GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 2/2/2007 TUẦN IV THƯỜNG NIÊN |
? Tòa Thánh Lên Tiếng Về Việc Chọn Nhà Xuất Bản Cho Tác Phẩm Mới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
? Trung Tâm Gioan Phaolô II ở Thái Lan
? Diễn văn của Tổng Thống Bush nhân dịp khánh thành Trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô II ngày 22/3/2001 ở Washington DC
Tòa Thánh Lên Tiếng Về Việc Chọn Nhà Xuất Bản Cho Tác Phẩm Mới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
Tác Phẩm sắp xuất bản của Đức Thánh Cha về Chúa Giêsu Nazarét được trao cho nhà xuất bản Doubleday. Thế nhưng, có một bài viết được phổ biến hôm Thứ Hai 29/1/2007 phê bình về việc chọn lựa này của Tòa Thánh, vì nhà xuất bản ấy cũng là nhà xuất bản cuốn tiểu thuyết “The Da Vinci Code” của Dan Brown.
Hôm Thứ Tư 31/1/2007, Nhà Xuất Bản Vatican đã cho biết là Doubleday trước đây đã in các tác phẩm của Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, cũng như chính cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.
Văn thư của Nhà Xuất Bản Vatican còn cho biết là “vì việc thu thập xuất bản riêng này mà Doubleday hết sức muốn phát hành tác phẩm đầu tiên của Đức Biển Đức XVI”.
“Sau hết, cần phải nhận thấy rằng Doubleday bao giờ cũng là nơi xuất bản những văn kiện quan trọng của hội đồng giám mục Hoa Kỳ trước khi hội đồng này thành lập nhà xuất bản riêng của mình”.
Bản văn còn thêm là Nhà Xuất Bản Vatican đã ký giao kèo với các nhà xuất bản Rioãoli về quyền hạn và việc phổ biến tác phẩm đầu tiên của Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Riozzli đã liên lạc với các nhà xuất bản trên khắp thế giới, và từ đó mới xẩy ra vụ ký hợp đồng với Doubleday.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/2/2007
Trung Tâm Gioan Phaolô II ở Thái Lan
Hôm Thứ Hai 29/1/2007, một Trung Tâm Gioan Phaolô II về Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo đã được khánh thành ở Thái Lan.
Nhân dịp này, Đức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình đã đọc một bài diễn văn khai mạc.
Tòa khâm sứ Tòa Thánh ở Thái Lan cho biết là trung tâm này được thành lập là để “tôn kính và tưởng nhớ đến cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhất là đến các thông điệp của ngài về Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội”.
Trong bài diễn văn khai mạc của mình, đức hồng y chủ tịch đã trình bày về cuốn ‘Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo”.
Ngài đã giải thích 4 nguyên tắc làm nên nội dung của Cuốn Tổng Lược ấy, đó là phẩm vị và tự do của con người, công ích, vấn đề phụ trợ và tình đoàn kết.
Sau bài diễn văn khai mạc này, các viên chức trong chính quyền cùng những vị khách khác tham dự lễ nghi khánh thành đã đặt một số câu hỏi với đức hồng y, nhất là vấn đề làm sao cuốn Tổng Lược ấy có thể góp phần vào việc giải quyết những trục trặc trên thế giới.
Trung tâm mới này đã đảm trách việc chuyển dịch cuốn Tổng Lược này sang tiếng Thái. Phần được chuyển dịch xong đã được phổ biến và tặng cho các tham dự viên của buổi khánh thành này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/2/2007
Diễn văn của Tổng Thống Bush nhân dịp khánh thành Trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô II ngày 22/3/2001 ở Washington DC
Tôi hân
hoan được cùng với tất cả các nhà lãnh đạo Giáo Hội và các vị quí khách tham dự
cuộc khánh thành Trung Tâm Văn Hóa hôm nay. Tôi rất lấy làm vinh dự được
có mặt nơi đây.
Khi Hồng Y Wojtyla đến diễn đàn tại Viện Đại Học Công Giáo đây năm 1976, có mấy ai nghĩ rằng cuộc đời của Ngài sẽ xẩy ra như thế nào, hay cuộc sống của Ngài sẽ hình thành lịch sử ra sao. Năm 1978 hầu hết thế giới chỉ biết Ngài như là một vị Giáo Hoàng Người Balan vậy thôi. Có những dấu hiệu cho thấy một cái gì đó khác hẳn và đặc biệt hơn thế nữa. Sau khi nghe vị Tân Giáo Hoàng ban phép lành đầu tay ở Quảng Trường Thánh Phêrô, một phóng viên đã đánh điện về cho vị chủ bút của mình như sau: “Đây không phải là một vị Giáo Hoàng từ Balan, mà là một vị Giáo Hoàng từ Galilêa”. Từ ngày ấy đến nay, đời sống của vị Giáo Hoàng này đã viết lên một trong những câu truyện hay nhất thời điểm của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại cuộc thăm viếng của vị Giáo Hoàng này lần đầu tiên ở Balan năm 1979, thời điểm đức tin đã trở thành một lực lượng kháng cự và bắt đầu gây biến động đưa đến tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đế quốc. Vị linh mục trẻ trung, hiền lành, một thời đã bị Đảng Nazi bắt đi lao động, đã trở thành kẻ thù của chính thể chuyên chế bạo tàn và là một chứng nhân cho niềm hy vọng. Vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Bang Sô Viết đã gọi Ngài là “thẩm quyền luân lý đệ nhất trên hoàn cầu”. Chúng ta hãy nhớ việc Ngài đến thăm một tù nhân, an ủi con người đã bắn ngài. Bằng việc lấy thứ tha đáp lại bạo lực, Vị Giáo Hoàng này đã trở thành một biểu hiệu của sự hòa giải. Chúng ta hãy nhớ lần Ngài Giáo Hoàng viếng thăm Manilla vào năm 1995, ngỏ lời với một đám đông nhất trong lịch sử loài người, cả hơn 5 triệu người nam, nữ và trẻ em. Chúng ta hãy nhớ rằng, 50 năm trước đây, là một linh mục, ngài đã di chuyển bằng xe ngựa đến dạy dỗ trẻ em ở các làng mạc hẻo lánh. Giờ đây, ngài đã hôn đất của 123 nước và đang dẫn dắt đàn chiên cả tỉ người tiến vào ngàn năm thứ ba.
Chúng ta hãy nhớ lại Ngài Giáo Hoàng viếng thăm Nước Yến Duyên với sự mệnh đem lại mối hòa giải và lòng tương kính nhau giữa Kitô hữu và người Do Thái. Ngài là vị Giáo Hoàng tân thời đầu tiên vào trong hội đường của người Do Thái, hay đến viếng thăm xứ sở của người Hồi Giáo. Ngài luôn luôn hòa hợp việc thực hành khoan dung với nhiệt huyết bảo vệ chân lý.
Chính Giáo Hoàng Gioan Phaolô thường nói: “Không có gì là ngẫu nhiên đối với dự án của Đấng Quan Phòng”. Và có thể đó là lý do tại sao con người này đã trở thành Vị Giáo Hoàng với một sứ điệp mà thế giới chúng ta cần phải lắng nghe. Đối với người nghèo khổ, bệnh hoạn hay hấp hối, Ngài mang đến cho họ sứ điệp về phẩm vị con người cũng như về tình liên đới với nỗi khổ đau của họ. Cho dù họ có bị người đời quên lãng, ngài cũng nhắc nhủ họ là Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ.
Ngài đã nói ở South Bronx thế này: “Anh chị em đừng chán nản tuyệt vọng. Thiên Chúa để ý đến đời sống của anh chị em, và Ngài luôn săn sóc anh chị em, kêu gọi anh chị em đến những điều tốt lành hơn, kêu gọi anh chị em hãy sống thắng vượt hơn”.
Đối với thành phần giầu sang phú quí, Vị Giáo Hoàng này mang đến cho họ sứ điệp là giầu sang phú quí mà thôi chỉ là một thứ thỏa mãn giả tạo. Ngài dạy rằng, người lành trên thế gian này chẳng là gì nếu không có lòng nhân ái. Chúng ta được kêu gọi, mỗi người và hết mọi người trong chúng ta, chẳng những đi theo đường lối của mình mà còn phải mở đường cho người khác đi nữa.
Đối với thành phần có quyền lực, Vị Giáo Hoàng này mang đến cho họ sứ điệp về công lý và nhân quyền. Và sứ điệp này đã làm cho các nhà cầm quyền độc tài phải lo sợ và sụp đổ. Sứ điệp của Ngài không phải là một thứ lực lượng quân đội hay một thứ kỹ thuật hoặc một thứ giầu sang. Nó là một quyền lực không thể ngờ được của một con trẻ trong máng cỏ, của một con người trên thập giá, của một người đánh cá đơn sơ đã mang sứ điệp hy vọng đến Rôma. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mang sứ điệp giải phóng ấy đến tận cùng thế giới. Khi đến Cuba năm 1998, Ngài đã được chào mừng bằng các biểu ngữ với hàng chữ: “Fidel là Cách Mạng!” Thế nhưng, như sử gia của Vị Giáo Hoàng này nhận định: “Trong vòng 4 ngày sau đó, Cuba đã xẩy ra một cuộc cách mạng khác”. Chúng ta tin tưởng cuộc cách mạng hy vọng được Vị Giáo Hoàng đây mở màn ở quốc gia này sẽ sinh hoa kết trái trong thời điểm của chúng ta. Phần chúng ta có trách nhiệm tranh đấu cho phẩm giá của con người, cũng như cho tự do tôn giáo, vào bất cứ khi nào chúng bị chối bỏ, từ Cuba đến Trung Hoa tới Nam Sudan.
Còn tại xứ sở của mình đây, chúng ta không được coi thường những lời Vị Giáo Hoàng này đã ngỏ với chúng ta. Vào lần viếng thăm Hoa Kỳ thứ tư, Ngài đã khôn ngoan và cảm xúc nói về những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta, về những thành quả và nhu cầu của chúng ta. Vị Giáo Hoàng này đã nhắc nhở chúng ta rằng, trong khi tự do là đặc điểm của quốc gia chúng ta thì trách nhiệm phải là đặc điểm của đời sống chúng ta. Ngài thách thức chúng ta làm sao để có thể sống đúng với khát vọng của mình, có thể trở thành một xã hội công bằng chính trực, nơi đón nhận tất cả mọi người, coi trọng mọi người và bảo vệ mọi người. Khi cần phải lên tiếng để bênh vực văn hóa sự sống, Ngài đã nói một cách hùng hồn hơn bất cứ những gì khác. Văn hóa sự sống là một thứ văn hóa đón nhận, một thứ văn hóa không bao giờ loại trừ tẩy chay, không bao giờ phân tranh chia rẽ, không bao giờ thất vọng chán chường và luôn luôn bảo vệ tính cách thiện hảo của sự sống qua tất cả mọi thời đểm của nó. Với văn hóa sự sống, chúng ta phải dành chỗ cho người xa lạ. Chúng ta phải an ủi kẻ bệnh tật. Chúng ta phải chăm sóc người già yếu. Chúng ta phải tiếp đón người di dân. Chúng ta phải dạy cho con cái chúng ta tỏ ra dịu dàng với nhau. Chúng ta phải yêu thương bênh vực trẻ em vô tội đang chờ ngày chào đời. Trung Tâm được chúng ta khánh thành hôm nay đây đang cử hành sứ điệp của Vị Giáo Hoàng này, cử hành niềm an ủi của nó cũng như nỗi thách đố của nó. Nơi đây là biểu hiệu cho nhân phẩm con người, cho giá trị của mọi sự sống cũng như cho chân lý rạng ngời. Nhất là, theo lời của Ngài Giáo Hoàng, nó biểu hiệu cho “niềm vui tin tưởng giữa một thế giới trăn trở”.
Tôi xin cám ơn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn Washington làm địa điểm cho Trung Tâm này. Nó mang lại niềm hãnh diện và thỏa đáng nhu cầu cần thiết. Chúng tôi xin cám ơn sứ điệp. Chúng tôi cũng xin cám ơn vị sứ giả, vì tấm lòng tha thiết riêng tư của Ngài cùng với sức mạnh loan truyền của Ngài; vì tư cách tốt lành của Ngài cùng với tính cách thanh liêm chính trực của Ngài; vì các tặng ân về tinh thần và trí tuệ Ngài chia sẻ; vì lòng can đảm về lãnh vực luân lý của Ngài, chống lại chế độ chuyên chế bạo tàn cũng như chống lại niềm tự mãn của chúng ta.
Vị Giáo Hoàng này bao giờ cũng chỉ cho chúng ta thấy được những gì là tồn tại và thấy được một tình yêu giải cứu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về con người hiếm có này, một người tôi tớ của Thiên Chúa và là một anh hùng của lịch sử. Tôi cũng xin cám ơn tất cả mọi quí vị đã xây cất lên Trung Tâm của lương tri và phản tỉnh tại thủ đô của đất nước chúng ta đây.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, tuần san ấn bản Anh ngữ, 28/3/2001)