GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 8/2/2007 TUẦN V THƯỜNG NIÊN |
? “Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế”
? Những Cộng Sự Viên của Thánh Phaolô: Barnabê, Silas và Apollos.
? Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2007 với Ơn Đại Xá
“Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế” (Jn 13:34)
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp Cho Ngaỳ Giới Trẻ Thế Giới XXII, Chúa Nhật Lễ Lá Ngày 1/4/2007
(tiếp 7 Thứ Tư)
Những chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô
Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn kéo dài một chút nữa về ba lãnh vực của đời sống thường nhật là cuộc sống các bạn được đặc biệt kêu gọi để minh chứng tình yêu thương của Thiên Chúa. Lãnh vực thứ nhất là Giáo Hội, gia đình thiêng liêng của chúng ta, một gia đình được làm nên bởi tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Ý thức được lời Người dạy: ‘Nếu các con mến thương nhau thì mọi người nhờ đó nhận biết các con là môn đệ của Thày’ (Jn 13:35), các bạn cần phải tỏ ra nhiệt tình và bác ái trong việc làm khởi sắc các hoạt động của giáo xứ, của cộng đồng, của các phong trào trong giáo hội và của các nhóm giới trẻ các bạn thuộc về. Hãy đặc biệt quan tâm tới phúc hạnh của người khác, trung thành với những quyết tâm của mình. Đừng ngần ngại trong việc vui vẻ kiềm chế một vài những thứ vui chơi của các bạn; hãy hoan hỉ chấp nhận những hy sinh cần thiết; hãy chứng thực tình yêu mến của các bạn đối với Chúa Giêsu bằng việc loan truyền Phúc Âm của Người, nhất là nơi giới trẻ thuộc lứa tuổi của các bạn.
Sửa soạn cho tương lai
Lãnh vực thứ hai, lãnh vực các bạn được kêu gọi để thể hiện tình yêu của các bạn và lớn lên trong yêu thương, đó là việc các bạn sửa soạn cho tương lai đang đợi chờ các bạn. Nếu các bạn quyết tâm thành hôn thì Thiên Chúa đã có một dự án yêu thương cho tương lai của các bạn trong đời sống vợ chồng và đời sống gia đình. Bởi thế, các bạn cần phải khám phá ra dự án ấy qua việc trợ giúp của Giáo Hội, đừng mang một thứ thành kiến chung là Kitô Giáo có những giới răn và những cấm đoán làm cản trở niềm vui yêu thương, và gây trở ngại cho việc trọn vẹn hoan hưởng thứ hạnh phúc được người nam và người nữ tìm kiếm khi họ yêu thương nhau. Tình yêu của người nam và người nữ, từ khi mở màn cho đời sống gia đình nhân loại, cũng như cho đời sống lứa đôi hợp bởi một người nam và một người nữ, được bắt nguồn từ dự án nguyên thủy của Thiên Chúa (x Gen 2:18-25). Việc làm sao để biết yêu thương nhau như vợ chồng là một cuộc hành trình tuyệt vời, song nó cũng đòi phải có một ‘thời gian học hỏi’ cần thiết. Giai đoạn đính hôn, một giai đoạn rất cần thiết để thành vợ chồng, là một thời gian mong đợi và sửa soạn cần phải sống thanh sạch trong cử chỉ và lời nói. Nó giúp cho các bạn có thể chín chắn trong yêu thương, trong mối quan tâm và chú trọng đến nhau; nó giúp cho các bạn thực hành việc tự chế và phát triển việc tôn trọng nhau. Đó là những đặc tính của tình yêu chân thực không đặt nặng việc tìm kiếm những thỏa mãn riêng tư hay phúc hạnh của mình. Khi cùng nhau cầu nguyện, các bạn hãy xin Chúa canh chừng và gia tăng tình yêu của các bạn cũng như thanh tẩy nó cho khỏi tất cả mọi thứ vị kỷ. Đừng ngần ngại trong việc quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi, vì hôn nhân Kitô Giáo thực sự và hoàn toàn là một ơn gọi trong Giáo Hội. Cũng thế, những con người trẻ nam nữ thân mến, các bạn hãy sẵn sàng thưa ‘vâng’ nếu Thiên Chúa cần gọi các bạn theo đuổi thiên chức linh mục thừa tác hay sống đời tận hiến tu trì. Gương mẫu của các bạn sẽ là một tấm gương phấn khích cho nhiều bạn bè của các bạn là những người đang tìm kiếm hạnh phúc chân thật.
Mỗi ngày lớn lên trong yêu thương
Lãnh vực dấn thân thứ ba của tình yêu đó là lãnh vực của đời sống thường nhật với đầy những mối liên hệ. Tôi đặc biệt nói tới gia đình, học hành, hoạt động và giải trí. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy vun trồng các tài năng của các bạn, chẳng những để chiếm được một thế đứng trong xã hội, mà còn giúp cho người khác ‘phát triển’ nữa. Các bạn hãy phát triển các năng lực của mình, không phải để ‘ganh đua’ hơn và ‘thu hoạch’ hơn, mà là để trở thành ‘những chứng nhân của đức bác ái’. Ngoài việc huấn luyện về nghề nghiệp chuyên môn, các bạn cũng hãy nỗ lực có được một thứ kiến thưc về đạo giúp cho các bạn thi hành sứ vụ của các bạn một cách hữu trách. Tôi đặc biệt mời các bạn hãy cẩn thận học hỏi giáo huấn về xã hội của Giáo Hội, nhờ đó những nguyên tắc của giáo huấn này tác động và hướng dẫn hành động của các bạn trong thế giới này. Chớ gì Chúa Thánh Thần làm cho các bạn trở nên sáng tạo trong đức ái, kiên trì trong những quyết tâm của các bạn, và can đảm theo đuổi những sáng kiến của các bạn, nhờ đó các bạn có thể góp phần vào việc xây dựng ‘nền văn minh yêu thương’. Chân trời yêu thương thực sự là vô hạn; nó là tất cả thế giới này vậy!
‘Dám yêu thương’ theo gương của các thánh nhân
Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn mời gọi các bạn hãy ‘dám yêu thương’. Các bạn đừng mong muốn bất cứ một cái gì khác cho đời sống của các bạn mà không phải là một thứ tình yêu mạnh mẽ và tuyệt vời, có thể làm cho cả đời sống của các bạn trở thành một cuộc hân hoan trao tặng bản thân mình cho Thiên Chúa cũng như cho anh chị em của các bạn, theo gương của Đấng đã muôn đời chiến thắng hận thù và chết chóc bằng tình yêu thương (x Rev 5:13). Tình yêu là năng lực duy nhất có thể biến đổi tâm can của con người cũng như của toàn thể nhân loại, bằng việc làm cho sinh hoa kết trái các mối liên hệ giữa con người nam nữ, giữa giầu nghèo, giữa các nền văn hóa và văn minh. Chúng ta thấy được điều này nơi đời sống của các thánh nhân. Họ là những người bạn đích thực của Thiên Chúa, thành phần chuyển đạt và phản ảnh chính tình yêu đệ nhất này. Các bạn hãy cố gắng hiểu biết các vị hơn nữa, hãy tin tưởng vào lời chuyển cầu của các vị, và hãy nỗ lực sống như các vị đã sống. Tôi chỉ cần đề cập tới Mẹ Têrêsa. Để đáp lại tức khắc tiếng kêu của Chúa Giêsu, ‘Tôi khát’, một tiếng kêu đã sâu xa tác động mẹ, mẹ bắt đầu thực hiện việc tiếp nhận những người hấp hối trên các đường phố ở Calcutta Ấn Độ. Từ đó trở đi, ước vọng duy nhất của đời sống Mẹ đó là làm giãn cơn khát yêu thương của Chúa Giêsu, không phải bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể, bằng việc nhận ra dung nhan biến dạng của Người đang khao khát yêu thương trên các khuôn mặt của những người nghèo nhất trong các người nghèo. Chân Phước Têrêsa làm cho các giáo huấn của Chúa Kitô trở thành những gì là thực tế: ‘Khi con làm điều ấy cho một trong kẻ hèn mọn nhất trong những người thuộc phần tử gia đình của Ta đây là con làm cho Ta vậy’ (Mt 25:40). Sứ điệp của vị chứng nhân khiêm hạ này của tình yêu thần linh đã lan tràn khắp nơi trên thế giới.
Cái bí mật của tình yêu thương
Các bạn thân mến, mỗi một người trong chúng ta đã được ban cho khả năng để đạt tới cùng một mức độ yêu thương ấy, thế nhưng chỉ khi nào chúng ta biết chạy đến với sự nâng đỡ bất khả thiếu của Ân Sủng thần linh mà thôi. Chỉ có ơn trợ giúp của Chúa mới giúp cho chúng ta có thể không lùi bước khi phải đối đầu với những gì là khủng khiếp nơi công việc cần phải thực hiện. Nó làm cho chúng ta trở nên can đảm để hoàn thành những gì con người không ngờ nổi. Đặc biệt Thánh Thể là một đại học đường dạy yêu thương. Khi chúng ta thường xuyên sốt sắng tham dự Thánh Lễ, khi chúng ta bỏ một giờ khắc có thể nào đó để chầu Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Người vượt trên tất cả mọi hiểu biết (x Eph 3:17-18). Nhờ việc chia sẻ Bánh Thánh Thể với anh chị em của mình trong cộng đồng Giáo Hội, chúng ta cảm thấy được thôi thúc, như Đức Mẹ đối với bà Isave, trong việc ‘vội vã’ biến tình yêu của Chúa Kitô thành việc quảng đại phục vụ đối với anh chị em của chúng ta.
Hướng tới cuộc hội ngộ ở Sydney
Vấn đề này được sáng tỏ nơi lời khuyến dụ của tông đồ Gioan: ‘Hỡi các con nhỏ, chúng ta hãy yêu thương, không phải bằng ngôn từ hay lời nói, mà trong chân lý và hành động. Có thế chúng ta mới nhận biết rằng chúng ta sống bởi sự thật’ (1Jn 3:18-19). Giới trẻ thân mến, trong tinh thần này, tôi mời gọi các bạn hãy cảm nghiệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây với các vị giám mục của các bạn nơi giáo phận riêng của mình. Việc làm này sẽ là giai đoạn quan trọng trên con đường tiến đến cuộc gặp gỡ ở Sydney là cuộc gặp gỡ với chủ đề ‘Các con sẽ lãnh nhận quyền lực khi Thánh Thần xuống trên các con; và các con sẽ là những chứng nhân của Thày’ (Acts 1:8). Chớ gì Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, giúp anh chị em vang lên khắp mọi nơi tiếng kêu làm biến đổi thế giới, tiếng kêu ‘Thiên Chúa là tình yêu!’ Tôi nguyện cầu cùng với tất cả anh chị em và gửi đến anh chị em phép lành chân thành của tôi.
Tại Vatican ngày 27/1/2007
Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
Những Cộng Sự Viên của Thánh Phaolô: Barnabê, Silas và Apollos.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 31/1/2007
(tiếp 7 Thứ Tư)
Silas, một trong những vị cộng sự viên khác của Thánh Phaolô, là tên gọi theo tiếng Hy Lạp của một danh xưng Do Thái (có lẽ là ‘sheal’, nghĩa là yêu cầu, là khẩn cầu), một danh xưng có cùng nguồn gốc với tên ‘Saul’ (một danh xưng cũng biến sang hình thức của tiếng Latinh là ‘Silvanus’).
Tên Silas chỉ được đề cập đến trong sách Tông Vụ, trong khi Silvanus lại được thấy trong các bức thư của Thánh Phaolô. Ông là một người Do Thái ở Giêrusalem, một trong những người đầu tiên trở thành Kitô hữu, và đã được nể trọng trong Giáo Hội ở đây (x Acts 15:22), được coi là vị ngôn sứ (x Acts 15:32).
Ông được trao cho trách nhiệm mang đến ‘cho anh em ở Antiôkia, Syria và Cilicia’ (Acts 15:23) những quyết định của Công Đồng Giêrusalem và giải thích những quyết định này.
Hiển nhiên là các vị đã nghĩ rằng ông có thể thi hành một thứ môi giới giữa Giêrusalem và Antiôkia, giữa Kitô Hữu Do Thái Giáo và các Kitô hữu gốc dân ngoại, nhờ đó giúp vào mối hiệp nhất của Giáo Hội theo tính cách đa diện của các nghi thức và các gốc tích.
Khi Thánh Phaolô tách khỏi Thánh Barnabê, ngài đã đưa ông Silas đi với mình như người đồng hành trình mới của ngài (x Acts 15:40). Cùng với Thánh Phaolô, ông đã đến Macedonia (ở các thành phố Philippi, Thessalonica và Berea), nơi ông ở lại, trong khi Thánh Phaolô tiếp tục tiến đến Nhã Điển và sau đó tới Côrintô.
Ông Silas đã đến gặp ngài ở Côrintô là nơi ông hợp tác rao giảng Phúc Âm; thật vậy, trong bức thư thứ hai gửi cho Giáo Hội này, ngài đã nói về ‘Chúa Giêsu Kitô, Đấng chúng tôi, Silvanus, Timôthêu và tôi, rao giảng giữa anh em” (2Cor 1:19).
Điều này cho thấy lý do tại sao ông xuất hiện như là người đồng tác giả, cùng với Thánh Phaolô và Timôthêu, hai Bức Thư viết gửi cho giáo đoàn Thessalonica.
Điều này cũng quan trọng đối với tôi nữa. Thánh Phaolô không hành động ‘đơn độc’, như một cá nhân bị cô lập, mà là với những cộng tác viên của ngài theo chiều hướng ‘chúng tôi’ của Giáo Hội.
Cái ‘tôi’ này của Thánh Phaolô không phải là ‘cái tôi’ lẻ loi cô lập, mà là một ‘cái tôi’ trong ‘cái chún g tôi’ của Giáo Hội, trong ‘cái chúng tôi’ của đức tin tông đồ. Và Silvanus cũng được nhắc đến ở cuối bức thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô nữa, như thế này: ‘Nhờ Silvanus, một người anh em trung thành như tôi cảm nhận về ông, tôi đã viết vắn tắt cho anh em đây’ (5:12).
Như thế chúng ta cũng thấy được mối hiệp thông của các vị Tông Đồ. Silvanus phục vụ Thánh Phaolô, phục vụ Thánh Phêrô, vì Giáo Hội là một Giáo Hội duy nhất và việc rao giảng truyền giáo là một việc rao giảng truyền giáo duy nhất.
Người đồng nghiệp thứ ba của Thánh Phaolô chúng ta muốn nhắc tới hôm nay đây là Apollos, một tên gọi có thể được viết tắt từ chữ Appolonius hay Apolodorous. Bất chấp mang tên gọi từ gốc gác dân ngoại, ông là một người Do Thái nhiệt thành ở Alexandria Ai Cập.
Trong sách Tông Vụ, Thánh Luca đã diễn tả ông như là một ‘con người ăn nói hùng hồn, thông giỏi Thánh Kinh… có tinh thần hăng say’ (18:24-25).
Việc Apollos nhập cuộc truyền bá phúc âm hóa đầu tiên xẩy ra ở thành phố Êphêsô: ông đã đi đến đó để rao giảng và ở đó ông đã may mắn gặp được vợ chồng Priscilla và Aquila (x Acts 18:26), cặp vợ chồng ‘đã tiếp nhận ông và dẫn giải cho ông rõ về đường lối của Thiên Chúa một cách xác đáng hơn’ (x Acts 18:26).
Từ Êphêsô ông đã băng ngang qua Achaia cho đến khi ông đến thành Côrintô: Ông đã đến đó qua việc Kitô hữu thuộc giáo đoàn Êphêsô kêu gọi trong một bức thư xin Kitô hữu ở Côrintô hãy tiếp đón ông đàng hoàng (x Acts 18:27).
Ở Côrintô, như Thánh Luca viết, ‘ông đã giúp đỡ rất nhiều cho những ai nhờ ơn Chúa tỏ ra tin tưởng. Ông đã mạnh mẽ công khái bác bẻ những người Do Thái, căn cứ vào Thánh Kinh xác nhận Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu’ (Acts 18:27-28).
Việc thành công của ông ở thành này cuối cùng đã gây ra rắc rối, khi có một số phần tử ở Giáo Hội ấy, cảm thấy khâm phục cách thức nói năng của ông, đã nhân danh ông tỏ ra chống lại những người khác (x 1Cor 1:12, 3:4-6, 4:6).
Thánh Phaolô, trong Bức Thư Thứ Nhất gửi cho Kitô hữu Côrintô đã bày tỏ việc ngài cảm nhận hoạt động của Apollos, thế nhưng ngài đã khiển trách những người Côrintô về việc làm rách nát Thân Thể của Chúa Kitô, khi tỏ ra phân rẽ bằng những cách thức chống đối nhau.
Ngài đã dạy cho họ một bài học quan trọng từ những gì đã xẩy ra là: ngài nói, cả Apollos và tôi chỉ là những ‘diakonoi’, tức là những thừa tác viên mà thôi, thành phần nhờ đó anh em tiếp nhận đức tin (x 1Cor 3:5).
Mỗi một người có việc làm khác nhau trong cánh đồng của Chúa: ‘Tôi trồng, Apollos tưới, song Thiên Chúa là Đấng làm cho mọc lên…. Vì chúng tôi là những người cùng làm việc cho Thiên Chúa; anh em là thửa ruộng của Thiên Chúa, là tòa nhà của Thiên Chúa’ (1Cor 3:6-9).
Trên đường tở về Êphêsô, ông Apollos đã không làm theo lời mời gọi của Thánh Phaolô trong việc về ngay Côrintô mà đã đình hoãn lại vào một ngày nào sau đó chúng ta không biết (x 1Cor 16:12).
Chúng ta không còn biết tin gì về ông, mặc dù một số chuyên gia nghĩ rằng ông có thể là tác giả của Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, một bức thư theo giáo phụ Tertullianô tác giả của nó là Thánh Barnabê.
Ba con người này chiếu tỏa trên bầu trời của thành phần chứng nhân cho Phúc Âm với một đặc điểm chung, ngoài những đặc điểm riêng của mỗi người. Nói chung, ngoài nguồn gốc Do Thái giống nhau, họ đều dấn thân cho Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm, cũng như sự kiện cả 3 đều là hợp tác viên của Thánh Tông Đồ Phaolô.
Trong công cuộc truyền bá phúc âm hóa ban đầu này, họ đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó họ cho chúng ta thấy những mẫu thức sáng ngời của việc vị kỷ và quảng đại dấn thân.
Sau hết, chúng ta, một lần nữa, hãy nghĩ đến câu của Thánh Phaolô, đó là cả Apollos và tôi đều là những thừa tác viên của Chúa Giêsu, mỗi người theo kiểu cách của mình, vì chính Chúa là Đấng làm cho phát triển. Điều này vẫn còn hiệu lực với chúng ta ngày nay, đối với Giáo Hoàng, cũng như đối với các hồng y, giám mục, linh mục và giáo dân.
Tất cả chúng ta đều là những thừa tác viên khiêm hạ của Chúa Giêsu. Chúng ta phục vụ Phúc Âm theo chiều kích chúng ta có thể, theo tặng ân chúng ta có, và chúng tax in Chúa làm cho Phúc Âm của Người, Giáo Hội của Người được phát triển ngày nay.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 31/1/2007
Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2007 với Ơn Đại Xá
Chiều tối hôm qua 5/2/2007, Tòa Ân Giải của Tòa Thánh đã ban hành một sắc lệnh về việc ban các ân xá cho tín hữu về Ngày Thế Giới Bệnh Nhân là ngày được cử hành hằng năm vào Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2, năm nay được tổ chức tại thủ đô Seoul Nam Hàn. Sắc lệnh có nội dung chính yếu như sau:
“Chúng ta phải sâu xa suy tư về sự kiện là các thứ phương dược của loài người đều có giới hạn, bởi thế, mớio không thể tránh được thời điểm con người tiến đến chỗ kết thúc cuộc hành trình trền thế của mình. Chúng ta cần phải cống hiến cho thành phần bệnh nhân đang sống trong hoàn cảnh ấy việc chăm sóc ân cần nhất và đức bác ái cao cả nhất, nhờ đó việc họ qua thế giới này về cùng Cha được êm ái bằng ơn an ủi thần linh, và cũng nhờ đó, như Giáo Hội khẩn cầu cho người hấp hối, họ có thể thấy được dung nhan dịu hiền của Chúa Giêsu Kitô và rõ ràng nghe thấy tiếng gọi họ về hưởng hiển vinh và nuềm vui vĩnh hằng.
“Với ý thức này, Mẹ Hội Thánh hy vọng rằng việc cử hành hằng năm Ngày Thế Giới Bệnh Nhân trở thành một cuộc học hỏi giáo lý tác hiệu về giáo huấn… trong kho tàng Mạc Khải, liên quan tới giá trị và tác dụng của khổ đau”.
Đó là lý do Ơn Đại Xá cũng gọi là Ơn Toàn Xá sẽ được ban cho “tín hữu nào, giữ đủ các điều kiện thông thường (Xưng Tội, Hiệp Lễ và cầu theo ý Đức Thánh Cha), và bằng một tâm hồn hoạn toàn không vướng mắc bất cứ hình thức tội lỗi nào, tham dự Ngày 11/2 ở thành phố Seoul, hay ở bất cứ nơi nào khác theo ấn định của thầm quyền giáo hội, vào một nghi thức linh thánh được tổ chức để nài xin Thiên Chúa thực hiện các mục tiêu của Ngày Thế Giới Bệnh Nhân”.
“Thành phần tín hữu, ở các bệnh viện công hay các nhà riêng, như ‘những người Samaritanô Nhân Lành’ bác ái trợ giúp người bệnh – nhất là những ai chịu những thứ bệnh nan trị và nguy tử – và những người tín hữu, vì dịch vụ cung cấp, không thể tham dự vào nghi thức được đề cập đến trên đây, sẽ được cùng tặng ân Đại Xá, nếu ngày hôm đó họ quảng đại cung cấp, tối thiểu là mấy tiếng đồng hồ, việc trợ giúp bác ái cho bệnh nhân như thể họ chăm sóc cho chính Chúa Kitô, bằng một tâm hồn hoàn toàn không vướng mắc bất cứ một hình thức tội lỗi nào, và với ý định tuân giữ, sớm bao nhiêu có thể, những điều kiện cần phải có để được hưởng ơn Đại Xá.
“Thành phần tín hữu, vị bệnh nạn, tuổi già hay có lý do tương tự, không thể tham dự vào nghi thức kể trên, cũng có thể hưởng Ơn Đại Xá, nếu, có tâm hồn hoàn toàn không vướng mắc b ất cứ hình thức tội lỗi nào và có ý tuân giữ sớm bao nhiêu có thể những điều kiện đòi buộc, họ tham dự một cách thiêng liêng cùng với Đức Thánh Cha vào cuộc cử hành trên, sốt sắng cầu cho người bệnh, và nhờ Trinh Nữ Maria là ‘Sinh Lực của Bệnh Nhân’ hiến dâng những khổ đau về thể xác và tinh thần của mình lên Thiên Chúa”.
Sắc lệnh của Tòa Ân Giải cũng nói tới vấn đề tiểu xá được ban cho “tất cả mọi tín hữu, vào bất cứ khi nào trong thời khoảng 9-11/2, có lòng thống hối dâng lời sốt sắng nguyện cầu lên Chúa nhân lành xin cho những ước vọng nguyện cầu ấy được đáp ứng để cứu giúp người bệnh, nhất là những ai chịu thứ bệnh nan trị và nguy tử”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 6/2/2007