GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 5/3/2007 TUẦN II MÙA CHAY |
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 4/3/2007 về Biến Cố Chúa Giêsu Biến Hình với Việc Cầu Nguyện của Người
? "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến
? Người Đã Có Lại Càng Được Thêm Dồi Dào
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 4/3/2007 về Biến Cố Chúa Giêsu Biến Hình với Việc Cầu Nguyện của Người
Anh Chị Em thân mến,
Vào Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay này, Thánh Ký Luca nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu lên núi “cầu nguyện” (9:28) cùng với các vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, và “khi Người đang nguyện cầu” (9:29) thì xẩy ra mầu nhiệm biến hình sáng láng của Người.
Đối với 3 vị tông đồ này thì việc lên núi cầu nguyện có nghĩa là được tham dự vào việc nguyện cầu của Chúa Giêsu, Đấng thường ẩn mình cầu nguyện, nhất là vào lúc rạng đông hay sau khi chiều xuống, và đôi khi suốt đêm. Tuy nhiên, chỉ duy vào dịp ấy, ở trên núi, Người muốn tỏ cho các người bạn hữu này của Người thấy được ánh sáng nội tâm bao chiếm Người khi Người cầu nguyện: Mặt Người – như chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm – dung nhan của Người được biến đổi và y phục của Người chói lọi, phản ánh quang ngôi vị thần linh của Lời Nhập Thể (x Lk 9:29).
Có một chi tiết khác trong trình thuật của Thánh Luca cũng đáng chú ý, đó là chi tiết về đối tượng nơi cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Moisen và Elia, những vị đã hiện ra với Người khi Người biến hình. Thánh Ký Luca thuật lại rằng các vị ấy “đã nói về cuộc ra đi (tiếng Hy Lạp là ‘exodos’), một cuộc ra đi mà Người cần phải hoàn thành ở Giêrusalem” (9:31).
Bởi thế, Chúa Giêsu nghe thấy Lề Luật và các tiên tri nói với Người về cái chết và cuộc phục sinh của Người. Trong cuộc trao đổi thân mật với Cha của mình, Người vẫn không xa rời lịch sử, Người vẫn không tẩu thoát khỏi sứ mệnh khiến Người vào thế gian, mặc dù Người biết rằng để đạt vinh quang Người sẽ phải trải qua thập giá. Ngoài ra, Chúa Kitô đã chấp nhận sứ vụ của Người một cách sâu xa hơn, liên kết tất cả bản thân Người với ý muốn của Cha, và Người tỏ cho chúng ta thấy rằng việc cầu nguyện đích thực thực sự là ở chỗ liên kết ý muốn của mình với ý muốn của Cha.
Do đó, đối với một người Kitô hữu, thì cầu nguyện không phải là xa tránh thực tại và những trách nhiệm kèm theo, mà là đảm trách chúng cho tới cùng, tin tưởng vào tình yêu thần hiệu và vô tận của Chúa. Đó là lý do, cái chứng cớ Biến Hình, ngược đời thay, là cái khổ não Vườn Nhiệt (x Lk 22:39-46). Khi cuộc khổ nạn sắp xẩy ra, Chúa Giêsu cảm thấy nỗi đau buồn đến chết được và Người phó mình cho ý muốn thần linh; váo lúc ấy, lời nguyện cầu của Người là bảo chứng cứu độ cho tất cả chúng ta. Thật vậy, Chúa Kitô van xin Cha trên trời là hãy “cứu lấy Người khỏi chết”, và, như tác giả của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái viết, “Người đã được nhận lời vì lòng kính sợ Chúa của Người” (5:7). Cuộc Phục Sinh là chứng cớ cho thấy Người đã được nhận lời.
Anh Chị Em thân mến: Cầu nguyện không phải là một điều gì đó phụ thuộc, nó không phải là những gì ‘tùy ý’, mà là một vấn đề sống chết. Chỉ có ai nguyện cầu, tức là những ai phó mình cho Thiên Chúa bằng tấm lòng yêu mến thảo hiếu, mới có thể tiến vào sự sống đời đời là chính Thiên Chúa. Trong mùa Chay này, chúng ta hãy cầu cùng Mẹ Maria, mẹ của Lời Nhập Thể và là thày dạy đời sống thiêng liêng, hãy dạy cho chúng ta biết cầu nguyện như Con Mẹ, nhờ đó, đời sống của chúng ta được ánh sáng hiện diện của Người biến đổi.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
4/3/2007
? "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến
ĐTC GPII: Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis” (ban hành Chúa Nhật I Mùa Chay 4/3/1979
)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, phân tích học hỏi
Chúa Kitô, Ngôi Con là một với Chúa Cha, là Đấng mạc khải dự án của Thiên Chúa cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là cho con người.
"Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc thế giới, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nên không có một danh hiệu nào khác ở dưới gầm trời này có thể cứu được chúng ta (x.Acts 4:12). Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô: 'Nơi Đức Kitô, chúng ta nhờ máu của Người mà được ơn cứu chuộc, được ơn tha thứ những lỗi phạm của mình, theo ân sủng dồi dào Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta. Vì Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta, bằng tất cả khôn ngoan và sáng suốt... mục đích của Ngài đã phác họa nơi Chúa Kitô một dự án cho thời điểm viên trọn, mục đích đó là hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất' (1:7-10). Vì thế, Chúa Kitô, Ngôi Con là một với Chúa Cha, là Đấng mạc khải dự án của Thiên Chúa cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là cho con người. Theo một câu đáng nhớ của Công Đồng Chung Vaticanô II thì Chúa Kitô 'hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của họ' (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 22). Người tỏ cho chúng ta ơn gọi này bằng việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha". (Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 4).
Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa của vũ trụ, cũng là Chúa của lịch sử, một lịch sử mà Người là 'Alpha và Omega' (Rev.1:8;21:6), là 'nguyên thủy và là cùng đích' (Rev.21:6). Nơi Người, Chúa Cha đã nói lên một lời thực sự về con người và về lịch sử của họ.
"Việc 'trở nên một người trong chúng ta' (hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng, đoạn 22) nơi phần của Con Thiên Chúa đã xẩy ra hết sức khiêm hèn, nên không lạ gì các sử gia đời, chỉ chú trọng vào những biến cố náo động và những nhân vật danh tiếng, đã lấy Người, cho dù có quan trọng, cũng chỉ là những viện dẫn (references) mà thôi. Những viện dẫn về Chúa Kitô được tìm thấy trong 'Các Truyện Cổ Về Dân Do Thái', một tác phẩm do sử gia Flavius Josephus tổng hợp ở Rôma vào giữa những năm 93 và 94, và nhất là trong 'Annals' của Tacitus, được viết vào giữa những năm 115 và 120, một tài liệu mà khi tường thuật lại vụ thành Rôma bị cháy năm 64, Nêrô đã tưởng lầm là do những người Kitô giáo làm, nhà viết sử đã tỏ tường dẫn chứng về Chúa Kitô 'bị hành xử theo lệnh của quan tổng trấn Phongxiô Philatô trong triều đại Tibêriô'. Cả Suetonius nữa, trong cuốn truyện viết quãng năm 121 về đời của hoàng đế Claudiô, cho chúng ta biết rằng, những người Do Thái bị đuổi khỏi thành Rôma vì 'họ thường gây nên những cuộc phiến loạn theo xúi giục của một số Chrestus' (Vita Claudii 25:4). Đoạn văn này thường được cắt nghĩa như ám chỉ về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên căn nguyên tranh cãi trong những cộng đồng Do Thái ở Rôma. Việc phát triển nhanh chóng của Kitô giáo cũng là một chứng cớ quan trọng, như đã được Tiểu Pliny, vị tổng trấn ở Bithynia, tường trình cho hoàng đế Trajan, vào giữa những năm 111 và 113, về tình hình có một số đông dân chúng thường hay tụ họp nhau 'vào một ngày ấn định, trước hừng đông, để luân phiên hát thánh ca chúc tụng Đức Kitô như là một vị Thiên Chúa' (Epist.10:96).
"Thế nhưng, biến cố vĩ đại mà những sử gia ngoài Kitô giáo chỉ đề cập đến qua loa ấy lại có một tầm vóc hết sức quan trọng nơi những bản văn của Tân Ước. Những bản văn này, cho dù có là những văn kiện về đức tin đi nữa, nếu chúng ta để ý đến mối iên hệ toàn diện của chúng, thì chúng cũng là những chứng cớ lịch sử không phải không đáng tin. Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa của vũ trụ, cũng là Chúa của lịch sử, một lịch sử mà Người là 'Alpha và Omega' (Rev.1:8;21:6), là 'nguyên thủy và là cùng đích' (Rev.21:6). Nơi Người, Chúa Cha đã nói lên một lời thực sự về con người và về lịch sử của họ. Lời này được diễn tả một cách tóm gọn và hùng hồn qua Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái: 'Bằng nhiều thể nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nhờ các tiên tri; thế nhưng, trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con' (Heb.1:1-2)" (Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 4)
Chúa Giêsu Kitô làm cho mọi sự đuợc tái tạo (x.Eph.1:10), đồng thời làm hoàn tất mọi sự trong Thiên Chúa: một hoàn tất làm vinh danh Thiên Chúa.
"Chúa Giêsu được sinh ra từ dân tuyển chọn để hoàn tất lời hứa mà Abraham đã lãnh nhận và các tiên tri liên tục nhắc nhớ. Các tiên tri nhân danh Thiên Chúa và thay cho Ngài mà nói. Thật vậy, công cuộc của Cựu Ước được sắp xếp chính là để sửa soạn và loan truyền cho việc Đức Kitô đến, Đấng cứu chuộc hoàn vũ, cũng như cho vương quốc mà Người thiết lập. Bởi thế, những cuốn sách của Cựu Ưùớc mãi mãi là một chứng cớ cho một giáo thuyết thần linh xác thực (x. hiến chế Mạc Khải đoạn 15). Giáo thuyết này đã đạt mục tiêu của nó nơi Đức Kitô: đúng thếø Chúa Giêsu không chỉ 'nhân danh Chúa' mà nói như các vị tiên tri, mà Người chính là Thiên Chúa nói bằng Lời hằng sống nhập thể của mình. Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài. Đó là điều đã được công bố trong Phần Nhập Đề của Phúc Âm thánh Gioan: "Chưa có ai đã từng thấy được Thiên Chúa; Người Con duy nhất, Đấng ở trong lòng Cha, Người đã tỏ Cha ra" (Jn.1:18). Như thế, Lời nhập thể làm thỏa nguyện ước vọng nơi tất cả các đạo giáo của nhân loại. Chính Thiên Chúa đã làm cho con người được thỏa nguyện, ngoài mọi ước mong của con người. Đó là một mầu nhiệm của ân sủng.
"Nơi Chúa Kitô, tôn giáo không còn là một 'cuộc kiếm tìm Thiên Chúa một cách mù quáng' (Acts 17:27) nữa, mà là một đáp ứng của đức tin vào Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Nó là một đáp ứng mà con người nói với Thiên Chúa như với Hóa Công, với một Người Cha, một đáp ứng đã thành hiện thực nhờ một con người cũng chính là Ngôi Lời, mà nơi Người, Thiên Chúa đã nói với từng người, và nhờ Người mỗi người có thể đáp lại Thiên Chúa. Còn nữa, cũng ở nơi con người này mà mọi tạo vật đáp lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là một khởi sự mới cho tất cả mọi sự. Nơi Người, tất cả mọi sự có; chúng được thăng hóa rồi được trả về cho Hóa Công là Đấng dựng nên chúng. Như thế, Đức Kitô là mãn nguyện của ước vọng cho mọi tôn giáo trên thế giới, nên Người làø tầm mức viên trọn đích thực duy nhất của họ. Thiên Chúa nói thẳng với con người nơi Đức Kitô thế nào, tất cả loài người và toàn thể tạo vật cũng tự mình nói với Thiên Chúa trong Đức Kitô như vậy, thực sự đó là việc tự hiến mình cho Thiên Chúa. Mọi vật trở về với cội nguồn của mình là vậy. Chúa Giêsu Kitô làm cho mọi sự đuợc tái tạo (x.Eph.1:10), đồng thời làm hoàn tất mọi sự trong Thiên Chúa: một hoàn tất làm vinh danh Thiên Chúa. Tôn giáo có nền tảng nơi Đức Kitô là một tôn giáo vinh quang; nó là một tầm vóc mới mẻ của sự sống để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa (x.Eph.1:12). Tất cả mọi tạo vật thực sự là một biểu hiện của vinh quang Người. Đặc biệt con người (vivens homo) là sự hiển linh của vinh quang Thiên Chúa, một loài được kêu gọi để sống bằng sự sống viên trọn trong Thiên Chúa". (Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 6).
Người Đã Có Lại Càng Được Thêm Dồi Dào
Suy niệm Mùa Chay theo chiều hướng Sứ Điệp Mùa Chay của ĐTC BĐXVI: "Họ đã nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua"
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
"Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!": Một phát biểu có vẻ "ngang trái" và rối đạo, nhưng không phải hoàn toàn vô lý và vô cớ. Niềm xác tín "Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!" này chính là phản ảnh từ và là đúc kết cho một câu Kinh Thánh Tân Ước, đó là câu 20 trong đoạn 5 của thơ thánh Phaolô tông đồ viết cho tín hữu Rôma: "Lề luật đến làm gia tăng vấp phạm' thế nhưng, cho dù tội lỗi có gia tăng ân sủng lại còn vượt trổi hơn nó nữa".
Tuy nhiên, có hai điểm liên quan đến chung lời xác tín với câu Kinh Thánh và đến riêng câu Kinh Thánh cần phải được làm sáng tỏ.
Trước hết, về điểm liên quan đến chung niềm xác tín "Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!" với câu Kinh Thánh trên. Đó là, cách dùng từ ngữ khác biệt giữa lời xác tín và câu Kinh Thánh. Ở chỗ: nơi nhan đề, chữ "Phúc" được dùng thay vì chữ "Ân Sủng" như ở trong câu Kinh Thánh. Lý do là vì, trong ngôn ngữ Việt Nam, "Ân" và "Phúc" thường được ghép đi chung với nhau, gọi là "Ân Phúc". Tuy nhiên, nếu đứng riêng rẽ, mỗi chữ đều có nghĩa riêng của nó. "Ân" là điều thuộc về Thiên Chúa, Đấng ban "ơn"' trong khi "Phúc" là điều phát xuất nơi con người, kẻ nhận "ơn".
Lại nữa, nếu "Ân Phúc" thường được ghép đi chung với nhau, thì cũng theo ngôn từ Việt Nam, "Tội Phúc" cũng vậy. Thế nhưng, "Tội Phúc" đều từ con người: "Tội" là sản phẩm bởi tự do con người làm ra' và "Phúc" là hoa trái của "Ân Sủng" được con người cảm nhận trong cuộc đời của mình.
Từ phân tích trên, niềm xác tín "Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!" hoàn toàn có tính cách chủ quan nơi phía con người, phía con người chủ thể là cá nhân mỗi một người, cũng như phía con người lịch sử là tất cả loài người trước Thiên Chúa, Đấng Tối Cao bị "tội" của con người xúc phạm cũng là Đấng Trọn Lành vẫn yêu thương ban "ơn" cho họ.
Chính nhờ chữ "phúc" mà niềm xác tín "Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!" mới có tính cách chủ quan về phía nhân loại như thế. Thực tế đã hoàn toàn tỷ lệ thuận với niềm xác tín này khi cho thấy, chỉ có ai nhận biết Thiên Chúa và chấp nhận "Ân Sủng" của Ngài mới nghiệm thực mình có "phúc" và bị "ngập lụt" mà thôi, đúng như lời "Ngợi Khen" của Mẹ Maria "đầy ân phúc" (Lc 1:30): "Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những người kính sợ Chúa" (Lc 1:50).
Ngược lại, đối với "kẻ kiêu ngạo với những ý nghĩ tự cao của họ" (Lc 1:51), chẳng những không bị "ngập lụt" bởi "lòng thương xót Chúa", mà còn "bị tước đi cả những gì nhỏ nhất của mình (cho) kẻ đã có lại càng được ban thêm dồi dào" (Mt 25:29), đúng như lời "Ngợi Khen" của Mẹ Maria "được ơn nghĩa với Chúa" (Lc 1:30) tuyên xưng: "Chúa đã hạ kẻ oai quyền xuống khỏi ngai tòa của họ và đã nâng người hèn mọn lên cao. Chúa đã cho người đói khó no đầy thiện hảo và xua kẻ giầu có đi tay không" (Lc 1:52-53).
Đến đây, điểm thứ hai cần phải làm sáng tỏ liên quan đến riêng câu Kinh Thánh. Đọc câu Kinh Thánh này, theo như nghĩa chủ quan vừa được xác định trên, hai phản ứng có thể được bộc phát, một từ thành phần "kính sợ Chúa, hèn mọn đói khó" và một từ thành phần "kiêu ngạo oai quyền giầu có". Trong khi thành phần "kính sợ Chúa, hèn mọn đói khó" cảm thấy yên tâm an ủi thì thành phần "kiêu ngạo oai quyền giầu có" lại cảm thấy vui mừng hớn hở.
"Thành phần 'kính sợ Chúa, hèn mọn đói khó' cảm thấy yên tâm an ủi" khi đọc thấy câu Kinh Thánh này, là vì họ thấy rằng, dù mình có sa ngã phạm "tội" đến đâu đi nữa cũng không thể vượt qúa Tình Yêu vô biên bất tận của Thiên Chúa. Trái lại, mình lại còn có "phúc" được Thiên Chúa là Cha thương xót ban "ơn" cho, để nhờ chính tội lỗi của mình mà có thể nhận biết bản tính vô cùng toàn hảo của Ngài và nhất là được trọn vẹn thông hiệp với Ngài khi chấp nhận Ngài, khi Ngài chiếm đoạt toàn thể con người hèn yếu của mình.
"Thành phần 'kiêu ngạo oai quyền giầu có' lại vui mừng hớn hở" khi đọc thấy câu Kinh Thánh này, là vì họ thấy được lỗ thủng của Tình Yêu Thiên Chúa, để có thể ăn trộm "ân sủng" của Ngài, tha hồ "tội lỗi" rồi chui qua kẽ hở của Trái Tim bị "đâm thâu qua" (Zacaria 12:10, Gn 19:34) của Ngài để tẩu thoát "án phạt" đời đời. Đối với thành phần "kiêu ngạo oai quyền giầu có" này, câu Thánh Kinh được trích dẫn ở đây thật là một chước cám dỗ, một căn cớ gây vấp phạm cho họ, giống như trường hợp điển hình của "lề luật làm gia tăng vấp phạm" vậy.
Theo chiều hướng mà thành phần "kiêu ngạo oai quyền giầu có" hiểu câu Kinh Thánh này thì càng "tội" lỗi mình mới càng có "phúc" vì mình càng được "ơn". Theo chiều hướng này, "tội lỗi" là một cơ hội thuận tiện nhất nhất để Thiên Chúa có thể trọn vẹn mạc khải tất cả bản tính vô cùng toàn thiện của Ngài ra, do đó mà tội lỗi cũng trở thành một đường lối linh nghiệm nhất để con người nhận được "ân sủng" dồi dào hơn. Bằng không đã không có câu Kinh Thánh càng có vẻ "mời mọc" kinh khủng khác, cũng do chính tay thánh Phaolô, trong cùng thư gửi cho giáo đoàn Rôma, đoạn 11, câu 32, viết: "Thiên Chúa đã dồn bắt tất cả mọi người vào việc bất tuân phục để Ngài có thể tỏ tình thương với tất cả mọi người".
Thật ra, căn cứ vào cả nguồn Mạc Khải trong Kinh Thánh cũng như nguồn mạc khải tư là những Lời Thỏ Thẻ của Chúa Giêsu với một số linh hồn ưu tuyển (được trích dẫn trong cuốn sách này), thì quan niệm trên đây của thành phần "kính sợ Chúa, hèn mọn đói khó" rất đúng, nhưng quan niệm của thành phần "kiêu ngạo oai quyền giầu có" cũng không có gì sai. Tại sao vậy?
Đối với quan niệm của thành phần "kính sợ Chúa, hèn mọn đói khó": "Dù mình có sa ngã phạm tội đến đâu đi nữa cũng không thể vượt qúa được Tình Yêu vô biên bất tận của Thiên Chúa".
Đúng thế, Tình Yêu của Thiên Chúa là Chúa Tể Đa Tình thật sự không có gì có thể vượt được. Kể cả tội lỗi của con người, mà tự bản chất, dù tội lỗi có được phân loại là nhẹ, và dù có nhẹ đến mấy đi nữa, cũng vô cùng xấu xa và vô cùng nặng nề, vì nó xúc phạm đến chính Đấng vô cùng, đến nỗi, phải có và chỉ có Con Thiên Chúa hóa thành nhục thể và tử giá vô cùng ô nhục mới có thể trọn vẹn đền bù và hoàn toàn tẩy xóa được thôi.
Bởi thế, đối với Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự và vô cùng công minh, tội lỗi thật sự xúc phạm đến Thiên Chúa một cách vô cùng trầm trọng, đến nỗi không thể tha được, không phải là tội "lầm lạc không biết" (Lc 23:34), mà là tội, sau khi được Thiên Chúa tỏ mình Ngài "Ta là ai" (Gn 8:28) ra cho, con người vẫn không tin rằng Thiên Chúa Yêu Thương mình và vì thế khăng khăng phủ nhận không chịu chấp nhận Tình Yêu Thiên Chúa đối với mình.
Biến cố đại hồng thủy đời Noe là hình ảnh sống động và hiển nhiên nhất nói lên ý nghĩa của câu Kinh Thánh được phản ảnh qua lời xác tín "Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!" Nước mưa từ trời đổ xuống là tiêu biểu cho "ân sủng càng trổi vượt hơn" có thể phủ ngập và tẩy xóa đi tất cả mọi tì vết của "tội lỗi có gia tăng" do thân mệnh con người làm chủ trái đất nhưng lại làm ô uế cả mặt đất (x. KN 1:28' 6:11).
Đối với quan niệm của thành phần "kiêu ngạo oai quyền giầu có": "Tội lỗi là một cơ hội thuận lợi nhất để Thiên Chúa có thể trọn vẹn mạc khải tất cả bản tính vô cùng toàn thiện của Ngài ra, do đó mà tội lỗi cũng trở thành một đường lối linh nghiệm nhất để con người nhận được ân sủng dồi dào hơn".
Thật vậy, Thiên Chúa vô cùng toàn thiện và khôn ngoan quả nhiên và hiển nhiên có lợi dụng yếu đuối, bất toàn và ngay cả tội lỗi của con người để tỏ mình Ngài ra. Theo chủ ý trong việc tỏ mình ra của mình này, "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Tim 2:4).
Bởi thế, nếu nhờ bất cứ một yếu tố nào đó có thể gây tác dụng thần linh nơi con người, chẳng hạn phép lạ, hay kể cả sự dữ tự nhiên như đau khổ, thậm chí sự dữ luân lý như tội lỗi của con người, mà nhờ đó con người thực sự nhận biết và "chấp nhận Ngài" (Gn 1:12), thì con người "đã được sinh ra bởi Thiên Chúa" (Gn 1:13), và "không ai được sinh ra bởi Thiên Chúa lại phạm tội" (1Gn 5:18), "họ không thể phạm tội vì họ được sinh bởi Thiên Chúa" (1Gn 3:9).
"Mầu Nhiệm Yêu Thương" được biểu lộ qua Hiện Tượng Siêu Nhiên là như thế, một hiện tượng được phát xuất từ Thực Tại Thần Linh của "Mầu Nhiệm Yêu Thương".