GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 30/5/2007 TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN |
? "Ba Tây là một đại quốc gia sâu xa với những giá trị Kitô Giáo, thế nhưng cũng đang trải qua những trục trặc khủng khiếp về xã hội và kinh tế"
? “Tòa Thánh và Những Thách Đố Mới trong Việc Cổ Võ Sức Khỏe”.
? FATIMA: “MẸ VỘI VÃ LÊN ĐƯỜNG”
"Ba Tây là một đại quốc gia sâu xa với những giá trị Kitô Giáo, thế nhưng cũng đang trải qua những trục trặc khủng khiếp về xã hội và kinh tế"
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 23/5/2007 về Chuyến Tông Du Ba Tây
Anh chị em thân mến,
Trong buổi triều kiến chung này tôi muốn chia sẻ về chuyến tông du của tôi vừa qua ở Ba Tây từ ngày 9 đến 14 tháng 5. Sau hai năm giáo triều đầu tiên của mình, cuối cùng tôi đã đã được hân hoan đến Mỹ Châu La Tinh, một nơi tôi rất yêu mến và là nơi có đông dân số Công Giáo trên thế giới sống.
Đích điểm chính của cuộc tông du của tôi ấy là Ba Tây, nhưng tôi cũng ấp ủ toàn thể địa lục Mỹ Châu La Tinh, vì biến cố của Giáo Hội đã mời gọi tôi tới đó là cuộc Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean.
Tôi muốn lập lại lòng biết ơn sâu xa của tôi về sự tiếp đón tôi đã nhận được từ chư huynh giám mục yêu quí của tôi, đặc biệt các vị ở São Paulo và Aparecida. Tôi cám ơn tổng thống Ba Tây và các vị thẩm quyền dân sự khác về việc thân ái và quảng đại hợp tác của họ, tôi hết sức cảm mến tri ân nhân dân Ba Tây đã nồng hậu tiếp đón tôi – thật là linh đình và cảm động – và đã chú tâm lắng nghe những lời lẽ của tôi.
Cuộc hành trình của tôi là một tác động ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa về “những sự lạ lùng” Ngài đã thực hiện giữa chư dân Mỹ Châu La Tinh, về đức tin đã làm sinh động cuộc đời và văn hóa của họ hơn 500 năm nay. Chuyến đi này cũng là một cuộc hành hương, tột đỉnh là ở đền Đức Mẹ Aparecida, Vị Quan Thày của Ba Tây.
Đề tài về mối liên hệ giữa đức tin và văn hóa bao giờ cũng là tâm điểm của các vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II. Tôi cũng muốn tiếp tục đề tài này để củng cố Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh và Caribbean trong cuộc hành trình đức tin của họ đã là và đang còn là một lịch sử sống động – như chúng ta thấy nơi lòng đạo đức phổ thông, nơi nghệ thuật, nơi cuộc đối thoại diễn ra với các truyền thống trước thời Kha Luân Bố cũng như với nhiều ảnh hưởng từ Âu Châu và các ảnh hưởng từ những châu lục khác.
Cái nhìn lại về một quá khứ rạng ngời ấy vẫn không thể nào bỏ qua những bóng tối đã đi kèm theo với hoạt động truyền bá phúc âm hóa ở lục địa Mỹ Châu La Tinh: không thể nào quên được những khổ đau và bất công gây ra bởi thành phần thuộc địa chủ đối với các người thổ dân, những người thường bị chà đạp nhân quyền. Thế nhưng chính việc đề cập tới những tội ác bất khả biện minh này – những thứ tội ác đã bị lên án vào thời các vị thừa sai như Bartolomé de Las Casas và các thần học gia như Francisco de Vitoria ở Đại Học Salamanca – cũng không được ngăn chặn chúng ta trong việc bày tỏ lòng biết ơn đối với hoạt động tuyệt vời do ân sủng thần linh thực hiện nơi các dân tộc này ở 5 thế kỷ vừa qua.
Ba Tây là một đại quốc gia sâu xa với những giá trị Kitô Giáo, thế nhưng cũng đang trải qua những trục trặc khủng khiếp về xã hội và kinh tế. Để giúp vào việc giải quyết những trục trặc ấy, Giáo Hội cần phải vận dụng tất cả mọi năng lực về luân lý và thiêng liêng nơi các cộng đồng của mình, để thấy được những điểm đồng qui với những năng lực lành mạnh của quốc gia này.
Trong số những yếu tố tích cực cần được nêu lên đó là tính chất sáng tạo và năng động của Giáo Hội ở đó, nơi xuất phát ra nhiều phong trào mới và tổ chức sống đời tận hiến mới. Việc quảng đại dấn thân của nhiều giáo dân cũng không phải là ít đáng khen, thành phần tỏ ra rất chủ động trong các khởi động khác nhau của Giáo Hội.
Ba Tây cũng là một quốc gia có thể cống hiến cho thế giới một kiểu mẫu mới về vấn đề phát triển, đó là việc văn hóa Kitô Giáo có thể làm dễ dàng hóa một thứ “hòa giải” giữa con người và thiên nhiên tạo vật, bắt đầu bằng việc tái nhận thức phẩm giá của con người trong mối liên hệ với Thiên Chúa là Cha.
Một mẫu gương sống động về điều này đó là “Fazenda da Esparanca”, một hệ thống các trung tâm phục hồi cho giới trẻ muốn thoát khỏi con đường hầm tăm tối của nghiện hút. Tôi đã đến thăm một trong những trung tâm ấy, không kể đến một ấn tượng sâu xa tôi sẽ giữ mãi trong lòng, tôi đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc các Chị Dòng Thánh Clara Nghèo hiện diện ở đó.
Điều này trở thành biểu hiệu trước thế giới hôm nay đây, một thế giới đang cần đến một thứ “phục hồi” về tâm lý và xã hội, thế nhưng thậm chí cần đến một thứ phục hồi sâu xa hơn nữa về thiêng liêng.
Cũng trở thành một biểu hiệu nữa đó là cuộc phong thành, được hân hoan cử hành, cho vị thánh bản xứ Ba Tây đầu tiên, đó là Cha Antonio de Sant’Ana Galvão. Vị linh mục Dòng Phanxicô ở thế kỷ 18 này, vị có lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ, một vị tông đồ về Thánh Thể và giải tội, đã được gọi, trong khi còn sống, là “một con người của hòa bình và bác ái”. Tuy thế, chứng từ của ngài còn là một khẳng định nữa là sự thánh thiện là một cuộc cách mạng thực sự, một cuộc cách mạng có thể phát động một cuộc canh tân đích thực của Giáo Hội và xã hội.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/5/2007
(còn tiếp)
? “Tòa Thánh và Những Thách Đố Mới trong Việc Cổ Võ Sức Khỏe”.
ĐTGM Silvano Tomasi Đại Diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc Geneva Thụy Sĩ: Bài diễn văn tại Hội Nghị Sức Khỏe Thế Giới ngày 14-23/5/2007
Thưa Bà Chủ Hội,
1. Phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh muốn chuyển đến bà lời chúc mừng về việc bà được tuyển chọn là vị chủ hội cho hội đồng trọng đại này, cũng như bày tỏ lòng chân thành tri ân tới Tiến Sĩ Fernando Antezana Araníbar, vị đã cống hiến vai trò lãnh đạo tuyệt vời cho hội đồng điều hành Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới để chu toàn trách nhiệm nặng nề của mình trong việc nhận thức vao trò thừa kế làm tổng giám đốc sau cái chết bất ngờ của Tiến Sĩ J. W. Lee.
2. Vai trò đại biểu tôi đây cũng bày tỏ lời chúc mừng đến Tiến Sĩ Margaret Chan về việc bà được bổ nhiệm là tổng giám đốc của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới. Chúng tôi hoan nghênh dự án của bà về vấn đề sức khỏe của nữ giới và của dân chúng ở Phi Châu như là những mối quan tâm chính yếu trong thời gian bà nắm giữ trách nhiệm ở văn phòng này. Giáo Hội Công Giáo theo truyền thống là tổ chức đi tiên phong trong việc phát động vấn đề sức khỏe chân thực của nữ giới, bằng cách giúp cho họ hòa hợp sự phúc hạnh về thể lý, tâm lý và xã hội của họ với những giá trị về luân lý và tinh thần . Theo chiều hướng ấy, Giáo Hội Công Giáo cũng xác tín về phẩm vị của nữ giới và nam nhân được Thiên Chúa phú ban, bình đẳng và bổ xung.
Giáo Hội Công Giáo cũng ưu tiên hóa việc thể hiện tốt đẹp nhất về tính chất bổ xung giữa nam nhân và nữ giới – đó là gia đình được xây dựng trên một cuộc sống hôn nhân trọn đời và thủy chung và tiếp tục phục vụ như là những gì rường cột của xã hội loài người. Nhãn quan này về nhân phẩm, những gì được Tòa Thánh mạnh mẽ cổ võ, cũng được thành phần công dân nơi các quốc gia phần tử của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới.
Cũng về vấn đề này phái đoàn đại biểu đây cũng hết sức hy vọng rằng cuộc bàn luận về và việc áp dụng Quyết Nghị EB 120.R6, “Việc Hòa Nhập Vấn Đề Phân Tách Về Giống Tính với Những Hoạt Động của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới” sẽ không bao giờ được sử dụng để “biện minh” cho việc gây thiệt hại cho hay việc hủy hoại sự sống của con người ở một trong những giai đoạn dễ bị tổn thương nhất – tức khi vẫn còn ở trong bụng mẹ. Ngoài ra, Tòa Thánh muốn mời gọi các quốc gia phần tử của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới một lần nữa hãy hiểu chữ “giống tính” như là những gì được căn cứ vào căn tính tính dục về thể lý, nam hay nữ.
Liên quan tới Phi Châu, các vị Giáo Hoàng vẫn lập lại mối quan tâm sâu xa về lịch sử đau thương của châu lục này là “nơi nhiều quốc gia vẫn bị khốn khó vì đói khổ, chiến tranh, những căng thẳng về chủng tộc và bộ tộc, về tình trạng bất ổn về chính trị và về việc vi phạm đến nhân quyền” (Apostolic Exhortation of Pope John Paul II, "Ecclesia in Africa," No. 51.), và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã kêu gọi cộng đồng quốc tế rằng “chúng ta không được bỏ quên Phi Châu” (Address of His Holiness Pope Benedict XVI to the Diplomatic Corps Accredited to the Holy See for the Traditional Exchange of New Year Greetings, Monday, Jan. 8, 2007.)
3. Đại biểu tôi đây xin ca ngợi, về việc đặc biệt chú trọng của hội nghị này, những quyết nghị và những đề nghị liên quan tới những thứ bệnh lao phổi, sốt rét và Hội Chứng Liệt Kháng, cũng như những thứ bệnh liên hệ tới sự gia tăng dự phóng của nạn dịch cúm gia cầm. Nhiều sự đe dọa xẩy đến cho sức khỏe gây ra bởi những thứ bệnh ấy có thể đã được thích đáng nói tới đó là gia đình nhân loại toàn cầu dấn thân mình cho những chương trình khả thủ và hướng tới hành động của việc nghiên cứu, chích ngừa, chữa trị và giáo dục ngăn ngừa tôn trọng luật lệ luân lý tự nhiên.
Từ 23 tới 25/11/2006, Hội Đồng Tòa Thánh Vatican về Thừa Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe triệu tập trên 500 chuyên viên để suy nghĩ về “những khía cạnh mục vụ trong việc chữa trị những thứ bệnh lây lan”. Trong lời ngỏ cùng những người qui tụ bấy giờ, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh tới nhu cầu cần phải áp dụng công lý xã hội ở lãnh vực tinh tế về chữa trị và chăm sóc, nhờ đó bảo đảm được việc phân phối công bằng các nguồn nghiên cứu và chữa trị” (Address of His Holiness Benedict XVI to the Participants in the 21st International Congress Organized by the Pontifical Council for Health Care Ministry, Clementine Hall, Friday, Nov. 24, 2006.)
Theo cùng chiều hướng ấy, khi mà vị thủ tướng của Đức quốc đã sẵn sàng lãnh n hận vai trò chủ tịch của các quốc gia G-8 và Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Đức Thánh Cha, trong một bức thư gửi cho bà, đã bày tỏ niềm hy vọng rằng sẽ là “cần phải thực hiện việc đầu tư chính yếu về những nguồn mạch cho việc nghiên cứu cũng như cho việc phát triển các thứ thuốc men để chữa trị Hội Chứng Liệt Kháng, lao phổi, sốt rét và những thứ bệnh nhiệt đới khác” (Letter of His Holiness Pope Benedict XVI to Her Excellency Dr. Angela Merkel, Chancellor of Germany, Dec. 16, 2006.)
4. Tòa Thánh chia sẻ quan tâm của vị Thư Ký Tổ Chức Sức Khỏe Quốc Tế nơi bản tường trình của tổ chức này về “Thuốc Men Khá Hơn Cho Trẻ Em”, vì có khoảng 10.5 triệu mạng sống của trẻ em dưối 5 tuổi bị thê thảm mất đi; nhiều trẻ em đang chết đi bởi bệnh nạn có thể được chữa trị nơi thành phần người lớn, thế nhưng các liều lượng và công thức vẫn chưa được khai triển cho trẻ em sử dụng để chữa trị các bệnh nạn ấy ("Better Medicines for Children," Report by the Secretariat, World Health Organization, 60th World Health Assembly, A60/25, April 17, 2007.)
Vấn đề chú trọng tới mối quan tâm nghiêm trọng này càng trở nên khẩn trương trước bản tưởng trình mới được phổ biến về “Việc Gia Tăng Ưu Tiên Vấn Đề Can Thiệp Vào Hồi Chứng Liệt Kháng Hay Vi Khuẩn Liệt Kháng thuộc Lãnh Vực Sức Khỏe”, một bản tường trình rất lấy làm tiếc xót ghi nhận là chỉ có 15% của trẻ em bị Vi Khuẩn Liệt Kháng hành cần đến việc chữa trị phản hồi mới thực sự có phương tiện hưởng những thứ trị liệu cứu sinh này. Việc trang trải cho vấn đề chữa trị như thế khoảng chừng được một nửa nơi thành phần người lớn bị Vi Khuẩn Liệt Kháng hành ("Toward Universal Access: Scaling up Priority HIV/AIDS Interventions in the Health Sector," Progress Report by WHO, UNAIDS, UNICEF, April 2007, p. 6.)
Cộng đồng quốc tế không còn làm ngơ trước nhu cầu về mối đe dọa sự sống của trẻ em mà nhiều em có thể được coi là thành phần công dân cần nhất của chúng ta, thành phần cũng là tiêu biểu cho tương lai của cộng đồng nhân loại. Trong khi đang thực hiện việc khai triển “Những Thuốc Men Khá Hơn Cho Trẻ Em” và điều chỉnh cũng như cập nhật hóa thường xuyên Kiểu Mẫu Của Các Thứ Thuốc Men Thiết Yếu giành cho cả trẻ em nữa, thì việc nghiên cứu, một việc lấy đạo lý làm nền tảng, mang tính chất minh bạch và được thận trọng kiểm tra, cần phải được thực hiện đối với tính chất an toàn của những thứ thuốc men ấy trước khi chúng được chuẩn nhận cho việc chữa trị những thứ bệnh nạn làm ảnh hướng tới trẻ em.
5. Chúng ta đang tiến tới dịp mừng kỷ niệm 30 năm Bản Tuyên Ngôn Alma Ata Về Việc Chăm Sóc Chính Yếu Sức Khỏe lịch sử, phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh hân hoan ghi nhận là vấn đề chú trọng về sách lược đang được phấn khích ở Hội Nghị Sức Khỏe Thế Giới này về các đề tài hệ trọng như vấn đề ngăn ngừa và kiểm soát các chứng bệnh bất khả truyền nhiễm, việc sử dụng hợp lý các thứ thuốc men, và đặc biệt là việc cổ võ sức khỏe trong một thế giới được toàn cầu hóa đặc biệt chú trọng tới vấn đề chăm sóc chính yếu về sức khỏe.
Qua tất cả những lời phát biểu chia sẻ trong cuộc họp này cũng như nơi việc áo dụng sau đây của các quyệt nghị của Hội Nghị Sức Khỏe Thế Giới đây ở cấp quốc gia và địa phương, đại biểu tôi tha thiết xin là một viễn ảnh về tình trạng an toàn sức khỏe cần phải được đặt căn bản trên một khoa nhân loại học tôn trọng con người nơi tính chất nguyên vẹn của họ và cần phải nhìn xa hơn tình trạng vắng bóng bệnh nạn tới tình trạng hoàn toàn hòa hợp và cân bằng lành mạnh những năng lực về thể lý, tâm lý, thiêng liêng và xã hội trong con người (Cf. Pope John Paul II, Message of the World Day of the Sick, Feb. 11, 2000, No. 13.)
Xin cám ơn
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/5/2007
FATIMA: “MẸ VỘI VÃ LÊN ĐƯỜNG”
Hướng về Lễ Mẹ Thăm Viếng 31/5/2007
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
C |
hủ đề "Mẹ vội vã lên đường" của Ngày Thánh Mẫu 2007 của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, thời điểm mừng kỷ niệm 90 Năm Biến Cố Fatima, cũng rất thích hợp với Sứ Điệp Fatima, vì nơi chủ đề này chúng ta thấy được Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một trái tim biểu hiểu cho lòng tin yêu của Mẹ: tin Chúa yêu người.
Thật vậy, trong 3 Mệnh Lệnh Fatima, tuy không phải là mệnh lệnh chính của toàn bộ Sứ Điệp Fatima, một sứ điệp bao gồm mệnh lệnh Cải Thiện Đời Sống, Cầu Kinh Mân Côi và Tôn Sùng Mẫu Tâm, song theo diễn tiến của Biến Cố Fatima và Dự Án Fatima, thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ lại là yếu tố tối quan trọng của Biến Cố Fatima. Đến nỗi, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima bấy giờ là Lucia (10 tuổi), như Mẹ Maria cho biết vào lần hiện ra thứ hai 13/6/1917 là, “phần con sẽ phải ở lại thế gian lâu hơn (Phanxicô và Giaxinta được về trời sớm), vì Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”.
Chưa hết, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ còn chi phối cả sứ vụ của Giáo Hội lẫn vận mệnh của thế giới nữa. Ở chỗ, để làm cho Nước Nga trở lại, nhờ đó, Nước Nga sẽ không còn gieo rắc lầm lạc khắp nơi và trở thành ngòi chiến tranh (nguyên tử hay thế chiến thứ ba), chính Đức Thánh Cha và toàn thể hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo bao gồm các vị giám mục trên thế giới, theo lời Mẹ tiết lộ cho chị nữ tu Lucia ở Tuy ngày 13/6/1929, phải hiệp nhau hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Và việc hiến dâng quyết liệt liên quan tới hòa bình thế giới này, xem ra có vẻ dễ dàng như thế, cũng đã phải mất đến gần nửa thế kỷ mới thật sự hoàn thành, từ khi chị Lucia viết thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII đề ngày 24/10/1940 về ý muốn của Trời Cao ấy, cho tới ngày 25/3/1984, ngày bế mạc Năm Thánh Cứu Chuộc (1950 năm sau Biến Cố Vượt Qua của Chúa Kitô vào năm 33), ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã bị ám sát chết hụt tại Quảng Trường Thánh Phêrô, chiều hôm 13/5/1981, vào ngay ngày giờ Đức Mẹ hiện ra tại Fatima lần đầu tiên 13/5/1917.
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội trên thế giới” một cách cả thể và trọng đại như thế?
Nếu không phải, chính vì thế giới ngày nay, nhất là thế giới Kitô Giáo Âu Châu, từ thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, đã và đang càng ngày càng sống quay cuồng với nền văn hóa sự chết, mất hết lòng tin yêu siêu nhiên, mà Biến Cố Fatima đã hiện lên, như một Dấu Chỉ Thời Đại, như một Cầu Vồng Cứu Rỗi, ngay giữa bầu trời mù mịt khói lửa của trận Thế Chiến lần đầu tiên xẩy ra trong lịch sử loài người (1914-1918). Fatima: Dấu Chỉ Thời Đại đây là gì, nếu không phải dấu chỉ cho thấy “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, để con người nói chung và con cái Mẹ nói riêng, có thể căn cứ vào mô phạm tuyệt vời là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ấy mà Cải Thiện Đời Sống, một việc cải thiện đời sống trước hết được chiêm ngắm và cảm nghiệm bằng việc Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày, một kinh nguyện chẳng những chất chứa Mầu Nhiệm Cứu Độ của Chúa Kitô, còn phản ảnh cả tấm gương sống tin yêu của đệ nhất tạo vật "Đầy Ơn Phúc" Maria nữa.
Đúng thế, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là tiêu biểu cho lòng tin yêu của Mẹ, một lòng tin yêu được gói ghém và bộc lộ đầu tiên nơi biến cố truyền tin (tin) và viếng thăm (yêu) của Mẹ.
Nơi biến cố truyền tin, nếu Mẹ đã chẳng tin tưởng “Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng” (Luca 1:49, 37), thì Mẹ đã chẳng cưu mang Thai Nhi Giêsu bấy giờ trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ. Thánh Âu Quốc Tinh đã nói Mẹ Maria đã thụ thai cưu mang Chúa bằng đức tin của Mẹ trước khi Mẹ thụ thai cưu mang Người nơi thân xác của Mẹ. Đó là lý do Mẹ “đầy ơn phúc” (Luca 1:28) chẳng những vì được Thiên Chúa ở cùng ngay từ giây phút được hoài thai trong lòng thai mẫu Anna, mà còn, như lời người chị họ Isave tràn đầy Thánh Linh đã tuyên nhận: “vì đã tin những gì Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện” (Luca 1:45).
Nơi biến cố thăm viếng, một biến cố được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gọi “là cuộc cung nghinh Thánh Thể đầu tiên trong lịch sử” (Huấn Từ 31/5/2005), sở dĩ “Mẹ vội vã lên đường” (Luca 1:39), một con đường dài từ bắc vô nam, từ thôn Nazarét xứ Galiêa ở miền bắc đến một tỉnh gần thành Gialiêm xứ Giuđêa ở miền nam nước Do Thái, không phải vì Mẹ muốn kiểm chứng xem thực hư lời tổng thần Gabiên nói với Mẹ về trường hợp người chị họ Isave đã già mà còn có con (xem Luca 1:38). Thật ra là vì Mẹ bấy giờ, “bởi Thánh Linh” (Luca 1:35; Mathêu 1:20) và nhờ “đức tin tuân phục”, đã thụ thai và cưu mang Lời Nhập Thể. Và chỉ vì đã thụ thai và cưu mang chính Tình Yêu Nhập Thể như thế mà Mẹ không thể nào không “vội vã lên đường”, như vị thừa sai tiên khởi trong việc mang Tin Mừng Sự Sống đến cho những con người đầu tiên là mẹ con của vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả. Và tác dụng thần linh của việc Mẹ hiện diện cùng với Tình Yêu Nhập Thể trong lòng Mẹ đã thực sự làm cho cả hai mẹ con Tiền Hô Gioan Tẩy Giả “tràn đầy Thánh Linh” (Luca 1:41), đến nỗi, sau khi nghe lời Mẹ chào, thai nhi Gioan Tẩy Giả đã hân hoan nhẩy mừng, gây tác dụng giây chuyền cho cả thai mẫu của bé, làm bà được tràn đầy thần hứng và đã thốt lên những lời ca tụng Mẹ Thiên Chúa (xem Luca 1:41-45).
(còn tiếp ngày mai)