GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 3/1/2007 TRƯỚC LỄ HIỂN LINH |
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Lễ Thánh Stêphanô Tử Đạo Thứ Ba 26/12/2006
? Cuộc hành quyết nhà cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein: Nội vụ và Lợi/Hại - Tòa Thánh lên tiếng trước cuộc tử hình của nhà cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein
? Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: TỪ CHÚA KITÔ, ĐẤNG TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA ĐẾN GIÁO HỘI TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Lễ Thánh Stêphanô Tử Đạo Thứ Ba 26/12/2006
Anh Chị Em thân mến,
Vào ngày sau lễ trọng Giáng Sinh, hôm nay chúng ta cử hành lễ kính Thánh Stephanô, phó tế và là vị tử đạo tiên khởi. Thoạt nhìn thì việc liên kết cuộc tưởng niệm vị ‘tử đạo tiên khởi’ này và việc giáng sinh của Chúa Cứu Thế có thể là những gì gây ngỡ ngàng, vì cái tương phản giữa niềm an bình và hân hoan ở Bêlem với tình trạng thảm thương của Thánh Stephanô bị ném đá ở Gia Liêm trong cuộc bách hại đầu tiên Giáo Hội sơ khai phải chịu.
Thật vậy, cái ngược ngạo rõ ràng này được thắng vượt nếu chúng ta phân tích sâu xa mầu nhiệm Giáng Sinh. Con Trẻ Giêsu, nằm trong hang đá, là Người Con duy nhất của Thiên Chúa làm người. Người sẽ cứu nhân loại bằng việc chết trên cây thập tự giá.
Giờ đây chúng ta thấy Người được bọc trong khăn nằm trong máng cỏ, sau cuộc tử giá, Người lại được quấn khăn niệm và đặt trong mồ đá. Không phải là vô cớ mà tranh ảnh về Giáng Sinh đôi khi trình bày cho thấy Con Trẻ thần linh mới sinh ở trong một quan tài bằng đá nhỏ, ám chỉ là Đấng Cứu Thể được hạ sinh để chết đi, Người được hạ sinh để hiến sự sống làm giá chuộc cho tất cả mọi người.
Thánh Stephanô là vị đầu tiên theo bước chân của Chúa Kitô bằng việc tử đạo: như Vị Thành thần linh của mình, ngài đã chết trong khi thứ tha và nguyện cầu cho những kẻ hành quyết ngài (x Acts 7:60). Trong 4 thế kỷ đầu của Kitô Giáo, tất cả mọi vị thánh được Giáo Hội tôn kính đều là các vị tử đạo.
Các vị là một đám đông vô số kể, được phụng vụ gọi là ‘đạo bạch binh tử đạo’ (martyrum candidates exercitus). Cái chết của các vị không phải là một lý do để sợ hãi và buồn bã mà là lý do để sinh động tinh thần là những gì luôn làm bừng lên những Kitô hữu mới. Đối với các tín hữu thì ngày qua đời, thậm chí còn hơn thế nữa, ngày tử đạo, không phải là cùng tận của hết mọi sự, mà là ‘cuộc đi vào’ sự sống bất diệt, ngày hạ sinh sau hết, ‘dies natalis’. Có thể mới hiểu được cái liên kết giữa ‘dies natalis’ của Chúa Kitô và ‘dies natalis’ của Thánh Stephanô. Nếu Chúa Giêsu không được sinh vào trần gian này thì con người không thể nào được sinh vào nước trời. Chính vì Chúa Kitô đã được hạ sinh mà chúng ta mới được ‘tái sinh’.
Mẹ Maria cũng thế, vị đã ôm lấy Chúa Cứu Thế trong vòng tay của mình ở Bê Lem, đã trải qua một cuộc tử đạo nội tâm. Mẹ đã chia sẻ với Cuộc Khổ Nạn của Người và đã ôm lấy Người một lần nũa trong vòng tay của Mẹ, khi Người được tháo xuống khỏi thập giá. Chún g ta hãy ký thác cho người mẹ này, người đã cảm thấy niềm vui của việc hạ sinh và nỗi sầu thương về cái chết nơi Người Con thần linh của Mẹ, những ai đang bị bách hại và những ai đang trải qua khổ đau, bằng các cách thức khác nhau, để làm chứng và phục vụ cho Phúc Âm.
Bằng mối liên kết thiêng liêng đặc biệt, tôi cũng nghĩ tới những người Công Giáo đang còn trung thành với Tòa Thánh Phêrô một cách cương quyết, thậm chí có những lúc phải trả bằng giá những khổ đau tê tái. Toàn thể Giáo Hội ca ngợi gương của họ và cầu xin để họ có thể mạnh mẽ kiên trì, biết rằng những gian nan khốn khó của họ là nguồn mạch vinh thắng, cho dù lúc này đây họ dường như bị thua bại.
Một lần nữa xin chúc tất cả anh chị em được hưởng một Giáng Sinh hạnh phúc!
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
1/1/2007
? Cuộc hành quyết nhà cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein: Nội vụ và Lợi/Hại -
Tòa Thánh lên tiếng trước cuộc tử hình của nhà cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein
Trong bài “Hussein executed with 'fear in his face'” và “Hussein execution: World reaction”được mạng điện toán toàn cầu CNN phổ biến vào chính ngày hành quyết này, thì biến cố này xẩy ra vào lúc sau 6 giờ sáng 1 chút (tức 10 giờ đêm ở Nữu Ước Hoa Kỳ) ngày 30/12/2006, như vị cố vấn an ninh quốc gia là Mowaffak al-Rubaie cho đài truyền hình Iraq là Al-Arabiya biết như thế. Ông này là người chứng kiến cuộc hành quyết ấy, và đã cho biết rằng:
“Trang sử tăm tối đã được lập qua. Saddam đã ra đi. Hôm nay Iraq là một Iraq cho tất cả mọi người dân Iraq, và tất cả mọi người dân Iraq đều nhìn về phía trước mặt… Kỷ nguyên của Hussein đã vĩnh viễn qua đi”.
Về thái độ của nhà độc tài Saddam Hussein trước khi chết, nhân chứng này cho biết ông ta “đã thuận phục một cách lạ lùng”: “Ông ta là một con người suy sụp. Ông tỏ ra sợ hãi. Quí vị có thể thấy được nỗi hãi sợ trên khuôn mặt của ông ấy”. Hussein đã mang theo bên mình cuốn Kinh Koran và yêu cầu trao cuốn ấy cho “một người nào đó”.
Ông bị hành quyết tại văn phòng Quân Đoàn 5 ở Qadhimiya, ngoài Vùng Xanh được canh gác can mật và không có một người Hoa Kỳ nào ở đó. Nhà lãnh tụ Saddam Hussein không chịu đội chiếc mũ trùm đầu đen trước cuộc hành quyết. “Không có một vị giáo sĩ Shiite hay Sunni nào hiện diện hết, chỉ có những chứng nhân và những ai thi hành bản án tử mới có mặt”.
Nạn nhân bị hành quyết tử hình này vì tội thảm sát Dujail name 1982 làm cho 148 người Iraq bị chết sau khi họ cố gắng thực hiện một cuộc ám sát vị tổng thống này lúc ấy. Hai người khác cũng bị án tử hình cùng với nhà cựu lãnh đạo này là Barzan Hassan, người anh em của nhà độc tài này, và Awwad Bandarm, nguyên chánh án của Tòa Án Cách Mạng, nhưng hai người này sẽ bị hành quyết sau, vì nhà cựu lãnh đạo độc tài Saddam Hussein can phải có một ngày riêng.
Cũng người nhân chứng này cho biết cuộc hành quyết được thu hình và chụp hình trọn vein từ lúc nhà cựu độc tài được chuyển từ nhà tù của Hoa Kỳ sang Iraq cho đến khi ông ta qua đời. Nhiều người theo Hồi Giáo phái Shitte đã nhẩy mừng chung quanh xác của Saddam Hussein.
Một trong những luật sư biện hộ cho nhà cựu độc tài lãnh đạo này là Badie Aref đã cho CNN biết rằng Saddam Hussein đã gặp hai người anh em của mình là Sabawi và Wathban Ibrahim Hassanal-Tikriti trong tù hôm Thứ Năm và nhắn nhủ một số điều cho gia đình ông. Ông ta không muốn gặp một ai khác, kể cả người vợ của ông là người mẹ có 5 người con với ông.
Người luật sư này còn cho biết những người lính Hoa Kỳ đã tịch thu cái máy vô tuyến truyền thanh của ông hôm Thứ Ba vì không muốn cho ông nghe thấy tin tức ông bị xử tử được loan báo vào chính hôm ấy, và ngày hôm sau họ trả lại cho ông chiếc máy này. Tuy nhiên ông ta cũng biết được bản án được tòa kháng án công bố chỉ sau và giờ sau đó.
Trước cuộc hành quyết án tử hình giành cho nhà cựu lãnh đạo độc tài Saddam Hussein này, nhiều quốc gia (như Hiệp Vương Quốc, Pháp, Úc Đại Lợi, nhất là Tòa Thánh Vatican) và nhóm nhân quyền (như cơ quan Canh Chừng Nhân Quyền - Human Rights Watch hay Hội Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International) cho biết họ không ủng hộ án tử hình.
Một số thì hy vọng rằng việc hành quyết nhân vật Saddam Hussein sẽ mang lại một khúc quanh lịch sử cho nhân dân Iraq, nhưng một số (hầu hết là chống án tử) lại tỏ ra quan ngại sẽ xẩy ra phản ứng bất lợi. Chẳng hạn vị ngoại trưởng Ba Tây đã nói: “Ba Tây không tin rằng việc thi hành bản án này sẽ góp phần vào việc mang lại hòa bình cho Iraq”.
Theo VIS hôm 30/12/2006, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, qua vị giám đốc là linh mục Federico Lombardi, S.J., đã phổ biến một bản tuyên ngôn vào buổi trưa trước cuộc hành quyết án tử hình đối với nhà cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, một biến cố xẩy ra vào bình minh ở thủ đô Baghdad, nguyên văn như sau:
“Việc hành quyết án tử hình bao giờ cũng là một tin tức thê thảm, một nguyên do gây sầu buồn, cho dù con người đó có vấp phạm những tội ác kinh hoàng đi nữa.
“Chủ trương của Giáo Hội Công Giáo chống lại án tử hình là những gì vẫn thường được lập đi lập lại.
“Việc sát hại một người có lỗi không phải là cách thức tái thiết công chính và hòa giải xã hội, trái lại còn có nguy cơ nung nấu tinh thần trả thù và khơi động việc bạo động mới.
“Ở vào thời điểm tối tăm này nơi đời sống của nhân dân Iraq, chúng ta chỉ biết hy vọng rằng tất cả những ai có trách nhiệm phải thực sự hết sức cố gắng để, trong một tình trạng thê thảm như thế, niềm hy vọng hòa giải và hòa bình cuối cùng được vươn lên”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: TỪ CHÚA KITÔ, ĐẤNG TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA ĐẾN GIÁO HỘI TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
(tiếp
12 Thứ Ba)
11. Miệt Mài Rao Giảng
Chúa Kitô đã hoàn tất việc loan báo vương quốc của Thiên Chúa bằng việc không ngừng rao giảng bằng lời nói, thứ ngôn từ mà, được dân cho rằng không ai bằng: “Đó là một thứ giáo thuyết mới, nói có quyền thế” (Mk.1:27). “Người đã được mọi người đón nhận, và họ ngỡ ngàng về những lời lẽ ân sủng phát ra từ môi miệng của Người” (Lk.4:22). “Chưa hề có ai nói năng như Người” (Jn.7:46). Những lời của Người mạc khải cho thấy bí mật sâu nhiệm của Thiên Chúa, dự án của Ngài và lời hứa của Ngài, nhờ đó Người làm thay đổi tâm can và định mệnh của con người.
12. Bằng Những Dấu Chỉ Phúc Âm
Thế nhưng, Chúa Kitô cũng thực hiện việc loan báo này bằng vô số những dấu chỉ, khiến đám đông dân chúng lạ lùng, đồng thời Người cũng kéo họ đến cùng Người, để thấy Người, nghe Người và để Người biến đổi họ: bệnh nhân được chữa lành, nước lã hoá thành rượu, bánh hóa ra nhiều, kẻ chết sống lại. Trong số tất cả những dấu chỉ này, có một dấu chỉ rất quan trọng gắn liền với Người, đó là thành phần thấp hèn và nghèo khó được truyền bá phúc âm hóa, thành phần trở nên môn đệ của Người và “nhân danh Người” qui tụ nhau lại thành một cộng đoàn lớn của những ai tin vào Người. Chúa Giêsu, Đấng đã công bố “Tôi phải rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa” (Lk.4:43) cho thành phần này, cũng là Chúa Giêsu được Thánh Ký Gioan nói rằng Người đã đến và chết đi “để qui tụ con cái Thiên Chúa bị phân tán lại với nhau” (Jn.11:52). Như thế là Người đã đạt thành mạc khải của Người, bằng cách hoàn tất nó và chứng thực nó bằng tất cả việc Người tỏ Mình ra, qua lời nói và việc làm, qua dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cuộc tử nạn, qua việc phục sinh và qua việc sai Thần Chân Lý đến (x. Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Khải Dei Verbum, đoạn 4: AAS 58 –1966 – pp 818-819).
13. Cho Cộng Đồng được Truyền Bá Phúc Âm Hóa và làm Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa thấy
Những ai thành tâm chấp nhận Tin Mừng, thì nhờ quyền năng của việc chấp nhận này cũng như của niềm tin chung, qui tụ nhau lại vì danh Chúa Giêsu, để cùng nhau tìm kiếm vương quốc ấy, xây dựng và sống vương quốc ấy. Họ làm nên một cộng đồng lãnh trách nhiệm truyền bá phúc âm hóa. Lệnh truyền cho 12 Vị ra đi loan báo Tin Mừng cũng áp dụng cho tất cả mọi Kitô hữu, cho dù theo cách thức khác nhau. Chính vì lý do này Thánh Phêrô đã gọi Kitô hữu là “một dân được tách biệt ra để chúc tụng Thiên Chúa” (1Pt.2:9), để ca ngợi những điều kỳ diệu mà mỗi một người có thể nghe thấy bằng ngôn ngữ riêng của mình (x.Acts 2:11). Hơn thế nữa, Tin Mừng về vương quốc đang đến và đã được khởi sự này còn nhắm đến tất cả mọi dân nước qua giòng thời gian. Những ai đã lãnh nhận Tin Mừng, cũng là những ai được Tin Mừng qui tụ lại thành một cộng đồng cứu độ, có thể và buộc phải thông đạt cùng truyền bá Tin Mừng ấy nữa.
14. Truyền Bá Phúc Âm Hóa là Ơn Gọi Xứng Hợp với Giáo Hội
Giáo Hội biết được điều này. Giáo Hội vẫn nhận thức một cách sống động được rằng những lời Chúa Cứu Thế nói “Tôi phải loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa” (Lk.4:43) cũng hoàn toàn áp dụng cho chính Giáo Hội nữa. Cùng với Thánh Phaolô, Giáo Hội còn muốn thêm là: “Tôi không vênh vang về việc rao giảng phúc âm, vì việc này là một nhiệm vụ buộc tôi phải làm; khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng phúc âm!” (1Cor.9:16). Thật là một niềm vui mừng và ủi an khi chúng ta nghe thấy những lời ngời sáng được phát biểu vào lúc kết thúc Cuộc Thượng Hội Giám Mục năm 1974: “Chúng tôi một lần nữa muốn xác nhận công việc truyền bá phúc âm hóa tất cả mọi dân nước là công việc làm nên sứ vụ chính yếu của Giáo Hội” (Tuyên Ngôn của các vị Nghị Phụ Thượng Hội Giám Mục, đoạn 4: tuần san L’O sservatore Romano, 27/10/1974, p.6). Đó là một công việc và là một sứ vụ khẩn trương hơn bao giờ hết trước những đổi thay rộng lớn và sâu xa nơi xã hội hiện đại. Việc truyền bá phúc âm hóa thực là một ân huệ và là một ơn gọi xứng hợp với Giáo Hội, với căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để truyền bá phúc âm hóa, tức là, để rao giảng và chỉ dạy, để làm máng thông ơn, để hoà giải tội nhân với Thiên Chúa, và để kéo dài hy tế của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.
15. Mối Tương Hệ giữa Giáo Hội và Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa
Bất cứ người nào đọc lại nguồn gốc của Giáo Hội trong Tân Ước, theo sát lịch sử của Giáo Hội và để ý đến việc Giáo Hội sống động, đều thấy rằng, tự bản chất sâu xa nhất của mình, Giáo Hội gắn liền với việc truyền bá phúc âm hóa:
® Giáo Hội được sinh ra bởi hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Chúa Giêsu cũng như của 12 Vị. Giáo Hội là một hoa trái dĩ nhiên, cần có, điển hình nhất và trực tiếp nhất của hoạt động truyền bá phúc âm hóa này: “Vậy các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi quốc gia” (Mt.28:19). Bấy giờ “họ chấp nhận những gì Phêrô nói và chịu phép rửa. Có chừng ba ngàn người nữa thêm vào số của họ ngay ngày hôm ấy… Càng ngày Chúa lại thêm vào cộng đoàn của họ những người được cứu độ” (Acts 2:41,47).
® Vì Giáo Hội vào đời là do bởi được sai đi nên Giáo Hội đã được Chúa Giêsu sai đi. Giáo Hội ở lại thế gian khi Chúa vinh hiển về cùng Cha. Giáo Hội ở lại thế gian như là một dấu chỉ – vừa lu mờ vừa sáng tỏ – cho một sự hiện diện mới của Chúa Giêsu, cho việc Người ra đi và việc Người mãi mãi hiện diện. Giáo Hội nối dài và nối tiếp Người. Nhất là Giáo Hội được kêu gọi để tiếp tục (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium về Giáo Hội, đoạn 8: AAS 57 –1965 – p. 11; Sắc Lệnh Ad Gentes về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, đoạn 5: A A S 58 –1966 – pp. 951-952) sứ vụ của Người, cũng như tiếp tục thân phận là một Đấng truyền bá phúc âm hóa của Người. Cộng Đồng Kitô hữu không bao giờ tự khép kín mình lại. Đời sống nội tại của cộng đồng này – một đời sống lắng nghe Lời Chúa cùng với giáo huấn của các tông đồ, một đời sống bác ái được thể hiện bằng tình huynh đệ, một đời sống bẻ bánh (x. Acts 2:42-46, 4:32-35, 5:12-16) – một đời sống như vậy chỉ đạt được ý nghĩa trọn vẹn của mình khi nó trở thành một chứng từ, khi nó gợi lên lời ngợi khen và hoán cải, cũng như khi nó trở thành lời rao giảng và loan báo Tin Mừng. Như thế, cả Giáo Hội đã lãnh nhận sứ vụ truyền bá phúc âm hóa, và việc làm của mỗi phần tử riêng biệt đều quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội.
® Giáo Hội là một nhà truyền bá phúc âm hóa, song Giáo Hội lại được bắt đầu bằng việc được truyền bá phúc âm hóa. Giáo Hội là một cộng đồng tín hữu, một cộng đồng sống hy vọng và truyền đạt hy vọng, một cộng đồng yêu thương huynh đệ; Giáo Hội cần luôn luôn lắng nghe những gì Giáo Hội phải tin tưởng, lắng nghe những lý do Giáo Hội hy vọng, lắng nghe giới luật mới yêu thương nhau. Giáo Hội là Dân Chúa ngụp lặn trong thế gian và thường bị các ngẫu tượng lôi cuốn, Giáo Hội bao giờ cũng cần nghe loan báo về “những công cuộc quyền năng của Thiên Chúa” (x. Acts 2:11; 2Pt.2:9) để làm cho Giáo Hội quay về cùng Chúa; Giáo Hội luôn luôn cần được Người lên tiếng nhắc nhở chung và cần phải tái hiệp nhất lại với nhau. Tóm lại, nghĩa là Giáo Hội lúc nào cũng cần phải được truyền bá phúc âm hóa, nếu Giáo Hội muốn giữ được nét trẻ trung, vẻ cứng cát và sức tráng kiện để loan báo Phúc Âm. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở (x. Sắc Lệnh Ad Gentes về Hoạt Đồng Truyền Giáo của Giáo Hội, đoạn 5, 11-12: AAS 59 – 1966 – pp. 951-952, 959-961), rồi Thượng Hội Giám Mục Thế Giới năm 1974 cũng đã cương quyết tiếp tục, đề tài này về Giáo Hội, một Giáo Hội được truyền bá phúc âm hóa, bằng cách liên tục hoán cải và canh tân, để có uy tín thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa thế giới.
® Giáo Hội là nơi chất chứa Tin Mừng cần phải được loan báo. Những lời hứa của cuộc Hợp Kết Mới nơi Chúa Giêsu Kitô, giáo huấn của Chúa và của các tông đồ, Lời sự sống, các nguồn ân sủng và lòng từ ái của Thiên Chúa, con đường cứu độ – tất cả những điều này đã được ký thác cho Giáo Hội. Chính nội dung của Phúc Âm, bởi đó cũng là nội dung của việc truyền bá phúc âm hóa, do Giáo Hội bảo trì như một di sản sống động quí báu, không phải là để giữ kín mà là để truyền đạt.
® Được sai đi và được truyền bá phúc âm hóa, chính Giáo Hội cũng sai các nhà truyền bá phúc âm hóa đi. Giáo Hội đặt nơi môi miệng của họ Lời cứu độ, Giáo Hội dẫn giải cho họ sứ điệp mà chính Giáo Hội là kho chất chứa, Giáo Hội trao cho họ mệnh lệnh tự Giáo Hội đã lãnh nhận và Giáo Hội sai họ đi rao giảng. Họ rao giảng không phải bản thân họ, hay những ý nghĩ tư riêng của họ, (x. 2Cor.4:5; Thánh Âu-Quốc-Tinh, sermo XLVI, De Patoribus: CCL XLI, pp. 529-530), song là Phúc Âm mà cả Giáo Hội cũng như riêng họ không có toàn quyền làm chủ hay nắm giữ, trình bày theo như ý của mình, là Phúc Âm mà họ là thừa tác viên, để họ truyền lại một cách hoàn toàn trung thực.
16. Giáo Hội bất khả phân ly với Chúa Kitô
Như thế có một liên hệ sâu xa giữa Chúa Kitô, Giáo Hội và việc truyền bá phúc âm hoá. Trong giai đoạn Giáo Hội chúng ta đang sống đây, chính Giáo Hội đang làm công việc truyền bá phúc âm hóa. Công việc đòi hỏi này không hoàn thành được, nếu thiếu Giáo Hội, càng không thể, nếu đi ngược lại với Giáo Hội.
Cần phải nhắc lại sự kiện là, vào một thời điểm như lúc này đây, chúng ta không khỏi đau lòng nghe thấy người ta – những người chúng ta tin là có chủ ý rõ ràng song chắc chắn thái độ của họ đã bị hướng dẫn đi lệch hướng – tiếp tục cho rằng mình yêu mến Chúa Kitô mà không cần yêu mến Giáo Hội, lắng nghe Chúa Kitô chứ không phải Giáo Hội, thuộc về Chúa Kitô song ở ngoài Giáo Hội. Cái vô lý buồn cười nơi việc phân rẽ này là bằng chứng rõ ràng cho câu Phúc Âm: “Ai phủ nhận các con là phủ nhận Thày” (Lk.10:16; xem Thánh Cyprianô De Unitate Ecclesiae, 14: PL 4, 527; Thánh Âu-Quốc-Tinh, Enarrat, 88, Sermo, 2, 14: PL 37, 1140; Thánh Gioan Kim Khẩu, Hom. de capto Eutropio, 6: PG 52, 462). Nếu Thánh Phaolô đã chứng tỏ cho thấy Chúa Kitô rõ ràng nhất ở chỗ: “Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hy hiến mình vì Giáo Hội” (Eph.5:25), thì người ta làm sao có thể yêu mến Chúa Kitô mà lại không mến yêu Giáo Hội được.