GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 11/6/2007 TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN |
? "Chúng ta khuấy động tâm can của Thiên Chúa"
? Lá thư chia sẻ mục vụ từ Hàn Quốc
? Người Phu Quét Rác
"Chúng ta khuấy động tâm can của Thiên Chúa".
Huấn Từ (tự phát thay bài đã dọn) Thứ Năm 14 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria và Thánh Corbinian, ở Freising trong chuyến tông du Bavaria Đức Quốc 9-14/9/2006.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Giờ đây chúng ta hãy tiến tới bài giảng là bài tôi muốn nêu lên hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất liên hệ tới bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, một đoạn Phúc Âm tất cả chúng ta đã nghe quá quen, một đoạn phúc âm chúng ta đã dẫn giải và suy niệm trong lòng, đó là lời Chúa Giêsu nói “mùa gặt thì bệ bộn”. Khi nói mùa gặt “bề bộn”, Người không ám chỉ tới một thời điểm đặc biệt nào đó, cũng như tới những con đường Palestine Người đã hành trình trong cuộc sống trần thế của Người: những lời lẽ của Người vẫn còn hiệu lực cho cả ngày hôm nay nữa. Những lời ấy có nghĩa là một mùa màng đang gia tăng trong tâm can con người; những lời ấy có nghĩa là, nói cách khác, sâu xa tận bên trong, đó là con người đang đợi chờ Thiên Chúa, đang chờ đợi một thứ ánh sáng hoàn toàn soi dẫn cho thấy con đường tiến lên, đang đợi chờ một sứ điệp không phải thuần ngôn từ, mà là hy vọng, là chờ đợi một tình yêu thương sẽ đón nhận và nâng đỡ chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu vượt trên giây phút hiện tại. Mùa màng thì bề bộn, và thợ gặt là thành phần cần thiết ở hết mọi thế hệ. Phần còn lại “thợ gặt lại ít oi” của câu được trích dẫn cũng là những gì xác thực nữa đối với mọi thế hệ ở một nghĩa khác.
“Hãy cầu xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến làm mùa”. Điều này có nghĩa là mùa gặt đang sẵn sàng, thế nhưng Thiên Chúa muốn chiêu mộ thành phần hộ mùa để gặt hái cho vào kho lẫm. Thiên Chúa cần đến họ. Ngài cần thành phần nói: vâng, con sẵn sàng trở thành thợ gặt của Chúa; con sẵn sàng góp phần để mùa gặt đang chín trong lòng người này được thực sự cho vào kho lẫm đời đời và trở thành một cuộc hiệp thông thần linh tồn tại của niềm vui và yêu thương. “Hãy xin Chủ ruộng” cũng có nghĩa là chúng ta không thể nào “sản xuất” ra các ơn gọi; các ơn gọi cần phải được Thiên Chúa ban tặng. Đây không phải là những gì giống như những nghề nghiệp khác, chúng ta không thể nào tuyển mộ người ta bằng việc sử dụng một thứ phổ biến đúng kiểu hay một loại sách lược thích đáng. Lời mời gọi được xuất phát từ tâm can của Thiên Chúa ấy lúc nào cũng cần phải tìm cách thấm nhập vào lòng trí của con người. Tuy nhiên, chính vì để nó có thể tiến vào tâm can của con người mới cần đến việc hợp tác của chúng ta. Việc cầu xin cùng Chủ ruộng trước hết có nghĩa là cầu xin Ngài ban cho điều ấy, là khuấy động lòng Ngài mà nói: “Xin hãy làm điều ấy! Xin hãy khơi động thành phần thợ gặt! Xin hãy gợi lên trong họ lòng nhiệt thành và niềm vui sống cho Phúc Âm! Xin hãy làm cho họ hiểu rằng đó là một kho tàng còn cao cả hơn bất cứ kho tàng nào khác, và ai khám phá ra nó cần phải truyền đạt nó!”
Chúng ta khuấy động tâm can của Thiên Chúa. Thế nhưng, việc chúng ta nguyện cầu cùng Thiên Chúa không chỉ bao gồm có ngôn từ mà thôi; những lời lẽ ấy cần phải dẫn tới hành động để từ con tim nguyện cầu của chúng ta bừng lên một tia niềm vui trong Thiên Chúa và trong Phúc Âm, khiến lòng của người khác cũng sẵn sàng xin “vâng”. Là con người của nguyện cầu, tràn đầy ánh sáng của Ngài, chúng ta vươn tới người khác và mang họ vào lời nguyện cầu của chúng ta và đến trước nhan Thiên Chúa, Đấng sẽ không ngừng thực hiện phần của Ngài. Theo đó chúng ta cần phải tiếp tục nguyện cầu cùng Chúa ruộng, hãy khuấy động tâm can của Ngài, và cùng với Thiên Chúa chạm tới tâm can của người khác bằng việc nguyện cầu của chúng ta. Và theo dự định của mình, Ngài sẽ làm cho tiếng xin “vâng” của họ được trở nên chín chắn, làm cho họ sẵn sàng đáp ứng; nói cách khác, làm cho họ kiên trì qua tất cả mọi thứ rắc rối trên đời này, qua cái nóng của ban ngày và cái tối của ban đêm, để họ kiên trì một cách trung thành với việc phục vụ của họ. Nhờ đó họ sẽ biết rằng các nỗ lực của họ, dù cực nhọc đến đâu đi nữa, cũng là những gì cao quí và bõ công, vì chúng dẫn tới những gì là thiết yếu, chúng bảo đảm rằng con người lãnh nhận những gì họ hy vọng, đó là ánh sáng của Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa.
Lá thư chia sẻ mục vụ từ Hàn Quốc
Càng ngày càng có nhiều cô
gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Hầu hết các người chồng Hàn Quốc này là những
người lớn tuổi hay là những người đã ly dị vợ. Trong hình là những người Hàn
Quốc (ngồi và đứng bên trái) được môi giới đưa vào một quán Bar ở Việt Nam để
gặp và lựa chọn các cô gái Việt Nam (ngồi đối diện).
Thế là đã 3 tháng, từ ngày em đến Hàn Quốc vào ngày 12 tháng 11 năm 2006. Em đã
bắt tay vào việc sau khi đến đất Hàn một ngày. Công việc của em là làm tuyên úy
cho cộng đồng người Philippines và Việt Nam tại Giáo Phận Busan. Người công giáo
của cộng đoàn Philippines là khoảng 500 người, và cộng đoàn Việt Nam thì trên
100 người. Những số người công nhân Việt Nam làm việc và cư ngụ chung quanh vùng
Busan thì khoảng trên 500 người. Họ là những người nhiều tôn giáo khác nhau.
Ngoài công việc tuyên úy cho hai cộng đoàn nói trên, em còn làm trong văn phòng tư vấn cho những người lao động nước ngoài, phục vụ cho tất cả các công nhân lao động đến từ khắp các nước. Mới đầu em cứ nghĩ là công việc chỉ đơn giản là lo các công việc mục vụ là chính, nhưng khi vào làm rồi thì mới thấy được những khó khăn và đau thương của người công nhân lao động tại Hàn Quốc. Ðặc biệt là thương cho người lao động của Việt Nam mình. Tuy làm cho tất cả các dân tộc nhưng thời gian làm việc cho các công nhân lao động Việt Nam là chiếm thì giờ nhiều nhất. Quả là không thể quên được những người dân Việt Nam đang chịu những khó khăn và đau khổ vì công việc cũng như tinh thần trên đất nước Hàn Quốc này. Dù gì cũng là những người máu đỏ da vàng và tình dân tộc. Mỗi ngày phải chứng kiến biết bao cảnh đau thương như: thất nghiệp, bị chủ đánh đập, chủ không trả tiền lương, chủ bắt ép phải làm ngày Chúa Nhật... Rồi đến những tai nạn lao động: kẻ thì đứt tay, kẻ thì mất chân do máy móc cắt đi. Người thì bị những tấm sắt lớn từ trên cao đập xuống đè dẹp cả người. Người thì tự sát vì chịu hết nổi với sự bất công của chủ và những khổ cực đang phải đối diện với cuộc sống hằng ngày. Mới đây có một cô gái vì gặp khó khăn trong công việc làm... lo sợ không biết lấy gì sống vì đang thất nghiệp, và người yêu của cô cũng đang trong tình trạng như thế, nên đã nhảy từ lầu 5 xuống, và đã chết thê thảm. Cũng một trường hợp khác tương tự như vậy, một cô gái khác cũng nhảy lầu chết tại chỗ, chỉ vì chịu hết nổi với sự bất đồng và mâu thuẫn với người chồng Hàn Quốc, khác văn hóa, khác ngôn ngữ. Và cũng vì lối đối xử quá khắt khe của gia đình bên chồng, nên cuối cùng cô đã chọn cái chết cho êm chuyện.
Việc các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc cũng là một thực tại đau thương. Hầu như trên 70 phần trăm các cô gái Việt Nam qua đây đều đã tự ly dị hay tự bỏ trốn khỏi gia đình chồng và ra ngoài làm ăn, vì không chịu nổi lối đối xử khắt khe và những khuôn khổ khác lạ bên gia đình chồng. Hiện cũng có những trung tâm hay những tổ chức từ thiện đang tiếp nhận một số các cô gái Việt Nam đang gặp những vấn đề rắc rối và đưa họ về nuôi ăn ở từng bữa cơm một. Họ là những người bị chồng đuổi ra khỏi nhà nên các cô đã ra đi tay không và phải tìm những nơi cứu trợ để giúp.
Van vái ba mẹ
Sau khi lựa chọn (xem hình 1), Hai người Hàn Quốc là Kim Tae Goo và Kim Wan Su đã chọn hai cô Việt Nam là Bùi Thị Thúy và Tô Thị Viên. Trong hình là lễ đám cưới trước khi qua Hàn Quốc. Kim Wan Su đang vái ba mẹ của Tô Thị Viên.
Em làm việc bên này, nhiều lúc thấy thương cho những hoàn cảnh đó lắm... Nhưng chỉ làm với họ trong khả năng giới hạn của mình thôi. Có những cái mà vượt quá tầm tay thì không biết bao giờ mới giúp giải quyết nổi. Có những tai nạn xảy ra rất đáng thương nhưng vì hoàn cảnh bó buộc nên đành nhắm mắt làm ngơ cho trôi qua. Có người bị tai nạn chết mà cũng không có tiền để thiêu xác đem về Việt Nam. Có những người công nhân bị đuổi việc đột ngột nên cũng không có nhà cửa để cư trú tạm thời trong thời gian tìm việc làm khác. Có những cô gái Việt lấy chồng Hàn bị gia đình chồng đuổi giữa lúc đêm khuya nên cũng không biết tìm đâu nương tựa. Hầu hết khi những việc đó xảy ra, thì họ đều tìm đến các Linh Mục Công Giáo Việt Nam để nhờ giúp đỡ. Các Linh Mục Việt Nam ở Hàn Quốc thì cũng không biết kiếm đâu ra những nguồn kinh tế để có thể giúp cho quá nhiều trường hợp như thế. Nhiều lúc cảm động lắm, vì họ không hiểu tiếng Hàn... mặt khác, nơi đất khách quê người mà có được một linh mục Việt Nam lo cho họ khi gặp những việc rắc rối đó thì họ cảm động lắm và họ cũng vững tâm, bởi vậy cứ hễ có chuyện gì xảy ra là họ lại tìm đến các Linh Mục Việt Nam.
Hằng ngày không biết có bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đến,
đại khái đều là những việc như "cha ơi! con bị đuổi việc rồi... không có nơi
ở..." Hoặc có khi nửa đêm đang ngủ thì có cô Việt lấy chồng Hàn gọi đến nói là:
"cha ơi! chồng con đuổi con ra khỏi nhà... giờ con biết đi đâu..." Rồi một số
người khác vì sự đối xử bất công của chủ lại gọi: "cha ơi! cha giúp con đổi
xưởng làm khác..." Bao nhiêu khó khăn với công việc hằng ngày đã làm cho các
Linh Mục Việt Nam tại Hàn Quốc giải quyết đủ mệt mỏi rồi, lại còn phải giải
quyết những việc về tâm linh nữa. Là người công giáo mà họ không được đến Nhà
Thờ mỗi ngày Chúa Nhật, vì tất cả các phân xưởng đều làm luôn cả ngày Chúa Nhật,
nếu ai tự bỏ phân xưởng thì bị đuổi việc. Vì vậy mà họ không được đi đến nhà thờ
đều. Có người mỗi tháng đến được một lần... đa số là vài tháng mới đến được một
lần. Số còn lại chỉ đi mỗi năm 2 lần thôi: đó là ngày Tết Việt Nam và Ngày lễ
Noel (Giáng Sinh), vì chỉ có hai ngày đó là được nghỉ chính thức. Không có linh
mục dâng lễ và ban các bí tích... cho dù làm được nhiều tiền nhưng phần tâm linh
của họ lúc nào cũng bất yên. Nhiều người bỏ lễ lâu quá rồi nên cứ nghĩ là bây
giờ họ không phải là người công giáo nữa. Có những người vì 4 hoặc 5 năm rồi
chưa xưng tội nên họ đã quên cách xưng tội. Và nhiều người quên luôn cả các cách
đối đáp trong các Nghi Thức Thánh Lễ.
Một vợ chồng Hàn - Việt
Trong hình là người chồng Hàn Quốc, 40 tuổi, một tài xế xe tải. Và cô dâu Việt Nam Ngô Ngọc Quý Hồng, 21 tuổi. Một cặp vợ chồng Hàn-Việt sinh sống tại Osan, Nam Hàn.
Bước chân tới đất Hàn này, các linh mục Việt Nam mới nghiệm thấy được câu nói trong Kinh Thánh "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì thiếu". Những người dân lao động ở đây khi thấy linh mục thì họ mừng lắm. Họ nói là bao nhiêu năm không có dịp tham dự thánh lễ Việt Nam và không nghe được những lời chỉ dạy của linh mục. Nay có cha sang đây là niềm hạnh phúc, là động lực cho họ để sống và làm việc.
Nhưng cũng không dễ để làm việc mục vụ ở đây. Vì chúng ta là người Việt Nam. Khi ở đất khách quê người thì mọi sự đều phụ thuộc. Khi dâng lễ hoặc tổ chức một việc gì cho cộng đoàn Việt Nam thì khó khăn lắm. Phải chờ phép tắc chỗ này chỗ nọ. Tuy Hàn Quốc là một nước có tự do tôn giáo, nhưng họ không để cho mình tùy tiện tổ chức đâu. Em nhìn thấy những người đến đây dự lễ có vẻ khép nép và không được thoải mái như quê nhà... vì địa điểm làm lễ và nơi sinh hoạt đều mượn của người Hàn. Không biết bao giờ mới được thoải mái và tự do để người Việt Nam tại đây được hưởng những hồng ân như những người công giáo ở quê nhà khi tham dự thánh lễ. Nhiều lúc có những lễ không trùng vào ngày Chúa Nhật thì càng khó khăn hơn và đành phải bỏ thôi. Vì ngày thường thì không thể mượn văn phòng để tổ chức thánh lễ cho người Việt Nam được. Chẳng hạn như thứ Tư Lễ Tro vào ngày thường, hoặc lễ Giao Thừa vào ban đêm, thì cũng không tiện mượn văn phòng để tổ chức thánh lễ được. Cũng đang lo ngại là trong Tuần Thánh năm 2007 này, không biết có thể tổ chức Tam Nhật Thánh cho cộng đoàn Việt Nam được không.
Rất mong anh chị và tất cả mọi người thân quen cầu nguyện nhiều cho em. Vài hàng kính thăm anh chị và tất cả. Những việc em vừa tâm sự trên là những thổn thức băn khoăn cho một tân linh mục như em đang làm việc mục vụ truyền giáo trên đất Hàn. Xin anh chị và mọi người tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ tinh thần cho em. Chúc anh chị và mọi người luôn khỏe mạnh và bình an trong Chúa mọi ngày
Xin anh chị chuyển lời thăm hỏi của em đến tất cả những người thân quen. Chúc anh chị và tất cả mọi người luôn khỏe mạnh, Năm Mới hạnh phúc và nhiều ơn Chúa.
Lm. Stephano Nguyễn Thông
From: tinvui
Sent: Saturday, June 02, 2007 4:39 PM
Subject: Kinh gui Tuan san Cong Giao Tin vui 88
Người Phu Quét Rác
(Câu chuyện người quét rác)
Cứ tối đến là Sài Gòn se se lạnh, cái lạnh nhẹ nhàng của mùa xuân cũng không làm cho một số người mát hơn chút nào. Mồ hôi họ vẫn chảy, tuy vậy họ vẫn bịt kín từ trên xuống dưới, ngay cả chân tay họ cũng không có chỗ nào hở.
Họ là ai? Thưa họ là những Người Phu Quét Rác. Họ che kín thân người, chắc là để cho cát bụi không bám vào các lỗ chân lông lúc nào cũng “rộng mở” cho mồ hôi chảy ra; họ bịt kín mặt mũi là để cho bụi đất, bụi đời, và bụi thời gian không thể len lỏi vào bên trong thân xác và cuộc sống của họ được; và cũng có thể để cho những kẻ qua đường, như chúng ta, không nhận ra họ là ai.
Nhưng cuộc sống của họ giống cuộc sống Linh Mục của tôi một điểm (theo ý của riêng tôi – không phải là ý kiến chung của các Linh Mục) đó là: dẫu biết rằng hôm nay có quét sạch bụi đời, thì ngày mai mình cũng phải quét lại; dẫu có làm sạch bây giờ thì trong giây lát sẽ có người làm dơ bẩn. Nhưng mặc kệ, ai xả cứ xả, còn chúng tôi quét dọn vẫn cứ quét dọn! Họ dọn sạch đường cho tôi và bạn đi! Tôi dọn sạch tâm hồn cho bạn thênh thang!!! Tuy vậy giữa hai cuộc sống tưởng chừng như khá giống nhau đó, lại có một điều vô cùng khác nhau: Tôi được tôn trọng (ít ra cũng được người khác gọi bằng cha), còn họ bị người khác nhìn khinh khi. Cho nên tối hôm nay trước khi đi tìm trẻ bụi đời, tôi tìm đến họ.
Tôi bao một chiếc honda ôm cho 2 tiếng đồng hồ với giá 150 ngàn đồng và lên đường tìm những người phu quét rác. Cứ gặp ai thì tôi bảo anh lái xe Honda dừng lại, tôi đến cạnh họ, nói chuyện và chúc mừng năm mới rồi lì xì cho họ 50 ngàn đồng.
- Chào chị!
Tôi tiến lại và nói to để chị có thể nghe. Chị dừng đôi tay đang thoăn thoắt đưa cái chổi trên mặt đường nhìn tôi có ý thăm dò nhưng không nói gì. Tôi liền nhắc lại vẫn một câu nói đã thuộc nằm lòng từ nãy tới giờ, và đã được lặp đi lặp lại cho bao nhiêu người:
- Em cám ơn chị đã dọn sạch đường phố cho mọi người trong những ngày giáp tết. Cám ơn chị vẫn âm thầm làm việc không kể nắng mưa. Em muốn tặng chị một chút quà để thay lời cám ơn.
Vừa nói tôi tôi vừa đưa cho chị một cái phong bì trong đó có 50 ngàn.
- Cám ơn em, chị cầm lấy và nói.
- Cám ơn chị, chúc chị một năm mới bình an trong tâm hồn và xin Thiên Chúa chúc lành cho chị!
Nói xong tôi lên xe Honda tính tiếp tục lên đường. Xe vừa chồm bánh thì tôi nghe tiếng chị gọi.
- Em ơi, em ơi, cho chị hỏi cái.
- Dạ chị gọi em.
Tôi trả lời, bảo anh tài xế dừng xe rồi bước xuống xe quay lại bên chị.
- Em có phải là người Công Giáo không?
- Dạ phải.
Nghe tới đó chị từ từ gỡ đôi găng tay, gỡ cái mũ, gỡ khẩu trang và tôi nhìn thấy nước mắt chị đang rơi trên khuôn mặt mà có lẽ tôi phải gọi là cô mới đúng. Chị nói:
- Chị làm nghề này đã được 30 năm, từ ngày “giải phóng.” 30 năm quét rác, chưa có một người qua đường nào nói với chị một điều tốt lành, chứ đừng nói tới việc họ cám ơn chị. Họ nhìn chị với một con mắt khinh khi và ghê ghét. Chị đâu phải là người thất học. Năm giải phóng thì chị đang chuẩn bị thi tú tài toàn. Một tương lai đang mở ra trước mắt chị…
Nói tới đó chị dừng lại đưa bàn tay đầy bụi bặm lên lau nước mắt. Thấy vậy tôi vội móc túi lấy cái khăn mùi xoa đưa cho chị. Chị cầm lấy cám ơn tôi lau nước mắt rồi nói tiếp.
- Nhưng thế thời thay đổi và chị đã trở thành người phu quét rác 30 năm nay. Chị đã nhận được bao nhiêu lời chế diễu, bao nhiêu lời xúc phạm và bao nhiêu lời có thể nói là chửi mắng từ những đứa trẻ choai choai chỉ đáng tuổi làm con của chị. Có những lúc vô tình, hay cũng có thể là bụi nhiều quá, nên khi chị quét rác thì bụi bay mịt mù nên những người chạy xe qua đường nhìn chị xỉa xói hay nói những câu đại loại như “Quét nhẹ tay một chút” hay “Đui sao không thấy bụi bay ngất trời.”
Chị nói như trút bầu tâm sự với một người mà tưởng chừng đã thân quen. Tự dưng tôi cảm nhận được cái cảm giác mà những ngày đầu tiên qua Mỹ khi không biết một chữ tiếng anh mà đi đâu gặp một người biết nói tiếng Việt thì mừng lắm. Cứ bám chặt vào nói chuyện như đã quen biết từ lâu. Có thể chị chưa tìm được “người công giáo” nào để chia sẻ nên giờ có tôi chị như bắt phải cái phao. Thế là tôi dìu chị vào lề đường, tôi ra hiệu cho anh chạy Honda đi về trước và tôi ngồi xuống bên chị. Chi lại lau nước mắt kể tiếp:
- Chị cũng người công giáo! Nhiều khi chị đi làm về là sáng, chạy vội vào đi lễ không kịp tắm rửa, chị biết là chị không thơm tho nên đâu dám vào trong nhà thờ chỉ dám đứng xa xa, vậy mà cũng không ai dám đứng gần chị. Họ có lỡ đến gần rồi họ cũng bỏ đi. Thôi kệ chị đến với Chúa mà, nếu không thì chị mất Lễ Chủ Nhật. Nhưng chị khổ nhất là chị không dám xếp hàng lên rước Chúa vì những người chung quanh chê chị hôi...
Chị nói tới đây thì tôi cầm lấy tay chị mà nước mắt bắt đầu rơi. Tôi khóc vì hạnh phúc với niềm tin quá ư là lớn lao của chị. Và tôi cũng khóc cho niềm tin mỏng giòn của tôi chưa dám đặt Thiên Chúa lên hàng đầu. Và tôi cũng khóc cho các bạn nữa, thật đấy. Tôi khóc vì chúng ta đang sống trong một thế giới tự do và đầy đủ nhưng lại có những lý do để từ chối đến với Chúa ngày Chủ Nhật… Ôi tôi thật thấy hổ thẹn với lòng mình, với chị và với Chúa.
- Sao em khóc vậy?
Chị kéo tôi về với thực tại
- Em không sao. Em chỉ phục Đức Tin quá lớn lao của chị vào Thiên Chúa, trong khi đó em được Chúa ban cho rất nhiều mà không tin được như chị. Em thấy mắc cỡ thôi.
- Mỗi người có một hoàn cảnh em à. (Chị an ủi tôi). Niềm tin của chị càng vững hơn khi người khác càng khinh khi chị - vì chị biết Chúa yêu thương chị nhiều lắm khi nhìn thấy người ta khinh con của Chuá như vậy.
Chị dứt lời thì tim tôi đau nhói. Không phải bởi vì cái bệnh tim của tôi mà vì chị đã dạy tôi một bài học thật đến không thể thật hơn được nữa. Tôi quyết định thú nhận với chị.
- Chị có tin không? Em là một Linh Mục đó!
- Cha… Cha… Cha… Chị nấc lên từng tiếng trong ngỡ ngàng và nghẹn ngào. Con xin lỗi cha, con không biết Cha là Cha. Cha tha lỗi cho con.
Vừa nói chị vừa qùy xuống như van nài tôi.
- Không có gì đâu chị. Em phải xin lỗi chị mới đúng chứ!
Vừa nói tôi đỡ chị trở lại vị trí ngồi bên tôi và chúng tôi ôm nhau khóc. Vâng, chị khóc và tôi cũng khóc. Chúng tôi khóc giữa lòng đời mặc cho bao người qua lại soi mói. Khóc cho nỗi đau khổ của cuộc đời, những trớ trêu của nó, và cho cả hai thân phận lẻ loi trong những đêm cận tết. Nhưng có cuối cùng cũng phải xác nhận là chị khóc là bởi vì chị đang hạnh phúc. Chị hạnh phúc vì chị cảm thấy có người hiểu được và cám ơn công việc quét rác của chị, và chị cảm thấy được yêu thương, một tình thương không vụ lợi. Còn tôi khóc vì… tôi khóc và cảm thấy xấu hổ. Đơn giản thế thôi, không thể giải thích được, mà tôi nghĩ là cảm xúc dâng ngập con tim nhỏ bé và tràn ra trên khoé mắt.
Chút Suy Tư:
Nhà thơ Nghiêm Xuân Cường có viết để diễn tả những giọt nước mắt rơi của hai kiếp người trong tác phẩm “Vô cớ lệ rơi” như sau:
Vì đâu mắt lệ chứa chan
Một màn sương bỗng giăng ngang giữa trời
Kiếp người - cũng một kiếp người
Mẹ ơi sao có người cười, kẻ đau
Một phương nắng đẹp muôn mầu
Một phương cô quạnh u sầu nát tim
Nơi đây gió lặng trời êm
Mà sao chốn ấy đạn bom hãi hùng
Bể dâu, dâu bể chập chùng
Mẹ ơi nghĩ đến mà lòng xót xa
Xót cho nguời, xót cho ta
Trăm năm một kiếp, nở hoa mấy mùa.
Vâng Chúa ơi, cũng một kiếp người mà sao “có người gục ngã đau thương” nhưng lại có niềm tin vào Chúa như thế. Trong khi đó trong xã hội Mỹ chúng con đang sống thì cũng một kiếp người mà sao “có người hạnh phúc hân hoan” nhưng tâm hồm họ thì đã xa Chúa lắm rồi. Xin cho con và cho những kiếp người đã được Chúa chúc lành nhiều hơn những kiếp người khác biết chia sẻ những gì Chúa đã ban cho chúng con với những kiếp người không may mắn bằng chúng con và nhất là cho chúng con biết xây dựng ngôi nhà của chúng con trên nền tảng vững chắc là niềm tin vào Chúa bằng cách sống niềm tin đó trong đời sống hàng ngày.“ Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.” (Mt 7:24, 26)
Linh Mục Martino Nguyễn Bá Thông
From: tinvui
Sent: Saturday, June 02, 2007 4:39 PM
Subject: Kinh gui Tuan san Cong Giao Tin vui 88