GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 21/4/2007

MÙA PHỤC SINH - TUẦN 2

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Chương Trình Chuyến Tông Du Ba Tây 9-14/5/2007

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ đến kính viếng mộ Thánh Âu Quốc Tinh

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Công Đồng Chung Vaticanô II và Tính Chất Tân Tiến, đặc biệt khuynh hướng Pro Thánh Âu Quốc Tinh của ngài hơn Thánh Tôma tiến sĩ.

 

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Chương Trình Chuyến Tông Du Ba Tây 9-14/5/2007

 

Hôm Thứ Năm 12/4/2007, văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã phổ biến chương trình chuyến tông du tới đây của ĐTC tại Ba Tây nhân dịp Tổng Hội Nghị Lần 5 của Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean.

 

Thứ Tư, 9/5, máy bay cất cánh tại phi trường Fiumicino ở Rôma vào lúc 9 giờ sáng và tới phi trường quốc tế Sao Paulo / Guarulhos vào lúc 4 giờ 30 chiều. Sau đó là lễ nghi nghênh đón, với diễn từ mở đầu của ĐTC. Vào 5 giờ 30, trực thăng sẽ đưa ngài tới phi trường Campo de Marte là nơi ngài sẽ chào các vị thẩm quyền  địa phương. Từ đó, ngài sẽ đến đan viện Sao Bento bằng xe mui trần, để nghỉ đêm.

 

Thứ Năm, 10/5, ngài cử hành Thánh Lễ tư ở nguyện đường của đan viện này, và vào 10:30, ngài đến ‘Palacio dos Bandeirantes’ ở San Paolo để viếng thăm đáp lễ tổng thống cộng hòa nước này. Trở về đan viện Sao Bento, ĐTC sẽ gặp thành phần đại diện các niềm tin Kitô Giáo khác cũng như các tôn giáo khác trước khi dùng bữa trưa với các vị giám mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Ba Tây. Vào lúc 5:30 chiều, ngài sẽ tới vận động trường thành phố ‘Paulo Machado de Carvalho’ là nơi vào lúc 6 giờ ngài sẽ ban huấn từ cho giới trẻ tập trung ở đó.

 

Thứ Sáu, 11/5, tại khu Campo de Marte ở San Paulo ĐTC sẽ chủ tế Thánh Lễ phong thánh cho chân phước Frei Galvao. Vào lúc 4 giờ chiều, sau khi tạ từ đan viện  Sao Bento, ngài sẽ ban huấn  từ cho các vị Giám Mục Ba Tây ở vương cun g thánh đường Sao Paulo. 6 giờ chiều, ngài được trực thăng chở từ phi trường Campo de Marte bay đến Aparecida tới nơi lúc 7 giờ tối. Sauk hi chào các vị thẩm quyền ở đó, ngài sẽ đến chủng viện Bom Jesus ngủ qua đêm.

 

Thứ Bảy 12/5, ngài cử hành lễ tư ở nguyện đường chủng viện, và sẽ được xe chở tới Fazenda da Esperanca ở Guaratingueta là nơi ngài sẽ thăm viếng nhà thờ và gặp cộng đồng sống ở đó. Trở về chủng viện, ngài sẽ dùng bữa trưa với thành phần đại diện Tổng Hội Nghị lần 5 của Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tin h và Caribbean. Chiều hôm đó ngài được xe chở tới đền Aparecida, nơi ngài cầu Kinh Mân Côi trong đền thờ, sau đó gặp gỡ các vị linh mục, tu sĩ và chủng sinh cùng phó tế.

 

Chúa Nhật 13/5, ngài sẽ được chiếc xe mui trần chở từ chủng viện Bom Jesus đến đền Aparecida để cử hành Thánh Lễ khai mạc Tổng Hội Nghị lần 5 của Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean, rồi nguyện  Kinh Lạy Nữ Vương. Chiều hôm đó ngài sẽ ban một huấn từ khai mạc tổng hội nghị này. Vào lúc 6:50, sau khi tạ từ chủng viện Bom Jesus, ngài được trực thăng chở từ Aparecida đến phi trường quốc tế Sao Paulo / Guarulhos để chào biệt các vị thẩm quyền và lời tạ từ trước khi về lại Rôma, tới nơi lúc 12:45 chiều cùng ngày.

 

Sáng ngày 14/4, Thứ Bảy, ở Sảnh Đường Chư Thánh Bộ của Tông Điện Vatican, Đức Thánh Cha đã chủ sự một cuộc gặp gỡ những vị lãnh đạo của phân bộ Giáo Triều Rôma. Chủ đề chính của cuộc bàn luận này đó là chuyến tông du sắp tới của ĐTC ở Ba Tây, chú trọng tới tình hình Giáo Hội ở Mỹ Châu Latinh.

 

Ngài đã cử vị trưởng hồng y đoàn là ĐHY Angelo Sodano, vị hồng y nguyên quốc vụ khanh của Tòa Thánh đã đến Fatima ngày 13/5/2000 với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để phong chân phước cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta và là vị cuối Thánh Lễ tôn phong đã thay ĐTC tuyên bố là Bí Mật Fatima phần thứ ba sẽ được tiết lộ theo ý ĐTC, thay ngài tới Linh Địa Thánh Mẫu Fatima nhân dịp mừng kỷ niệm 90 năm Biến Cố Fatima.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 12-14/4/2007

 

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ đến kính viếng mộ Thánh Âu Quốc Tinh

 

Vào hai ngày cuối tuần 21-22/4/2007, Thứ Bảy và Chúa Nhật, ĐTC sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm mục vụ ở các giáo phận Ý là Vigevano và Pavia, để mừng kỷ niệm 750 năm Sắc Lệnh “Licet Ecclesiae Catholicae” được Giáo Hoàng Alexander IV ban bố trong việc liên kết các nhóm khác nhau sống theo luật Thánh Âu Quốc Tinh thành một Hội Dòng lớn duy nhất.

 

Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 19/4/2005, ngài đã được Cha Robert Prevost, bề trên tổng quyền của dòng này mời đến tôn kính di tích của Thánh Âu Quốc Tinh còn được bảo trì tại Đền Thờ San Pietro ở Cieldoro thuộc Pavia. Ngài đã chấp nhận lời mời và sẽ viếng thăm đền thờ này, nơi ngài sẽ thắp sáng một cây nến tạ ơn trước quan tài của thánh nhân để mãi mãi ghi nhớ đến việc ngài viếng thăm này. 

 

Đức Giáo Hoàng cũng sẽ làm phép viên đá đầu tiên cho trung tâm văn hóa Âu Quốc Tinh, một trung tâm được dòng này có ý dâng kính Đức Biển Đức để tôn vinh mối gắn bó mạnh mẽ của Đức Thánh Cha về linh đạo và thần học với vị đại Tiến Sĩ này của Hội Thánh.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/4/2007

 

 

TOP

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Công Đồng Chung Vaticanô II và Tính Chất Tân Tiến, đặc biệt khuynh hướng Pro Thánh Âu Quốc Tinh của ngài hơn Thánh Tôma tiến sĩ.

Bà Rowland ở Melbourne, Úc Đại Lợi, tác giả cuốn “Văn Hóa và Truyền Thống Thánh Tôma: Sau Công Đồng Chung Vaticanô II” (Routledge xuất bản), đã chia sẻ với mạng điện toán Zenit về lý do tại sao việc tái cứu xét và tái giải thích Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, một đề tài nổi bật trong công cuộc thần học của Đức Joseph Ratzinger, là những gì cần thiết để tái hướng dẫn việc Giáo Hội đương đầu với tính chất tân tiến phóng khoáng.

Theo bà, nhiều người tin rằng hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” là văn kiện chính yếu làm nên đời sống của Giáo Hội những năm ngay sau Công Đồng Chung Vaticanô II. Tuy nhiên, sau 40 năm của công đồng này, văn kiện mục vụ ấy đã khiến cho nhiều người kết luận rằng văn kiện ấy không hiểu biết đầy đủ về văn hóa, nhâá là thứ văn hóa của nền văn hóa tân tiến phóng khoáng. Kết quả là, theo bà này, mới bùng lên những trào lưu trong Giáo Hội làm hư hại trầm trọng đến phụng vụ và gây ra một thứ nhân bản chủ nghĩa sai lầm mà cuối cùng đã đi đến chỗ hủy hoại việc chăm sóc mục vụ cho các linh hồn.

Vấn:     Vai trò của Đức Joseph Ratzinger tại Công Đồng Chung Vaticanô II ra sao và làm thế nào công đồng đã hình thành nên các quan điểm thần học của ngài?

Đáp:    Ngài đã tham dự Công Đồng này như là một cố vấn cho ĐHY Joseph Frings TGP Cologne. Trong một bài nói nổi tiếng, vị hồng y Frings đã khai chiến về vấn đề Tòa Thánh, và việc trao đổi giữa ngài và ĐHY Alfredo Ottaviani thường được coi là một cuộc tranh luận sôi nổi nhất Công Đồng. Người ta cho rằng vị linh mục trẻ Ratzinger đã đóng góp tư tưởng vào việc nhận định này của hồng y Frings.

Về vấn đề Công Đồng này tác dụng trên Đức Ratzinger thì việc ngài tham dự với tư cách là cố vấn đã cống hiến cho ngài một quan niệm bao rộng đáng kể thuộc lãnh vực tri thức Công giáo, một kiến thức về những vấn đề Giáo Hội phải đương đầu ở những phần đất khác nhau trên thế giới cùng với một số kinh nghiệm về việc hoạt động ở Tòa Thánh.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Công Đồng đã thay đổi quan niệm của ngài cũng như các quan niệm của ngài đã làm nên Công Đồng.

Vấn:     Vị tân Giáo Hoàng này quan niệm thế nào về vai trò của Giáo Hội và mối liên hệ giữa Giáo Hội với “thế giới” như được quan niệm bởi Công Đồng Chung Vaticanô?

Đáp:    Công Đồng Chung Vaticanô II đã diễn tả Giáo Hội như là một bí tích cứu độ phổ quát. Theo đó, Giáo Hội không phải là một thực thể tách biệt khỏi thế giới mà thế giới được hòa giải với Giáo Hội và với Thiên Chúa. Đó là một thứ quan niệm người ta cho rằng do Đức Biển Đức phát động.

Trái với những nhận định phổ thông, linh đạo Âu Quốc Tinh của ngài không có nghĩa là ngài chống lại thế giới, hay là ngài tin rằng người Công giáo cần phải lần mò vào những khu ổ chuột bần cùng.

Linh đạo của ngài cho thấy ngài không phải là thành phần Pelagian. Ngài không nghĩ rằng được đầy đủ giáo dục thì Tân Gia Liêm có thể được xây dựng trên trái đất này. Nguyên việc giáo dục về quyền lợi và nghĩa vụ, những bài giảng về nhân quyền, những huấn dụ về tình yêu thương huynh đệ và công ích, sẽ chẳng đi đến đâu trừ phi con người cởi mở trước công việc của ân sủng và việc hướng dẫn của Thánh Linh.

Một thứ nhân bản không phải Kitô giáo không thể cứu thế giới. Đây là lời kết luận của vị đồng cố vấn của ngài là Hồng Y Henri de Lubac, và Đức Biển Đức đã nói một số câu rất mạnh chống lại những thứ huyênh hoang của một thứ nhân bản thuần thế tục.

Ngoài ra, trong khi ngài không biện hộ cho việc rút lui ra khỏi thế gian thì ngài đã khuyến dụ người Công giáo hãy tái phục hồi, một cách nghiêm chỉnh về phúc âm, cái can đảm không chiều theo các hướng chiều về xã hội của thế giới thịnh đạt.

Ngài đã nói rằng chúng ta cần phải can đảm để vượt lên trên những gì được coi là “bình thường” đối với một con người ở cuối thế kỷ 20, và tái khám phá ra tính cách đơn giản của đức tin. Nói cách khác, người ta có thể giao tiếp với thế giới, và ở trong thế giới, song không thuộc về thế giới.

Vấn:     Dự phóng này, một dự phóng được các Nghị Phụ Công Đồng ấy đặt để trong hieên chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, thành công hay thất bại?

Đáp:    Trước bối cảnh của việc đọc một cách tụa hóa hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, Đức Gioan Phaolô II lập luận rằng văn kiện này cần phải được đọc theo quan điểm của Khoản 22. Tóm tắt thì khoản này nói rằng con người cần nhận biết Chúa Kitô để biết bản thân mình.

Chắc chắn là Đức Giáo Hoàng Biển Đức đồng ý rằng khoản này làm giảm đi những chữ nghĩa mâu thuẫn nếu nó được coi như cái lăng kính để đọc các phần khác của văn kiện này. Thế nhưng có bao nhiêu người Công Giáo trên thế giới, kể cả thành phần giáo sĩ, biết được tầm quan trọng của Khoản 22 ấy?

Việc giải thích phổ thông bản văn kiện này đó là nó cho thấy việc Giáo Hội công nhận tính chất tân tiến là những gì có thể chấp nhận được, và vì đó là ý muốn của Thần Linh mà người Công giáo thích ứng các việc thực hành và văn hóa của mình, kể cả văn hóa phụng vụ, với tinh thần tân tiến sớm bao nhiêu có thể.

Điều này đã gây ra việc xuất phát một thứ cách mạng về văn hóa trong Giáo Hội đến nỗi bất cứ những gì có tính cách tiền công đồng đều được đặt lại vấn đề.

Những kiểu trang phục phụng vụ, những hình thức kinh nguyện, những việc tôn sùng khác nhau, những bản thánh ca từng là một phần thuộc kho tàng văn hóa của Giáo Hội qua nhiều thế kỷ, đều chẳng những bị vứt bỏ mà còn chủ động dẹp đi nữa. Để làm một người Công Giáo hành đạo ở nhiều giáo xứ, người ta cần phải chia sẻ với nền văn hóa nhân gian thuộc thập niên 1960 và 1970.

Chống lại tình trạng này, Đức Ratzinger đã từng bị phê phán về những gì ngài gọi là “tính cách pho trương lòe loẹt và tính cách non nớt về mục vụ” – “việc hạ thấp phụng vụ xuống mức độ của một bữa tiệc trà giáo xứ và mức độ dễ hiểu của một tờ nhật báo thông dụng”.

Nếu dự phóng của hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” được hiểu là “việc dàn xếp vấn đề thực hành đức tin theo văn hóa tân tiến” thì tôi nghĩ rằng dự phóng này có vấn đề về phương diện mục vụ.

Tuy nhiên, nếu nó được đọc bằng lăng kính “Thảm Kịch của Chủ Nghĩa Nhân Bản Vô Thần” của thần học gia de Lubac thì tôi nghĩ rằng dự phóng ấy đang vươn tới con người được gọi là tân tiến và giúp họ tìm thấy bản thân họ, bằng cách phổ biến thần học về thân thể của Đức Gioan Phaolô II, khoa nhân loại học Ba Ngôi của bộ thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, “Giầu Lòng Thương Xót” và “Là Chúa và Là Đấng Ban Sự Sống”, cùng với những giá trị của Phúc Âm Sự Sống nơi Thông Điệp “Phúc Âm Sự Sống” và “Rạng Ngời Chân Lý” – một dự phóng như thế thực sự mới chỉ là những gì bắt đầu và còn lâu mới khởi sự sinh hoa kết trái.

Vấn:     Về vấn đề giao tiếp của Giáo Hội với “thế giới” có vấn đề liên tục hay ngắt quãng nơi quan điểm của Giáo Hoàng Biển Đức và Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị góp phần chính yếu vào hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” như thế nào?

Đáp:    Tôi nghĩ rằng sẽ có một sự liên tục ở chỗ Đức Biển Đức chắc chắn đồng ý là cần phải đọc hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” theo kiểu của thần học gia de Lubac, là văn hóa không phải là những gì trung dung về thần học, là chúng ta phải chọn lựa giữa văn minh yêu thương và văn hóa sự chết, là Chúa Kitô và khoa nhân loại Kitô giáo cần thiết để giải cứu chúng ta khỏi mạng lưới của những thực hành văn hóa và luân lý làm hủy hoại tính cách nguyên vẹn của con người và nuôi dưỡng chủ nghĩa buông thả.

Tuy nhiên, một điểm khác biệt duy nhất về sắc thái đó là Đức Biển Đức ít có khuynh hướng sử dụng ngữ pháp đặc biệt là những gì được Đức Gioan Phaolô II ưa chuộng.

Chẳng hạn như Đức Gioan Phaolô II có lần nói rằng Giáo Hội của Công Đồng này “thấy mình như là hồn sống của tính chất tân tiến”. Rồi ngài định nghĩa tính chất tân tiến như là “một tụ điểm của những điều kiện giúp cho con người thể hiện tốt đẹp hơn tính chất trưởng thành của mình về tinh thần, luân lý và văn hóa”. Vấn đề ở đây là đó không phải là những gì được hầu hết con người ta nghĩ tới khi họ nghe thấy từ ngữ diễn tả “tính chất tân tiến”; và chắc chắn đó không phải là cách hiểu biết như người ta thấy xẩy ra nơi nhiều lập luận thức giả của thứ hiện tượng văn hóa ấy.

Từ những gì tôi đã đọc, Đức Biển Đức không theo sách lược tri thức này. Khi ngài nói về tính chất tân tiến ngài không cố gắng để tái định nghĩa lại ý nghĩa chung. Điều này có lẽ là vì ngài nghĩ rằng về ngữ pháp không có gì là lợi cho lắm khi trình bày Giáo Hội như tân tiến khi mà thành phần hậu tân tiến lại quá bận bịu với việc phê phán tính chất tân tiến. Nó chỉ làm cho người Công giáo lấy lại cho thăng bằng một thứ chủ trương đang bị lu mờ đi tính cách phổ thông của nó.

Cách thứ hai tôi nghĩ vai trò giáo hoàng của hai vị có thể khác nhau đó là trong khi Đức Gioan Phaolô II chú trọng tới đạo đức học và nhân loại học – và bởi vì đó là những đề tài chính yếu của hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” – thì Đức Biển Đức có thể sẽ chú trọng nhiều hơn đến giáo hội học, tập trung vào các đề tài trong hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” và sắc lệnh về đại kết cũng như với tất cả những gì về phụng vụ.

Trong cuốn “Thần Đô”, Thánh Âu Quốc Tinh viết rằng trong việc viết lên lịch sử thế giới theo sự quan phòng thần linh có một nét đẹp nào đó xuất phát từ cái tương phản của những thứ nghịch đảo, một tính chất hùng hồn nơi các biến cố thay vì nơi ngôn từ.

Khi so sánh giữa hai vai trò làm giáo hoàng này có một thứ tính cách hùng hồn về lịch sử nơi việc Đức Wojtyla, một người Balan được tuyển chọn để làm cho chủ nghĩa Marxít sụp đổ và chú trọng tới việc cổ võ một khoa nhân loại học Kitô giáo thay thế, trong khi Đức Ratzinger người Đức được tuyển chọn để đối đầu với các vấn đề gây ra bởi những thành phần mà trong đó có Lutherô và Nietzche.

Vai trò giáo hoàng này có thể chú trọng nhiều đến việc chữa lành các vết thương của Phong Trào Cải Cách được bắt đầu ở Đức, và chiến đấu với những gì được ngài gọi là “cái độc đoán của chủ nghĩa tương đối” mà giòng dõi tri thức của chủ nghĩa này cũng mang tính chất Đức quốc rất ư là mãnh liệt.

Việc này cho thấy vẻ đẹp và bàn tay can thiệp tối hậu của thần linh.

Vấn: Bà đã nói rằng trận chiến chính yếu về tri thức và thần học trong Giáo Hội là trận chiến xẩy ra giữa “thành phần theo chủ thuyết Tôma thiên Âu Quốc Tinh” và “thành phần theo chủ nghĩa Tôma thiên Whig”. Như thế có nghĩa là gì?

Đáp: Trước hết, để tôi định nghĩa về “Whig” cái đã.

Thành ngữ “Whig Thomist” được Michael Novak tạo ra để diễn tả dự án về tri thức của ông ta. Tứ ban đầu chữ “Whig” xuất phát từ từ ngữ Tô Cách Lan “Whiggamor” về một tay lùa gia xúc – mặc dù có chỗ nói là tên trộm gia cầm hay chỗ khác cho là tên trộm ngựa. Ban đầu chữ này được áp dụng cho thành phần Tín Đồ Tô Cách Lan, hầu hết ở phía tây ngạn Tô Cách Lan, thành phần chống lại động cơ của Stuart trong những trận chiến tranh thời thế kỷ 17.

Đối phương của họ là Tories – một chữ bắt nguồn từ Gaelic ám chỉ “ngoài vòng pháp luật” – bao gồm một số quí tộc, nhiều điềm chủ và nông dân. Họ là thành phần thương mại về chính sách kinh tế, thành phần trung thành về chính trị và có khuynh hướng ủng hộ việc nối ngôi của James II (1633-1701).

Qua giòng thời gian, chữ này được sử dụng để nói đến một bè phái thuộc chính trị Hiệp Vương Quốc (British). Mặc dù không bao giờ có một định nghĩa theo ý nghĩa về từ ngữ này, nhưng vì được tổng quát hóa theo xã hội học, có thể nói rằng thành phần Whigs là miêu duệ của Chủ Nghĩa Minh Tri Tô Cách lan, một chủ nghĩa chú trọng tới quyền tự do về kinh tế và chính trị, hay một thứ triết lý mới được gọi là tự do chủ nghĩa, một chủ nghĩa thường được đồng hóa với một hình thức Thanh giáo của Phong Trào Thệ Phản.

Vào thế kỷ 19, Lord Acton đã làm phổ thông hóa ý nghĩ là Thánh Tôma Aquinas là nhân vật Whig tiên khởi, tức là một nhân vật xướng xuất tiên khởi của một thứ quan niệm chính trị tân tiến, hậu Minh Tri. Bởi thế “Whig Thomism” là thành ngữ nói về một dự án tri thức tìm cách để định vị nguồn gốc về truyền thống tự do nơi tư tưởng của Thánh Tôma Aquinas cũng như để tổng hợp những yếu tố nơi truyền thống Tự Do, đặc biệt những yếu tố được cung cấp bởi Chủ Nghĩa Minh Tri Tô Cách Lan, đối với Chủ Nghĩa Tôma kinh điển.

Dự án muốn đọc Thánh Tôma Aquinas như là một nhân vật tiên khởi Whig hay Cấp Tiến đã bị một số học giả lên tiếng chỉ trích.

Chẳng hạn như Robert Kraynak, trong cuốn “Đức Tin Kitô Giáo và Dân Chủ Tân Thời”, đã viết rằng “cho dù là hấp dẫn, việc giải thích của Acton đang là những gì lừa đảo, vì Thánh Tôma bênh vực việc chia sẻ quyền lực và việc tham gia vào chính trị, chứ không phải như một thứ quyền của dân chúng đối với việc đồng ý của nghị viện, cũng không phải là phương tiện để bảo vệ các quyền lợi và quyền tự do cá nhân, mà là việc khôn khéo áp dụng lề luật tự nhiên là những gì có mục đích hiện thực hóa một cách tốt nhất ở một cấp độ vững chắc theo hiến định hướng về hòa bình, đức độ và lòng đạo hành Kitô hữu. Đó là chủ nghĩa tổ hợp của thời trung cổ được áp dụng trong khuôn khổ giáo thuyết của Thánh Âu Quốc Tinh về Hai Thành Đô, hơn là việc giải thích đầu tiên gây nên vấn đề tự do tân tiến”.

Những ai có thể được xếp một cách rộng rãi vào “thành phần theo chủ nghĩa Thánh Tôma thiên Âu Quốc Tinh” thì theo cách đọc về Thánh Tôma kiểu của Kraynak, hơn là kiểu của Acton.

Những gì tôi đã lập luận trong cuộc sách của tôi “Văn Hóa và Truyền Thống Thánh Tôma: sau Công Đồng Vatican II” đó là có một sự phân rẽ giữa những ai nghĩ rằng truyền thống Thánh Tôma cần phải thích ứng với nền văn hóa tân tiến, nhất là với những khía cạnh về kinh tế của nền văn hóa này – đó là thành phần cho mình là “Whig Thomist” – với những ai tin rằng tính chất tân tiến và truyền thống tư do của nó thực sự là độc hại cho việc phát triển đức tin.

Những ai chấp nhận chủ trương cuối cùng này không muốn bổ khuyết truyền thống Thánh Tôma bằng những liều lượng của các thứ giá trị thuộc Chủ Nghĩa Minh Tri. Họ được diễn tả một cách rất rộng, vì nhu cầu không còn danh xưng nào hay hơn, như là thành phần theo chủ nghĩa Thánh Tôma thiên Âu Quốc Tinh, ở chỗ nhất trí với ý nghĩ của Thánh Âu Quốc Tinh về hai thành đô, họ bác bỏ cái đòi hỏi của truyền thống tự do tỏ ra trung lập đối với những viễn tượng đối chọi về sự thiện và những đòi hỏi đối chọi về thần học.

Trong khi thành phần Whigs lập luận là chủ nghĩa tự do là cái bừng phát hợp lý của cuộc tổng hợp kinh điển hữu thần, thì thành phần theo chủ nghĩa Tôma thiên Âu Quốc Tinh lại cho rằng truyền thống tự do là tiêu biểu cho việc nó muốn tái kiến trúc cái biến đổi và dị giáo của nó, và họ có khuynh hướng đồng ý với Samuel Johnson rằng ma quỉ, chứ không phải Thánh Tôma Aquinas, là nhân vật Whig tiên khởi.

Bởi thế mới có hai thứ nhận định khác nhau về tính chất tân tiến, từ đó, mới có hai cách nhận định về Giáo Hội liên quan tới thế giới đương đại. Trong khi thành phần Whigs muốn Giáo Hội thích ứng với nền văn hóa hiện đại thì thành phần thiên Âu Quốc Tinh lại thích chủ trương cẩn trọng hơn nhiều.

Một vấn đề khác được tôi đề cập tới trong cuốn sách của tôi đó là những ai nghĩ rằng truyền thống tự do là một avant-garde thì sống khoảng 40 năm thụt lùi về thời gian. Chủ nghĩa tự do đã không còn là thứ truyền thống tri thức bá chủ ở thế giới Tây phương nữa vào năm 1968. Ít là vì bấy giờ trận chiến đụng độ về tri thức này đã trở thành tay ba.

Thành phần thứ nhất đều là hữu thần, đó là Công giáo, Hồi giáo, Thệ Phản v.v.; thành phần thứ hai, đó là những kẻ tin vào lý lẽ kiểu Chủ Nghĩa Minh Tri, tức là những kẻ khác nhau thuộc thành phần cấp tiến muốn cắt lìa lý trí khỏi đức tin; và thành phần thứ ba đó là thành phần hậu tân tiến, những kẻ nghĩ rằng Chủ Nghĩa Minh Tri là một kinh nghiệm rất áp bức về xã hội và tất cả mọi lối giải thích về lý lẽ một cách nào đó đều liên hệ tới những giả thuyết về thần học hay hoang đường học, nhưng họ không chấp nhận là chúng ta có thể sử dụng lý trí của chúng ta để phán đoán giữa những thứ giả thuyết đối chọi nhau về thần học ấy.

Về một số phương diện, các học giả Công giáo có thể khá hơn khi giao tiếp với thành phần hậu tân tiến này hơn là những ai cứ nhấn mạnh đến cái tách lìa triệt để giữa đức tin và lý trí, hay ít là họ không đóng đinh những sắc thái của mình một cách bất khả vãn hồi vào cây trụ tự do.

Vấn đề mà thành phần Whigs và Âu Quốc Tinh xung khắc với nhau đã qua là những gì bao gồm cả vấn đề về tính chất luân lý của những gì được gọi là “văn hóa Mỹ”, một thứ văn hóa dĩ nhiên không thu hẹp vào lãnh địa của Hiệp Chủng Quốc. Như Alasdair Maclnture nói, nó là một thứ cấu trúc về lý thuyết.

Thành phần Whigs muốn công nhận lãnh vực kinh tế quốc tế hiện nay, trong khi đó thành phần thiên Âu Quốc Tinh muốn thực hiện một biện pháp cẩn trọng hơn, lập luận rằng có những thực hiện về kinh tế mang tính chấp không hợp với giáo huấn về xã hội của Giáo Hội.

Ngoài ra, thành phần thiên Âu Quốc Tinh dường như muốn cho thấy rằng hầu hết người ta không chịu ngồi xuống để khai triển một vũ trụ quan cho mình theo những thời điểm của việc suy tư về triết học và thần học. Họ khéo léo lấy những giá trị và tư tưởng của những cơ cấu họ có liên hệ.

Thành phần thiên Âu Quốc Tinh này lập luận rằng có những khía cạnh về nền văn hóa tân tiến tỏ ra gây trở ngại cho việc triển nở vấn đề sống đạo và tin tưởng của Kitô hữu, và trừ phi nền văn hóa này được thay đổi, thì không có một thức thao luyện về tri thức nào của thành phần học giả Giáo Hội sẽ giúp ích cho hằng tỉ người Công giáo cần phải sinh sống trong thế giới này.

Noí cách khác, nếu người ta phải là một vị thánh mới không bị nhập nhiễm về luân lý bởi thứ văn hóa họ có liên hệ thì có một cái gì đó sai trái nơi nền văn hóa đó.

Tôi không nghĩ rằng đây là trận chiến chính yếu về tri thức trong Giáo Hội là mà một trận chiến quan trọng.

Vấn:     Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một thành phần Âu Quốc Tinh ở chỗ nào? Ngài là thành phần theo chủ trương của Thánh Tôma ở chỗ nào?

 

Đáp:    Tôi có thể nói là Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một phần tử Tôma ở chỗ ngài có lẽ hợp với hầu hết những gì Thánh Tôma viết. Tuy nhiên, ngài không phải là phần tử theo Thánh Tôma ở chỗ nại vào thẩm quyền của Thánh Tôma trong việc bênh vực đức tin, căn cứ các nỗ lực về trí thức của mình vào những tác phẩm của Thánh Tôma hay ở chỗ sử dụng phương pháp học kiểu kinh viện.

 

Trái lại, Giáo Hoàng Biển Đức là một trong nhiều phần tử thuộc thế hệ của ngài, thành phần, trong khi bất đồng ý với nội dung tư tưởng của Thánh Tôma, vẫn tin rằng việc trình bày đức tin theo kiểu kinh viện không thực sự làm cho linh hồn sinh động ngoại trừ chúng trở thành một loại linh hồn đặc biệt ham tranh luận về tri thức. Ngài đã nói rằng “triết học kinh viện có cái cao cả của nó nhưng mọi sự đều là những gì vô cảm thức”.

 

Trái lại, với Thánh Âu Quốc Tinh, “con người cảm thương, sầu đau, vấn nạn bao giờ cũng có đó, và quí vị có thể cảm thấy như thánh nhân”.

 

Đức Biển Đức cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều cái nguyên tắc về đức tin của Thánh Âu Quốc Tinh ở chỗ đức tin là cửa mở ra kiến thức. Ngài đã nói rằng ngài tin rằng nơi con người đã được ghi khắc một loại ký ức về Thiên Chúa, một loại tưởng nhớ đến Thiên Chúa, nhưng nó cần phải được làm bừng tỉnh.

 

Mầm mống Âu Quốc Tinh của ngài cũng được tỏ lộ ra nơi việc chú trọng đến siêu việt tính của vẻ đẹp và việc ngài hiểu biết được tầm quan trọng về giáo lý của ngôn ngữ cũng như của những biểu hiệu, và về mối liên hệ giữa chất thể của mô thể với bản thể.

 

Tình trạng lộn xộn về phụng vụ rất nhiều trong 30 năm qua đã được thành phần ít hiểu biết muốn đổ dồn cho thứ ngôn ngữ của phụng vụ, muốn thay thế những cử chỉ biểu hiệu bằng việc thành phần giáo dân giải thích những gì Cha đang làm – như thể tất cả chúng ta là những tay Martian không được giáo lý hóa – và rút ruột ngôn ngữ phụng vụ nơi chiều kích thi văn của nó.

 

Cho dù có những triết gia về ngữ học trần tục lập luận rằng mô thể và bản thể là những gì bất khả phân ly – tức là nếu chúng ta thay đổi ngôn ngữ, thì ở một nghĩa nào đó, chúng ta có thể thay đổi cách thức con người suy nghĩ. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI thuộc về thành phần này, cùng với ĐHY Francis George ở Chicago, cũng như các học giả về phụng vụ chẳng hạn Aidan Nichols, OP, Đức Ông Peter Elliott, Stratfort Caldecott thuộc Trung Tâm về Đức Tin và Văn Hóa ở Oxford, và Alcuin Reid, OSB.

 

Vấn:     “Khuynh hướng Tôma thiên Âu Quốc Tinh” của Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã hình thành ra sao cách thức ngài nhận định về hiện tượng dân chủ phóng khoáng?

 

Đáp:    Theo quan điểm thiên Âu Quốc Tinh thì vấn đề lớn nhất đối với chủ nghĩa tự do đó là vấn đề nó muốn trở thành trung lập hay dửng dưng về thần học đối với các truyền thống tôn giáo. Có một danh sách dài các nhà học giả thấy rằng chủ trương tự do cấp tiến về tính cách trung lập thần học này là những gì hư tạo. Bảng liệt kê này bao gồm các Kitô hữu Anh giáo gắn bó với thành phần chính thống bảo thủ cũng như các học giả có kiến thức thần học thiên giáo phái Baptist hơn.

 

Nó không phải là một chủ trương chỉ áp dụng vào thành phần Công giáo được gọi là bảo thủ hay kiểu cực lạc giáo Montanus (thế kỷ 2). Thật vậy hầu hết thành phần hậu tân tiến đều đồng ý với lời bình phẩm này về truyền thống tự do cấp tiến. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã làm sáng tỏ là thành phần Công giáo không được theo thứ ngữ thuật tự do trong việc tin tưởng rằng để là những người công dân tốt họ cần phải chia mình ra thành hai thứ phân nửa vừa công cộng vừa tư riêng.

 

Ngài nhận định rằng chủ nghĩa trần tục tự nó là một thứ ý hệ, một loại chủ trương về tôn giáo cho mình như là tiếng nói duy nhất của lý lẽ. Ngài thấy những quan điểm này gây ra một thách đố cho những thứ văn hóa chính trị chủ chốt của các thể chế dân chủ tự do cấp tuến hiện đại.

 

Tuy nhiên, nói như thế là nói rằng ngài chống lại chủ trương hiến định. Ngài không nói rằng Giáo Hội cần phải điều hành quốc gia. Ngài có lẽ đồng ý với câu nói của Martin Luther King rằng Giáo Hội không phải là chủ của quốc gia mà cũng chẳng phải là tôi tớ của quốc gia mà là lương tâm của quốc gia.

 

Vấn:     Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã được cho rằng là một “con người của văn hóa”, nhưng các thần học gia không biết cảm thức về đại nghệ thuật, ca nhạc hay sự mỹ dường như tỏ ra không chấp nhận như vậy. Văn hóa đóng vai trò ra sao nơi thần học và sinh hoạt chính trị?

 

Đáp:    Một trong những câu của Đức Ratzinger được tôi yêu chuộng trích dẫn đó là câu “Một thần học gia không yêu thích nghệ thuật, thi phú, ca nhạc và thiên nhiên là một con người có thể nguy hiểm!” Theo nhận định của ngài thì một cách nào đó ngài thích tinh thần người Ý hơn là người Đức, vì các thánh nhân là tất cả những người biết mường tượng – không phải là những viên chức của các bộ máy.

 

Nói cách khác, hãy coi chừng con người không yêu thích văn chương, ca nhạc, nghệ thuật, thi phú và thiên nhiên nhưng lại là thành phần rất thích trông coi việc điều khiển máy móc. Tôi chưa từng nghe những gì ngài đã nói với thành phần quan lại ở Vatican, những người được cho biết là muốn tống khứ các con mèo của ngài ra khỏi các tông phòng của ĐTC, thế nhưng họ cũng có vẻ nguy hiểm nữa – tức là thành phần quan lại này.

 

Để trả lời cho câu hỏi của quí vị về văn hóa và thần học, lãnh vực của thần học về văn hóa thì rất bao rộng. Nó đi từ luân lý của các việc thực hành khác nhau về cơ cấu và xã hội, bao gồm cả những việc thực hành thuộc các cơ cấu chính trị nữa, đến những vấn đề về khuôn phép của những loại nhạc khác nhau được sử dụng cho phụng vụ, cũng như đến những vấn đề về vai trò của ngôn ngữ trong tiến trình của việc truyền bá phúc âm hóa.

 

Chẳng hạn việc chúng ta có cần phải chấp thuận ngôn ngữ thuộc các truyền thống tri thức hận thù khi trình bày các giáo huấn của Giáo Hội hay chăng? Và cần phải áp dụng những nguyên tắc nào khi nhận thấy những gì thuộc về “các chiến lợi phẩm của người Ai Cập” cướp đoạt?

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhận định rằng Giáo Hội là chủ thể về văn hóa của riêng Giáo Hội đối với tín hữu, thành phần còn tỏ ra rằng họ không có khuynh hướng theo chính sách mục vụ thích ứng văn hóa của Giáo Hội với bất cứ những gì xẩy ra để trở thành thời trang trong thế giới Tây Phương hiện đại.

 

Trong một bài nói với tổ chức Hiệp Sĩ Columbus, ĐHY Stafford đã nói rằng hết mọi tôn giáo trên thế giới đang rung mình trước bước tiến của nền văn hóa lồi lõm Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng Giáo Hoàng Biển Đức đồng ý với nhận định này, và ngài hiểu rằng Giáo Hội, theo một nghĩa nào đó, cần phải là mẹ của văn hóa. Giáo Hội cần làm mẹ của văn hóa. Giáo Hội cần đưa sự sống về lại cho văn hóa, nhờ đó dân chúng mới có thể được dựng xây và cảm nghiệm thấy cái siêu việt tính bản thân.


Vấn:   Theo Giáo Hoàng Biển Đức thì cái lành mạnh của một nền văn hóa được đo lường bằng những chuẩn mực nào?

 

Đáp:    Trong cuốn sách của mình là “Tinh Thần Phụng Vụ”, Đức Biển Đức XVI đã đặt vấn đề là mục đích duy nhất – không phải là mục đích chính yếu mà là mục đích duy nhất – của việc giải phóng dân Do Thái khỏi vua Pharao đó là vì Thiên Chúa muốn họ có thể tôn thờ theo các qui định của Ngài.

 

Bởi thế, tôi có thể nói rằng, đối với Đức Biển Đức XVI, vấn đề quan trọng nhất về bất cứ nền văn hóa nào đó là vấn đề vị trí ra sao của phụng vụ nơi nền văn hóa đó? Phải chăng nó là sự thiện cao cả nhất? Phải chăng chúng ta đang quan tâm tới một thành đô phụng vụ? Hay phải chăng chúng ta đang quan tâm tới một thứ văn hóa bị chi phối bởi các yếu tố về kinh tế? Ai là thần linh của nền văn hóa ấy? Cái nhãn quan chủ yếu của con người là gì? Thành phần yếu bệnh và mỏng dòn được đối xử ra sao?

 

Thực tế mà nói thì có ít lợi lộc đối với Kitô hữu sống trong một thứ văn hóa cần phải được phép thi hành baât cứ loại diễn đạt phụng vụ nào, nếu, như những người Do Thái dưới thời Pharao, họ bị bắt buộc phải làm việc như thành phần nô lệ chỉ để có được nơi ở và của ăn cho gia đình mình, không có thời giờ để nguyện cầu và giải trí, tức là không có giờ cho Thiên Chúa, trong một cuộc đời bị chi phối bởi việc sống còn về thể lý.

 

Trong cùng tác phẩm ấy, Đức Biển Đức nói rằng lề luật và đạo đức học không đi đôi với nhau nếu chúng không gắn liền với với trọng tâm của phụng vụ và được phụng vụ khởi hứng tác động.

 

Ngài cũng nêu lên vấn đề là hết mọi xã hội đều có những thứ sùng bái của mình; thậm chí có những thể chế hoàn toàn vô thần duy vật cũng kiến tạo nên những hình thức sùng bái riêng. Ngài rất gần gũi với chủ trương của các học giả như Catherine Pickstock và William T. Cavanaugh, người đã lập luận rằng trong xã hội Tây Phương hiện đại, thị trường đã thay thế cho Thánh Thể như đối tượng tôn thờ của chúng ta.

 

Nói thế không có ý nói rằng ngài chống lại tư tưởng về thị trường theo bản chất của nó, thế nhưng, theo tôi nghĩ thì ngài chống lại việc làm cho việc tranh giành của thị trường thành thứ năng lực căn bản cấu đúc của một nền văn hóa.

 

Karl Polanyi đã bày tỏ chủ trương một cách khéo léo khi viết rằng một “lãnh vực tự nhiên” là một lãnh vực mà trong đó kinh tế được gắn liền với các mối liên hệ về xã hội, hơn là một thứ kinh tế mà trong đó các mối liên hệ về xã hội gắn bó với guồng máy kinh tế, làm cho xã hội trở thành một thứ đồ phụ thuộc thuần túy của thị trường.

 

Bằng việc thực hiện cuộc thử nghiệm về vị thế và bản chất của phụng vụ trong một nền văn hóa nào đó, Đức Biển Đức cũng thực hiện chủ trương rất Âu Quốc Tinh. Thánh Âu Quốc Tinh có thể nói rằng những gì chúng ta tôn thờ là dấu hiệu của những gì chúng ta yêu mến, và những gì chúng ta yêu mến là việc công bố về tấm thẻ công dân của chúng ta của Đấng làm chủ hai thành đô – thành đô của Thiên Chúa hay thành đô của con người.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 24-25/7/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ