GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 25/2/2007

TUẦN I MÙA CHAY

 

?   “Luật tự nhiên chắc chắn là bức tường thành vững chắc duy nhất chống lại thứ quyền lực độc đoán hay việc lừa đảo của vấn đề mạo dụng theo ý hệ”.

?  Sứ Điệp Mùa Chay 2003 của ĐTC Gioan Phaolô II: “Cho đi có phúc hơn là nhận lãnh”

?  Tội Lỗi: Ý Thức, Nguồn Gốc, Bản Chất, và Chân Tướng

 

 

 

?  “Luật tự nhiên chắc chắn là bức tường thành vững chắc duy nhất chống lại thứ quyền lực độc đoán hay việc lừa đảo của vấn đề mạo dụng theo ý hệ”.

 

ĐTC BĐXVI – Huấn Từ ngỏ cùng thành phần tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế về Luật Tự Nhiên được Đại Học Đường Lateranô của Tòa Thánh ở Rôma tổ chức tại Sảnh Đường Clementine ngày Thứ Hai 12/2/2007

 

Quí Huynh khả kính trong hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,

Quí Vị Giáo Sư trọng kính,

Quí Vị Nữ Nam,

 

Tôi đặc biệt hân hoan tiếp đón anh chị em vào lúc mở đầu cho công việc Hội Nghị được anh chị em tham gia trong những ngày tới đây về đề tài khá quan trọng cho thời điểm lịch sử hiện nay, tức là đề tài về luật luân lý tự nhiên.

 

Tôi cám ơn ĐGM Rino Fisichella, Viện Trưởng Đại Học Đường Lateran của Tòa Thánh, về những cảm tình ngài bày tỏ trong bài diễn văn mở đầu cho cuộc họp này.

 

Thật sự là chúng ta đang sống trong một thời điểm phát triển phi thường nơi khả năng của con người trong việc giải mã những luật lệ cùng những cấu trúc của vật chất, cũng như nơi việc con người nhờ đó làm chủ thiên nhiên tạo vật.

 

Tất cả chúng ta đều thấy được những thắng lợi lớn lao trong việc tiến bộ này, và chúng ta càng ngày càng thấy một cách rõ ràng hơn nữa mối đe dọa của việc hủy hoại thiên nhiên tạo vật do chúng ta gây ra.

 

Còn có một thứ nguy hiểm ít hiển nhiên hơn nhưng cũng không kém phần lo ngại, đó là cái phương pháp cho phép chúng ta có thể biết được một cách sâu xa hơn nữa những cấu trúc hợp lý của vật chất lại là phương pháp làm cho chúng ta ít nhận ra hơn bao giờ hết nguồn mạch Lý Trí sáng tạo của tính cách hợp lý này. Cái khả năng thấy được những luật lệ của hữu thể về vật chất đang là những gì làm cho chúng ta không thể thấy được cái ý nghĩa về đạo lý được chất chứa nơi hữu thể, một ý nghĩa được truyền thống gọi là lex naturalis, là luật luân lý tự nhiên. 

 

Đối với nhiều người ngày nay thì chữ này hầu như là những gì không thể nào hiểu nổi vì quan niệm về thiên nhiên không còn tính cách siêu hình học mà chỉ còn duy tính cách thực nghiệm. Sự kiện thiên nhiên tạo vật tự mình không còn một ý nghĩa luân lý sáng tỏ nào nữa đang là những gì tạo nên một cảm quan lệch lạc khiến cho những chọn lựa của cuộc sống hằng ngày trở thành nhất thời và bấp bênh.

 

Dĩ  nhiên là tình trạng lệch lạc này đặc biệt ảnh hưởng tới các thế hệ trẻ trung, thành phần cần phải có được những chọn lựa nền tảng cho đời sống của mình trong bối cảnh ấy.

 

Chính vì chiều hướng tranh luận này mà càng phải cần suy tư về đề tài luật tự nhiên và tái nhận thức được sự thật của nó hiển nhiên của nó đối với chung tất cả mọi người. Thứ luật được nói tới đây, thứ luật được Thánh Tông Đồ Phaolô nói tới (x Rm 2:14-15), là những gì được ghi khắc nơi tâm can của con người, và vì thế có thể biết được, thậm chí ngay cả cho tới ngày nay.

 

Nguyên tắc thứ nhất và tổng quát của luật này đó là ‘làm lành lánh dữ’. Đó là một sự thật tự mình trực tiếp chi phối hết mọi người bởi tính cách hiển nhiên của nó. Từ nguyên tắc thứ nhất và tổng quát này mới xuất phát ra những nguyên tắc đặc biệt khác liên quan tới luân thường đạo lý về các thứ quyền lợi và nghĩa vụ của hết mọi người.

 

Chẳng hạn nguyên tắc tôn trọng sự sống con người từ khi nó được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đi, vì sự thiện sự sống này không phải là tài sản của con người mà là tặng ân nhưng không của Thiên Chúa. Ngoài ra, đó còn là nhiệm vụ cần phải tìm kiếm sự thật được cho là những gì cần thiết đối với hết mọi cuộc trưởng thành đích thực của con người.

 

Một áp dụng quan trọng khác về đề tài này đó là vấn đề tự do. Tuy nhiên, nếu chú ý tới sự kiện tự do của con người bao giờ cũng là một thứ tự do được chia sẻ với người khác, thì rõ ràng là việc hòa hợp của tự do chỉ có thể tìm thấy nơi những gì chung cho tất cả mọi người, đó là sự thật về con người, là ý nghĩa sâu xa về chính hữu thể, là chính luật luân lý tự nhiên – lex naturalis.

 

Và chúng ta làm sao lại không đề cập tới, một đàng là cái đòi hỏi của công lý được thể hiện nơi việc cho quyền đặc hữu unicuique suum, đàng khác, là niềm mong đợi về tình liên đới hằng nung nấu nơi hết mọi người, nhất là khi họ nghèo khổ, niềm hy vọng họ được thành phần  may mắn hơn giúp đỡ?

 

Những giá trị ấy cho thấy những qui chuẩn bất khả hủy hoại và liên đới không lệ thuộc vào ý muốn của nhà lập pháp, thậm chí không lệ thuộc vào những gì Quốc Gia có thể và cần phải tỏ ra đồng ý mới được. Chúng thật sự là những qui chuẩn có trước bất cứ một luật lệ nào của loài người, bởi thế, chúng không tùy thuộc vào việc điều chỉnh của bất cứ ai. Luật lệ tự nhiên, cùng với các thứ quyền lợi căn bản, là nguồn mạch xuất phát ra những trách nhiệm về luân thường đạo lý, một nguồn mạch chỉ đáng được tôn trọng.

 

Nơi đạo đức học và triết lý về Luật Pháp ngày nay đang lan tràn những thứ đòi hỏi theo chiều hướng thực chứng về pháp lý. Bởi thế, pháp luật thường trở thành một thứ dung hợp thuần túy giữa các khuynh hướng khác nhau, ở chỗ nó tìm cách biến thành luật lệ những khuynh hướng hay ước muốn riêng tư tương phản với những nhiệm vụ xuất phát từ trách nhiệm xã hội.

 

Trong tình trạng này cần phải nhắc lại rằng hết mọi phương pháp học về pháp lý, dù ở lãnh vực địa phương hay quốc tế, vấn đề trên hết đó là việc nó cần phải rút lấy tính cách hợp lý của mình từ gốc rễ của nó nơi luật tự nhiên, nơi ý nghĩa về đạo lý được ghi khắc ở hữu thể con người thực sự.

 

Luật tự nhiên chắc chắn là bức tường thành vững chắc duy nhất chống lại thứ quyền lực độc đoán hay việc lừa đảo của vấn đề mạo dụng theo ý hệ. Kiến thức về thứ lề luật được ghi khắc nơi tâm can này là những gì tăng trưởng theo tầm mức tiến bộ của lương tâm về luân lý.

 

Nhiệm vụ đầu tiên của tất cả mọi người, đặc biệt của những ai có trách nhiệm chung, bởi thế cần phải cổ võ sự trưởng thành về thứ lương tâm luân lý ấy. Đó là thứ tiến bộ căn bản mà nếu thiếu hụt thì tất cả mọi thứ tiến bộ khác đều tỏ ra bất chân thực.

 

Lề luật được ghi khắn nơi bản tính của chúng ta là bảo đảm thực sự cho hết mọi người để có thể được sống tự do và được tôn trọng theo phẩm giá của mình.

 

Những gì đã được nói cho tới đây có những áp dụng rất cụ thể nếu người ta nghĩ tới gia đình, tức là tới ‘mối thân hữu sâu xa của sự sống và của một tình yêu làm nên đời sống hôn nhân… được Đấng Hóa Công thiết lập và được Ngài phú bẩm bằng những thứ lề luật xứng hợp của nó’ (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, 48).

 

Về vấn đề này, Công Đồng Chung Vaticanô II đã thích thuận nhắc lại rằng cơ cấu hôn nhân là những gì đã được ‘ấn định bởi lề luật thần linh’, bởi thế, ‘mối liên hệ linh thánh này … vì thiện ích của người phối ngẫu, của con cái và của xã hội không còn lệ thuộc vào nguyên quyết định của loài người’ (cùng nguồn vừa dẫn).

 

Bởi vậy, không một thứ luật lệ nào do con người làm ra có thể qua mặt qui chuẩn ấy của Đấng Hóa Công, bằng không xã hội sẽ bị tổn thương thê thảm nơi những gì làm nên cái nền tảng căn bản của mình. Bỏ qua cái qui chuẩn ấy nghĩa là làm cho gia đình trở thành suy yếu, gây bất lợi cho trẻ em và khiến cho tương lai của xã hội trở thành bấp bênh bất ổn.

 

Sau hết, tôi cảm thấy có nhiệm vụ cần phải khẳng định một lần nữa là không phải tất cả những gì khả dĩ theo khoa học đều hợp lý theo đạo lý. Khi biến con người thành một đối tượng cho việc thí nghiệm, kỹ thuật đi đến chỗ phó mặc thành phần chủ thể yếu kém cho việc phân xử của thành phần mạnh hơn. Việc hoàn toàn nhắm mắt phó mình cho kỹ thuật như thể nó là một bảo đảm duy nhất cho vấn đề tiến bộ, mà không đồng thời cống hiến một thứ luật lệ về đạo lý là nền tảng sâu xa của cùng một thực tại đang được nghiên cứu và phát triển, thì chẳng khác gì như tỏ ra bạo động với bản tính của con người, gây hậu quả tàn phá cho tất cả mọi người.

 

Việc đóng góp của các khoa học gia là những gì có một tầm vóc quan trọng chính yếu. Cùng với việc tiến bộ nơi năng lực của chúng ta trong việc làm chủ thiên nhiên tạo vật, các khoa học gia cũng cần phải góp phần vào việc giúp hiểu được chiều sâu của trách nhiệm chúng ta đối với con người cũng như đối với thiên nhiên tạo vật được ký thác cho họ.

 

Theo chiều hướng ấy, cần phải phát triển một cuộc đối thoại tốt đẹp giữa thành phần tín hữu và vô tín ngưỡng; giữa các thần học gia, triết gia, pháp lý gia và khoa học gia, thành phần có thể cống hiến cả cho pháp luật nữa chất liệu quí báu cho đời sống cá nhân  cũng như xã hội.

 

Thế nên, tôi hy vọng những ngày học hỏi này sẽ mang lai chẳng những một cảm thức sâu xa hơn nơi thành phần thức giả liên quan tới luật tự nhiên về luân lý, mà còn giúp vào việc tạo nên những điều kiện nhờ đó đề tài này có thể tiến tới chỗ được nhận thức hoàn toàn hơn về cái giá trị bất khả coi thường mà luật luân lý tự nhiên có được đối với một thứ tiến bộ thực sự và liên kết giữa đời sống riêng tư với trật tự xã hội.

 

Với ước vọng này, tôi hứa nguyện cầu cho anh chị em cũng như cho việc dấn thân về hàn lâm của anh chị em trong vấn đề nghiên cứu và suy tư, và tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/february/documents/hf_ben-xvi_spe_20070212_pul_en.html
 

 

TOP

 

 

?  “Cho đi có phúc hơn là nhận lãnh”

 

Sứ Điệp Mùa Chay 2003 của ĐTC Gioan Phaolô II

 

Sứ điệp đề ngày 7/1/2003 này của ĐTC đã được phổ biến bằng tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. ĐTGM Paul Josef Cordes, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh “Cor Unum” chủ tọa buổi ban hành sứ điệp đây tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh. Theo Tông Hiến 1988 Mục Tử Tốt Lành “Pastor bonus” của ĐTC Gioan Phaolô II thì hội đồng này, ngoài việc giúp vào vấn đề sửa soạn cho Sứ Điệp Mùa Chay hằng năm còn “bày tỏ mối quan tâm của Giáo Hội Công Giáo đối với thành phần thiếu thốn, để phát động tình huynh đệ nhân loại và chứng tỏ đức ái của Chúa Kitô”.


Anh Chị Em thân mến!


1. Mùa Chay là mùa thiết tha cầu nguyện, chay tịnh và quan tâm đến những ai thiếu thốn. Mùa này cống hiến cho tất cả mọi Kitô hũu một cơ hội dọn mừng Lễ Phục Sinh bằng việc nghiêm cẩn ý thức về cuộc đời sống của mình, đặc biệt chú trọng tới Lời Chúa là những gì soi sáng cuộc hành trình hằng ngày của tất cả mọi con người tin tưởng.


Năm nay, để hướng dẫn suy niệm Mùa Chay, Tôi muốn nêu lên một câu được trích từ Sách Tông Vụ, đó là câu: “Cho đi thì có phúc hơn là nhận lãnh”. Những gì chúng ta nói đến ở đây không phải chỉ là một huấn dụ về luân lý, hay là một mệnh lệnh đến với chúng ta từ bên ngoài. Bản năng cho đi được bắt nguồn từ chiều sâu của con tim nhân loại, ở chỗ, mỗi người đều ý thức được một ước muốn giao tiếp với những người khác, và hết mọi người đều cảm thấy nên trọn nơi việc trao tặng bản thân mình cho người khác.


2. Tiếc thay, thời đại của chúng ta đây đặc biệt dễ bị chiều theo xu hướng vị kỷ là những gì bao giờ cũng nằm vùng rình chực trong tâm can con người. Trong xã hội nói chung và nơi phương tiện truyền thông đại chúng, dân chúng bị công hãm bởi những sứ điệp không nhiều thì ít công khai đề cao những cái vồ vập và lạc thú. Việc quan tâm đến kẻ khác thường được tỏ ra vào những lúc thiên tai, chiến tranh và những thứ hoạn nạn nguy cấp, nhưng nói chung rất khó lòng để xây dựng một thứ văn hóa đoàn kết. Tinh thần của thế giới này ảnh hưởng đến bản năng tự nhiên mạnh mẽ của chúng ta trong việc hiến mình một cách vô vị lợi cho người khác và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm thỏa mãn những lợi lội riêng tư của mình thôi. Càng ngày lòng ước muốn chiếm hữu càng mạnh. Chắc chắn là dân chúng tự nhiên có quyền, bằng việc sử dụng những tặng ân riêng của mình cũng như việc lao công của mình, làm việc để chiếm đạt những gì họ cần để sống, thế nhưng ước muốn chiếm hữu quá độ làm cho con người đóng cửa lòng mình lại trước Tạo Hóa và anh chị em của mình. Những lời của Thánh Phaolô gửi Timôthêu vẫn còn giá trị ở mọi thời đại: “Lòng yêu thích tiền bạc là gốc rễ của tất cả mọi sự dữ; chính vì lòng tham muốn này mà một số người đã lạc xa đức tin và bị xâu xé cõi lòng” (1Tim 6:10)!


Hành động khai thác nhau, thái độ lạnh lùng dửng dưng trước khổ đau của anh chị em chúng ta, và việc vi phạm đến những qui tắc căn bản của luân lý mới chỉ là một ít hoa trái cho nỗi khát khao chiếm hưởng này. Đối diện với tình trạng thê thảm của cảnh bần cùng liên lỉ gây khổ đau cho nhiều người trên thế giới, chúng ta làm sao có thể không nhìn thấy là việc theo đuổi tìm cầu lợi lộc với bất cứ giá nào và không biết hữu trách quan tâm một cách hiệu năng đến công ích, đã dồn những nguồn lợi khổng lồ vào tay của một số ít người, trong khi phần đông nhân loại phải chịu sống cảnh bần cùng và bị bỏ rơi?


Bằng việc kêu gọi tín hữu cũng như tất cả mọi con người thiện tâm, Tôi muốn tái xác nhận một nguyên tắc hiển nhiên song vẫn thường bị coi thường, đó là mục tiêu của chúng ta không phải là thiện ích của một số ít may mắn, mà là việc cải tiến những điều kiện sống của tất cả mọi người. Chỉ khi nào biết đặt mình trên nền tảng này chúng ta mới có thể xây dựng một trật tự thế giới thực sự được đánh dấu bằng công lý cũng như bằng một tình đoàn kết là niềm hy vọng của mọi người.

3. “Cho đi thì có phúc hơn là nhận lãnh”. Khi tín hữu đáp lại động lực nội tâm trong việc hiến mình cho người khác không mong bù đắp sự gì thì họ cảm thấy một nỗi thỏa nguyện nội tâm sâu xa.

Những nỗ lực của Kitô hữu trong việc cổ võ công lý, việc họ dấn thân bênh vực thành phần bất lực, việc họ nhân đạo ban bánh cho người đói và chăm sóc cho bệnh nhân, đáp ứng hết mọi cơn nguy cấp và nhu cầu, đều lấy sức từ kho tàng yêu thương duy nhất bất tận là tặng vật trọn vẹn của Chúa Giêsu dâng lên cho Chúa Cha. Tín hữu được kêu gọi theo bước chân của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng hoàn toàn vâng phục ý muốn của Chúa Cha đã hủy mình ra như không (x Phil 2:6ff), và khiêm tốn hiến mình cho chúng ta bằng một tình yêu vô vị kỷ và toàn vẹn, cho dù có phải chết trên cây thập tự giá. Đồi Canvê hùng hồn loan báo sứ điệp của tình yêu Ba Ngôi Thánh đối với loài người ở mọi thời và khắp mọi nơi.

Thánh Âu-Quốc-Tinh nhận định rằng chỉ có một mình Thiên Chúa, Sự Thiện Tối Cao, mới có khả năng chế ngự các hình thức bần cùng khác nhau hiện diện trên thế giới này. Tình thương và tình yêu đối với tha nhân bởi thế phải là hoa trái của mối liên hệ sống động với Thiên Chúa và lấy Thiên Chúa làm cứ điểm liên lỉ của mình, vì chính ở trong sự gần gũi với Thiên Chúa mà chúng ta mới tìm thấy niềm vui (cf. De Civitate Dei, X, 6; CCL 39:1351ff).

4. Con Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, trong lúc “chúng ta còn là những tội nhân” (Rm 5:6), với một tình yêu vô vị lợi không đòi hoàn trả. Nếu vậy thì chúng ta làm sao có thể không thấy được mùa Chay là một cơ hội tốt đẹp để thực hiện những quyết định can đảm theo lòng quan tâm đến nhau và lòng quảng đại? Mùa Chay cống hiến cho chúng ta những thứ khí giới cụ thể và hiệu lực của chay tịnh và bố thí như phương tiện để chiến đấu với lòng dính bén quá độ với tiền bạc. Việc ban phát chẳng những từ sự dồi dào của chúng ta, mà còn từ việc hy sinh hơn nữa một cái gì đó cho thành phần thiếu thốn, là việc nuôi dưỡng một thứ bỏ mình thiết yếu cho đời sống kitô hữu. Được kiên cường bằng việc liên lỉ cầu nguyện, thành phần được rửa tội tỏ ra cho thấy cái ưu tiên họ dâng cho Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.

Tình yêu Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta phải soi động và biến đổi cái chúng ta là và việc chúng ta làm. Kitô hữu không được nghĩ rằng họ có thể tìm kiếm sự thiện chân thực cho anh chị em của họ mà không cần thể hiện đức bác ái của Chúa Kitô. Ngay cả ở những trường hợp họ có thể thành công trong việc cải tiến những khía cạnh quan trọng của sinh hoạt xã hội hay chính trị đi nữa, nếu không có đức bác ái thì hết mọi thay đổi sẽ không bền bỉ. Cơ hội ban phát chính mình cho kẻ khác tự nó là một tặng vật do ơn Chúa ban. Như Thánh Phaolô dạy: “Theo nhã ý của mình, Thiên Chúa hoạt động nơi anh em, cả nơi ý muốn lẫn việc làm“ (Phil 2:13).

5. Chúa Kitô đã cống hiến gương mẫu của Người và lên tiếng kêu gọi theo Người nơi con người nam nữ tân tiến, thành phần thường không thỏa mãn với một cuộc sống tầm thường và nông nổi nên đang tìm kiếm một thứ hạnh phúc và yêu thương đích thực. Người xin những ai nghe thấy tiếng của Người hãy hiến cuộc đời của mình cho người khác. Cuộc hy hiến này là nguồn mạch của sự viên trọn bản thân cũng như của niềm vui mừng, như được thấy nơi gương mẫu sống động của những con người nam nữ đã từ bỏ mọi thứ an sinh để không ngần ngại liều mạng sống mình làm thừa sai nơi các phần đất khác nhau trên thế giới. Cuộc hy hiến ấy cũng có thể được thấy nơi việc đáp ứng của những con người trẻ trung, theo đức tin tác động, ấp ủ ơn gọi làm linh mục hay sống đời tu sĩ để phục vụ dự án cứu độ của Thiên Chúa. Cuộc hy hiến này cũng được thấy nơi việc tăng thêm con số tình nguyện viên dấn thân giúp đỡ thành phần nghèo khổ, già yếu, bệnh tật và tất cả những ai cần đến họ.

Gần đây chúng ta đã chứng kiến thấy một bày tỏ tình đoàn kết đáng khen đối với những nạn nhân bão lụt ở Âu Châu, động đất ở Mỹ Châu Latinh và Ý Quốc, nạn dịch ở Phi Châu, nạn núi lửa ở Phi Luật Tân, cũng như ở các miền đất khác trên thế giới đang lo sợ hận thù, bạo động và chiến tranh.

Nơi những tình trạng này, các phương tiện truyền thông xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ thành phần đau khổ cũng như những ai sống trong buồn đau. Có những lúc không cần phải là giới răn yêu thương Kitô giáo, mà là một cảm thức xót thương cũng có thể tác động chúng ta nỗ lực giúp đỡ lẫn nhau. Cho dù là thế, ai ra tay giúp đỡ những người đang cần đến họ bao giờ cũng được Thiên Chúa ban ơn. Trong Sách Tông Vụ chúng ta đọc thấy rằng người môn đệ Tabitha đã được cứu vì bà đã làm việc thiện cho tha nhnân của bà (x 9:36ff). Viên đại đội trưởng Corneliô đã được sự sống đời đời vì lòng quảng đại của ông (x ibid 10:2-31).

Với những ai đang “ở xa” thì việc phục vụ thành phần cần đến họ có thể là một con đường thuận lợi dẫn họ đến với cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, vì Chúa trả công bội hậu về các việc lành làm cho tha nhân của họ (x Mt 25:40).

Tôi tha thiết hy vọng là tín hữu sẽ tìm thấy nơi Mùa Chay này một thời gian thuận lợi cho việc làm chứng cho Phúc Âm bác ái ở khắp mọi nơi, vì ơn gọi bác ái là cốt lõi của tất cả mọi việc truyền bá phúc âm hóa. Để được như vậy, Tôi kêu xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, giúp chuyển cầu, và xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay của chúng ta. Với lòng cảm mến, Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 6/2/2003

 

 

TOP

 

 

?  Tội Lỗi: Ý Thức, Nguồn Gốc, Bản Chất, và Chân Tướng

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Ý Thức Tội Lỗi 

 

N

ói đến tội lỗi, trước hết và trên hết là nói đến ý thức luân lý, ý thức đúng sai, lành dữ, chứ không phải chỉ nói đến những hành động xấu xa, bậy bạ, sai quấy, trái phép. Bởi vì, có những hành động tội lỗi nhưng con người vì thực sự không biết hay hoàn toàn vô thức nên đã vấp phạm, bằng không đã không làm. Đó là lý do mới có câu “không biết thì vô tội”, và đó cũng là lý do, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì yếu tố chính yếu làm nên tội lỗi thật đó là ý thức những gì mình làm là tội mà cứ cố tình làm. Hay dù có ý thức được tội lỗi đi nữa, con người vẫn cứ làm vì họ có lý do của họ. Bởi thế mới đang xẩy ra tình trạng những gì ngày xưa cho là tội lỗi, xấu xa, cần phải xa lánh, như ly dị, phá thai v.v. thì ngày nay con người lại cho là thiện ích, tốt đẹp, cần phải thực hiện.

 

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao con người có ý thức tội lỗi, hay ý thức tội lỗi từ đâu mà ra hoặc bởi đâu mà có? Phải chăng do truyền thống xã hội mà có, bởi vì, có những hành động ở xã hội địa phương này, hay ở xã hội thời ấy được làm, chẳng hạn tục đa thê hay chế độ nô lệ, nhưng ở xã hội địa phương kia và ở xã hội ngày nay không được làm nữa; hoặc ngược lại, trước đây hay ở đó có những hành động không được làm, nhưng bây giờ và ở kia lại được làm, như ly dị và phá thai v.v. Đó là lý do trước khi xác quyết tội lỗi bởi đâu mà có, cần phải nhận diện được đích thực chân tướng của tội lỗi là gì và như thế nào.

 

Trước hết, đối với Phật Giáo, nếu không xác định rõ tội lỗi là gì, Phật Giáo sẽ gặp rắc rối trong vấn đề đầu thai luân hồi. Thật vậy, theo giáo lý Nhà Phật, sở dĩ con người cần phải đầu thai luân hồi là vì nghiệp báo, tức vì những hành động tội lỗi xấu xa của họ. Thế nhưng, nếu ngày nay con người văn minh chủ trương những gì vốn được truyền thống cho là tội lỗi đều là những gì vô tội, đều là những gì thiện ích, thì chẳng lẽ tất cả mọi hành động của con người văn minh ngày nay không còn bị nghiệp báo nữa hay sao? Ngoài ra, bản chất hay ý nghĩa của tội lỗi còn liên quan cả đến vấn đề thời hạn cần phải đầu thai luân hồi nữa, tức con người cần phải đầu thai luân hồi lâu hay mau là tùy ở số lượng tội lỗi, tùy ở tầm mức trầm trọng của tội lỗi họ phạm, tức càng tội lỗi đầy đầu con người càng bị đầu thai luân hồi lâu, đầu thai hết đời này đến đời khác. Bởi thế, nếu không biết đến tội lỗi là gì thì con người chủ quan làm sao biết được biết mình phạm những tội đáng phải đầu thai luân hồi bao lâu. Vả lại, theo giáo lý Phật Giáo, con người muốn thoát khổ cần phải đạt đến mức độ trở thành “vô ngã”, mà thành phần mất ý thức tội lỗi, tức không còn biết đến tội lỗi là gì nữa phải chăng đã đạt đến mức độ trở thành “vô ngã”, vì chỉ có hữu ngã con người mới chịu trách nhiệm về hành động của mình mà thôi, tức mới cảm thấy mình cần phải đầu thai luân hồi.

 

Nếu giáo lý Phật Giáo gặp nan giải trong vấn đề bản chất tội lỗi, tức tội lỗi là gì liên quan chẳng những đến vấn đề đầu thai luân hồi mà còn liên quan cả đến tầm mức “vô ngã” thượng thừa của họ nữa, thì thần học Kitô Giáo cũng phải đối đầu với vấn đề nguồn gốc tội lỗi, tức tội lỗi bởi đâu mà có như vậy. Đúng thế, theo Mạc Khải Thần Linh, một mạc khải đã được ghi nhận trong cuốn Sách Thánh đầu tiên là cuốn Sáng Thế Ký của Do Thái Giáo, thì ngay từ ban đầu loài “linh ư vạn vật” là con người đã được Thiên Chúa Hóa Công dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, ở chỗ có hồn thiêng bất tử và nhờ đó có quyền tự do, hoàn toàn tốt lành, hoàn toàn tinh nguyên, không bị một hư hại nào. Nghĩa là ngay từ ban đầu, khi mới được tạo dựng nên, con người còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, còn ở trong tình trạng hòa hợp với Thượng Đế Chí Tôn, với thiên nhiên tạo vật, nhất là với chính bản thân mình và với nhau. Tức nơi con người bấy giờ chưa xẩy ra tình trạng giằng co nội tâm giữa phần hạ và phần thượng; nơi họ bấy giờ cũng chưa có mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu. Nếu ngay từ ban đầu con người không hề biết đến tội lỗi là gì, thậm chí không hướng chiều về tội lỗi, không có căn cớ để phạm tội, thế mà tại sao con người lại có thể phạm tội được? Tội ở đâu mà có là như vậy. Nếu nói rằng sở dĩ con người yếu đau về phần xác là vì thân thể họ không được khỏe mạnh, tức yếu đau là do tình trạng yếu kém về sức lực, thì tại sao ngay từ ban đầu, con người đang sung sức về tinh thần lại có thể bị yếu đau thiêng liêng, tức có thể bị bệnh tật về đạo lý là phạm tội như vậy? Vấn đề tội ở đâu mà có là như thế.

 

Nguồn Gốc Tội Lỗi

 

Về nguồn gốc tội lỗi, theo cảm nghiệm cụ thể, người ta cho rằng tội lỗi là những gì phát xuất từ tự do của con người, vì nếu không có tự do con người sẽ không thể phạm tội và không bao giờ phạm tội. Thế nhưng, nếu không có tự do con người cũng sẽ không phải là và không còn là con người nữa, vì không có tự do, con người sẽ chỉ sống theo bản năng như con vật, không biết yêu thương là gì, yếu tố làm nên sự sống nhân bản của con người và kiến tạo nên văn minh của con người. Như thế, nếu tự do tự bản chất là yếu tố làm nên con người thì tự do không thể nào là căn nguyên gây nên tội lỗi nơi con người. Tuy nhiên, nếu tự do không phải là nguồn gốc gây nên tội lỗi nơi con người thì nguyên nhân khiến con người phạm tội chắc chắn phải là thử thách và cám dỗ. Như trường hợp đệ nhất nữ nhân nguyên tổ Evà đã gặp phải trong vườn địa đàng trước những lời dụ ngọt hợp lý của rắn quỉ tinh khôn, đến nỗi bà đã làm ngược lại tất cả những gì Đấng Tối Cao phán dạy còn vang vọng rõ ràng trong lương tâm và ý thức của bà, như bà nhắc cho con rắn quỉ này biết khi bị nó cám dỗ (xem Sánh Thế Ký 3:2-3). Bởi vì, nếu không có thử thách, con người tự do sẽ không có cơ hội để phạm tội, để lạm dụng tự do của mình. Thế nhưng, ngược lại, nếu không có thử thách, con người cũng không cần có tự do, yếu tố làm nên con người “nhân linh ư vạn vật”, hay ngược lại, con người không cần tự do nếu không có thử thách, vì thử thách chẳng những là yếu tố ngoại tại chứng tỏ con người thực sự có tự do mà còn là cơ hội cho con người chứng tỏ mình có tự do thực sự, tự do hoàn toàn, tự do đến nỗi không bị một cái gì, dù là thử thách, có thể ảnh hưởng và chi phối được mình. Như thế, nếu thử thách là phương thế cần có để làm cho con người tự do phát triển hơn là khiến họ bị suy thoái, thì thử thách tự bản chất không thể nào là nguyên nhân gây nên tội lỗi nơi con người.

 

Dầu sao cũng phải công nhận rằng tự do, dù không phải là nguyên nhân chính khiến con người phạm tội, thì cũng là khả năng để con người có thể phạm tội. Bởi vì, con người bị bắt buộc mà làm điều xấu, hay làm điều xấu trong tình trạng không làm chủ được mình bởi những quyền lực ngoài ý muốn, như trường hợp những người Công Giáo không chịu bước qua Thánh Giá là tác động biểu hiệu chối đạo và bỏ đạo, họ đã được lệnh khênh họ qua thập giá v.v., thì họ hoàn toàn vô tội. Nghĩa là, bởi có tự do con người mới có khả năng chọn lựa lành dữ, tốt xấu, đúng sai, lợi hại. Chính tác động chọn lựa của con người, nhất là chọn xấu là yếu tố tạo nên tội lỗi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những cái con người chọn sai nhưng hoàn toàn vì nhầm lẫn, vì không rõ, vì vô thức, nên tác động xấu xa tội lỗi của họ, tự bản chất của nó, đối với Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, một là vô tội hai là nhẹ tội. Như thế, yếu tố chính làm nên tội là ý thức của con người. Thậm chí, cũng theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, chính ý thức này còn tạo nên tội lỗi nữa, dù hành động con người làm không phải là tội thật. Chẳng hạn, theo luật, việc người Công Giáo vì lười bỏ không tham dự lễ Chúa Nhật là một trọng tội, nhưng hôm họ bỏ lễ không phải Chúa Nhật, mà họ lại tưởng là Chúa Nhật. Như thế, nếu thực sự ngày họ tưởng là Chúa Nhật ấy quả thực là Chúa Nhật họ cũng bỏ không đi tham dự lễ vậy. Tội là ở chỗ ý thức của con người là thế.

  

Bản Chất Tội Lỗi

 

Tuy nhiên, cho dù, về phương diện chủ quan, vấn đề tội lỗi ở đây gây ra bởi tác động con người chọn lựa và ý thức, song về phương diện khách quan, vấn đề tội lỗi ở tại chính bản chất của nó, ở tại nó là việc xấu, việc ác. Chẳng hạn việc gian dâm hãm hiếp, việc cướp của giết người v.v. những việc mà dù con người có ý ngay lành mấy đi nữa, cũng không thể vì ý tốt của tác nhân mà việc vốn xấu trở thành việc tốt lành, cũng không thể biện minh cho việc làm của họ. Hay chẳng hạn những trường hợp như ra tay sát hại những người bị bệnh bất trị cho họ khỏi khổ; sát hại những thai nhi có thể bị tật nguyền để đỡ gánh nặng cho xã hội; đi làm điếm để cầu thực nuôi thân, như đi ăn cướp của người giầu đem bố thí cho người nghèo; chính sách vô sản nhân dân làm chủ chính phủ quản lý để san bằng mọi giai cấp và bất công xã hội v.v. cũng thế. Bằng không, chính con người là Đấng Tối Cao. Nghĩa là tất cả những gì con người nghĩ đều là chân thật, ở chỗ tất cả những gì họ nghĩ đúng là đúng, nghĩ sai là sai, và tất cả những gì con người muốn đều thiện hảo, ở chỗ những gì con người không thích là xấu, ngược lại những gì con người thích là tốt v.v. Nếu xã hội loài người sống theo đường lối chủ quan về luân lý, cũng là đường lối tương đối hóa luân lý như thế, nó sẽ trở thành vô cùng lộn xộn và hỗn loạn, vì trăm người trăm tính, mà ai cũng cho mình là đúng, là hay, thử hỏi không phải xã hội loài người sẽ trở thành một xã hội sống theo luật rừng mạnh được yếu thua hay sao? Phải chăng xã hội con người văn minh ngày nay đang sống theo luật rừng mạnh được yếu thua này, khi kẻ mạnh là thai mẫu có quyền giết kẻ yếu là thai nhi? Sở dĩ con người văn minh ngày nay đã tiến đến chỗ sống theo luật rừng mạnh được yếu thua này là vì họ đã tự cho mình là chúa tể, cho mình có quyền pro choice, được toàn quyền định đoạt lành dữ theo ý họ.  

 

Vậy, nếu tội lỗi tự bản chất thực sự là việc xấu, việc ác, và con người phạm tội là con người làm việc xấu, việc ác, thì làm sao để có thể biết được, hay căn cứ vào đâu để biết được, đâu là việc xấu, việc ác. Trước hết, có thể nói, tất cả những việc gì con người làm không đúng với sự thật đều là việc xấu, việc ác. Đó là lý do hành động tội lỗi còn được gọi là hành động gian ác, hay nói ngược lại, tất cả những gì không phản ảnh chân lý, không thật đều là những sự xấu xa, những sự gian ác, như ăn gian, nói dối. Như thế, tự bản chất, tội lỗi trước tiên là tất cả những gì dối trá, không thật. Con người tội lỗi là con người không sống theo sự thật hay không sống trong sự thật, và chính vì không sống trong sự thật hay sống theo sự thật mà con người đã làm những gì không hợp với sự thật làm người của mình, không sống theo thân phận làm người của mình, không sống đúng với phẩm giá làm người của mình. Bởi vậy, có thể thực tế định nghĩa tội lỗi là tất cả những gì con người thực hiện phản nghịch lại với sự thật làm người của họ hay phạm đến nhân phẩm làm người của họ, những gì cũng đã được nhân gian công nhận và gọi là ác nhân ác đức hay thất nhân thất đức.

 

Thế nhưng, đâu là sự thật làm người, hay sự thật làm người này là gì, nếu không phải sự thật làm người ở ngay chính nhân phẩm của con người, và nhân phẩm là tất cả sự thật về con người. Vậy nhân phẩm của con người đây là gì mà hễ con người không sống đúng với nó là con người không sống đúng với sự thật làm người, là con người sống trong tội lỗi?

 

Trước hết, nhân phẩm tự bẩm sinh mà có nơi con người, chứ không phải xã hội hay thẩm quyền trần gian nào đã ban cho họ. Chính bởi nhân phẩm bẩm sinh này của mình mà con người mới có những quyền lợi bất khả vi phạm xứng với thân phận làm người của mình, như quyền được sống, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập gia đình, quyền được tự vệ và biện hộ v.v. Đó là lý do tất cả những hành động nào phạm đến các quyền này đều là tội ác, chẳng hạn như trường hợp sát nhân; trường hợp cấm cách và bắt đạo, hoặc lừa bịp, dụ dẫm, ép buộc bắt kẻ khác theo đạo của mình; trường hợp không cho phổ biến hay đăng tải những tin tức chính đáng vì sợ tuyên truyền phản chính sách của mình, thậm chí kỳ thị nhau, không cho nhau bày tỏ và thể hiện những nét văn hóa riêng của họ; trường hợp bắt con cái lập gia đình theo chủ quan và ý thích của cha mẹ; trường hợp chụp mủ và xử án cho có vẻ dân chủ ở một số xã hội chuyên chế độc quyền v.v.

 

Tuy nhiên, cũng chính vì những quyền lợi là do bẩm sinh mà có, chứ không phải do con người lập được, tức những quyền lợi con người có là được ban cho, mà con người còn có trách nhiệm kèm theo nữa, tức còn có trách nhiệm đối với những quyền lợi con người nhận được. Ở chỗ, họ phải làm sao sử dụng đúng đắn những quyền lợi ấy cho hợp với sự thật làm người của mình, chứ không được lạm dụng chúng, sử dụng chúng theo ý muốn chủ quan của mình.

 

Chẳng hạn, được quyền tự do ngôn luận thì không phải được quyền muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi, muốn vu khống ai thì vu khống, vì quyền tự do ngôn luận này theo sự thật làm người là quyền con người cần có chẳng những để truyền đạt bản thân mình mà còn để hiểu biết nhau, nhờ đó xích lại gần nhau nữa; bởi vậy, bất cứ lời nói nào gây chia rẽ nhau đều là những tác động phản nhân bản, những tác động xấu xa, cần phải tránh, phải bỏ. Được quyền sống không phải là muốn chết lúc nào thì chết, hay được quyền tha hồ nghiện hút làm hại đến sức khỏe, hoặc được quyền lái xe ẩu nguy hiểm đến tính mạng, vì quyền sống này theo sự thật làm người là quyền con người cần có để làm cho sự sống phát triển, sự sống truyền sinh, sự sống phục vụ; bởi vậy, bất cứ hành động nào tác hại đến sự sống hay triệt hạ sự sống đều là những hành động tội ác, cần phải tránh, phải bỏ. Được quyền lập gia đình không có nghĩa là được quyền tiền dâm hậu thú, được quyền đồng tính kết hôn v.v. vì quyền lập gia đình này theo sự thật làm người là quyền con người cần có để hiệp thông xã hội và truyền sinh nòi giống; bởi thế, tất cả những việc làm nào phản lại đời sống hôn nhân gia đình đều là những việc làm xấu xa tội lỗi, cần phải tránh, phải bỏ. Được quyền tự do tôn giáo không có nghĩa là được quyền muốn lập đạo nào thì lập như đạo thờ quỉ Satan, hay được quyền nhân danh tôn giáo để khủng bố, vì quyền tự do tôn giáo này theo sự thật làm người là quyền con người cần có để con người chẳng những thăng tiến tâm linh mà còn cứu nhân độ thế nữa; bởi thế, bất cứ hành động nào làm cho con người suy thoái tâm linh hay tác hại đến xã hội loài người, đều là những hành động tộc ác, phản tôn giáo.

  

Chân Tướng Tội Lỗi

 

Tóm lại, với nhân phẩm làm người của mình, con người cần phải có tự do và cần phải được hưởng những quyền lợi bẩm sinh xứng hợp với tự do của mình. Thế nhưng, thứ tự do nào làm cho con người thăng tiến mới là thứ tự do thật, tức làm cho họ đạt được đích điểm làm người của họ, đạt đến tầm vóc thành toàn của họ, dù họ có phải trả bằng một giá cao, bằng những hy sinh, thử thách và khổ đau, chẳng hạn thà chết hơn bỏ đạo, một tác động bất khuất, chẳng những thắng vượt quyền lực tội lỗi và sự chết, mà còn làm sáng tỏ chân lý làm người, chân lý con người thuộc về thượng giới chứ không phải hạ giới. Ngược lại, thứ tự do nào làm cho con người đánh mất bản thân mình, như những hành động mất tính người, những hành động cho thấy con người sống như con vật hay thua con vật, hay thứ tự do biến con người trở thành nô lệ, như nghiện ngập không bỏ được, thì đó chỉ là thứ tự do giả tạo, vì quyền tự do nói chung theo sự thật làm người đó là quyền để con người có thể làm lành  lánh dữ, có thể chế ngự sự dữ, có thể bằng an tự tại không bị chi phối hay ngã gục bởi bất cứ một yếu tố hay quyền lực ngoại tại nào; bởi thế, bất cứ hành động tự do nào làm cho con người băng hoại đều là hành động phi nhân bản, ngược lại, bất cứ hành động hy sinh chịu đựng nào làm con người thăng tiến, làm cho họ đạt đến đích điểm và tầm vóc thành toàn của mình, đều là những hành động thành nhân, những hành động trọn hảo. Đó là lý do tôn giáo nào có quyền năng biến đổi con người, giúp họ sống trọn ơn gọi làm người của họ, sống một đời sống nhân bản trọn lành mới là tôn giáo đáng theo.

 

Thế nhưng, tất cả những hành động phản lại với sự thật làm người không phải chỉ trực tiếp phạm đến phẩm giá của con người mà còn phạm đến chính nguồn gốc của phẩm giá này, tức phạm đến chính Đấng đã ban cho họ được hưởng những quyền lợi làm người, và vì thế họ phải có trách nhiệm sử dụng những quyền lợi ấy theo ý muốn của Ngài là chủ nhân ông tối thượng của tất cả những gì Ngài ban cho họ và đặt để nơi họ. Như thế, nói cho cùng, tội lỗi là tất cả những gì làm trái với ý muốn trọn hảo của Thiên Chúa, một ý muốn thần linh được vang vọng qua tiếng lương tâm chân chính của họ, cũng như được tỏ hiện phổ quát nơi lề luật tự nhiên và những nguyên tắc luân lý tối yếu. Đó là lý do con người chân thành bao giờ cũng cảm thấy áy náy khi làm ngược lại tiếng lương tâm, và con người thiện chí bao giờ cũng cảm thấy hối hận khi làm gì phản trái với luân thường đạo lý.

 

Tuy nhiên, dù sao tội lỗi cũng cho thấy con người khao khát một cái gì đó trổi vượt hơn quyền hạn của họ, một cái gì đó vô cùng viên mãn dù bị cấm đoán. Tội lỗi như thế là dấu chứng tỏ cho thấy con người thực sự muốn nên bằng Thiên Chúa, muốn tuyệt đối tự do, muốn toàn quyền định đoạt lành dữ, vì, theo Thánh Kinh Do Thái Giáo và niềm tin Kitô Giáo, con người đã được dựng nên theo hình ảnh Thần Linh và tương tự như Thiên Chúa. Con người còn cảm thức tội lỗi, còn cảm thấy áy náy, còn cảm thấy hối hận, là dấu chứng tỏ họ là một con người hữu thần, còn tin tưởng Thần Linh, còn hướng về tha nhân, còn sống trong sự thật, còn có thể hoán cải và còn có thể cứu độ.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ