GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 28/1/2007 TUẦN IV THƯỜNG NIÊN |
? "Việc cử hành mừng kỷ niệm 40 năm của biến cố này là một cơ hội tốt để tái nhận thức những đề tài sâu xa của việc canh tân phụng vụ theo ý muốn của các Nghị Phụ Công Đồng, để thẩm định vấn đề tiếp nhận việc canh tân này cũng như để hướng về tương lai".
? “Hai vị giáo hoàng của thời điểm này không thể được gán cho tội bàng quang, thủ mưu, hay đồng lõa với kẻ đàn áp”.
? "Việc tôn trọng sự sống con người, cùng với khả năng nghiên cứu, là những gì theo đường hướng đúng đắn trong việc chữa lành và sức khỏe".
"Việc cử hành mừng kỷ niệm 40 năm của biến cố này là một cơ hội tốt để tái nhận thức những đề tài sâu xa của việc canh tân phụng vụ theo ý muốn của các Nghị Phụ Công Đồng, để thẩm định vấn đề tiếp nhận việc canh tân này cũng như để hướng về tương lai".
Tông Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân dịp kỷ niệm 40 năm ban hành Hiến Chế "Sacrosanctum Concilium" về Phụng Vụ Thánh.
(Loạt bài về Phụng Vụ Thánh hay Ngày Chúa Nhật cho các Chúa Nhật kể từ Chúa Nhật 23/4/2006)
Bức Tông Thư thứ 43 tương đối ngắn của ĐTC GPII nhân dịp mừng kỷ niệm 40 năm Công Đồng Chung Vaticanô II ban bố Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh này tất cả gồm có 16 đoạn, ngoại trừ đoạn mở (1) và kết (16) ngắn, được chia ra làm 3 phần rõ rệt: phần thứ nhất có 4 đoạn (2-5), phần hai có 5 đoạn (6-10) và phần ba cũng có 5 đoạn (11-15). Phần nhất là để ôn lại bản Hiến Chế Phụng Vụ Thánh; phần hai để xét lại việc áp dụng thực hành văn kiện này trong 40 năm qua, và phần ba để thực hiện những gì cần thiết hầu kiện toàn Hiến Chế Phụng Vụ Thánh theo tinh thần của Công Đồng.
1. “Thần linh và Hiền thê lên tiếng ‘Hãy đến’. Ai nghe thì nói ‘Xin đến’. Ai khát hãy đến, hỡi kẻ ước muốn hãy uống nước sự sống không phải tốn phí” (Rev. 22:17). Những lời này của Sách Khải Huyền âm vang trong tâm trí của Tôi khi Tôi nhớ lại 40 năm trước đây, vào đúng ngày 4/12/1963, vị tiền nhiệm đáng kính của Tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban hành Hiến Chế “Sacrosanctum Concilium” về Phụng Vụ Thánh. Thật vậy, Phụng Vụ còn là gì nếu không phải là tiếng của Thánh Linh cũng như của Hiền thê là Giáo Hội đồng thanh kêu lên cùng Chúa Giêsu: ‘Hãy đến’? Phụng vụ là gì nếu không phải là nguồn “nước sự sống” tinh tuyền và nguyên thủy được cống hiến cho những ai khao khát lãnh nhận được tặng ân nhưng không của Thiên Chúa (x Jn 4:10)?
Đúng thế, trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh này, Công Đồng Chung Vaticanô II, hoa trái đầu mùa của “đại hồng ân sinh phúc cho Giáo Hội trong thế kỷ 20” (1), Thánh Thần đã nói với Giáo Hội, không ngừng dẫn dắt thành phần môn đệ của Chúa “vào tất cả sự thật” (Jn 16:13). Việc cử hành mừng kỷ niệm 40 năm của biến cố này là một cơ hội tốt để tái nhận thức những đề tài sâu xa của việc canh tân phụng vụ theo ý muốn của các Nghị Phụ Công Đồng, để thẩm định vấn đề tiếp nhận việc canh tân này cũng như để hướng về tương lai.
Trong phần nhất, ĐTC ôn lại Hiến Chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Chung Vaticanô II, bằng cách chẳng những nhắc lại một số nhận định then chốt của Công Đồng về Phụng Vụ (6-8) mà còn nhấn mạnh đến một số điểm quan trọng trong Hiến Chế quan trọng này nói riêng, như vấn đề Thánh Nhạc và Nghệ Thuật Thánh (9-10).
Một thoáng nhìn về Bản Hiến Chế của Công Đồng
2. Qua giòng thời gian, căn cứ vào các hoa trái gặt hái được, người ta rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của văn kiện “Sacrosanctum Concilium”. Văn kiện này đã trình bày sáng tỏ những nguyên tắc làm nền tảng cho tập truyền phụng vụ của Giáo Hội, cũng như làm khởi sắc cho việc canh tân lành mạnh theo giòng thời gian (2). Các Nghị Phụ của Công Đồng đã đặt Phụng Vụ vào bối cảnh của lịch sử cứu độ, một lịch sử nhắm đến việc cứu độ nhân loại và việc hiển vinh Thiên Chúa. Việc cứu độ này được bắt đầu tấu lên nơi cử chỉ thần linh kỳ diệu ở Cựu Ước và được Chúa Kitô làm hoàn trọn, nhất là bằng mầu nhiệm vượt qua với cuộc khổ nạn phúc đức, tử giá, phục sinh và thăng thiên vinh hiển của Người (3). Tuy nhiên, việc cứu độ này không phải để loan báo mà còn phải sống nữa, chính vì vậy mà “toàn thể đời sống phụng vụ được bắt nguồn từ Hiến Tế và Các Bí Tích” (4). Chính Chúa Kitô đã hiện diện một cách đặc biệt nơi những tác động phụng vụ, liên kết Giáo Hội với chính mình Người. Bởi thế mọi việc cử hành phụng vụ mới là việc làm của Chúa Kitô Tư Tế và của Nhiệm Thể Người, “một việc tôn thờ công khai toàn vẹn” (5), làm cho người tham dự như được tiên hưởng Phụng Vụ của Giêrusalem thiên đình (6). Vì vậy, “Phụng Vụ là tột đỉnh hướng tới của hoạt động Giáo Hội, đồng thời còn là nguồn mạch phát xuất tất cả mọi nhân đức của Giáo Hội” (7).
3. Quan điểm về phụng vụ của Công Đồng không chỉ gói gọn vào phạm vi nội tại của Giáo Hội, mà là hướng về chân trời của toàn thể nhân loại nữa. Đúng thế, trong việc Người chúc tụng Cha, Chúa Kitô liên kết mình với toàn thể cộng đồng con người, và Người làm như thế một cách đặc biệt qua sứ vụ nguyện cầu của một “Giáo Hội không ngừng chúc tụng Chúa và cầu bầu ơn cứu độ cho toàn thế giới, chẳng những bằng việc cử hành Thánh Thể mà còn bằng những đường lối khác nữa, nhất là bằng việc đọc Kinh Thần Vụ” (8).
Theo quan điểm của hiến chế "Sacrosanctum Concilium", đời sống phụng vụ của Giáo Hội có tính cách vươn rộng theo chiều kích vũ trụ và toàn cầu, ghi đậm nét thời gian và không gian của con người. Theo quan điểm này, người ta cũng hiểu được cái chú trọng mới được bản Hiến Chế này cống hiến cho Năm Phụng Vu, đó là cách thức Giáo Hội lập lại mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô và sống lại mầu nhiệm này (9).
Nếu Phụng Vụ là tất cả những điều ấy thì Công Đồng đã có lý để xác nhận rằng hết mọi tác động phụng vụ “là tác động thánh hảo đệ nhất, không có một hành động nào khác của Giáo Hội tương đương với giá trị của tác động phụng vụ này ở cùng một cấp độ” (10). Ngoài ra, Công Đồng còn nhìn nhận rằng “Phụng Vụ thánh không là tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội” (11). Thật vậy, một mặt Phụng Vụ bao hàm việc loan báo Phúc Âm, mặt khác, lại cần đến chứng từ của Kitô hữu trong giòng lịch sử. Mầu nhiệm được phác họa cho việc giảng dạy và giáo lý, một mầu nhiệm được đức tin lãnh nhận và được Phụng Vụ cử hành, cần phải khuôn đúc toàn thể đời sống của người tín hữu, thành phần được kêu gọi để loan báo tin mừng của phụng vụ trên thế giới (12).
4. Trong số những thực tại khác nhau được hàm chứa nơi việc cử hành phụng vụ, Hiến Chế này đặc biệt chú trọng tới tầm quan trọng của thánh ca “musica sacra”. Công Đồng nâng cao thánh ca khi nói đến mục đích của nó là “vinh hiển Thiên Chúa và việc thánh hóa tín hữu” (13). Thật vậy, thánh nhạc là một phương tiện thuận lợi để làm cho tín hữu dễ dàng chủ động tham dự vào tác động linh thánh, như đã được vị tiền nhiệm của Tôi là Thánh Piô X mong muốn trong văn kiện motu proprio “Tra le Sollecitudini” của Ngài, một văn kiện được Ngài ban hành cách đây đúng 100 năm. Chính cuộc mừng kỷ niệm này mới đây đã cho Tôi cơ hội để xác nhận là, theo những điều hướng của hiến chế “Sacrosanctum Concilium” (14), cần phải bảo trì ca nhạc và làm tăng thêm vai trò của nó trong các việc cử hành phụng vụ, bằng cách chú trọng tới chính tinh chất của Phụng Vụ cũng như cảm thức của thời đại chúng ta cũng như đến các truyền thống ca nhạc ở các miền đất khác nhau trên thế giới.
5. Một đề tài phong phú khác được khai triển trong bản Hiến Chế của Công Đồng này là đề tài liên quan đến nghệ thuật thánh. Công Đồng đã minh định là việc thờ phượng có thể sáng ngời nhờ việc trang trí cùng vẻ đẹp của nghệ thuật phụng vụ, và việc thờ phượng này sẽ tiếp tục giữ một địa vị quan trọng trong thời của chúng ta đây. Để đạt được mục đích này, cần phải khởi xướng việc huấn luyện những công nhân khéo léo cùng với những chuyên viên nghệ thuật, được kêu gọi thực hiện việc kiến thiết cùng với kiểu cách của những dinh thự được ấn định dùng vào việc thờ phượng (15). Căn bản của những chiều hướng này đó là quan điểm về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thánh, một thứ nghệ thuật liên hệ với “vẻ đẹp thần linh vô cùng, một vẻ đẹp cần phải được thể hiện một cách nào đó nơi các công trình của con người” (16).
Từ Việc Canh Tân đến Tầm Mức Thâm Sâu Hơn
Trong phần thứ hai này, ÐTC nhấn mạnh đến việc kiểm thảo sống phụng vụ (6), đến việc trung thành với ý hướng của Công Ðồng Vaticanô II về việc canh tân phụng vụ (7), đến tầm quan trọng của Lời Chúa (8) cũng như đến Ngày Chúa Nhật (9), đến việc sống đạo theo Phụng Vụ bằng đời sống cầu nguyện (10).
6. Qua 40 năm nhận định, đây là dịp để thẩm định mức tiến bộ của việc canh tân phụng vụ này cho tới nay. Có những dịp Tôi đã đề nghị thực hiện một thứ gọi là kiểm thảo lương tâm liên quan đến việc chấp nhận Công Đồng Chung Vaticanô II (17). Việc kiểm thảo này không thể châm chước đối với đời sống phụng vụ và bí tích. “Phụng vụ đã được sống như là ‘nguồn mạch và tột đỉnh’ của sinh hoạt Giáo Hội chưa, theo giáo huấn của hiến chế 'Sacrosanctum Concilium'”? (18). Việc tái nhận thức giá trị của Lời Chúa được việc canh tân Phụng Vụ phác họa đã có một tác dụng tích cực trong việc cử hành phụng vụ của chúng ta chưa? Phụng Vụ đã đi vào cuộc sống cụ thể của người tín hữu ở mức độ nào và Phụng Vụ đã phản ảnh nhịp sống của các cộng đồng riêng biệt ở mức độ nào? Phụng vụ có được hiểu là phương tiên nên thánh, là một nội lực của hoạt động tông đồ và sứ vụ của Giáo Hội hay chăng?
7. Việc công đồng canh tân Phụng Vụ được thể hiện rõ ràng nhất nơi việc phát hành các sách về phụng vụ. Sau giai đoạn khởi đầu là giai đoạn từ từ thêm các sách đổi mới về việc cử hành phụng vụ, đến giai đoạn cần phải đi sâu hơn vào những kho tàng cùng những chất chứa nơi những việc cử hành phụng vụ này. Tính cách sâu xa này cần phải được thực thi nguyên tắc hoàn toàn trung thành với Sách Thánh và Truyền Thống là những gì được Công Đồng Chung Vaticanô II đặc biệt diễn giải với thẩm quyền của mình, một Công Đồng có những giáo huấn được Huấn Quyền sau đó xác nhận và khai triển. Việc trung thành này trước hết áp dụng cho tất cả những ai thuộc hàng giáo phẩm có “nhiệm vụ hiến dâng việc tôn thờ của Kitô giáo lên Vị Thần Linh Cao Cả và nhiệm vụ điều hành nó theo những chỉ thị của Chúa cùng với luật lệ của Giáo Hội” (19); việc trung thành này cũng bao gồm cả toàn thể cộng đồng giáo hội “theo tính cách đa dạng của bậc sống, vai trò và việc tham dự thật sự” (20).
Theo chiều hướng này thì hơn bao giờ hết lại càng cần phải cổ võ sinh hoạt phụng vụ trong các cộng đồng của chúng ta, bằng một cuộc huấn luyện đầy đủ cho các vị thừa tác viên cũng như cho tất cả mọi tín hữu, nhắm đến việc tham dự một cách trọn vẹn, ý thức và chủ động vào các việc cử hành phụng vụ theo ý hướng của Công Đồng (21).
8. Bởi thế, vấn đề cần thiết đó là chương trình mục vụ về phụng vụ được thi hành hoàn toàn trung thành với những lãnh vực mới. Qua chương trình này, cần phải làm sống lại niềm hứng khởi đối với Lời Chúa theo chiều hướng của Công Đồng trong việc muốn có “những bài đọc Thánh Kinh dồi dào hơn, đổi khác hơn và chọn lọc hơn” (22). Chẳng hạn những bài sách thánh mới cho thấy việc chọn lựa nhiều các đoạn Thánh Kinh đã làm thành một nguồn mạch bất tận cho Dân Chúa kín múc. Thật vậy, chúng ta không được quên rằng “trong việc lắng nghe lời Chúa, Giáo Hội được xây dựng và phát triển; chúng ta cũng không được quên những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã thi hành trong lịch sử cứu độ là những gì, theo sự thật mầu nhiệm của chúng, được phản ảnh qua các dấu hiệu của việc cử hành phụng vụ” (23). Trong việc cử hành phụng vụ, Lời Chúa thể hiện tất cả ý nghĩa của mình, phấn khích đời sống Kitô hữu trong việc liên tục canh tân mình, vì “những gì đã nghe thấy nơi việc cử hành phụng vụ thì sau đó được mang ra tác hành trong đời sống” (24).
9. Việc tưởng nhớ đặc biệt đó là biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô vào Chúa Nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh là trọng tâm của đời sống phụng vụ, như “nền tảng và là cốt lõi của toàn thể phụng niên” (25). Việc chăm sóc mục vụ thật sự đã thực hiện được những nỗ lực đáng kể nhờ đó giá trị của Chúa Nhật hiện được tái nhận thức. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh ở điểm này, đó là “những kho tàng tu đức và mục vụ của Chúa Nhật, như đã được truyền lại cho chúng ta, thật sự lớn lao. Khi hiểu được trọn vẹn tính cách quan trọng cùng những ý nghĩa ngày của Chúa thì Chúa Nhật trở thành một tổng hợp cho đời sống Kitô hữu và là điều kiện để sống ngày này đàng hoàng nữa” (26).
10. Đời sống tu đức của người tín hữu được nuôi dưỡng bằng việc cử hành phụng vụ. Chính từ Phụng Vụ mới cần phải sống theo nguyên tắc đã được Tôi đề ra trong Tông Thư “Mở Màn Tân Thiên Kỷ”, đó là “việc huấn thánh đòi đời sống Kitô hữu nổi bật trên hết trong nghệ thuật cầu nguyện” (27). Hiến chế "Sacrosanctum Concilium" đã dẫn giải nhu cầu khẩn trương này bằng một viễn quan, khi phấn khích cộng đồng Kitô hữu hãy tăng gia đời sống nguyện cầu, chẳng những bằng Phụng Vụ mà còn bằng “những thực hành đạo đức” nữa, miễn là những thực hành này hợp với Phụng Vụ, nếu chúng phát xuất từ Phụng Vụ và dẫn đến Phụng Vụ càng hay (28). Kinh nghiệm mục vụ trong những thập niên vừa qua đã xác nhận cái trực giác này của Hiến Chế này. Theo chiều hướng ấy có việc góp phần quí báu của Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích với Bản Hướng Dẫn về Việc Đạo Đức Phổ Thông và Phụng Vụ (29). Rồi chính Tôi, qua Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria” (30) và việc mở Năm Mân Côi, muốn làm sáng tỏ những gì phong phú về chiêm niêm của kinh nguyện truyền thống này, một kinh nguyện đã được thiết lập lâu đời nơi Dân Chúa, và Tôi khuyên dụ hãy tái nhận thức kính nguyện này như là một đường lối thuận lợi cho việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô nơi học đường của Mẹ Maria.
Những viễn ảnh
Trong phần thứ ba, ÐTC công nhận là việc canh tân Phụng Vụ đã gặp trục trặc, nhưng vẫn có những dấu hiệu khao khát thần linh, một khao khát chỉ được thỏa mãn nơi việc gặp gỡ Chúa Kitô (11), nơi Phụng Vụ Thánh Thể (12), trong thinh lặng nguyện cầu theo gương Chúa Kitô (13), bằng Phụng Vụ Giớ Kinh (14), theo hướng dẫn thẩm quyền của Giáo Hội để theo đúng tinh thần canh tân phụng vụ của Công Ðồng Chung Vaticanô II (15).
11. Nhìn về tương lai, Phụng Vụ cần phải đáp ứng một vài thách đố. Trong giòng thời gian 40 năm này, xã hội đã trải qua những đổi thay sâu xa, trong số đó có những thay đổi rất gian nan khốn khó đối với cuộc dấn thân của Giáo Hội. Chúng ta đang đối diện với một thế giới làm cho những dấu hiệu của Phúc Âm đang bị suy yếu đi, kể cả ở những miền đất có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Đây là thời gian của một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa. Phụng vụ phải trực diện với cuộc thách đố này.
Thoạt nhìn thì đường như phụng vụ bị loại trừ ở một xã hội đang bị tục hóa rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, bất chấp vấn đề tục hóa, thời đại của chúng ta lại hiện lên một nhu cầu mới về linh đạo dưới rất nhiều hình thức. Làm sao người ta lại không thấy nơi hiện tượng này chứng cớ về sự kiện tận là thâm tâm của mình con người không thể nhận chìm được nỗi khát khao Thiên Chúa? Có nhiều vấn nạn chỉ tìm thấy giải đáp nơi việc giao tiếp riêng tư với Chúa Kitô mà thôi. Chỉ khi nào sống thân mật với Người thì hết mọi cuộc sống mới có ý nghĩa, và mới có thể tiến đến chỗ cảm nghiệm được niềm vui được Thánh Phêrô nói lên trên núi Biến Hình: “Lạy Thày chúng con được ở đây thì hay quá” (Lk 9:33 par).
12. Nếu có nỗi khát mong được gặp gỡ Thiên Chúa ấy, thì Phụng Vụ mới cung cấp câu giải đáp sâu xa nhất và hiệu nghiệm nhất. Phụng Vụ làm điều này nhất là nơi Thánh Thể, một bí tích giúp chúng ta được kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô và được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Người. Tuy nhiên, Các Vị Mục Tử cần phải thực hiện điều này để làm sao cho ý nghĩa của mầu nhiệm ấy thấm nhập vào lương tâm con người, bằng việc tái nhận thức và thực hành một thứ nghệ thuật ‘thần nhiệm’ được các Vị Giáo Phụ yêu chuộng (31). Các Vị Chủ Chăn đặc biệt có nhiệm vụ phải cổ võ những việc cử hành xứng đáng, chú trọng tới những tầng lớp dân chúng khác nhau, như trẻ em, giới trẻ, người lớn, lão thành và người khuyết tật. Tất cả cần phải cảm thấy họ được cộng đoàn của chúng ta đón nhận, nhờ đó có thể hít thở bầu khí của cộng đồng tín hữu tiên khởi, đó là “họ chuyên chú lắng nghe giáo huấn của các vị tông đồ và vào cuộc sống chung, vào việc bẻ bánh và việc nguyện cầu” (Acts 2:42).
13. Một khía cạnh cần phải được dấn thân hơn nữa vun trồng trong các cộng đồng của chúng ta đó là kinh nghiệm thinh lặng. Chúng ta cần phải thinh lặng “để lãnh nhận trong tâm hồn mình âm vang trọn vẹn của tiếng nói Thánh Linh, cũng như để liên kết nguyện cầu một cách tâm giao hơn nữa với Lời Chúa cũng như với tiếng nói công khai của Giáo Hội” (32). Trong một xã hội sống hào nhoáng, một xã hội bị rối loạn bởi những lời đồn thổi và bị phân tâm nơi những gì mau qua chóng hết thì cần phải tái nhận thức được giá trị của thinh lặng. Không phải là tình cờ mà ngoài việc thờ phượng của Kitô giáo, còn có việc thực hành suy niệm đang được lan tràn làm tăng thêm tầm quan trọng cho việc phản tỉnh. Tại sao lại không dám theo sư phạm để thực hiện một cuộc giáo dục đặc biệt về sự thinh lặng trong giới hạn của kinh nghiệm Kitô giáo nhỉ? Chúng ta phải lấy gương sống của Chúa Giêsu, Đấng “đã chỗi dạy đi đến một nơi cô tịch mà cầu nguyện” (Mk 1:35). Phụng vụ, trong những thời khắc và dấu hiệu khác nhau của mình, không thể bỏ qua cái thinh lặng này.
14. Chương trình mục vụ về phụng vụ, khi nói đến những việc cử hành khác nhau, cần phải mớm thêm cả hương vị nguyện cầu nữa. Việc này chắn chắn được thực hiện khi chú trọng tới khả năng của các tín hữu cá biệt, theo hoàn cảnh sống khác nhau về tuổi tác và trình độ giáo dục của họ; thế nhưng việc này cũng được thực hiện nữa nếu không thỏa nguyện với những gì là “tối thiểu”. Khoa sư phạm của Giáo Hội là ở chỗ “dám làm”. Cần phải giới thiệu cho tín hữu việc cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh, “vì đó là lời cầu nguyện công khai của Giáo Hội, là nguồn mạch đạo hạnh và là dưỡng chất cho việc cầu nguyện tư riêng” (33). Đây không phải là một tác động cá nhân hay tư riêng “mà là việc thuộc về toàn thể Thân Mình của Giáo Hội. […] Bởi thế, nếu tín hữu được triệu hợp cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh và nếu họ hợp lại với nhau, đồng thanh nhất trí, họ bộc lộ cho thấy Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô” (34). Việc chú trọng đặc biệt này đối với vấn đề cầu nguyện theo phụng vụ như thế không được trở nên căng thẳng đối với việc cầu nguyện theo cá nhân, trái lại, việc cầu nguyện theo phụng vụ mặc lấy và cần đến việc cầu nguyện theo cá nhân (35), cùng bao gồm nó với những hình thức khác của việc cầu nguyện cộng đồng, nhất là khi việc cầu nguyện cộng đồng này được Thẩm Quyền Giáo Hội công nhận và khuyến lhích (36).
15. Phận sự của các Vị Chủ Chăn là những gì không thể châm chước, trong việc giáo dục cầu nguyện, nhất là trong việc cổ võ đời sống phụng vụ. Nó bao hàm nhiệm vụ nhận thức và hướng dẫn. Nhiệm vụ này không được nhận định như là một nguyên tắc cứng cỏi, ngược lại với nhu cầu của tinh thần Kitô giáo phó mình cho tác động của Thần Linh Chúa, Đấng chuyển cầu trong chúng ta và “cho chúng ta bằng những lời than khôn tả” (Rm 8:26). Trái lại, qua việc hướng dẫn của các Vị Chủ Chăn, cần thực hiện nguyên tắc “bảo đảm” theo dự định của Thiên Chúa đối với Giáo Hội, một Giáo Hội được quản trị nhờ Thánh Linh hỗ trợ. Việc canh tân phụng vụ được thể hiện trong những thập niên này đã cho thấy cách thức có thể hòa hợp cái qui tắc có thể bảo đảm Phụng Vụ giữ được căn tính của mình cùng với tác hành thích hợp của mình, mà vẫn có chỗ cho việc sáng tạo và thích nghi, khiến nó gần gũi với những nhu cầu minh nhiên của các miền đất khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau và các thứ văn hóa khác nhau. Nếu không tôn trọng qui chuẩn phụng vụ, có những lúc thậm chí người ta tiến đến chỗ thực hiện những lạm dụng trầm trọng làm lu mờ đi thực tại của mầu nhiệm và tạo nên tình trạng phiền toái cũng như căng thẳng nơi Dân Chúa (37). Những lạm dụng như vậy không hề có liên quan gì tới tinh thần đích thực của Công Đồng hết, và là những lạm dụng cần phải được Các Vị Mục Tử sửa chữa bằng một thái độ mạnh mẽ khôn khéo.
Kết luận
16. Trong đời sống của Giáo Hội, việc ban hành Hiến Chế phụng vụ này đã đánh dấu một hết sức giai đoạn quan trọng cho việc phát động và phát triển về Phụng Vụ. Giáo Hội, được sinh động bởi hơi thở Thần Linh, sống sứ vụ của mình “là bí tích, tức là dấu hiệu và là dụng cụ cho mối hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa cũng như cho mối hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (38), thấy được nơi Phụng Vụ cái thể hiện cao cả nhất cho mầu nhiệm và thỉc tại của mình.
Trong Chúa Giêsu Kitô và trong Thần Linh của Người, toàn thể cuộc sống Kitô hữu trở thành “một hy tế sống động, thánh hảo và đáng Chúa chấp nhận”, “một việc tôn thờ linh thiêng” đích thực (Rm 12:1). Thật vậy, Mầu nhiệm được hiện thực nơi Phụng Vụ thực là cao cả. Mầu nhiệm này hướng về trái đất một thoáng nhìn của Trời Cao làm cho cộng đồng tín hữu được nâng lên, hợp với cuộc xướng hát của Giêrusalem trên trời, hát bài thánh ca chúc tụng ngàn đời: "Sanctus, Sanctus, Sanctus, Dominus Deus Sabaoth. Pleni sunt caeli et terra gloria tua. Hosanna in excelsis!" - “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời!”.
Đang hiện lên có một “thứ linh đạo về phụng vụ” ở vào đầu thiên niên kỷ đây, một linh đạo làm cho người ta nhận thức được rằng Chúa Kitô là vị đệ nhất “phụng gia”, Đấng đã không thôi tác hành trong Giáo Hội cũng như trên thế giới bằng quyền năng của mầu nhiệm vượt qua được cử hành liên tục, và là Đấng liên kết Giáo Hội với bản thân Người để chúc tụng Cha trong sự hiệp nhất của Thánh Linh.
Với nhận thức này, Tôi hết lòng ban Phép Lành của Tôi cho tất cả mọi người.
Tại Điện Vatican ngày 4/12/2003, năm thứ 26 của Giáo Triều Tôi.
GIOAN PHAOLÔ II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 12/12/2003.
Những trích dẫn:
1 John Paul II, Apostolic Letter "Novo
Millennio Ineunte," (6 January 2001), 57: AAS 93 (2001), 308; cf. Apostolic
Letter "Vicesimus Quintus" (4 December 1988), 1: AAS 81 (1989), 897.
2 Cf. n. 3.
3 Cf. n. 5.
4 N. 6.
5 N 7.
6 Cf. n. 8.
7 N. 10.
8 N. 83.
9 Cf. n. 5.
10 N. 7.
11 N. 9.
12 Cf. n. 10.
13 N. 112.
14 Cf. n. 6.
15 Cf. n. 127.
16 N. 122.
17 Cf. Apostolic Letter "Tertio Millennio Adveniente" (10 November 1994), 36:
AAS 87 (1995), 28.
18 Ibid.
19 Conc. Ecum. Vat. II, Dogmatic Constitution on the Church "Lumen Gentium," 26.
20 Conc. Ecum. Vat. II, Constitution on Sacred Liturgy "Sacrosanctum Concilium,"
26.
21 Cf. n. 14; John Paul II, Apostolic Letter "Vicesimus Quintus" (4 December
1988), 15: AAS 81 (1989), 911-912.
22 N. 35.
23 "Ordo Lectionum Missae," 7.
24 Ibid., 6.
25 Conc. Ecum. Vat. II, Constitution on Sacred Liturgy "Sacrosanctum Concilium,"
106; cf. John Paul II, Apostolic Letter "Vicesimus Quintus" (4 December 1988),
22: AAS 81 (1989), 917.
26 John Paul II, Apostolic Letter "Dies Domini" (31 May 1998), 81: AAS 90
(1998), 763.
27 N. 32: AAS 93 (2001), 288.
28 Cf. n. 13.
29 Vatican City, 2002.
30 Cf. AAS 95 (2003), 5-36.
31 Cf. John Paul II, Apostolic Letter "Vicesimus Quintus" (4 December 1988), 21:
AAS 81 (1989), 917.
32 "Institutio Generalis Liturgiae Horarum," 213.
33 Conc. Ecum. Vat. II, Constitution on the Sacred Liturgy "Sacrosanctum
Concilium," 90.
34 "Institutio Generalis Liturgiae Horarum," 20.22.
35 Cf. Conc. Ecum. Vat. II, Constitution on the Sacred Liturgy "Sacrosanctum
Concilium," 12.
36 Cf. ibid., 13.
37 John Paul II, Lett. enc. "Ecclesia de Eucharistia" (17 April 2003), 52: AAS
95 (2003), 468; Apostolic Letter "Vicesimus Quintus" (4 December 1988), 13: AAS
81 (1989), 910-911.
38 Conc. Ecum. Vat. II, Dogmatic Constitution on the Church "Lumen Gentium," 1.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html
“Hai vị giáo hoàng của thời điểm này không thể được gán cho tội bàng quang, thủ mưu, hay đồng lõa với kẻ đàn áp”.
Mạng Điện Toán Toàn Cầu Zenit phỏng vấn sử gia Allesandro Duce
Rome, ngày 17.11.2006 – Một cuốn sách mới được phát hành đã hồi phục cuộc tranh cải về tiến trình phong chân phước cho ĐGH Piô XII. Tập sách “La Santa Sede e la questionaire ebraica (1933-1945)” (Tòa Thánh và vấn đề người Do Thái (1933-1945) được viết bởi sử gia Alessandro Duce, giáo sư môn lịch sử về mối quan hệ quốc tế tại trường Đại Học Parma, và được phát hành bởi nhà xuất bản Studium.
Duce tận dụng văn khố của Tòa thánh cũng như những nguồn ngoại giao Ý mà ít ai biết đến. Một trong những vấn đề được sách tiết lộ là các nỗ lực mà Vatican đã thực hiện để giúp đưa người Do Thái ở Âu châu sang Châu Mỹ, cũng như hành động chống đối của Tòa Thánh đối với việc ban luật chống người Do Thái ở miền Trung và Đông Châu Âu.
Sự giới thiệu sách tại Roma gần đây cũng đã đánh thức cuộc tranh cải xung quanh tiến trình phong chân phước ĐGH Piô XII. Nhiều tin tức từ báo, đài cho rằng Đức Hồng Y Jose Saraiva Martins, tổng trưởng Thánh Bộ Đặc Tránh Án Phong Thánh, tuyên bố rằng “án phong thánh” của ĐGH Piô XII đã bị “ngừng”.
Khi được ZENIT đặt vấn đề, phát ngôn viên cho nỗ lực phong chân phước ĐGH Piô XII, Linh mục Dòng Tên Peter Gumble, cho hay ĐHY Saraiva Martins đã yêu cầu cha tuyên bố rằng ngài “đã chưa từng đưa ra một lời tuyên bố khẳng định rằng “án phong thánh” của ĐGH Piô XII bị ‘ngừng’”.
Cha Gumpel cũng đã phê bình một bài báo được đăng ngày 26.10 trong tờ Il Corriere della Sera cho rằng sách của Duce là chỉ trích ĐGH Piô XII, “trong khi rõ ràng là có hàng trăm trang sách trình bày tài liệu chứng minh cách và mức độ mà các ĐGH Piô XI và đặc biệt ĐGH Piô XII đã làm cho người Do Thái”.
Để hiểu rõ vấn đề hơn, ZENIT đã phỏng vấn giáo sư Duce.
Vấn: Cuốn sách này mất hết 5 năm nghiên cứu. Lý do gì đã thúc đẩy ông tham khảo sâu xa hơn về mối quan hệ giữa Tòa Thánh và “vấn đề người Do Thái”?
GS. Duce: Từ việc xem xét kỹ lưỡng rất nhiều công trình nghiên cứu và văn khố sẵn có, tôi đã đi đến một lập trường: Không có bất cứ môt công trình nghiên cứu hệ thống và chặt chẻ nào về lối hành xử của Tòa Thánh và các cơ cấu ngoại giao của Tòa Thánh trong hết khoảng thời gian và địa lý mà sự bạo hành của phong trào Nazi và sự chống đối người Do Thái được biểu hiện. Tôi đã nỗ lực điền vào chỗ trống này; tôi không dám nói là tôi đã thành công.
Vấn: Kết luận của quá trình nghiên cứu của ông như thế nào? Mối quan hệ giữa các ĐGH Piô XI và Piô XII với người Do Thái như thế nào? Các ngài đã cư xử như thế nào trước những luật kỳ thị chủng tộc và sự đàn áp người Do Thái?
GS. Duce: Trong những năm diễn ra sự đàn áp, mối quan hệ giữa những người cao nhất trong cộng đồng Do Thái và Vatican ngày càng thường xuyên và mãnh liệt. Hai vị giáo hoàng của thời điểm này không thể được gán cho tội bàng quang, thủ mưu, hay đồng lõa với kẻ đàn áp.
Vấn: Một bài báo được đăng ngày 26.10 trong Il Corriere della Sera cho rằng sách của ông duy trì quan điểm về ĐGH Piô XII là người “lưỡng lự, cô lập” thậm chí bất động, ngài “không thể bảo vệ tín đồ hay tu sĩ khỏi nạn đàn áp và sự tử vì đạo”. Phải chăng đây là kết luận từ việc nghiên cứu của ông?
GS. Duce: Về bản chất thì nhận xét của nhà báo chính xác và thích hợp, nhưng cần có sự cắt nghĩa, đó là một cách đọc cụ thể, được đặt trong bối cảnh của các sự kiện.
Việc ĐGH Piô XII không thể bảo vệ chính tín đồ và tu sĩ khỏi sự bạo hành của đảng Xã hội chủ nghĩa quốc gia nên làm cho chúng ta suy gẫm. Phải chăng chúng ta có thể mong chờ một người không có đủ sức để bảo vệ “đàn chiên của mình” lại có khả năng cứu người “hàng xóm”?
Bối cảnh thời đại là sự đàn áp ở hai khía cạnh: chống đối người Công giáo, nói chung chống đối tôn giáo, và chống đối người Do Thái. Tôi nghĩ vô ích khi nói rõ là điều thứ hai kinh khủng và dữ tơn hơn điều thứ nhất.
Vấn: Trong dịp giới thiệu sách của ông đã có một số tiếng nói ủng hộ việc ngừng tiến trình phong chân phước ĐGH Piô XII. Ý kiến của ông đối với việc này như thế nào?
GS. Duce: Việc nghiên cứu của tôi không có mục tiêu là ảnh hưởng đến tiến trình phong chân phước ĐGH Piô XII. Chính tôi phải thừa nhận tôi không biết chính xác những điều kiện của tiến trình này, và hiện nay nó đang ở điểm nào.
Tôi đã nêu bật hàng trăm tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu trước đây chưa được biết tới. Tôi không loại trừ việc một số trong đó có thể bổ ích cho công việc của ủy ban đảm trách việc phong chân phước.
Đối với tôi công việc “lịch sử” đã rất gian khổ; tôi không có ý định nào muốn đảm trách luôn việc của ủy ban này.
Vấn: Cuối sách của ông có một chương mang tên “Chiến dịch từ thiện”. Ông có thể giải thích nó hay không?
GS. Duce: “Chiến dịch từ thiện” là một cụm từ có hiệu lực và tích cực mà các đại diện có chức quyền tại Vatican đã sử dụng trong một số trường hợp. Nó muốn nêu bật hành động được thực hiện bởi Tòa Thánh trong thời điểm xung đột để bảo vệ các nạn nhân: tìm kiếm những người thất lạc; thông tin; giúp những người bị giữ lại; hỗ trợ việc di cư; giúp đỡ kinh tế cho các gia đình, tù nhân, người bị trục xuất, v.v.
Rõ ràng đây là nỗ lực vĩ đại và kéo dài được duy trì bởi các cơ quan Vatican mà, tuy thế, không được kết hợp với những mục tiêu này. Giáo hội Roma muốn hỗ trợ mọi khía cạnh bất kể tôn giáo, quốc gia, hay chủng tộc. Trong vô số nạn nhân còn có người Do Thái.
Rev Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo tài liệu của Zenit ngày 17/11/2006
"Việc tôn trọng sự sống con người, cùng với khả năng nghiên cứu, là những gì theo đường hướng đúng đắn trong việc chữa lành và sức khỏe".
Tòa Thánh Vatican hy vọng trước Việc Khám Phá mới Về Việc Tạo Ra Thân Bào
Theo dõi việc loan báo tuần vừa rồi, ĐHY Javier Lozano Barragan đã phát biểu trên Đài Phát Thanh Vatican rằng ngài hy vọng về tin tức cho rằng các thứ thân bào có thể tạo ra được từ các thứ dung dịch của bọc phôi thai nhân bào, miễn là bao lâu những điều kiện về đạo đức được tôn trọng hợp với tất cả những thứ cấy ghép.
Không như phương pháp tạo các thứ thân bào đòi phải hủy diệt đi những phôi thai nhân bào, thì tin tức khởi đầu dường như cho thấy là phương pháp khám phá mới này trong việc lấy các thứ thân bào hợp với việc tôn trọng sự sống con người.
Việc khám phá này là thành quả từ những nỗ lực của các khoa học gia ở Đại Học Harvard, cùng với các nghiên cứu gia ở Padua Ý quốc cũng như ở Trung Tâm Y Khoa Baptist Đại Học Wake Forest Bắc Carolina. Cuộc khám phá này đã làm bùng lên một cuộc tranh cãi sôi nổi.
Nhà sơ sinh học Carlo Valerio Bellieni thuộc Y Viện Đa Khoa Đại Học Le Scotte ở Siena Ý quốc, đồng thời cũng là phần tử của Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống, đã cho mạng điện toán toàn cầu Zenit biết rằng ‘việc khám phá ra sự hiện diện của các thân bào nơi dung dịch của bọc phôi thai nhân bào là những gì phấn khởi’.
Theo ông thì các thân bào này ‘vốn sẵn có và có cả một số lượng lớn loại thân bào này. Chắc chắn là việc khám phá này là một tín hiệu mạnh mẽ cho những ai theo đuổi việc nghiên cứu trong lãnh vực này: Cần phải có các nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu những thân bào ấy cũng như cho những kho lưu giữ loại dung dịch quí báu ấy. Như đã xẩy ra với trường hợp ở máu của cái nhau thế nào thì đã có đầy loại dung dịch của bọc phôi thai nhân bào này ngay khi nó vừa xuất hiện.
'Hiển nhiên là điều này khiến con người nghĩ rằng phải chăng là việc hợp lý để mà phân phối các nguồn tài trợ dồi dào để có được những thứ tế bào từ các phôi thai nhân bào mà kết quả là làm cho các phôi thai nhân bào đó chết đi mà chẳng có được hay thậm chí thấy được thành quả gì về y học cả’. Trong khi đó ‘những nguồn tài trợ ấy có thể được sử dụng để thu thập những thân bào già hiệu quả và hữu dụng’.
Được hỏi về những nguy cơ liên quan tới đạo đức học nơi việc khám phá mới này, nhà sơ sinh học này bày tỏ 2 điều quan tâm như sau:
‘Mối quan tâm thứ nhất đó là thứ dung dịch ở bọc phôi thai sinh bào này được sử dụng tư riêng… Cần phải lưu ý tới điều này, vì, đáng buồn thay, chúng ta đã thấy một khuyn h hướng nào đó trong việc tư hữu hóa chất liệu sinh học là những gì có thể được sử dụng chung, như đã xẩy ra ở một số xứ sở đối với trường hợp về máu ở cái nhau, một chất được giữ xài riêng thay vì bỏ vào kho chung. Nhiều tổ chức quốc tế đã phản đối việc hoang phí này và thái độ ấy, những gì phạm tới thành phần không thể giữ chất liệu thân bào vì những lý do gia sản.
‘Mối quan tâm thứ hai xuất phát từ việc bảo đảm là làm sao để đừng gây ra nguy hiểm cho đứa bé sơ sinh khi thu thập dung dịch ở bọc phôi thai nhân bào…. Việc nghiên cứu khoa học là một điều hệ trọng. Muốn ép uổng nó cho những lý do ý hệ, như đã từng xẩy ra trong trường hợp của những ai muốn sử dụng các phôi thai nhân bào như cách thức duy nhất, thì chỉ đi đến chỗ uổng phí tiền bạc và mất thời gian quí báu mà thôi. Một lần nữa chúng ta thấy rằng việc tôn trọng sự sống con người, cùng với khả năng nghiên cứu, là những gì theo đường hướng đúng đắn trong việc chữa lành và sức khỏe’.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/1/2007