GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 29/4/2007 PHỤC SINH TUẦN 4 CN CHÚA CHIÊN LÀNH NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU |
? ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp Cho Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Thiên Triệu 2007 - “Ơn gọi phục vụ Giáo Hội như là cuộc hiệp thông”
? “Ơn Thiên Triệu trong mầu nhiệm của Giáo Hội” với Ơn Gọi Linh Mục của Đức Thánh Biển Đức XVI
? ĐTC Gioan Phaolô II: Sứ Điệp Cho Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Thiên Triệu 2005 - “Được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”
“Ơn gọi phục vụ Giáo Hội như là cuộc hiệp thông”
ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Thiên Triệu thứ 44 Chúa Nhật 29/4/2007
Quí Huynh khả kính trong hàng Giáo Phẩm,
Anh chị em thân mến!
Ngày Thế Giới hằng năm Cầu Cho Ơn Thiên Triệu là một cơ hội thuận lợi để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các ơn gọi trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, cũng như để gia tăng lời nguyện cầu của chúng ta để các ơn gọi thêm gia tăng về số lượng và phẩm chất. Đối với việc cử hành sắp tới đây, tôi muốn toàn thể dân Chúa chú trọng tới đề tài sau đây, một đề tài có tính cách thời sự hơn bao giờ hết, đó là ơn gọi phục vụ Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông.
Năm ngoái, vào những buổi triều kiến chung Thứ Tư, tôi đã bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Tôi vạch ra rằng cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi đã được xây dựng, theo tận cội nguồn của mình, là vào lúc có một số tay đánh cá xứ Galilêa gặp gỡ Chúa Giêsu, họ cảm thấy bị thu hút bởi ánh mắt và tiếng nói của Người, và đã chấp nhận lời Người thiết tha mời gọi: ‘Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho anh em trở nên các tay đánh cá người!’ (Mk 1:17; x Mt 4:19). Thật vậy, Thiên Chúa bao giờ cũng chọn một số cá nhân làm việc với Ngài một cách trực tiếp hơn, để hoàn thành dự án cứu độ của Ngài. Trong Cựu Ước, từ ban đầu, Ngài đã kêu gọi Abraham để hình thành một ‘dân tộc vĩ đại’ (Gen 12:2); sau đó, Ngài đã kêu gọi Moisen để giải phóng dân Yến Duyên khỏi tình trạng làm nô lệ ở Ai Cập (x Ex 3:10).
Tiếp theo, Ngài đã chỉ định những người khác, nhất là các v ị tiên tri, để bênh vực và bảo toàn giao ước của Ngài với dân của Ngài. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai hứa hẹn, đã mời gọi mỗi một vị tông đồ ở với Người (x Mk 3:14) để chia sẻ sứ vụ với Người. Tại Bữa Tiệc Ly, khi ủy thác cho các vị nhiệm vụ trường thiên hóa việc tưởng nhớ tới cuộc tử nạn và phục sinh của Người cho tới khi Người trở lại trong vinh quang vào ngày cùng tháng tận, Người đã hiến dâng lên Chúa Cha để cầu cho các vị lời nguyện đoạn trường này: ‘Con tỏ danh Cha cho họ, và Con sẽ còn tỏ ra nữa, để tình Cha yêu Con ở trong họ và Con cũng ở trong họ’ (Jn 17:26). Bởi thế, sứ vụ của Giáo Hội là những gì được tìm thấy nơi mối hiệp thông sâu xa trung thực với Thiên Chúa vậy.
Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công Đồng Chung Vaticanô II diễn tả Giáo Hội là ‘một dân tộc được làm nên một với mối hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần’ (số 4), một mối hiệp nhất phản ảnh chính mầu nhiệm về Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là tình yêu của Ba Ngôi được phản ảnh nơi Giáo Hội. Ngoài ra, nhờ hoạt động của Thánh Linh, tất cả mọi phần tử của Giáo Hội làm thành ‘một thân thể và một tinh thần’ trong Chúa Kitô. Dân tộc này, được tổ chức thành cơ cấu dưới sự hướng dẫn của các vị Chủ Chiên, sống mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với anh chị em, nhất là khi qui tụ lại để cử hành Thánh Thể. Thánh Thể là nguồn mạch của mối hiệp nhất giáo hội là mối hiệp nhất được Chúa Giêsu nguyện cầu vào tối áp cuộc khổ nạn của Người: ‘Xin Cha… cho họ cũng được nên một trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con’ (Jn 17:21). Mối hiệp thông chặt chẽ này là những gì thuận lợi cho việc gia tăng các ơn gọi quảng đại trong việc phục vụ Giáo Hội, ở chỗ, tâm can của tín hữu, tràn đầy tình yêu thần linh, được tác động để dấn thân trọn vẹn cho Nước Trời. Bởi thế, để nuôi dưỡng các ơn gọi, hoạt động mục vụ cần phải chú trọng tới mầu nhiệm của Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông; vì ai sống trong một cộng đồng giáo hội biết hòa hợp, cùng hữu trách và biết ý thức, chắc chắn sẽ dễ dàng nhận ra tiếng gọi của Chúa hơn. Thế nên, việc chăm sóc cho các ơn gọi đòi phải được ‘giáo dục’ liên tục trong việc lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Đó là những gì Eli đã làm, khi ông đã giúp cho trẻ Samuel hiểu được những gì Thiên Chúa đang mong muốn nơi em và lập tức mang ra thực hành (x 1Sam 3:9). Bởi vậy, việc cởi mở và trung thành lắng nghe chỉ có thể xẩy ra trong bầu khí hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa là mối hiệp thông chính yếu được hiện thực nơi việc cầu nguyện. Theo lệnh truyền tỏ tường của Chúa thì chúng ta cần phải van nài tặng ân các ơn gọi, trước hết bằng việc cùng nhau nguyện cầu liên lỉ cùng ‘vị Chúa của mùa màng’. Lời mời gọi này ở thể số nhiều: ‘Vậy các con hãy cầu xin Chủ mùa màng hãy sai các viên thợ tới làm mùa của Ngài’ (Mt 9:38). Lời Chúa mời gọi này ứng đối khít khao với kiểu cách của ‘Kinh Lạy Cha’ (Mt 6:9), một lời nguyện cầu được Người dạy cho chúng ta và là lời nguyện cầu làm nên ‘một tổng hợp của cả Phúc Âm’ theo kiểu diễn tả của giáo phụ Tertullian (cf. De Oratione, 1,6: CCL I, 258). Theo chiều hướng ấy, còn có một lời hữu ích khác của Chúa Giêsu, đó là: ‘Nếu có hai người trong các con hiệp nhau trên thế gian này để xin bất cứ điều gì thì Cha Thày trên trời sẽ thực hiện cho họ’ (Mt 18:19). Thế nên, Vị Mục Tử Nhân Lành mời gọi chún g ta hãy cầu cùng Cha trên trời, nguyện cầu một cách hiệp nhất và thiết tha, để Ngài ban các ơn gọi phục vụ Giáo Hội như là cuộc hiệp thông.
Gặt hái được kinh nghiệm mục vụ trong các thế kỷ qua, Công Đồng Chung V aticanô II đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục những linh mục tương lai sống mối hiệp thông đích thực của giáo hội. Về vấn đề này, chúng ta đọc thấy trong sác lệnh Presbyterorum ordinis rằng: ‘Khi hành sử vai trò của Chúa Kitô là vị mục tử và là đầu, theo việc chia sẻ với quyền bính của Người, các vị linh mục, nhân danh vị Giám Mục, qui tụ gia đình của Thiên Chúa lại với nhau như anh chị em với nhau có cùng một tinh thần. Nhờ Chúa Kitô, các v ị dẫn dắt họ trong Thánh Linh đến cùng Thiên Chúa là Cha’ (số 6). Tông Huấn Pastores dabo vobis cũng âm vang lời phát biểu này của Công Đồng, khi nó nhấn mạnh rằng vị linh mục là ‘người tôi tớ của Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông bởi vì – hiệp nhất với vị Giám Mục và chặt chẽ liên kết với hàng giáo sĩ – ngài xây dựng mối hiệp nhất của cộng đồng Giáo Hội trong việc hòa hợp các ơn gọi, các đoàn sủng và các việc phục vụ khác nhau’ (số 16). Trong thành phần dân Kitô giáo, vấn đề bất khả châm chước đó là việc hết mọi thừa tác vụ và đoàn sủng đều hướng về mối hiệp thông trọn vẹn; và các vị Giám Mục và linh mục có nhiệm vụ cổ động mối hiệp thông này hòa hợp với mọi ơn gọi và việc phục vụ khác của Giáo Hội. Cả đời tận hiến nữa, tự bản chất của mình, phục vụ cho mối hiệp thông ấy, như vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của tôi nhấn mạnh tới trong Tông Huấn Vita consecrate: ‘Đời sống tận hiến chắc chắn có thể ghi công khi hiệu nghiệm giúp vào việc làm sống động nơi Giáo Hội trách nhiệm huynh đệ như là một hình thức chứng từ cho Chúa Ba Ngôi. Bằng việc liên lỉ cộ võ tình yêu thương huynh đệ, cũng như nơi hình thức chung sống, đời tận hiến đã chứng tỏ rằng việc tham phần vào mối hiệp thông Ba Ngôi là những gì có thể làm thay đổi những mối liên hệ về con người và tạo nên một thể thức đoàn kết mới mẻ’ (số 41).
Tâm điểm của hết mọi cộng đồng Kitô hữu là Thánh Thể, nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo Hội. Bất cứ ai dấn thân phục vụ Phúc Âm, nếu họ sống Thánh Thể, đều tiến triển trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, nhờ đó góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông. Chúng ta có thể khẳng định rằng ‘tình yêu Thánh Thể’ làm phấn chấn và hình thành hoạt động ơn gọi của toàn thể Giáo Hội, vì, như tôi đã viết trong Thông Điệp Thiên Chúa là tình yêu, các ơn gọi làm linh mục và các thừa tác vụ cùng phục vụ khác nẩy nở trong dân Chúa ở bất cứ nơi nào có những ai phản ánh Chúa Kitô nơi Lời của Người, nơi các bí tích và nhất là nơi Thánh Thể. Đúng thế, vì ‘nơi phụng vụ của Giáo Hội, nơi việc nguyện cầu của Giáo Hội, nơi cộng đồng sống động tín hữu, chún g ta cảm nghiệm thấy tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy việc Người hiện diện và nhờ đó chúng ta nhận ra việc hiện diện ấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Người đã yêu thương chún g ta trước và Người tiếp tục làm như thế; để cả chúng ta nữa cũng có thể yêu thương đáp ứng’ (số 17).
Sau hết, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, vị đã nâng đỡ cộng đồng tiên khởi, nơi ‘tất cả mọi người hiệp nhất nguyện cầu’ (Acts 1:14), để xin Mẹ giúp Giáo Hội trong thế giới ngày nay trở thành hình ảnh của Chúa Ba Ngôi, một dấu hiệu sống động của tình yêu thần linh cho tất cả mọi dân nước. Chớ gì vị Trinh Nữ này, vị đã đáp ứng tức khắc tiếng gọi cũa Chúa Cha khi thưa ‘Này tôi là nữ tỳ của Chúa’ (Lk 1:38), chuyển cầu để dân Kitô Giáo không thiếu hụt những con người tôi tớ của niềm vui thần linh, đó là những linh mục, trong mối hiệp thông với các vị Giám Mục của mình, trung thành loan báo Phúc Âm và cử hành các bí tích, chăm sóc dân Chúa, và sẵn sàng truyền bá phúc âm hóa cho tất cả loài người. Chớ gì Mẹ bảo toàn, cả trong thời đại của chúng ta nữa, việc gia tăng số lượng thành phần sống đời tận hiến, thành phần đi ngược chiều, sống các lời khuyên phúc âm về đức khóa nghèo, thanh tịnh và tuân phục, và hùng hồn làm chứng cho Chúa Kitô cũng như cho sứ điệp cứu độ giải phóng của Người. Anh chị em thân mến, thành phần được Chúa gọi sống các ơn gọi đặc biệt trong Giáo Hội: tôi xin đặc biệt ký thác anh chị em cho Mẹ Maria, để Mẹ, vị đã hiểu được hơn ai hết ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói: ‘Mẹ của tôi và anh chị em của Tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ’ (Lk 8:21), dạy cho anh chị em biết lắng nghe Người Con thần linh của Mẹ. Chớ gì Mẹ giúp cho anh chị em biết đáp b ằng cuộc sống của mình rằng: ‘Này con xin đến để làm theo ý Chúa, ôi Thiên Chúa’ (x Heb 10:7). Với những ước nguyện ấy, tôi hứa đặc biệt nhớ tới từng người trong anh chị em trong lời nguyện cầu và tôi thành thực ban phép lành cho tất cả an h chị em.
Tại Vatican ngày 10/2/2007
Biển Đức XVI
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/vocations/documents/hf_ben-xvi_mes_20070210_xliv-vocations_en.html
? “Ơn Thiên Triệu trong mầu nhiệm của Giáo Hội” với Ơn Gọi Linh Mục của Đức Thánh Biển Đức XVI
Thực tế cho thấy, vị Giáo Hoàng nào cũng rất chú trọng đến Ơn Thiên Triệu. Chẳng hạn Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập Ngày Thiên Triệu này vào năm 1964. Rồi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết thư gửi cho các vị linh mục vào các ngày Thứ Năm Tuần Thánh hằng năm suốt 25 năm trời. Và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tỏ ra rất thích gặp gỡ thành phần chủng sinh và linh mục ở khắp nơi và trực tiếp giải quyết những thắc mắc của họ. Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành cầu cho Ơn Thiên Triệu, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI năm 2006 về Ơn Thiên Triệu trong Mầu Nhiệm Giáo Hội.
Trong sứ điệp gửi cho Ngày Thế Giới Ơn Thiên Triệu lần thứ 43 ngày 7/5/2006, vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta nói về đề tài “Ơn Thiên Triệu trong mầu nhiệm của Giáo Hội”, trong đó, có ít là 4 điểm đáng và cần đặc biệt chú ý sau đây:
Điểm thứ nhất, đó là việc ngài cảm nhận và xác tín về mầu nhiệm ơn gọi hiệp thông thần linh được bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi như sau: “Trước khi thế giới được tạo thành, trước khi chúng ta được hiện hữu, Cha trên trời đã chọn riêng chúng ta, kêu gọi chúng ta đến với mối liên hệ con cái với Ngài, nhờ Đức Giêsu, Lời Nhập Thể, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh”.
Để chứng minh cụ thể mầu nhiệm ơn gọi của riêng bản thân mình, trong cuộc gặp gỡ giới trẻ Rôma vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô để sửa soạn cho họ cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI Chúa Nhật Lễ Lá 16/4/2006, trong 5 câu vấn đáp với 5 người trẻ, nhất là với Vittorio, thuộc Giáo Xứ Thánh Gioan Bosco ở Cinecittà, 20 tuổi, đang theo học ngành giáo dục ở Đại Học Tor Vergata, ngài đã đề cập tới 3 yếu tố được Chúa Quan Phòng định liệu liên quan tới ơn gọi làm linh mục của ngài, đó là bối cảnh chủ nghĩa Đức Quốc Nazi, phụng vụ và khoa thần học Kitô Giáo. Ngài nói:
“Đối với trường hợp của tôi, tôi đã lớn lên ở một thế giới rất khác với thế giới ngày nay, nhưng cuối cùng thì tình trạng lại giống như nhau. Một mặt thì tình trạng ‘Kitô Giáo’ vẫn còn đó, vẫn còn được đến nhà thờ như thường và chấp nhận đức tin theo như Thiên Chúa mạc khải, và cố gắng sống theo mạc khải của Ngài; đàng khác lại có chế độ Nazi lớn tiếng tuyên bố rằng: ‘Ở tân Đức quốc này không còn vấn đề linh mục, không còn vấn đề sống đời tận hiến, chúng ta không cần đến những thành phần ấy; hãy tìm kiếm một nghề nghiệp khác’. Tuy nhiên, chính vì nghe thấy những tiếng ‘la lối’ ấy, đối diện với cảnh tàn ác của chế độ ấy với một gương mặt phi nhân, mà tôi đã nhận ra rằng lại càng cần phải có các vị linh mục. Cái tương phản ấy, việc chứng kiến thấy thứ văn hóa phản nhân bản ấy, đã củng cố niềm xác tín của tôi là Chúa Kitô, Phúc Âm và đức tin mới chỉ cho thấy con đường ngay chính, và chúng ta buộc phải dấn thân bảo đảm để còn đường này được tồn tại. Trong trường hợp như thế, ơn gọi làm linh mục tăng tiến nơi tôi, hầu như là tự nhiên, không hề xẩy ra một biến cố hoán cải thảm thiết nào.
Còn hai điều khác cũng đã giúp tôi trong cuộc hành trình này, ở chỗ, là một đứa con trai, được cha mẹ và linh mục coi xứ giúp đỡ, tôi đã khám phá ra vẻ đẹp của phụng vụ, và tôi tiến đến chỗ yêu chuộng phụng vụ mỗi ngày một hơn, vì tôi cảm thấy rằng vẻ đẹp thần linh tỏ hiện nơi phụng vụ và trời cao mở ra trước mắt chúng ta. Yếu tố thứ hai là việc khám phá ra vẻ đẹp của kiến thức, của việc hiểu biết Thiên Chúa và Thánh Kinh, nhờ đó mới có thể tiến vào cuộc phiêu lưu cả thể của việc đối thoại với Thiên Chúa đó là thần học. Bởi vậy, thật là niềm vui khi tiến vào công cuộc thần học cả ngàn năm này, tham dự vào việc cử hành phụng vụ này là việc trong đó Thiên Chúa ở với chúng ta và cử hành với chúng ta”.
Điểm thứ hai, ngài đã khẳng định và trấn an rằng: “Để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa và để bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta thì không cần gì phải hoàn hảo đã”. Thế rồi chính ngài đã dẫn giải bằng lập luận như sau:
“Chúng ta biết rằng việc nhận thức về tội lỗi của mình đã làm cho người con hoang đàng bắt đầu cuộc hành trình trở về của mình, nhờ đó cảm thấy được niềm vui hòa giải với Cha. Những yếu hèn và các giới hạn của con người không phải là những chướng vật, miễn là chúng giúp cho chúng ta ý thức hơn về sự kiện chúng ta cần đến ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Đó là cảm nghiệm của Thánh Phaolô, vị đã thú nhận rằng: ‘Tôi càng hãnh diện hơn về những nỗi yếu hèn của mình, để quyền năng của Chúa Kitô được tỏ hiện nơi tôi’ (2Cor 12:9). Trong mầu nhiệm Giáo Hội, Nhiệm Thể của Chúa Kitô, quyền lực yêu thương thần linh biến đổi tâm can con người, làm cho họ có thể thông đạt tình yêu của Thiên Chúa cho anh em mình. Qua các thế kỷ, nhiều con người nam nữ, được tình yêu thần linh biến đổi, đã tận hiến đời mình cho Nước Trời”.
Chưa hết, cũng cùng câu trả lời cho Vittorio là người trẻ thứ tư trên đây, liên quan tới Ơn Thiên Triệu của ngài, ngài đã thành thật thú nhận những khó khăn ngài đồng thời đã gặp phải trước khi đi học làm linh mục như thế này:
“Dĩ nhiên, cũng không phải là không có vấn đề. Tôi đã tự hỏi rằng tôi thực sự có thể sống độc thân suốt đời của mình được chăng. Là một con người được đào luyện về lý thuyết chứ không phải thực hành, tôi cũng biết rằng việc yêu chuộng thần học vẫn chưa đủ để trở thành một vị linh mục tốt lành, song còn cần phải luôn trở nên thuận lợi cho giới trẻ, cho người già, cho bệnh nhân và cho người nghèo, tức nhu cầu cần phải trở thành giản dị với thành phần đơn thành. Thần học là những gì đẹp đẽ thật, nhưng tính chất đơn thành nơi ngôn từ và đời sống Kitô hữu là những gì bất khả châm chước. Bởi vậy mà tôi đã tự hỏi mình rằng: Liệu tôi có thể sống tất cả những điều ấy hay chăng, chứ không chỉ sống một chiều, thuần túy là một thần học gia v.v.? Tuy nhiên, Chúa Kitô đã giúp tôi và thành phần bạn hữu, trong đó đặc biệt có các vị linh mục và thày dạy tốt lành đã giúp đỡ tôi”.
Điểm thứ ba, ngài đã khẳng định bản chất của vấn đề nam nhân làm linh mục, khi nói: “Trong chiều hướng của ơn gọi phổ quát này, Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm, trong mối quan tâm của mình đối với Giáo Hội, bởi vậy mới kêu gọi nơi mỗi thế hệ những con người để chăm sóc cho dân của Người; đặc biệt là Người kêu gọi lên hàng linh mục thừa tác những nam nhân thi hành vai trò thân phụ là vai trò được bắt nguồn từ chính vai trò thân phụ của Thiên Chúa (x Eph 3:14)”.
Riêng tôi, căn cứ vào điểm thứ ba này, khi có ai hỏi chúng ta rằng tại sao Giáo Hội không truyền chức linh mục cho nữ giới, chúng ta nói rằng bởi vì căn cứ vào Mạc Khải và Thánh Truyền, Mạc Khải vì Chúa Kitô không làm như thế và theo Truyền Thống các tông đồ cũng không làm như vậy. Nếu được hỏi thêm, thế thì tại sao Chúa Kitô lại không chọn nữ giới làm linh mục, chúng ta có thể trả lời rằng vì Chúa Kitô là Linh Mục và là nam nhân chứ không phải nữ nhân. Nếu cần, để trả lời cho câu hỏi vậy thì tại sao Lời Nhập Thể là nam nhân mà không phải nữ nhân, chúng ta có thể đáp rằng vì Thiên Chúa được Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha chứ không phải là mẹ. Còn vấn đề tại sao Thiên Chúa là Cha mà không phải là mẹ là bởi vì Cha đây là danh xưng và là vai trò liên quan tới sự sống, tới tác động thông ban sự sống, tới nguồn gốc sự sống. Bởi thế nam nhân được chọn làm linh mục để thông truyền sự sống thần linh qua việc ban các bí tích thánh vậy.
Điểm thứ bốn, ngài còn khẳng định tính cách bất khả thay thế của vai trò linh mục thừa tác, khi nói: “Sứ vụ của vị linh mục trong Giáo Hội là những gì không thể nào thay thế được. Thế nên, cho dù ở một số miền thiếu hàng giáo sĩ cũng không bao giờ được ngờ vực việc Chúa Kitô tiếp tục tuyển chọn thành phần nam giới, như các vị Tông Đồ, bỏ lại tất cả mọi việc khác, hoàn toàn dấn thân cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh, cho việc rao giảng Phúc Âm và cho việc thừa tác mục vụ”. Tuy nhiên, để làm sao có được dồi dào ơn gọi và biết được mình có ơn gọi, Đức Thánh Cha đã cho biết như sau.
Về việc làm sao cho có ơn Thiên Triệu trong Giáo Hội, ngài nói là sống nguyện cầu và thân tình với Chúa Kitô, như ngài đã đề cập tới trong chính sứ điệp cho Ngày Thế Giới Ơn Thiên Triệu 2006 như sau:
“Khi nhớ đến lời khuyên của Chúa Giêsu: ‘Mùa màng thì bề bộn mà thờ gặt lại ít oi; vậy các con hãy xin chủ mùa sai thợ tới làm mùa cho Ngài’ (Mt 9:37), chúng ta nhận thấy nhu cầu quan trọng của việc nguyện cầu cho ơn thiên triệu linh mục và sống đời tận hiến. Không lấy gì làm lạ ở đâu con người thiết tha nguyện cầu thì ở đó ơn gọi phát triển. Sự thánh thiện của Giáo Hội chính yếu lệ thuộc vào mối hiệp nhất với Chúa Kitô cũng như vào việc hướng về mầu nhiệm ân sủng đang tác động nơi tâm can của Kitô hữu. Bởi thế, tôi cần phải mời tất cả mọi tín hữu hãy nuôi dưỡng mối liên hệ thân tình với Chúa Kitô, Vị Sư Phụ và là Vị Mục Tử của dân Người, noi gương bắt chước Mẹ Maria là vị lưu giữ các mầu nhiệm thần linh trong lòng mà trân trọng suy niệm (x Lk 2:19)”.
Về việc làm sao biết được mình có ơn thiên triệu làm linh mục hay sống đời tận hiến, cũng trong câu trả lời cho người trẻ thứ tư trên đây, ở phần cuối, ngài đã chỉ dẫn thế này:
“Trở về với câu hỏi, ‘Đức Thánh Cha có thể ban cho chúng con lời khuyên dụ nào để chúng con có thể thực sự hiểu được rằng Chúa Kitô đang gọi chúng con theo Người để sống đời tận hiến hay linh mục hay chăng?’, tôi nghĩ cần phải chú ý tới những cử chỉ của Chúa nơi cuộc hành trình của chúng ta. Người nói với chúng ta qua các biến cố, qua con người, qua các cuộc gặp gỡ: Cần phải chú ý tới tất cả những điều ấy. Thế rồi, vấn đề thứ hai đó là cần phải tiến vào cuộc thân tình thật sự với Chúa Giêsu bằng mối liên hệ riêng tư với Người, chứ không phải chỉ biết Chúa Giêsu là ai từ kẻ khác hay từ các thứ sách vở, mà là sống mối liên hệ riêng tư sâu xa hơn với Chúa Giêsu, để có thể bắt đầu hiểu được những gì Người đang muốn ngỏ ý với chúng ta. Sau đó là việc nhận thức về những gì tôi là, về những khả năng của tôi, ở chỗ, một mặt thì can đảm, mặt khác thì khiêm tốn, tin tưởng và cởi mở, cùng với cả sự giúp đỡ của bạn bè, của thẩm quyền Giáo Hội cũng như của các vị linh mục, của các gia đình: Chúa muốn gì nơi tôi đây? Dĩ nhiên, đó luôn là một cuộc đại mạo hiểm, thế nhưng cuộc sống chỉ thành công nếu chúng ta can đảm mạo hiểm, tin tưởng rằng Chúa Kitô sẽ không bao giờ để tôi một mình, Chúa Kitô sẽ đi với tôi và giúp đỡ tôi”.
Ngoài ra, trong bài huấn từ ngỏ cùng Chủng Sinh tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX hôm 19/8/2005, ngài còn cho biết thêm về một dấu chỉ nữa có thể so sánh với tiếng sét ái tình như sau:
“Tại sao các Nhà Đạo Sĩ từ xa lên đường đến Bêlem? Câu trả lời có liên hệ tới mầu nhiệm ‘ngôi sao’ được họ thấy ‘ở Phương Đông’ và là ngôi sao họ nhìn nhận là ngôi sao của ‘Vua dân Do Thái’, tức là dấu chỉ hạ sinh của Đấng Thiên Sai (x Mt 2:2). Bởi vậy cuộc hành trình của họ đã được thúc đẩy bởi một niềm hy vọng mãnh liệt, một niềm hy vọng được ngôi sao này củng cố và hướng dẫn, ngôi sao dẫn họ đến với Vị Vua của dân Do Thái, tới vương quyền của chính Thiên Chúa. Các Nhà Đạo Sĩ lên đường vì ước vọng sâu xa thúc đẩy họ lìa bỏ mọi sự và bắt đầu cuộc hành trình. Hình như họ đã từng đợi chờ ngôi sao ấy. Hình như cuộc hành trình này lúc nào cũng là một phần nơi số phận của họ, và cuối cùng sắp sửa bắt đầu.
“Các bạn thân mến, đó là mầu nhiệm của lời Chúa kêu gọi, mầu nhiệm của ơn kêu gọi. Nó là một phần trong cuộc sống của hết mọi Kitô hữu, thế nhưng nó đặc biệt hiển nhiên nơi những ai được Chúa Kitô xin hãy bỏ hết mọi sự mà theo Người khít khao hơn. Người chủng sinh cảm nghiệm thấy vẻ đẹp của ơn gọi ấy vào giây phút ân sủng là giây phút có thể được gọi là ‘phải lòng’. Linh hồn họ cảm thấy đầy những ngỡ ngàng bàng hoàng khiến họ đặt vấn đề khi cầu nguyện là: ‘Chúa ơi, tại sao lại là con nhỉ?’ Thế nhưng tình yêu không hế biết đến vấn đề ‘tại sao’; nó là một tặng ân nhưng không mà con người đáp lại bằng việc hy hiến bản thân mình”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
“Được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”
ĐTC GPII: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi lần 42 Năm 2005
Vào năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi hằng năm, cũng như Ngày Thế Giới Hòa Bình hằng năm (được bắt đầu từ năm 1968 vào ngày đầu năm Dương lịch). Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi 2005 sẽ là ngày 17/4, Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh cũng gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Theo truyền thống của ngày này, cũng như của các ngày khác, như Ngày Thế Giới Truyền Giáo, Ngày Thế Giới Truyền Thông v.v., ĐTC GPII, từ ngày lên làm Giáo Hoàng đến nay, đã không bỏ một năm nào mà không gửi sứ điệp cho từng ngày đặc biệt ấy.
Hai năm mới đây, ý tưởng chính của sứ điệp cho Ngày Nguyện Cầu Ơn Gọi này là Lý Tưởng Phục Vụ (2003) và Xin chủ sai thợ đến làm mùa (2004). Chủ đề năm nay là “được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”, ý tưởng nồng cốt của Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ (ban hành ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000), và cũng là ý hướng của ĐTC GPII muốn Giáo Hội sống trong ngàn năm thứ 3 Kitô giáo. Sau đây là nguyên văn sứ điệp cho Ngày Nguyện Cầu Ơn Gọi 2005 của ngài.
Chư Huynh đáng kính trong Hàng Giáo Phẩm,
Anh Chị Em rất thân mến!
1. "Duc in altum!" – “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu!”. Mở đầu cho bức Tông Thư Novo millennio ineunte – Vào lúc khởi đầu cho một tân thiên niên kỷ, tôi đã trích lại những lời Chúa Giêsu sử dụng để khuyến khích các môn đệ đầu tiên của Người trong việc thả lưới sâu hơn để bắt cá, một việc đã mang lại một mẻ cá lạ lùng. Chúa Giêsu nói với tông đồ Phêrô rằng: "Duc in altum – Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu” (Lk 5:4). “Phêrô và những người đồng bạn đầu tiên đã tin tưởng vào những lời của Chúa Kitô mà thả lưới” (Novo millennio ineunte, 1).
Cảnh Phúc Âm quá quen thuộc này có thể được sử dụng như là một bối cảnh cho Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi theo chủ đề “được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”. Đây là một dịp đặc biệt để suy nghĩ về ơn gọi theo Chúa Kitô, nhất là theo Người trong đời sống linh mục và tận hiến tu trì.
2. "Duc in altum!" Mệnh lệnh này của Chúa Kitô đặc biệt liên hệ với thời đại của chúng ta, khi mà đang có một tâm thức phổ thông, khi đối diện với những thứ khó khăn, ưa chuộng những gì dễ dãi cho bản thân. Điều kiện đầu tiên để “thả lưới ở chỗ nước sâu” đó là vun trồng một tinh thần cầu nguyện sâu xa được nuôi dưỡng bằng việc hằng ngày lắng nghe Lời Chúa. Tính cách chân thực của đời sống Kitô hữu được đo lường bằng sự sâu xa nguyện cầu của họ, một nghệ thuật cần phải được khiêm tốn học hỏi “từ môi miệng của Vị Tôn Sư Thần Linh”, van nài “như những người môn đệ đầu tiên rằng ‘Lạy Thày, xin dạy chúng con cầu nguyện!’ (Lk 11:1). Trong việc nguyện cầu diễn ra một cuộc đối thoại với Chúa Kitô và cuộc đối thoại này làm cho chúng ta trở thành những người bạn thân tình của Người: ‘Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con’ (Jn 15:4)” (Novo millennio ineunte, 32).
Mối liên hệ với Chúa Kitô bằng việc nguyện cầu cũng giúp cho chúng ta ý thức được rằng Người cũng hiện diện cả trong những lúc có vẻ thua bại, khi nỗ lực liên lỉ dường như vô bổ, như đã xẩy ra cho chính các Vị Tông Đồ, những người vất vả thâu đêm mà vẫn kêu lên: “Lạy Thày, chúng tôi chẳng bắt được gì cả” (Lk 5:5). Đặc biệt là trong những lúc ấy người ta cần phải mở lòng ra hứng nhận muôn vàn ân sủng và để cho lời của Đấng Cứu Thế tác động với tất cả quyền lực của mình: "Duc in altum!" (cfr Novo millennio ineunte, 38).
3. Ai mở lòng mình ra cho Chúa Kitô thì chẳng những hiểu được mầu nhiệm của việc họ hiện hữu mà còn cả mầu nhiệm ơn gọi của họ nữa; họ sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái ân sủng. Hoa trái đầu tiên sẽ là việc họ lớn lên trong thánh đức, theo tiến trình của cuộc hành trình thiêng liêng được bắt đầu từ tặng ân của Phép Rửa và tiếp tục cho tới tầm mức thành toàn của đức mến trọn hảo (cfr. Ibid., 30). Sống Phúc Âm một cách nguyên vẹn, Kitô hữu bao giờ cũng tăng triển khả năng yêu thương như Chúa Kitô đã yêu thương, và đáp ứng lời kêu gọi của Chúa Kitô: “Bởi thế, các con phải nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48). Họ sẽ dấn thân bảo trì mối hiệp nhất với an hem họ trong mối hiệp thông của Giáo Hội, và họ sẽ dấn thân phục vụ việc tân truyền bá phúc âm hóa, loan truyền và làm chứng cho sự thật tuyệt vời về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
4. Thanh thiếu niên và giới trẻ thân mến, tôi đặc biệt lập lại với các bạn lời Chúa Kitô mời gọi “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu”. Các bạn cảm thấy mình cần phải thực hiện những quyết định quan trọng cho tương lai của các bạn. Tôi vẫn ấp ủ trong lòng tôi hồi niệm về nhiều cơ hội trong nhiều năm trời đã được gặp gỡ giới trẻ, thành phần giờ đây đã trở thành người lớn, một số trong họ có lẽ đã là cha mẹ của các bạn, hay là những linh mục hoặc tu sĩ, những bậc thày dạy đức tin của các bạn. Tôi đã thấy họ, hân hoan vui sướng như giới trẻ thực sự, nhưng cũng tỏ ra suy tư, vì họ cảm thức được một niềm ước mong làm sao cho đời sống của họ được hoàn toàn có ‘ý nghĩa’. Tôi càng ngày càng thấy được hơn nữa nơi giới trẻ cái hấp lực mạnh mẽ biết bao trước những thứ giá trị về tinh thần, và niềm mong ước chân tình biết mấy muốn sống thánh đức. Giới trẻ cần Chúa Kitô, thế nhưng họ cũng biết rằng Chúa Kitô cũng tỏ ra cần đến họ nữa.
Giới trẻ nam nữ thân mến! Các bạn hãy tin tưởng Chúa Kitô; hãy chăm chú lắng nghe những giáo huấn của Người, hãy gắn mắt vào dung nhan của Người, hãy kiên tâm lắng nghe Lời của Người. Các bạn hãy để Người là tâm điểm của việc các bạn tìm kiếm và khát mong, củ atất cả mọi lý tưởng của các bạn cũng như của các ước mong trong lòng các bạn.
5. Giờ đây tôi hướng về anh chị em, những người làm cha mẹ và những nhà giáo dục Kitô giáo thân mến, về những linh mục, tu sĩ và giáo lý viên thân mến. Thiên Chúa đã ký thác cho anh chị em công việc đặc biệt hướng dẫn giới trẻ trên con đường thánh đức. Anh chị em hãy làm gương sáng cho chúng trong việc quảng đại trung thành với Chúa Kitô. Anh chị em hãy khuyến khích chúng hăng hái “thả lưới ở chỗ nước sâu”, nhiệt tình đáp lời mời gọi của Chúa. Một số được Người gọi sống đời gia đình, những người khác sống đời tận hiến tu trì hay đời linh mục thừa tác. Anh chị em hãy giúp chúng nhận thức được con đường của chúngï, trở thành những người bạn đích thực của Chúa Kitô và trở nên môn đệ chân thực của Người. Khi những con người thành nhân Kitô giáo chứng tỏ mình có khả năng bày tỏ dung nhan của Chúa Kitô qua lời nói và gương sáng của họ, thì giới trẻ mới dễ dàng sẵn sàng đón nhận sứ điệp gay go thách đố của Người thực sự có ghi ấn tín mầu nhiệm Thập Giá.
Anh chị em đừng quên rằng cả ngày nay nữa vẫn cần đến những vị linh mục thánh thiện, những con người hoàn toàn hiến thân phụng sự Thiên Chúa! Ý thức như thế, tôi muốn lập lại một lần nữa rằng: “Rất cần phải áp dụng một chương trình rộng lớn để cổ võ ơn kêu gọi, bằng việc liên lạc riêng tư, bao gồm các giáo xứ, học đường và gia đình trong nỗ lực nuôi dưỡng ý nghĩ thận trọng hơn về các thứ giá trị thiết yếu của đời sống. Những giá trị này tiến đến chỗ trọn vẹn của mình nơi việc đáp ứng của con người được mời gọi đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, nhất là khi tiếng gọi ấy bao hàm việc hoàn toàn trao tặng bản thân mình cùng sinh lực của mình cho Nước Trời” (Novo millennio ineunte, 46).
Hỡi giới trẻ, tôi lập lại lời của Chúa Giêsu với các bạn: “Duc in altum!”. Trong việc đề ra cho các bạn một lần nữa lời huấn dụ của Người, tôi đồng thời cũng nghĩ đến những lời mà Mẹ Maria, Mẹ Người, đã nói cùng thành phần phục dịch tiệc cưới Cana ở Galilêa: “Các anh hãy làm những gì Người bảo” (Jn 2:5). Giới trẻ thân mến, Chúa Kitô đang xin các bạn hãy “thả lưới ở chỗ nước sâu” và Trinh Nữ Maria đang khuyến khích các bạn đừng ngại ngần tiến bước theo Người.
6. Chớ gì lời thiết tha nguyện cầu, được nâng đỡ bởi việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, từ khắp nơi trên thế giới dâng lên Cha trên trời để xin Ngài sai “thợ đến làm mùa của Ngài” (Mt 9:38). Chớ gì Ngài gửi tới cho hết mọi phần thuộc đàn chiên của Ngài những vị linh mục nhiệt thành và thánh hảo. Với ý thức ấy, chúng ta hãy hướng về Chúa Kitô, Vị Linh Mục Thượng Phẩm, để lại tin tưởng nguyện cầu cùng Người rằng:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Đấng chất chứa trọn vẹn Thần Tính,
Chúa kêu gọi tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu”,
Bằng việc đi vào con đường dẫn đến thánh đức.
Xin Chúa hãy làm bừng lên nơi tâm can của giới trẻ lòng ước muốn
Trở thành những nhân chứng trong thế giới ngày nay
Cho quyền năng của tình yêu Chúa.
Xin Chúa hãy làm cho họ được tràn đầy Thần Linh dũng lực và khôn ngoan của Chúa.
Để họ có thể khám phá được tất cả sự thật
Về họ cũng như về ơn gọi của họ.
Lạy Đấng Cứu Thế của chúng con,
Đấng được Cha sai đến để mạc khải tình yêu nhân hậu của Ngài ra,
Xin Chúa ban cho Giáo Hội của Chúa tặng ân
Giới trẻ là thành phần sẵn sàng thả lưới ở chỗ nước sâu,
Trở thành dấu chỉ giữa anh em của họ
Việc hiện diên canh tân và cứu độ của Chúa.
Hỡi Trinh Nữ Thánh là Mẹ Chúa Cứu Thế,
Là vị hướng đạo lành nghề dẫn đường tới Thiên Chúa và tha nhân,
Mẹ đã suy niệm lời của Ngài trong thẳm cung tâm hồn Mẹ,
Xin hãy bảo trì bằng việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ
Gia đình của chúng con và các cộng đồng giáo hội của chúng con,
Để họ có thể giúp cho thanh thiếu niên và giới trẻ
Quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi.
Amen.
Tại Castel Gandolfo ngày 11/8/2004
Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/vocations/documents/hf_jp-ii_mes_20040811_xlii-voc-2005_en.html