GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 18/3/2007

TUẦN IV MÙA CHAY

 

?   “Kính Mến Chúa… đối với các người tức là Sự Sống và là Tháng Ngày Dài”

?  Người Khách … Nửa Đêm Về Sáng

? Giọt Lệ Thống Hối.

 

 

 

?  “Kính Mến Chúa… đối với các người tức là Sự Sống và là Tháng Ngày Dài”

 

ĐTC GPII: Sứ Điệp Mùa Chay 2005

 

Anh Chị Em thân mến!

 

1.         Mỗi năm, Mùa Chay đến với chúng ta như là một cơ hội tốt đẹp để gia tăng việc nguyện cầu và thống hối, mở lòng ra dễ dàng đón nhận ý muốn thần linh. Trong Mùa Chay một cuộc hành trình thiêng liêng được phác họa ra cho chúng ta để giúp cho chúng ta sống lại Đại Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Điều này được thực hiện chính yếu bằng việc lắng nghe Lời Chúa một cách thiết tha hơn cũng như bằng việc hãm mình một cách quảng đại hơn, nhờ đó có thể trợ giúp hơn nữa những ai nghèo túng.

 

Năm nay, anh chị em thân mến, tôi muốn anh chị em chú ý tới một đề tài vẫn còn hiện hành, được tỏ hiện nơi câu sau đây của Sách Nhị Luật: “Kính Mến Chúa… đối với các người tức là Sự Sống và là Tháng Ngày Dài” (30:20). Đó là những lời được Moisen nói với dân chúng, kêu gọi họ hãy tha thiết tuân giữ Giao Ước ký kết với Chúa ở xứ sở của Moab, “để các người cùng con cháu các người được sống, hãy kính mến Chúa là Thiên Chúa của các người, hãy vâng nghe tiếng của Ngài và hãy gắn bó với Ngài” (30:19-20). Việc trung thành với Giao Ước thần linh, đối với dân Do Thái, là bảo đảm cho tương lai: “để các người được cư ngụ trong mảnh đất Chúa đã hứa cho cha ông các người là Abraham, Isaac và Giacóp là Ngài ban cho họ mảnh đất ấy” (30:20). Theo ý nghĩa thánh kinh thì việc tiến tới tuổi già là dấu hiệu cho thấy lòng ưu ái rộng lượng của Đấng Tối Cao. Bởi thế, việc sống lâu là một tặng ân đặc biệt của Thiên Chúa.

 

Chính về đề tài này mà tôi xin anh chị em hãy suy nghĩ trong Mùa Chay này, để ý thức sâu xa hơn vai trò thành phần lão nhân được kêu gọi đóng trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, nhờ đó giúp cho tâm can của anh chị em sẵn sàng tỏ ra ưu ái đón nhận họ. Nhờ việc đóng góp của khoa học và y học, người ta thấy trong xã hội ngày nay đời sống con người được kéo dài hơn và việc gia tăng con số người già bởi đó mà ra. Điều này đòi phải được chú trọng đặc biệt hơn nữa đến cái thế giới được gọi là già lão, hầu giúp cho những phần tử của mình sống trọn vẹn năng lực của họ bằng việc giúp họ có thể phục vụ toàn thể cộng đồng. Việc chăm sóc cho người già, nhất là khi họ trải qua những lúc khó khăn, cần phải trở thành mối quan tâm lớn cho tất cả mọi tín hữu, nhất là ở những cộng đồng giáo hội thuộc các xã hội Tây phương là nơi đang đặc biệt có vấn đề.

 

2.         Sự sống của con người là một quà tặng quí hóa cần phải được yêu chuộng và bênh vực ở từng giai đoạn của nó. Giới Răn “Các ngươi không được sát hại!” bao giờ cũng đòi hỏi phải tôn trọng và cổ võ sự sống con người, từ khi nó bắt đầu có cho tới khi nó tự nhiên chấm dứt. Đó là lệnh truyền áp dụng ngay cả khi xẩy ra yếu bệnh và khi tình trạng yếu kém về thể lý làm suy giảm khả năng tự tin của con người. Nếu việc già đi cùng với những tình trạng bất khả tránh của nó được chấp nhận một cách an tâm theo chiều hướng đức tin, nó có thể trở thành một cơ hội để cảm nhận hơn nữa Mầu Nhiệm Thập Giá là những gì làm cho cuộc sống con người được trọn vẹn ý nghĩa.

 

Cần phải hiểu biết và giúp đỡ thành phần lão nhân theo quan điểm này. Ở đây tôi muốn bày tỏ cảm nhận của tôi đối với những ai dấn thân làm mãn nguyện những nhu cầu này, và tôi cũng kêu gọi những con người thiện chí khác hãy lợi dụng Mùa Chay để đóng góp phần riêng của mình. Điều này sẽ làm cho nhiều người già không nghĩ rằng họ trở thành một gánh nặng cho cộng đồng, và đôi khi cho cả gia đình họ, sống trong tình trạng đơn độc khiến họ có khuynh hướng cô lập bản thân hay trở nên chán nản.

 

Cần phải làm cho dư luận quần chúng tăng thêm ý thức rằng thành phần lão nhân, dù sao đi nữa, cũng tiêu biểu cho một nguồn nhân lực cần phải được trân trọng. Đó là lý do, việc nâng đỡ về kinh tế và những sáng kiến lập pháp, những gì giúp họ khỏi bị loại trừ ra khỏi sinh hoạt của xã hội, cần phải được củng cố. Thật vậy, trong thập niên vừa qua, xã hội đã chú trọng hơn đến nhu cầu của họ, và y học đã sáng chế ra những thứ chữa trị xoa dịu là những gì, cùng với phương thức toàn vẹn đối với người bệnh, đặc biệt mang lại thiện ích cho thành phần bệnh nhân kinh niên.  

 

3.         Tình trạng có nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn vào giai đoạn đời sống này cống hiến cho người già cơ hội đối diện với những vấn đề chính yếu có lẽ trước đó đã bị gạt sang một bên vì những quan tâm bấy giờ áp đảo hay được coi là ưu tiên hơn. Sự hiểu biết được cái cận kề đích điểm cuối cùng khiến cho người già tập trung vào những gì chính yếu, đặt tầm quan trọng vào những gì không bị qua đi theo thời gian.

 

Chính vì điều kiện này mà thành phần lão nhân mới có thể thi hành vai trò của mình trong xã hội. Nếu quả thực con người sống nhờ ở gia sản của những ai đi trước mình, và tương lai của họ thật sự lệ thuộc vào những giá trị về văn hóa của dân họ truyền đạt cho họ, thì sự khôn ngoan và kinh nghiệm của thành phần lão nhân có thể soi dẫn đường đi nước bước tiến bộ của họ hướng về một hình thức văn minh trọn vẹn hơn bao giờ hết.

 

Cần thiết biết bao việc tái nhận thức được cái phong phú hỗ tương giữa các thế hệ! Mùa Chay, bằng tiếng gọi mạnh mẽ hoán cải và kết đoàn của mình, năm nay làm cho chúng ta chú trọng đến những đề tài quan trọng liên quan đến hết mọi người này. Điều gì sẽ xẩy ra nếu Dân Chúa chiều theo một số tâm thức hiện nay coi những con người này, những người anh chị em của chúng ta đây, hầu như vô dụng khi họ suy yếu khả năng theo tuổi đời hay bệnh nạn của họ? Trái lại, khác hẳn biết bao một cộng đồng mà, bắt đầu từ gia đình, họ bao giờ cũng tỏ ra cởi mở và đón nhận họ.

 

4.         Anh chị em thân mến, trong Mùa Chay, nhờ Lời Chúa trợ giúp, chúng ta hãy suy nghĩ xam quan trọng biết bao việc mỗi cộng đồng hỗ trợ những ai về già bằng một niềm cảm thông ưu ái. Ngoài ra, người ta cần phải có thói quen nghĩ tưởng một cách tin tưởng về mầu nhiệm sự chết, để cuộc gặp gỡ tối hậu với Thiên Chúa diễn ra trong một bầu khí an bình nội tâm, nhận thức rằng Ngài là “Đấng nắn nên tôi trong lòng mẹ” (x Ps 139:13b) và là Đấng muốn dựng nên chúng tôi “theo hình ảnh và tương tự như Ngài” (x Gen 1:26) sẽ tiếp nhận chúng ta.

 

Mẹ Maria, vị hướng đạo của chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay, dẫn tất cả mọi tín hữu, nhất là thành phần lão nhân, đến chỗ hiểu biết sâu xa hơn bao giờ hết Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, Đấng là nguyên do tối hậu cho cuộc hiện hữu của chúng ta. Chớ gì Mẹ, người đầy tớ trung thành của Người Con thần linh của mình, cùng với Thánh Anna và Gioakim, chuyển cầu cho mỗi một người chúng ta “khi nay và trong giờ lâm tử”.

 

Tôi ban phép lành cho Tất Cả Mọi Người!

 

Tại Vatican ngày 8/9/2004

 

Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/lent/documents/hf_jp-ii_mes_20050127_lent-2005_en.html  

                                                                                                                                                         

 

TOP

 

 

?  Người Khách … Nửa Đêm Về Sáng

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Chay năm C chẳng những cho thấy Lòng Thương Xót Cha trên trời mà còn cả tấm lòng tan nát khiêm cung của người con phung phá nữa, một hình ảnh tiêu biểu cho chung hết mọi và từng tội nhân chúng ta. Theo Thánh Gioan Tông Đồ, thì ai nói mình không có tội là kẻ dối trá. Đã là tội nhân thì chúng ta đều là thành phần phung phá gia tài của Cha trên trời một cách nào đó, ở một cấp độ nào đó. Thế nhưng, điều quan trọng là chúng ta có biết nhận lỗi, thú lỗi và sửa lỗi hay chăng, bằng việc tin tưởng trở về với Lòng Thương Xót của Cha trên trời chúng ta, như người con trong dụ ngôn.

 

Ngày Thánh Mẫu XXVIII (1978-2005) do Chi Dòng Đồng Công tổ chức vào thời khoảng 4-7/8/2005 vẫn đông như mọi năm. Trận mưa tầm tã chiều tối Thứ Bảy này, còn hơn cả chiều Thứ Năm, đã làm cho các lều bán kỷ vật ngập lụt. Thế nhưng, sau Thánh Lễ Đại Trào, vào khoảng 9 giờ tối, các quán kỷ vật lại thay nhau mở ra để tiếp tục công việc gây quĩ của mình, vớt vát những giây phút cuối cùng của Ngày Thánh Mẫu 2005. Quầy kỷ vật của Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống (www.tinmungsusong.org) cũng không ngoại lệ.

 

Tuy nhiên, hai chúng tôi vừa bán vừa thu dọn, vì nghĩ rằng cũng chẳng được bao nhiêu nữa. Vào khoảng 12 giờ đêm, khi gần thu xong mọi sự, sách vở cũng đã cho vào thùng gần hết, chỉ còn mấy loại sách khác nhau chưa kịp thu và một số CD vậy thôi, thì người khách cuối ngày xuất hiện, đứng lật lật mấy cuốn sách còn nằm trên bàn. Tôi nghĩ rằng chắc anh chàng chạc tam thập nhi lập này cũng chỉ đứng trong giây lát rồi đi, để chúng tôi thu cho xong, sau đó còn đi ăn đêm, ngủ nghỉ, sáng còn lên đường về cho kịp chương trình nghỉ hè sau đó. Ai ngờ đâu, chính vào giây phút ấy, trong ý định của Đấng Quan Phòng Thần Linh, tôi đã được gặp một người khách cuối ngày có tâm hồn nửa đêm về sáng.

 

Đúng thế, câu truyện được mở đầu bằng câu hỏi của con người cho đến nay tôi vẫn chưa biết tên ấy, liên quan tới nhà xuất bản của một số sách vở bày bán của tôi, cũng như tới tiếng tăm của vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quá nổi nang có thể át đi cả Giáo Hội v.v.

  

Chắc thấm thía những điều tôi chia sẻ trả lời cho anh, người khách cuối cùng này chẳng những mua hầu hết các tác phẩm của tôi, mà còn bắt đầu từ từ hé mở cho tôi thấy tâm hồn nửa đêm về sáng của anh. Anh tâm sự với tôi rằng anh rất muốn đến với Chúa, bằng việc cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng hằng ngày, nhưng hình như càng muốn đến gần Chúa thì càng bị cám dỗ, nhất là về đức trong sạch, trong khi đọc kinh. Tôi vừa tỏ ra thông cảm vừa phấn khích anh như thế này. “Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no thỏa vậy”. Việc anh tiếp tục cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng mỗi ngày là việc anh tỏ ra khao khát Chúa, tìm kiếm Chúa và muốn đến với Chúa, nhất là trong lúc anh bị cám dỗ mà vẫn không bỏ lại càng chứng tỏ cái thực tình thành tâm của anh, chắc chắn Chúa sẽ làm cho anh được mãn nguyện. Nguyên việc anh còn trung thành cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng cho tới nay cũng là ơn Chúa ban cho anh…

 

Tôi chưa nói hết lời thì anh tiết lộ thêm về chước cám dỗ anh chịu đựng càng ngày càng kinh khủng là chừng nào. Anh nói, trước đây, nhìn một người nữ, anh chỉ bị thu hút bởi nhan sắc của họ mà thôi; nhưng gần đây, nhìn họ, anh còn thấy được tất cả thân xác của họ nữa. Lần này, càng thông cảm với anh, tôi cảm thấy cần phải nâng đỡ tâm hồn nửa đêm về sáng này bằng một dụ ngôn của Chúa Giêsu, rất thích hợp với tình trạng tâm hồn của anh, đó là dụ ngôn thần ô uế xuất nhập tâm hồn con người ta (xem Lk 11:24-26). Tôi nói với người khách cuối cùng đã tâm sự với tôi hơn nửa tiếng này rằng:

 

-  Ma quỉ không dễ dàng buông tha con mồi của mình đâu. Tâm trạng của anh làm tôi nhớ đến dụ ngôn Chúa Giêsu nói về tình trạng thần ô uế ra khỏi con người kia, nó đi lang thang trong hoang địa, không tìm được chỗ của mình, nó liền quay về với con người hắn đã bỏ đi ấy, thấy ngôi nhà tượng trưng cho tâm hồn của con người ấy đã đuợc dọn dẹp gọn ghẽ và sạch sẽ, nó liền đi rủ thêm 7 tên quỉ khác còn dữ hơn nó về ngôi nhà ấy và làm cho ngôi nhà ấy trở thành tệ hơn trước nữa. Tâm hồn của anh hiện nay cũng thế, tôi nghĩ, anh càng khao khát Chúa, càng dọn dẹp tâm hồn của anh cho gọn ghẽ và sạch sẽ, bằng cách xa lìa chúng và sống đạo đức hơn, thì thần ô uế là các tính mê nết xấu trước đây của anh lại càng lộ mặt và vùng vẫy, nếu anh mạnh tay thì cái vùng vẫy của chúng sẽ là cử chỉ giẫy chết,  bằng không, nếu anh hoảng sợ bỏ chạy thì cái vùng vẫy đó là một cuộc cách mạng vô cùng nguy hiểm và sẽ làm cho tâm hồn của anh trở nên tệ hại hơn trước nữa, đúng như lời Chúa Giêsu khẳng định. Có tâm hồn ở vào trường hợp như anh còn bị cám dỗ cả về đức trong sạch với chính Đức Mẹ nữa kìa…

 

-  Đúng thế, (người khách cuối cùng vào lúc nửa đêm về sáng của tôi ấy chặn lời tôi). Có một lần em lau chùi tượng ảnh Đức Mẹ, em đã bị cám dỗ như thế, đến nỗi em không dám rước lễ nữa.

 

-  Dầu sao đó cũng chỉ là chước cám dỗ thôi chứ chưa phải là tội lỗi. Nếu anh cương quyết chống trả, anh chẳng những không phạm tội mà còn lập công nữa là đằng khác. Cứ bám lấy Đức Mẹ. Trong bữa tiệc cưới Cana, đôi tân hôn và chủ tiệc không hề biết mình rơi vào tình trạng thiếu rượu, thế mà, Mẹ cũng đã tự động giải quyết tất cả mọi sự cho họ cách tốt đẹp. Nếu chỉ cần có sự hiện diện của Mẹ thì Mẹ sẽ làm việc của Mẹ như thế, thì việc chúng ta chạy đến kêu cầu Mẹ, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta được thoát khỏi chước cám dỗ và sống đẹp lòng Chúa, chẳng nhẽ Mẹ lại bỏ rơi chúng ta hay sao?

 

-  Rất tiếc không có nhiều giờ tâm sự với anh, (vừa nói anh ta vừa giơ tay ra bắt lấy tay tôi một cách thân tình), bằng không chúng ta sẽ nói chuyện thâu đêm tới sáng. Thật là một cuộc chia sẻ rất hay và hữu ích…

 

Tôi nói với người khách cuối cùng có tâm hồn nữa đêm về sáng này rằng nếu sau này có cần liên lạc với nhau thì cứ theo địa chỉ email ở trong hai bộ CD do chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống phát hành mà anh đã mua. Nhưng anh đã cho biết cả 4 tháng nay anh đã không xem TV và vào Internet. Thì ra, theo tôi, để chống trả với chước cám dỗ về tình dục, tâm hồn nửa đêm về sáng của người khách cuối cùng này đã từ bỏ cả những phương tiện truyền thông hiện đại nhất… Anh quả thực đã thực hiện đúng như lời Chúa Giêsu khuyên dạy: “Nếu mắt phải của các con gây rắc rối cho các con thì hãy móc nó đi! Thà mất một phần thể còn hơn đầy đủ mà lại bị quẳng vào hỏa ngục” (Mt 5:29).

 

Khi người khách cuối cùng này đã rời quán kỷ vật của Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống của chúng tôi lúc đồng hồ chỉ 1 giờ sáng Chúa Nhật 7/8/2005, ngày Giáo Hội long trọng cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô hằng tuần. Xin cùng với Mẹ Maria “ngợi khen” Chúa đã làm những việc lạ lùng nơi các tâm hồn (xem Lk 1:46,49), như Ngài đã đưa tâm hồn của người khách nửa đêm về sáng của tôi trong Ngày Thánh Mẫu 2005 “đi từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng” (1Pt. 2:9).

 

 

TOP

 

 

? Giọt Lệ Thống Hối.

 

Linh Mục Anphong Trần Đức Phương 

 

Cách đây ít lâu tôi có dịp đến giúp tỉnh tâm mùa chay cho một nhóm các bạn trẻ. Sau các sinh hoạt đạo đức suốt ngày Thứ Bảy, vào lúc 7:00 tối, chúng tôi cùng họp mặt tại Nhà Thờ để làm giờ Thống hối và lãnh Bí Tích Hoà Giải. Tôi và các bạn trẻ cùng lên các hàng ghế đầu về cùng một bên. Mỗi người không mang theo tài liệu, sách hát gì cả. Trong giờ thống hối, có xen kẻ các kinh cầu nguyện và các bản thánh ca; nhưng tôi sẽ dùng các kinh nguyện và các bản thánh ca mà mọi người đều đã thuộc lòng. Tôi sẽ xướng đầu các bài kinh, bài hát. Chúng tôi đồng ý làm như vậy để mỗi người chỉ lo chú tâm vào chính tâm hồn mình, không lo phải đánh nhịp, không lo phải mở sách, xướng trang … Chúng tôi cũng không mở “nhạc nhẹ” khi mỗi người im lặng suy tư về đời mình trước mặt Chúa (xét mình) và tuần tự đến các tòa Hoà Giải có các Cha đã ngồi sẳn.

 

Trong “giờ thống hối” tôi nhắc nhở và giúp các bạn suy tư về cuộc đời mình trong liên hệ với Chuá, với mọi người trong cuộc sống thường ngày (trong gia đình, sở làm, trường học, đoàn thể, bạn bè…); những gì mình đã xúc phạm đến Chúa, đến những người chung quanh; những thiếu sót trong bổn phận (ở gia đình, sở làm, đoàn thể…). Kết thúc “giờ thống hối”, trước khi đến tòa Hoà Giải, mọi người cùng qùy gối với tôi và đọc chung kinh Cáo Mình, kinh Ăn Năn Tội một cách thật thong thả; vừa đọc vừa lắng động tâm hồn mình với lời kinh và với tất cả tấm lòng thành thực thống hối những lỗi lầm, những thiếu sót trong cả cuộc đời mình cho đến giờ phút nầy. Rồi tiếp tục quỳ gối, chúng tôi cùng hát bài “Giọt Lệ Thống Hối” (cùa Tâm Bảo): “Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con…”. Trong thinh lặng của một đêm đông lạnh giá, những tiếng hát thoát ra từ những tâm hồn thành thật sám hối đã làm cho tâm hồn chúng tôi thực sự xúc động và âm vang mãi trong cả cuội đời.

 

Vào chiều hôm đó, trước giờ cầu nguyện sám hối, chúng tôi đã họp mặt tại Hội trường nhà thờ để học hỏi về Bí Tích Hòa Giải. Nhiều câu hỏi đã được nêu lên: Tôi chẳng có tội gì, lảm sao tôi xưng tội? Tôi xưng tội thẳng với Chúa, cần gì qua con người? Thế nào là tội nặng, tội nhẹ? Tôi chỉ ‘xưng tội chung’ đủ rồi… Quỳ hay ngồi khi xưng tội? .v.v… Sau phần thảo luận, chúng tôi đã đi đến những nhận định như sau:

                                                                                               

Trong Bí Tích Hoà Giải (mà chúng ta thường gọi là Bí Tích Giải Tội), chúng ta đến với Chúa, qua vị đại diện của Chúa, để thành thực trình bày cuộc đời mình với những lỗi lầm thiếu sót, thành thực ăn năn, xin ơn tha thứ và ‘làm hòa’ với Chúa và với tha nhân; rồi xin ơn Chúa giúp chúng ta làm ‘mới lại’ (renew) con người chúng ta mà Chúa đã dựng nên ‘theo hình ảnh Chúa’ và đã được tẩy rửa ‘nguyên tội’ qua Bí Tích Thánh Tẩy; để rồi ‘sống lại’ một cuộc sống tốt đẹp hơn trong liên hệ với Chúa và anh chị em trong cuộc sống hàng ngày; tích cực hơn trong việc yêu thương phục vụ mọi người với tâm hồn khiêm tốn, hòa hợp.

 

Trong kinh ‘Vinh Danh’ chúng ta thường đọc (hoặc hát) có câu “Chỉ có Chúa là Đấng Thánh” . Trước sự Thánh thiện của Chúa con người khiêm tốn sẽ cảm thấy mình vẫn là “kẻ tội lỗi” cần được ơn thánh hóa của Chúa. Tổ phụ Adong, Eva sau khi “ăn trái cấm” đã “cảm thấy mình trần trụi đáng xấu hổ và tìm cách xa lánh Chúa!…”(Kn 3,7…) Thánh Phêrô, sau mẽ lưới kỳ diệu, đã sấp mình dưới chân Chúa và thưa với Chúa “Lạy Chúa xin xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi!..” (Luca 5,8), Thánh Gioan viết “Ai nói mình là không có tội thì tự lừa dối mình!…” (Gioan 1, 8…). Đọc tiểu sử các vị thánh, chúng ta thấy các Ngài vẫn năng xưng tội. Có  người đã hỏi Mẹ Têrêsa thành Calcuta: Thưa Mẹ, Mẹ tốt lành, thánh thiện quá…Mẹ đâu cần ‘ xưng tội’. Mẹ trả lời: “Tôi vẫn  xưng tội hàng tuần!…”. Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các Linh Mục, tu sĩ đều vẫn ‘đi xưng tội’, thường khi hang tuần, hoặc trong các dịp tỉnh tâm hàng tháng…Nhất là trong  ‘Mùa Chay’, ‘Mùa Vọng’.

 

Nhưng thế nào là ‘tội’?. ‘Tội’ thường được coi như cố ý làm một điều gì trái với lương tâm của mình. Một em nhỏ khi lấy cắp một chiếc kẹo mà bị bắt gặp, em tự thấy xấu hổ, đỏ mặt…Đó là một hình thức cảm thấy mình ‘có tội’ trái với lương tâm. Chúa đã “dựng nên  con ngừơi  theo ‘hình ảnh’ Chúa’ ( ST. 1, 27). Mọi ngừơi  đầy đủ lý trí đều có ‘lương tâm’ nhận ra  điều tốt, điều xấu, điều phải,  điều trái.  Tuy nhiên ‘lương tâm’ có thể bị lầm lạc vì chủ quan hay vì đã quen thói trong tội lỗi nào đó; vì thế cần những ‘giới răn’ (Mười Giới Răn Chúa; Sáu điều răn Hội Thánh…) để hướng dẫn cụ thể.  Hơn nữa,  không thể cân đo “tội” để xác định rõ ràng ‘tội nặng’ bao nhiêu! ‘tội nhẹ’ thế nào! Chính lương tâm của chúng ta sẽ nhận thấy điều đó trước mặt Chúa và khi chúng ta đến trình bày với Chúa qua vị đại diện Hội Thánh trong Tòa Hoà Giải. Hơn nữa ‘tội’ không phải chỉ là những điều sai trái mình đã làm; nhưng còn là những điều mình không làm đầy đủ theo bổn phận mà chúng ta vẫn gọi là ‘các điều thiếu sót’.

                                                                                      

Tôi có thể ‘xưng tội’ thẳng với Chúa và xin Chúa thứ tha, cần gì phải qua một con người! Chỉ có Chúa mới có quyền tha tội. Nhưng Chúa đã ban quyền ‘tha tội’ cho Giáo Hội qua Thánh Phêrô và các Tông Đồ (Mt 16, 19 và 18, 18). Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường dùng con người (như các Tiên Tri trong Cựu Ước, chẳng hạn) để đem ơn tha thứ cho con người. Trong câu chuyện ‘Thánh Phaolô được ơn trở lại’, chính Chúa đã sai ông Anania đi  để đặt tay trên Phaolô (lúc đó có tên là Saolô) để ông được ơn tha thứ, “được nhìn thấy lại và được đầy Chúa Thánh Thần!” (Cv.9,3…)

 

Tôi có thể đi ‘xưng tội chung’ được rồi! Theo Giáo Luật (điều 961) có thể ban phép ‘xá giải chung’ khi thật cần thiết vì các trường hợp khẩn cấp mà không đủ thời giờ để giải tội cá nhân hoặc phải giải tội cho quá đông người   trong các dịp Đại Lễ  mà không có nhiều vị giải tội…Tuy nhiên việc xưng tội cá nhân vẫn là điều thông thường và cần thiết để giúp hối nhân dể dàng cảm nghiệm được đầy đủ hơn những hiệu quả tốt đẹp của ơn tha thứ tội lỗi, ‘trở về với Chúa và Giáo Hội’ qua Bí Tích Hoà Giải, đựơc hứơng dẫn cụ thể để  xa tránh dịp tội và sửa đổi cuộc sống nên tốt đẹp hơn.

 

Ngày  nay trong các Tòa Giải Tội, thường vẫn có bàn quỳ và ghế ngồi để tùy ai muốn qùy hoặc ngồi khi xưng tội. Tuy nhiên, có nhiều người thích qùy gối. Đó cũng là một hình thức giúp chúng ta dễ hạ mình để thống hối tội lỗi. Chúng ta nhớ chuyện Cha Charles de Foucauld (1858-1916)  khi đang là sĩ quan trong quân đội Pháp, và đang sống một cuộc sống gần như đã ‘mất đức tin’. Có lần khi trở về nghỉ ở Pháp, Ngài đến Nhà Thờ Xứ nơi Ngài trước đã từng là chú giúp lễ, chỉ cốt để nhớ lại các kỷ niệm xa xưa… Vô tình Ngài gặp lại Cha Sở mà  lúc còn nhỏ Ngài đã từng giúp lễ , đang ở trong nhà thờ. Trong câu chuyện trao đổi, Cha Sở cảm thấy anh chàng sĩ quan trẻ tuổi này cần được ơn hối cải… Cha bảo Charles de Foucauld : “Con cần xưng tội và ăn năn hối cải…”. Nhưng Charles de Foucauld nhất định từ chối và nói mình không còn  tin tưởng gì cả. Được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Cha Sở nói: “Con cứ quỳ xuống!…” Và chàng sĩ quan cứng đầu đó đã tự nhiên quỳ xuống như theo một mệnh lệnh của sĩ quan cấp trên… Chính lúc quỳ xuống  đó, chàng được ơn Chúa tác động mạnh mẽ và kể lại tất cả cuộc đời ‘sa ngã’ của mình; sau đó  được lãnh nhận ơn hòa giải và biến đổi cả một cuộc đời; trở nên một linh mục, sống cuộc đời truyền giáo khổ hạnh trong sa mạc Sahara. Khi qua đời đã để lại cả một di sản tuyệt vời cho Giáo Hội và Thế giới qua Hội dòng “Tiểu Đệ” và “Tiểu Muội”.

 

Bí Tích Hòa Giải (trong cuốn Giáo Luật gọi  là Bí Tích Thống Hối) là Bí Tích huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa ban cho con người,  những người dễ sa ngã phạm tội : “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính; nhưng để kêu gọi người tội lỗi!” (Mat 9, 13). Chúa đã chết để chuộc tội cho mọi người chúng ta là những con người yếu đuối, dể sa ngã phạm tội. Càng yếu đuối, dể sa ngã, chúng ta càng cần đến với Chúa để xin ơn tha thứ và ơn thánh hoá: “Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần!” (Mat  9, 12).

 

Mỗi lần Mùa Chay  đến là dịp để chúng ta ý thức rỏ hơn “mình chỉ là cát bụi, và sẽ trở về cát bụi!”. Nhưng ‘cát bụi’ đó đã được Chúa dựng nên thành “con người theo hình   ảnh Chúa”, có thể xác và cũng có linh hồn. “Linh hồn thì mạnh mẽ, nhưng  thể xác thì nặng nề!...” ( Mat. 26, 41). Vì mang thân xác yếu hèn nên chúng ta luôn luôn bị cám dỗ (Chúa nhật I Mùa Chay). “Hãy ăn năn xám hối, từ bỏ tội lổi  và sống theo Tin Mừng mà Chúa đã rao giảng!” (Thứ Tư Lễ Tro). Hãy can đảm đứng lên, từ bỏ chốn tội lỗi (dịp tội), “trở về nhà Cha và xin ơn Tha thứ” (Chúa Nhật IV mùa Chay, C). Hãy đền bù các lỗi lầm, các tội phạm bằng các hy sinh hãm mình, bằng các công việc từ thiện bác ái (Mat 25, 31…) và hát lên lời ca Mừng vui! Cảm tạ! Alleluia! Vì Chúa đã sống lại và chúng ta cũng được sống lại với Chúa! Alleluia!

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ