GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 4/2/2007

TUẦN  V THƯỜNG NIÊN

 

?   “Nếu Kitô hữu không biết nhau một cách hỗ tương, thì việc tiến bộ trên con đường tiến đến mối hiệp thông là những gì không tưởng”

?  “Thật là thê thảm ở chỗ… cùng một Bản Công Ước được soạn thảo để bảo vệ những người tật nguyền khỏi tất cả mọi kỳ thị trong việc họ hành sử quyền lợi của họ, lại được sử dụng để chối bỏ chính quyền sống căn bản của những con người tật nguyền còn trong bụng mẹ”

?  “Chính vì lý do này, và bất kể nhiều điều khoản hữu ích chất chứa trong Bản Công Ước này, Tòa Thánh vẫn không thể ký  nhận nó”

 

 

 

? “Nếu Kitô hữu không biết nhau một cách hỗ tương, thì việc tiến bộ trên con đường tiến đến mối hiệp thông là những gì không tưởng”.

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng cho Giờ Kinh Tối Đại Kết Lễ Thánh Phaolô Trở Lại ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong “Tuần Lễ Cầu Nguyện” sẽ được kết thúc vào buổi tối hôm nay đây, Các Giáo Hội và các Cộng Đồng Giáo Hội khắp thế giới gia tăng lời khẩn nài chung xin Chúa cho mối hiệp nhất Kitô Giáo. Cùng nhau chúng ta hãy suy niệm về những lời của Phúc Âm Thánh Marcô vừa được công bố, đó là “Người thậm chí còn làm cho kẻ điếc nghe thấy và người câm nói được” (7:37), một đề tài thánh kinh được các Cộng Đồng Kitô Hữu ở Nam Phi đề nghị.

 

Những tình hình liên quan tới chủ nghĩa chủng tộc, tới tình trạng bần cùng, tới tình trạng xung khắc, tới việc khai thác, tới bệnh tật và nỗi khổ đau họ gặp phải vì không thể bày tỏ những nhu cầu của họ, là những gì đã gợi lên nơi họ một nhu cầu khẩn trương trong việc nghe lời Chúa cũng như trong việc can đảm lên tiếng nói.

 

Phải chăng bị điếc và bị câm, tức là không thể nghe thấy hay không thể nói được, một dấu hiệu thiếu thông đạt và là một triệu chứng chia rẽ? Việc chia rẽ và thiếu khả năng thông đạt, một hậu quả c ủa tội lỗi, là những gì ngược lại với dự án của Thiên Chúa. Năm nay Phi Châu đã cống hiến cho chúng ta một đề tài để suy tư có tính cách rất hệ trọng về tôn giáo và chính trị, vì khả năng ‘nói’ và ‘nghe’ là một điều kiện thiết yếu cho việc xây dựng nền văn minh yêu thương.

 

Những lời ‘Người thậm chí làm cho người điếc nghe thấy và người câm nói được’ là tin mừng loan báo việc trị đến của Vương Quốc Thiên Chúa và việc chữa lành khả năng không thể thông đạt cũng như chữa lành tình trạng chia rẽ. Sứ điệp này được tái khám phá ra nơi tất cả mọi giáo huấn và hoạt động của Chúa Giêsu. Bất cứ Người đi đâu, hoặc băng qua các làng mạc, phố xá hay miền quê, dân chúng đều ‘đặt người bệnh ở những nơi họp chợ, và tìm cách chạm đến gấu áo của Người, nhiều người chạm tới đều đã được khỏi’ (Mk 6:56).

 

Việc chữa lành người câm điếc mà chúng ta đã suy niệm trong những ngày này xẩy ra khi Chúa Giêsu, rời miền Tyre, đang trên đường đến Biển Galilêa qua một miền được gọi là ‘Thập Thành – Decapolis’, một địa hạt đa chủng tộc và đa tôn giáo (x Mk 7:31), một trường hợp tiêu biểu thậm chí cho cả thời điểm của chúng ta đây.

 

Cũng như ở các nơi khác, cả trong miền Thập Thành này, họ cũng đưa đến cho Chúa Giêsu một người bệnh, một con người điếc và không nói được, xin Người hãy đặt tay trên anh ta vì họ coi Người là một con người của Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu đã đem người ấy ra khỏi đám đông và thực hiện những cử chỉ hàm ý cứu độ, đó là việc Người đặt những ngón tay của Người vào đôi tai của anh ta, và bôi nước bọt của Người vào lưỡi người bệnh, đoạn ngước lên Trời mà phán: ‘Hãy mở ra!’. Người đã phán như thế bằng tiếng Aramaic (Ephphatha), theo như ngôn ngữ của dân chúng bấy giờ cũng như của chính người câm điếc. Vị Thánh Ký đã dịch chữ này sang tiếng Hy Lạp là (dianoichtheti). Đôi tai của người điếc liền mở ra, lưỡi của anh ta trơn tru và anh ta ‘nói năng một cách bình thường’ (orthos).

 

Chúa Giêsu yêu cầu họ đừng nói năng gì về phép lạ ấy. Thế nhưng Người càng khuyên cấm thì ‘họ lại càng hào hứng loan truyền phép lạ này’ (Mk 7:36). Lời nhận định đầy lạ lùng của những ai ở đó bấy giờ đã gợi lại lời rao giảng của tiên  tri Isaia liên quan tới Đấng Thiên Sai đến: ‘Người thậm chí làm cho kẻ điếc nghe thấy và người câm nói được’ (Mk 7:37).

 

Bài học thứ nhất chúng ta rút tỉa được từ đoạn thánh kinh này, đoạn thánh kinh cũng được nhắc lại ở lễ nghi Phép Rửa, ở chỗ lắng nghe là một vấn đề ưu tiên theo quan điểm Kitô Giáo.

 

Đó là lý do Chúa Giêsu đã minh nhiên nói rằng: ‘Phúc cho …. những ai nghe lời Thiên Chúa mà tuân giữ’ (Lk 11:38). Thật vậy, Người đã phán cùng Matta lo âu về nhiều thứ rằng ‘chỉ có một điều cần duy nhất’ (Lk 10:42). Và theo đó thì vấn đề ‘một điều duy nhất’ hiển nhiên ở đây việc lắng nghe tuân giữ Lời Chúa. Bởi thế, việc lắng nghe Lời Chúa là vấn đề ưu tiên cho vấn đề dấn thân đại kết của chúng ta. Thật vậy, không phải chúng ta là kẻ tác hành hay thiết lập mối hiệp nhất của Giáo Hội. Giáo Hội không làm nên mình hay sống bởi mình, mà là bởi Lời sáng tạo xuất phát từ cửa miệng Thiên Chúa.

 

Khi cùng nhau lắng nghe lời Chúa, thực hành việc đọc Thánh Kinh lectio divina, tức là đọc với lời nguyện cầu, chúng ta hãy làm sao cho mình cảm thấy ngỡ ngàng trước cái mới mẻ của Lời Chúa là những gì không bao giờ cằn cỗi già đời và không bao giờ tiêu hao cạn kiệt; hãy thắng vượt tình trạng điếc lác của chúng ta trước những lời không hợp với các thành kiến và ý nghĩ của chúng ta; hãy lắng nghe cũng như hãy học hỏi, trong mối hiệp thông với các tín hữu thuộc tất cả mọi thời đại; tất cả những điều ấy làm nên một đường lối cần phải trải qua để đạt tới mối hiệp nhất trong một đức tin như là tác động đáp ứng việc lắng nghe Lời Chúa.

 

Bất cứ ai lắng nghe Lời Chúa đều có thể và cần phải nói năng và truyền đạt Lời Chúa cho người khác, cho những ai chưa bao giờ nghe thấy Lời Chúa, hay những ai đã lãng quên Lời Chúa và chôn vùi Lời Chúa vào những thứ rắc rối gai góc và lừa đảo của thế giới này (x Mt 13:22).

 

Chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng: phải chăng Kitô hữu chúng ta có lẽ đã trở nên quá thinh lặng? Phải chăng có lẽ chúng ta đã thiếu can đảm để lên tiếng và làm chứng như những ai đã chứng kiến thấy việc chữa lành cho người câm điếc ở Miền Thập Thành? Phải chăng thế giới của chúng ta cần đến chứng từ này; nhất là thế giới đang chờ đợi một chứng từ chung của thành phần Kitô hữu chúng ta.

 

Bởi thế, việc lắng nghe Vị Thiên Chúa là Đấng đang nói cũng bao hàm cả việc lắng nghe nhau, việc đối thoại giữa Chư Giáo Hội và Các Cộng Đồng Giáo Hội. Việc đối thoại chân tình và trung thành là một thứ phương tiện tiêu biểu và bất khả thiếu trong việc tìm cầu hiệp nhất.

 

Sắc Lệnh về Đại Kết của Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh rằng nếu Kitô hữu không biết nhau một cách hỗ tương, thì việc tiến bộ trên con đường tiến đến mối hiệp thông là những gì không tưởng. Thật vậy, chúng ta lắng nghe và thông đạt bằng việc đối thoại; chúng ta đối chất nhau, và với ơn Chúa, có thể tiến đến chỗ qui hợp nơi Lời của Người, khi chấp nhận những đòi hỏi áp dụng cho tất cả mọi người theo Lời Người.

 

Các Nghị Phụ Công Đồng không phải chỉ muốn việc lắng nghe và đối thoại là những gì hữu dụng cho nguyên việc tiến bộ về đại kết, các vị còn thêm một khía cạnh liên quan tới chính Giáo Hội Công Giáo nữa, đó là, như bản văn viết: ‘Nhờ cuộc đối thoại như thế mà tình trạng của Giáo Hội Công Giáo thực sự ra sao lại càng hiện lên rõ ràng hơn’ (Unitatis Redintegratio, khoản 9).

 

Không thể nào thiếu được vấn đề là ‘giáo huấn cần phải được rõ ràng trình bày một cách trọn vẹn’ đối với một cuộc đối thoại chất vấn, bàn luận và thắng vượt những phân rẽ vẫn còn tồn tại nơi Kitô hữu, thế nhưng, dĩ nhiên là ‘cách thức và trật tự để bày tỏ niềm tin Công Giáo không được trở thành những gì gây trở ngại cho việc đối thoại với anh em của chún g ta’ (I bid, khoản 11).

 

Cần phải nói một cách đúng đắn (orthos) và một cách có thể lĩnh hội. Cuộc đối thoại đại kết này bao gồm việc sửa lỗi huynh đệ theo phúc âm và dẫn đến một thứ phong phú thiêng liêng hỗ tương trong việc chia sẻ những cảm nghiệm đích thực về đức tin và đời sống Kitô hữu.

 

Để thực hiện điều ấy, chúng ta cần phải không ngừng nài xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa và ơn soi sáng của Thánh Thần. Đó là những gì Kitô hữu trên toàn thế giới đã thực hiện trong ‘Tuần Lễ’ đặc biệt này, hay những gì họ sẽ làm trong Tuần Chín trước Lễ Hiện Xuống, cũng như vào mọi trường hợp thích đáng, bằng việc dâng lên lời nguyện cầu tin tưởng của mình xin cho tất cả mọi người môn đệ của Chúa Kitô được nên một, và, xin cho họ, khi lắng nghe Lời Chúa, có thể cống hiến một chứng từ chung cho con người nam nữ của thời đại chúng ta.

 

Trong bầu không khí thiết tha hiệp thông này, tôi xin gửi lời chào thân ái của tôi tới tất cả những ai tham dự: tới ĐHY coi sóc Đền Thờ này và tới ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Mối Hiệp N hất Kitô Giáo, cũng như tới các vị Hồng Y khác, tới Quí Huynh khả kính trong hàng Giáo Phẩm cùng hàng linh mục, tới các đan sĩ Biển Đức, tới các Tu Sĩ nam nữ, tới những người giáo dân đại diện cho cả cộng đồng giáo phận Rôma.

 

Tôi đặc biệt chào những người anh em  thuộc các Giáo Hội khác và các Cộng Đồng Giáo Hội tham dự vào việc cử hành này, nhờ đocùng nhau lập lại truyền thống quan trọng của việc bế mạc ‘Tuần Lễ Nguyện Cầu’ vào ngày chúng ta tưởng nhớ tới cuộc hoán cải nổi bật của Thánh Phaolô trên đường đi Damasco.

 

Tôi hân hoan cho biết là ngôi mộ của Vị Tông Đồ Dân Ngoại, nơi chúng ta đang ở hôm nay đây, mới được trải qua một cuộc điều tra và nghiên cứu, theo như những gì đã được quyết định trong việc làm cho ngôi mộ này hiện lộ cho thành phần hành hương thấy ở bên dưới bàn thờ chính bằng việc thích ứng hợp thời. Tôi bày tỏ việc chúc mừng của tôi về sáng kiến quan trọng này.

 

Tôi xin ký thác cho việc chuyển cầu của Thánh Phaolô, vị không ngừng xây dựng mối hiệp nhất của Giáo Hội, các hoa trái của những gì lắng nghe cũng như của chứng từ chung chúng ta đã từng có thểm nghiệm cảm thấy nơi nhiều cuộc họp mặt và đối thoại huynh đệ xẩy ra trong năm 2006, cả với Chư Giáo Hội Đông Phương cũng như với Chư Giáo Hội cùng Các Cộng Đồng Giáo Hội ở Tây phương.

 

Nơi những biến cố ấy, chúng ta có thể thấy được niềm vui của tình huynh đệ, cùng với nỗi hối hận về những thứ căng thẳng đang kéo dài, khi làm sinh động niềm hy vọng được Chúa khơi lên trong chún g ta.

 

Chúng ta hãy cám ơn tất cả những ai đã giúp vào việc gia tăng việc đối thoại đại kết bằng lời nguyện cầu, bằng việc hiến dâng nỗi khổ đau của họ, và bằng hoạt động liên lỉ của họ. Trên hết là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta là Đấng chúng ta cần phải dâng lên những lời tạ ơn nồng thắm về hết mọi sự.

 

Chớ gì Trinh Nữ Maria xin cho chúng ta đạt được sớm bao nhiêu có thể niềm mong ước thiết tha nơi  Người Con thần linh của Mẹ: ‘cho họ tất cả được nên một… để thế gian tin tưởng’ (Jn 17:21).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2007/documents/hf_ben-xvi_hom_20070125_conversion-st-paul_en.html

 

 

TOP

 

 

?  “Thật là thê thảm ở chỗ… cùng một Bản Công Ước được soạn thảo để bảo vệ những người tật nguyền khỏi tất cả mọi kỳ thị trong việc họ hành sử quyền lợi của họ, lại được sử dụng để chối bỏ chính quyền sống căn bản của những con người tật nguyền còn trong bụng mẹ”

 

Tòa Thánh cho biết lý do tại sao không ký nhận Bản Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Thánh Phần Khuyết Tật

 

Hôm Thứ Năm 1/2/2007, Tòa Thánh đã phổ biến bài nói của ĐTGM Celestino Migliore, vị quan sát viên  thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, liên quan tới Bản Công Ước Liên  Hiệp Quốc Về Thánh Phần Khuyết Tật, một bản công ước được Tổng Hội Đồng LHQ phê chuẩn ngày 13/12/2006 và cần được các quốc gia phần tử ký nhận hạn chọn vào ngày 30/3/2007. Tuy nhiên, vị quan sát viên này, ở câu kết bài nói đã dứt khoát khẳng định là không ký, vì những chi tiết trong bản công ước này, được vị quan sát viên trích dẫn cho rằng chúng là những gì tương phản với giáo huấn của Giáo Hội về phẩm giá của con người.

 

Trong bản nhận định kèm theo bài nói (xin xem lại bài nói đã được thoidiemmaria phổ biến từ hôm Thứ Bảy 27/1/2007 hay xem lại cùng bài được phổ biến lại dưới bài này), vị quan sát viên này đã nhắc lại rằng: “từ đầu của công việc này vào hồi Tháng 7/2002, Tòa Thánh đã tham dự một cách chủ động vào việc soạn thảo bản văn kiện ấy, bằng việc hợp tác thêm vào những chi tiết rõ ràng liên quan tới quyền sống và việc nhìn nhận vai trò của gia đình nơi đời sống của những người bị khuyết tật. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối cùng của công việc này, những chi tiết bất khả chấp liên quan tới vấn đề ‘sức khỏe sản sinh’ đã được cho vào các khoản 23 và 25, vì thế mà Tòa Thánh đã quyết định không chấp nhận bản công ước mới này”.

 

Đức TGM này đã nhấn mạnh tới vấn đề “Tòa Thánh đã nhất trí kêu gọi việc những người khuyết tật phải làm sao để được hội nhập vào xã hội một cách trọn vẹn và cảm thương, vì Tòa Thánh tin tưởng rằng họ có đầy đủ các thứ nhân quyền bất khả chuyển nhượng”.

 

Liên quan tới khoản 23 của bản công ước này, ngài đã cho biết phái đoàn đại biểu của ngài “đã giải thích tất cả những chữ và những câu liên quan tới các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tới việc điều hòa sinh sản và hôn nhân ở khoản 23, cũng như tới chữ ‘giống tính’, vì chữ này đã có những ý nghĩa và phát biểu theo chiều hướng của Hội Nghị Cairô và Bắc Kinh”, được tổ chức vào năm 1994 và 1995.

 

“Sau hết, và quan trọng nhất, đó là vấn đề liên quan tới khoản 25 về vấn đề sức khỏe, nhất là chi tiết dính dáng tới sức khỏe tính dục và sản sinh, một vấn đề theo Tòa Thánh hiểu thì phương cách hưởng dụng sức khỏe sản sinh như là một quan niệm nguyên vẹn không coi vấn đề phá thai hay phương tiện phá thai như là một chiều kích của những từ ngữ ấy… Chúng tôi chống lại việc bao gồm một câu như thế trong khoản này, vì ở một số quốc gia những dịch vụ sức khỏe sản sinh bao gồm cả vấn đề phá thai, và như thế là chối bỏ quyền sống bẩm sinh của hết mọi người, một quyền lợi cũng được xác nhận ở khoản 10 của Bản Công Ước. Thật là thê thảm ở chỗ… cùng một Bản Công Ước được soạn thảo để bảo vệ những người tật nguyền khỏi tất cả mọi kỳ thị trong việc họ hành sử quyền lợi của họ lại được sử dụng để chối bỏ chính quyền sống căn bản của những con người tật nguyền còn trong bụng mẹ. Đó là lý do, bất chấp nhiều khoản hữu ích được chất chứa trong bản công ước ấy, Tòa Thánh vẫn không thể ký chuẩn được”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS phổ biến ngày 1/2/2007

 

 

TOP

 

 

?  “Chính vì lý do này, và bất kể nhiều điều khoản hữu ích chất chứa trong Bản Công Ước này, Tòa Thánh vẫn không thể ký  nhận nó”

 

ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc Nữu Ước Hoa Kỳ với một khóa họp của Tổng Hội Đồng ngày 13/12/2006 liên quan tới “Các Vấn Đề về Nhân Quyền… “

 

Thưa Bà Chủ Tịch,

 

Nhân dịp chấp nhận Bản Công Ước Về Các Quyền Lợi Của Những Người Khuyết Tật, đại biểu tôi muốn chuyển niềm cảm nhận của mình tới các Vị Lãnh Sự L. Gallegos và D. McKay về vai trò dẫn đầu của các vị đối với những cuộc thương thảo lâu dài này.

 

Việc bảo vệ các thứ quyền lợi, phẩm vị và giá trị của những người khuyết tật vẫn là mối quan tâm chính yếu của Tòa Thánh. Tòa Thánh đã nhất trí kêu gọi cho những người bị khuyết tật được hoàn toàn và thương cảm hội nhập vào xã hội, với niềm xác tín rằng họ có đầy đủ những quyền  lợi bất khả coi thường của con người. Bởi thế mà ngay từ đầu, đại biểu tôi đã từng là một cộng tác viên xây dựng và chủ động trong các cuộc thương thảo ấy.

 

Bản Công Ước này có nhiều điều khoản lợi ích, bao gồm cả những khoản nói đến vấn đề giáo dục và đến chính vai trò rất quan trọng của gia cư và gia đình, nhưng thực sự cái cốt lõi sống động của bản văn kiện này là ở chỗ nó tái khẳng định quyền sống. Vì đã quá lâu và trước quá nhiều người thì mạng sống của thành phần bị khuyết tật đã từng bị coi nhẹ hay được ho là có một phẩm vị và giá trị kém cỏi. Đại biểu tôi đã ân cần làm việc để làm cho bản văn này được đặt trên một căn bản nhờ đó lật ngược lại cái quan niệm ấy và để bảo đảm việc thành phần khuyết tật được hoàn toàn hoan hưởng tất cả mọi quyền lợi của con người. Đó là lý do tại sao giờ đây tôi xin làm sáng tỏ chủ trương của Tòa Thánh ở một số điều khoản của Bản Công Ước này.

 

Về Khoản 18, liên quan tới quyền  tự do di chuyển và quốc  tịch, và Khoản 23 về vấn đề gia cư và gia đình, Tòa Thánh hiểu rằng những khoản này có ý muốn bảo đảm những quyền chính yếu và bất khả coi thường của cha mẹ.

 

Hơn nữa, đại biểu tôi hiểu tất cả mọi từ ngữ và thành ngữ liên quan tới những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, điều hòa vấn đề sinh sản và hôn nhân ở Khoản 23, cũng như chữ ‘giống tính’, như nó đã thực hiện theo các thứ ý nghĩ và lời phát biểu được biểu lộ ở các hội nghị quốc tế ở Cairô và Bắc Kinh.

 

(Biệt chú của người dịch Việt ngữ: Hội Nghị Cairô ở Ai Cập về Dân Số năm 1994, và hội nghị Bắc Kinh ở Trung Quốc về Nữ Giới năm 1995, hai hội nghị này cũng tranh đấu cho v ấn đề phá thai toàn cầu và quyền hạn của nữ giới trong vấn đề sức khỏe sinh sản, và tất cả những gì được hai hội nghị này muốn phát động theo chiều hướng phò phá thai và văn hóa sự chết đều bị Tòa Thánh cực lực chống đối đến cùng).

 

Sau hết, và quan trọng nhất, liên quan tới khoản 25 về vấn đề sức khỏe, nhất là liên quan tới sức khỏe tính dục và sinh sản, Tòa Thánh hiểu rằng việc có thể hưởng dụng sức khỏe sản sinh như là một thứ quan niệm toàn diện không coi việc phá thai hay tìm cách phá thai như là một chiều kích của những từ ngữ ấy. Ngoài ra, chúng tôi đồng ý với việc đồng thuận rộng rãi từng được lên tiếng ở văn phòng này, cũng như với ‘travaux préparatoires’ là điều khoản này không phải là những gì tạo nên bất cứ những quyền lợi quốc tế mới nào và chỉ có mục đích bảo đảm là tật nguyền của con người không được trở thành nguyên do để họ bị từ chối hưởng dịch vụ về sức khỏe.

 

Tuy nhiên, ngay cả hiểu như thế, chúng tôi cũng đã chống lại việc bao gồm một cụm từ như thế vào điều khoản này, vì ở một số quốc gia thì những dịch vụ về sức khỏe sinh sản bao gồm cả vấn đề phá thai, như thế là chối bỏ quyền sống bẩm sinh của hết mọi người là những gì được xác nhận ở Điều Khoản 10 của Bản Công Ước đây. Thật là thê thảm ở chỗ, khi nào xẩy ra tình trạng khiếm khuyết của bào thai là điều kiện tiên quyết cho việc cống hiến hay sử dụng việc phá thai, thì cùng Bản Công Ước được viết ra để bảo vệ những người khuyết tật khỏi bị tất cả mọi thứ kỳ thị khi họ hành sử quyền lợi của họ, lại có thể được sử dụng để chối bỏ chính quyền sống căn bản của những thai nhi tật nguyền.

 

Chính vì lý do này, và bất kể nhiều điều khoản hữu ích chất chứa trong Bản Công Ước này, Tòa Thánh vẫn không thể ký  nhận nó.

 

Tóm lại, đại biểu tôi cho rằng cái khả năng tích cực của Bản Công Ước này sẽ chỉ được hiện thực khi nào các điều khoản pháp lý của quốc gia và việc áp dụng thực hànhcủa tất cả mọi phần tử hoàn toàn tuân hợp với Điều Khoản 23 về quyền sống của người khuyết tật.

 

Tôi yêu cầu lời phát biểu này được cho vào bản tường trình của buổi họp hôm nay.

 

Xin cám ơn Bà Chủ Tịch

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/12/2006

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ