Ta nhờ Trọn Hảo Tôn Sùng Đức Trinh Nữ, hay  bằng cách Làm Nô Lệ Thánh Đức cho Tình Yêu

 

C. Những Yếu Tố Cấu Tạo Nội Tại của Việc Tận Hiến Này và Tinh Thần của Nó

 

43.          Tôi đã nói rằng việc tôn sùng này là ở tại việc thi hành tất cả mọi hành động của chúng ta với Mẹ Maria, trong Mẹ Maria, nhờ Mẹ Maria và cho Mẹ Maria.

 

44.          Việc nhờ Mẹ Maria hiến mình làm nô lệ cho Chúa Giêsu một lần vẫn chưa đủ; việc lập lại tác động tận hiến này hằng tháng hay hằng tuần cũng chưa đủ. Nếu chỉ làm có thế thôi thì đó chỉ là một việc tôn sùng cho qua, sẽ không đưa linh hồn tới mức độ thánh thiện mà linh hồn có thể đạt tới. Thật là dễ dàng trong việc ghi danh gia nhập một hiệp hội; dễ dàng cam kết làm việc tôn sùng này và hằng ngày đọc mấy kinh nguyện được ấn định. Cái khó khăn chính yếu đó là đi sâu vào tinh thần của nó là những gì đòi hỏi phải lệ thuộc nội tâm v ào Mẹ Maria, và thực sự trở thành nô lệ của Mẹ và nhờ Mẹ trở thành nô lệ của Chúa Giêsu. Tôi đã gặp nhiều người nhiệt thành đáng khen trong việc thực hành bề ngoài tính cách nô lệ thánh hảo này đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thế nhưng tôi chỉ gặp được một ít người đi sâu vào tinh thần sâu xa của nó, và lại càng ít hơn  nữa những ai kiên trì thự chành nó.

 

Hành động với Mẹ Maria

 

45.          1) Việc thực hành chính yếu của tác động tôn sùng này đó là thi hành tất cả mọi hành động của chúng ta với Mẹ Maria. Tức là chúng ta cần phải lấy Mẹ như là mô phạm hoàn trọn cho tất cả những gì chúng ta cần phải làm.

 

46.          Trước khi đảm trách bất cứ một điều gì, chúng ta cần  phải quên mình và loại trừ các quan điểm riêng tư của chúng ta. Chúng ta phải coi mình chỉ là không trước nhan Thiên Chúa, tự mình không thể nào làm được bất cứ sự gì một cách siêu nhiên cho xứng đáng hay làm bất cứ điều gì mang lại lợi ích cho phần  rỗi của chúng ta. Chúng ta cần phải có thói quen chạy đến cùng Đức Mẹ, trở nên một với Mẹ và theo ý hướng của Mẹ, cho dù chúng ta không biết được những ý hướng đó. Nói cách khác, chúng ta cần phải trở nên một dụng cụ ở trong tay của Mẹ Maria để Mẹ hành động trong chúng ta và làm việc với chúng ta những gì Mẹ muốn, cho Con Mẹ được hiển vinh hơn; và nhờ Chúa Giêsu cho Chúa Cha cũng được tôn vinh hơn. Làm như thế là chúng ta theo đuổi đời sống nội tâm của mình và tiến bộ trong đời sống thiêng liêng ở chỗ chỉ sống lệ thuộc vào Mẹ Maria.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

?

 

“Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”

 

Dẫn Nhập: Theo cảm nhận rất chân thực của ĐTC Gioan Phaolô II về Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì, như ngài viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến,

 

“Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài”;

 

“Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời”.

 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, con người tạo sinh và tội lỗi đáng thương chúng ta có gặp được Đấng tìm kiếm chúng ta hay chăng? Hay là, ngược lại, chính vì Ngài đã hạ mình xuống quá, đến độ chúng ta không còn nhận ra Ngài nữa, như khi Ngài được hạ sinh trong hang lừa máng cỏ ở hang Bê-Lem, mà chúng ta không nhận ra Ngài và không thể đến được với Ngài. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy ôn lại con đường mà chính Ngài đã làm gương trong việc nhập thể và dạy trong Phúc Âm liên quan tới việc “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, để có thể đến được với Ngài.

 

Tham Lam Liều Lĩnh NHƯ TRẺ NHỎ  

 

            Trong  câu chuyện xin được ngồi hai bên Chúa Giêsu trong vương quốc của Người (xem Mathêu 20:20-28), không biết ai là người đã nghĩ đến tư tưởng này đầu tiên.

 

         Một là chính từ bà mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan, vì bà đã lên tiếng xin điều hết sức quan trọng này một cach trịnh trọng và thẳng thắn. Trịnh trọng ở chỗ, thứ nhất, bà đến xin Chúa "cùng với hai con của bà" (Mathêu 20:20),  thứ hai, bà "phục lạy Người mà xin" (Mathêu 20:20), thứ ba, chỉ sau khi Chúa Giêsu lên tiếng hỏi "Bà muốn điều gì đây?" (Mathêu 20:21), bà mới dám nói (xem Mathêu 20-21). Thẳng thắn ở chỗ, sau khi đã làm đủ các lễ nghi tương xứng theo như bà nghĩ, và sau khi được Chúa Giêsu ban phép, bà đã không úp mở gì cả: "Xin hứa với tôi là hai đứa con của tôi đây, một đứa sẽ được ngồi bên phải và một đứa sẽ được ngồi bên trái của Thày trong vương quốc của Thày" (Mathêu 20:21).

 

         Phần Chúa Giêsu, có ít nhất hai điều chắc chắn ở đây là, thứ nhất, trước khi bà mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan mở miệng xin Người điều nà y, thì Chúa Giêsu đã biết bà muốn gì rồi; thứ hai, Người cũng thừa biết trước phản ứng "bất mãn khó chịu của mười người kia đối với hai anh em này" (Mathêu 20:24). Thế mà Người vẫn gợi ý để cho bà ấy phát biểu ra trước mặt tất cả các tông đồ.

 

         Hành sử như thế, có thể Chúa Giêsu muốn lợi dụng dịp này để dạy cho các thánh tông đồ biết về tinh thần và đường lối làm đầu là làm tôi như gương sống động của Người. Bởi thế, sau khi thấy phản ứng của mười tông đồ đối với hai anh em Giacôbê và Gioan, phản ứng có tính cách người lớn, tỏ ra tranh giành, ghen tương đố kị theo kiểu trần tục, Chúa Giêsu mới "gọi họ lại mà nói:  'Các con biết những kẻ cầm quyền trong dân ngoại thì làm chúa cai trị nhau, tỏ ra ta đây. Nhưng các con không được như vậy. Ai trong các con muốn làm lớn thì phải phục vụ những người còn lại. Ai muốn lãnh đạo trong các con thì phải phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người. Đó là cách thức mà Con Người đã đến không phải để được người khác phục dịch, nhưng là để phục vụ, để hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:25-28).

 

         Ngoài ra, Chúa Giêsu cố ý lên tiếng hỏi trước để cho ba mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan dễ dàng mở lời xin một điều ngoại lệ như thế, chứng tỏ điều yêu cầu có vẻ tham quyền cố vị phàm tục này của bà chẳng những không làm phật lòng Người là Đấng "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29), mà còn làm cho Người có vẻ hài lòng nữa là đàng khac, bằng không, Người đã không mất giờ mặc cả với hai người con của bà làm gì! 

 

         Phần Giacôbê và Gioan, cũng có thể một trong hai người đã nghĩ đến điều yêu cầu này, song không dám trực tiếp xin cùng Thày mình, nên đã khôn khéo xui mẹ mình đứng mũi chịu sào. Có thể kinh nghiệm sống với Thày đã gợi lên cho Giacôbê và Gioan chính điều yêu cầu này cũng như cho hai anh em cách chiếm được điều mình muốn xin với Thày.

 

         Về chính điều yêu cầu được ngồi  hai bên Chúa Giêsu trong vương quốc của Người có thể đã nẩy sinh từ kinh nghiệm nhiều lần hai anh em là bộ ba, (cùng với tông đồ trưởng Phêrô), dẫn đi sát với Người hơn các vị tông đồ khác nói riêng và cac môn đệ của Người nói chung. Chẳng hạn như lần đến hồi sinh cho bé gái (xem Marcô 5:37) và lần được chứng kiến Chúa biến hình trên núi cao (xem Mathêu 17:1).

 

         Theo tự nhiên, có thể vì thấy rằng hai anh em mình được Chúa Giêsu thương đặc biệt như thế, qua một số lần được Người ưu đãi cách riêng, (chưa kể còn một lần sau này cả hai còn được vào vườn cầu nguyện với Người trước khi Người nộp mình), mà cả hai đã nghĩ mình có giá, cần được Chúa Giêsu xác nhận vị thế của mình chăng?

 

         Về cách thức nhờ đến bà mẹ để xin Chúa Giêsu điều yêu cầu của mình, chứ không dám đứng ra xin lấy, kinh nghiệm cũng dạy cho hai anh em Giacôbê và Gioan biết phán đoán của hai đấng cho dù tốt lành mấy cũng chưa chắc đã hợp với  với ý của Thày Chí Thanh. Chẳng hạn lần hai vị bị Người "quở trách" (Luca 9:55) vì các vị tỏ ra mình là người lớn, bực tức khi thấy Thày Chí Thanh của mình bị dân Samaria không chịu tiếp rước, đã trở nên nóng nảy đến nỗi:  "Thưa Thày, Thày có muốn chúng con gọi lửa trời xuống hủy diệt họ đi không?" (Luca 9:54).

 

         Phải chăng vì bản chất trực tính nóng nẩy sốt sắng này của hai anh em Giacôbê và Gioan mà Chúa Giêsu, qua Phúc Âm thánh Marcô đã viết, "Người đặt cho hai anh em này cái tên là ‘những đứa con của sấm sét'" (Marcô 3:17).  

 

         Thật ra, Phúc Âm thánh Marcô lại tiết lộ cho chúng ta biết rằng chính hai anh em Giacôbê và Gioan trực tiếp đứng ra xin Thày điều này, chứ không phải là bà mẹ của hai vị. Cách thức của "những đứa con của sấm sét" này tuy thẳng thắn nhưng không tế nhị như của ba mẹ. Hai anh em đã chẳng những không tế nhị về chính lời lẽ yêu cầu mà còn về cả cách thức yêu cầu, khi bất kể Chúa Giêsu có cho phép hay không hai vị cũng cứ "như con trẻ" nhắm mắt nhào vô: "Thưa Thày, chúng con muốn Thày ban cho chúng con điều chúng con xin?" (Marcô 10:35)

 

         Kết quả chúng ta thấy xem ra Chúa Giêsu đã chịu thua hai anh em "như trẻ nhỏ" này. Với những lý do có thể suy diễn sau đây.

 

         Lý do thứ nhất, là vì Chúa Giêsu biết được hai anh em Giacôbê và Gioan hết lòng yêu mến Người. Bởi đó, ngay sau lần cuối cùng Người tiết lộ cho các tông đồ biết về cuộc tử nạn của Người, thì chỉ có hai anh em Giacôbê và Gioan đã có phản ứng qua lời yêu cầu của họ.

 

         Lời yêu cầu này chứng tỏ hai vị đã hiểu và thông cảm được với Chúa Giêsu hơn ai hết. Chẳng lẽ hai vị ngớ ngẩn đến nỗi rõ ràng nghe thấy Chúa Giêsu nói về thân phận vô cùng bất hạnh và đen tối của Người như thế mà còn xin ngồi hai bên tả hữu của Người?

 

         Chính vì thế mà khi Chúa Giêsu vừa hạch lại hai vị, (làm như Người muốn các vị tông đồ khác đang tức bực với hai vị biết rõ hơn chủ ý của hai vị), vừa tỏ ra thách thức hai vị:  "Các con có biết được điều các con xin không. Các con có uống được chén mà Ta sẽ uống hay chịu được phép rửa trong cùng một cuộc khổ đau như Ta không?" (Marcô 10:38),  "Họ thưa Người: 'Vâng, được'" (Marcô 10:39). 

 

         Lý do thứ hai Chúa Giêsu tỏ ra chịu thua hai anh em Giacôbê và Gioan là ở chỗ này, ở chỗ, cả hai nhất định theo Người cho đến cùng, dù hai vị biết Người đi đâu và con đường Người đi như thế nào, chứ không phải như tông đồ Tôma cho đến giây phút Thày trò gần biệt ly mà còn đặt vấn đề:  "Thưa Thày, chúng con không biết Thày sẽ đi đâu thì làm sao chúng con biết được đường lối" (Gioan 14:5).

 

         Cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ ra như chịu thua trước lòng trung kiên theo Người bất chấp mọi sự của hai anh em Giacôbê và Gioan, bằng câu nói hứa hẹn là "Thày ở đâu các con cũng sẽ được ở đó với Thày" (Gioan 14:3), bao gồm ở cả trong đau thương cũng như vinh hiển, như thế này:  "Các con sẽ uống chén Ta uống' các con sẽ thông phần phép rửa Ta chịu. Nhưng về việc ngồi bên hữu hay bên tả của Ta, thì không phải do Ta, mà là cho những ai đã được chỉ định trước" (Marcô 10:39-40).

 

         Thực tế cho thấy, trong bữa tiệc ly, Gioan chẳng những được ngồi bên cạnh Chúa Giêsu mà còn được dịp ngả đầu vào ngực Người để nghe tâm sự thầm kín của Người (xem Gioan 13:23). Nhất là trên đỉnh núi sọ, dưới chân thập giá Chúa Giêsu, chỉ một mình Gioan đứng để nhận lời trăn trối cuối cùng của Người: "Này là Mẹ con" (Gioan 19:27), và cũng để "từ giờ ấy, vị môn đệ nhận Người làm mẹ của mình" (Gioan 19:27).

 

         Theo Thày cho đến khi đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu như Mẹ Maria, thánh Gioan đã chúng tỏ lòng ngài yêu mến Chúa Giêsu là dường nao. Cũng chính vì tình yêu mãnh liệt này của ngài, (có thể vì thế mà sau nay ở bờ biển Tibêria, ngài không cần phải trả lời với Thày ba lần như thánh Phêrô là "Thày biết con yêu Thày" - Gioan 21:15-17), mà phải nói là ngài đã cùng với Mẹ Maria chịu tử nạn với Chúa Giêsu.

 

         (Phải chăng thánh Gioan bấy giờ đã "cùng chịu một phép rửa với Thay", chịu đóng đanh với Thày, mà ngài đã là vị tử đạo đầu tiên, tử đạo bằng lửa, tử đạo trong tinh thần, thay vì tử đạo bằng máu, tử đạo ở ngoài thân xác như các tông đồ khác sau này. Thật ra, theo hạnh tích của ngài, có lần ngài đã bị bắt bỏ vào vạc dầu sôi, nhưng ngài đã được thiên thần cứu sống, rồi cuối cùng ngài đã chết già tại gò Patmô). 

 

         Thánh Gioan, bởi thế, đã không phải là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 20:2'21:7,20) hay sao, tức người môn đệ được gần Chúa Giêsu nhất, thương Chúa Giêsu nhất và hiểu Chúa Giêsu nhất. Do đó, không lạ gì, với mối thâm tình với Chúa Giêsu như thế, ngài là môn đệ đầu tiên, (sau thánh nữ Mađalena là người được Chúa dùng để đem Tin Mừng Phục Sinh cho chính các môn đệ), tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại (xem  Gioan 20:8), và cũng là người môn đệ đầu tiên nhận ra Thày mình trên biển hồ Tibêria (xem Gioan 21:7).

 

         Bằng chứng hiển nhiên hơn nữa về mối thân tình sâu nhiệm Thay trò này là cuốn Khải Huyền, nhất là cuốn Phúc Âm của "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu". Cuốn Phúc Âm như "phượng hoàng bay bổng" (Khải Huyền 4:7) này, (so với bộ Phúc Âm Nhất Lãm đặt trọng tâm ở nhân tính của Chúa Kitô), là nguồn tài liệu Thánh Kinh duy nhất mạc khải trọn vẹn Thiên Tính của Chúa Kitô:

 

      "Lời ở nơi Thiên Chúa ngay từ ban đầu"(Gioan 1:1), "nhờ Người mà mọi sự được thành nên" (Gioan 1:3), "trong Người chúng được sự sống,  sự sống soi sáng cho con người" (Gioan 1:4). "Ánh Sáng chiếu trong tăm tối (Gioan 1:5), "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta... đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).

 

Tóm lại, qua câu chuyện hai anh em Giacôbê và Gioan xin ngồi bên phải và bên trái Chúa Giêsu,

 

"Trở nên như trẻ nhỏ" là trở nên đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu, bằng cách chấp nhận tất cả mọi đau khổ mà kiên trung theo Người cho đến cùng.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ