GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 19/3/2007 TUẦN IV MÙA CHAY |
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Chay 11/3/2007 về Thánh Thể
? Thánh Giuse: Vị Quan Thày Lao Động và “Linh Đạo làm việc”
? “Thánh Bộ quyết định phổ biến Bản Thông Báo này, để cống hiến cho tín hữu ... có thể phán đoán những khẳng định được chứa đựng trong những cuốn sách ấy hay trong các ấn bản khác của tác giả này”.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Chay 11/3/2007 về Thánh Thể
Anh Chị Em thân mến!
Tôi vừa trở về từ Trung Tâm Giam Giữ Thanh Thiếu Niên ở Casal di Marmo Rôma. Tôi đến đó để viếng thăm vào Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay này, một Chúa Nhật được gọi theo tiếng Latinh là ‘Laetare’ (hân hoan), một tiếng được trích từ lời đầu tiên của ca nhập lễ cho phụng vụ Thánh Lễ hôm nay.
Hôm nay, phụng vụ mời gọi chúng ta hãy hân hoan vì Phục Sinh gần tới, ngày Chúa Kitô vinh thắng trên tội lỗi và sự chết. Thế nhưng chúng ta tìm thấy nguồn vui Kitô Giáo ở đâu nếu không phải ở Thánh Thể được Chúa Kitô để lại cho chúng ta như lương thực thiêng liêng trong khi chúng ta đang lữ hành trên thế gian này? Ở mọi thời đại Thánh Thể nuôi dưỡng niềm vui sâu xa ấy nơi tín hữu là niềm vui làm cho tất cả chúng ta trở thành duy nhất trong yêu thương và an bình. Niềm vui này bắt nguồn từ việc chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với anh chị em của chúng ta.
Hôm Thứ Ba vừa rồi, bức tông huấn hậu thượng nghị giám mục thế giới là tông huấn ‘Bí Tích Yêu Thương’ được ra mắt. Bản văn kiện này lấy đề tài Thánh Thể là nguồn mạch và là tuyệt đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Tôi đã diễn giải đề tài này, thu góp các hoa trái của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới lần thứ 11 đã diễn ra ở Vatican vào Tháng 10/2005.
Tôi có dự định trở lại với bản văn quan trọng này, thế nhưng, vào lúc này đây tôi muốn nhấn mạnh rằng nó là việc bày tỏ niềm tin tưởng của Giáo Hội vào mầu nhiệm thánh thể, và nó tiếp tục chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II cũng như giáo huấn của các vị tiền nhiệm tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II.
Nơi bản văn kiện này, trong nhiều điều khác, tôi muốn đề cao mối liên hệ của nó với bức thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’: Đó là lý do tại sao tôi đã chọn tên gọi cho nó là ‘Bí Tích Yêu Thương’, trích lại định nghĩa tuyệt vời của Thánh Tôma về Thánh Thể (cf. Summa Theologiae III, q. 73, a. 3, ad 3) là ‘bí tích yêu thương’.
Phải, nơi Thánh Thể, Chúa Kitô muốn ban cho chúng ta tình yêu của Người, một tình yêu dẫn Người đến chỗ hiến mạng sống mình vì chúng ta trên thập giá.
Trong bữa Tiệc Ly, khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta giới luật yêu thương: ‘Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã thương yêu các con’ (Jn 13:34). Thế nhưng, vì điều này chỉ có thể xẩy ra chỉ bao lâu chúng ta vẫn liên kết với Người, như ngành nho (Jn 15:1-8), Người đã chọn ở với chúng ta trong Thánh Thể, và điều này là những gì làm cho chúng ta có thể ở lại trong Người.
Bởi thế, khi chúng ta tin tưởng nuôi dưỡng mình bằng Mình Máu của Người, thì tình yêu của Người chuyển vào chúng ta và làm cho chúng ta có thể hiến cuộc đời của mình cho anh chị em (x 1Jn 3:16). Từ đó xuất phát ra niềm vui Kitô Giáo, niềm vui yêu thương.
‘Người nữ Thánh Thể’ trên hết là Mẹ Maria, một kiệt tác của ân sủng thần linh, ở chỗ, tình yêu của Thiên Chúa đã làm cho Mẹ nên vô nhiễm tội, và sống ‘trước nhan Ngài trong đức ái’ (Eph 1:4). Thiên Chúa đã đặt Thánh Giuse – vị chúng ta sẽ long trọng cử hành thánh lễ vào ngày mai – bên Mẹ, để hướng dẫn Đấng Cứu Thế.
Tôi đặc biệt cầu cùng vị đại thánh này để nhờ tin tưởng, cử hành, vàtin tưởng sống mầu nhiệm Thánh Thể, dân Chúa sẽ được thấm nhiễm tình yêu Chúa Kitô và sẽ làm lan truyền hoa trái hân hoan và an bình cho toàn thể nhân loại.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/3/2007
Thánh Giuse: Vị Quan Thày Lao Động và “Linh Đạo làm việc”
ĐTC Gioan Phaolô II: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 19/3/2003
Hôm nay Thứ Tư, 19/3/2003, Lễ Thánh Giuse, Quan Thày của Giáo Hội, Giáo Hội cử hành theo bậc Lễ Trọng (solemnity) nhưng không buộc, nhưng vẫn hơn cả bậc lễ Kính (feast) của từng Thánh Tông Đồ, trừ Lễ Trọng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô vào ngày 29/6 hằng năm. Ngày Thứ Tư hằng tuần cũng là ngày Đức Giáo Hoàng tiếp chung mọi người thường để dạy giáo lý. Tuy nhiên, vì tình hình quốc tế, như tuần trước, hay vì các dịp đặc biệt, như đi tông du về hay trùng vào Thứ Tư Lễ Tro cách đây hai tuần hay vào dịp lễ Thánh Giuse hôm nay, Ngài thường tạm ngưng loạt bài chủ đề giáo lý, như loạt bài giáo lý Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh (đã tới bài 68), để chia sẻ và huấn dụ tùy nghi. Trong bài huấn từ cho buổi triều kiến chung hôm nay, ĐTC đã nói về “linh đạo làm việc”.
1. Hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng kính Thánh Giuse, vị hôn phu của Mẹ Maria (x Mt 1:24; Lk 1:27). Phụng vụ diễn tả Ngài là “cha” của Chúa Giêsu (x Lk 2:27,33,41,43,48), sẵn lòng thực thi các dự án thần linh, ngay cả khi những dự án này vượt quá tầm mức hiểu biết loài người. Nơi “người con Vua Đavít” (Mt 1:20; Lk 1:27) này, Sách Thánh được nên trọn và Lời Hằng Sống đã làm người, bởi quyền năng Thánh Linh, trong cung lòng của Trinh Nữ Maria. Thánh Giuse được Phúc Âm diễn tả như là “một con người công chính” (Mt 1:19), và Ngài là mẫu gương sống đức tin cho tất cả mọi tín hữu.
2. Chữ “công chính” nói lên tính cách cương trực về luân lý của Ngài, việc Ngài chân thành gắn bó với việc thực hành lề luật cũng như thái độ hoàn toàn cởi mở trước ý muốn của Cha trên trời. Ngay cả trong những lúc khó khăn, vào những lúc thảm cảnh, người thợ mộc khiêm hạ thành Nazarét này cũng không bao giờ chiếm cho mình thứ quyền thách đố dự án của Thiên Chúa. Ngài chờ đợi tiếng gọi từ trên cao và âm thầm tôn kính mầu nhiệm ấy, bằng cách để cho Chúa hướng dẫn. Một khi lãnh nhận công việc, Ngài thi hành với tất cả trách nhiệm thành tín: Ngài chuyên chú lắng nghe thiên thần khi được yêu cầu nhận Trinh Nữ Nazarét làm hiền thể của Ngài (x Mt 1:18-25), trong cuộc trốn sang Ai Cập (x Mt 2:13-15) cũng như trong cuộc trở về Do Thái (x Ibid 2:19-23). Qua một số giòng chữ, tuy ít nhưng quan trọng, các vị thánh ký đã cho thấy Ngài như là một vị bảo quản ân cần của Chúa Giêsu, một phu quân lưu tâm và trung tín, vị thi hành quyền bính của mình trong gia đình bằng một thái độ phục vụ liên lỉ. Sách Thánh không nói cho chúng ta biết hơn nữa về Ngài, nhưng trong cái câm nín này đã gói ghém chính kiểu cách sứ vụ của Ngài, đó là một cuộc hiện hữu được sống động trong âm thầm của cuộc sống hằng ngày, nhưng bằng một đức tin vững chắc vào Đấng Quan Phòng.
3. Hằng ngày Thánh Giuse phải cung ứng các nhu cầu của gia đình bằng việc làm chân tay khó nhọc của Ngài. Vì lý do này, Giáo Hội đã có lý để đặt Ngài là quan thày của thành phần lao động.
Bởi thế, lễ trọng hôm này cũng là một cơ hội rất thuận lợi để suy nghĩ về tầm quan trọng của việc làm trong đời sống con người, nơi gia đình cũng như ngoài cộng đồng.
Con người là chủ thể và là vai chính của việc làm, và theo chiều hướng của sự thật này, người ta có thể dễ dàng nhận thức được cái liên hệ trọng yếu hiện hữu giữa con người, việc làm và xã hội. Hoạt động của con người, theo Công Đồng Chung Vaticanô II, được phát xuất từ con người và qui hướng về con người. Theo ấn định và ý muốn của Thiên Chúa, nó phải phục vụ thiện ích thực sự của nhân loại và giúp cho “con người, là một cá nhân cũng như là một phần tử của xã hội, có thể vun trồng và thực thi ơn gọi toàn diện của mình” (x Vui Mừng Và Hy Vọng, 35).
Để làm trọn công việc này, cần phải vun trồng “một linh đạo thực sự của việc làm nhân bản” được sâu xa bắt nguồn từ “Phúc Âm làm việc”, và là một linh đạo các tín hữu được kêu gọi để loan truyền và làm chứng cho ý nghĩa việc làm theo Kitô Giáo trong các hoạt động nghề nghiệp khác nhau của họ (x Thông Điệp Laborens Exercens, 26).
4. Chớ gì Thánh Giuse, một vị thánh cao cả và khiêm hạ, trở thành một mẫu gương khiến thành phần lao động Kitô hữu noi theo bắt chước, kêu cầu Ngài trong hết mọi hoàn cảnh. Hôm nay đây, Tôi xin ký thác cho vị bảo quản ân cần Thánh Gia Nazarét này giới trẻ, thành phần đang sửa soạn cho một tương lai nghề nghiệp, thành phần thất nghiệp và những ai đang phải chịu khốn khó vì thiếu nghề nghiệp, các gia đình và toàn thế giới của việc làm cùng với những mong đợi và thách đố, những trục trặc và chiều kích của nó.
Xin Thánh Giuse, quan thầy chung của Giáo Hội, trông coi toàn thể cộng đồng giáo hội, và như một con người thực sự của hòa bình, cầu cho toàn thể nhân loại, nhất là cho những người đang bị đe dọa trong thời gian chiến tranh này đây, tặng ân thái hòa và bình an cao quí.
Anh Chị Em thân mến,
Thánh Giuse là vị chúng ta long trọng mừng lễ hôm nay đây, là gương mẫu sống đức tin. Là vị bảo vệ Thánh Gia, “con người công chính” (Mt 1:19) này là một con người lao động khiêm tốn, và là một phu quân và thân phụ trung thành. Đời sống của Ngài cho chúng ta thấy một lòng tin tưởng bất khả chuyên thay vào Đấng Quan Phòng thần linh.
Thánh Giuse sẵn sàng thực hiện dự án của Thiên Chúa giành cho Ngài cũng như cho Mẹ Maria, ngay cả khi dự án này dường như vượt trên mức độ hiểu biết của loài người.
Giáo Hội cũng cử hành mừng Thánh Giuse là Quan Thày của Thành Phần Lao Động nữa. Trong một thế giới toàn cầu hóa hôm nay đây chúng ta cần phải nhắc nhở mình là phẩm vị của con người phải đóng vai trò quan trọng chính yếu nơi tất cả mọi thứ phát triển về xã hội cũng như kinh tế. Là một con người của hòa bình, chúng ta hãy cầu với Thánh Giuse cho những ai đang bị de dọa bởi chiến tranh và chúng ta kêu cầu tặng ân thái hòa cao quí cho toàn thể gia đình nhân loại.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 19/3/2003.
“Thánh Bộ quyết định phổ biến Bản Thông Báo này, để cống hiến cho tín hữu một qui chuẩn an toàn là những gì được xây dựng trên tín lý của Giáo Hội, nhờ đó họ có thể phán đoán những khẳng định được chứa đựng trong những cuốn sách ấy hay trong các ấn bản khác của tác giả này”.
Thông Báo của Tòa Thánh về các tác phẩm của linh mục Jon Sobrino
Sáng Thứ Tư, 14/3/2007, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã phổ biến một Thông Báo liên quan tới một số tác phẩm của linh mục Jon Sobrino, S.J. Theo bản thông báo này, một bản thông báo được viết bằng các ngôn ngữ khác nhau, trong đó có Anh ngữ, thì những tác phẩm ấy ‘chứa đựng những đề xuất sai lầm hay nguy hại và có thể gây hại cho tín hữu’.
Bản Thông Báo tiếp tục: “Cha Sobrino bày tỏ mối bận tâm đối với thành phần nghèo khổ và bị áp bức, nhất là ở Mỹ Châu Latinh. Mối bận tâm này chắc chắn cũng là mối bận tâm của toàn thể Giáo Hội”.
“Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin , trong Bản Hướng Dẫn của mình về sự tự do và việc giải phóng của Kitô Giáo ‘Libertatis conscientia’ đã xác nhận là ‘nỗi khốn khổ của con người đã là những gì lôi kéo lòng cảm thương của Chúa Kitô Cứu Thế trong việc đích thân sống thân phận này và đồng hóa mình với thành phần hèn mọn nhất trong những người an hem của Người’, cũng như xác nhận là ‘việc ưu tiên chọn người nghèo, chẳng những không phải là một dấu hiệu thuộc chủ nghĩa riêng biệt hay chủ nghĩa bè phái, mà còn cho thấy tính cách đại đồng nơi việc hiện hữu và sứ vụ của Giáo Hội. Việc chọn lựa này không loại trừ một ai. Đó là lý do tại sao Giáo Hội không thể thể hiện việc chọn lựa này bằng những thứ phân loại giảm thiểu về xã hội học và ý hệ học, những gì làm cho việc ưu tiên này trở thành một chọn lựa bè phái và thành một nguồn mạch xung đột’.
“Trước đây, cũng Thánh Bộ này, trong Bản Hướng Dẫn của mình về một số khía cạnh thần học giải phóng, ‘Libertatis nuntius’, đã nhận định rằng những cảnh giác về khuynh hướng thần học này, được chất chứa nơi bản văn kiện ấy, không thể được hiểu như là một thứ trách móc những ai muốn trung thành với ‘việc ưu tiên chọn lựa người nghèo’, hay trở thành một cớ cho những ai tiếp tục tỏ ra dửng dưng lạnh lùng trước những vấn đề trầm trọng của tình trạng khốn khổ vá bất công của con người.
“Những trích dẫn rõ ràng cho thấy chủ trương của Giáo Hội liên quan tới vấn đề phức tạp này, đó là vấn đề ‘những thứ bất công và đàn áp xấu xa đủ thứ đang hành hạ bao nhiêu triệu con người nam nữ ngày nay là những gì công khai nghịch lại với Phúc Âm của Chúa Kitô và không thể để cho lương tâm của bất cứ một Kitô hữu nào dửng dưng lạnh lùng.
“Giáo Hội, theo tinh thần dễ dạy của mình đối với Thần Linh, tiếp tục tiến bước trung thành theo những con đường giải phóng chân thực. Các phần tử của Giáo Hội ý thức về những thiếu sót của mình và những trì trệ của mình đối với việc tìm cầu giải phóng ấy. Thế nhưng, một số lớn Kitô hữu, từ thời các Tông Đồ trở đi, đã từng dấn thân sử dụng khả năng và đời sống của mình cho việc giải phóng khỏi hết mọi hình thức áp bức và cổ võ phẩm giá con người. Kinh nghiệm của các thánh nhân và gương mẫu của rất nhiều hoạt động phục vụ tha nhân là niềm phấn khởi và ngọn hải đăng cho c ác việc giải phóng cần thiết ngày nay’”.
Sau phần trình bày những nguyên tắc và chủ trương giải phóng của mình căn cứ vào các văn kiện trước đây, Bản Thông Báo của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin tiến tới chỗ khẳng định rằng:
“Sau cuộc xem xét sơ khởi về các cuốn sách 'Jesucristo liberador. Lectura histórico-teológica de Jesús de Nazaret’ (Chúa Giêsu Vị Giải Phóng) và ‘La fe en Jesucristo. Ensayo desde las victimas’ (Đức Kitô Vị Giải Phóng) của Cha Jon Sobrino, S. J., Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vì thấy một số những mờ hồ thiếu chính xác và sai lầm trong những cuốn sách này, đã quyết định tiến hành một cuộc tìm hiểu thấu đáo những cuốn sách ấy vào tháng 10/2001. Vì những cuốn sách này được phổ biến rộng rãi và được sử dụng trong các chủng viện cũng như trong các trung tâm học hỏi khác, nhất là ở Mỹ Châu Latinh, mới có quyết định sử dụng ‘việc khảo sát khẩn trương’ được qui định trong các khoản 23-27 của ‘Agendi Ratio in Doctrinarum Examine’.
“Kết quả của việc xem xét này, vào tháng 7/2004, một bản liệt kê những tư tưởng sai lầm hay nguy hiểm, trong các cuốn sách được đề cập tới trên đây, được gửi đến cho tác giả qua Cha Peter Hans Kolvenbach, SJ, Tổng Bề Trên Dòng Chúa Giêsu.
“Vào Tháng 3 năm 2005, Cha Jon Sobrino đã gửi một ‘Hồi Đáp cho bản văn của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin’ cho Thánh Bộ này. Bản hồi đáp này đã được xem xét trong Khóa Họp Thường Lệ của Thánh Bộ này ngày 23/11/2005. Thánh Bộ đã nhận thấy rằng, mặc dù tác giả đã điều chỉnh tư tưởng của mình một cách nào đó ở một số điểm, bản hồi đáp vẫn không thỏa đáng, vì, tự bản chất, những sai lầm được trưng dẫn trong bản liệt kê các tư tưởng sai lầm vẫn còn trong bản liệt kê ấy”.
“Vì lý do này, Thánh Bộ quyết định phổ biến Bản Thông Báo này, để cống hiến cho tín hữu một qui chuẩn an toàn là những gì được xây dựng trên tín lý của Giáo Hội, nhờ đó họ có thể phán đoán những khẳng định được chứa đựng trong những cuốn sách ấy hay trong các ấn bản khác của tác giả này”.
“Thánh Bộ đây không có ý phán đoán những ý hướng chủ quan của tác giả, nhưng có nhiệm vụ kêu gọi chú ý đến một số những tư tưởng không hợp với tín lý của Giáo Hội. Những tư tưởng này liên quan tới: (1) những giả định phương pháp học được tác giả sử dụng để thực hiện việc chia sẻ thần học của mình, (2) Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô, (3) Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, (4) mối liên hệ giữa Chúa Giêsu Kitô và Vương Quốc của Thiên Chúa, (5) Việc Tự thức của Chúa Giêsu, và (6) giá trị cứu độ nơi Cái Chết của Người.
“Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong buổi triều kiến giành cho ĐHY Tổng Trưởng ngày 13/10/2006, đã phê chuẩn Bản Thông Báo này, bản thông báo được chấp thuẩn trong Khóa Họp Thường Lệ của Thánh Bộ này, và được truyền phải phổ biến nó ra”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 14/3/2007