GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ tư 13/6/2007 TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN |
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 6/6/2007 – Bài Giáo Lý 40 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền liên quan tới Thánh giáo phụ Cyprian.
? Biến Cố Fatima 13/6/1917: Thánh Mẫu Sứ Vụ
? Từ Một Tín Đồ Anh Giáo trở thành Vị Lãnh Đạo Công Giáo
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 6/6/2007 – Bài Giáo Lý 40 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền liên quan tới Thánh giáo phụ Cyprian.
(tiếp 12 Thứ Ba)
Thánh Cyprian đã viết nhiều luận án và thư từ, những văn kiện bao giờ cũng gắn liền với thừa tác mục vụ của ngài. Ít khi bàn tới vấn đề suy luận về thần học, ngài hầu hết viết để củng cố cộng đồng và khuyến khích hành vi tất lành của tín hữu. Thật vậy, Giáo Hội là đề tài ngài yêu chuộng. Ngài phân biệt giữa “Giáo Hội hữu hình” theo phẩm trật với “Giáo Hội vô hình” có tính cách huyền nhiệm, song ngài mạnh mẽ khẳng định Giáo Hội là một, được xây dựng trên Phêrô.
Ngài không bao giờ thôi lập đi lập lại rằng “ai từ bỏ Ngai Tòa Phêrô là nền tảng của Giáo Hội, thì sống trong ảo tưởng là họ vẫn còn thuộc về Giáo Hội” (“Mối Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo”, 4).
Thánh Cyprian biết rõ ràng và mạnh mẽ nói rằng “không có ơn cứu độ ngoài Giáo Hội” (Thư 4,4 và 73,21), và “ai không có Giáo Hội làm mẹ của mình thì cũng không thể nào có Thiên Chúa làm Cha của họ” (“Mối Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo”, 4).
Mối hiệp nhất là một đặc tính b ất khả vãn hồi của Giáo Hội, được biểu hiệu nơi tấm áo không vết nối của Chúa Kitô (ibid, 7): một mối hiệp nhất, như ngài nói, tìm thấy nền tảng của mình nơi Thánh Phêrô (ibid. 4) và được hoàn toàn nên trọn nơi Thánh Thể (Thư 63,13).
Thánh Cyprian kêu gọi: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một Đức Kitô duy nhất, một Giáo Hội duy nhất, một đức tin duy nhất, một dân Kitô Giáo duy nhất được liên kết mạnh mẽ bởi chất xi-m ăng hòa hợp; và là những gì tự bản chất không thể bị phân chia” ("The Unity of the Catholic Church," 23).
Chúng ta đã nói tới những tư tưởng của ngài về Giáo Hội, nhưng chúng ta đừng quên, cuối cùng, những giáo huấn của ngài về cầu nguyện nữa. Tôi đặc biệt thích cuốn sách “Kinh Lạy Cha” của ngài, một cuốn sách đã giúp tôi hiểu biết hơn và cầu nguyện “Kinh Chúa Dạy” tốt đẹp hơn. Thánh Cyprian dạy rằng chính nơi Kinh Lạy Cha này mà Kitô hữu được cống hiến cách thức nguyện cầu đúng đắn; và ngài nhấn mạnh rằng kinh nguyện này được đọa ở thể số nhiều “để ai nguyện cầu kinh này thì không chỉ nguyện cầu một mình”.
Ngài viết rằng: “Kinh nguyện này của chúng ta là một kinh nguyện công khai và cộng đồng, và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta nguyện cầu chẳng những cho chính chúng ta mà còn cho toàn thể dân chúng nữa, vì chúng ta là một với dân chúng” (“Kinh Nguyện Của Chúa”, 8).
Nhờ đó, kinh nguyện cá nhân và phụng vụ được trình bày một cách liên kết chặt chẽ với nhau. Mối hiệp nhất này được dựa vào sự kiện là cả hai đều đáp ứng cùng Lời Chúa. Kitô hữu không nói “Lạy Cha của con” mà là “Lạy Cha chúng con”, cho dù ở ngay nơi thầm kín trong phòng riêng của họ, vì họ biết rằng họ là phần tử của một Thân Thể duy nhất ở trong tất cả mọi nơi và tất cả mọi hoàn cảnh.
Vị giám mục Carthage viết: “Vậy hỡi những người huynh đệ yêu dấu nhất của tôi, chúng ta hãy cầu nguyện, như Thiên Chúa là sư phụ đã dạy chúng ta. Nó là một kinh nguyện thân tình và tin tưởng để nguyện cầu cùng Thiên Chúa bằng những gì Ngài dạy, dâng lên tai của Ngài lời nguyện cầu của Chúa Kitô. Chớ gì Cha nhận ra những lời lẽ Con của mình khi chúng ta dâng lời nguyện lên Ngài: để Đấng ẩn ngự trong tâm linh cũng hiện diện cả ở nơi tiếng nói… Ngoài ra, khi chúng ta nguyện cầu, chúng ta cần phải thực hiện đường lối nói và cầu, một cách triệt để, giữ thinh lặng và tỏ ra sẵn sàng. Chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta đang ở trước ánh mắt của Thiên Chúa.
“Cần làm hài lòng ánh mắt thần linh bằng cả nơi thái độ bầ ngoài lẫn cung điệu của tiếng nói…. Và khi chúng ta qui tụ lại với anh chị em để cử hành hy tế thần linh với một vị linh mục của Thiên Chúa, chúng ta cần phải làm như thế bằng một niềm kính sợ tôn nghiêm và nghiêm chỉnh, không tung kinh nguyện của mình ra theo chiều gió, cũng không dài dòng dâng lời thỉnh nguyện lên Thiên Chúa cần phải được trình bày một cách điều độ, vì Thiên Chúa không lắng nghe tiếng nói mà là con tim (‘non vocis sed cordis auditor est’)” (3-4).
Những lời này vẫn còn hiệu lực cho cả ngày nay cũng như thời ấy, và chúng giúp chúng ta cử hành tốt đẹp phụng vụ thánh.
Không thể phủ nhận được là Thánh Cyprian thuộc về nguồn mạch của truyền thống phong phú thần học tu đức là khoa thần học coi “con tim” là nơi đặc biệt của việc nguyện cầu. Theo Thánh Kinh và Các Vị Giáo Phụ thì con tim thực sự là cốt lõi của con người, nơi Thiên Chúa ngự. Cuộc hội ngộ xẩy ra ở đó là nơi Thiên Chúa nói với con người và con người lắng nghe Thiên Chúa; ở đó con người nói với Thiên Chúa và Thiên Chúa lắng nghe con người; tất cả những điều này xẩy ra nhờ Lời Thần Linh duy nhất. Chính theo chiều hướng này mà, âm vang Thánh Cyprian, Smaragdus, đan viện phụ đan viện Thánh Michael, vào đầu thế kỷ thứ chín, đã chủ trương rằng cầu nguyện “là công việc của con tim, chứ không phải của môi miệng, vì Thiên Chúa không nhìn đến lời nói mà là con tim của kẻ nguyện cầu” (Diadem of the Monks, 1.)
Chúng ta hãy có “con tim lắng nghe” được Thánh Kinh và các Giáo Phụ nói tới này (x 1Kgs 3:9): Chúng ta cần đến nó biết bao! Chỉ cho tới lúc ấy chúng ta mới có thể hoàn toàn cảm nghiệm được Thiên Chúa là Cha của chúng ta và Giáo Hội, Người Hiền Thê của Chúa Kitô, thuưc sự là Mẹ của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/6/2007
? Biến Cố Fatima 13/6/1917: Thánh Mẫu Sứ Vụ
Biến Cố Diễn Tiến:
- Bà muốn con làm gì?
- Ta muốn các con tới đây vào ngày 13 tháng tới, các con hãy cầu kinh Mân Côi hằng ngày và hãy học để đọc chữ. Sau này Ta sẽ nói cho các con Ta muốn gì?
- Con xin ơn khỏi bệnh cho một người
- Nếu ông ta ăn năn trở lại, ông sẽ được chữa lành trong năm nay.
- Con xin Bà đem chúng con về trời!
- Được, Ta sẽ sớm đem Giaxinta và Phanxicô về. Phần con cần phải ở lại thế gian lâu hơn. Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến. Người muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
- Con ở lại một mình hay sao?
- Không đâu con! con buồn lắm phải không? Đừng có thất vọng! Mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa.
Nói xong, Đức Mẹ mở tay ra như lần trước, làm 3 em cảm thấy các em được chìm ngập trong Chúa. Phanxicô và Giaxinta chìm vào ánh sáng chiếu lên trời, còn Lucia vào ánh sáng chiếu xuống đất. Phía trước bàn tay Mẹ là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bị gai cuốn chọc thủng cần được đền tạ. Đây là lần đầu tiên Mẹ Maria tỏ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ra cho loài người thấy qua 3 em Thiếu Nhi Fatima.
Biến Cố Ý Nghĩa:
1) Dấu báo hiện ra: Vào lần hiện ra thứ hai này, chúng ta thấy địa điểm hiện ra, dấu báo hiện ra và hình thể hiện ra cũng giống hệt như lần thứ nhất và những lần còn lại sau đó. Ở đây có một cái lạ là cứ trước lúc Mẹ Maria hiện ra vào buổi trưa thì lại xẩy ra những tia chớp như sắp sửa có mưa. Còn lần hiện ra với chị Thánh Catherine Labouré ở Balê ngày 27/11/1830 thì dấu báo là tiếng động vang lên sột soạt của một bộ áo lụa, và ở Lộ Đức thì dấu báo lần Mẹ hiện ra lần đầu 11/2/1858 với chị Thánh Bernadette là tiếng động nổi lên như có giông tố. Phải chăng dấu báo cho 6 lần Mẹ Maria hiện ra ở Fatima ám chỉ tình hình thế giới và loài người đang càng ngày càng trở nên u ám ảm đạm, đến nỗi, vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, một trận mưa tầm tã đã trút xuống trái đất, hình ảnh của một trận hồng thủy thời Noe Thiên Chúa đã giáng xuống trừng phạt con người hư đốn tội lỗi. Tuy nhiên, trận mưa tầm tã lầy lội này đã chấm dứt trước khi Mẹ Maria hiện ra lần cuối và sau khi Mẹ biến đi là hiện tượng mặt trời nhẩy múa xẩy ra trên không trung. Phải chăng việc Mẹ Maria hiện ra, sau dấu báo của những tia chớp sắp sửa có mưa, là những gì ám chỉ Mẹ đến mang lại cho thế giới và nhân loại đang lo âu và thất vọng (như tình hình Thế Chiến I kéo dài đã 3 năm bấy giờ cho thấy) tràn đầy ánh sáng “vui mừng và hy vọng”.
2) Mệnh Lệnh Fatima thứ nhất: “hãy cầu kinh Mân Côi hằng ngày”. Trong ba Mệnh Lệnh Fatima, theo thứ tự thì việc Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày là Mệnh Lệnh đầu tiên. Bởi vì, ngay từ lần đầu tiên, khi hai mệnh lệnh kia chưa được đề cập tới, thì Mẹ Maria đã đề cập đến mệnh lệnh này rồi. Chưa hết, sau đó, cứ mỗi lần hiện ra là mỗi lần Mẹ lập lại mệnh lệnh “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày” này. Ở đây, chúng ta để ý đến 3 điểm chính yếu liên quan đến, hay được chất chứa trong, lời Mẹ Maria kêu gọi thực hiện Mệnh Lệnh Fatima thứ nhất là Lần Hạt Mân Côi này.
Thứ nhất, Mẹ Maria không kêu gọi là “hãy đọc Kinh Mân Côi” (say Rosary), mà là “cầu Kinh Mân Côi” (pray Rosary). Bởi vì, Mẹ chú trọng đến chính cốt lõi của việc cầu nguyện là tấm lòng của con người, vì cầu nguyện chính là tác động con người bộc phát hay bày tỏ nỗi khao vọng thần linh của con người. Nếu chúng ta “cầu Kinh Mân Côi” bằng cả tâm hồn của mình, chúng ta mới thực sự “cùng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (ĐTC GPII, Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 3). Nhờ đó, chúng ta mới chứng tỏ chúng ta thật sự khao khát sống đức tin đầy ơn phúc như Mẹ Maria, một đức tin có sức đồng công cứu chuộc.
Thứ hai, đó là “hằng ngày”. Có cái vừa lạ vừa hay là Mẹ Maria không buộc hay không đòi chúng ta phải cần Kinh Mân Côi bao nhiêu mỗi ngày. Mẹ hoàn toàn để tùy lòng và tùy hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, Mẹ quả thực muốn chúng ta và kêu gọi chúng ta “hãy cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”, chứ không phải hai ngày một lần, hay một tuần một lần, hoặc một tháng một lần, hay thỉnh thoảng một lần, hoặc hứng thì làm không hứng thì thôi. Một số có thói quen đọc tối thiểu 3 kinh trước khi đi ngủ, hay khá hơn với 1 chuỗi 50 kinh, thậm chí có thể lên tới cả 1 tràng 200 kinh, như vị Giáo Hoàng Totus Tuus của Mẹ là Đức Gioan Phaolô II. Ngài có thể nói là bận bịu hơn chúng ta rất nhiều, trong khi chúng ta thường viện lý không có giờ để “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”, nhưng lại có giờ để làm những việc ưa thích và cho là ưu tiên, như xem truyền hình, phim bộ...
Thứ ba, lời Mẹ Maria kêu gọi “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày” còn liên quan đến vấn đề “hòa bình thế giới” nữa. Đó là lý do, ngoại trừ lần 2, 4 và 6, Mẹ Maria chỉ kêu gọi trống là “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”, còn các lần khác, bao giờ Mẹ cũng thêm, “để chấm dứt chiến tranh” (lần 5) hay “để cầu cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh” (lần 1 và 3). Sở dĩ Kinh Mân Côi và tình trạng hòa bình thế giới có liên quan mật thiết với nhau là vì quyền lực lịch sử của Kinh Mân Côi cũng như vì quyền lực cứu độ của Kinh Mân Côi, nơi nguồn gốc của chính Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Vì ngay từ đầu lễ này đã được gọi là Lễ Đức Mẹ Thắng Trận, như ĐTC Lêô XIII, trong Thông Điệp Supremi Apostolatus ban hành ngày 1/9/1883, đã nhắc đến sự kiện ấy.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Từ Một Tín Đồ Anh Giáo trở thành Vị Lãnh Đạo Công Giáo
(tiếp 12 Thứ Ba)
Vấn: Ngài cũng là một dẫn giải viên nổi tiếng về những vấn đề phụng vụ. Giữa tất cả những lo âu về những đổi thay nơi phụng vụ và thiếu tôn trọng các qui tắc của Giáo Hội, ngài nghĩ chúng ta có thể làm thế nào để phục hồi được cảm quan linh thánh nơi phụng vụ, đồng thời làm cho phụng vụ thu hút cái tâm thức thường thấy các lễ nghi là những gì tẻ nhạt và cứ tái đi diễn lại vậy thôi?
Đáp: Đôi khi tôi tiếc đã không viết những cuốn sách về phụng vụ. Có một số điện thư tôi nhận được hết sức lạ lùng. Thế nhưng tôi yêu chuộng phụng vụ, và phần lớn vì phụng vụ mà tôi “đã hồi cư” Công Giáo.
Đó là lý do tại sao tôi hết sức buồn tiếc về những thứ lạm dụng phụng vụ hay tính cách hoàn toàn lười lĩnh về phụng vụ ở những nơi khác nhau. Trước những thứ lạm dụng này tiếp tục diễn ra, tôi tin rằng chúng ít xẩy ra hơn, và tôi thấy được những dấu hiệu của niềm hy vọng, đặc biệt là qua nhãn quan phụng vụ và vai trò lãnh đạo của Đức Biển Đức XVI.
Ngài đưa chúng ta vượt ra ngoài những kỹ thuật, những chi tiết và những vấn đề, và ngài dẫn chúng ta đi sâu vào “tinh thần của phụng vụ”. Nhãn quan tuyệt vời của Công Đồng Chung Vaticanô II là nhãn quan về một thứ phụng vụ liên kết đất với trời, việc tôn thờ của nhiệm thể.
Đức Thánh Cha của chúng ta hiểu rõ điều này và khéo léo dẫn giải nó. Cảm quan về sự linh thánh từ từ đang trở lại. Những người Công Giáo trẻ trung là chứng từ cho chiều hướng này.
Tôi hân hoan trước viễn cảnh của những bản văn thực sự, xứng đáng và chính xác cho Thánh Lễ bằng Anh ngữ, và việc canh tân này đang lan tràn đến tất cả mọi ngôn ngữ.
Tôi cũng không chắc lắm về vấn đề có nhiều người thấy những thứ lễ nghi là những gì “tẻ nhạt và tái đi diễn lại”. Tôi nghĩ đã từng có phản ứng về cụm từ này, khi các thứ lễ nghi được thực hiện rất ư là “ý nghĩa” đến nỗi trở thành như là những thứ trình diễn, một thứ phương sách mua vui về phụng vụ.
Dân chúng tìm kiếm tính cách bền vững nơi việc phụng thờ, và đó là vấn đề các hình thức phụng vụ nhất định nơi việc tôn thờ của Công Giáo ở Đông lẫn Tây tác dụng nơi đời sống của chúng ta.
Vấn:
Đức Biển Đức XVI đã đặc biệt đề cập tới Úc Đại Lợi, cùng với một số quốc gia
Tây phương khác, như là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng vấn đề tục hóa
nhất và suy yếu trong Giáo Hội. Ngài thấy đâu là ưu tiên cho Giáo Hội ở Úc Đại
Lợi trong việc đối đầu với tình trạng này?
Đáp: Phải, vấn đề tục hóa đang thịnh hành ở Úc Đại Lợi. Tôi mới tham dự một cuộc đối thoại với những người tin lành và những người giáo phái Thánh Linh về vấn đề này, một vần đề trở thành mối quan tâm cho tất cả mọi Kitô hữu.
Tiến trình tục hóa này, và thứ ý hệ của chủ nghĩa tục hóa, đã đột nhập nhiều vào gia đình của chúng ta cũng như vào đời sống của nhiều cá nhân. Thế nhưng, nó chỉ là một thứ thách đố chúng ta cần phải đối diện, trong những hình thức ngoại giáo khác, nơi những xã hội khác ở quá khứ.
Ở Úc Đại Lợi, chúng tôi cần củng cố Giáo Hội bằng cách chú trọng tới hai vấn đề: huấn luyện các linh mục và cổ động ơn kêu gọi, và điều chỉnh sâu xa vấn đề giáo dục đạo giáo và giáo lý.
Tôi đã dấn thân vào lãnh vực thứ hai này từ khi tôi từ Rôma trở về 10 năm trước. ĐHY George Pell đã bổ nhiệm tôi làm đại diện giám mục cho vấn đề giáo dục đạo giáo ở Melbourne, và là chủ biên của một bộ 13 tập sách giáo khoa học đường tựa đề “Nhận Biết, Tôn Thờ và Yêu Mến”.
Là một vị giám mục, tôi sẽ tiếp tục hoạt động nơi ngành này với ĐTGM Denis Hart, một vị lãnh đạo truyền đạt biết được đâu là những thứ ưu tiên. Giờ đây chúng tôi thấy n hững sách giáo khoa này được phổ biến khắp Úc Đại Lợi vì chúng “đặt thịt bò vào lại bên trong cặp bánh kẹp thịt” – một cách thu hút, sáng tạo.
Vấn đề huấn luyện và giáo dục, đó là những gì then chốt cho thừa tác vụ gia đình, cho việc tái sinh động giáo xứ, và sẽ trở thành hiển nhiên tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney vào năm tới.
Trái lại, vấn đề huấn luyện và giáo dục dẫn tới một “cuộc truyền bá phúc âm hóa mới”, một cuộc truyền bá, bỏ ra ngoài tất cả những tranh cãi về chi tiết, thực sự nhắm đến chỗ hoán cải thành phần vô tín ngưỡng trở về với Chúa Giêsu Kitô và với Giáo Hội của Người. Nhờ việc đào luyện thành phần Công Giáo tốt hơn, là chúng ta có thể thực thi một sứ mệnh đối với những người khác rồi vậy.
Rất nhiều người “trần thế” đang đói khát Thiên Chúa, cho dù họ không biết cái đói này. Thế nhưng, không được huấn luyện chúng ta có ít ỏi để cống hiến cho họ.
Tuy nhiên, khi tất cả đã được nói tới và thực hiện rồi, người Công Giáo chúng ta vẫn cần phải đáp ứng tặng ân cao cả nhất của Công Đồng Vaticanô II nữa, đó là ơn gọi nên thánh phổ quát. Đó là cách chúng ta đáp ứng và biêná đổi một thế giới bị tục hóa, bằng đời sống thiêng liêng sâu xa của bản thân, bằng việc kết hiệp với trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu.
Vấn: Chúng ta thường có khuynh hướng tập trung vào mặt tiêu cực. Ngài nghĩ gì về một số bước tiến tích cực được Giáo Hội và các tổ chức dòng tu thực hiện trong mấy năm gần đây ở Úc Đại Lợi?
Đáp: Những phong trào về đời sống thiêng liêng đã gia tăng ở Úc Đại Lợi, với những đặc sủng khác nhau của mình, những linh đạo và những đường lối phản ảnh tính cách khác biệt song xây dựng mối hiệp nhất theo cơ cấu của Giáo Hội. Không một phong trào nào trong số này là tuyệt diệu hết, tuy nhiên, cùng nhau họ đang tái tạo nên những thánh phần lớn của Giáo Hội.
Điều này cũng trở thành hiển nhiên nơi Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tôi cũng thấy được mối quan tâm sâu xa về sự công bình xã hội như là một đóng góp chính yếu mà Giáo Hội ở Úc Đại Lợi đã thực hiện cho đời sống của quốc gia chúng tôi, ngoài ra, cả ở Đông Timor và Quần Đảo Thái Bình Dương nữa. Công Giáo Úc Đại Lợi có một di sản lớn lao về công lý mà việc làm và hoạt động được căn cứ vào giáo huấn về xã hội của Giáo Hội.
Đó là một cách thức khác để thấm nhập vào một xã hội rất thịnh vượng nhưng bất định – và nhát sợ. Chúng tôi mang lại mức quân bình và khôn ngoan của các nền văn hóa Kitô Giáo trong quá khứ cho xã hội của chúng tôi ngày nay. Úc Đại Lợi là một xã hội đã chủng đang đổi thay, từ thành phần Úc bản xứ qua những triều sóng mới tị nạn và di dân tìm kiếm đời sống mới ở đất nước của chúng tôi.
Thế nhưng, đây là một mảnh đất hy vọng, được những thám hiểm gia Công Giáo đặt tên cho từ nhiều thế kỷ trước đây – Mảnh Đất Đại Nam của Thánh Thần.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 10/6/2007