GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 22/2/2007

SAU THỨ TƯ LỄ TRO

 

?   “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho đi nhưng không”

?  “Hãy sống và chia sẻ một cách bình an tin tưởng cái cảm nghiệm sầu thương và bệnh nạn, hiến dâng nó một cách tin tưởng cho Chúa Cha, nhờ đó hoàn tất nơi xác thịt của chúng ta những gì còn thiếu nơi các khổ đau của Chúa Kitô”

?  “Chính mầu nhiệm Nhập Thể làm cho việc anh chị em hội nhập vào các biến cố của loài người có một vị thế về thần học”

 

 

 

?  “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho đi nhưng không”

Sứ Ðiệp Mùa Chay 2002 của ÐTC Gioan Phaolô II

 

Anh chị em thân mến,

1.- Chúng ta đang dọn mình bước vào cuộc hành trình Mùa Chay, một hành trình sẽ dẫn chúng ta đến việc long trọng cử hành một mầu nhiệm chính yếu của đức tin, mầu nhiệm Khổ Nạn, Tử Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô. Chúng ta đang dọn mình cho một thời gian hồng ân được Giáo Hội cống hiến cho tín hữu, để họ có thể chiêm ngưỡng công cuộc cứu chuộc do Chúa chúng ta hoàn thành trên Thập Giá. Dự án cứu độ của Cha trên trời được thực hiện hoàn toàn là một tặng ân nhưng không ban cho chúng ta nơi Người Con duy nhất. “Không ai lấy được mạng sống của Tôi, Tôi tự ý bỏ nó đi” (Jn 10:18), Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế, thẳng thắn cho biết là Người quyết hy sinh mạng sống của Người cho phần rỗi thế gian. Để xác nhận về tặng ân yêu thương cao cả như vậy, Đấng Cứu Chuộc nói tiếp: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của con người thí mạng sống mình đi vì bạn hữu của mình” (Jn 15:13).

Mùa Chay, một mùa giành cho việc cải thiện đời sống, giúp chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm yêu thương lạ lùng này. Đó là việc trở về với cội nguồn của đức tin, để nhờ việc chiêm ngắm món quà ân sủng khôn lường là Ơn Cứu Chuộc này, chúng ta không thể không nhận thấy rằng tất cả mọi sự được ban cho chúng ta là do sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Để suy niệm về khía cạnh của mầu nhiệm cứu độ này, Tôi đã chọn làm đề tài cho Sứ Điệp Mùa Chay năm nay những lời Chúa nói: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy ban phát nhưng không” (Mt 10:8).

2.- Thiên Chúa đã nhưng không ban cho chúng ta Con Ngài: ai đã xứng đáng và có thể xứng đáng với một đặc ân như vậy? Thánh Phaolô đã nói: “Tất cả mọi người đều đã phạm tội và làm mất đi vinh quang của Thiên Chúa, thế nhưng họ đã được công chính hóa bằng ân sủng do Ngài ban tặng” (Rm 3:23-24). Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta theo lòng thương xót vô biên của Ngài, chứ không để cho mình bị mắc kẹt bởi tình trạng trầm trọng phân ly do con người đã qui hàng tội lỗi gây ra. Ngài đã ưu ái cúi xuống nỗi yếu hèn của chúng ta, và đã biến nó thành căn nguyên cho việc tuôn trào tình yêu của Ngài, một việc tuôn trào mới mẻ và còn tuyệt vời hơn nữa. Giáo Hội không ngừng loan báo mầu nhiệm vô cùng thiện hảo này, cao rao việc tự quyết và ý muốn của Thiên Chúa trong việc Ngài không tuyên phạt con người nhưng lại kéo họ về nguồn hiệp thông với chính Ngài.

“Các con đã lãnh nhận nhưng không cũng hãy ban phát nhưng không”. Chớ gì những lời Phúc Âm này vang vọng nơi tâm hồn của tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu trong cuộc hành hương ăn năn thống hối của họ tiến về Lễ Phục Sinh. Chớ gì Mùa Chay, mùa nhắc nhở mầu nhiệm Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa, dẫn tất cả mọi Kitô hữu đến việc chiêm ngắm trong tận đáy lòng mình sự cao cả lớn lao của một tặng ân như vậy. Phải! Chúng ta đã lãnnh nhận nhưng không. Cả cuộc đời của chúng ta đã không phải được ghi dấu vết lòng lành của Thiên Chúa hay sao? Lúc sự sống bắt đầu và việc phát triển lạ lùng của nó, đó là một tặng ân. Và vì là một tặng ân, sự sống không bao giờ được coi như một vật sở hữu hay như một tư sản, cho dù những khả năng hiện nay chúng ta có được trong việc cải tiến tính chất của sự sống có thể khiến chúng ta nghĩ rằng con người là “chủ” của sự sống. Những thắng đạt của ngành y khoa và kỹ thuật sinh hóa đôi khi có thể làm cho con người nghĩ về họ như là một vị hóa công, và khiến họ chiều theo chước cám dỗ về việc giả mạo “cây sự sống” (Gn 3:24).

Cũng nên nhắc lại ở đây là không phải hết mọi sự khả thủ về kỹ thuật đều là những gì khả chấp về luân lý. Việc khoa học nhằm bảo toàn tính chất của sự sống để nó xứng hợp với phẩm vị của con người hơn nữa là việc đáng ca ngợi, thế nhưng không bao giờ được quên rằng sự sống của con người là một tặng ân, và nó vẫn quí hóa cho dù nó có mang dấu vết của khổ đau và tật nguyền. Một tặng ân phải được nhận lãnh và yêu quí trong mọi lúc, ở chỗ, nó đã được nhận lãnh nhưng không và cần phải đem ra phục vụ người khác nhưng không.

3.- Khi đặt trước mắt chúng ta gương của Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta trên đồi Canvê, Mùa Chay đặc biệt giúp chúng ta hiểu rằng sự sống đã được cứu chuộc nơi Người. Nhờ Thánh Linh, Chúa Giêsu đã canh tân sự sống của chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những kẻ thông phần vào sự sống thần linh, một sự sống đưa chúng ta tới sự sống thân mật với Thiên Chúa, và cho phép chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Đó là một tặng ân cao quí, một tặng ân Kitô hữu không thể nào không hân hoan loan báo. Trong Phúc Âm của mình, Thánh Gioan đã viết: “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất, và Giêsu Kitô Đấng Cha sai” (Jn 17:3). Sự sống này đã được truyền đạt cho chúng ta nơi Phép Rửa, và chúng ta phải liên lỉ nuôi dưỡng nó bằng cách trung thành đáp ứng nó, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đồng, qua việc cầu nguyện, việc cử hành các Bí Tích, cũng như việc làm chứng cho phúc âm. Vì chúng ta đã lãnh nhận sự sống này nhưng không, phần chúng ta cũng phải ban phát nó đi một cách nhưng không cho anh chị em của chúng ta. Đó là điều Chúa Giêsu đã xin các môn đệ của Người khi Người sai các vị ra đi như những chứng nhân của Người trên thế gian: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy ban phát nhưng không”. Và tặng ân đầu tiên được ban cho là tặng ân của một đời sống thánh thiện, một đời sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đã được ban tặng nhưng không. Chớ gì, đối với tất cả mọi tín hữu, cuộc hành trình Mùa Chay là một lời mời gọi liên lỉ hãy tiến vào sâu hơn nữa ơn gọi đặc biệt này của chúng ta. Là những người tín hữu, chúng ta phải hướng về một cuộc sống được đánh dấu bằng “tính chất nhưng không”, qua việc hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa và tha nhân.

4.- Thánh Phaolô đã đặt vấn đề: “Những gì anh em có không phải là anh em đã nhận được hay sao?” (1Cor 4:7). Cái đòi hỏi phát xuất từ nhận thức này là đòi hỏi phải yêu thương anh chị em chúng ta, cũng như phải hiến mình cho họ. Họ càng túng thiếu, tín hữu càng cần phải khẩn trương phục vụ họ hơn nữa. Thiên Chúa đã không khiến tình trạng con người túng thiếu xẩy ra, để nhờ việc đáp ứng các nhu cầu của kẻ khác ấy, chúng ta biết giải thoát chúng ta khỏi cái tôi của mình mà thực hành tình yêu Phúc Âm chân chính hay sao? Chúa Giêsu đã dạy rõ ràng là “Nếu các con yêu những ai yêu các con thì các con có công gì? Chẳng lẽ những người thu thuết không làm như vậy hay sao?” (Mt 5:46). Thế gian chiếm được những mối liên hệ loài người dựa trên căn bản tư lợi và thắng đạt cá nhân, và điều này đã làm bồi dưỡng quan niệm sống theo cái tôi của mình, một quan niệm hầu như không có chỗ đứng cho người nghèo khổ và hèn yếu. Hết mọi con người, dù là con người được ban cho ít nhất, cũng phải được đón nhận và yêu thương vì chính họ, bất kể phẩm chất và khiếm khuyết của họ. Thật vậy, họ càng gặp khó khăn, họ càng phải là đối tượng cho việc chúng ta thực thi yêu thương. Đó là thứ tình yêu mà Giáo Hội, qua vô số các tổ chức của mình, muốn chứng tỏ, ở việc chấp nhận trách nhiệm đối với thành phần bệnh nhân, thành phần sống ngoài lề xã hội, thành phần nghèo khổ và thành phần bị khai thác lợi dụng. Chỉ có thế, Kitô hữu mới trở nên những vị tông đồ của niềm hy vọng và trở nên những tay xây đắp nền văn minh yêu thương.

Vấn đề rất quan trọng là Chúa Giêsu đã nói những lời “Các con đã lãnh nhận nhưng không cũng hãy ban tặng nhưng không” khi Người sai các Vị Tông Đồ ra đi loan truyền Phúc Âm cứu độ, món quà trước hết và trên hết Người ban tặng cho nhân loại. Chúa Kitô muốn Vương Quốc của Người, một vương quốc đã đến (x Mt 10:5 và sau đó), phải được loan truyền bằng cử chỉ của một tình yêu nhưng không do các môn đệ của Người thực hiện. Đó là những gì các Vị Tông Đồ đã làm trong những ngày đầu của Kitô giáo, và những ai gặp các vị đều thấy các vị là những người mang một sứ điệp còn cao cả hơn chính các vị. Cả trong thời đại của chúng ta nữa, việc lành do các tín hữu làm trở thành một dấu hiệu, thường là một lời mời gọi hãy tin tưởng. Như Người Samaritanô Nhân hậu, khi Kitô hữu đáp ứng nhu cầu của tha nhân thì việc đáp ứng của họ không bao giờ chỉ là việc trợ giúp về vật chất cả. Nó luôn luôn còn là việc loan báo Nước Trời nữa, và nó nói về ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống, của niềm hy vọng cũng như của tình yêu thương.

5.- Anh chị em thân mến! Chớ gì đó là cách chúng ta dọn mình để sống Mùa Chay này, ở chỗ quảng đại một cách cụ thể đối với những người nghèo nhất trong anh chị em chúng ta! Bằng việc mở lòng mình ra cho họ, chúng ta càng nhận thức sâu xa hơn là những gì chúng ta ban tặng người khác là việc chúng ta đáp lại biết bao ân huệ Chúa tiếp tục ban phát cho chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, chúng ta cũng phải ban tặng nhưng không!

Còn thời gian nào hơn Mùa Chay để thể hiện chứng từ nhưng không này, một chứng từ thế giới hết sức cần đến? Nơi chính mối tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta chất chứa lời mời gọi là về phần mình, chúng ta cũng hãy hiến mình một cách nhưng không cho người khác. Tôi cám ơn tất cả những ai ở khắp nơi trên thế giới – giáo dân, tu sĩ và linh mục – đã thực hiện chứng từ bác ái này. Chớ gì chứng từ này cũng được thực hiện nơi tất cả mọi Kitô hữu, bất cứ ở hoàn cảnh sống nào của họ.

Chớ gì Trinh Nữ Maria, Mẹ của Tình Yêu Mỹ Lệ và của Niềm Hy Vọng, hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay này. Để bảo đảm với tất cả anh chị em rằng Tôi ưu ái nhớ đến anh chị em trong lời nguyện cầu của mình, Tôi hoan hỉ ban Phép Lành Tòa Thánh cho từng người, nhất là cho những ai đang ngày ngày dấn thân nơi những tuyến đầu của đức bác ái yêu thương.
 

Tại Vatican 4/10/2001, Lễ Thánh Phanxicô Assisi.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Màn Điện Toán VIS của Tòa Thánh 5/2/2002)
 

 

TOP

 

 

?  “Hãy sống và chia sẻ một cách bình an tin tưởng cái cảm nghiệm sầu thương và bệnh nạn, hiến dâng nó một cách tin tưởng cho Chúa Cha, nhờ đó hoàn tất nơi xác thịt của chúng ta những gì còn thiếu nơi các khổ đau của Chúa Kitô”

 

ĐTC BĐXVI – Huấn Từ Cuối Lễ cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần XV ngày Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2/2007

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Thật là vui mừng được gặp gỡ anh chị em ở đây, nơi Đền Thờ Vatican vào ngày Lễ Mẹ Lộ Đức và là Ngày Thế Giới Bệnh Nhân hằng năm, vào cuối Thánh Lễ được ĐHY Camilo Ruini chủ tế.

 

Trước hết tôi xin chào ngài, một lời chào tôi cũng muốn gửi tới tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, đến Cha Sở Đền Thờ này là ĐTGM Angelo Comastri, đến các vị Giám Mục, linh mục cùng Tu Sĩ. Tôi chào n hững vị lãnh đạo cùng phần tử thuộc tổ chức UNITALSI, thành phần dấn thân cho việc chuyên chở và chăm sóc bệnh nhân về cuộc hành hương này cũng như những biến cố có ý nghĩa khác.

 

Tôi chào những vị lãnh đạo và phần tử thuộc tổ chức “Opera Romana Pellegrinaggi” và những ai sẽ tham dự vào Công Nghị Toàn Quốc  về Thần  Học và Mục Vụ, cả từ Ý quốc lẫn hải ngoại. Tôi gửi lời chào tới cả thành phần đại biểu đại diện của tổ chức “Cammini d’Europa”.

 

Thế nhưng, lời chào thân ái nhất của tôi xin hướng về anh chị em, hỡi anh chị em bệnh nhân  thân mến, đến gia đình của an h chị em cũng như đến những tình nguyện viên lo việc chăm sóc cho anh chị em vàưu ái hộ tống anh chị em hôm nay đây. Cùng với tất cả anh chị em, tôi muốn liên kết mình với những ai hôm  nay đang tham dự vào các biến cố khác nhau của Ngày Thế Giới Bệnh  Nhân được tổ chức ở Seoul, Nam Hàn. Ở đó, ĐHY Javier Lozano Barragán, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe, thay tôi chủ sự cuộc cử hành này.

 

Hôm nay là Lễ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức, vị mà gần 150 năm trước đây đã hiện ra với một con người trẻ quê mùa chất phác là Thánh Bernadette Soubirous, tỏ mình ra là Vị Đầu Thai Vô Nhiễm Tội.

 

Cũng trong cuộc hiện ra này, Đức Mẹ đã tỏ mình ra như là một người mẹ dịu dàng đối với con cái Mẹ, nhắc nhở rằng thành phần bé nhỏ, nghèo nàn là thành phần yêu dấu của Thiên Chúa và là thành phần được tỏ cho b iết mầu nhiệm về Nước Trời.

 

Các bạn thân mến, Mẹ Maria, vị đã lấy đức tin hộ tống với Con Mẹ ở dưới chân cây Thập Giá, vị bởi dự án mầu nhiệm đã liên kết với những khổ đau của Chúa Kitô Con Mẹ, không bao giờ thôi kêu gọi chúng ta hãy sống và chia sẻ một cách bình an tin tưởng cái cảm nghiệm sầu thương và bệnh nạn, hiến dâng nó một cách tin tưởng cho Chúa Cha, nhờ đó hoàn tất nơi xác thịt của chúng ta những gì còn thiếu nơi các khổ đau của Chúa Kitô (x Col 1:24).

 

Về vấn đề này, tôi muốn  nhắc lại những lời được vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi là Đức Phaolô VI sử dụng để kết thúc Tông Huấn “Marialis Cultus”: “Được chiêm ngưỡng nơi các đoạn Phúc Âm cũng như nơi cái thực tại mà Mẹ có được trong Thành Đô Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria cống hiến một nhãn quan bình lặng và một lời bảo đảm cho con người tân  tiến, con người thường bị xâu xé giữa buồn đau và hy vọng, con người bị xâm chiếm bởi cảm quan hữu hạn của mình và bị tấn công bởi những khát vọng vô hạn của mình, con người bị rối loạn trong trí khôn và chia cắt trong tâm hồn, mơ hồ trước cái u uẩn của chết chóc, con người bị lẻ loi cô độc đè nén nhưng lại khát mong hiệp thông, con người là mồi ngon cho buồn chán và ghê rợn. Mẹ tỏ cho thấy cái chiến  thắng của niềm hy vọng trên tâm trạng buồn đau, của mối hiệp thông trên tâm trạng cô độc, của hòa bình trên lo âu, của niềm vui và diễm lệ trên buồn chán và ghê rợn, của những nhãn quan vĩnh hằng trên những nhãn quan trần tục, của sự sống trên sự chết” (số 57).  

 

Chúng là những lời lẽ làm sáng tỏ đường lối của chúng ta, thậm chí cả vào lúc mà cảm quan hy vọng và niềm tin chữa lành dường như biến mất; chúng là những lời lẽ tôi muốn dùng để đặc biệt an ủi những ai đang bị quằn quại với các thứ bệnh nạn và đớn đau trầm kha.

 

Và chính vì những người anh chị em đặc biệt bị thử thách này của chúng ta mà Ngày Thế Giới B ệnh N hân hôm nay mới được chú trọng đặc biệt. Chúng ta muốn  họ cảm thấy sự gần gũi về vật chất và thiêng liêng của toàn thể cộng đồng Kitô hữu.

 

Vấn đề cần thiết là đừng để họ cảm thấy bị bỏ rơi và cô quạnh trong khi họ đang phải cố gắng đối đầu với từng giây phút rất mong manh trong cuộc đời họ. Đáng ca ngợi cho những ai nhẫn nại và ưu ái tận dụng khả năng chuyên môn của mình cùng với tình nồng hậu con người để phục vụ họ.

 

Tôi nghĩ đến các bác sĩ, y tá, cán sự xã hội về sức khỏe, các tình nguyện viên, Tu Sĩ và linh mục, thành phần không quản ngại cúi mình xuống với họ như Người Samaritanô Nhân Lành, không quan tâm gì tới thân phận về xã hội của họ, mầu da hay tôn giáo, mà chỉ chú ý tới các nhu cầu của họ mà thôi. Trước mặt hết mọi người, nhất là những người bị thử thách và thất sắc bởi bệnh tật, hãy chiếu giải Dung Nhan Chúa Kitô là Đấng đã phán: “Khi các người làm điều ấy cho một trong những người hèn mọn nhất trong anh em Ta đây là các người làm điều ấy cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).

 

Anh chị em thân mến, trong chốc lát nữa đây, tối hôm nay, sẽ diễn ra một cuộc rước nến ý nghĩa làm bừng lên một bầu không khí được tạo nên nơi thành phần hành hương và những ai tôn sùng Lộ Đức. Tâm trí chúng ta hướng về hang Massabielle, nơi các nỗi buồn sầu và hy vọng, sợ hãi và tin tưởng gặp gỡ nhau.

 

Có biết bao nhiêu là những người hành hương, được an ủi bởi ánh mắt Người Mẹ này của họ, đã tìm thấy ở Lộ Đức sức mạnh để làm trọn một cách dễ dàng hơn ý muốn của Thiên Chúa, cho dù nó đòi phải từ bỏ và đau thương, với nhận thức như Tông Đồ Phaolô khẳng định là tất cả mọi sự xẩy ra đều vì lợi ích của những ai mến yêu Chúa (x Rm 8:28).

 

Anh chị em thân mến, chớ gì đối với anh chị em, cây nến sáng anh chị em đang cầm trong tay trở thành dấu hiệu của tấm lòng chân thành muốn bước đi với Chúa Giêsu, niềm bình an phát tỏa, Đấng chiếu soi trong tăm tối và thúc đẩy chún g ta trở thành ánh sáng và nâng đỡ những ai gần gũi với chúng ta.

 

Chớ gì đừng có một ai, nhất là những ai thấy mình gặp phải tình trạng khó khăn, cảm thấy lẻ loi cô độc và bị bỏ rơi.

 

Tôi xin ký thác tất cả anh chị em cho Trinh Nữ Maria. Mẹ, sau khi trải qua khổ đau khôn xiết, đã được mông triệu về Trời, nơi Mẹ đang đợi chờ chúng ta và là nơi cả chún g ta nữa hy vọng có thể vào một ngày kia chia sẻ vinh quang của Người Con Thần Linh của Mẹ, một niềm vui bất tận.

 

Với những cảm thức này, tôi ban Phép Lành của tôi cho tất cả anh chị em hiện diện nơi đây và những người thân yêu của anh chị em.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/february/documents/hf_ben-xvi_spe_20070211_messa-malati_en.html

 

 

TOP

 

 

? “Chính mầu nhiệm Nhập Thể làm cho việc anh chị em hội nhập vào các biến cố của loài người có một vị thế về thần học”

 

ĐTC Biển Đức XVI – Huấn Từ ngỏ cùng Cuộc Hội Nghị Quốc Tế của Các Học Viện Đời ngày 3/2/2007 ở Sảnh Đường Clementine

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Tôi hân hoan được ở cùng anh chị em hôm nay, những phần tử thuộc các Tổ Chức Đời lần đầu tiên tôi được gặp gỡ từ khi được tuyển chọn lên Ngai Tòa Thánh Phêrô. Tôi hết lòng quí mến chào tất cả anh chị em. Tôi chào ĐHY Franc Rodé, Tổng Trưởng Thánh Bộ Các Tổ Chức Sống Đời Tận Hiến và Các Hội Sống Đời Tông Đồ, xin cám ơn ngài đã thay mặt cho anh chị em ngỏ cùng tôi những lời lẽ bày tỏ tình con thảo và gắn bó thiêng liêng. Tôi chào ĐHY Cottier và vị Thư Ký Thánh Bộ của ngài.

 

Tôi chào vị Chủ Tịch của Hội Đồng Thế Giới Chư Tổ Chức Đời, vị đã bày tỏ những cảm thức và niềm mong ước của tất cả anh chị em qui tụ nơi đây từ các quốc gia khác nhau, từ mọi châu lục, để cử hành một Cuộc Hội Nghị Quốc Tế về Hiến Chế Tông Đồ Provida Mater Ecclesia.

 

Sáu mươi năm qua, như đã được đề cập tới, từ ngày 2/2/1947, khi mà vị Tiền Nhiệm Piô XII của tôi đã ban hành Hiến Chế Tông Đồ, nhờ đó đặt căn bản về thần học và pháp lý cho một kinh nghiệm đã được chín mùi ở những thập niên trước, và công nhận nơi Những Tổ Chức Đời một trong muôn vàn tặng ân Thánh Thần sử dụng để hỗ trợ Giáo Hội trong cuộc hành trình của Giáo Hội cũng như canh tân Giáo Hội qua tất cả các thế hệ.

 

Hành động pháp lý này không phải là mục tiêu mà là khởi điểm của một tiến trình nhắm đến chỗ phác ra một hình thức mới của việc tận hiến, đó là việc tận hiến của thành phần  giáo dân và của các vị linh mục triều, thành phần được kêu gọi sống theo đúng tinh thần Phúc Âm cái tính cách trần đời của họ là tính cách xuất phát bởi bậc sống của họ hay bởi thừa tác mục vụ của họ.

 

Anh chị em hiện diện ở đây hôm nay đây là để tiếp tục thể hiện  con đường đã được phác họa 60 năm trước đây, một con đường dẫn anh chị em tới chỗ càng ngày càng trở thành những sứ giả hăng say trong Chúa Giêsu Kitô về cái ý nghĩa của thế giới và của lịch sử.

 

Lòng nhiệt thành của anh chị em được bắt nguồn từ việc khám phá ra vẻ đẹp về Chúa Kitô cũng như về đường lối đặc thù của Người trong việc yêu thương, chữa lành và đáp ứng các nhu cầu của đời sống, và trong việc làm cho đời sống dậy men và được an ủi. Và cuộc sống của anh chị em là để ca tụng vẻ đẹp này nhờ đó việc anh chị em hiện diện trên thế gian này trở thành một dấu hiệu anh chị em ở trong Chúa Kitô.  

 

Thật vậy, chính mầu nhiệm Nhập Thể làm cho việc anh chị em hội nhập vào các biến cố của loài người có một vị thế về thần học: (“Thiên Chúa quá yêu thế gian đến ban Con Một của mình” – Jn 3:16). Công cuộc cứu độ không được trở thành những gì phản lại lịch sử của loài người mà là trong lịch sử và qua lịch sử.

 

Về vấn đề này, Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ghi nhận rằng: “Qua nhiều thể nhiều cách Thiên Chúa đã nói trong quá khứ với cha ông của chúng ta qua các vị tiên tri; thế nhưng trong những ngày này Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con” (1:1-2a).

 

Tác động cứu chuộc này tự nó thể hiện trong bối cảnh thời gian và lịch sử, và bao hàm cả việc tuân theo dự án của Thiên Chúa được in ấn nơi công cuộc do tay Ngài làm ra.

 

Một lần nữa cũng trong cùng bản văn theo Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái, một bản văn đầy cảm ứng cho thấy rằng: “Khi Người thưa: ‘Cha không ưng nhận các hy tế và lễ vật cùng những lễ vật toàn thiêu và lễ vật đền tội – những lễ vật được hiến dâng theo lề luật – đoạn Người thêm: ‘Này Con xin đến để làm theo ý Cha’” (Heb 10:8-9a). 

 

Những lời này của Thánh Vịnh và của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái, được diễn tả bằng cuộc đối thoại liên  Ba Ngôi, là những lời của Người Con thưa cùng Cha: “Con đã đến để làm theo ý Cha”. Việc Nhập Thể xẩy ra là như thế: “Này Con đã đến để làm theo ý Cha”. Chúa Kitô bao gồm chúng ta trong những lời của Người, những lời trở thành của chúng ta: Lạy C húa, cùng với Người Con, này còn đến để làm theo ý Chúa.  

 

Như thế, tiến trình thánh hóa được phác họa một cách rõ ràng, đó là việc tự hy hiến gắn liền với dự án cứu độ được biểu lộ nơi Lời mạc khải, nơi tình liên đới với lịch sử, nơi việc tìm kiếm ý muốn của Chúa là những gì được  in ấn nơi các biến cố của con người như Ngài Quan Phòng.

 

Các tính chất của sứ vụ trần thế đồng thời cũng được phác họa, đó là những gì cho thấy các nhân đức nhân bản như “công chính, bình an và hân hoan” (Rm 14:17), “tác hành tốt lành” được Thánh Phêrô nói tới trong Bức Thư Thứ Nhất của ngài (x. 2:12), làm âm vang những lời của Vị Sư Phụ là “Ánh sáng của các con cần  phải chiếu giãi ra trước con người để họ thấy các việc lành các con làm mà tôn vinh Cha các con ở trên Trời” (Mt 5:16).

 

Một phần của sứ vụ trần đời nữa đó là vấn đề dấn thân xây dựng một xã hội biết công nhận nơi các môi trường khác nhau phẩm vị của con người cùng với những giá trị bất khả châm chước cần cho tầm mức  viên trọn của phẩm vị này: từ phương diện chính trị tới kin h tế, từ việc giáo dục đến việc dấn thân cho sức khỏe quần chúng, từ việc điều hành các dịch vụ tới việc nghiên cứu khoa học.  

 

Mục đích của hết mọi thực tại đặc biệt hợp với Kitô hữu và sống bởi Kitô hữu, với bởi hoạt động của họ và với bởi những thiện ích về vật chất của họ có tính cách tương đối nhất trí, đều được thấy bao gồm bởi cùng một mục đích của việc Con Thiên Chúa vào trần gian.

 

Bởi thế, anh chị em có thể cảm thấy được thách đố trước mọi khổ đau, trước mọi thứ bất công và trước mọi cuộc tìm cầu sự thật, sữ mỹ và sự thiện. Đó không phải là vì anh chị em có thể có được vấn đề giải quyết cho tất cả mọi vấn đề; mà là vì hết mọi hoàn cảnh con người sống và chết đều là cơ hội để anh chị em làm chứng cho công việc cứu độ của Thiên Chúa. Đó là sứ vụ của anh chị em.

 

Việc tận hiến của anh chị em một mặt đề cao đặc sủng Thần Linh ban cho anh chị em để anh chị em hoàn tất ơn gọi của mình, mặt khác lại thúc đẩy anh chị em sống chân thành trong trí khôn, tâm hồn và ý muốn cho cái dự án của Thiên Chúa Cha đã tỏ ra nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng anh chị em đã được kêu gọi để triệt để theo Người.

 

Hết mọi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đều cần phải có một cuộc thay đổi sâu xa về thái độ, thế nhưng, đối với một số người, cũng như đối với anh chị em, thì điều yêu cầu này của Chúa là một cái gì đó đặc biệt là gay go, ở chỗ, anh chị em được yêu cầu phải từ bỏ hết mọi sự, vì Thiên Chúa là tất cả mọi sự và sẽ là tất cả mọi sự trong đời sống của anh chị em. Nó không phải chỉ là một vấn đề về cách thức khác nhau trong việc liên hệ với Chúa Kitô và trong việc anh chị em tỏ ra gắn bó với Người, mà là một việc Thiên Chúa chọn lựa cần anh chị em liên lỉ, tuyệt đối và hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài.

 

Việc hợp nhất đời sống của mình với đời sống của Chúa Kitô bằng việc đi sâu vào những lời lẽ ấy, việc hiệp nhất của đời sống của mình với đời sống của Chúa Kitô bằng việc thực hành các lời khuyên  của Phúc Âm,  là một đặc tính căn bản và liên kết, theo tính cách chuyên biệt của mình, đòi phải thực hiện việc dấn thân cụ thể và cần thiết của “những tay leo núi về tinh thần”, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khả kính đã gọi anh chị em như thế (Address to Participants in the First International Congress of Secular Institutes, 26 September 1970; L'Osservatore Romano English edition [ORE], 8 October, p. 5).

 

Bản chất trần  thế nơi việc tận hiến của anh chị em, một đàng, còn liên quan tới phương tiện được anh chị em sử dụng để hoàn trọn nó, tức là phương tiện hợp với mọi con người nam nữ sống trong những điều kiện bình thường trong thế giới này, đàng khác, tới hình thức phát triển của nó, tức là tới một mối liên hệ sâu xa liên quan tới dấu chỉ thời đại anh chị em được kêu gọi nhận ra tự bản thân mình cũng như với tư cách là một cộng đồng theo ánh sáng của Phúc Âm.

 

Đặc sủng của anh chị em đã được công nhận có tính cách thế giá vào một số lần chính là ở nơi việc nhận thức này để anh chị em trở thành một thứ hội thảo đối thoại với thế giới, một “thứ hội thảo về kinh nghiệm mà trong đó Giáo Hội nắm được những phương cách cụ thể cho các mối liên hệ của Giáo Hội với thế giới” (Pope Paul VI, Address to the Council of the Sacred Congregation for Religious and the International Union of Male and Female Superiors General, 6 November 1976; cf. ORE, 18 November, p. 3).

 

Tính cách hợp thời kéo dài nơi đặc sủng của anh chị em xuất phát ngay từ nhậnthức này, vì nhận thứ ấy không xẩy ra ở bên ngoài thực tại mà từ bên trong thực tại, qua việc hoàn toàn dấn thân. Điều này xẩy ra nơi các mối liên hệ thường nhật là những gì anh chị em có thể thêu dệt nên trong gia đình cũng như nơi các mối liên hệ về xã hội, trong hoạt động nghề nghiệp, trong cơ cấu các cộng đồng dân sự và giáo hội.

 

Việc gặp gỡ Chúa Kitô và tác động theo Người, tác động thúc đẩy và hướng về con người, “cần phải được phản ảnh ‘ra ngoài’ và lan tỏa một cách tự nhiên” trong một cuộc gặp gỡ một lần là tất cả, vì nếu Thiên Chúa hoàn trọn bản thân  mình chỉ ở nơi mối hiệp thông thì cũng chỉ ở nơi mối hiệp thông Ba Ngôi loài người mới được nên trọn mà thôi.

 

Anh chị em không được kêu gọi để thiết lập những hình thức đặc biệt của việc sống động, của việc dấn thân tông đồ hay của việc can thiệp vào xã hội, mà là những hình thức có thể hiện thực bằng những mối liên hệ cá nhân, một nguồn mạch cho những kho tàng ngôn sứ. Chớ gì cuộc sống của anh chị em như men làm dậy lên cả đấu bột (x Mt 13:33), đôi khi âm thầm và kín đáo, nhưng luôn có một khả năng vươn rộng một cách tích cực và phấn khởi làm xuất phát niềm hy vọng. 

 

Bởi thế, địa điểm cho việc anh chị em làm tông đồ là toàn thể nhân loại chứ không phải trong cộng đồng Kitô hữu – nơi mối liên hệ được hiện thực hóa bằng việc lắng nghe Lời Chúa cũng như bằng đời sống bí tích anh chị em kín múc được để nuôi dưỡng cái căn tính phép rửa của anh chị em – tôi nói là địa điểm cho việc tông đồ của anh chị em là toàn thể nhân loại, cả trong cộng đồng Kitô hữu lẫn cộng đồng dân sự, nơi hình thành những mối liên hệ trong cuộc tìm kiếm công ích, trong việc đối thoại với tất cả mọi người, thành phần được kêu gọi để làm chứng cho khoa nhân loại học Kitô Giáo là những gì tạo nên một thứ đề xuất tinh tế trong một xã hội bị hoang mang và lẫn lộn trước bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo của nó.

 

Anh chị em đến từ các quốc gia khác nhau cũng như từ các môi trường khác nhau về văn hóa, chính trị và thậm chí về tôn giáo mà anh chị em sống, làm việc và trở thành già giặn. Trong tất cả mọi môi trường này, chớ gì anh chị em trở thành những người tìm kiếm Chân Lý, tìm kiếm việc mạc khải về loài người của Thiên Chúa trong đời sống. Chúng ta biết rằng nó là một cuộc hành trình dài, khổ sở trong giây phút hiện tại sống chắc chắn mang lại thành quả. Anh chị em hãy loan truyền vẻ đẹp về Thiên  Chúa cũng như về tạo vật của Ngài.

 

Theo gương Chúa Kitô, anh chị em hãy tuân theo lòng yêu thương, hãy trở thành những con người nam nữ dịu dàng và xót thương, có khả năng tiến vào các nẻo đường của thế giới, chỉ biết hành thiện mà thôi. Chớ gì cuộc đời của anh chị em là một cuộc đời được tập trung vào các Mối Phúc Đức là những gì tương phản với lý lẽ của con người trong việc tỏ ra vô tư tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng muốn con người được hạnh phúc.

 

Giáo Hội cũng cần anh chị em giúp vào việc hoàn thành sứ vụ của Giáo Hội. Anh chị em hãy trở thành những hạt giống thánh đức được gieo vãi bởi một ít người trên những luống cầy của lịch sử. Anh chị em hãy cắm rễ vào tác động nhưng không và hiệu năng của Thần Linh Chúa trong việc dẫn dắt các biến cố của con người, chớ gì anh chị em sinh hoa kết trái đức tin chân chính, viết lên những quĩ đạo hy vọng bằng đời sống của mình và chứng từ của mình, viết lên chúng bằng những hoạt động được gợi lên bởi ‘tính cách sáng tạo theo đức ái’ (John Paul II, Apostolic Letter "Novo Millennio Ineunte," n. 50).

 

Với những niềm hy vọng này, tôi hứa liên lỉ cầu nguyên để hỗ trợ những dự án tông đồ và bác ái của anh chị em, và tôi ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt cho anh chị em.  


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện tốn tồn cầu của Tịa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/february/documents/hf_ben-xvi_spe_20070203_istituti-secolari_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ