GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 10/6/2007

TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

LỄ MÌNH MÁU THÁNH

 

?   Biến Cố Fatima ngày 13/5/1917: Ơn Gọi Hiến Tế

?  Tòa Thánh Vatican và Tòa Thượng Phụ Chaldean ở Babylon trước cuộc thảm sát 1 vị linh mục và 3 phó tế Công giáo ở Iraq

?  Những Li Trn Tình ca mt Người Bn Hi Giáo gi v Linh Mc Công Giáo b thm sát Iraq Chúa Nht L Chúa Ba Ngôi 3/6/2007

 

 

?  Biến Cố Fatima ngày 13/5/1917: Ơn Gọi Hiến Tế

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(tiếp)

    

3) Về hình thể hiện ra: Ở cả 3 Biến Cố Thánh Mẫu Balê, Lộ Đức và Fatima, Mẹ Maria đều được tả là mặc áo trắng, biểu trưng cho đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, vì ở cả 3 Biến Cố Thánh Mẫu này đều có liên quan tới đặc ân ấy. Tuy nhiên, ở Balê, Mẹ Maria mặc áo trắng, theo chị Catherine tả, “trong sáng như rạng đông”, còn ở Fatima, Mẹ được tả là “rạng ngời hơn mặt trời”. Như thế là hình thể Mẹ Maria hiện ra ở Fatima cũng hợp với cả thời điểm là buổi trưa và chính yếu vào Mùa Hè, liên quan tới mặt trời, tới ánh sáng, tới địa điểm rộng lớn và từ trên cao tỏa xuống của biến cố này.

    

4) Về ngày giờ hiện ra: “Ta muốn các con đến đây vào ngày 13 trong sáu tháng liền cũng vào giờ này”. Ở đây chúng ta thấy Mẹ Maria hết sức chú trọng đến thời đoạn hiện ra của Mẹ, đó là ngày 13 trong tháng, và trong 6 tháng liền, từ Tháng 5, Tháng Hoa của Mẹ, tới Tháng 10, Tháng Mân Côi của Mẹ. Ở Lộ Đức Mẹ Maria, vào lần hiện ra thứ ba 18/2, đúng một tuần sau lần hiện ra thứ nhất, cũng xin chị Barnadette đến với Mẹ 15 ngày liền, và Mẹ đã hiện ra đúng như thế, cho tới ngày 4/3, trừ ngày 22/2 và 26/2, bù lại Mẹ đã hiện ra thêm vào ngày 25/3 và 7/4.

    

5) Về số phận tận thế:Amélia sẽ phải ở lại luyện tội cho đến tận thế”. Câu trả lời này của Đức Mẹ về số phận của một người con gái nhà quê chưa đầy 21 tuổi, vào thời thế giới chưa văn minh và tội lỗi như ngày nay. Thế mà không biết em đã phạm tội lỗi gì, đến nỗi phải ở dưới luyện ngục cho tới tận thế. Phải chăng Biến Cố Fatima là dấu báo ngày tận thế đã gần kề?

    

6) Về ơn gọi hiến tế:Các con có sẵn lòng dâng mình cho Thiên Chúa để chấp nhận mọi đau khổ Ngài gửi đến, như một việc đền tạ những xúc phạm Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?” Ở đây, chúng ta thấy, mới vào lần  hiện ra thứ nhất, Mẹ Maria chưa xưng mình là ai và đến để làm gì: “Sau này Ta sẽ nói cho con hay Ta là ai và Ta muốn gì”, thế mà Mẹ đã kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima nhỏ bé, Lucia (10 tuổi), Phanxicô (9 tuổi) và Giaxinta (7 tuổi) hãy dâng mình làm hiến tế đền tạ Thiên Chúa và cứu các tội nhân. Như thế, địa điểm hiện ra hoàn toàn lộ thiên rộng lớn như bãi chiến trường và thời điểm hiện ra vào buổi trưa của một ngày đầy nắng chói sáng rất hợp với ơn gọi hiến tế của 3 Thiếu Nhi Fatima, một địa điểm và thời điểm tương tự như cuộc tử giá của Chúa Kitô, cũng ở trên đồi cao và vào giờ trưa!

    

7) Về tác dụng thần linh: Nói xong những lời "ơn Chúa sẽ phù trợ các con", Đức Mẹ mở rộng tay ra, tỏa xuống một luồng ánh sáng, thấu suốt lòng trí 3 Thiếu Nhi, làm cho các em thấy các em trong Chúa còn rõ hơn là các em thấy các em trong gương. Đây là sự kiện 3 Thiếu Nhi Fatima được ơn Chúa chiếm đoạt, để nhờ đó các em mới có thể sống trọn ơn gọi hy tế hoàn toàn vượt quá sức tự nhiên nhỏ bé yếu đuối của các em. Và thực sự các em đã sống trọn ơn gọi phi thường này, đã đốt giai đoạn nên thánh, như chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong bài giảng phong chân phước cho hai Thiêu Nhi Fatima Đáng Kính Phanxicô và Giaxinta ngày 13/5/2000, đã xác nhận: “Điều gây ấn tượng nhất … là việc Thiên Chúa ở trong luồng ánh sáng vô tận đã thấu nhập tận thâm tâm ba em ấy”. Riêng với Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, ĐTC còn nói thêm về tác dụng chiếm đoạt thần linh này như sau: “Một cuộc biến đổi đã xẩy ra trong cuộc đời em, một cuộc đổi thay chúng ta có thể gọi là tận gốc rễ: một cuộc biến đổi hoàn toàn khác thường đối với trẻ nhỏ ở vào lứa tuổi của em. Em hăng say dấn mình vào cuộc sống thiêng liêng, được biểu lộ bằng việc chuyên tâm sốt sắng cầu nguyện, và đã đạt tới một thứ thần hiệp thực sự với Chúa. Cuộc sống thiêng liêng này thôi thúc em tiến đến việc thanh tẩy tâm linh bằng việc từ bỏ những thích thú riêng tư và ngay cả những trò chơi vô tội của thuở thiếu thời”. Thế nhưng, sở dĩ các em được Thiên Chúa chiếm đoạt và thánh hóa hoàn toàn là nhờ Mẹ Maria, vì luồng sáng thần linh phát tỏa ra chiếm đoạt các em từ hai tay rộng mở của Mẹ. Đó là lý do ĐTC đã khẳng định: “Nhờ phục tùng và lệ thuộc vào Mẹ Maria, trong một thời gian ngắn người ta sẽ tiến bộ hơn là cả bao nhiêu năm theo những sáng kiến cá nhân khi cậy dựa vào mình (Thánh Long Mộng Phố - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, số 155). Đó là lý do tại sao các bé mục đồng ấy đã nên thánh rất nhanh như vậy… Bằng tất cả lòng quảng đại của mình trong việc chuyên tâm sống theo đường hướng của một Vị Thầy tốt lành như vậy, Giaxinta và Phanxicô đã sớm đạt tới đỉnh trọn lành”. Như thế, Biến Cố Fatima đã ứng nghiệm lời Thánh Long Mộng Phố tiên báo  về vai trò của Mẹ Maria trong việc huấn thánh cho thành phần tông đồ cuối thời: “Việc huấn luyện và giáo huấn thành phần đại thánh xuất hiện vào thời thế tận là những gì thuộc về Mẹ, vì chỉ có vị trinh nữ duy nhất lạ lùng này mới có thể cùng với Thánh Linh làm phát sinh ra những điều đặc thù kỳ diệu mà thôi” (ibid 35).

 TOP

 

? Tòa Thánh Vatican và Tòa Thượng Phụ Chaldean ở Babylon trước cuộc thảm sát 1 vị linh mục và 3 phó tế Công giáo ở Iraq

 

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Tarcisio Bertone đã thay ĐTC gửi một điện văn đến cho  ĐTGM lễ nghi Chaldean là Paulos Faraj Rahho ở Mosol, nơi xẩy ra cuộc thảm sát này. Theo tin của hãng thông tấn Reuters thì cảnh sát nói rằng những tay súng đã chặn xe của vị linh mục lại, lôi ngài và các vị phó tế ra khỏi xe mà bắn ngay trước Nhà Thờ Chúa Thánh Linh sau Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, 3/6/2007.

 

Điện tín từ Tòa Thánh viết: “Đức Thánh Cha cảm thấy hết sức đau buồn khi biết được việc sát hại vô lý của Cha Regheed Aziz Ganni và các phụ phó tế Basman Yousef Daoud, Ghasan Bidawid và Wadid Hanna, và ngài xin ĐTGM hãy chuyển đến gia đình của họ lời phân ưu chân thành của ngài. Ngài muốn hiệp cùng cộng đồng Kitô hữu ở Mosul để ký thác linh hồn của các vị cho lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa là Cha yêu thương của chúng ta, và ngỏ lời cảm tạ các vị về chứng từ vô vị lợi của các vị đối với Phúc Âm.

 

“Đồng thời ngài nguyện cầu để việc hy sinh đắt giá của các vị trở thành những gì tác động nơi tâm can của tất cả những con người nam nữ thiện chí trong việc dứt khoát từ bỏ những đường lối hận thù và bạo động, trong việc thắng vượt sự dữ bằng sự lành và trong việc hợp tác để mau chóng mang lại bình minh cho việc hòa giải, công lý và hòa bình ở Iraq”.

 

“Đức Thánh Cha thân ái ban phép lành tòa thánh như phép bảo chứng ủi an và sức mạnh trong Chúa cho các gia đình và tất cả những ai đang thương khóc cái chết của họ trong đức  tin và trong niềm hy vọng xuất phát từ niềm xác tín bởi sự phục sinh”.

 

Trong khi đó, Tòa Thượng Phụ Chaldean ở Babylon của Thượng Phụ Emmanuek III Delly cũng phổ biến một bản tuyên cáo liên quan tới vụ thảm sát này, bản tuyên cáo của các vị giám mục đang họp ở Qosh, như sau:

 

“Lòng tràn đầy đớn đau, đức thượng phụ Babylon cho các người Chaldean là Đức Mar Emmanuel III Delly, cũng như tất cả mọi vị giám mục Chaldean đề cao cuộc tử đạo của bốn vị giáo sĩ bị miệt thị chống đối và kịch liệt bài trừ.

 

“Đây là một tôi ác ô nhục mà bất cứ một con người nào có lương tâm đều phải tẩy chay loại trừ. Những ai phạm tội ác này đã thực hiện một điều ghê tởm phạm đến Thiên Chúa và nhân loại, phạm đến anh em mình là thành phần công dân trung thành và thuận thảo chưa kể là những con người tu trì luôn dâng lời nguyện cầu và khẩn cầu của mình lên Thiên Chúa Toàn Năng để xin  Ngài ban hòa bình, an ninh và ổn định cho toàn thể Iraq.

 

“Các vị giám mục xin hết mọi người hãy hiệp nhất và đoàn kết trong những giây phút khốn khó này, và trong trường hợp buồn thảm đây, các vị lập lại những gì các vị đã tuyên bố trước đây về việc bách hại các Kitô hữu Iraq, về việc họ bắt buộc phải di dân, và về việc họ bị đẩy đến chỗ phải chối bỏ niềm tin của họ.

 

“Các ngài yêu cầu những vị lãnh đạo Iraq và các tổ chức quốc tế hãy can thiệp và thực hiện những gì cần thiết để chấm dứt những hành động tội ác này”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/6/2007

 

 

TOP

 

 

? Những Li Trn Tình ca mt Người Bn Hi Giáo gi v Linh Mc Công Giáo b thm sát Iraq Chúa Nht L Chúa Ba Ngôi 3/6/2007

 

Nhân danh Vị Thiên Chúa cảm thương và nhân hậu,

 

Anh Ragheed của tôi ơi,

 

Tôi xin anh tha thứ cho tôi vì tôi không được ở với anh khi những tay tội ác ấy nổ súng vào anh và vào các người huynh đệ của anh. Những viên đạn đã xuyên qua thân thể tinh tuyền và vô tội của anh cũng đã xuyên thấu tâm can và linh hồn của tôi.

 

Anh là một trong những người đầu tiên tôi được gặp khi tôi đến Rôma. Chúng ta đã gặp nhau ở những sảnh đường của Đại Học Angelicum và chúng ta đã uống cà phê cappuccino của Ý với nhau ở quán cà phê của đại học ấy. Anh làm tôi cảm mến về tính chất chân thành vô tội của anh, về niềm vui của anh, về nụ cười trong sáng và trìu mến luôn tươi nở trên  môi anh. 

 

Tôi hằng thấy được hình ảnh anh tươi cười, vui vẻ và đầy sức sống của anh. Đối với tôi, Ragheed là một vị tinh tuyền vô tội; một vị tinh tuyền vô tội khôn ngoan ấp ủ nơi tâm can mình những khổ sầu của thành phần bất hạnh. Tôi còn nhớ có lúc, ở phòng ăn của đại học, khi Iraq đang bị cấm vận, anh đã nói với tôi rằng giá của một ly cà phê Ý cappuccino thôi cũng đủ để đáp ứng các nhu cầu của một gia đình Iraq cả ngày.

 

Anh nói với tôi điều ấy như thể anh đang cảm thấy có lỗi bởi ở xa cách với thành phần dân chúng bị bách hại của anh và không thể chia sẻ với những nỗi khổ đau của họ vậy…

 

Thật thế, anh đã trở về Iraq, chẳng những để chia sẻ với nỗi khổ đau và số mệnh của nhân  dân anh, mà còn hòa máu của mình với máu của bao nhiêu là ngàn người Iraq bị sát hại hằng ngày. Tôi không bao giờ quên được ngày thụ phong của anh (31/10/2001) ở Giáo Hoàng Học Viện Urbanian… anh vừa ứa nước mắt vừa nói với tôi rằng: “Hôm nay, tôi đã chết cho chính mình”… một điều thật khó mà nói lên được.

 

Tôi không hiểu lời nói ấy ngay lúc bấy giờ, hay có thể là tôi đã không coi trọng nó như tôi đáng lẽ cần phải tỏ ra….  Thế nhưng, hôm nay, qua việc tử đạo của anh, tôi đã hiểu được câu nói đó…. Anh đã chết trong linh hồn của anh và nơi xác thể của anh để được sống lại nơi người thân yêu của anh, nơi thày dạy của anh, và để Đức Kitô được phục sinh nơi anh, bất chấp những đớn đau và buồn khổ, bất kể những chao đảo và dại khờ.

 

Nhân danh vị tử thần nào mà họ đã hạ sát anh vậy? Nhân danh thứ chủ nghĩa vô đạo nào mà họ đã đóng đanh anh chứ? Họ có thực sự biết được những gì đã đã làm hay chăng?

 

Ôi Thiên Chúa,  chúng tôi không xin Ngài trả thù hay báo oán. Chúng tôi xin Ngài cho một cuộc chiến thắng, một cuộc chiến thắng của công lý trên sai lầm, sự sống trên sự chết, vô tội trên phản bội, máu huyết trên gươm đao…. Máu của anh sẽ không đổ ra vô ích, Ragheed ơi, vì bằng máu này, anh đã chúc phúc cho quê hương của anh. Từ trời, nụ cười dịu dàng của anh sẽ tiếp tục sáng soi bóng tối đêm đen của chúng tôi và loan báo cho chúng tôi thấy được một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Thưa anh, tôi xin anh tha thứ cho, vì khi kẻ sống qui tụ lại với nhau thì họ nghĩ rằng họ có đủ thời giờ trên thế giới này để nói năng, thăm viếng và chia sẻ cảm xúc và tâm tưởng. Anh đã mời tôi đến Iraq… Tôi đã mơ tới cuộc viếng thăm này, tới cuộc viếng thăm nhà cửa của anh, cha mẹ của anh, văn phòng của anh…. Nó đã không bao giờ xẩy ra cho tôi nữa ngoài việc một ngày kia tôi tới viếng mộ của anh, hay tôi sẽ đọc những câu trong Sách Koran của tôi để cầu cho linh hồn anh được an nghỉ…

 

Có lần, trước chuyến đi đầu tiên của anh về Iraq sau một chuỗi ngày dài anh vắng bóng, tôi đã cùng anh đi mua đồ kỷ niệm để tặng cho gia đình anh. Anh đã nói với tôi về hoạt động tương lai của anh. Anh đã nói rằng: “Tôi muốn điều hành dân chúng bằng đức bác ái hơn là công lý”.

 

Tôi khó lòng mà nghĩ được rằng anh là một “vị thẩm phán về giáo luật”… Và hôm nay đây, máu của anh và cuộc tử đạo của anh đã nói thay cho anh, một phán quyết của lòng trung thành và của đức nhẫn nại, của niềm hy vọng trước tất cả mọi khổ đau, trước việc sống còn, bất chấp sự chết, bất chấp mọi sự.

 

Thưa anh, máu của anh đã không đổ ra vô ích, và bàn thờ thánh đường của anh đã không phải là một thứ ngụy tạo…. Anh đã đảm nhận một trách nhiệm một cách hết sức nghiêm chỉnh cho đến cùng, bằng một nụ cười không bao giờ tắt… không bao giờ.

 

Người huynh đệ yêu dấu của anh,

 

Adnam Mokrani

Roma, 4/6/2007

Giáo Sư về Nghiên Cứu Hồi Giáo thuộc Học Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Và Văn Hóa

Giáo Hoàng Học Viện Gregorian

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/6/2007 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ