GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 24/2/2007 SAU THỨ TƯ LỄ TRO |
? MỘT VỤ XÚC PHẠM THÔ BẠO TỚI TÍN NGƯỠNG VÀ NIỀM TIN CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO
? XUNG QUANH VỤ ĐẬP PHÁ TƯỢNG ĐỨC MẸ SẦU BI TẠI NINH BÌNH 30.01.2007
? Về Vấn Đề Thủ Tướng Việt Nam triều kiến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
MỘT VỤ XÚC PHẠM THÔ BẠO TỚI TÍN NGƯỠNG VÀ NIỀM TIN CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO
Đinh Thái Bình (11.02.2007)
Tượng Pieta đẫ bị phá
Mùa đông đã tàn vậy mà khung cảnh ở Đồng Đinh vẫn u ám. Ông Táo đã chầu Trời vậy mà người dân ở đây vẫn chưa chuẩn bị tết nhất gì. Mùa xuân đang đến vậy lòng người ở đây vẫn đang héo hắt. Cả giáo xứ Đồng Đinh đã sớm bước vào tuần Thương khó và cả xứ đang để tang Đức Mẹ và Đức Chúa Giêsu. Lý do là tượng Đức Mẹ Sầu Bi ( PIETA) đặt ở ngọn núi do Giáo xứ quản lý vừa bị đập phá dã man ( Xin xem một số hình ảnh chúng tôi chụp được).
Chúng tôi tới Đồng Đinh ngay khi vụ đập phá tượng xảy ra được hơn 1 tuần. Từ Sài Gòn ra Hà Nội, qua cầu Gián Khẩu giẽ trái (còn nếu từ Hà Nội đi Sài Gòn thì qua cầu Gián Khuất giẽ phải) khoảng 30 km, thì đến thị trấn Nho Quan. Qua khu trung tâm thị trấn, giẽ trái khoảng 3 km theo con đường từ Nho Quan về thị xã Tam Điệp là gặp sông Hoàng Long. Tiếp tục giẽ trái theo bờ đê khoảng hơn 1km là đến nhà thờ giáo xứ Đồng Đinh, nằm trên triều sông Hoàng Long, thuộc xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Giáo xứ này mới được thành lập ngày 16-04-2006, có 374 hộ, bao gồm 6 giáo họ, tổng cộng có 1895 giáo dân và cha Giuse Lê Đức Năng được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ.
Từ nhà thờ giáo xứ, muốn tới được địa điểm núi Gò hay Núi Cay, nơi tượng Đức Mẹ Sầu Bi bị phạm thánh, khách hành hương phải đi thuyền dọc theo sông Hoàng Long khoảng 1 km. Đây là một đoạn sông rất đẹp. Sơn thuỷ hữu tình. Người dân cư ngụ ở hai bên bờ, một bên là họ Trị Sở, một bên là họ Đông Thịnh. Họ sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và chở cát đá đi bán đó đây, biến khúc sông này như thể cái ao nhà của họ. Quả núi Gò mọc ngay ở cửa đoạn sông dẫn vào khu vực giáo xứ và không biết từ bao giờ đã trở thành tài sản chung của giáo dân, do giáo dân quản lý và sử dụng từ nhiều thập niên.
Theo các bậc cao niên trong xứ thì trước năm 1945 người dân đã dựng thánh giá gỗ trên núi Gò. Đến năm 1957 mới xây thánh giá lớn bằng bêtông cốt thép. Ngày 05.11.2006, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục Phát Diệm, đã tặng cho Giáo xứ pho tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Giáo dân trong xứ rước tượng về đặt tại chân thánh giá trên Núi Gò. Bức tượng Pieta này được đúc theo catalogue của Ý, nặng khoảng 1,8 tấn và do một cha ở Miền Nam tặng Đức cha Nguyễn Văn Yến nhân dịp ngân khánh linh mục của ngài. Bức tượng được đặt ở núi Sọ trong quần thể thánh đường Phát Diệm, trước khi được rước về Đồng Đinh.
Ngay sau đó, chính quyền và công an xã Thượng Hoà bắt đầu đến “làm việc” với giáo dân trong Giáo xứ. Các nhân chứng liên quan nói trước sau khoảng 15 lần. Có những lần có cả các cán bộ tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan tham dự. Trong “Đơn đề nghị” của cha chính xứ và của giáo dân, có nói rõ ngày 27.11.2006, có cuộc họp của đủ các thành phần: Ngoài mặt trận, UBND và công an xã Thượng Hoà, còn có các đại diện của Mặt trận, Công an tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan và đây là buổi làm việc “rất căng thẳng”.
Ngay trong cuộc họp này, ông Đinh Minh Uy, Chủ tịch xã Thượng Hoà đã tuyên bố: “Nếu không hạ tượng thì kể cả cụt tay, tôi cũng lấy xà beng chọc nát tượng”. Ông còn tuyên bố như thế tại Hội trường MTTQ huyện Nho Quan trong một cuộc họp có đủ các ban ngành trong huyện diễn ra vào ngày 01.12.2006.
Ngày 06.01.2007, giáo dân trong giáo xứ nhận được phép của Toà Giám Mục Phát Diệm đồng ý cho chuyển bức tượng đến đặt trên núi lớn cạnh nghĩa trang bên triền sông, cách Núi Gò khoảng gần 200 m. Giáo dân chờ ý kiến của chính quyền. Nhưng chính quyền các cấp không trả lời.
Vào 15 h 30 phút ngày 29.01.2007, ông Đinh Minh Uy và ông Nguyễn Xuân Tỉu, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND Xã Thượng Hoà, dân một đoàn gần chục người, thuê thuyền máy, đến xem tượng.
Đêm ngày 29.01.2007, bà con giáo dân đang đánh cá trên đọan sông gần khu vực Núi Gò, nơi đặt tượng Pieta, thì bị đuổi và bị bắt lưới cá và kích cá.
Sáng ngày 30.01.2007 tượng Đức Mẹ Sầu Bị bị đập vỡ. Nghe nói giáo dân đã quay phim hiện trường. Không kể bức tượng bị đập nát, người ta còn thấy một chiếc mũ áo phao ướt, một quần nam và một quần nữ.
Khi chúng tôi đến đây, thì vụ việc xảy ra đã hơn một tuần. Từ xa tiến lại chúng tôi thấy ngọn núi nhở trên sông phấp phới cờ tang. Đến gần một tý chúng tôi còn nhận ra có nhiều vòng hoa tang ở trên núi. Chúng tôi xuống thuyền, lên núi, đọc kinh kính viếng Đức Mẹ và Đức Chúa Giêsu, cầu nguyện cho chúng tôi là những kẻ tội lỗi, cầu nguyện cho giáo dân trong xứ đang bị thử thách nặng nề và cầu nguyện cho những người xúc phạm đến Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Chúng tôi không thể không cảm thấy bức xúc vào đau đớn. Đức Mẹ bị đập vỡ mặt, đầu gần đứt hết, chỉ còn một ít bêtông dính vào cốt thép nơi phần cổ. Tay phải Đức Mẹ, tay đỡ gáy và lưng Chúa Giêsu, bị chặt vứt đâu mất, chỉ còn hai ngón tay, cũng bị cụt dính vào phần vài Đức Chúa Giêsu. Tay trái Đức Mẹ, tay đỡ phần chân Chúa, cũng bị chặt từ phần bên dưới vai. Đầu Đức Chúa Giêsu cũng bị đập vỡ nát và chặt vứt đâu mất, chỉ còn vài thanh sắt giơ lên, trông giống như phần xương sống nơi cổ lòi ra. Hai chân Đức Chúa Giêsu bị đập vỡ nát, lòi ra các xương ống bằng thép và cả phần thép này cũng không còn lành lặn. Thân mình Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ đều bị búa nện lung tung do đó bị sứt mẻ lung tung vì bị búa đập và xà beng chọc.
Tượng Đức Mẹ sầu bi vốn đã sầu bi và bây giờ ở đây lại càng sầu bị hơn nữa. Có lẽ không có bức tượng nào trên thế gian này sầu bị hơn bức tượng này. Ngày xưa người ta chỉ giết Đức Chúa Giêsu và những người theo Đức Chúa Giêsu, ngày nay người ta giết cả tượng Đức Chúa và tượng Đức Mẹ. Ngày xưa người ta lăng trí, bá đao, xử trảm người theo Chúa, ngày nay tượng Đức Chúa và Đức Mẹ cũng bị lăng, trì, bá đao, xử trảm và xỉ nhục như thế. Đau đớn thay!
Xung quanh bức tượng, giáo dân đặt các vòng hoa kính viếng Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Trên các vòng hoa có các dòng chữ phân ưu như: “ Giáo họ Đông Thịnh vô cùng đau thương đau khi Mẹ chịu thương đau”, “Cộng đoàn Giáo họ Phong Châu vô cùng thương tiếc khi Mẹ đau thương”, “Hội Mân Côi xứ Ngọc Cao kính viếng sự đau thương Mẹ”.
Chúng tôi chỉ lấy làm tiếc, vì vụ đập phá tượng xảy ra chỉ 4 ngày sau khi Thủ tướng nước Việt Nam hội kiến với Đức Giáo Hoàng và Quốc Vụ Khanh Toà Thánh tại Rôma.
Có người bảo như vậy là một hành vi vả mặt Công giáo ở trong và ngoài nước. Giống như Taliban bắn phá tượng phật ở Apganixtan xúc phạm đến Phật giáo khắp thế giới hồi 7 năm trước. Lại cũng có người cho rằng: Như thế là Việt Nam mình tự vả mặt mình, tự chọc mắt mình, tự cấu xé thân thể mình. Điều này không phải là không có lý, vì đọan sông này sơn thuỷ rất hữu tình, hơn kém vịnh Hạ Long, do đó du khách ngoại quốc vẫn thường thuê thuyền máy chạy dọc qua đây để vẫn cảnh thiên nhiên kỳ thú.
Gần 1 thế kỷ trước khi suy gẫm về thời các vua chúa bách hại người Công giáo Việt Nam, Cụ Phan Bội Châu đã phải thốt lên rằng: “Than ôi thời đại chưa khai hoá!”. Ngày nay, nơi chín suối, chắc hẳn cụ vẫn còn phải thảng thốt như thế. Nhưng chắc là với cung giọng thảm thiết hơn./.
Đầu Đức Mẹ bị đập nát (nhìn từ phía bên tay phải Đức Mẹ)
Đầu tượng Chúa Giêsu bị chém
Chúa Giêsu chết rồi mà còn bị đánh giập xương ống chân
Bàn tay phải Đức Mẹ
Đức Mẹ bị chặt mất tay trái
Tấm bảng ghi ở chân tượng ngày dựng tượng
Núi Cay hay Núi Gò, nơi có thánh giá đã tồn tại gần một thế kỷ và là nơi đặt tượng Pieta
XUNG QUANH VỤ ĐẬP PHÁ TƯỢNG ĐỨC MẸ SẦU BI TẠI NINH BÌNH 30.01.2007
Đinh Thái Bình (20.02.2007)
Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến đã tặng Giáo xứ Đồng Đinh bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi.
Ngày 05.011.2006, giáo dân xứ Đồng Đinh đặt bức tượng tại chân thánh giá trên đỉnh núi Gò, hay còn gọi là Núi Cay, nằm giữa sông Hoàng Long, thuộc thôn 4, xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Pho tượng chưa được cố định vị trí và chưa được Đức Giám Mục làm phép.
Ngày 06.11.2006 đến ngày 29.01.2007, chính quyền địa phương “làm việc” với Đại diện giáo dân giáo xứ Đồng Đinh khoảng hơn 15 lần. Trong đó có những lần có sự hiện diện của công an và MTTQ Tỉnh Ninh Bình, có lần diễn ra tại Hội trường MTTQ huyện Nho Quan.
Trong các buổi làm việc liên ngành trên đây, hai lần hai lần ông Chủ tịch xã Đinh Minh Uy tuyên bố: “Nếu không hạ tượng thì kể cả cụt tay tôi cũng lấy xã beng chọc nát tượng!”.
Có anh công an tuyên bố không cho cha Năng là Linh mục Chính xứ về Đồng Dinh dâng lễ. Nếu cha cứ về dâng lễ mà không có phép thì trục xuất. Không hiểu vì lý do gì mà công an tuyên bố như vậy.
Các buổi làm việc với Đại diện giáo dân Đồng Đinh diễn ra rất “căng thẳng và phức tạp”. Người được các cán bộ đặc biệt chiếu cố là ông Antôn Bùi Ngọc Chỉ, Chủ tịch HĐGX. Các cán bộ có nhiều lời nói và hành động xúc phạm đến ông.
Trong khi đang diễn ra các buổi làm việc thì Đức Giám Mục giáo phận đã đồng ý cho đặt bức tượng ở núi cạnh nghĩa trang bên sông Hoàng Long. HĐGX xứ Đồng Đinh thông báo cho chính quyền và cho ý kiến của chính quyền. Trong lúc chưa nhận được ý kiến của chính quyền để chuyển tượng đi, thì các cán bộ địa phương đã dẫn dân quân địa phương đến tàn phá.
Sau khi diễn ra vụ phá tượng, công an huyện Nho Quan đã về lập biên bản. Ngày 07.02.2007 đã ra một thông báo khẳng định “việc đập phá tượng không có sự chỉ đạo của cấp uỷ , chính quyền địa phương, mà do 10 đối tượng thực hiện trong đó có sự tham gia của cá nhân một số lãnh đạo xã Thượng Hoà” như ông Nguyễn Văn Chiên (Bí thư Đảng uỷ Xã), ông Đinh Minh Uy (Chủ tịch Xã ), ông Nguyễn Văn Bẩy (Phó Công an Xã). Đấy là văn bản giải quyết cao nhất của các cấp chính quyền cho đến giờ này.
Tin hành lang cho biết: Các cán bộ cố giấu nhẹm vụ này. Qua trung gian họ kín đáo mời ông Bùi Ngọc Chỉ đến ăn cỗ ở nhà một cán bộ. Trong bữa ăn, họ dùng áp lực để đe doạ ông Bùi Ngọc Chỉ những mong Hội đồng Giáo xứ và giáo dân không đơn thư thưa kiện gì. Thấy không ăn thua, họ đổi nước, dùng quyền lợi và vật chất để dụ dỗ, kể cả cho ông mấy xuất đất. Những ông vẫn không sa chước cám dỗ: ông nói mình không có quyền và chuyện phá tượng liên quan đến toàn thể giáo dân trong giáo xứ và quyền quyết định thuộc về cha chính xứ và toàn thể giáo dân trong giáo xứ.
Người dân địa phương cho biết: Hiện nay 10 người trực tiếp đập phá tượng là người trong xã Thượng Hoà, nhưng ở thôn khác. Khi đập phá xong một số người trở nên bần thần ngơ ngơ, họ mới nói với giáo dân rằng ông Chủ tịch, ông Bí thư, ông Phó Công an kêu họ đi làm. Thế là Ông chủ tịch Xã phải chịu tội.
Ông Chủ tịch Xã thấy mình không thể một mình gánh hậu quả đã khai ra ông Bí thư và các ông khác. Ông chủ tịch nói một mình ông thì không thể làm gì. Nếu ông làm gì thì đó là do quyết định chung của Đảng bộ Xã. Đấy là người dân địa phương cho biết thế, chứ trong bản thông báo của công an huyện thì khẳng định là không có sự chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền địa phương.
Các cán bộ đây đó nói rằng: Cán bộ xã Thượng Hoà sai và phải chịu truy tố trước pháp luật, nhưng cha xứ và giáo dân xứ Đồng Đinh xin bãi nại. Thực sự thì không phải vậy. Tin gián tiếp cho biết, các cán bộ liên quan cũng đến xin Cha Giuse Lê Đức Năng. Nhưng ngài nói chuyện phá tượng có tổ chức như thế và lại liên quan đến toàn thể giáo dân, phần nào liên quan đến Đức Giám Mục, chứ không riêng cá nhân ngài. Do đó, ngài không có quyền quyết định một mình.
Cha Lê Đức Năng và Bùi Ngọc Chỉ đã làm đơn gửi lên ông Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, Ban Dân vận tỉnh Ninh Bình, UB MTTQ VN tỉnh Ninh Bình, Ban Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Nho Quan và Toà Giám Mục Phát Diệm.
Từ ngày đấy đến nay, Đức Giám Mục chưa có tuyên bố công khai công cộng điều gì. Lý do theo phân tích của người ngoài cuộc một phần là gần tết. Một phần là bức tượng là quà tặng của ngài cho giáo xứ Đồng Đinh, cho nên có vấn đề tế nhị.
Vụ việc này giáo dân trong Giáo phận Phát Diệm tỉnh Ninh Bình cũng ít người biết. Một mặt vì chưa có tiếng nói chính thức công khai công cộng của Đức Giám Mục. Mặt khác, vì giáo dân đang mải cấy vụ chiêm xuân và chuẩn bị tết nhất.
Tuy nhiên, vụ đập tượng này công an các tỉnh khác ít là ở Miền Bắc, cũng đã biết và trong các cuộc chúc tết nhau đây đó với giới chức sắc Công giáo nhân dịp tết nhất, một số cán bộ công an có đề cập tới ít nhiều.
Khách ngoại quốc cũng chưa biết nhiều: Vì lúc này đang mùa đông và mùa xuân, cảnh vật ở sông Hoàng Long u ám, ít người thuê thuyền máy đi dọc sông vãn cảnh.
Bức xúc nhất phải nói là Cha Bề trên và quý cha quý thầy Đan viện Châu Sơn Ninh Bình, cách đó khoảng gần 10 km. Các cha các thầy và các chú trong Đan viện đã ăn chay hãm mình và cầu nguyện liên tục từ khi xảy ra vụ đập tượng đến nay. Khách thập phương đến viếng Nhà Dòng dịp tết thường thấy sự bức xúc này trong câu chuyện ngày tết.
Người dân địa phương cho biết hầu hết những thành viên tham gia đập tượng nay đều bần thần, ngơ ngác, dù giáo dân chưa làm gì và chính quyền cấp trên chưa làm gì. Ít nhất theo chúng tôi biết đã có hai trường hợp bị ngã xe máy và chấn thương sọ não. Một đã hôn mê và một bị khâu hàng chục mũi ở đầu.
Giáo dân Đồng Đinh hiện nay chia phiên nhau chèo thuyền ra neo gần tượng để canh tượng. Các anh chị em tín hữu ở đây chứng tỏ lòng khoan dung Kitô giáo cách tuyệt vời, dù đau thương, cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, nhưng không ai có một hành động nào quá khích.
Từ khi bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi bị tàn phá đến nay đã có khoảng 40 đoàn hành hương, tổng cộng khoảng 2000 người về kính viếng. Xung quanh bức tượng thường xuyên có người đọc kinh cầu nguyện.
Tại chân tượng bị đập phá hãy còn tấm bảng ghi dòng chữ: “ Tạ ơn Đức Mẹ 'Pieta'-Người đã trở nên hình ảnh Hội Thánh tại Giáo phận Phát Diệm”.
Thật là chí lý và ý nghĩa.
Quang cảnh tượng Pieta sau khi bị phá. Giáo dân treo cờ tang và đặt vòng hoa kính viếng
Thời Điểm Maria: Phụ Thêm
Theo bản tin "MỘT VỤ XÚC PHẠM THÔ BẠO TỚI TÍN NGƯỠNG VÀ NIỀM TIN CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO" thì "Bức tượng Pieta này được đúc theo catalogue của Ý, nặng khoảng 1,8 tấn và do một cha ở Miền Nam tặng Đức cha Nguyễn Văn Yến nhân dịp ngân khánh linh mục của ngài. Bức tượng được đặt ở núi Sọ trong quần thể thánh đường Phát Diệm, trước khi được rước về Đồng Đinh".
May mắn thay, trong chuyến Hành Trình Việt Nam 3 tuần lễ từ Bắc vô Nam của gia đình Cao-Bùi chúng tôi đầu Hè 2006, vào ngày thứ 7 của chuyến về thăm quê hương sau 31 năm xa cách này, tức vào ngày 27/6/2006, chúng tôi đã đến thăm Nhà Thờ Phát Diệm vào buổi trưa hôm ấy (rất tiếc Đức Cha Yến bấy giờ không có nhà). Chúng tôi đã tham quan công trình vừa tôn giáo vừa văn hóa đầy kỳ công kiến trúc này, và người con trai thứ hai của chúng tôi là Cao Bùi Giang-Phong (John-Paul) đã chụp được tấm hình Pho Tượng Đức Mẹ (có mẹ và em gái đứng làm cảnh trước tượng Mẹ) bị đập phá trên đây. Không ngờ tấm hình này giờ đây đã trở thành một chứng tích lịch sử, để thấy được toàn diện Mẹ Đồng Công trước và sau biến cố hết sức đáng tiếc và muôn vàn đau thương này!
Về Vấn Đề Thủ Tướng Việt Nam triều kiến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dọn cho buổi phát thanh Tin Mừng Sự Sống 336
Chúng ta đều nghe tin về biến cố một vị lãnh đạo chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đến triều kiến vị lãnh đạo tinh thần của thế giới Công Giáo. Thật vậy, biến cố lịch sử chưa từng có này đã xẩy ra vào chính ngày Lễ Thánh Phaolô trở lại Thứ Năm 25/1/2007. Về nguyên nhân sâu xa tại sao chính phủ Việt Nam đã tự động muốn liên lạc và tỏ ra thân thiện với Tòa Thánh Vatican, người ta chỉ suy đoán hơn là biết rõ sự thật ngấm ngầm bên trong, liên quan tới vấn đề ngoại giao chính trị. Có thể là chính phủ Việt Nam muốn tỏ cho thế giới biết rằng, sau khi đã được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế vào tháng 12/2006, Việt Nam cũng đóng một vai trò quan trọng không nhỏ trên khấu trường lịch sử thế giới, đến nỗi đã “chơi” với cả một quyền lực thế giá nhất thế giới nói chung và Tây phương nói riêng là vị Giáo Hoàng Công Giáo, một vị mà các lãnh đạo cường quốc và Liên Hiệp Quốc cũng vẫn từng đến hội kiến. Còn riêng về phía Tòa Thánh Vatican, tại sao lại có vẻ sẵn sàng giao tiếp với một nước Cộng Sản vẫn không ngừng thực hiện chính sách đàn áp nhân quyền và kiểm soát tôn giáo như thế?
Trước hết, về chính sự kiện triều kiến này, Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican thông báo ngay hôm 25/1 như sau
“Sáng nay, Thứ Năm 25/1/2006, Ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tiếp kiến. Sau đó ông đã gặp Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, SDB , và Đức TGM Dominique Mamberti, đặc trách Văn Phòng Ngoại Giao Chư Quốc của Tòa Thánh. Tòa Thánh đã bày tỏ sự hài lòng về cuộc viếng thăm này, một cuộc viếng thăm đánh dấu một bước tiến mới mẻ và quan trọng hướng tới việc bình thường hóa các mối liên hệ song phương. Những mối liên hệ này, qua những năm gần đây, đã đạt được những tiến bộ cụ thể, mở đường cho quyền tự do tôn giáo đối với Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam.
“Trong diễn tiến của các cuộc bàn luận, mối quan tâm được đặt ra về những vấn đề vẫn còn sẽ cần phải đương đầu và giải quyết bằng những đường lối đối thoại hiện nay, và sẽ dẫn tới một cuộc hợp tác tốt đẹp giữa Giáo Hội và Quốc Gia, nhờ đó, những người Công Giáo có thể thực hiện việc tích cực đóng góp một cách càng hiệu lực hơn bao giờ hết cho công ích của xứ sở này, nơi việc cổ võ các giá trị về luân lý, nhất là nơi giới trẻ, nơi việc truyền bá một nền văn hóa kết đoàn cũng như nơi việc trợ giúp bác ái cho những thành phần yếu kém trong dân chúng.
“Ngoài ra, cũng có những trao đổi ý nghĩ về tình hình quốc tế hiện nay, hướng đến việc liên kết dấn thân cho hòa bình và tìm kiếm những giải pháp thương thuyết cho các vấn đề trầm trọng trong lúc này. Đây là lần đầu tiên một vị thủ tướng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam triều kiến Đức Thánh Cha và những vị thẩm quyền cao cấp nhất của văn phòng Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh”.
Sau nữa, về lý do tại sao Tòa Thánh Vatican lại có vẻ sẵn sàng giao tiếp với một nước Cộng Sản vẫn không ngừng thực hiện chính sách đàn áp nhân quyền và kiểm soát tôn giáo như thế?
Chúng ta tìm thấy câu giải đáp về chủ trương của Tòa Thánh liên quan tới vấn đề hết sức tế nhị này nơi ĐTGM Giovanni Lajolo, Bí Thư Văn Phòng Liên Hệ Chư Quốc, hôm Thứ Ba 15/11/2005, trong bài diễn văn của ngài ở hội nghị do tòa lãnh sự Balan ở Tòa Thánh tổ chức về đề tài “Vấn Đề Ngoại Giao của Tòa Thánh trong Thế Kỷ 20: Những Loại Hiệp Ước”. Vị TGM đặc trách văn phòng Ngoại Giao của Quốc Đô Vatican này đã cho biết chi tiết liên quan tới vấn đề chúng ta đang thắc mắc như sau:
“Những Hiệp Ước cũng như những thỏa ước khác ký kết với các quốc gia được cai trị bởi những hình thức chính quyền khác nhau, không trừ một hình thức chính quyền nào. Bởi thế, đôi khi Tòa Thánh bị chỉ trích vì ký kết những thỏa hiệp ngay cả với các chế độ độc tài chuyên chế, để bằng cách nào đó cung cấp cho các chế độ ấy việc nâng đỡ về luân lý và làm thuận tiện cho việc hiện diện của họ trên khấu trường quốc tế. Tuy nhiên, trước hết, cần phải nhớ rằng, với những thỏa hiệp này, Tòa Thánh không bao giờ nhìn nhận bất cứ chế độ chuyên biệt nào. Theo qui chuẩn của luật lệ quốc tế thì chính Quốc Gia (là những gì tồn tại) ký kết hiệp ước, chứ không phải là những chính quyền hay chế độ (là những gì xuất biến). Cũng đừng quên rằng, trong việc ký kết các hiệp ước của mình, Tòa Thánh nhắm đến việc bảo vệ quyền tự do của Giáo Hội ở nước đó, cũng như quyền lợi tự do tôn giáo của từng tín hữu và công dân, và điều này càng tỏ ra thật là cần thiết khi có những thành phần cai trị đất nước mà không hoàn toàn tôn trọng các quyền lợi căn bản”.