GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 26/2/2007 TUẦN I MÙA CHAY |
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật I Mùa Chay 25/2/2007 về việc “chiêm ngưỡng Đấng Tử Giá bằng con mắt đức tin”
? ĐTC GPII - Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis”
? Thiên Chúa Xót Thương tâm sự với Linh Hồn Tuyệt Vọng
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật I Mùa Chay 25/2/2007 về việc “chiêm ngưỡng Đấng Tử Giá bằng con mắt đức tin”
Anh Chị Em thân mến,
Năm nay, sứ điệp Mùa Chay được gợi lên theo một câu của Phúc Âm Thánh Gioan, một câu nhắc lại lời tiên tri về Đấng Thiên Sai của tiên tri Zechariah: ‘Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đâm thâu qua’ (Jn 19:37).
Người môn đệ yêu dấu này, hiện diện cùng với Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, và các người đàn bà khác ở trên đồi Canvê, là một nhân chứng thấy lưỡi đòng đâm thâu qua cạnh sườn của Chúa Kitô, làm cho máu cùng nước chảy ra (x Jn 19:31-34). Cử chỉ không ngờ này của người lính Rôma, tưởng là đã bị rơi vào lãng quên, đã cắm sâu vào ánh mắt và cõi lòng của người môn đệ này, vị đã thuật lại nó trong Phúc Âm của mình. Trong giòng thời gian qua các thế kỷ, biết bao nhiêu là những cuộc hoán cải đã xẩy ra chính là nhờ ở sứ điệp yêu thương hùng hồn mà con người chiêm ngưỡng Chúa Giêsu tử giá lãnh nhận được!
Bởi thế, chúng ta tiến vào mùa Chay bằng ánh mắt gắn chặt vào cạnh sườn của Chúa Kitô. Trong bức thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (x đoạn 12), tôi muốn nhấn mạnh rằng chỉ khi nào nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đã chết trên cây thập tự giá vì chúng ta, chúng ta mới có thể biết được và chiêm nghiệm được sự thật sâu xa này: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 4:8,16). ‘Nơi việc chiêm ngưỡng này, Kitô hữu khám phá ra con đường mà cuộc sống và tình yêu của họ cần phải nương theo’ (Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 12).
Khi chiêm ngưỡng Đấng Tử Giá bằng con mắt đức tin, chúng ta mới có thể sâu xa hiểu được tội lỗi như thế nào, tính cách trầm trọng thê thảm của nó, và đồng thời cả cái quyền năng bất khả khôn sánh của việc Chúa thứ tha và thương xót. Trong những ngày Mùa Chay này, chúng ta đừng làm cho tâm can của chúng ta xa cách với mầu nhiệm nhân loại sâu xa này và linh đạo cao quí ấy.
Về việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô, chúng ta đồng thời cũng hãy cảm thấy rằng chúng ta được Người ngắm nhìn. Người là Đấng chúng ta đã đâm thâu qua bằng những lỗi lầm của chúng ta đã không ngừng đổ trên thế giới một trào lưu vô tận của tình yêu nhân hậu. Chớ gì nhân loại hiểu rằng chỉ có từ nguồn mạch này mới có thể kín múc được nghị lực linh thiêng bất khả thiếu cho việc xây dựng một nền hòa bình và hạnh phúc được mọi người không ngừng tìm kiếm.
Chúng ta hãy nguyện cầu cùng Mẹ Maria Đồng Trinh, vị mà linh hồn đã bị đâm thâu khi đứng kề bên thập giá Con Mẹ, xin cho chúng ta tặng ân mạnh mẽ đức tin. Trong việc hướng dẫn chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay, xin Mẹ giúp chúng ta biết loại bỏ hết những gì làm chúng ta bị ngăn trở trong việc lắng nghe Chúa Kitô và lời cứu độ của Người.
Đặc biệt chúng ta hãy ký thác cho Mẹ Maria Đồng Trinh tuần lễ Tĩnh Tâm sẽ được bắt đầu chiều hôm nay ở Vatican, mà tôi và thành phần cộng tác viên của tôi thuộc Giáo Triều Rôma sẽ tham dự.
Anh chị em thân mến: Xin hỗ trợ tôi bằng lời c ầu nguyện và tôi cũng sẽ làm như thế trong khi trầm lắng tĩnh tâm, xin quyền lực thần linh cho từng người trong anh chị em, cho gia đình của anh chị em và cho các cộng đồng của anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/2/2007
?
Thông Điệp
Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis”
Tổng Quan
Sau 5 tháng
được tuyển làm Giáo Hoàng vào ngày 16/10/1978, ĐTC Gioan Phaolô II đã công bố
bức thông điệp đầu tiên của mình là “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” cho tất cả mọi
tín hữu, một văn kiện Ngài ký ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 4/3/1979
và đã chính thức ban hành ngày 15/3/1979. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm bức
thông điệp mở màn là nồng cốt cho cả giáo triều của ĐTC GPII, vị vào ngày
14/3/2004, đã đứng vào hàng thứ ba cai trị giáo hội lâu đời trong lịch sử Giáo
Hội, thiết tưởng cũng nên có một cái nhìn tổng quan về bức thông điệp quan trọng
này.
Trong bức thông điệp ra mắt của mình, vị tân Giáo Hoàng của 25 năm 5 tháng trước
đây đã vạch định những mục tiêu chính cho giáo triều của mình, như vấn đề nỗ lực
lôi kéo tất cả mọi người về với Chúa Kitô, vấn đề đại kết, vấn đề nhu cầu cần
phải củng cố chiều kích luân lý nơi việc tiến bộ cũng như vấn đề bênh vực nhân
quyền. Đó là những công việc Giáo Hội cần phải đối diện để tiến vào ngàn năm thứ
ba theo chiều hướng được tóm gọn nơi câu mở đầu của bức thông điệp: “Đấng Cứu
Chuộc Nhân Trần, Chúa Giêsu Kitô, là tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử”.
Bức thông điệp được chia làm 4 chương thứ tự như sau: “Gia Sản”, “Mầu Nhiệm Cứu
Chuộc”, “Con Người được cứu chuộc và Tình Trạng của họ trong Thế Giới Tân Tiến”,
và “Sứ Vụ của Giáo Hội và Định Mệnh của Con Người”.
1) “Gia Sản”
Lịch sử tiến đến cuối thiên niên kỷ thứ hai sẽ là năm của một cuộc đại hỷ kỷ
niệm. Thời điểm này sẽ nhắc nhở chúng ta một cách đặc biệt về sự thật chính yếu
của đức tin được Thánh Gioan diễn tả ở đầu Phúc Âm của ngài: “Lời đã hóa thành
nhục thể và ở giữa chúng ta”. Bằng hành động cứu chuộc này, lịch sử của loài
người đã tiến đến tuyệt đỉnh của nó: “Qua Việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã ban cho
sự sống của nhân loại một chiều kích mà Ngài muốn con người phải theo ngay từ
lúc nguyên khôi của họ”.
Từ tiền đề căn bản này, Đức Gioan Phaolô II muốn thực hiện các giáo huấn của
Công Đồng Chung Vaticanô II (1962-1965), như thế là Ngài muốn tiếp tục công việc
được Đức Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô I thực hiện.
Trong “giai đoạn hậu công đồng khó khăn”, Đức Phaolô VI đã biết cách để chứng tỏ
cho thế giới thấy được dung nhan đích thực của Giáo Hội và bảo trì dung nhan này
khỏi những quá trớn của việc tự kiểm điểm bản thân. Nhờ Ngài, “Giáo Hội giờ đây
hiệp nhất hơn trong mối hiệp thông phục vụ cũng như trong việc nhận thức về vấn
đề tông đồ”.
Đức Gioan XXIII đã làm sáng tỏ nhu cầu cần phải hoạt động để tiến đến chỗ hiệp
nhất tất cả mọi người Kitô hữu theo ý nguyện của chính Chúa Kitô trong lời
Nguyện Cầu của Người ở Nhà Tiệc Ly: “’Lạy Cha… Con xin… cho họ được nên một’…
Hoạt động đại kết thực sự nghĩa là cởi mở, là xích lại gần nhau, là sẵn sàng đối
thoại, và cùng nhau tìm hiểu sự thật một cách trọn vẹn theo ý nghĩa phúc âm và
Kitô giáo”. Tất cả những việc ấy cần phải thực hiện một cách kiên trì, khiêm
nhượng và can đảm, song không loại trừ sự thật thần linh được Giáo Hội truyền
dạy”.
2) “Mầu Nhiệm Cứu Chuộc”
Để đến gần với Chúa Cha, Giáo Hội cần phải tiến tới với Chúa Kitô, Đấng Cứu
Chuộc thế giới, vì không có ơn cứu độ nơi một ai khác ngoài Người. Cây Thánh Giá
trên đồi Canvê tỏ hiện cho thấy mối tình thân phụ vĩnh hằng của Thiên Chúa, Đấng
qua Chúa Kitô lại tiến đến với nhân loại, khi mạc khải cho chúng ta biết tình
yêu và lòng xót thương của Ngài.
Con người không thể sống mà lại thiếu vắng yêu thương, bằng không họ sẽ không
còn hiểu được bản thân mình nữa, đời sống của họ mất hết ý nghĩa. Vì thế, “Đức
Kitô Cứu Chuộc ‘đã hoàn toàn cho con người biết về họ’”. Giáo Hội biết rằng
“Việc Cứu Chuộc… cuối cùng đã phục hồi cho con người phẩm vị của họ và trả lại ý
nghĩa cho đời sống của họ trên thế gian này”. Nhiệm vụ chính yếu của Giáo Hội,
nhất là trong thời đại của chúng ta đây, đó là “tỏ Chúa Kitô ra cho thế giới,
bằng cách giúp cho con người tìm thấy bản thân họ nơi Chúa Kitô”. Sứ vụ tông đồ
này dường như gặp chống đối ở thời đại của chúng ta hơn là trong quá khứ; tuy
nhiên, nó lại là việc cần hơn bao giờ hết.
(còn tiếp)
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tái liệu của VIS phổ biến ngày
9/3/2004
Thiên Chúa Xót Thương tâm sự với Linh Hồn Tuyệt Vọng
Chúa Giêsu: Ôi linh hồn bị chới với trong tăm tối, đừng nản lòng. Mọi sự chưa mất cả đâu con. Hãy đến mà phó mình cho Vị Thiên Chúa của con, Đấng là tình yêu và là lòng thương xót.
- Trước tiếng gọi này, linh hồn vẫn như điếc không nghe thấy gì cả, thu mình trong bóng tối tăm.
Chúa Giêsu (kêu gọi một lần nữa): Con nhỏ ơi, hãy lắng nghe tiếng nói của Người Cha xót thương con đây.
- Từ linh hồn vọng lên một lời đáp lại: "Với tôi chẳng có tình thương nào hết", rồi linh hồn càng chìm sâu trong tăm tối, một nỗi thất vọng như nếm trước cái mùi vị hoả ngục, và làm cho linh hồn không thể xích lại gần Thiên Chúa nữa.
Chúa Giêsu kêu gọi linh hồn lần thứ ba, nhưng linh hồn vẫn giả điếc làm ngơ, cứng cỏi và tuyệt vọng. Thế rồi tình thương Thiên Chúa một mình bắt đầu đánh động linh hồn, không cần phần cộng tác của linh hồn, Thiên Chúa ban cho linh hồn ân huệ cuối cùng. Nếu cả ân huệ cuối cùng này cũng bị phũ phàng phủ nhận. Thiên Chúa sẽ để mặc linh hồn tự chọn lấy cho mình số phận đời đời của linh hồn. Ân huệ cuối cùng này xuất phát từ Trái Tim xót thương của Chúa Giêsu ban cho linh hồn một ánh sáng đậc biệt, nhờ đó, linh hồn khởi sự hiểu được nỗ lực của Thiên Chúa, song việc cải hối còn tùy ở ý muốn riêng của linh hồn. Phần linh hồn, nếu biết được đây là ân huệ cuối cùng mà tỏ ra nhúc nhích một chút thiện chí thôi thì tình thương của Thiên Chúa sẽ hoàn tất những gì còn lại. Tình thương toàn năng của Cha sẽ chủ động ở đó. Phúc cho linh hồn biết lợi dụng ân huệ này.
Chúa Giêsu: Trái Tim Cha hoan hỉ biết bao khi con trở về với Cha. Vì con yếu đuối, nên Cha ẵm lấy con trong hai cánh tay của Cha, mà mang con về nhà Cha của Cha.
Linh hồn (như bừng tỉnh, run run hỏi): Có thể nào tình thương vẫn còn dành cho tôi hay sao?
Chúa Giêsu: Còn chứ con, hỡi con của Cha. Con được quyền đặc biệt đòi hỏi tình thương của Cha. Con hãy để tình thương của Cha tác động trong linh hồn khốn nạn của con; con hãy để những tia sáng của ân sủng xâm nhập vào linh hồn con; những tia sáng mang lại rạng ngời, ấm cúng và sự sống.
Linh hồn: Thế nhưng, tôi rất lo sợ khi nghĩ đến tội lỗi của tôi, nỗi lo sợ kinh khủng này khiến tôi nghi ngờ cả lòng nhân lành của Chúa.
Chúa Giêsu: Con nhỏ của Cha ơi, tất cả mọi tội lõi của con đã không làm cho Trái Tim Cha bị tổn thương đớn đau, cho bằng việc con hiện đang thiếu lòng tin tưởng vào lúc này đây. Tình yêu và lòng thương xót của Cha đã cố gắng biết bao, mà con vẫn còn ngờ vực được lòng nhân lành của Cha hay sao.
Linh hồn: Ôi Chúa, xin ra tay cứu lấy con vì con đang nguy ngập. Xin Chúa hãy là Đấng Cứu Tinh của con. Ôi Chúa, con không thể nói gì hơn; cõi lòng thảm thương của con đầy nát tan, nhưng Chúa, Ôi Chúa...
Không để cho linh hồn nói hết lời, Chúa Giêsu đã nâng linh hồn dậy cho khỏi mặt đất, từ thẳm sâu khốn nạn của linh hồn, Người đưa linh hồn vào trong những lỗ hổng của Trái Tim Người, nơi mà lập tức tất cả mọi tội lỗi của linh hồn bị tan biến, bị những ngọn lửa tình yêu thiêu rụi.
Chúa Giêsu: Linh hồn ơi, đây là tất cả những báu vật của Trái Tim Cha. Ở đây con tha hồ mà chiếm lấy mọi thứ con cần thiết.
Linh hồn: Ôi Chúa, ơn của Chúa làm cho con bị chìm ngập. Con cảm giác thấy rằng có một sự sống mới đã thấm nhập trong con, song trên hết mọi sự, con cảm thấy được tình yêu của Chúa ở trong lòng của con. Thế là đủ cho con rồi. Ôi Chúa, con sẽ tôn vinh tình thương toàn năng của Chúa đến muôn muôn đời. Được lòng lành Chúa phấn khích, con xin dâng cho Chúa tất cả mọi khổ sầu của cõi lòng con.
Chúa Giêsu: Con Cha ơi, con hãy nói cho Cha nghe tất cả mọi sự, đừng giấu Cha một điều gì cả, vì Trái Tim yêu thương của Cha, Trái Tim của một Bạn Thân Nhất của con, đang lắng nghe con đây.
Linh hồn: Ôi Chúa, giờ đây con thấy được tất cả mọi vô ơn bội nghĩa của con và lòng lành của Chúa. Chúa đã theo đuổi con bằng ơn Chúa, trong khi con đã làm hư mất hồng ân của Chúa. Con thấy rằng con đáng phải chịu sa xuống đáy hoả ngục, vì con đã khinh khi phụ rẫy các ơn của Chúa.
Chúa Giêsu (ngắt lời linh hồn): Đừng để cho nỗi khốn nạn của con chiếm đoạt con, con còn quá yếu để nói về nó, mà hãy gắn chặt mắt vào Trái Tim đầy nhân ái của Cha, để được ngập tràn những cảm xúc của Cha. Con hãy gắng hiền lành và khiêm nhượng; xót thương kẻ khác như Cha thương xót con; khi thấy mình sút giảm sức mạnh, con hãy đến với mạch nguồn tình thương để tăng cường cho linh hồn mình, con sẽ không bị kiệt quệ trong cuộc lữ hành của con.
Linh hồn: Giờ đây con hiểu được tình thương của Chúa, một tình thương bảo vệ con, và như một vì tinh tú chiếu rạng, dẫn đưa con về nhà của Cha con, khi gìn giữ con khỏi những kinh hoàng của hỏa ngục mà con đáng chịu, không phải chỉ một lần, mà là muôn ngàn lần. Ôi Chúa, cho dù là cõi đời đời đi nữa cũng không thể nào đủ để cho con xứng đáng dâng lời chúc tụng tình thương vô hạn của Chúa cũng như tấm lòng xót thương của Chúa đã giành cho con.