GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 8/4/2007 BÁT NHẬT PHỤC SINH |
? "Phục Sinh không phải là một điều gì đó trong quá khứ, Phục Sinh đã vươn tới chúng ta và đã chiếm đoạt chúng ta".
? "Vào Ngày Lễ Phục Sinh này, cùng với tất cả mọi Kitô hữu trên thế giới, chúng ta cũng lập lại những lời lẽ ấy: Lạy Chúa Giêsu tử giá và phục sinh, xin Chúa hãy ở với chúng con!"
? “Đêm Vọng Này Là Sự Tin Tưởng Đợi Trông Việc Hoàn Tất Những Lời Hứa Xưa”
"Phục Sinh không phải là một điều gì đó trong quá khứ, Phục Sinh đã vươn tới chúng ta và đã chiếm đoạt chúng ta".
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài giảng Đêm Lễ Vọng Phục Sinh 16/4/2006
‘Các người tìm kiếm Giêsu Nazarét, Đấng đã chịu đóng đanh. Người đã sống lại rồi, Người không còn đây’ (Mk 16:6). Rạng ngời ánh sáng, sứ thần của Thiên Chúa đã nói những lời ấy với những người phụ nữ bấy giờ đang tìm kiếm thân xác của Chúa Giêsu trong mồ. Thế nhưng, Thánh Ký cũng nói những lời ấy với chúng ta vào đêm hôm nay đây: Chúa Giêsu không phải là một nhân vật trong quá khứ. Người đang sống và bước đi trước chúng ta như một vị đang sống, kêu gọi chúng ta theo Người, Đấng hằng sống, nhờ đó khám phá ra cho chính bản thân chúng ta con đường sự sống.
‘Người đã sống lại, Người không còn đây’. Khi Chúa Giêsu lần đầu tiên nói với các môn đệ về thập giá và phục sinh, lúc thày trò xuống Núi Biến Hình, các vị đã ngẫm nghĩ rằng ‘sống lại từ kẻ chết’ nghĩa là gì (Mk 9:10).
Chúng ta hân hoan mừng Phục Sinh vì Chúa Kitô không còn ở trong mồ, thân xác của Người không bị hư hoại; Người thuộc về thế giới của người sống chứ không thế giới của kẻ chết; chúng ta hân hoan vì Người là Alpha cũng là Omega, như chúng ta công bố trong nghi thức nến phục sinh; Người sống không những là hôm qua mà còn hôm nay và vĩnh hằng nữa (x Heb 13:8). Thế nhưng, dầu sao Việc Phục Sinh cũng ở một vị thế rất xa vời với chân trời của chúng ta, vượt ra ngoài tất cả mọi cảm nghiệm của chúng ta, để rồi, trở về với chính mình, chúng ta thấy mình tiếp tục lập luận của các vị môn đệ: ‘việc sống lại’ này thật sự ở tại những gì? Nó có nghĩa gì đối với chúng ta, với toàn thế giới và với tất cả lịch sử?
Một thần học gia Đức quốc đã có lần nói mỉa mai rằng phép lạ về một thi thể hồi sinh – nếu thực sự xẩy ra như thế thì ông ta cũng quả tình chẳng tin – sẽ là một cái gì đó hoàn toàn không liên hệ gì hết, chính vì nó chẳng có liên quan tới chúng ta. Đúng vậy, nếu vấn đề chỉ đơn giản là có ai đó hồi sinh, ngoài ra chẳng còn gì hơn thế nữa, thì cần gì chúng ta phải quan tâm tới điều ấy chứ?
Thế nhưng vấn đề ở đây là việc phục sinh của Chúa Kitô có một cái gì đó còn hơn thế nữa, có một cái gì đó khác hơn thế nữa. Nếu chúng ta vay mượn ngôn từ của thuyết tiến hóa thì nó là ‘thứ biến đổi’ vĩ đại nhất, hoàn toàn là những gì nhẩy vọt quan trọng nhất tới một chiều kích hoàn toàn mới mẻ chưa bao giờ có trong lịch sử sự sống và sự phát triển của sự sống, đó là một cái nhẩy vọt tới một trật tự hoàn toàn mới làm cho chúng ta phải quan tâm và liên quan tới tất cả lịch sử.
Vấn đề luận giải này, vấn đề luận giải được bắt đầu từ các vị môn đệ, do đó bao gồm những vấn nạn sau đây: Những gì đã xẩy ra ở đó? Đối với chúng ta, với toàn thế giới và với riêng bản thân tôi đây có nghĩa là gì? Trước hết là vấn đề cái gì đã xẩy ra? Đó là vấn đề Chúa Giêsu không còn ở trong mồ. Người hoàn toàn ở trong một sự sống mới. Thế nhưng làm sao điều ấy có thể xẩy ra được? Năng lực nào đã tác động vào việc này? Vấn đề chính yếu là ở chỗ không phải chỉ có một mình con người Giêsu này, Người không phải là một ‘cái tôi’ đơn độc. Người là một thực tại đặc thù duy nhất với Thiên Chúa hằng sống, bởi vậy Người hiệp nhất với Ngài để làm nên một ngôi vị duy nhất với Ngài.
Có thể nói Người thấy mình gắn bó kết liên với Đấng là chính sự sống, một kết liên gắn bó chẳng những ở mức độ cảm xúc mà còn là một liên kết gắn bó bao gồm và thấu nhập hữu thể của Người. Sự sống riêng của Người không phải chỉ là của riêng Người mà là một sự sống hiệp thông với Thiên Chúa, ‘một hữu thể được nhập’ vào Thiên Chúa, nhờ đó, sự sống của Người thực sự không thể bị lấy đi khỏi Người.
Vì yêu thương, Người có thể để cho mình bị sát hại, thế nhưng, chính vì làm như thế mà Người đã vĩnh viễn tiêu diệt sự chết, vì nơi Người là sự sống vĩnh viễn. Người là một thực tại đặc thù duy nhất có sự sống bất diệt, ở chỗ nó bung tỏa ra một cách mới mẻ qua sự chết. Một lần nữa chúng ta hãy nói lên điều này theo một khía cạnh khác. Đó là cái chết của Người là một tác động của yêu thương. Tại Bữa Tiệc Ly, Người đã nói trước tới cái chết của mình và đã biến nó thành việc trao hiến thân mình.
Mối hiệp thông sự sống của Người với Thiên Chúa là một mối hiệp thông sự sống một cách cụ thể với tình yêu của Thiên Chúa, và tình yêu này là một quyền năng thực sự chống lại sự chết, nó mạnh hơn cả sự chết. Phục Sinh giống như một cuộc bung tỏa của ánh sáng, một bừng nở của yêu thương làm tan biến đi cái thẩm thấu bất khả tan biến giữa ‘chết chóc và thành nên’. Nó dẫn đến một chiều kích mới của hữu thể, một chiều kích mới của sự sống, một chiều kích mà, theo một đường lối được biến đổi mới mẻ, cả vật chất nữa cũng được hội nhập vào, và là một chiều kích làm hiện lên một thế giới mới.
Tất nhiên biến cố này không phải chỉ là một thứ phép lạ nào đó trong quá khứ, một biến cố hoàn toàn chẳng có liên hệ gì tới chúng ta. Nó là một bước nhẫy vọt về phẩm chất trong lịch sử ‘tiến hóa’ và lịch sử sự sống nói chung hường về một sự sống mới trong tương lai, về một thế giới mới là thế giới, bắt đầu từ Chúa Kitô, đã liên tục thẩm thấu vào thế giới của chúng ta, biến đổi thế giới ấy và thu hút thế giới này đến với chính nó. Thế nhưng làm thế nào điều ấy có thể xẩy ra được? Làm thế nào biến cố này hiệu nghiệm vươn chạm tới tôi và lôi kéo đời sống của tôi lên tới nó đây?
Câu trả lời, có lẽ trước hết là câu trả lời gây ngạc nhiên song đích thực, đó là: Biến cố này đến với tôi nhờ đức tin và phép rửa. Đó là lý do phép rửa là một phần của Lễ Vọng Phục Sinh, như chúng ta rõ ràng thấy được nơi cuộc cử hành của chúng ta hôm nay đây, khi các bí tích nhập môn Kitô Giáo được ban cho một nhóm người lớn thuộc các quốc gia khác nhau. Phép rửa chính thực nhắm đến điều ấy, tức là chúng ta không liên hệ với một biến cố trong quá khứ mà là một bước nhẩy vọt về phẩm chất trong lịch sử thế giới tới tôi, chiếm lấy tôi để kéo tôi lại. Phép Rửa là những gì hoàn toàn khác với một tác động xã hội hóa giáo hội, khác với một nghi thức hơi thời thượng và phức tạp trong việc nhận lãnh người ta vào Giáo Hội. Nó cũng không phải chỉ là một việc thuần túy tẩy rửa, chỉ là một thứ thanh tẩy và kiều diễm hóa linh hồn con người. Nó thực sự là chết đi và sống lại, là việc tái sinh, là việc biến đổi thành một sự sống mới.
Làm sao chúng ta có thể hiểu được điều ấy? Tôi nghĩ rằng những gì xẩy ra nơi Phép Rửa có thể được giải thích dễ dàng hơn cho chúng ta hiểu nếu chúng ta để ý tới phần cuối cùng của đoạn tự thuật về đời sống thiêng liêng ngắn ngủi Thánh Phaolô bày tỏ cho chúng ta biết trong Bức Thư ngài gửi cho Giáo Đoàn galata. Những lời kết thúc của đoạn này chứa đựng cái tâm điểm của đoạn tự thuật ấy: ‘Không phải là tôi sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (2:20). Tôi sống song không phải là tôi sống. Cái ‘tôi’, cái căn tính chính yếu của con người – cái căn tính của con người Phaolô này – đã được thay đổi. Ngài vẫn hiện hữu nay song ngài không còn sống nữa. Ngài đã vượt qua cái ‘không’ để giờ đây ngài gặp lại bản thân mình một cách liên tục nơi cái ‘không’ ấy: Tôi, nhưng không phải là tôi. Với những lời ấy, Thánh Phaolô đã không diễn tả một cảm nghiệm thần bí, một cảm nghiệm có lẽ đã được ban cho ngài, và là một cảm nghiệm một cách nào đó có thể gây cho chúng ta chú ý theo quan điểm lịch sử. Không phải thế, câu này là một lời diễn tả về những gì đã xẩy ra nơi phép rửa.
Cái ‘tôi’ được lấy đi khỏi tôi và được tháp nhập vào một chủ thể mới và cao cả hơn. Điều ấy có nghĩa là việc trở lại của cái ‘tôi’, nhưng bấy giờ nó đã được biến đổi, được thanh tẩy, được cởi mở nhờ được tháp nhập vào một cái tôi khác, nơi Người nó chiếm được tầm mức hiện hữu bao rộng mới mẻ của nó. Thánh Phaolô còn giải thích điều này một lần nữa cho chúng ta hiểu theo một khía cạnh khác, ở đoạn thứ ba của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Galata, chỗ ngài nói về ‘lời hứa’, một lời hứa được ngỏ cùng một cá nhân – cùng một ngôi vị, đó là cùng Chúa Kitô. Chỉ có duy một mình Người mới mang trong Người tất cả ‘lời hứa’ ấy. Thế thì những gì xẩy ra cho chúng ta đây? Thánh Phaolô trả lời: Anh em đã trở nên một với Chúa Kitô (x 3:28). Không phải chỉ là một điều duy nhất, mà là một, duy một, một chủ thể mới duy nhất đặc thù.
Việc giải phóng cái ‘tôi’ này của chúng ta khỏi tình trạng cô lập của nó, cái tôi được tìm thấy này nơi một chủ thể mới nghĩa là việc tìm thấy mình trong cái vĩ đại của Thiên Chúa và được thu hút vào một sự sống bấy giờ đã được vượt ra ngoài giới hạn của ‘chất chóc và thành nên’. Cái đại bùng nổ này của Phục Sinh đã chiếm lấy chúng ta nơi phép rửa để tiếp tục lôi kéo chúng ta lại. Nhờ đó, chúng ta được liên kết với một chiều kích mới của sự sống là chiều kích, cho dù giữa những khổ ải của thời đại chúng ta đây, chúng ta cũng đã được tham phần với nó một cách nào đó. Sống sự sống riêng của mình như một việc liên tục tiến vào khoảng trống ấy: đó là ý nghĩa của việc lãnh nhận phép rửa, của việc làm Kitô hữu. Đó là niềm vui của Lễ Vọng Phục Sinh.
Phục Sinh không phải là một điều gì đó trong quá khứ, Phục Sinh đã vươn tới chúng ta và đã chiếm đoạt chúng ta. Chúng ta được chiếm hữu bởi Phục Sinh, chúng ta được Chúa Kitô phục sinh chiếm hữu, và chúng ta biết rằng Người chiếm lấy chúng ta một cách mạnh mẽ, cho dù bàn tay chúng ta có trở nên yếu nhược. Chúng ta nắm lấy tay của Người, nhờ đó chúng ta cũng nắm lấy tay nhau, và chúng ta trở thành một chủ thể duy nhất, chứ không phải là một vật duy nhất. Tôi song không còn là tôi: Đó là công thức của đời sống Kitô hữu được bắt nguồn từ phép rửa, một công thức Phục Sinh trong thời gian. Tôi không còn là tôi: Nếu chúng ta sống như thế, chúng ta biển đổi thế giới này. Nó là một công thức phản ngược lại với tất cả mọi ý hệ bạo lực, nó là một dự án nghịch lại với tình trạng băng hoại cũng như với tham muốn quyền lực và sở hữu.
‘Thày sống và các con cũng sẽ sống’, Chúa Giêsu đã nói như thế trong Phúc Âm Thánh Gioan (14:19) với các môn đệ, tức là với chúng ta. Chúng ta sẽ sống nhờ mối hiệp thông hiện hữu của chúng ta với Người, nhờ được tháp nhập vào Người, Đấng là chính sự sống. Sự sống trường sinh, sự bất tử diễm phúc, chúng ta không tự mình có được hay có được nơi bản thân mình, mà là nhờ một mối liên hệ – nhờ mối hiệp thông hiện hữu với Người, Đấng là sự thật và là tình yêu, nên là trường sinh vĩng cửu: là chính Thiên Chúa. Tính chất bất khả hoại thuần túy của linh hồn tự mình không có nghĩa gì đối với sự sống trường sinh cả. Nó không thể làm cho nó trở thành một sự sống thực sự. Sự sống đến với chúng ta vì chúng ta được yêu thương bởi Đấng là sự sống; nó đến với chúng ta từ việc sống với Người và yêu mến Người. Tôi song không còn là tôi: Đó là con đường thánh giá, con đường ‘vượt qua’ một sự sống chỉ biết khép kín với cái tôi, nhờ đó mở ra con đường hướng tới niềm vui chân thực và bền vững.
Như thế, cùng với Giáo Hội, chúng ta có thể tràn đầy vui mừng hát lên những lời của Bài Thăng Ca: ‘Hãy hát lên, hơi các ca đoàn thiên thần… hãy hân hoan Ôi trái đất!’ Phục Sinh là một biến cố vũ trụ, một biến cố bao gồm trời đất và liên kết chúng lại với nhau. Cũng bằng những lời của Bài Thăng Ca, chúng ta có thể công bố rằng: ‘Chúa Kitô… Đấng từ cõi chết sống lại và chiếu tỏa ánh sáng an bình của Người cho toàn thể nhân loại, Người là Con của Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời muôn kiếp’. Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 16/4/2006
? "Vào Ngày Lễ Phục Sinh này, cùng với tất cả mọi Kitô hữu trên thế giới, chúng ta cũng lập lại những lời lẽ ấy: Lạy Chúa Giêsu tử giá và phục sinh, xin Chúa hãy ở với chúng con!"
ĐTC Gioan Phaolô II: Sứ Điệp Lễ Phục Sinh cuối cùng của ngài cho Chúa Nhật 27/3/2005
Chúa Nhật Phục Sinh 27/3/2005, ĐTC GPII đã xuất hiện ở cửa sổ phòng của ngài,
và trước máy vi âm do ngài yêu cầu mang tới cho ngài, ngài đã cố gắng lên tiếng
mấy lần trong cuộc ban phép lành “urbi et orbi” (cho thành Rôma và cho thế giới)
song không thành. Tuy nhiên, chính việc cố gắng ấy của ngài đã làm cho cả chục
ngàn giáo lữ ở Quảng Trường Thánh Phêrô bấy giờ, trong đó một số đã cảm cúc đến
rơi nước mắt, vỗ tay hoan hô ngài. Tại hiện trường có cả 100 đài truyền hình từ
74 quốc gia, trong đó có cả 8 quốc gia Hồi giáo, quay chiếu biến cố này.
Sau đó, máy vi âm được dẹp sang một bên, và ngài ban phép lành bằng dấu Thánh
Giá. Khi vừa xuất hiện ngài đã ho một chút, nhưng ngày trông khá hơn những lần
xuất hiện gần đây. Thế rồi ngài đã đứng ở cửa sổ này khoảng 12 phút. Trước đó
mấy phút, ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, vị thay ngài chủ tế Thánh Lễ Phục
Sinh, vào lúc kết lễ, đã đọc sứ điệp Phục Sinh 2005 của ngài, một sứ điệp ngài
xin Chúa Giêsu hiện diện nơi Thánh Thể cho một thế giới đang bị quằn quại bởi
chiến tranh, tai họa, bần cùng và duy vật. Sau đây là nguyên văn sứ điệp của
ngài:
1. “Mane nobiscum, Domine!” Lạy Chúa, xin ở với chúng con! (x Lk 24:29). Với
những lời này, các môn đệ trên đường đi Emmau đã mời Người Lữ Khách lạ hãy ở với
họ, khi mặt trời đã lặn vào ngày thứ nhất trong tuần bấy giờ khi mà điều không
thể nào ngờ được đã xẩy ra. Theo lời hứa của mình, Chúa Kitô đã sống lại; thế
nhưng đã không biết con người ấy. Tuy nhiên, những lời phát ra từ miệng lưỡi của
Người Lữ Khách này trên đường đi làm cho lòng họ cảm thấy bừng nóng lên. Bởi thế
họ đã nói với ngài rằng: “Xin hãy ở với chúng tôi”. Ngồi vào bàn ăn bữa tối, họ
đã nhận ra Người ở việc “bẻ bánh” – và đột nhiên Người biến mất. Còn lại trước
mắt họ là tấm bánh đã được bẻ ra. Còn âm vang trong lòng họ giọng êm ái của
những lời Người nói với họ.
2. Anh chị em thân mến, Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, mầu nhiệm và tặng ân
Phục Sinh, qua các thế kỷ vẫn là một việc tưởng niệm liên lỉ cuộc khổ nạn, tử
giá và phục sinh của Chúa Kitô! Vào Ngày Lễ Phục Sinh này, cùng với tất cả mọi
Kitô hữu trên thế giới, chúng ta cũng lập lại những lời lẽ ấy: Lạy Chúa Giêsu tử
giá và phục sinh, xin Chúa hãy ở với chúng con! Xin hãy ở với chúng con, hỡi
người bạn trung thành và là sức đỡ nâng vững chắc cho nhân loại trong cuộc hành
trình của họ qua giòng lịch sử! Hỡi Lời Hằng Sống của Chúa Cha, xin hãy ban hy
vọng và lòng tin tưởng cho tất cả những ai đang tìm kiếm ý nghĩa thực sự của đời
sống của họ. Hỡi Bánh sự sống đời đời, hãy nuôi dưỡng những ai đang đói khát sự
thật, tự do, công lý và hòa bình.
3. Xin hãy ở với chúng con, hỡi Lời Hằng Sống của Chúa Cha, để dạy chúng con
những lời lẽ và việc làm của hòa bình: hòa bình cho thế giới của chúng con, một
thế giới đã được thánh hiến nhờ máu của Chúa và thấm đẫm máu của rất nhiều nạn
nhân vô tội; hòa bình cho các quốc gia ở Trung Đông và Phi Châu, nơi tiếp tục đổ
ra rất là nhiều máu; hòa bình cho toàn thể nhân loại vẫn đang bị đe dọa bởi các
cuộc chiến tranh giết hại anh chị em mình. Hỡi Bánh sự sống đời đời, xin hãy ở
với chúng con, tấm bánh được bẻ ra và phân phát cho những ai đến bàn tiệc này,
xin hãy ban cho chúng con sức mạnh để chứng tỏ tình đoàn kết cao cả đối với quần
chúng là thành phần cho đến hôm nay đây đang chịu khổ đau và đang chết đi vì
nghèo khổ và đói khổ, bị sát hại bởi các chứng dịch tử vong hay bị tàn phá bởi
các tai ương thiên nhiên. Nhờ quyền lực Phục Sinh của Chúa, chớ gì họ cũng trở
nên thành phần tham dự vào sự sống mới.
4. Chúng con đây là những con người nam nữ của thiên kỷ thứ ba đây, chúng
con cũng cần đến Chúa, Vị Chúa Phục Sinh! Xin Chúa hãy ở với chúng con giờ đây
và cho đến ngày cùng tháng tận. Xin hãy làm cho sự tiến bộ về vật chất của các
dân tộc không bao giờ làm lu mờ đi các gía trị thiêng liêng là linh hồn cho nền
văn minh của họ. Chúng con xin Chúa hãy nâng đỡ chúng con trong cuộc hành trình
của chúng con. Chúng con nhất định tin tưởng vào Chúa, chúng con nhất định hy
vọng nơi Chúa, vì chỉ một mình Chúa có những lời sự sống đời đời (x Jn 6:68).
“Mane nobiscum, Domine!” Alleluia!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 27/3/2005
“Đêm Vọng Này Là Sự Tin Tưởng Đợi Trông Việc Hoàn Tất Những Lời Hứa Xưa”
ĐTC GPII Bài Giảng
cho Lễ Vọng Phục Sinh 10/4/2004
1. “Đêm này là đêm canh thức đối với Chúa… qua mọi thế hệ” (x Ex 12:42)
Vào đêm này chúng ta cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, đệ nhất đêm, thực sự là “mẹ”
của tất cả mọi đêm vọng của phụng niên. Vào đêm vọng này, như được hát đi hát
lại ở bài Công Bố Phục Sinh, chúng ta một lần nữa lại bước đi trên con đường
nhân loại từ khi được tạo dựng cho đến biến cố tột đỉnh của ơn cứu độ là cuộc tử
giá và phục sinh của Chúa Kitô.
Ánh sáng của Đấng “đã được phục sinh từ trong kẻ chết, của hoa trái đầu mùa của
những kẻ chết” (1Cor 15:20), làm cho đêm nay đáng ghi nhớ, một đêm đáng gọi là
“trọng tâm” của phụng niên, “chiếu sáng như ban ngày” (Ps 139:12). Vào đêm này
cả Giáo Hội canh thức và suy nhớ lại những giai đoạn quan trọng của việc Thiên
Chúa nhúng tay cứu độ vào vũ trụ.
2. “Một đêm canh thức đối với Chúa”. Có một ý nghĩa quan trọng lưỡng diện
đối với Đêm Vông Phục Sinh long trọng này, một ý nghĩa rất sâu xa qua những biểu
hiệu được kèm theo bởi nhiều bài sách thánh đặc biệt. Một mặt cho thấy việc
tưởng nhớ đầy nguyện cầu về những việc lạ lùng của Thiên Chúa “mirabilia Dei”,
được tái diễn nơi những bài sách thánh chính, từ việc tạo thành tới việc hiến tế
Isaac, đến cuộc vượt qua Biển Đỏ, đến lời hứa hẹn cho một Tân Giao Ước.
Mặt khác, đêm vọng gợi nhớ này là sự tin tưởng đợi trông việc hoàn tất những lời
hứa hẹn xưa. Việc tưởng nhớ đến công cuộc Thiên Chúa thực hiện tiến đến tột đỉnh
của nó nơi việc phục sinh của Chúa Kitô và hướng đến biến cố Tái Giáng cánh
chung. Bởi đó mà vào đêm Vượt Qua này chúng ta mới hướng nhìn về bình minh của
một ngày không cùng, ngày Chúa Kitô phục sinh, Đấng khơi nguồn sự sống mới, mở
màn cho một “trời mới đất mới” (2Pt 3:13; x Is 65:17, 66:22; Rev 21:1).
3. Ngay từ ban đầu, cộng đồng Kitô hữu đã đưa việc rửa tội vào Đêm Vọng này.
Trong đêm vọng ấy, một số dự tòng được cùng với Chúa Giêsu đắm chìm vào cái chết
của Người để được cùng Người vươn lên sự sống bất tử. Nhờ thế mà việc lạ lùng
của cuộc tái sinh thiêng liêng bởi Chúa Thánh Thần đã được canh tân; cuộc tái
sinh liên kết thành phần tân tòng vào dân Tân Ước cũng là dân Tận Ước, thành
phần được niêm ấn bởi cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.
Anh chị em thân mến, với mỗi một người trong anh chị em, những người sắp lãnh
nhận các bí tích nhập giáo, Tôi đặc biệt thân ái chào mừng. Anh chị em đến từ Ý
quốc, từ Togo và Nhật Bản: các nguồn gốc của anh chị em nói lên tính cách đại
đồng của ơn gọi cứu độ và tính cách nhưng không của tặng ân đức tin. Cùng với
anh chị em Tôi cũng muốn chào cả những người thân thuộc, bạn hữu của anh chị em
và tất cả những ai dọn mình cho anh chị em.
Nhờ bí tích rửa tội, anh chị em sẽ trở thành một phần tử của Giáo Hội là một dân
tộc lữ hành đông đảo, bất kể nòi giống, ngôn ngữ hay văn hóa; một dân tộc được
kêu gọi sống đức tin bắt đầu từ Abraham, tới chỗ trở thành phúc lành giữa tất cả
mọi dân tộc trên thế gian này (x Gen 12:1-3). Anh chị em hãy trung thành với
Đấng đã tuyển chọn anh chị em, và hãy hoàn toàn dấn thân ký thác trọn cuộc sống
của anh chị em cho Người.
4. Phụng vụ kêu gọi tất cả chúng ta hiện diện nơi đây, cùng với những người
sắp lãnh nhận phép rửa, hãy lập lại những lời hứa rửa tội của mình. Chúa xin
chúng ta hãy lập lại việc chúng ta bày tỏ lòng chúng ta hoàn toàn vâng phục
Người cũng như việc chúng ta hoàn toàn dấn thân phục vụ Phúc Âm của Người.
Anh chị em thân mến! Nếu sứ vụ này đôi khi có vẻ khó khăn thì xin anh chị em hãy
nhớ lại những lời Chúa phục sinh: “Thày luôn ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt
28:20). Tin tưởng vào sự hiện diện của Người anh chị em sẽ không lo sợ bất cứ
khó khăn và chướng ngại nào. Lời của Người sẽ soi sáng cho anh chị em; Mình Máu
của Người sẽ nuôi dưỡng và bảo trì anh chị em trong cuộc hành trình về vĩnh cửu.
Mẹ Maria luôn ở bên cạnh mỗi một người anh chị em, như Mẹ đã hiện diện giữa các
vị tông đồ bấy giờ đang run sợ và bối rối trong cơn thử thách. Bằng đức tin của
mình, Mẹ sẽ tỏ cho anh chị em thấy bình minh rạng ngời của cuộc phục sinh trước
bóng đêm của thế gian này. Amen.
ĐTC đã cử hành Thánh Lễ Phục
Sinh Chúa Nhật ở Quảng Trường Thánh Phêrô giữa bầu trời không được sáng sủa cho
lắm. Bắt đầu phần dâng lễ khi thấy một gia đình Á Châu mặc y phục cổ truyền lên
dâng của lễ, và đứa bé gái mới mấy tuổi đã xuýt ngã ở bậc thang bước lên bàn thờ,
ĐTC đã bật cười và bước tới với em, chúc lành cho em và gia đình em.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 11/4/2004